Ðoàn
tù hết giờ lao động ngoài hiện trường trở về trại, không ai là không
ngó nhìn vào căn nhà lá ba gian mới dựng lên ở bên bờ suối. Con suối
ngăn cách căn nhà với khu
trại nên nhiều lúc tầm nhìn của người tù bỏ quên cái cổng trại, mà chỉ
thấy có mỗi căn nhà với bờ suối. Căn nhà ba gian hai trái như phần lớn
các căn nhà của vùng quê miền Bắc. Mái lợp lá tranh, tường vách bằng tre
đan có trét bùn rơm và chấu. Nền đất nện
và các cột nhà bằng các thân cây lớn. Căn nhà ấy là công sức của anh em
toàn trại tù khoãng 300 người ròng rã làm trên một tháng trời. Lớp vào
rừng chặt cây lấy gỗ, chặt vầu làm rui mè kèo cột hoặc cắt tranh về làm
mái. Lớp thì đục đục, đẽo đẽo, đòn giông đòn
gió. Hôm dựng nóc, bọn cán bộ cũng nghe anh em bàn đi mua một nải chuối
với miếng thịt để cúng gọi là cúng lên nóc. Có lẽ tên cán bộ phụ trách
dựng căn nhà này có gốc gác cha ông là thợ mộc nên khi anh em làm mộc
nói phải cúng mới lên nóc được thì tên đó đồng
ý ngay.
Ngày
hoàn tất căn nhà, tên cán bộ trại trưởng có họp anh em ở sân trại trước
giờ đi lao động, tuyên bố rằng đó là căn nhà của anh em “trại viên”.
Anh em sẽ sống với gia
đình khi gia đình đến thăm nuôi. Nghe tin nầy, anh em thảy đều sững sờ
vì ít ai ngờ tới. Bởi vì đã ba năm qua, từ ngày được chuyển ra Bắc, “cho
có điều kiện học tập tốt hơn”, anh em chúng tôi kể như bị cô lập hẳn
với xã hội bên ngoài. Ðôi khi bọn cán bộ có
nói đến xã hội bên ngoài và chúng cho biết là gia đình chúng tôi đang
cùng toàn dân nỗ lực lao động xây dựng lại đất nước và rất “tiến bộ”.
Chúng nói rằng chúng tôi sẽ rất bị lạc lõng khi trở về. Thế cho nên gia
đình chúng tôi yêu cầu Ðảng và Nhà Nuớc “giáo
dục” chúng tôi “tiến bộ” để khi về sẽ hòa nhập được ngay vào cuộc sống
mới với những con người mới. Một số anh em nhẹ dạ đã bán tín bán nghi
nhưng phần lớn đều cười thầm và chúng tôi thường có những câu chuyện dí
dỏm, châm biếm chế độ “ưu việt”. Bọn cán bộ
quản giáo, bằng đường lối dò hỏi riêng của chúng, cũng biết “tư tưởng
phản động” của anh em chúng tôi nhưng không có gì vi phạm cụ thể nên
chúng rất tức tối và thù ghét những anh em hay tụ tập “ăn nói linh
tinh”. Số những người này bị ghi sổ đen của chúng.
Chẳng may trong đó lại có tôi. Sở dĩ tôi biết thế là vì đã nhiều lần
tên cán bộ giáo dục “chiếu cố” tôi bằng cách gọi tôi lên “làm việc”.
Những buổi làm việc như vậy thì chỉ xoay quanh:
– Anh tự kiểm điểm và phê bình mình đi.
– Báo cáo cán bộ, tôi học tập tốt, lao động tốt.
– Ðược. Anh nói anh học tập tốt, vậy tốt là tốt thế nào?
Tôi tuôn ra như máy:
–
Tin tưởng vào mọi đường lối, chính sách của Cách Mạng, an tâm học tập,
chấp hành nghiêm chỉnh nội qui của trại và tích cực lao động.
– Còn gì nữa không?
Tên
cán bộ mặt còn non choẹt, làm vẻ người lớn, nghe tôi nói. Có lẽ trong
tâm tư hắn, hắn đã quá nhàm chán những lời nói như của tôi vừa nói. Bởi
vì quanh hắn, các đồng
chí, đồng bào của hắn từ ngày hắn biết nghe và biết nói, biết hiểu
tiếng mẹ đẻ thì hắn đã phải nghe những lời nói và luận điệu như thế rồi.
