Đa số sách báo Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam không tường thuật
nhiều về những ngày, những giờ phút cuối cùng của Miền Nam một cách
chính xác. Điều dễ hiểu là, những người Mỹ làm việc tại Miền Nam đã được
di tản nhiều ngày trước khi quân đội Bắc Việt vào Sài Gòn, nên những
chi tiết về giờ thứ 25 rất ít được ghi nhận. Tuy nhiên, cũng có vài tác
phẩm viết lại những sự việc xảy ra những ngày cuối tháng Tư, như cuốn
Goodnight Saigon của Charles Henderson, Decent Interval của Frank Snepp,
hay cuốn Last Man Out của James E. Parker.
Tác phẩm Goodnight
Saigon (Giã Biệt Saigon) nghiêng nhiều về tường thuật những diễn biến
quân sự từ những thảm họa trên cao nguyên và ngoài Quân Khu 1, đến
những ngày hấp hối của Sài gòn, những xao động của dân chúng. Một vài
câu chuyện về những nhân vật dân sự như nhà văn Mai Thảo, diễn viên Kiều
Chinh. Trong cuốn Decent Interval (Khoảng Thời Gian Coi Được), tác giả
Frank Snepp chú trọng nhiều về những diễn biến và xáo trộn chánh trị ở
Hoa Kỳ và Miền Nam. Đặc biệt ông tường thuật cuộc ra đi trong đêm
25.4.1975 của Tổng Thống Thiệu và Thủ Tướng Khiêm. Cái tựa đề đã nói
thay cho chánh sách của chánh quyền Hoa Kỳ, hay nói chính xác, là công
việc để đời của ông Henry Kissinger, khi ông này tiên liệu sau Hiệp Định
Ba Lê thì Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn sống sót được chừng một năm rưỡi
nữa là cùng. Đó là khoảng thời gian coi được cho một cái chết từ từ, nếu
chết nhanh quá thì coi cũng… kỳ. Tuần lễ cuối của tháng Tư, khi Tổng
Thống Thiệu đã ra đi, thì ông Henry đã sốt ruột hỏi nhau với những cộng
sự, rằng không biết giờ này VNCH đã chết chưa.
Ở con người Kissinger tương phản hai thái cực kỳ dị. Khi còn
trong cuộc hòa đàm thì ông ta nhũn nhặn chìu chuộng Hà Nội đủ mọi thứ,
đến đỗi Tổng Thống Thiệu đã bực tức hỏi thẳng ông Phó Đại Sứ Mỹ tại Sài
Gòn khi ông ta nài nỉ Tổng Thống Thiệu chịu ký Hiệp Định: “Các ông đại
diện cho người Mỹ hay đại diện cho Bắc Việt”. Bằng mọi giá, ông
Kissinger phải ký cho được Hiệp Định Ngừng Bắn Ba Lê, đưa tù binh Mỹ về
nước, và chấm hết. Nhưng khi Bắc Việt ngổ ngáo vi phạm hiệp định, tái
phát chiến tranh, thì ông lại bênh vực VNCH và đòi trừng phạt Hà Nội.
Chẳng biết là ông diễn tuồng, điều mà ông gọi là lương tâm của nước Mỹ,
hay là thật lòng. Những dẫu sao thì quốc hội Mỹ cũng đã quyết định thay
giùm ông, rằng VNCH phải chết.
Chiến sĩ Sư đoàn 21 Bộ Binh hành quân diệt giặc
Tác phẩm Last Man Out (Người Cuối Cùng Ra Đi) của James E. Parker là
hồi ức về những ngày công tác tại Việt Nam trong cương vị của một nhân
viên CIA có trách nhiệm liên lạc và thu thập tin tức quân sự với những
cấp chỉ huy của QLVNCH, rồi tổng hợp làm phúc trình cho cơ quan CIA tại
Sài Gòn. Ông Parker đang làm việc ở chi nhánh CIA Cần Thơ, thì ông nhận
lệnh thuyên chuyển về Vị Thanh, tỉnh lỵ của tỉnh Chương Thiện. Đối với
người Việt Nam, thì Chương Thiện là một địa danh ít người muốn đến, còn
theo Parker thì bên ngoài tỉnh lỵ bước ra mấy bước là đã ngửi thấy mùi
Việt Cộng. Nên bất cứ người Mỹ nào về làm việc ở đấy đều được đồng
nghiệp gọi tên giễu (nickname) là Dead Man (Người Chết).
