LTS: Nhật báo Người Việt mở mục “70 Năm Di Cư (1954-2024)” nhằm kỷ niệm biến cố sau khi Hiệp Định Genève có hiệu lực (21 Tháng Bảy, 1954) hàng triệu người từ miền Bắc di cư vào miền Nam theo tiếng gọi của Tự Do.
Mạnh Kim
Dòng người di cư miền Bắc đang được thủy thủ Mỹ gắn thẻ lên tàu để lên đường vào miền Nam. (Hình: Naval History and Heritage Command)Khi mẹ mang bầu tôi thì ông nội tôi mất. Những gì liên quan cuộc ra đi lịch sử của gia đình ông tôi khi di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, tôi chỉ biết qua sách sử…
Có điều tôi chắc chắn rằng việc ông nội tôi quyết định đưa cả nhà vào Nam là để chạy trốn cộng sản vì sớm nhìn thấy bộ mặt đạo đức giả của Việt Minh cộng sản. Bố tôi từng kể như vậy. Ông nội tôi, như đa số người Bắc di cư 1954, là không đội trời chung với cộng sản. Khi vào Nam, một trong những nơi đầu tiên mà ông lập nghiệp, cùng bà vợ trẻ và đàn con nheo nhóc gần 10 người, là Tây Ninh. Sau đó ông đưa cả nhà về Phú Nhuận. Đến khi tôi trưởng thành, căn nhà gỗ một tầng mà ông dựng lên vẫn còn và đó vẫn là nơi mà con cháu luôn tề tựu mỗi năm vài lần, vào dịp Tết nhất và dịp giỗ ông.
Lúc còn sống, bà nội kể với tôi, khi ông bà dọn về đây, trước 1975 gọi là đường Nguyễn Huệ và sau 1975 đổi thành Thích Quảng Đức, khu vực này vẫn còn hoang vắng. Chung quanh đều là rừng. Cỏ lau ngập đầu người. Thú hoang vẫn còn đầy khắp. Tối ngủ có khi còn nghe cọp rống. Lưa thưa mới có vài căn nhà. Hầu hết là dân Bắc di cư 54 cả. Nhắc đến bà, tôi nhớ như in hình ảnh một bà nông dân Bắc Bộ truyền thống. Răng nhuộm đen, nhai trầu bỏm bẻm, chít khăn mỏ quạ…
Bà vẫn giữ nếp quê nghèo khó dù gia đình chưa bao giờ thiếu ăn thiếu mặc. Trong nhà lúc nào bà cũng “tích trữ lương thực,” từ lọ đậu vừng đến thố cải chua. Bà ăn uống tằn tiện như thể ngày mai biết đâu chẳng còn gì mà ăn. Phải biết ăn dè, nghe chửa! Trưa trưa, thỉnh thoảng, từ căn nhà mình phía đối diện cách chỉ vài bước, tôi chạy tọt vào nhà bà, vờ vịt hỏi han rồi lẻn xuống bếp ăn vụng. Lúc ấy, những năm sau 1975, cả Sài Gòn đói vàng mắt.
Thỉnh thoảng tôi hỏi bà này nọ. Vẫn giữ nếp quê rặt một nông dân Bắc bộ, bà nằm trên chiếc võng căng giữa nhà, đung đưa cọt kẹt, tay cầm quạt mo phe phẩy, bà kể chuyện quê ngoài Bắc. Bà tiết lộ bí quyết nấu món cá chép kho riềng. Bà vừa nhổ bã trầu vừa nói về kỹ thuật nấu xôi vò, nghệ thuật nấu xôi khúc. Bọn bán xôi khúc bây giờ nấu sai cả. Nấu đúng cách là phải thế này thế này, kỳ công lắm.