Và rồi, cũng như một cái máy, hắn bảo tôi:
– Anh nói anh học tập tốt nhưng điều quan trọng nhất trong học tập thì anh lại không nhắc tới.
Tôi
thừa hiểu hắn muốn nói gì. Ðiều mà hắn gọi là quan trọng chính là việc
“giúp đỡ” người khác, nghĩa là tố cáo anh em bạn bè. Tôi giả bộ không
biết, cứ nhìn hắn chăm
chăm như chờ đợi. Hắn thoáng nhìn tôi rồi cúi xuống giả vờ lật xấp giấy
tờ trước mặt, tỏ ý hắn đã có đủ hồ sơ về tôi trong tay.
– Anh có nhớ được không?
–
Báo cáo cán bộ, những điều tôi nói vừa rồi đúng theo trong bài học mà
Cách Mạng đã cố dùng thời gian cho chúng tôi thuộc nằm lòng.
Tức giận vì câu nói xỏ xiên của tôi, hắn xẵng giọng:
– Anh lại muốn châm biếm Cách Mạng. Ðường học tập của anh còn dài lắm.
– Tôi cũng hiểu thế, cán bộ.
– Thế mà anh không chịu khó học tập cho tốt.
– Tôi cố gắng chứ cán bộ, nếu không tôi đã không có mặt ở đây.
– Anh đừng có ngoan cố nữa.
Tôi im lặng. Hắn hắng giọng, nói:
– Anh quên không nói đến việc giúp đỡ người xung quanh.
– Tôi vẫn giúp đỡ trong khả năng của tôi.
–
Tôi không nói giúp đỡ…. trong sinh hoạt hàng ngày mà giúp đỡ về tư
tưởng. Tỉ như tối hôm qua sau giờ sinh hoạt, anh em trong Ðội nói chuyện
gì, trong buồng có ai có tư
tưởng sai lệch, phản động không, có ai không an tâm học tập lao động
không…
– Những điều ấy, tôi thấy không có.
–
Anh lại bao che rồi. Thế anh Hữu giấu cuốn nhạc vàng thì sao, anh An
phát ngôn bừa bãi sáng hôm qua khi chờ đi lao động thì sao, anh Hưng mới
đào được có 50 hố sắn mà
báo cáo là 80 thì sao. Tôi biết hết, nhưng cứ để xem các anh cải tạo ra
sao. Ðừng có mà lấy vải thưa che mắt thánh. Thôi, anh về buồng suy nghĩ
đi rồi mai gặp tôi.
Cứ
thế, cả chục lần hắn thỉnh thoảng lại hành tôi và một số anh em ưa xì
xào chuyện ông Hoàng Cơ Minh đem quân về phục quốc, phong trào phục quốc
đang nở rộ khắp miền nam,
Tầu sắp đánh sang miền Bắc v.v…
Một
hôm,giữa buổi lao động tôi lại được gọi về làm việc. Mọi người trong
Ðội đưa mắt nhìn tôi tỏ sự thông cảm. Những trường hợp như vậy, thường
kẻ bị gọi về làm việc là
ít ra cũng bị cảnh cáo hay kỷ luật vì bọn cán bộ đã được báo cáo hoặc
đã khám phá được cái gì mà anh em chúng tôi giấu giếm, như cái bật lửa,
con dao ăn hay một vài bài nhạc tình thời trước.
Tên cán bộ vệ binh đưa tôi về gợi chuyện:
– Anh có thuốc lá không?
– Báo cáo cán bộ, đã lâu trại không phát.
– Anh sắp có đấy.
Tôi quay nhìn hắn. Hắn tỉnh bơ:
– Mai nếu tôi đi theo Ðội, anh nhớ đấy. Vợ anh và các con anh đang ở nhà thăm nuôi.
Trời đất bỗng sáng rực. Cảnh trí chợt nên thơ. Tôi bàng hoàng nói:
– Cán bộ nói đùa.
– Tôi không đùa với anh. Anh khẩn trương lên.