Tuy
vậy khi về Vị Thanh, Parker nhận ra rằng Việt Cộng chẳng bao giờ muốn
làm phiền ông ta, ông được an toàn. Từ đấy Parker suy luận rằng, chúng
chẳng muốn khiêu khích Hoa Kỳ bằng cách giết một CIA Mỹ trong những
khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến, chẳng có lợi gì mà có khi còn làm
cho anh Mỹ nổi giận quay trở lại thì khốn. Cứ để cho những người Mỹ tà
tà làm việc cho đến ngày họ cuốn gói ra khỏi Việt Nam, bởi ngày ấy chẳng
còn lâu la gì.
Công tác ở Miền Tây, là nhân viên đại diện cho CIA
Cần Thơ, Parker có dịp tiếp xúc với những vị chỉ huy cao cấp của vùng
châu thổ Cửu Long, những nhân vật đầy huyền thoại: Thiếu Tướng Nguyễn
Khoa Nam, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai và Đại Tá Hồ
Ngọc Cẩn. Đặc biệt, trong những ngày cuối cùng của tháng Tư, chiếc trực
thăng của Parker gần như hàng ngày đáp xuống Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ
Binh của Chuẩn Tướng Hai để nghe ông trình bày quân tình, dân tình lúc
ấy, rồi sau này nhiều người đã ngỡ rằng người Mỹ đến mời Chuẩn Tướng Hai
ra đi. Nhưng nếu người Mỹ thực sự có ý định đưa Chuẩn Tướng Hai đi, thì
ông cũng sẽ khảng khái từ chối, như Tổng Thống Trần Văn Hương từ chối
các ông Đại Sứ Mỹ Martin và Đại Sứ Pháp Mérillon, thề ở lại chia sẻ hoạn
nạn với chiến sĩ và đồng bào của ông. Hay Thiếu Tướng Lê Minh Đảo từ
chối sự mời mọc của người Mỹ, ông thề ở lại cùng sống chết với chiến hữu
của ông.
Chuẩn Tướng Lê văn Hưng
James Parker đã dành nhiều trang kể lại những cuộc tiếp xúc với những vị
chỉ huy cao cấp của quân đội Việt Nam, cuộc gặp đầu tiên là với Chuẩn
Tướng Lê Văn Hưng, lúc ấy ông đang là Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, bản
doanh sư đoàn đặt tại Vị Thanh, kính mời quý độc giả cùng theo dõi (chú
thích trong ngoặc là của chúng tôi):
Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư
Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, tiếp đón chúng tôi rất niềm nở. Ông Tướng nói
tiếng Anh hơi chậm nhưng phát âm rõ ràng, cho biết sư đoàn của ông có
trách nhiệm bảo vệ vùng hạ châu thổ. Sư Đoàn trong thế bị áp đảo về quân
số nhưng ông đã làm tất cả những gì có thể, ông chọn lựa mục tiêu. Ông
không muốn tấn công vào những điểm kiên cố của quân cộng, bởi ông nghĩ
rằng ông sẽ bị tổn thất nhân mạng nhanh chóng. Vì ông đang ở trong một
cuộc chiến quá lâu dài, ông phải bảo vệ nhân lực và nguồn tiếp liệu của
ông. Ông nói với tôi rằng ông không thể xoay chuyển cục diện ở đây, nếu
ông muốn tạo một chiến thắng thì quân Bắc Việt chắc chắn sẽ đưa nhiều
quân đến nữa. Tôi hỏi ông:
-Tại sao chiến đấu một cuộc chiến đang thấy thua rõ?
Ông Tướng hỏi vặn lại, rồi mĩm cười:
-Tôi còn có sự chọn lựa gì nữa không? Nhưng đây là đất nước của chúng tôi.
Vị Thanh là nơi hiểm nghèo nhứt ở Miền Nam, không có lý
lẽ nào để nuôi hy vọng ở đây. Quân địch đầy dẫy chung quanh thành phố.
Tại sao lại mạo hiểm để cho những người Mỹ bị địch cầm giữ trong giờ thứ
mười một này. Những tháng sau, tôi làm việc nhiều thời gian trong Bộ Tư
Lệnh Sư Đoàn 21, thu thập tin tức trong vùng hạ châu thổ, cuối cùng tôi
được cho phép thường xuyên tiếp xúc với Phòng 2 và Phòng 3 Sư Đoàn.
