Thursday, February 23, 2023

“Trèo lên cây bưởi…” - Phan Nhật Nam -

Hình minh họa: pexels-ratul-chakraborty
Dẫn Nhập.

Chúng tôi, những người sinh ở thập niên 40’s của thế kỷ trước, và những thế hệ trước hoặc sau hẳn ai cũng cũng từng nghe, đọc (thuộc) những câu ca dao: “Trèo lên cây bưởi hái hoa. Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân… Em lấy chồng rồi, anh tiếc lắm thay..” Và hầu như ai cũng (rất) bằng lòng về tình trạng “cô nàng đi lấy chồng- Anh chàng bị thất tình kia chỉ biểu lộ nỗi niềm thương tiếc nhẹ nhàng, vừa phải..”. 

Sinh trưởng, lớn lên, quen dần tinh thần, tâm lý cam chịu mất mát kia, những thế hệ người Việt (nếu) có nghĩ đến thì (cứ) coi như một mối thương tâm, thường tình tất nhiên! Tuy nhiên, cuối đời, suy nghĩ so sánh lại, người viết thấy ra: Nói vậy mà không phải là vậy – Mối mất mát ấy không chỉ giới hạn trong tình yêu trai gái mà là phản ảnh một tâm thức sâu xa mạnh mẽ hơn: Tâm thức của người bị phụ bạc/Cũng là người gây nên tình cảnh phụ bạc ngang trái thương đau. Bài viết dẫn chứng từ lịch sử, đời sống có thật từ, của Con Người – Những Người Việt Nam đã, đang sống cùng, nói đến. 

Một. 

Hai anh chị trẻ tuổi chịu cảnh lỡ làng, ngang trái trong câu ca dao “Trèo lên cây bưởi..” không phải bất ngờ vô cớ xuất hiện! Tình cảnh nầy đã được chuẩn bị rất xa từ huyền sử/lịch sử nước Nam lúc còn trong giai đoạn khuyết sử: Chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy với nhân vật huyền sử Mỵ Châu, con gái An Dương Vương Thục Phán, vua  nước Âu Lạc. Do Mỵ Châu đã tiết lộ thông tin quân sự (Chuyện Nỏ Thần) cho chồng là Trọng Thủy, con của Triệu Đà, đối thủ của Thục Phán. 

Truyền thuyết về Mỵ Châu-Trọng Thủy có thêm một chi tiết mang kịch tính cao độ, Mỵ Châu rải lông ngỗng cho chồng theo dõi, tìm kiếm khi cô công chúa chạy trốn cùng cha khi Thục Phán thất trận trước quân Triệu Đà (vì mất nỏ thần). Từ đây, huyền sử thuộc giai đoạn cổ đại của nước Nam đã cho thấy ra một điều: Tính bi thảm, cách lừa lọc của “cuộc tình sơ khởi” của Dân Việt/Lạc Việt không là một điều bất ngờ, ngẫu nhiên.

Hình minh họa: pexels-văn-long-bùi

Chẳng phải tình ái của hàng ngũ cầm đầu tộc, bộ lạc, đơn vị gọi là “nước” mà ngay giữa chốn nhân gian cũng bàng bạc bao điều thương tâm, ngang trái: Chuyện Trầu – Cau với bi kịch của hai anh em Tân, Lang; chuyện ba vợ chồng Táo chết thảm khốc trong lửa.

Nhưng không chỉ có thế, từ huyền sử xa xôi, cổ tích truyền khẩu xa xôi kia đến tận thế kỷ 20, trong thơ văn trước, sau 1945 đã vang vọng những lời khóc than bi thảm, điển hình với Nguyễn Bính trong “Lỡ Bước Sang Ngang”: .. Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng. Người ta: Pháo đỏ rượu hồng. Mà tâm hồn chị: Một vòng hoa tang!!. 

Cô nàng 17 tuổi của Nguyễn Bính không “khóc” một mình mà có rất nhiều người đồng cảnh ngộ, hoặc khác hơn chút nhỏ chi tiết, nhưng đại khái vẫn là mối oan khiên của một cô nàng không toại chí/không lấy (được) người yêu thương: “.. Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời. Ái ân lạt lẽo với chồng tôi. Mà từng thu chết, từng thu chết. Vẫn giấu trong tim bóng một người…” qua bi kịch của “Hai Sắc Hoa Ti-gôn”, T.T.Kh. đã khóc hộ cho bao người cam phận “sống bên cạnh người chồng (không) yêu thương”

Quý độc giả lưu ý: Lần khóc than vật vã của cô nàng 17 tuổi trong thơ Nguyễn Bính; của người vợ trẻ vừa qua tuổi 20 trong Hai Sắc Hoa Ti-gôn của T.T.Kh. phải “.. vẫn đi bên cạnh cuộc đời với từng mùa thu chết..” không chỉ xảy ra nơi Hà Nội, ở Việt Nam trước, sau 1945 mà đã là một “thảm kịch chiếm tầm vóc thế giới” với Un Amour Secret/Mối Ẩn Tình của Arvers.. “Mon âme a son secret, ma vie a son mystère..” được Khái Hưng chuyển sang Việt Ngữ một cách tài hoa: “Lòng ta chôn một khối tình. Tình trong giây phút mà thành thiên thu. Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu..” 

Không ngừng ở đây, lần “khóc thảm” tình ái nầy (vẫn) dội đến sau 1954 nơi Miền Nam, mà phải đến 1960 mới tàn lụi để nhường chỗ cho những mối “tình đau thương/phản kháng/hiện sinh” của một thế hệ người viết/đọc khác – Thế hệ của Túy Hồng, Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng… với đe dọa có thật gọi là “chiến tranh” – Nhưng đây là một chủ đề khác không thuộc chủ điểm của bài viết nầy. 

Hai. 

Cũng cần nêu thêm khía cạnh: Gã đàn ông bị khinh thị/coi thường (trong hệ thống (bị) phụ bạc trình bày ở phần Một) cũng có lúc trả thù lại không “thương tiếc” với cách tàn nhẫn:Thôi thế là em đã có chồng. Anh về lấy vợ thế là xong. Tạm lấy cho đêm đỡ lạnh lòng!” Chúng tôi không rỗi công bày đặt chuyện “chữ nghĩa”, vô cớ chẻ sợi tóc ra làm tư, làm tám, nhưng từ sự việc, con người vừa kể ra từ Tây qua Đông (trong phần Một) đã cho thấy ra một quá trình tâm lý phổ quát: Con Người – Tất cả Con Người đã được/bị TẬP LÀM QUEN SỰ KHINH MIỆT ĐỐI VỚI BẢN THÂN CON NGƯỜI – Không trừ một ai trong ấy có mỗi người Việt Nam. 

Từ The Times of Indifference/Thời Đại của Sự Dửng Dưng của Alberto Moravia đến L’Étranger/Người Khách Lạ của Albert Camus (*): Màn khinh miệt con người toàn diện, cùng khắp thể hiện qua chữ nghĩa, văn học, triết học trên phạm vi toàn cầu – Con Người/Tất cả Con Người bị khinh miệt mỗi nơi một cách, một cường độ khác nhau – Khinh miệt ngay từ bản thể, trong (tự) định giá bản thân và tha nhân.

Vì đã có một thời kỳ rất lâu, từ châu Âu qua châu Mỹ, tràn châu Á câu thần chú của J.P. Sartre: “Địa Ngục là Kẻ Khác/L’enfer: C’est L’Autre đã hướng dẫn rất đông con người địa cầu trong một thời gian dài – Rất dài – Dài đến hôm nay, thế kỷ 21 cụ thể rõ ràng tại Mỹ, xứ sở văn minh kỹ thuật đạt tới điểm cao nhất với “thời trang” rách rưới xé nát; những ý niệm đạo đức tôn giáo, xã hội bị vất bỏ; giá trị lịch sử, dân tộc bị coi khinh, phá hủy…

Hình minh họa: pexels-sheep

Từ những vong thân tệ hại kể trên, chúng ta thấy ra điều cốt lõi: Tại sao Con Người bị khinh miệt – Bởi Thượng Đế đã bị giết – Thượng Đế bị thanh toán từ thế kỷ 19 từ (mối) nghi hoặc trong tiểu thuyết của Dostoevsky (1821-1881) đến khẳng định của Nietzsche (1844-1900): Thượng đế đã chết! Hiện thực với Chủ Thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin (1809-1882) bằng “vũ khí kính hiển vi” của thế kỷ 19 có khả năng nhận dạng được vi trùng.