Chẳng
cần giục, tôi cũng rảo bước về trại. Người trúng số độc đắc khi được
biết mình trúng có cảm giác thế nào có lẽ lúc ấy, tôi cũng như vậy. Ðã
bốn năm hơn rồi không
được thấy mặt vợ con, thư từ thì mới chỉ nhận được cách đó một tháng
bởi vì từ năm 1976 chúng tôi bị đưa ra Bắc thì cho đến năm 1979, chúng
tôi chỉ được viết thư về mà không được nhận thư. Thời gian qua, chúng
tôi rõ ràng là sống ở một thế giới khác, thế giới
của địa ngục trên trần gian, ngay trên quê hương mình. Tôi cố mường
tượng ra nét mặt của người vợ hiền yêu dấu, những đứa con thơ dại dễ
thương. Nhưng trí nhớ mù khơi, không một hình ảnh quen thuộc nào hiện
về. Tôi chợt sợ hãi. Mình đã mất trí nhớ rồi ư? Mình
có còn là con người nữa không? Tại sao lại có thể quên được cả những gì
thân yêu nhất. Hai giọt nước mắt ấm lăn nhẹ xuống má. Tôi vội chùi đi,
ngoảnh nhìn căn nhà thăm nuôi bên kia suối. Ôi, căn nhà giờ đây thấy
thân thương quá. Nó đang ấp ủ vợ tôi, con tôi.
Mà sao lại yên tĩnh thế kia nhỉ. Không thấy một bóng người nào ra vào.
Tôi cố nhìn vào khuôn cửa tre, tìm hình bóng thân yêu. Tôi chọt vấp,
suýt té. Tên vệ binh giục:
– Anh còn lề mề cái gì nữa. Khẩn trương lên nào.
Tôi lại vội vã đi, hướng về phía trại. Tên vệ binh giật giọng:
– Không. Anh đi về “nhà lô”.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Không phải về trại gặp cán bộ giáo dục hả cán bộ?
– Ra gặp quản giáo.
Nhà
“lô” là căn nhà chòi ở giữa cánh đồng hiện trường lao động. Nơi đó để
dụng cụ lao động như cuốc xẻng… và có một cái bàn với hai cái ghế chỏng
trơ để cán bộ quản giáo
“làm việc” với người tù chây lười lao động, vi phạm nội qui. Tên vệ
binh nói với vào trong nhà:
– Này, nhận tù đi. Tao về trại đây.
Tên quản giáo ló đầu ra khỏi khuôn cửa tre:
– Mày ra bảo Ðội về sớm. Trời sắp mưa to rồi.
– Mày ra mà nói, không phải việc của tao.
Tên quản giáo lẩm bẩm như chửi thầm. Tiếng tên vệ binh vọng lại:
– Ð.m. cứ lên mặt ta đây.
Tên quản giáo chỉ cái ghế gẫy cho tôi ngồi rồi nói:
– Gia đình anh ra thăm anh.
Tôi buột miệng vô duyên:
– Vâng, cảm ơn cán bộ.
– Anh động viên chị và phải tôn trọng nội qui thăm gặp.
– Rõ, cán bộ.
– Cho anh về trại nghỉ sớm, mai ra thăm. Nhớ về gặp cán bộ giáo dục.
– Báo cáo cán bộ, rõ.
Lần
đầu tiên tôi được đi một mình không có A.K. hộ tống. Từ nhà “lô” về
trại khoảng 500 m. Ðến cổng trại, tên cán bộ trực trại quát:
– Anh kia! Ði đâu, cán bộ vệ binh đâu?
Tôi không muốn gây chuyện lúc này nên nhẹ nhàng đáp:
– Báo cáo cán bộ trực trại, quản giáo cho tôi về gặp cán bộ giáo dục.
Tên trực trại sừng sộ:
– Anh kia! Anh phải gọi là cán bộ quản giáo chứ không được gọi trống không là quản giáo. Ai cho anh xách mé như vậy?
– Rõ, cán bộ.
– Có thế mà cũng phải nói. Anh về làm gì?
– Báo cáo tôi được về để sửa soạn gặp gia đình tới thăm nuôi.
–
Gia đình đến thăm gặp, chứ thăm nuôi cái gì. Mấy năm nay Ðảng và Nhà
Nước nuôi các anh chứ gia đình nào. Có thế mà cũng phải nói.
Tôi
cứ phải đứng ngoài cổng nghe tên trực trại bắt lý, bẻ lẽ. Hắn đang
không có việc gì làm, đang chờ các Ðội đi lao động về báo cáo. Tên vệ
binh canh cổng bực mình:
– Anh đứng xa ra ba mét.
Tôi ngoan ngoãn làm theo lời. Hắn quay lại nói với tên trực trại:
– Thôi cho nó vào đi.
Rồi
hất đầu bảo tôi vào. Tên trực trại đang mở lớn cái “đài” không ngó đến
tôi nữa. Bước qua cổng trại vào nhà tù mà tôi tưởng như được tự do. Tôi
đi thẳng về phía phòng
tên cán bộ giáo dục. Hắn đang đứng nói chuyện với tên cán bộ an ninh,
văng tục rầm rĩ. Chợt thấy tôi, hắn nhăn mặt:
– Anh đi đâu?