Trong lúc đó thì Tướng Hưng có mặt hầu hết ngoài mặt trận. Chiếc trực
thăng chỉ huy của ông cất cánh mỗi buổi sáng sớm đưa ông đến những địa
điểm xa xôi nhứt để ông có thể thăm hỏi những cấp chỉ huy. Tôi chỉ gặp
ông hầu như vào lúc ban đêm, lúc thì dùng bữa tối, lúc thì uống với
nhau. Thỉnh thoảng thì tôi cũng gặp ông Tướng vào lúc ban ngày trong văn
phòng của ông. Thời gian dần trôi, thì cuộc gặp gỡ của chúng tôi trở
nên thoải mái nhiều, chúng tôi thích thú sự hiện diện của nhau.
Terry (nhân viên CIA mà Parker đến thay thế) giới thiệu tôi với vị Tỉnh
Trưởng, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn. Ông Đại Tá được tuyên dương là Chiến Sĩ Xuất
Sắc Của Năm (1972), trước khi ông đến nhậm chức ở Chương Thiện, một
vinh dự gặt hái được từ chiến công anh hùng của ông chống quân Bắc Việt ở
An Lộc. Ông đã bị thương rất nặng, mất một phần mặt của ông. Khi tôi
gặp ông, thì phần bị mất ấy đã được chữa trị bằng phẫu thuật, từ cái
nhìn đầu tiên thì tôi đã có thể nhận ra một vết thẹo dài chạy dọc theo
bên hàm. Đại Tá Cẩn có một quan niệm rất tích cực về chiến tranh, dù
cảnh quan buồn tẻ ở Vị Thanh. Ông đúng là người lính của những người
lính, dũng cảm và thanh liêm. Ban đêm ông thường đi xuồng đến những đồn
bót xa xôi nhứt để phát lương cho binh sĩ. Ông nói rằng ông có dưới tay
nhiều chiến sĩ giỏi mà có thể chiến đấu chống cộng sản đến khi họ chết
hoặc là đất nước được thanh bình.
Những buổi tối của tôi với Chuẩn Tướng Hưng càng lúc
càng thân tình. Ông thường hỏi thăm về gia đình tôi, về Hoa Kỳ cùng
những gì đang xảy ra bên ấy. Ông rất quan tâm đến văn học Mỹ nên tôi
thường có dịp nói về các tác giả Hoa Kỳ và tác phẩm của họ. Mặc dù tôi
thường đọc hai, ba cuốn sách mỗi tuần ở Vị Thanh, nhưng tôi lại chưa đọc
những cuốn mà Tướng Hưng hỏi tôi. Về phần ông, thì ông nói về lịch sử
và chuyện chiến tranh ở Đông Dương. Ông thường nói chuyện một cách có
cân nhắc và chậm rãi, hay mĩm cười dù đang đề cập đến những sự việc
nghiêm trọng. Từ ông toát ra một vẻ rất tự tin và ánh lên sự trầm tĩnh.
Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Tỉnh Trưởng Chương Thiện
Trong tháng 2 (1975), cấp chỉ huy ở Cần Thơ và Sài
Gòn thúc giục, Tướng Hưng cho quân tấn công một đơn vị lớn Bắc Việt về
phía Đông Chương Thiện thuộc rừng U Minh, là một khu vực cộng quân chiếm
đóng từ lâu. Cuộc tấn công này là chiến dịch lớn nhứt từ lúc tôi về
tỉnh Chương Thiện. Ông Tướng sử dụng tất cả nguồn yểm trợ của Không Quân
mà ông có. Mặc dù ông sở hữu nhiều khẩu đại bác do quân đội Mỹ để lại,
ông lại có khó khăn khi di chuyển chúng vì sự hạn chế phi vụ chuyển vận.
Ông cũng thiếu thốn những tiếp liệu cần thiết và đầy đủ để trang bị cho
lực lượng tấn công. Thí dụ, ông có rất nhiều mìn claymore nhưng thiếu
ngòi nổ, đạn pháo binh cũng thế, có nhiều nhưng rỉ sét. Do vậy, sư đoàn
chịu nhiều thiệt hại. Chiến sĩ của ông chiến đấu rất dũng cảm. Tôi hiểu
nỗi đau đớn của ông Tướng, và tôi hiểu niềm tự hào của ông đối với những
người lính ấy, dù bị thương vong rất nhiều nhưng họ vẫn tiếp tục tiến
tới.