Darwin không hề có kiến thức cơ học về quá trình tiến hóa; cũng chưa hề thấy ra diễn tiến của quá trình tiến hóa trong thiên nhiên – Tất cả chỉ là lý thuyết – Mà càng ngày càng lộ rõ thô thiển, sai lạc bởi khả năng tiến bộ trong lãnh vực sinh-lý-hóa của thời đại khoa học lượng tử hôm nay! 

Tóm lại, từ chữ nghĩa, triết học, văn học, khoa học của thế kỷ 19 đã vang vang một đắc thắng (tai hại/tai họa) của phận người qua cách (tự) đánh giá đầy kiêu hãnh: Tôi là kẻ VÔ THẦN! của lớp lớp thành phần gọi là “trí thức phản kháng” Âu Mỹ suốt hai thế kỷ trước cho tới hiện nay, thế kỷ 21.

Đến đây có thể kết luận: Không phải là vấn đề chữ nghĩa lãng mạn/ái tình trai gái/đời sống vợ chồng như phần Một đã bàn đến, nhưng do từ quá trình con người bị/tự khinh miệt, đặt bản thân vào vị thế bị thất bại/bị đánh lừa đưa đến Tình thế Vong Thân Chính Trị với tai họa có thật gọi là Chiến tranh – Chủ Nghĩa Cộng Sản – mà Con Người/Người Việt Nam không có khả năng thanh toán lật đổ. Việt Nam, nơi đất lửa nhận đủ vô lượng bom đạn của Chiến tranh và Sự Ác Cộng Sản từ 1945 mãi đến hôm nay. 48 năm sau ngày 30/4/1975. Chúng tôi tiếp trình bày phần thứ Ba.

Ba.  

Sau kết thúc Quốc Dân Đại Hội tại đình làng Tân Trào, Huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang ngày 16/8/1945, để chuẩn bị cho lần “cướp chính quyền” tại Hà Nội, 19 Tháng 8; ông Hồ bế lên một em bé (hình còn lưu giữ, được quảng bá rộng rãi) và có lời trang trọng: “Đời tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng như em bé nầy có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Hơn 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị (?), các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo từ các địa phương trong cả nước (??) và Việt Kiều ở Thái Lan, Lào (Sic!) về dự đại hội họp ai cũng cảm động, có người bật khóc vì lời nói chí nhân.

Bảy-mươi bảy năm sau, 31 Tháng 12, 2022, cũng 48 năm sau ngày “giải phóng Miền Nam”, 30 tháng 4, 1975 xẩy ra sự việc cháu Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi chết thảm ở Đồng Tháp. Nhưng không chỉ có thế, bởi từ năm 1945, 1946 xa xôi kia; trước, sau 1954 nơi Hà Nội ở đất Bắc; sau 1975 khắp cả nước những chuyện thương tâm/bình thường luôn xẩy ra hằng ngày với con trẻ.

Hình minh họa: pexels

30 Tháng 4, 1975, bốn quân đoàn Cộng sản Bắc Việt gồm 16 sư đoàn bộ đội chính quy tập trung đánh vào Sài Gòn, gồm thâu đất nước thành một mối – Một mối hận thù. Một mối đau thương (thơ Nguyễn Chí Thiện). Từ đấy hình thành chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, sạch bóng quân xâm lược Mỹ, đánh tan tập đoàn Ngụy Quân-Ngụy Quyền.

Toàn Miền Nam, điển hình ở Sài Gòn thành phần thắng trận, lực lượng quân sự đến từ Hà Nội hiện thực “quyền cướp của/quyền giết người” nhằm xây dựng sự nghiệp “Vì độc lập. Vì tự do. Vì hạnh phúc đời đời con cháu mai sau!!”. Và một bên, tập thể những người trần trụi tuyệt vọng, Dân-Lính của một đất nước thất trận không cơ may khoan thứ, không phương tiện chống giữ, không hy vọng thoát thân.

Đau thương hơn họ không chịu thảm họa riêng của mình mà cùng lần những thân thích ruột thịt – Những con trẻ phần đông chưa tới 10 tuổi – Con nhỏ của thế hệ đứa bé mà ông Hồ bế nơi đình Tân Trào, 16 tháng 8, 1945 với lời nhân hậu, nay trưởng thành và (nếu) còn sống sau chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” 1960-1975. 

Nầy đây, hãy nghe câu chuyện về hai con nhỏ của tử sĩ Nguyễn Văn Thuận, đơn vị sư đoàn Nhảy Dù, quê Long An: “Thằng Nô, 12 tuổi, Phát 14 tuổi cùng mẹ đi vùng kinh tế mới ở Đồng Tháp Mười, nhưng đời sống quá cực nhọc, và không đủ ăn, người mẹ dẫn hai đứa con về Sài Gòn sống lang thang.

Nô và Phát thường khoe rằng, cha chúng đi lính, mặc áo hoa rừng chết vào mùa hè 1972. Gần đến ngày giỗ cha, chúng cố “làm ăn” để có nhiều tiền để về Long An thăm mẹ. Vào một đêm nọ, hai anh em thằng Nô, Phát lặng lẽ mở nắp cống chui xuống, khoảng vài ba giờ sau sấm chớp rầm rầm, một trận mưa như vũ bão đổ ào xuống, kéo dài cho đến sớm. Bình thường, hai anh em thằng Phát vẫn ở lâu hơn bạn bè dưới cống, nhưng sao giờ nầy chúng nó vẫn chưa lên?

Thôi rồi, đám bắt cá báo động, chẳng đứa nào thấy anh em thằng Nô. Cho đến, ba mươi-ba ngày sau, một đứa khác đang lội bì bõm ở ống cống gần chợ Cầu Ông Lãnh tìm cá, bất ngờ đụng phải một cái gì giống như “trái dừa”; soi dưới ánh đèn, nó hét lớn và bỏ chạy. Nó vừa lượm một cái đầu lâu! Đội dân quân gác chợ mở cống tìm xác hai đứa nhỏ, cuối cùng chỉ nhặt được một khúc đùi đã thối rữa, và nửa thân người còn lại. Bọn trẻ nhận ra cái quần đùi màu đỏ của thằng Phát, bên trong còn ít tiền gài kim băng cẩn thận. Tiền thằng Phát để dành về quê giúp mẹ làm đám giỗ cha”. 

Không chỉ giới hạn với con trẻ, người Miền Nam, năm 2019, 39 thanh niên nam nữ Miền Bắc (sinh sau 1975), gồm trẻ vị thành niên, ra đi từ Nghệ An, sau cuộc hành trình dài (chính thức, trả giá đắt (?)) từ sân bay Nội Bài, Hà Nội, qua lãnh thổ Trung Cộng, Nga, đến Đông Âu…

Cuối cùng, nhóm người đi kiếm sống lên xe tải đông lạnh vượt biên giới vào đất Anh tại cửa khẩu Essex. 39 người trẻ tuổi dần chết do ngạt thở và khí lạnh. Báo chí nhà nước Hà Nội đưa tin “trung trực”: Chính phủ Anh lập tòa án xét xử tài xế xe tải do tội đưa người nhập cư trái phép vào Anh có sự cộng tác điều tra của công an nhân dân nhà nước Hà Nội! Song song với 39 người chết ở cửa khẩu Essex, còn có 50 người khác chết ở vùng Đông Âu (có nhiều người Việt chưa xác định danh tánh). Còn bao nhiêu người (chết thảm) khác nữa?

Chỉ biết nhóm (người Việt) tổ chức, buôn người, chuyển người trái phép đầy dẫy các cấp ở Hà Nội đến các tòa đại sứ ở Đông Âu và những nơi nào nữa? Bởi đưa người ra nước ngoài (hợp pháp và bất hợp pháp) là một chủ trương lớn của đảng mà nhà nước Hà Nội đã thâu được một số lượng kiều hối rất quan trọng – Niên khóa 2022, đảng, nhà nước thâu được 19 tỷ Mỹ kim kiều hối! 