– Báo cáo cán bộ, cán bộ quản giáo cho tôi về gặp cán bộ.
– Anh về buồng đi. Mai gặp tôi.
Tôi
quay bước, cố nén giận. Chợt dòng nước mắt tủi hờn trào dâng lên khóe
mắt. Tôi giận tôi không nén nổi xúc động. Tới buồng giam, tôi nằm phịch
xuống giường, ôm mặt muốn
khóc thật lớn cho tan bớt nỗi căm hờn. Nào phải xa xôi gì mà không được
thấy nhau. Tôi nhỏm dậy, nhìn qua song tre nhà tù thấy khuôn trời trong
mát. Hướng đó, bên con suối êm đềm kia có căn nhà tranh ba gian đang ấp
ủ mẹ con nó. “Quyên, Lê, Tú ơi ba mẹ con
chắc giờ này đang mong Bố lắm đây. Thế mà Bố bất lực, không đáp được
nỗi mong mỏi của em và các con. Bố có đáng sống không. Sống tủi, sống
nhục. Ôi! Nhưng Bố không muốn các con mồ côi. Con không cha như nhà
không nóc. Bố phải sống, phải sống để có ngày còn
gặp lại mẹ con em, để có ngày Bố phục được hận này…”
Tôi miên man trong dòng suy tưởng. Người bạn tù ốm yếu được cắt cử trực phòng đến bên tôi chia vui:
–
Chà, mừng cậu có gia đình đến thăm. Cậu sung sướng quá. Không biết gia
đình tôi có xoay nổi tiền tầu ra thăm được không. Bao nhiêu năm rồi
không được gặp mặt…
Anh ngồi xuống bên tôi, lôi ra một điếu thuốc lào mừng tôi, cười nói:
– Tôi để dành từ sáng, thèm mà cố nhịn. Ðịnh để tối hút, bây giờ mừng cậu, nào…
Anh
nhét thuốc vào nõ điếu. Tôi vùng dậy đón chiếc điếu cầy qnh đưa cho,
run rẩy châm đóm và khéo léo rít thuốc sao cho thuốc lào trong nõ điếu
chỉ được cháy có một nửa,
rồi đưa cho anh. Anh bạn tù đẩy lại:
– Rít thêm tí nữa đi, còn nhiều mà.
– Nửa điếu rồi đó.
– Không. Người hút sau được hút thong thả nên sẽ nhiều hơn.
– Thôi anh hút đi. Tôi đã đíu rồi.
Anh
bạn tù trực buồng trịnh trọng châm lại đóm rồi đưa ngang tầm điếu làm
một hơi dài sòng sọc. Ðoạn anh nhẹ đặt đóm và điếu xuống, chống hai tay
ra sau, người ngả ra,
đầu hất lên nhẹ nhàng thở ra từng cuộn khói. Anh lim dim cặp mắt, đê
mê. Tôi hỏi:
– Thuốc ở đâu thế?
– Ðổi cho thằng Tứ. Nó còn đến nửa gói phát hôm 19 tháng 5.
– Ðổi gì?
– Hai viên sốt rét lấy một điếu hoặc một nửa phần ăn sáng.
– Bóc lột thật.
– Ừ. Nhưng đã cơn ghiền. Ðói tí chẳng sao. Tớ đâu có lao động nặng như các cậu đâu.
Tiếng
òn ào của các Ðội lao động đã về như một sức sống tràn dâng. Tôi cảm
thấy ấm cúng, tạm quên đi nỗi tức hận trong lòng. Anh em trong Ðội vây
lấy tôi hỏi:
– Gia đình ra thăm hả? Gặp chưa?
– Nó có cho cậu ra thăm ngay không?
– Ð.m. mấy ngàn cây số Nam Bắc, rồi hàng chục cây số trèo đèo lội suối mà bắt vợ con người ta phải chờ đợi.
Anh
em ồn ào hỏi. Tôi không còn biết phải trả lời ai trước. Nhìn những con
mắt thèm thuồng hướng về tôi, tôi chợt thấy anh em sao mà đáng yêu đến
thế. Tôi nói lớn:
– Cậu Tứ ơi, cho tôi vay ít thuốc lào đãi anh em trước nào.