Khi trận chiến tàn, quân Bắc Việt bị đẩy lùi vào rừng U Minh,
Tướng Hưng vẫn không chắc rằng ông đã thực sự chiếm thượng phong. Ông đã
dùng quá nhiều nguồn tiếp liệu mà ông có. Cho cái gì mới được? Mấy ngày
sau, một thứ mùi kinh khủng tuôn vào chỗ tôi cư ngụ. Tôi đã từng ngửi
thấy mùi này, đó là mùi của thịt thối, của người chết. Một thông dịch
viên cho tôi biết nhà xác sư đoàn nằm giữa khu tôi ở và cô nhi viện
tỉnh. Những xác tử sĩ nằm chờ được chở đi. Phương tiện chuyên chở đã
hiếm hoi mà phòng lạnh cũng không. Một số xác được lấy về từ khu vực
chiếm đóng của cộng quân. Dẫu sao thì khi tôi muốn chạy xa khỏi khu nhà
ở, thì ông Tướng đã xoay sở phương tiện đưa xác tử sĩ đi trong tuần.
Tháng sau (10.3.1975), Ban Mê Thuột thất thủ, Bộ Tư Lệnh Tối Cao ở Sài
Gòn tái phối trí lực lượng để bảo vệ phần còn lại của Miền Nam. Sư Đoàn
của Chuẩn Tướng Hưng di chuyển về bảo vệ khu vực phía Bắc Cần Thơ, ông
Tướng được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó khu vực phía Nam Sài Gòn (Quân Khu
4).
Ngày 20.3.1975, Huế thất thủ.
Ngày 30.3.1975, Đà Nẵng mất.
Ở Cần Thơ, Tướng Hưng làm việc với Jim D. (xếp CIA Cần Thơ) và những
sĩ quan liên lạc quân sự, nhưng ông tỏ ra thích làm việc với tôi ngay
lần đầu gặp gỡ hơn là với những người sĩ quan này. Jim D. bảo tôi lên
Cần Thơ thường xuyên hơn để làm việc với ông Tướng. Tôi có kế hoạch trở
lại Vị Thanh mỗi tuần hay mỗi hai tuần để coi lại khu vực trú ngụ và
nghe thuyết trình quân tình từ Đại Tá Mạch Văn Trường, Tân Tư Lệnh Sư
Đoàn 21 đang chỉ huy những đơn vị còn lại ở đấy (Một ngày trước khi ra
đi, ngày 24.4.1975, Tổng Thống Thiệu ký nghị định đặc cách thăng Chuẩn
Tướng cho Đại Tá Trường. Ông là vị Tướng được thăng chức sau cùng nhứt
của cuộc chiến).
Khu vực càng lúc càng thu hút sự quan tâm là
con đường Quốc Lộ 4 chạy dài theo hướng Tây và Tây Nam từ Sài Gòn, phía
Bắc sông Bassac (tức sông Hậu Giang), rồi đổ vào vùng châu thổ. Các đơn
vị của Sư Đoàn 7 Bộ Binh chịu trách nhiệm bảo vệ quốc lộ, Chuẩn Tướng
Hưng sắp xếp cho tôi được nghe thuyết trình từ Chuẩn Tướng Trần Văn Hai,
Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Tướng Hưng cho biết ông từng phục vụ trong
sư đoàn lúc còn trẻ. Ông cố vấn sư đoàn lúc đó là con người đầy huyền
thoại Trung Tá John Paul Vann, một nhân vật đầy quyền lực đối với quân
đội Nam Việt Nam. Cuối cùng thì ông đã chết (trong một tai nạn trực
thăng ở Kontum, tháng 6.1972).
Tôi đáp trực thăng đến Bộ Tư Lệnh Sư
Đoàn 7 Bộ Binh và diện kiến Chuẩn Tướng Hai trong văn phòng của ông.
Ông Tướng đúng là một bản sao của một sĩ quan Mỹ với bộ quân phục sạch
thẳng nếp, tay áo xăn lên quá khuỷu tay. Ông Tướng nói tiếng Anh rất lưu
loát (khi còn là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục
Mỹ, người ta luôn thấy trong tay Chuẩn Tướng Hai nếu không là một cuốn
kinh Phật, thì cũng là một cuốn sách tự học Anh Văn. Thời Tổng Thống Ngô
Đình Diệm, ông cũng đã từng được gởi đi thụ huấn khóa tham mưu ở Hoa
Kỳ). Đôi mắt trên khuôn mặt đầy đặn của ông ánh vẻ nghiêm khắc và ông
chẳng tỏ ra thân thiện. Tôi hỏi ông Tướng về tình hình.