  

Hình minh họa: pexels-jorryn-morais

Những trẻ nhỏ có tên Nô, Phát… từ những câu chuyện trên (Phan Minh Hiển-Nguyễn Văn Huy Những Mảnh Đời Rách Nát- MN, US. 1999) kể đến nay, qua thế kỷ 21 nếu còn sống đang ở độ tuổi 50, 60. Hóa ra câu chuyện ở Việt Nam/Nơi Miền Nam về những trẻ nhỏ thảm tử gần nửa thế kỷ đi qua không hề cũ, 48 năm sau ngày “giải phóng Miền Nam”.

Căn nhà xiêu vẹo hiện nay của gia đình anh Thái Văn Tấn Tài cha của Hạo Nam cho chúng ta nhận định: Đấy là hậu quả của cách cướp nhà/đất đã, đang hiện thực từ sau “đổi mới” 1986, được hợp pháp hóa nên thành một chủ trương lớn của đảng thực hiện từ Bắc xuống Nam nơi Giáo xứ Thái Hà, Dương Nội, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Nam, Thủ Thiêm, chùa Liên Trì, vườn rau Lộc Hưng..v.v. 

Và 39 người tuổi trẻ ở Nghệ An biết làm gì khác hơn khi môi trường biển, ngư trường đánh cá truyền thống bị nhà máy Formosa hủy hoại – Nhưng lại là một “Điển hình tiên tiến”, đánh giá của TBT Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm trong năm 2016. Trọng đến thăm Formosa cốt để bao che cho bí thư Nghệ An Võ Kim Cự an toàn qua Canada lánh nạn, hưởng tài sản từ “sự nghiệp tiên tiến” bán Formosa cho người Hoa.    

Kết luận: 

Cháu Thái Lý Hạo Nam chết trong lòng ống cống Cầu Rọc Sen là thế hệ thứ ba Con Trẻ Việt Nam đã chứng nhận: Lịch Sử/Lịch Sử viết và thực hiện bởi người và chế độ cộng sản là một điều bất biến của Tính Ác – Tính Ác hôm nay nơi Xã Phú Lợi, Huyện Thanh Bình, Tỉnh Đồng Tháp có xuất xứ từ cây đa Làng Tân Trào, Huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang với mục tiêu mà người gọi là  “bác Hồ” đã trang trọng tuyên hứa:  “Đời tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc..”. 

Ông Hồ không thể một mình trình diễn chuỗi trường thiên bi thảm kịch Việt Nam từ 2 Tháng 9, 1945 qua những thời điểm 1954, 1960, 1968, 1972, 1975… nhưng bởi ông ta có được một hệ thống trung ương đảng, những “học trò “ được đánh giá là “kiệt xuất” điển hình với Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ… tiếp tục, phát triển sự nghiệp. Và sau 1975 với Lê Khả Phiêu, Nguyễn Văn Linh, Nông Đức Mạnh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Tấn Dũng và hiện nay với Nguyễn Phú Trọng, giữ chức TBT nhiệm kỳ thứ ba, chủ tịch nước lần thứ hai. 

Tổng Bí thư Trọng, người thản nhiên, tự tin, tiến hành việc “đốt lò/chống tham nhũng” suốt hơn 10 năm qua thanh toán dần những đối thủ chính trị: Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, Nguyễn Tấn Dũng, và một khuôn mặt mới, Nguyễn Xuân Phúc, vừa được giữ chức chủ tịch nước chưa kịp ổn định.

Trọng không hành xử một mình, y ta lập lại cách thức gia trưởng, tổng lý, làng xã, miền Bắc của thế kỷ trước với những tay em đã thấm sâu tập quán/tâm thức vong thân chính trị mà Dân Tộc Việt đã nên quen: Tự lừa dối hoặc đánh lừa người – Dối gạt từ trái tim, tiếng nói của chính bản thân. Thói quen mà khối đông người Việt/Đảng viên đảng cộng sản Việt Nam đã bị nhiễm từ 2/9/1945, 20/7/1954, sau 30 Tháng 4, 1975 càng ngày càng nặng. Không phải chỉ là chuyện vợ chồng, trai gái, thương khóc tình ái như mới nghe qua. Hoàn toàn không phải vậy! 

Phan Nhật Nam
California, 1 Tháng 2, 2023 

Tuesday, February 21, 2023

CƠ HỘI BẢO LÃNH ĐỒNG BÀO TỊ NẠN VIỆT NAM

 Thân gởi quý anh chị để tường và nhờ phổ biến rộng rãi
Thành thật cám ơn,
Nam Lộc
CƠ HỘI BẢO LÃNH ĐỒNG BÀO TỊ NẠN VIỆT NAM
Kính thưa quý vị Lãnh Đạo Tinh Thần các Tôn Giáo,
Kính thưa quý Chủ Tịch Cộng Đồng, Cơ Quan, Đoàn Thể,
Kính thưa quý vị Doanh Gia, Chủ Nhân các Hãng, Xưởng hay Cơ Sở Thương Mại,
Kính thưa quý vị Đồng Hương,

Hơn 47 năm trước, khi 130 ngàn người tị nạn Việt Nam, và sau đó với gần một triệu thuyền nhân, quý vị HO, Con Lai, ODP hay ROVR v..v.., đặt chân đến Hoa Kỳ, thì tất cả đều đã được những người Mỹ có tấm lòng nhân ái, hào hiệp và rộng lượng đưa tay đón tiếp và bảo trợ.

Gần 48 năm sau, chính phủ Hoa Kỳ lại đưa ra lời kêu gọi và mong mỏi có 10 ngàn người Mỹ với tấm lòng nhân ái, hào hiệp và rộng lượng đưa tay đón tiếp và bảo trợ 5000 người tị nạn khốn khổ ở trên thế giới, trong đó có đồng bào ruột thịt của chúng ta.

Sau nhiều năm tranh đấu, vận động và thúc đẩy, đồng thời tiếp tay các hội đoàn và quý vị ân nhân bảo trợ hàng trăm đồng bào tị nạn đến định cư tại Canada qua diện “Bảo Lãnh Tư Nhân” tức Private Sponsorship, chúng tôi rất hân hoan thông báo đến cùng toàn thể quý vị rằng, kể từ ngày 19 tháng 1, 2023, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã chính thức quyết định mở rộng một chương trình tương tự, cũng lấy tên là “Private Sponsorship”, cho phép các nhà bảo trợ được nộp đơn bảo lãnh bất cứ người tị nạn nào đang lưu vong tại các quốc gia tạm dung, và đã nhận được quy chế tị nạn của Cao Ủy Tị Nạn LHQ, tức UNHCR. Theo tinh thần của quyết định nói trên thì xem như hầu hết đồng bào tị nạn VN của chúng ta đang sống tại Thái Lan sẽ có cơ hội được định cư tại Hoa Kỳ NẾU HỌ ĐƯỢC BẢO TRỢ QUA CHƯƠNG TRÌNH “BẢO LÃNH TƯ NHÂN” này.   

Trong niềm hy vọng đó, chúng tôi xin tha thiết kêu gọi toàn thể quý vị Lãnh Đạo Tinh Thần các Tôn Giáo, quý Cơ Quan, Đoàn Thể, quý vị Doanh Gia, Chủ Nhân các Hãng, Xưởng hay Cơ Sở Thương Mại, và quý vị Đồng Hương trong Cộng Đồng Người Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ, hãy nhỏ lòng thương xót đến hoàn cảnh khổ cực của đồng bào tị nạn của chúng ta, đang lây lất sống lưu vong và bất hợp pháp tại Thái Lan từ nhiều năm qua, để mong có dịp được đặt chân đến bến bờ tự do. Xin quý vị, mỗi người một tay, mỗi Nhà Thờ, mỗi Họ Đạo hay mỗi ngôi Chùa, xin nhận bảo lãnh cho một gia đình. Mỗi cộng đồng địa phương, hội đoàn, hay cơ sở thương mại, mỗi chủ nhân hãng, xưởng, hay mỗi cá nhân có lòng cũng sẽ làm tương tự như vậy, thì chắc chắn số gần 2000 đồng bào tị nạn của chúng ta đang vất vưởng tại các nước Đông Nam Á sẽ sớm có cơ hội định cư. Chúng ta sẽ cùng nhau khép lại trang sử thuyền nhân trong công bằng và danh dự.