Căn phòng nhà tù ồn lên vui mừng. Hai ba người đem thuốc lào tới. Tứ đưa gói thuốc lào ra nói:
– Vay mượn gì, anh cứ lấy dùng đi. Tôi có hút đâu.
Một giọng châm biếm:
– Mai cậu Huy được thăm rồi, có nhiều thuốc sốt rét và Vitamine lắm cậu Tứ ơi.
Tứ quay ra, giọng chịu đựng:
– Anh đừng hiểu lầm tôi. Tôi sợ bị sốt rét. Ở đây mà không có thuốc thì chết mất…
– Ai mà không cần thuốc.
Có giọng dàn hòa chen ngang:
– Thôi đừng gây gổ nhau, mất vui của anh Huy đi. Nào ai hút thuốc thì quây lại đây.
Rồi người tù này làm ra vẻ quan liêu, gióng to giọng:
– Nhỏ! Ðiếu đâu? Ðóm đâu?
Nhiều tiếng cùng trả lời:
– Bẩm, có ngay.
Không
khí trong phòng lại vui trở lại. Những lời vui đùa nhại trong tiểu
thuyết Giông Tố của Vũ Trọng Phụng đã làm cho anh em quên được mệt nhọc
của một ngày lao động có
chỉ tiêu. Anh em đang vui trong chính niềm vui của tôi.
Bỗng ngoài sân có tiếng la:
– Cơm! Cơm!
Thế
là mọi người tan nhanh. Ai nấy đều lấy đồ đựng phần ăn. Người cái rổ
con. Người cái gà mên quân đội đã móp méo, xỉn đen, người lon “gô”, lại
có người trả một miếng
giấy dầu. Bẩy chục đồ đựng thức ăn được trải dài trên thềm đất. Một cái
rổ lớn đựng đầy khoai mì khô đã được xắt lát mỏng lên men xanh ngắt,
nay được luộc chín lại với chút nước muối. Ðó là bữa ăn hàng ngày của
anh em chúng tôi. Ðôi khi cũng được đổi món bằng
những hạt bắp tẻ vàng rộm. Có
người đã nhẩn nha ăn và đếm được mỗi bữa ăn bằng bắp, được 500 hạt với
sai số mỗi bữa là 5. Khi nào đổi món là bo bo
thí anh em ngán ngẩm lắm vì bo bo ăn vào mà không tiêu được lại trở ra
chất thải hết. Thế nên gọi là ăn mà như không. Ấy thế mà không hiểu tại
sao anh em chúng tôi, đến giờ chia phần ăn, vẫn gọi là “Cơm! Cơm!” và
chúng tôi vẫn sống, vẫn nâng nổi những lưỡi
cuốc hàng ngày. Phải nói đó là một phép lạ.
Trong
bụng tôi hình như đã no đầy những mong muốn gặp vợ con nên tôi không
cảm thấy đói. Đó là đầu tiên từ ngày vào trại tù cải tạo tôi không cảm
thấy đói. Tôi nói với
bạn tù nằm cạnh:
-Anh lấy phần cơm của tôi đi.
Anh
bạn tù nhìn tôi bằng đôi mắt chan chứa cảm mến. Ôi! đôi mắt đó không
bao giờ tôi quên được. Nó làm cho tôi ấm lòng. Nó cho tôi tình quyến
thuộc. Nó trút đi những nỗi
tủi hờn. Tôi nói thêm với anh:
-Mai anh ăn cơm với tôi nhé.
Anh bạn cúi đầu đáp nhỏ:
-Anh tốt với tôi quá.
-Có gì đâu anh.