-Anh muốn biết tin tức, anh nhân viên chánh phủ Hoa Kỳ, tôi muốn cơ phận cho trực thăng, tôi muốn đạn dược.
-Ngài đang nói chuyện với lầm người rồi, điều ấy chẳng phải là công việc của tôi.
-Anh chính là chánh phủ Hoa Kỳ. Chánh phủ Mỹ hứa luôn cung cấp tiếp
liệu cho chúng tôi để chúng tôi có thể chiến đấu. Chúng tôi có thể làm
được chuyện ấy, chúng tôi có thể tiếp tục chiến đấu, nếu chúng tôi có
đạn và máy bay. Hãy nói lại với chánh phủ của anh điều đó rồi tôi sẽ nói
anh nghe những gì đang xảy ra ở đây.
-Vâng, tôi sẽ báo cáo rằng quân đội đang thiếu hụt tiếp liệu.
Ông Tướng chằm chằm nhìn tôi một lúc lâu, cuối cùng ông nói:
-Người Mỹ các anh không thường giữ lời hứa với người Việt chúng tôi.
Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh SĐ7BB
Ông Tướng tiếp tục nhìn tôi qua làn khói thuốc, chờ đợi phản ứng của
tôi. Khi tôi không tỏ thái độ gì, ông nhún vai và bắt đầu thuyết trình.
Ông cho biết binh sĩ của ông chiếm giữ những vị trí trên Quốc Lộ 4 và
hành quân đến biên giới Kampuchea để bảo vệ vùng lãnh thổ dưới Sài Gòn.
Khu vực này phần lớn là những cánh đồng ruộng trồng lúa. Tinh thần binh
sĩ rất cao, ông có thể ngăn chống lực lượng địch cấp sư đoàn của Bắc
Việt trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên tinh thần binh sĩ có thể suy
sụp nếu sư đoàn đối đầu với lực lượng địch lớn hơn và nếu đạn dược hao
hụt. Ông tiên đoán rằng quân Bắc Việt sẽ tấn công sớm, mà ông thì không
có tái tiếp tế. Sư đoàn ông đang trực diện với Sư Đoàn 9 Bắc Việt do
Tướng Di Thiên Tích chỉ huy, mà đã chiến đấu trong khu vực này từ trước
năm 1965.
-Tướng Tích có thể là tướng chỉ huy xuất sắc nhứt mà Bắc
Việt có. Anh có biết chiến hiệu (slogan) của sư đoàn ấy là gì không? Là
“Quét Sạch Kẻ Thù”. Kẻ thù ấy là tôi.
Có nọc độc trong giọng nói
của ông. Quân Lực VNCH đang sụp đổ ở phía Bắc, ông buồn phiền và cay
đắng. Không giống như Tướng Hưng, Tướng Hai không triết lý cho tương
lai. Ông giận dữ. Tôi đưa ý kiến rằng có thể có cuộc thương thuyết ngừng
bắn mà từ đó bảo vệ được chủ quyền của chánh phủ Miền Nam. Ông Tướng
nhìn tôi không nói, tôi không rõ ông đang nghĩ gì. Khi tôi trở về Cần
Thơ, tôi báo cáo với Jim D. buổi gặp mặt ở Sư Đoàn 7 Bộ Binh, rồi kết
thúc bằng sự việc ông Tướng muốn đạn dược và cơ phận. Jim D. nhíu mày
nhìn tôi:
-Đưa chuyện ấy vào báo cáo gởi cho Washington, và đứng nói với tôi nữa.
Tôi thường xuyên đến thăm Chuẩn Tướng Hai, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh.