Là người đã đích thân vận động cho chương trình này, đồng thời cũng là một chuyên viên phục vụ trong lãnh vực di trú và định cư trên 40 năm, và dù đã về hưu, nhưng tôi xin tình nguyện làm Phối Trí Viên để phụ giúp quý vị  thực hiện việc làm nhân ái, bảo lãnh đồng bào ruột thịt, thiếu may mắn của chúng ta để họ có cơ hội xây dựng lại cuộc đời trên đất nước tự do.

Chương trình sẽ được chia làm hai giai đoạn: 
. Giai Đoạn 1 từ nay cho đến giữa năm 2023, người bảo trợ sẽ tiếp nhận các gia đình tị nạn do Bộ Ngoại Giao HK giới thiệu. 
. Giai đoạn 2, vào thời điểm tháng 6, 2023 trở đi, thì người bảo trợ có quyền chọn lựa người mà mình muốn bảo lãnh kể cả đồng bào tị nạn VN đang tạm trú tại các nước Đông Nam Á.

Tiến trình bảo trợ rất dễ dàng và giản dị, chỉ cần quý vị ân nhân vượt qua những bước cụ thể dưới đây:

1. Rủ thêm 4 người nữa, sống trong cùng một thành phố, để thành lập một “Nhóm 5 Người” (Group of 5).
2. Hãy nhanh chóng vượt qua thủ tục kiểm tra lý lịch trên mạng: (https://app.sterlingvolunteers.com/en/Candidates/Account/Register)
3. Đề cử một người trong nhóm tham dự một buổi huấn luyện về định cư để bảo đảm sự thành công của tiến trình bảo lãnh.
4. Hoàn tất một chương trình tiếp đón (a welcome plan) khi người tị nạn đặt chân đến Hoa Kỳ: (https://welcomecorps.org/resources/welcome-plan/)
5. Bảo đảm rằng “Nhóm 5 Người” của quý vị có trong ngân hàng một số tiền là $2375.00 để sử dụng khi cần đến cho mỗi đầu người tị nạn mà chúng ta định giúp (số tiền này vừa được thay đổi thay vì $2275.00).
6. Sau cùng là điền đơn xin trở thành “người bảo trợ” (https://apply.welcomecorps.org/s/)

XIN VUI LÒNG LIÊN LẠC VỚI CHÚNG TÔI QUA ĐỊA CHỈ EMAIL: namlocnguyen@yahoo.com và cho biết số điện thoại nếu quý vị muốn tôi gọi lại để trình bầy và giải thích thêm chi tiết.

Ngoài ra quý vị cũng có thể tự tìm hiểu bằng cách vào thăm trang nhà của cơ quan phụ trách chương trình định cư qua diện “Bảo Lãnh Tư Nhân” của chính phủ Hoa Kỳ, đó là: WELCOMECORPS.ORG

Trân trọng kính chào toàn thể quý vị, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tin tức khi có bất cứ diễn tiến nào.

Nguyễn Nam Lộc
- Đại Sứ Quốc Tịch của Sở Di Trú Hoa Kỳ
- Thành viên Hội Đồng Quản Trị của Cơ Quan Thiện Nguyện USCRI
- Cựu Giám Đốc Cơ Quan Di Trú và Tỵ Nạn của Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ, Tổng Giáo Phận Los Angeles.

@Tài liệu tham khảo:
(tình cảnh của người tị nạn VN tại Thái Lan)

(chi tiết về chương trình “Bảo Lãnh Tư Nhân”)
Video Asia Video RFA VOA Tiếng Việt 

Friday, February 17, 2023

Nhắn Tin Nha Kỹ Thuật - Lê Hồng Tươi Đoàn 11 Sở Công Tác Nha Kỹ Thuật

Tôi là Nguyễn Lý Đoàn 11 Sở Công Tác muốn biết tin C/H Lê Hồng Tươi cùng Đoàn 11, xin liên lạc về: 

Phone 702-281-3781 hay 

e-mail 47lynguyen@gmail.com.

Thành thật cám ơn 

Tuesday, February 14, 2023

Thành Kính Chia Buồn cùng Chiến Hữu Đoàn Hữu Định và gia đình tang quyến.

PHÂN-ƯU

Cụ Bà Nguyễn Thị Sinh

Pháp Danh Diệu Tâm.

(1922-2023)

Thân Mẫu Chiến Hữu Đoàn Hữu Định

Nguyên Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Nha Kỹ Thuật

Đã Thất Lộc vào Thứ Hai 6 tháng 2 năm 2023
tại Centreville Tiểu Bang Virginia Hoa Kỳ
Hưởng Thượng Thọ 101 tuổi

Thành kính chia buồn cùng gia đình C/H Đoàn Hữu Định

Thành tâm cầu nguyện hương linh Cụ Bà sớm được vãng sanh và về cõi Niết Bàn.

TỔNG HỘI NHA KỸ THUẬT

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Linh Cửu Được Quàn Tại National Funeral Home 7482 Lee Highway Falls Church Virginia 22042 

Chương Trình Tang Lễ: 

Ngày Thứ Năm 16 Tháng 2 Năm 2023. 

Lễ Phát Tang: 9 giờ sáng đến 10 giờ sáng  

Thăm Viếng: Từ 10 giờ sáng đến 1:00 trưa 

Lễ Di Quan và An Táng: 1 giờ trưa



Monday, February 13, 2023

Thành Kính chia buồn cùng chiến hữu Võ Trọng Minh Đoàn 72 Sở Công Tác NKT/BTTM/QLVNCH

ĐƯỢC TIN CỤ VÕ NHỊ THỬ, SINH NĂM 1931, THÂN SINH C/H VÕ TRỌNG MINH Đoàn 72 SCT/NKT, ĐÃ MÃN PHẦN VÀO LÚC 14G30' TRƯA NGÀY 12.02.2023, NHẰM 22 THÁNG GIÊNG NĂM QUÝ MÃO, TẠI NHÀ RIÊNG, SỐ 64, ĐOÀN THỊ ĐIỂM, PHƯỜNG 4 TP ĐÀ LẠT, LÂM ĐỒNG.
HƯỞNG THỌ 93 TUỔI.
XIN THÀNH KÍNH CHIA BUỒN CÙNG C/H VÕ TRỌNG MINH VÀ GIA ĐÌNH TANG QUYẾN.

Chánh Trần, C/Úy Long và Võ Trọng Minh Đoàn 72

Tuesday, February 7, 2023

Thành tâm chia buồn cùng chiến hữu Đặng Văn Tú và gia đình tang quyến.


Kính quý Niên Trưởng và Quý Anh Chị,

Hôm qua 2/3/2023 tại Seattle chúng tôi nhận được tin buồn, chị ruột của Chiến Hữu Đặng Văn Tú Đoàn Công Tác 71 SCT/NKT vừa mất tại Orange County California.
Thay mặt Tổng Hội Nha Kỹ Thuật thành tâm chia buồn cùng chiến hữu Đặng Văn Tú và gia đình tang quyến.
Nguyện xin Hương Linh Chị Đặng Thị Bích sớm siêu thoát nơi miền cực lạc.

Phạm Hòa THT/THNKT


Binh Mai <binhxmai@gmail.com>
To:Pham Hoa
Tue, Feb 7 at 2:10 AM
Xin được chia buồn với anh Tú và gia đình!
cầu chúc chị sớm yên vui nơi miền cực lạc!

 

Saturday, February 4, 2023

Đoàn 1/Sở Liên Lạc… Những Ngày Cuối.

Bài viết đã phổ biến (trên 10 năm) ghi lại chiến trường Phan Rang, có sự tham dự của Đòan 1 (cùng BTL tiền phương QĐ3/QK3, cùng ít đơn vị QL. tái phối trí chống giữ).

Hôm nay, tin Đ/úy Đặng Bá Lộc (thuộc Đ1/SLL) vừa mới biết tin. Thiết nghĩ cũng nên phổ biến (bài viết này, trong gia đình NKT mình) đến đón mừng một ch/h (trở về từ cỏi chết, sau chuyến "du hành" Hoàng Liên Sơn trên 4 năm). 

Đoàn 1/Sở Liên Lạc… Những Ngày Cuối.

(Đây chỉ là một mẩu truyên ký. Vì thời gian khá lâu (sau 36 năm), có thể theo sự “nhớ” không được chính xác. Nếu có gì sơ xuất, xin lượng thứ.)