o O o
Giờ
“cơm” vừa xong thì kẻng báo “vào chuồng”. Bâỷ mươi hai người chúng tôi
lần lượt đi qua mặt tên trực trại để vào buồng cho hắn khoá lại. Thoải
mái với nhau được độ một
tiếng là có tiếng kẻng báo giờ “sinh hoạt”. Đối với đa số anh em chúng
tôi, cái giờ này là giờ khốn khổ nhất, khốn khổ hơn cả những giờ phút
lao động ngoài hiện trường. Tất cả phải ngồi ngay ngắn, nghiêm túc và
trịnh trọng để sinh hoạt nghĩa là nghe nhau “kể
khổ”. Tất cả phải tự kiểm điểm mình trong ngày hôm đó có an tâm học tập
lao động không, có tư tưởng buồn chán gì không nghĩa là có nhớ nhà
không, có phát ngôn phản động linh tinh gì không, có đạt chỉ tiêu mà
“trại giao phó” cho không. Rồi đến phần khốn khổ
nhất là phê bình “xây dựng” nhau nghĩa là phải moi móc nhau ra để phê
bình cho mau tiến bộ. Phút giây này có người vì lỡ lời, vì vô tình hay
vì bị ép buộc phải phê bình người khác. Thế là một màn tố nhau để rồi cả
hai bên hôm sau phải gặp quản giáo để tên
quản giáo “giáo dục”. Sở dĩ đi đến chuyện thương tâm như vậy bởi vì các
cuộc sinh hoạt ấy đều có thư ký viết lại biên bản để cho bọn quản giáo
và trại theo dõi anh em chúng tôi. Nhiều người nông nổi, hay tự ái vặt
đã bị rơi vào bẫy của chúng, tự vạch áo cho
người xem lưng. Do đó mà đa số anh em chúng tôi đều lo sợ giờ phút sinh
hoạt bình bầu… Đó là một hình thức khủng bố tinh thần thường trực anh
em chúng tôi. Cũng vì thế mà người thư ký của Đội, của Phòng thường được
anh em nể vì vì lời văn trong biên bản của
anh có thể di hại cho người khác.
Chín
giờ tối. Kẻng đổ hồi báo giây phút chấm dứt sinh hoạt. Ai nấy thở phào
nhẹ nhõm. Không khí buồng giam chợt sinh động. Một vài tiếng sòng sọc
của ống điếu thuốc lào
vang lên như báo một niềm vui rộn rã. Mà là niềm vui thật. Bởi vì 30
phút sau đó là kẻng ngủ. Ai nấy phải im lặng, trật tự. Bây giớ là giây
phút sống cho chính mình. trong đêm đen mà ánh sáng của một ngọn đèn dầu
được vặn thật nhỏ không đủ soi mói những mơ
tưởng của mỗi người. Mơ tưởng về những ngày xưa tưởng như ở một kiếp
khác. Mơ tưởng một bữa ăn có cơm trắng, trứng chiên hay thịt gà luộc. Mơ
tưởng một mai, chợt có tên gọi về. Để, ra đầu trại có khu dân cư thưa
thớt, mua hẳn 5 đồng sắn (khoai mì) luộc ăn
cho bõ thèm…
Nhưng
hôm nay tôi không mơ tưởng gì hết mà tâm trí đang dồn về căn nhà tranh
đơn sơ, nằm thật mộng mơ dưới ánh trăng bên bờ suối. Tôi liếc nhìn ra
ngoài khung cửa sổ. Đêm
bên ngoài rực sáng ánh trăng trong. Lá cây như ướt nước, lóng lánh vui
đùa với gió nhẹ của đêm hè. Tôi mường tượng ra cảnh bên ngoài, gần tôi
lắm. Chỉ cách có một bức rào trại tù là con suối chẩy lũng lờ. Thoải một
con dốc sườn đồi là căn nhà tranh đó. Nơi
đó những người thân yêu của tôi đang làm gì nhỉ. Hai đứa nhỏ chắc đang
thì thầm với mẹ về Bố. Thế nào cũng có đứa hỏi:
-Mẹ ơi! Sao mãi Bố chưa ra?
Vợ
tôi sẽ trả lời thế nào nhỉ. Tôi cố nghĩ để xem vợ tôi sẽ trả lời các
con thế nào. Có lẽ Quyên sẽ ôm con vào lòng, lặng lẽ ru chúng ngủ. Chúng
ngủ, giấc mơ nào sẽ đến
trong những tâm trí trắng trong ngây thơ. Có một hình ảnh nào của Bố
còn in trong trí não chúng. Có một quen thuộc nào còn trong tâm thức
chúng. Có một thân yêu nào còn vọng vang trong giấc ngủ hiền hoà. A!