Ông hiếm khi cười. Ông Tướng thường ngồi trên một cái ghế gỗ đằng sau
bàn làm việc, ẩn đằng sau khói thuốc khi tôi đến Bộ Tư Lệnh Tiền Phương
gần biên giới Miên. Mỗi lần nói chuyện với nhau, thì ông Tướng thường
gợi lại những điều mà ông cho là “Sự Can Thiệp Đầy May Rủi” của Quân Đội
Hoa Kỳ. Những điều ông nói, đại khái như:
-Giữa hai nền văn hóa có
một sự khác biệt lớn lao, người Mỹ các anh luôn muốn chúng tôi suy nghĩ
và hành động y hệt như các anh. Thực ra thì chúng tôi đâu có thích các
anh hay chánh sách của các anh… Anh có nghe tôi không? Chúng tôi không
thích các anh bảo chúng tôi phải làm gì. Nhưng chúng tôi cần sự giúp đỡ
để tồn tại, và chúng tôi biết các anh có lợi thế nhìn chúng tôi sinh
tồn. Nhưng không có nghĩa là các anh có quyền xía vào công việc và nền
văn hóa của chúng tôi.
Tại sao các anh không đưa quân vô
Kampuchea. Quân Bắc Việt đang ở đấy đấy, tại sao các anh thì không? Nếu
các anh vượt đường xa đến đây để chận đứng chủ nghĩa cộng sản, tại sao
các anh không tiến vào đất Miên nơi có những căn cứ của cộng quân rồi
đánh cho chúng tiêu tùng. Tại sao các anh không vào Lào? Tại sao các anh
không dùng cơ giới nặng ủi sạch con đường Hồ Chí Minh ở đó. Tình hình
quân sự ở đây rất đơn giản. Tại sao các anh hành động như những thằng
khùng? Người Việt chúng tôi cho là các anh khùng. Anh nói gì về điều đó,
anh CIA? Các anh ngáo làm việc cho một tổ chức ngáo.
Sau khi ông
Tướng đã giảng thế nào là cách điều khiển chiến tranh, sau khi gọi tôi
bằng đủ thứ danh xưng, lập đi lập những chuyện ấy, nổi giận lên, thì ông
mới nói đến chuyện quân tình trong khu vực. Trong những lần tiếp xúc
tại Bộ Tư Lệnh, dần dà giữa ông Tướng và tôi cảm thấy thoải mái với nhau
hơn. Không thân thiết, nhưng thoải mái, chúng tôi biết vị trí của nhau.
Có thể là do thời gian hai năm ở Lào tôi có nhiều bạn bản xứ, nhưng
cũng có thể ông Tướng nhận biết được sự cảm thông và kính trọng của tôi
đối với cảm niệm của ông về Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm ở thời điểm mà
rất nhiều cấp chỉ huy khác chỉ nghĩ đến bản thân họ. Cũng có thể khi
chúng tôi cảm thấy thoải mái vì tôi là người khách thường xuyên của sư
đoàn.
Thượng Nghị Sĩ Frank Church phát biểu trong cuộc họp Thượng
Viện ngày 10.4.1975, nói rằng thế là đủ rồi (enough is enough), Quân Đội
Nam Việt Nam tự lo liệu lấy. Trong khi đó thì Hạ Viện cũng đã bác bỏ
yêu cầu quân viện khẩn cấp 722 triệu mỹ kim và 250 triệu cho kinh tế của
Tổng Thống Ford (con số này là do Tướng Weyand lập ra và đệ trình sau
khi đi quan sát tình hình quân sự ở Việt Nam về. Còn con số 700 triệu
cho tài khóa 1974-1975, rồi bị cắt xuống 300 triệu đã bị cắt bỏ tàn bạo
từ lâu). Quốc Hội chỉ đồng ý cấp ngân khoản dùng cho việc di tản người
Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Ngày hôm sau, trực thăng của Air America (có
hợp đồng chuyên chở cho CIA) đưa tôi đến gặp Tướng Hai. Ông Tướng không
đứng dậy chào khi tôi bước vào văn phòng. Rất bất ngờ như bước ra từ cõi
sương mù, ông nói chậm rãi, hành động của chánh phủ tôi giống như cục
phân, nghị sĩ Church xấu xa hơn Hitler, nước Mỹ không còn danh dự, quân
đội nước tôi đã vi phạm quy luật hành xử chung của chiến sĩ khi quay
lưng với chiến hữu và bỏ rơi họ trên chiến địa.
Ông Tướng đứng dậy
và tiến đến gần tôi, đôi mắt ông đỏ hoe, bàn tay ông sờ vào báng súng
lục, chằm chằm nhìn tôi không che dấu sự giận dữ từ thái độ của ông.