Nếu bây giờ bà còn sống, tôi sẽ không thắc mắc về chuyện nấu xôi khúc đúng kiểu người Bắc. Tôi sẽ hỏi bà về chuyện bà gánh gạo đi bộ từ làng Ngọc Trì, Bắc Ninh, lên tận Hà Nội để nuôi bố tôi ăn học ra sao, rằng bà đi nhọc như thế mất bao nhiêu ngày, bà nghỉ ở đâu, rồi bà ở Hà Nội bao lâu hay lại quày quả quay về ngay để còn kịp ngày ra ruộng. Và nữa, tôi sẽ hỏi bà, rằng ông cùng bà vào Nam như thế nào. Tôi không biết và không thể tưởng tượng nổi, dù cố gắng hết mức, để hình dung tâm trạng của ông và bà tôi khi quyết định chọn con đường duy nhất đầy rủi ro là bỏ hết tất cả tài sản để vào Nam với bàn tay trắng.
Cuộc ra đi kéo dài 300 ngày đó là cuộc ra đi lịch sử của dân tộc. Nó là cuộc thiên di định mệnh của gần một triệu đồng bào Bắc Việt tay xách nách mang vào Nam tạo dựng lại cuộc đời. Dù không thể biết tâm trạng và cảm xúc của những người như ông nội tôi nhưng chắc chắn một điều rằng chẳng có cuộc ra đi nào khỏi nơi chôn nhau cắt rốn là một chọn lựa nhẹ nhõm. Nó rất nặng nề. Thậm chí vô cùng đau đớn. Họ để lại phía sau vô số kỷ niệm. Họ để lại không chỉ hình ảnh bụi tre, sân đình hay giếng nước. Họ thậm chí để lại những cuộc tình.
Có điều tôi biết chắc rằng, khi di cư năm 1954, người Bắc đã bỏ lại quê hương chôn nhau cắt rốn nhiều thứ nhưng có một thứ mà họ ôm khư khư trong lòng, giữ chặt trong tim và sau đó khi định cư nơi miền đất mới Nam kỳ, họ lại xõa nó ra, như xõa cái búi tóc từ chiếc khăn mỏ quạ: Hương hồn văn hóa đất Bắc kinh kỳ. Văn hóa miền Nam trước 1975 không thể phát triển đến mức đồ sộ như được biết nếu không có đóng góp của nhân tài đất Bắc. Họ mang vào miền Nam những thi bá Vũ Hoàng Chương, những văn nhân Thái Thanh, những nghệ sĩ Phạm Duy, những văn sĩ Mai Thảo…
Giới trí thức Bắc kỳ di cư ngày ấy là tinh hoa không chỉ của miền Nam mà của cả dân tộc. Những gì họ để lại là một di sản văn hóa khổng lồ. Họ mang vào Nam một cách sống và đặc biệt: Một giọng nói nhẹ nhàng sang trọng lịch lãm rất đặc thù mà bây giờ vẫn còn nghe ở những người gốc Bắc di cư thuở ấy, như ông Nguyễn Ngọc Ngạn chẳng hạn. Họ nói năng nhẹ lắm, rất lịch sự, hòa nhã, từ tốn, khiêm cung và dĩ nhiên rất văn hoa lả lướt. Lời lẽ ý nhị và cầu kỳ. Gây ồn nơi công cộng, với họ, là một sự tự hạ thấp nhân cách.
Một bé trai trong gia đình người di cư từ Bắc vào Nam giúp thủy thủ trên tàu USS Bayfield (APA-33) làm việc trong chuyến hải trình từ Hải Phòng vào Sài Gòn, ngày 7 Tháng Chín, 1954. (Hình: Naval History and Heritage Command)Vào Nam, những người như ông bà tôi, bố tôi, cô chú tôi, và cả triệu người Bắc khác, đã hòa nhập rất nhanh với văn hóa miền Nam. Vừa hòa nhập, họ vừa mang lại những ảnh hưởng văn hóa Bắc bộ cho đồng bào miền Nam. Không chỉ văn hóa. Phải kể đến ẩm thực. Quán cơm Bà Cả Đọi không chỉ thỏa mãn những Vũ Bằng, Hoàng Hải Thủy hoặc Duyên Anh mà còn chinh phục cả thường dân Sài Gòn Nam kỳ chính cống.