ngày mai tôi phải mặc quần áo gì để ra gặp vợ, gặp
con đây. Bộ đồ tù xanh mới phát còn để dành tìm dịp đổi lấy nắm xôi nếp
hay cái đùi gà của dân. Không được. Đừng cho các con in hằn trong trí
nhớ cái hình ảnh tù đầy của Bố. Bố phải oai hùng. Bố vẫn oai hùng và Bố
sẽ cố gắng oai hùng, các con ạ. Thế thì mặc
đồ gì nhỉ. Hai bộ thường phục mang đi ngày “trình diện” đã nộp trại, có
lẽ đã mục nát. Thôi phải rồi. Bộ quần áo rằn ri. Ngày xưa Bố cũng mặc
quần áo rằn ri, trên đầu còn cái mũ đỏ nữa. Thiếu cái mũ đỏ và đôi giầy
“sô”. Cái bộ quần áo rằn ri của quân đội mình
mà bọn Cộng Sản còn căm tức. Ngày chiếm được miền Nam chúng tịch thu
được cả triệu bộ trong kho quân nhu, nay chúng đem cho tù mặc, định để
sỉ nhục sắc áo và cũng là để tiết kiệm vải xanh tù của chúng vì chúng
còn bắt giam tù nhiều người nữa. Với tôi và chắc
cũng như của nhiều anh em tù, bộ quần áo này sẽ được chọn mặc ra thăm
nuôi dù có dấu chữ Cải Tạo phía sau. Thế là vấn đề y phục đã được giải
quyết. Bây giờ, gặp vợ con, tôi sẽ nói những gì nhỉ.Câu đầu tiên sau bao
nhiêu năm xa cách vợ con sẽ là những âm thanh
lắng đọng sâu sa trong tâm tưởng vợ con mình. Thế thì tôi sẽ nói gì?
Có
lẽ tôi sẽ quì xuống, ôm hai đứa con vào lòng vì chúng còn bé nhỏ lắm.
Và, cũng quì thế mà ngước nhìn người vợ thủy chung, hiền thục…Sẽ không
nói gì cả vì cuộc sống này
đã không có cảnh nào để lời nói có thể diễn tả được.
Chợt bên tai tôi có tiếng thì thầm:
-Anh Huy ơi, lên chỗ tôi đi. Hay lắm!
Tôi
chưa biết là ai thì một bàn tay đã nắm lấy tay tôi lôi đi. Tôi nhỏm dậy
theo bạn, trèo lên tầng sạp trên. Bạn tôi đẩy tôi vào sát khuôn cửa sổ
phòng giam. Từ trên cao
tôi ngó được qua rào nứa của trại tù. Bên kia rào, đúng là con suối
lóng lánh ánh trăng. Cây cầu là một thân cây lớn bắc ngang suối, lúc này
như cảnh Thiên Thai của Từ Thức. Ánh trăng vằng vặc soi rõ khuôn cửa
căn nhà thăm nuôi. Tôi điều tiết đôi mắt đểû cái
nhìn xuyên thủng được ánh sáng lờ mờ trong căn nhà do ngọn đèn dầu leo
lét hắt ra. Tôi có thấy hai cái chân bàn dài. Hình như có cả chân ghế.
Căn nhà tranh nhỏ làm bếp ở bên cạnh có khói bốc lên. Ngọn khói nhỏ lững
lờ trong ánh trăng đưa cái ấm cúng nhớ thương
vào tâm hồn tôi. Có lẽ vợ và các con tôi đang nấu ăn. Có thể nấu một
món gì đó cho tôi. Có lẽ là thổi xôi. Tôi ước ao thế.
Ôi!
Chợt người tôi lạnh băng. Một bóng bé nhỏ vụt chạy từ khuôn cửa bếp lên
nhà. Hình như có tiếng gọi nên bóng bé nhỏ đó dừng lại trên thềm đất.
Một bóng nữa nhỏ hơn lon
ton từ khuôn cửa nhà thăm nuôi ra đón chị. Bóng nhỏ vấp té. Tôi giận
tôi hôm làm nền nhà đã đập không kỹ. Bóng nhỏ lớn hơn quì xuống đỡ em,
lấy tay phủi quần cho em. Chúng nó thương nhau quá. Cái gì cuồn cuộn
trong cổ họng tôi làm tôi nghẹn thở. Tiếng thì
thào của người bạn tù:
-Con anh phải không?
-Chúng nó đấy. Mà tôi không biết có phải chúng nó không vì mấy năm rồi, đâu có thấy mà biết chúng nó lớn ra sao.
-Ở nhà thăm nuôi hôm nay chỉ có gia đình anh thôi mà. Chắc các con anh đó.
-Tôi
cũng nghĩ là chúng nó. Bởi vì thấy những cái bóng nhỏ đó, lòng tôi đã
cuộn lên như sóng trào vì tình yêu thương nhung nhớ, anh ạ.
-Thôi, mai gặp chúng nó rồi.
Hai
chiếc bóng nhỏ đã khuất vào căn nhà. Đôi mắt tôi như dán vào khung cửa.