Sau khi đi họp ở Quân đoàn 3 (QĐ3) (ngày 5/4/1975) trở về, thiếu tá Tống Hồ Huấn (Chỉ huy trưởng Đ1/SLL) triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, giới hạn chỉ một số các sĩ quan trưởng Ban và Liên toán thám sát để truyền lệnh: Phối họp hành quân tại giới tuyến Phan Rang (Ninh Thuận). Mục đích: tìm hiểu tin tức, ngăn chặn địch quân trên đà tiến chiếm miền Nam.

Đoàn 1/SLL có một ngày chuẩn bị, và toàn bộ sẽ lên đường vào ngày mốt (7/4/1975).

Như vậy là đã rõ. Một cuộc họp hành quân (chỉ trong vòng một giờ) đã nói lên khá đủ và biết những gì một đơn vị “Lôi Hổ” cần làm.

Đoàn 1 thuộc Sở Liên lạc, trực thuộc Nha Kỹ Thuật/ Bộ Tổng Tham Mưu /QLVNCH là một trong ba đơn vị gọi là “xung kích” đảm trách hành quân thám sát vùng giới tuyến quân khu 1, vùng biên giới Việt Lào. Nói chung là nơi vùng địa đầu từ trên một thập niên qua, vì nhu cầu chiến trường. Và kể từ năm 1972 (sau khi quân Mỹ đã rút đi), Đoàn 1/ SLL được điều động vào Nam, hoạt động trên địa bàn vùng 3 Chiến thuật.

Hành quân tăng phái cho các đơn vị thuộc các sư đoàn và tiểu khu trực thuộc quân khu 3, Đoàn 1/SLL như một kẻ “làm dâu trăm họ”. Nơi nào cần là có… đến. Chỉ chưa đầy ba năm (1972 – 1975), những bước chân “Lôi Hổ” Đoàn 1 hầu như “nhẩm dấu” trên mọi trận địa, khắp vùng. Từ những bước chân dẫm mòn sỏi đá (vùng 1), bây giờ dấn thân vào vùng sông nước bùn lầy: Đồng tháp, Đức hòa, Nhơn trạch, Rừng Sát v.v… Chiến tích cũng nhiều và thương tổn cũng không ít. Những con “hổ” về đồng bằng vẫn chẳng chồn chân.

Và bây giờ, trước vận mạng tồn vong của đất nước, Đoàn 1/SLL đang tham dự một cuộc hành quân đi vào lịch sử - giữ vững chiến tuyến Phan Rang.

Từ mấy ngày qua, trước sự vi phạm Hiệp Định Paris, trước sự xâm nhập ồ ạt của Cộng quân sau khi VNCH rút bỏ quân khu 1 và  2, và đồng thời trước sự phủi tay phó mặt của đồng minh Hoa kỳ, toàn thể quân dân và chính phủ VNCH cần có giải pháp là phải giữ vững miền Nam VN. Và vì thế: Phan Rang được chọn là chiến tuyến để ngăn chận địch quân.

Tư lệnh mặt trận là trung tướng Nguyễn vĩnh Nghi, một vị tướng trước đây từng là tư lệnh quân đoàn 4, QK4. Phụ tá là chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang (tư lệnh sư đoàn 6 không quân). Điạ điểm là căn cứ phi trường Phan Rang. Các lực lượng phối họp thì gồm: một liên đoàn biệt động quân (có 3 tiểu đoàn) một lữ đoàn nhãy dù (lữ đoàn 3 từ vùng 1 về, có 3 tiểu đoàn: 5, 7 và 11?), hai trung đoàn bộ binh (thuộc sư đoàn 2 và 22?), hai đơn vị từ hai SĐ của vùng 1 tan rả vừa được phối trí lại. Một phi đoàn thuộc SĐ6/KQ với các phi cơ còn lại: khoảng 20 chiếc A37. Một phi đội trực thăng UH1… cùng trinh sát cơ O.1.  Đoàn 1/SLL. Và lực lượng Địa phương quân tỉnh Ninh thuận.

Tương quan lực lượng giữa địch và ta (có thể nói) là không cân sức. Vì theo tin tình báo thì địch hiện hữu chung quanh có ba sư đoàn và đang ráo riết hai sư đoàn nữa (có tăng và pháo) ngày đêm trên đường tiến quân xâm nhập.

Cũng không phải ta ít lực lượng - dư thừa là đằng khác, theo lời của tư lệnh mặt trận (tướng Nghi). Nhưng mà lực lượng của ta trên đường “rút lui chiến thuật” từ quân khu 1 và 2… tan loảng, rời rạt, chưa phối họp, phối trí kịp thời để bổ sung quân. Một thời gian ngắn sẽ có lực lượng tăng viện thêm nữa, nhất là chiến xa và pháo binh..

Đoàn 1/SLL trước được phối trí một ban tham mưu với các ban ngành trực thuộc. Hai bộ chỉ huy chiến thuật (căn cứ xuất phát thả toán xâm nhập), 12 Toán thám sát chia thành hai Liên toán (mỗi LT có 6 Toán). Tuy nhiên, hiện tại chưa đủ số, phải tạm thời sát nhập làm một Liên toán gồm 8 toán (mỗi toán từ 8 – 10 người). Và hiện tại theo hành quân là 6 toán. Một số đang đảm trách phòng thủ hậu cứ (căn cứ Củ chi) và một số biệt phái cho bộ chỉ huy Sở Liên lạc

Tám mươi con người lính các cấp (từ thiếu tá trở xuống) là lực lượng tham dự hành quân (tính ra chưa bằng một đại đội?) được trang bị gọn nhẹ gấp rút lên đường xâm nhập vùng “sa mạc”.  Đất địa của Phan Rang vào tháng 4 là mùa khô nắng cháy. Cả một vùng đa số là cát, cát loang lổ, lẫn khuất một số đồi thưa, rừng cây thấp dọc phía trên quốc lộ. Và trãi dài ra phía biển là vườn cây thưa, một ít ruộng rẫy. Nhà cửa đông đúc với những xóm làng làm nghề cá.

Phố thị Phan Rang, một thành phố đang chạy loạn. Đa số dân đều đã bỏ đi. Còn lại một số ít những đơn vị hành chánh, cảnh sát và quân đội địa phương.

“Ốc đảo”để làm vị trí đóng quân cho “mặt trận” là khu doanh trại của sư đoàn 6 không quân đã di chuyển đi gần hết. Khu gia binh, phòng ốc trốn trơn. Còn lại một ít đồ đạc cồng kềnh cùng bộ phận an ninh canh giữ. Cả bộ phận trang thiết bị lẫn máy bay của cả cấp sư đoàn KQ đã được lệnh di tản từ mấy ngày trước. Di tản theo lệnh bỏ ngỏ QĐ2 cùng các tỉnh thành ven biển. Tất cả hướng về giữ vững lãnh thổ của phía Nam (quân khu 3 và 4).

Một số tàu hải quân đang neo đậu nghoài khơi, cũng là chờ tiếp rước cả quân và dân từ ngoài chen chúc tràn vào. Một cuộc di tản, một cuộc tháo chạy. Vậy mà, chúng tôi, những đơn vị trong Nam lại được lệnh đi ra án ngử để chiến đấu, ngăn chặn địch. Lực lượng tổng thể (tính chung) chưa tới 2 sư đoàn. Không có đơn vị pháo binh cũng như xe tăng, thiết giáp? Lệnh bảo là: sẽ được cấp tốc viện binh sau.

Các đại đơn vị tinh nhuệ như nhãy dù, TQLC, BĐQ từ vùng 1 và 2 rút về chỉ nằm chờ. Một  cuộc lui quân tháo chạy, thiếu đồng bộ, thiếu trật tự, thiếu chỉ huy. Quân với dân lẫn lộn như nước tràn bờ thì làm sao mà chỉ huy, mà bố trí. Tất cả hướng dồn về phía nam, chủ yêu bằng đường duyên hải.

Phối trí cho một tuyến phòng thủ cấp bách như vậy đã là một nổ lực lớn. Trung tướng Nguyễn văn Toàn là một “danh tướng” của tổng thống Thiệu, đã “tiếng tăm” một thời khi là lãnh chúa cao nguyên, nay là tư lệnh QĐ3/QK3. Trong buổi họp hành quân đã tuyên bố rất khích lệ: Tất cả anh em sau trận này đều được lên một cấp (theo lời CHT Đoàn 1/SLL Tống hồ Huấn nói lại).