Những lạ lẫm ban đầu mà người Bắc mang vào Nam nhanh chóng trở thành một phần của văn hóa miền Nam, nơi nhẹ nhàng dung nạp tất cả đặc tính văn hóa vùng miền của quê hương. Tôi có thể thấy rõ điều đó trong xóm tôi, và ngay trong gia đình mình, đặc biệt khi bố tôi – một anh “con giai Bắc kỳ” cưới mẹ tôi – cô gái gốc miền Tây Nam bộ. Tôi trở thành “Bắc kỳ lai, ăn khoai không bỏ vỏ, ăn chó không bỏ lông”. Hồi bé, tôi thường bị mấy bà Bắc kỳ trong xóm bác Cả tôi, ở hẻm Đội Có (Phú Nhuận), gần nhà ông kịch sĩ Thanh Hoài, trêu như vậy.
Trong “Văn Học Miền Nam Tổng Quan,” ông Võ Phiến viết:
“Cuộc di cư còn có ảnh hưởng vào văn hóa miền Nam một cách sâu xa hơn, tuy âm thầm lặng lẽ hơn. Thật vậy, từ sau cuộc di cư 1954, ngày một ngày hai không ai để ý đến, nhưng cuộc sống ở miền Nam đổi khác: Cái quai nón của người con gái đổi khác, chiếc áo đàn bà mặc trên người đổi khác, món quà người ta ăn hàng ngày không giống xưa, cái bìa báo bìa sách biến dạng đi… Giọng nói miền Nam cũng biến đổi nữa, không sao! Sau này có cô ca sĩ nào mà không hát giọng Bắc; vả lại không cần phải chờ đến lúc thành ca sĩ mới đổi giọng: mọi nữ sinh, kể cả những cô nữ sinh trung học tận dưới Rạch Giá, Cà Mau hễ cất giọng lên là cũng hát giọng Bắc luôn.
Và xa tít trong đồng quê, dọc bờ biển hoặc ven rừng núi, xung quanh những vùng định cư Cái Sắn, Phước Tĩnh, Gia Kiệm… chẳng hạn, phong tục tập quán miền Bắc cũng dần dần tỏa ra, len lách thấm dần vào xã hội miền Nam. Rồi kỹ thuật canh tác, kỹ thuật ngư nghiệp cổ truyền v.v… của miền Bắc cũng lan rộng ảnh hưởng của nó. Vũ Bằng nói về sự thay đổi của cách ăn mặc, của cảnh hội hè trong Nam trước và sau cuộc di cư: “Cùng với những cái áo dài may kiểu mới thay thế cho những cái áo bà ba cũn cỡn, anh em ta ở đây, ngày Tết, đã tỏ ra trang trọng hơn trước trong việc trang trí nhà cửa và ăn uống cũng như sửa soạn.”
Trước quà bình dân trong chợ, bên đường, là những bánh cống, bánh lọt, bún nước lèo,… còn tiệc tùng yến ẩm thì toàn kéo nhau đi tiệm Tàu ăn món Tàu; sau này bún ốc, bún thang, giò chả, chả cá, gỏi cá, rồi nhất là phở Bắc vùng lên, hớn hở kết thân với đủ mọi giới đồng bào bất phân giàu nghèo Nam Bắc… Còn nhớ đâu đó thi sĩ Đông Hồ từng có lần luận về sự phát triển của phở ở miền Nam, và ông khen sau này có khi tô phở còn vui vẻ sẵn lòng chấp nhận một mớ giá sống cho hợp khẩu vị bà con địa phương, ông xem cái “đóng góp” ấy của miền Nam như là một sáng kiến để làm cho món ăn được mát dạ, giải nhiệt, thích hợp với khí hậu trong này.”
***
Một cách chính xác, tôi không biết Bắc kỳ lai Nam kỳ, hay ngược lại, thì điều nào đúng hơn. Có lẽ không miền nào “lai” miền nào mà văn hóa hai miền ảnh hưởng lẫn nhau. Trong tôi, có vài phần là “Bắc kỳ thứ thiệt” nhưng cùng lúc cũng có yếu tố “chính cống Nam kỳ”. Sống suốt thời thơ ấu ở Sài Gòn, trong gia đình ngoại, nói tiếng Nam, nhưng trong tôi, “máu Bắc kỳ” vẫn rất đậm.