Trong trạng thái căng thẳng đến điểm khó kiềm chế, những ngón tay của
ông nắm chặt lấy báng súng. Khoảnh khắc ấy qua đi, ông thở dài:
-Tôi có thể giết anh nhân danh những con người dũng cảm đã hy sinh trong
cuộc chiến này. Tôi có thể giết anh vì chánh phủ của anh đã không cố
gắng chiến thắng.
Tôi đứng lặng thinh, run rẩy. Tôi nhỏ nhẹ nói:
-Chiến tranh đang tàn lụi, cuộc chiến đấu đã hoàn thành. Ngài phải chấp nhận những gì đã xảy ra, ngài phải chấp nhận số phận.
Chuẩn Tướng Hai hỏi lại:
-Tôi nghe ông Kissinger của anh ngày kia nói rằng Việt Nam đã chết. Ông ta có biết là chúng tôi vẫn còn sống ở đây không?
Tôi không thể trả lời. Cuối cùng thì ông Tướng nhún vai,
giọng khàn đục không còn hơi. Ông nói cho tôi nghe tin tức mới nhứt về
cuộc điều quân của quân địch mà ông quan sát từ trên máy bay trên vùng
biên giới Việt-Miên. Ngày hôm sau, 15.4.1975, tôi bay đến Sư Đoàn 7 từ
sáng sớm. Như thường lệ, ông Tướng rầy rà tôi về hành động của Hoa Kỳ:
-Đâu là người bạn của Miền Nam khi Miền Nam cần? Tôi có thể gọi ai
đây? Quân giặc đã đến ngưỡng cửa của chúng tôi rồi, đất nước tôi trong
cơn nguy khốn tận cùng. Ai sẽ đến tiếp cứu chúng tôi?
Phía bên kia
biên giới Miên, ông đã quan sát thấy quân cộng tập trung lên con số đông
đảo, cơ giới và chiến cụ liên tục di chuyển đến hai mươi bốn tiếng đồng
hồ mỗi ngày.
-Máy bay bỏ bom của các anh đâu? Chúng ta đã trông
thấy địch lộ diện, đúng là thời điểm dội lên đầu chúng. Chúng chuyển
quân rầm rộ trước chiến sĩ của tôi, tôi cần giúp. Hãy giúp tôi, anh bạn
CIA.
Như thường lệ, ông ngồi trên chiếc ghế gỗ nhìn tôi sau màn khói thuốc.
Những chiến sĩ Thần Ưng Miền Tây, Sư Đoàn 7 Bộ Binh
Ngày 17.4.1975, Phnom Penh rơi vào tay Khmer Đỏ. Tôi khởi sự đến gặp
Chuẩn Tướng Hai mỗi ngày. Ông Tướng cho biết quân Bắc Việt tiếp tục tập
kết ngay phía bên kia biên giới, chúng đưa đến chiến xa, cầu nổi và pháo
binh. Bộ đội mới, tươi rói đã đến mà ông suy đoán sẽ là nỗ lực chánh
tiến đánh Sài Gòn. Đó là mục tiêu thực sự của cộng quân. Cộng quân tập
trung đông đảo như vậy không phải là để tấn công Sư Đoàn 7 Bộ Binh hay
chiếm lấy QL4. Thỉnh thoảng tôi đến thăm Chuẩn Tướng Hưng ở Cần Thơ. Ông
biết rõ tình hình quân sự toàn quốc, nhưng ông vẫn bình tĩnh và vẫn thư
thả đợi cái gì đến sẽ đến. Mười sáu tỉnh của vùng châu thổ chưa có
thành phố nào rơi vào tay cộng quân, với một nửa dân số của Miền Nam vẫn
được an toàn.
Trong cuộc gặp ngày 19.4.1975, Tướng Hai cho tôi
biết có vẻ như là không có thêm quân cộng tập kết ở vùng biên giới nữa,
chúng đang điều động đến các vị trí. Ông nghĩ rằng khi chúng bắt đầu đội
hình với bộ đội mới vào ở gần biên giới, phía sau những đội công binh
bắt cầu, với đoàn chiến xa nặng húc về phía Sài Gòn, cuộc tấn công sẽ nổ
ra. Cộng quân sẽ mất bảy ngày để xuất phát từ đất Miên vượt qua vùng
Đồng Tháp Mười và tiến về Sài Gòn. Sư Đoàn 7 của ông Tướng chỉ có thể
làm chậm tốc độ tiến quân của chúng mà thôi. Tướng Hai nói:
-Chúng tôi không thể chận đứng chúng, quân địch quá đông mà quân chúng tôi quá ít.