Thôi thì, quân lệnh như núi! Cứ chiến đấu. cứ chống giặc, cứ gìn giữ đất nước quê hương. Và cứ chấp nhận mọi hy sinh…

Ngày hôm sau, Đoàn 1 cho 4 toán xâm nhập. Mục tiêu là vùng rừng núi từ phía trong quốc lộ. Nhiệm vụ thám sát địch tình.

Các phi vụ thả toán khá chuẩn xác, hoàn hảo với trực thăng UH1…, trinh sát O.1 và khu trục A37.  Toàn là phi công VN.  Việt Nam đâu kém gì Mỹ. Có phần gan dạ, liều lĩnh, chịu chơi hơn. Phòng không địch dầy đặc, các anh vẫn lạn, vẫn lách. Len lỏi theo các hẻm núi, khe đèo như chạy “tác ráng” trên kênh rạch miền Tây. Địch vừa phát hiện là “cái vù” mất hút, trở tay và bắn không kịp.

Đây là kinh nghiệm thả toán rất đặc biệt của không quân VN lẫn Mỹ. Phải gan dạ. Trước phòng không dày đặc, nếu bay cao là dễ nằm trong tầm ngắm. Các pilot cứ chúi lủi bay sát, sát dưới ngọn núi, dưới tàng cây. Len lỏi theo các khe thung lủng mà bay. Bay có khi cành lá chạm vào mình rào rào. Vậy mà an toàn. Tiếng động cơ gầm rú khắp vùng, địch không biết đâu mà xác định. Ngoài ra, khu trục cứ theo điểm chỉ mà đánh. Địch phải hú vía, kinh hồn.

Địch, ta. Ta, địch… Cứ thế mà quần thảo, cứ thế mà băn giết. Và cũng cứ thế mà… chết. Cái chết nhanh gọn, dễ dàng. hầu như không còn ai biết sợ là gì. Quả là tội nghiệp Quả khủng khiếp.

Bắn, oanh tạc, oanh kích… cho đã, hết đạn, bay về. Về rồi lại tiếp tục cất cánh bay lên tìm mục tiêu bắn tiếp.

Các toán vẫn tiếp tục len lỏi từng nhóm nhỏ vào rừng tìm kiếm, bám sát, báo cáo. Tin tức rất nóng, rất xác thực. Và cũng rất dồi dào. Toàn là phát hiện, khám phá mới từng cơ sở địch.

Trước đây, thường là xâm nhập hành quân tìm địch, thỉnh thoảnh mới phát hiện. Và mỗi khi phát giác một vài xe vận tải trong rừng là rất mừng để báo cáo. Bây giờ, trước mắt, từng tốp, từng tốp 2-3 chiếc motolova ngụy trang cành lá chạy tung khói bụi mịt mù. Báo cáo A37 đến lạn một vòng oanh kích là mấy chú lách vào trong. Mất dấu. Khu trục ta bắn phá ít phát, bỏ đi thì chổ khác lại xuất hiện. Cứ thế mà quần thảo, mà oanh kích, mà hứng đạn phòng không. Địch vẫn cứ ẩn, cứ hiện. Cứ vờn nhau như trò cút bắt…

Qua gần một tuần lễ nơi chiến trường “cút bắt”. Đạn nổ, bom rơi, người chết. Chết cả đôi bên. Tình hình vẫn không suy giảm. Địch vẫn cứ di chuyển, cứ xâm nhập. Khắp nẻo, khắp nơi. Tuyến phòng thủ Phan rang trong phạm vi quá hẹp, co cụm. Lực lượng thưa dần. Tình hình đang báo hiệu sẽ có một đợt tấn công qui mô. Quyết nhổ cái “gai” chướng ngại.

Tiếp tục đến ngày 13-14/4/75, địch bắt đầu pháo vào “vị trí phòng thủ”.

Bố trí phòng thủ theo như tôi được biết là:

§  Vòng ngoài cùng (mặt bắc) là 2 trung đoàn BB (chưa đủ số) thuộc SĐ2 & 22 (tan rả vừa tái phối trí lại). Tiếp cận là một liên đoàn BĐQ., chỉ còn khoảng 2TĐ.

§  Vòng kế: một lữ đoàn dù (lữ đoàn 3?). Chỉ còn 2 tiểu đoàn, một TĐ đã được lệnh tăng phái rút về mặt trận phía Nam (Xuân Lộc?)..

§  Vòng trong cùng là: Đoàn 1/SLL, cùng với bộ chỉ huy hành quân tiền phương QĐ3.

§  Một số mấy chục khu trục cơ A37, trực thăng UH1… và trinh sát O.1

Một lực lượng từng ấy đang ngạo nghễ đối đầu với mấy sư đoàn địch? Phải biết chiên đấu và hy sinh với sự kiên cường, gan dạ và liều lĩnh?

Ngày 15/4, triệt xuất 2 toán và xâm nhập 2 toán. Lúc nào cũng có 4 toán trong rừng. Cũng may, bao lần chạm địch, ta chỉ bị thương. Tổn thất không đáng kể.

Một ngày như mọi ngày, cứ trang bị áo giáp, súng đạn, và lên slick (trực thăng) “đi dạo” khắp vùng và liên lạc, quan sát tình thế trận địa. Thiếu tá Huấn, một con người nhỏ thó, xuất thân là võ bị Đà lạt, vừa mới thay thiếu tá Nguyễn văn Thụ lên làm CHT/Đ1. Ông luôn tỏ ra năng nổ, liều lĩnh, gan dạ. Chiếc slick chở ông vừa bị trúng 2 lổ - chuyện nhỏ! -  vẫn cứ tiếp tục bay. Thương cho pilot VN mình chịu chơi hết mực. Tiếp tục theo mấy “thằng em…” cả ngày không biết mệt.

Hôm nay, địch khá liều lĩnh. Từng tốp motolova cứ ẩn, cứ hiện, cứ tung bụi mù dưới những pha nhào lộn của A37. Chả thắm tháp gì đối với bọn chúng. Đường chúng, chúng cứ đi, những con “thiêu thân” liều mạng.

Tình hình thật sự sôi động. Buổi tối, sau giờ ăn muộn, th/t Huấn. đ/u Đặng bá Lộc, tr/u Nguyễn đình Tảo, và tôi đồng nhận xét: Địch sắp tấn công?

-Làm thế nào bây giờ?

-Không cách nào hơn! Lực lượng mình chỉ có thế!

10 giờ đêm, địch bắt đầu pháo. Một số đạn 122 ly rơi vào vòng đai phi trường. Bên ngoài, hướng BB và BĐQ đang có pháo và có nổ súng. Báo động toàn thể. Cũng chỉ tìm nơi ẩn nấp và tránh pháo. Rồi cứ thế, pháo có lúc dồn dập, có lúc rời rạc, có lúc ngưng, vẫn liên tục suốt đêm.

Rạng sáng ngày 16/4, vẫn không dứt pháo. Địch đã thật sự tấn công. Vòng ngoài BĐQ quân và BB chống trả. Sau một thời gian thất thủ. Vòng đai 2, gặp nhãy dù. Chống trả quyết liệt. Địch thiệt hại nặng, nhưng vẫn cứ tiến. A37 không biết cất cánh tự lúc nào, không còn chiếc nào ở phi đạo và cũng không nghe thấy gầm rú can thiệp? Một cuộc rút chạy để bảo toàn lưc lượng chăng? Có lệnh chưa? Và từ đâu? Thật sự, vẫn chưa rõ được gì. Th/t Tống hồ Huấn, CHT Đoàn đang trên TTHQ/QĐ. Anh em Đoàn 1 cũng trang bị sẵn sàng, lo tránh pháo và phòng thủ…

Nhãy dù, một tiểu đoàn đã rút. Một tiểu đoàn còn lại,TĐ5 dù cố gắng bảo vệ vòng đai hẹp BCH/QĐ3.