Vợ tôi chắc còn đương ở dưới bếp nấu thức ăn cho tôi. Tôi chờ một cái
bóng lớn. Cái bóng thân
yêu quen thuộc. Mấy năm nay nàng mập hay ốm. Mập sao được. Cuộc sống
bên ngoài chắc cũng cùng cực lắm. Một nách hai con, đương đầu với cuộc
đổi đời tàn bạo.
Vụt
ra, cái bóng nhỏ. Nó chạy ra sân. Nó nhìn trăng. Nó chỉ trỏ. Nó nhẩy
cẫng lên. Cái bóng lớn hơn từ từ ra khỏi khuôn cửa. Nó đang chơi trò ú
tim với em nó? Sao nó đi
chậm thế. Đã ra đến thềm. Đã đi vào ánh trăng. Ơ, nó đang kéo lê cái gì
thế. Một bọc đồ. Nặng quá hả con. Con mang đi đâu thế. Nó để lại trên
thềm. Bước xuống. Rồi lại kéo. Bọc đồ rơi phịch xuống. Bóng nhỏ chạy
lại. Hai chị em cùng kéo.
Từ trong bếp, một bóng người nhô ra ánh trăng. Tôi hoảng hốt giật cánh tay anh bạn tù, lắp bắp:
-Vợ tôi đó, anh.
Anh
bạn tù nhỏm dậy rồi lại nằm xuống ngay. Tôi nghe tiếng thỏ dài, nhưng
không chú tâm lắm. Chắc anh đang nghĩ tới vợ con anh. Giờ này…
Vợ
tôi đến mở gói đồ. Ba mẹ con ngồi xổm lục lọi.Hai cái bóng nhỏ đáng yêu
quá. Chúng ríu rít như những chú gà con nép trong bụng mẹ. Cái bóng nhỏ
thọc cả cánh tay vào
gói đồ. Cái bóng chị hất tay nó ra. Nó đứng lên dậm chân, giận dỗi. Chị
nó vội đứng lên ôm lấy nó. Ôi! Thương quá các con ơi!
Vợ
tôi rút ra một gói gì đó. Nàng cầm tòng teng trên tay. Ối, một con gà
đã làm lông rồi. Đúng. Dưới ánh trăng tôi nhìn rõ da gà vàng ngậy. Nàng
xách gà đi vào bếp. Hai
cái bóng nhỏ lúi húi buộc lại bao bố, rồi hì hụi kéo lên thềm, lê vào
trong nhà.
Cứ
thế, tôi dán mắt theo dõi ba cái bóng thân yêu. Cho đến lúc cả ba cái
bóng khuất hẳn trong căn nhà thăm nuôi thì tôi cũng quá mệt mỏi và gục
xuống nằm cạnh bạn, không
biết rằng nước mắt mình đã dâng đầy trong tròng mắt.
o O o
Sáng hôm sau, vào lúc tập họp ở sân trại trước giờ đi lao động ngoài hiện trường, tên cán bộ giáo dục đã cho toàn trại
biết lệnh của trại rằng: “Vì
cải tạo viên Nguyễn Tú Huy học tập chưa tốt, có nhiều biểu hiện không
an tâm tin tưởng, không chấp hành nội qui kỷ luật Trại nên Trại khoan
hồng chỉ cho nhận đồ tiếp tế của gia đình đến thăm nuôi mà không được
phép thăm gặp vì sẽ làm lây lan tư tưởng xấu cho gia đình là những công
dân ngoài xã hội đang tích cực xây dựng đất
nước.”
Toàn trại ngỡ ngàng. Anh em im lặng theo Đội đi lao động. Tôi chết lặng đi.
Khi
anh em đã ra khỏi trại khá lâu tôi mới được tên vệ binh dẫn ra đầu cây
cầu bắc qua suối. Đống đồ thăm nuôi nằm đơn lạnh bên bờ suối.
Tên vệ binh bảo tôi:
-Anh sắp tất cả vào một gánh. Đi một lần thôi.
Tôi ngước nhìn căn nhà thăm nuôi. Cái khuôn cửa hôm qua mở rộng, bây giờ đóng chặt. Im vắng. Thật im vắng.
Tôi
quì xuống ôm đống đồ mà mới tối hôm qua vợ con tôi còn sắp xếp. Con
suối vẫn róc rách chẩy. Tiếng nước chẩy như giòng nước mắt nhớ thương
tuôn tràn trong tôi. Nó còn
chảy hoài như con suối nhớ này!
Nguyên Huy
No comments:
Post a Comment