Tôi ăn Phở Dậu chứ không ăn Phở Hòa Pasteur. Với tôi, cá chép nấu riêu của bà nội tôi là món ăn vô địch thiên hạ, chứ không phải cá lóc kho tộ. Tôi là một thứ “Bắc kỳ cực đoan” hơn cả dân Bắc gốc thứ thiệt, nhưng tôi, suốt đời, cũng yêu quý sự phóng khoáng hào sảng tột cùng của văn hóa miền Nam. Nhiều người Bắc gốc 54 cũng có cùng suy nghĩ. Ở miền Nam, ở “Sài Gòn của chúng tôi ngày ấy”, từ lâu không còn cái gọi là văn hóa vùng miền tách bạch. Miền Nam và Sài Gòn đã dung nạp tất cả.
***
Trong tạp chí “Sáng Tạo,” số Tháng Mười 1956, ông Mai Thảo đã viết về Sài Gòn như được trích sau đây. Phải là người rất yêu miền Nam và yêu Sài Gòn, hòa nhập thật sự vào văn hóa miền Nam, mới có thể viết được như thế. Những gì ông Mai Thảo viết chắc chắn là cảm nhận của rất nhiều người, những người Bắc di cư vào Nam và chọn vùng đất này, để sống và để chết, cùng với nó:
“Sài Gòn thủ đô văn Hóa Việt Nam: Không phải là một danh từ, một câu nói xuông nhạt (nguyên văn – MK). Không phải là một ảnh hình trừu tượng. Không phải là một ảo tưởng mong manh còn nằm trong ngày tới xa thẳm. Không phải là một ý niệm khát khao đợi chờ. Đã là một thực thế được minh định: Văn Hóa Việt Nam, thực hiện hôm nay và sẽ được kiện toàn trong ngày tới đã có được một trung tâm xuất phát và sinh thành: Thủ đô Sài Gòn (…)
Không còn là chân tay, Sài Gòn đã là một trái tim. Những biến cố trọng đại của lịch sử đất nước từ một ngày nào đã chuyển đổi trọng tâm sinh hoạt dân tộc, và Sài Gòn đang phát triển, thay thế cho một Hà Nội đã tàn lụi, đã nghiễm nhiên biến thành một thứ cứ điểm chính yếu quy tụ mọi thiện chí xây dựng và mọi nỗ lực đóng góp của những hoạt động văn-hóa hiện hữu, trên mọi ngành mọi mặt.
Từ người du khách ngoại quốc đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, đến những chuyến tàu vượt đại dương vào hạ neo trên mặt nước phẳng lặng của thương khẩu thành phố, đến những con người xa cách không biết bao nhiêu trùng dương, lúc mở nút điện nghe một tiếng nói, một giọng hát, một bản nhạc truyền thanh qua không gian, hoặc đọc một cột báo tường thuật ghi chép những chứng tích của Văn Hóa nghĩ đến Việt Nam – đều mang trong tâm hồn linh ảnh đằm thắm của thành phố lớn rộng đã trở nên trung tâm sinh hoạt và phát huy của tất cả mọi lực lượng tinh thần đất nước giữa mùa kiến tạo.
Thành phố đổi khác. Thêm một tấm áo của Văn-Hóa khoác lên mình tấm áo của thiên nhiên. Nắng nhiệt đới chói chang vàng điệp bừng chảy thêm một thứ ánh sáng văn hóa càng ngày càng thắm thiết rực rỡ. Không phải chỉ là những công trình kiến trúc với những đại lộ rộng thẳng, những ngã tư trùng điệp xe cộ, những công viên xanh mướt màu cỏ bóng lá, những xưởng máy vang vọng nhịp điệu sản xuất, những trường học, chợ búa sinh hoạt thường xuyên, không phải chỉ là một khoảng không gian tập hợp một dân số đông đảo có chung một gốc nguồn, một lịch sử, một tương lai. Không phải chỉ là một thương cảng lớn đón nhận và gửi đi những kiện hàng, những chuyến tầu (…).