9 giờ sáng, đặc công địch đã vào vòng đai phi trường. Pháo vẫn không dứt. Bây giờ có cả SKZ 75 ly không giật bắn thẳng dọc các phi đạo. Tình thế thật nguy nan. Lực lượng phòng thủ đã bị chọc thủng. Chỉ còn vòng đai dù. Hai tiểu đoàn dù, bây giờ chỉ còn có 1. Tình hình địch không ước tính được. Lúc này, tôi cùng anh em đoàn 1, súng đạn sẵn cũng chỉ ở tư thế lo lẫn tránh pháo và tự phòng thủ phạm vi Đoàn (đóng sát cạnh BCH/QĐ3). Trung tướng Nghi cố liên lạc tướng Toàn báo cáo tình hình và xin cứu viện. Bằng trực thăng vận? Bằng nhãy và thả dù xuống? Phi cơ không thể đáp xuống phi đạo? Hỏi và đáp…Yêu cầu không đáp ứng được, vì không có quân và phương tiện. Như vậy là phải tự lực? Địch đã đến sát vòng đai phi trường, không có gì ngăn cản. Toàn bộ trực thăng đã cất cánh và đi hết. Cả A37 và L19. Đi để thoát.

Hai chiếc UH1… chong chóng quay tít đang chờ sẵn cạnh BCH/QĐ. Có lẽ đợi bốc 2 ông tướng?

Không cách nào ngăn chặn, chống trả địch. Tất cả anh em được lệnh cũng như chưa được lệnh, đều sẵn sàng… “tẩu”. Tôi, Đ/u Lộc. Tr/u Tảo vừa băng qua phi đạo L19 thì một quả đạn SKZ 57ly bay vèo và nổ tung phía hành lang trước mặt. Địch đã thật sự tấn công vào hẳn phi trường. Nhãy dù vừa chống trả, vừa rút – rút chạy ra ngoài. Tất cả là tháo chạy. Hai slick (UH1…) vẫn còn quay chong chóng…đang chờ. Tình thế quá cấp bách, rối loạn. Không còn ai chỉ huy ai và nhận lệnh ở ai?

Th/tá Tống hồ Huấn cùng một số anh em rút đi một phía. Giã từ BCH tiền phương quân đoàn. Một số anh em toán, cũng như ban ngành tự kết họp từng nhóm nhỏ tìm lối thoát. Liên lạc với các toán trong rừng để truyền lệnh: căn cứ phi trường thất thủ, toán tự động tìm đường ra - hướng biển và hướng Nam…OK!

Tôi, Đ/u Lộc, Tr/u Tảo, TS1 Tuy (Tuy mập, P4/BCH Sở) làm một nhóm và tìm đi một hướng. Băng qua vườn rẫy, nhà dân mong tìm sinh lộ. An toàn nhất là nên hướng vào rừng, dễ lánh tránh địch. Tháp tùng có th/tá Tiếng (Tiếng râu, trước là Trưởng P3/SLL, nay về phục vụ QĐ3) cùng một một số “bộ hạ nha trảo” (khoảng 18-20 người). Th/t Tiếng rất tin tưởng vào Lôi Hổ trong việc thoát hiểm, một mực muốn nhập bọn chúng tôi. Anh em mình, cùng sống cùng chết, cố hổ trợ nhau cùng vượt thoát. Một lần dừng nghĩ mệt tại một đồi nhỏ, năm bàn tay nắm chồng lên nhau, thốt lời hứa hẹn.

Thật sự thì tình thế không cho phép di chuyển cả một đoàn (trên 20 người) mà phần đông là lính kiểng, tà lọt của BCH/QĐ mang theo cồng kềnh mọi thứ. Tôi bàn với Th/tá Tiếng: Anh em tôi hết lòng cưu mang đùm bọc Th/tá (vì cùng Lôi Hổ với nhau). Tuy nhiên, Th/tá có thể cùng đi với một, hoặc cùng lắm là vài ba người thân thiết đáng tin cậy. Nếu đi “cả đám” thế này thì khó mà vượt thoát. Th/tá Tiếng dùng dằn, bỏ mấy “thằng em” thì không nở. Thật là cao đẹp cho tình “chiế n hữu”, “huynh đệ chi binh”. Bọn tôi đành phải… chia tay.

Bây giờ, không biết Th/tá Tiếng còn hay mất, và ở nơi đâu? Nếu còn, có dịp đọc mấy dòng này để nhớ lại chuyện xưa. Và kính thăm Th/tá.

Thân phận người lính chiến

“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,                Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”

Một đoàn quân tẩu thoát, tung ra đi khắp vườn tược, núi rừng, qua những đám rẫy, làng mạc. Từng nhóm, từng chòm ô hợp, vô hàng ngũ. Súng vẫn trên tay, đạn dược, ba lô đầy đủ. Vất bỏ những gì chứ súng đạn và trang bị cần thiết cá nhân thì không bỏ. Địch quân, VC cũng đi, đi từng nhóm, từng tốp, và đôi lẻ tẻ vài tên du kích với vủ khí thô sơ – súng trường bá đò, lựu đạn chài - Vậy mà, một phát súng nổ, ta vẫn sợ. Lẫn trốn và tránh. Nghịch lý làm sao! Cũng vì ta bỏ chạy, ta không thể chiến đấu. Chiến đấu để làm gì? Để bị bắt và để chết? Chết lảng nhách.

Mấy vị tướng cũng thế. Sau này, nghe nói trung tướng Nguyễn vĩnh Nghi, chuẩn tướng Sang tẩu thoát bằng đường bộ, bị bắt ngoài cổng phi trường?

Còn đâu là vẻ hiên ngang? Còn đâu là dáng oai hùng? Thật sự, nếu quần thảo, chống trả với địch: ta có thể một chọi 3, chọi 5. Một toán BK Lôi hổ (6 tên) cũng đã từng chống trả hằng đại đội địch bao vây truy đuổi. Ta vẫn thoát và ta vẫn thắng. Vậy mà bây giờ, vài tên du kích với “oảnh tầm sào” (súng trường), ta vẫn né tránh và bỏ chạy.

Cũng đáng ca ngợi cho TĐ5 nhãy dù, rút lui cùng chung đơn vị, vừa đánh vừa chạy. Địch cũng phải chùng. Duy chỉ nhãy dù, còn hầu hết là… trốn chạy.

Bầu trời không gợn chút mây. Tầng xanh thăm thẳm. Đi suốt ngày, suốt buổi không thấy bóng dáng phi cơ ta. Họa hoằn lắm mới có một trinh sát O.1 bay cao ngút trời xanh như cánh diều biểu diển.

Nghe nói lệnh yêu cầu từ tướng Toàn cho đổ quân phi trường Phan thiết, để từ Phan thiết “đổ bộ” ra. Cũng không thực hiện được. Địch quân hầu như đầy dẫy và tuông đổ vào Nam như suối. Quân ta nếu xuống Phan thiết cũng chỉ sa thêm một vũng lầy.. Thế là “tự di tản”.

Hướng về biển, rất khó, vì địch có mặt hầu như dọc theo quốc lộ1. Chỉ còn cách là băng sâu vào rừng để hướng về Nam. Trên rừng lại yên ổn. Tụi tôi (4 đứa) băng rừng suốt lộ trình từ Phan rang vào Tuy phong (Phan thiết) vẫn không gặp địch. Địch đã xuống dưới (vùng QL1 và ven biển). Phía trên rừng hầu như chúng đã rút hết. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp vài điểm giao liên còn dấu mới, vừa rút đi. Còn một ít thức ăn (mì và bắp), nhưng người không thấy. Cứ thế mà tụi tôi, ngày đi đêm nghỉ, băng rừng lội suối hướng về trong Nam. Cũng không một mải mai hy vọng nào chờ tiếp cứu hoặc liên lạc bốc ra. Các toán kẹt trong rừng, sau này gặp nhau được biết cũng thế. An toàn vẫn ở phía trên rừng.

Nhiều đêm, anh em bàn: mình xuống phía biển tìm ghe đi vào. Chỉ có biển mới về được. Lọ mọ thử thời vận, mò ra biển. Dưới ánh sao trời, vừa ra gần quốc lộ là phát hiện địch cùng khắp. Đám Bắc kỳ con nhí nhố, nói rặt giọng “cá rô cây” đồng chí…đồng chí. Vậy là bỏ ý định ra biển, rút sâu vào trong tìm bạn thú rừng.

Giờ này anh ở đâu?

