Monday, August 7, 2023

Củ Sắn - Phương Lâm

 Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, những bà chị từ ngữ bây giờ gọi là “ÔSIN” nhưng trước ngày ấy người ta  kêu đích danh là “Ở Đợ” hay là  “Đầy Tớ”.

Đùng một cái mấy bả mang dép râu đội nón cối trở thành chủ tịch phường, chủ tịch hội phụ nữ, trở thành nữ cán bộ, quay trở về còng tay chủ nhà, vân vân và vân vân…

Rồi củ sắn cũng theo mấy bà nghiễm nhiên đi vào lịch sử. Ví sắn trở thành thực phẩm chính của đồng bào miền Trung, đặc biệt dành riêng cho đồng bào bên thua cuộc.

Bây giờ ngồi nhâm nhi mấy khúc sắn nhớ lại  ngày mà miền Nam được gọi là giải phóng, ngày mà bên thắng chọn “sắn là thực phẩm chủ đạo” là nền tảng tiến mạnh, tiến vững chắc, tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, đảng thì khua chiêng, gõ trống, dân đói vàng con mắt, mặc kệ chúng mày. Vì chúng mày là tàn dư của Mỹ, Ngụy… 


Dân thành phố đảng bắt buộc phải lao động sản xuất ra của cải vật chất, để giúp cho xã hội chủ nghĩa tiến nhanh lên chủ nghĩa đại đồng, Một cái bánh vẽ to đùng, một giấc chiêm bao giữa ban ngày họ xúm nhau hót líu lo như bầy chim cu gù chim mái, họ nói không chớp mắt, không biết từ ngượng mồm là gì. 

Tôi là lao động chính, tháp tùng theo bà con thôn xóm kết thành một nhóm sản xuất, nghe người ta nói dễ nhất là trồng sắn, tôi có chiếc xe đạp nên bà con giao cho nhiệm vụ tìm hiểu về sắn.


 Sắn có hai tên, từ đèo Hải Vân trở RA  tên củ SẮN, từ đèo Hải Vân trở VÔ  tên là củ Mì, còn ngoài Hà Nội họ kêu tên chi không biết.

 Sắn nếu được  trồng ở đất thịt “đất trồng lúa” cho củ nhỏ, thịt chắc, ăn bùi, có vị ngọt.

Ở Huế sắn nổi tiếng ngon là sắn Truồi.

Trước năm 1975, người ta  phân biệt hai giống sắn rất rõ ràng, giống sắn trồng để ăn củ và giống sắn trồng để lấy tinh bột.

Giống sắn trồng để ăn củ có thân, cọng lá màu hơi đỏ, củ sắn lớp vỏ dày bên trong màu hồng tía. 

Còn sắn lấy tinh bột, thân, cọng, củ lớp vỏ  trong màu trắng, hai giống cây này nhìn vào là nhận ra sự khác nhau ngay, có điều là giống sắn trắng cho củ nhiều hơn sắn đỏ, vì vậy sau 30.4.1975  dưới sự quản lý của cộng quyền, không cho trồng loại sắn đỏ vì không đạt  sản lượng. 

Sắn là chủ đạo để xây dựng xã hội chủ nghĩa nên người dân một ngày ăn ba bữa sắn, giống sắn trắng rất độc không ít gia đình đã chết  sau khi ăn nó. Tất nhiên ai cũng phải ăn trừ bữa nhưng luôn trong tư thế cảnh giác, mớ sắn nào nuốt vào có vị đắng, hơi nồng, thì ngưng ngay, ai lỡ nuốt vài ba miếng, tức tốc hái lá rau khoai ‘lang” nhai nuốt liền.

Đó là cách giải độc sắn nhanh và hiệu quả nhất của  ông bà truyền lại.


Trước năm 1975 sắn trắng mài ra, lọc lấy tinh bột, xác sắn bán rẻ, hoặc cho bà con chăn nuôi gia súc, gia cầm.  

Sau 30 tháng 4 năm 1975, Sắn sau khi lọc lấy tinh bột, xác sắn trước đây vứt bỏ, bấy giờ họ cho nước vào quậy, vắt lại lần hai, lần này lọc ra bột lợn cợn gọi là “Bột Mũ” màu hùn hùn đen.

Bột mũ giá tương đối thấp những gia đình kha khá mua về nấu cháo bánh canh, hay hấp ăn trừ bữa qua ngày.

Còn lại xác sắn, sau hai lần vắt, những gia đình khốn khó mua xác này về vò thành từng nắm cho vô nồi hông, hông chín, đem ra chấm muối ăn qua  bữa.


Thành phố Huế chia đất canh tác cho đồng bào phía bờ Nam Sông Hương, vùng đất từ hàng rào kẽm gai căn cứ  Sư Đoàn 1 “Giạ Lê” lên tới sau lăng Vua Khải Định, phải nói là cò bay thẳng cánh, tình chiều dài theo đường chim bay  không dưới 30 cây số. Đất đồi trọc, một phần đất 9 phần sỏi, nhìn qua các ngọn đồi trọc nơi này cây tràm, nơi  kia cây chổi rành, mọc rất khiêm tốn, cao hơn mặt đất khoảng 2 gang tay.


Dân thành phố ngày nào cũng tập trung lên núi nhìn nhau cười, đi một thời gian mỏi chân  không đi nửa, nói với nhau nếu họ bắt nạp sản lượng thì gom tiền lên rẩy mua.

Thế rồi mọi chuyện cũng êm xuôi theo ngày tháng, vì không có sắn của chúng tôi trồng nên giờ này đất nước Việt Nam chưa tiến lên xây dựng chủ nghĩa Đại Đồng .

Phương Lâm.

No comments:

Post a Comment