Từ một điểm son bé nhỏ vô nghĩa ghi trên tấm bản đồ hình thể xứ sở, đến những công trình xây dựng bề mặt, thành phố dựng lên theo chiều cao đang tỏa đi theo chiều rộng và thấm lắng xuống chiều sâu, để từ một đô thị miền Nam biến thành một thủ đô tinh thần của toàn thể đất nước.
Các giới chức chỉ huy đón 100,000 ngàn người di cư khi cập cảng Sài Gòn, năm 1954. (Hình: Naval History and Heritage Command)Sài Gòn đã đứng vào vị trí. Đã nhận nhiệm vụ mình. Sau khi Hà Nội đã từ bỏ vị trí nhiệm vụ của Hà Nội. Lửa văn hóa vượt vĩ-tuyến đã sáng lên ở đây, hôm nay. Sự tê liệt, sự hủy diệt, sự đổ ngã một nơi nào đẩy những sức sống trẻ mạnh về Sài Gòn, hợp làm một với những sức sống trẻ mạnh sẵn có. Thành phố – hòn ngọc của Á Châu – tinh hoa của đất nước – đã chứa đựng cái sắc thái của một mảnh đất màu trên đó đua nở những cỏ hoa tươi tốt nhất của một mùa văn hóa mà những thành tích, kết quả cụ thể đang được thu lượm dần dần, đang được sắp thành biểu đồ, hệ thống (…).
Tôi đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất từ mùa nắng 54. Những người bạn đường đã sinh trưởng ở đây kể từ ngày thành phố xuất hiện trên những kinh rạch ẩm ướt đen tối. Những người bạn đường còn ở rải rác trên những đô thị thế giới, bên kia muôn ngàn trùng dương. Tất cả đời sống chúng ta, kể cả phần tâm tưởng thầm kín đến phần sinh hoạt thường nhật, đều hướng về Sài Gòn. Như những nhành hoa hướng dương nở về một phía bình minh. Như những bước chân đi về trạm hẹn. Mang trong lòng ít nhiều thiện chí xây dựng, rất nhiều tin tưởng, qua một ý niệm chân thành ở tiền đồ văn hóa đất nước, chúng ta đang lăn mình vào sinh-hoạt văn hóa (…)
Bởi vì Sài Gòn, nếu chưa thật sự – một trưởng thành nào cũng phải có đủ thời gian – thì cũng đang trở nên trung tâm văn hóa đất nước. “Trung tâm” xứng đáng với ý nghĩa của toàn thể toàn diện. Những hạt muối đang kết tinh trong nắng. Những bông hoa đang phơi mở. Những trái ngọt đang căng đầy. Từ trung tâm, những nền tảng đã đặt định đề văn hóa được trưởng thành. Những nỗ lực này tiếp tay những nỗ lực khác. Trên một hình thức kiến trúc những công trình thể hiện đang làm đầy phần chứa đựng, phần nội dung. Những vật liệu văn hóa còn ngổn ngang bộn bề, nhưng hình thể của lâu đài văn hóa đã nhìn thấy (…).
Sài Gòn đang mở hội vui. Người dự hội đến từ những học đường, những phòng thí nghiệm, những sở khảo cứu, những trung tâm phát minh, mang theo những chứng tích mới lạ của khoa học phục vụ con người và đất nước tự do dân chủ. Người dự hội đến từ những bộ môn, những ngành nghệ thuật. Màu sắc của hội họa, đường nét của điêu khắc, âm thanh của thơ nhạc đều có mặt ở Sài Gòn.
Người nghệ thuật đóng góp phần mình vào đại hội qua một họa phẩm, một sáng tác phản chiếu cuộc phục hồi vĩ đại của văn hóa dân tộc đang được xây dựng gấp rút sau chiến tranh đổ vỡ. Cơ man nào là những đóng góp văn hóa, những thiện chí của lớp người văn hóa. Trên những đường lối thênh thang sáng tỏ của dân tộc là những bàn tay hiến dâng những khay vàng. Ngày lại ngày, những hiến dâng này đóng góp vào những hiến dâng nọ. Ánh sáng văn hóa cháy đỏ thêm sau mỗi lần hiến dâng (…).
No comments:
Post a Comment