Bốn ngày đêm trong rừng, thức ăn đã hết. Ăn rau bẹ và trái cây rừng để cầm hơi, lấy sức. Bấy giờ mới cảm thấy cám ơn mấy thằng biệt kích Thượng. Chúng nó dạy cho mình nhận diện trái cây rừng thứ nào ăn được, thứ nào có độc. Nhờ một ít trái cây (loại trái nhỏ như trái chùm ruột) ăn chát ngắt. Vậy mà đở đói.

Đêm về, bốn thằng bốn góc. Rất cô đơn, rất chán, rất nản, rất buồn. Ai thấu được bọn mình? Tụi nó ở Saigon ăn no ngủ kỹ, đi chơi? Hay là cũng bị lôi đầu đi chiến đấu? Ít ra chắc không gặp cảnh “đem con bỏ chợ” như mình?

Chính chị (trị), chính em. Nhiều giải pháp, nhiều thành phần. Mưu quyền, tranh lợi. Chả có yêu nước, thương nòi gì đâu? Ngoại trừ những thằng lính? Tổng thống Thiệu muốn ổn cố, yên ngôi, muốn chia phần… nên bằng mọi giá phải giữ miền Nam, giữ Phan rang là quê hương chôn nhao cắt rún, hay gì gì? Làm sao người lính biết rõ được. Chỉ có tuân lệnh, thi hành, và xả thân liều chết.

Bây giờ, lẻ loi, cô độc, đói khát trong rừng. Chưa biết được ngày mai, sáng ra, mặt trời lên… còn hay mất?

Thôi, cứ cố, cứ gắng. Cố mà sống, mà tiếp bước đoạn hành trình.

Ngày thứ 5 (21/4), gặp một đám chăn bò. Tụi nó chẳng biết tụi mình là ai. Lính quốc gia hay Việt cộng? Có điều tụi nó nói mấy ngày qua bộ đội vào làng nhiều lắm. Có lính quốc gia mặc đồ rằn bị bắt, đến trình diện rồi được thả cho về. Mấy ông Việt cộng không có bắt ai, giết ai cả.

Thật không đây? Bọn ác ôn khát máu say men thì làm gì có chuyện đối xử tốt? Không tin một thằng, gặp thằng khác vẫn nói thế. Làm quen với tụi chăn bò cũng cần cảnh giác đề phòng. Tuy nhìên, tụi nầy thấy có vẻ thật thà chất phác? Biết đâu tụi nầy lập công cho địch?

Ngày hôm sau, nơi địa điểm khác cũng lại gặp lũ chăn bò. Tất cả đều nói tin tức giống nhau. Ở dưới làng, lính quốc gia về trình diện đông, và không có ai bị bắt bớ gì cả.

Thế là họp bàn nhau. Cả tin và đánh liều. Vì cũng không còn cách. Tiếp tục đi đường rừng thì cũng quá xa mới vào Saigon. Đường biển thì cũng rất khó. Đói đã hai ngày rồi. Đành đánh liều. Biết đâu? Cả bốn đều đồng ý.

Bốn thằng mai táng đạn dược và vũ khí. Cả ba lô cũng bỏ vì chẳng còn gì. Chỉ còn bộ đồ (đồ xám xanh BK), theo mấy tên chăn bò hướng dẩn chỉ đường ra trình diện. Dọc đường gặp bộ đội, chúng cũng chẳng đoái hoài han hỏi.

Trình diện cũng dễ thôi. Tuần tự khai tên họ, đơn vị, cấp bậc (dại gì mà khai thiệt),quê quán… Xong được cấp giấy chứng nhận trình diện, cho về. Địch còn dặn: các anh đừng đi vào trong (vùng chưa “giải phóng), chiến trận còn ác liệt. Hú hồn! Trời Phật, Ông Bà cứu độ.

Một đêm không ngủ

Đặng bá Lộc có người quen ở Tuy Phong (Phan thiết), dắt nhau đi tìm gia đình một Đ/úy địa phương quân đã trốn chạy bỏ đi. Ở nhà bà vợ đang ngóng trông tin. Gặp Đặng bá Lộc quen thân từ trước, chị niềm nỡ và tiếp đón bốn tên như thượng khách. Một bữa tiệc: cơm, canh, cá, thịt. Một bữa ăn ngon nhất trần đời. Tình đồng đội, đồng hương, đồng cảnh, chị ta đối đãi vô cùng tốt. Cám ơn bà chị. Ơn này xin ghi nhớ trọn đời.

Đêm, lên sân thượng, cùng nhau bàn tính chuyện đi về. Có hai cách: thuê ghe đánh cá, tự đi, đi dọc theo mé biển. Hoặc là mướn hẳn người ta chở mình. Mỗi người 3.000 đồng về Vũng tàu.

Hôm nay là 23/4, tin túc qua radio được biết: địch còn bị chận ở Long khánh. Tất cả “tàn quân” về Vũng tàu được phối trí đưa về mặt trận Long khánh, Xuân Lộc. Ta, địch đánh nhau chưa ngã ngủ. Như vậy là chúng chỉ “giải phóng” tới Bình Tuy?

Về hay ở? Bây giờ mình tạm tự do, và khỏi lo đói khát. Bất mản, chán chường, đau đớn… Không đứa nào lại muốn về. Về trình diện (không phải đơn vị mình) lại phải chui vào lò lửa đỏ.

Thôi, không yêu nước. Có người khác lo. Coi như bọn này đã chết!

Thế là tất cả đồng lòng quyết định ở lại chờ thời. Địch đã không bắt giết gì ta, và ta không còn lo sợ địch.

Tiêp nối là bảy ngày (24/4 – 1/5) sống lây lất mà ý nghĩa. Không là quân, chẳng là dân, không có bạn cũng không thù. Sống bằng tình, bằng nghĩa: nương nhờ ở mấy nhà dân (quen biết với Đặng bá Lộc). Người ta thương mấy tên lính thất cơ, và cũng không mặn mà gì với đám mới đến “giải phóng”.

Bảy ngày đêm có dịp theo dõi đài BBC để biết tin tức. Chờ yên ổn để trở về. Không phải chờ đất nước “giải phóng”, mà chờ về với gia đình.

Coi như mình cũng đã tròn “sứ mạng”, dù sứ mạng chưa thành.

Và ngày 1/5/1975, chia tay, mỗi đứa mỗi ngã. Mạnh ai nấy lo về với gia đình. Số vẫn còn may là còn sống sót.

Giờ đây, cần nói những gì?

Miền Nam Việt Nam rốt cuộc rồi cũng bị mất. Mất thảm hại, mất đau thương. Một số tháo chạy, chạy ra nước ngoài để thoát. Những tên lính cùng cực, những người ở lại, dù thoát chết cũng không thoát cảnh bị hành hạ, tù đày. Và toàn dân cũng thế, cũng phải lần lược tìm cách vượt thoát mà đi, vì không chịu nổi cuộc sống khốn khổ bị hà khắc dưới chế độ cai trị bởi những người vào “giải phóng”.

Quân sử đã sang trang. Chiến tranh đã hết. Tuy nhiên, dư âm cuộc chiến vẫn âm ĩ, âm vang mãi. Người ta không tiếc lời nguyền rũa, đổ tội lẫn nhau. Và cũng không ít kẻ tự hào yêu nước. Tự hào góp công giải phóng dân tộc.

Sau 36 năm, đã rõ - rất rõ – công và tội. Ai là bất tài, vô dụng. Ai là hại nước, hại dân!

Tập thể quân đội VNCH, giờ đây cũng không còn lại là bao. Đều tứ tán, già cả, thương tật (cả thể xác lẫn tinh thần). Cũng không thiếu chiến binh (chiến hữu của mình) còn lê la kiếp đời khổ nhục nơi địa ngục quê hương. Hãy dành một ít giúp đở, chia xẻ cùng nhau. Hãy dành một tình thương yêu với nhau và tạo sự đoàn kết, giúp đở.

Đừng vênh vang, đừng cay cú. Đừng vấy tội, bôi nhọ lẫn nhau. Đất nước quê hương, dân tộc Việt Nam mình bây giờ đang khát khao, một lần nữa: giải phóngTrách nhiệm và sứ mạng đó!  Ai làm đây?

Tháng 4/11 -  Ng. Dân.