Ngày 21.4.1975, Xuân Lộc, một trong những cứ điểm cuối cùng của QLVNCH ở
phía Bắc Sài Gòn thất thủ (thật ra chỉ di tản theo lệnh của Trung Tướng
Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn III&Quân Khu 3 về bảo vệ Sài Gòn), sau khi
đã anh dũng chận đứng đà tiến của một lực lượng lớn quân Bắc Việt. Tổng
Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu cũng đã từ chức trong ngày ấy.
Tôi đáp trực thăng đến Bộ Tư Lệnh SĐ7BB trong ngày 22.4.1975. Phòng
làm việc của ông Tướng tối quá, ông đang ngồi trên chiếc ghế quen thuộc
và hút thuốc.
-Những chiến xa nặng của Bắc Việt đang vào đội hình,
bộ binh dàn trận phía sau. Chúng sắp sửa xuất phát, Sài Gòn sẽ rơi vào
tay Bắc Việt trong vòng bảy ngày, 29.4.1975.
Ông Tướng đưa cao
chiếc tách cà phê nóng lên, làm một cử chỉ vinh danh những người lính đã
hy sinh và chào đón tương lai, nhưng ông không cười. Ý định của quân
cộng thật rõ ràng đối với Chuẩn Tướng Hai. Chúng sẽ đánh lấy, chiếm được
Sài Gòn trong bảy ngày nữa, mà Sư Đoàn 7 thì không thể chận chúng lại
được. Tôi đến gặp Chuẩn Tướng Hưng buổi chiều cùng ngày. Ông cho hay từ
buổi sáng sớm quân Bắc Việt đã vượt biên giới ở khu vực gần các đơn vị
của Chuẩn Tướng Hai và tiến về hướng Sài Gòn. Tướng Hưng đã lệnh cho lực
lượng ít ỏi Không Quân và Pháo Binh chuẩn bị chống lại cuộc tiến quân
của quân địch, nhưng có lẽ cũng không làm chúng khựng lại được. Ông
Tướng vẫn vẻ bình tĩnh và giữ gia đình gần bên.
James E. Parker
cùng các đồng sự CIA giúp được nhiều nhân viên Việt Nam và thân nhân ở
Cần Thơ thoát được ra biển trong những ngày cuối cùng và được vớt lên
chiếc tàu buôn Pioneer Contender.
Đứng trên cầu tàu, tôi
quay nhìn về hướng Việt Nam, bất giác tôi chợt nghĩ trong một thoáng
thật rõ ràng, rằng dù chúng tôi đã thua trận, nhưng chúng tôi đã hành
động đúng khi đến đó và chiến đấu. Lịch sử sẽ rộng lượng phán xét ý định
tốt của chúng tôi đến giúp cứu một đất nước bị xâm lấn. Chúng tôi đã
không thắng vì những chánh trị gia, những nhà hoạch định chánh sách Hoa
Kỳ đã đưa ra những quyết định xấu xa đầy tội lỗi, từ lúc khởi đầu cho
đến lúc tàn cuộc.
Con tàu Pioneer Contender cứu mạng hàng ngàn người Việt Nam
Đối với tôi, cái di sản bất tử của cuộc chiến là những người lính đã
đáp lời gọi của đất nước, hy sinh thân sống ở Việt Nam. Trong thời điểm
của những giá trị chao đảo, họ đã khẳng định những nguyên tắc trường cửu
của Trách Nhiệm.Vì Tổ Quốc họ đã tự dấn mình trong những truyền thống
Mỹ đẹp đẽ nhứt của những người lính chiến Mỹ. Họ đã chết trẻ rất Danh Dự
trong chiến tranh. Mỗi người lính đều là những anh hùng.
Hướng về
phía bờ biển, tôi đứng nghiêm chào đúng quân cách, chậm rãi. Tôi đứng
lặng thinh trong một khoảnh khắc, rồi quay người đi xuống bên dưới. Cuộc
chiến đã chấm dứt.
Chất chở hàng ngàn người tị nạn Việt Nam, con
tàu Pionneer Contender nhổ neo buổi sáng sớm hôm sau hướng mũi tàu tiến
về hướng Đông. Việt Nam mờ nhạt dần từ phía sau.
PHẠM PHONG DINH.
No comments:
Post a Comment