Ra khỏi cái toa đen nồng nặc mùi nước giải và mùi thuốc sát trùng, khách ngoái nhìn cái đầu máy đang xì xì phả từng cụm hơi nước:
- Ờ, thế là kết thúc rồi, kết thúc thật rồi, một đoạn đời khốn nạn của ta.
Tay
nải kẹp nách, anh lững thững bước vào ga. Trên sàn rộng không còn một
chỗ trống. Tiếng ngáy đủ mọi cung bậc bay lên vòm trần.
- Mà lạ, sao mình không cảm thấy vui, cũng chẳng thấy buồn. Nhỉ?
Anh vặn người. Mấy đốt sống kêu lục cục. Lúc lắc nhiều giờ trên tàu, anh mệt, anh muốn nằm.
Ngả lưng giữa đống người kia ư? Quang cảnh trước mắt làm anh phát gớm. Chặc lưỡi, anh len ra ngoài.
– Mình đi đâu bây giờ? Không thể đến nhà ai vào cái giờ khuya khoắt này –‘ anh tự nhủ - Lmg gì còn ai chờ đợi mình?
Đêm hè. Gió mát. Mấy con chuột cống béo núc chạy loăng quăng trong rãnh hè.
- Này, lượn mãi. Không chán à?
Có tiếng gọi. Tiếng con gái.
- Đi không?
Tiếng gọi rõ ràng hướng về anh. Ngoái lại, anh thấy một người đứng tựa lưng vào tường – một cô gái.
Trẻ,
thân hình thanh mảnh, cặp vú nhỏ nhú lên dưới lớp vải xanh mỏng tang.
Anh bất giác tủm tỉm: kiểu áo này anh biết, nó mang một cái tên đáng sợ:
áo “thắt cổ mổ bụng”.
- Đi đâu cơ? – anh không hỏi cô gái, anh tự hỏi.
- Còn đi đâu nữa? Anh không hiểu à?
-Tôi chẳng có đâu để mà đi, cô ạ.
Cô gái dợm bước về phía anh:
- Sao lại chẳng có đâu để mà đi?
Anh cười. Cái cười vô nghĩa:
- Thật mà.
Giọng bả lả, cô bảo:
- Thì đi với em. Ông anh chờ tàu hở? Hai tiếng nữa mới có tàu xuôi, anh ơi. Còn khối thời giờ.
- Không. Tôi không chờ tàu. Đây là ga cuối của tôi.
- Sao ông anh cứ luẩn quẩn ở đây? Ông anh không vội về nhà?
- Không.
- Sao thế?
Anh lúng túng.
- Tôi vừa ra tù.
Cô không ngạc nhiên. Cô vui vẻ:
- Thế à? Thì đi giải đen với em. Rẻ thôi. Nhé?
Cô túm tay áo anh.
- Không được, cô ạ.
- Sao lại không được?
Anh lúng túng đáp:
- Tôi không có xu nào trong túi.
- Thế thì lượn mãi làm gì?
Anh không tìm được câu trả lời. Anh lặng thinh.
Dưới
ánh sáng nhợt nhạt của ngọn đèn đường bị lũ thiêu thân quây thành vồng,
anh ngồi bệt trước cửa ga, tựa lưng vào bức tường đá.
Cô gái quan sát anh, rồi đến ngồi bên anh.
- Anh không muốn về nhà?
- Không. Tôi ngồi đây chờ sáng.
- Không về nhà thì anh định đi đâu? – cô gái nhắc lại.
- Tôi đang nghĩ.
- Nghĩ thì có ra được chỗ để về không?
- Rồi tôi sẽ nghĩ ra.
Mười
một năm trước anh cũng có nó, cái gọi là nhà - một căn phòng hẹp, trần
thấp, bề bộn sách. Anh nhớ về nơi ở quen thuộc một thời gian dài. Rồi
anh quên. Mà nghĩ đến nó làm gì chứ! Căn phòng ấy nhà nước cấp cho anh.
Rồi nhà nước đưa anh đi tù. Cái phòng hết là của anh.
Hai người im lặng một lúc.
Cô gái ngẩng nhìn bầu trời đen.:
- Khuya rồi đấy.
Anh cũng nhìn theo cô.
- Dễ gần hai giờ.
- Ga có đồng hồ mà. Cô không biết xem đồng hồ?
- Không.
- Hai giờ mười lắm.
Cô gái ngẫm nghĩ. Rồi nói:
- Hay là… thế này…
- Cô bảo sao?
- Ông anh… về với em.
Anh thở dài:
- Tôi không có tiền. Thật mà.
Cô quan sát anh lần nữa. Rồi túm tay áo anh:
- Về với em. Không tiền nong gì hết.
Anh ngơ ngác. Anh không hiểu.
- Em cũng có lúc như anh mà - chẳng biết đi đâu.
- Có tiện không?
- Đừng ngại.
Cô túm tay áo kéo anh đứng lên.
2
Nhà
của cô là chái hẹp một căn nhà hẹp, trong đó có một cái giường đơn,
đúng hơn là một cái chõng. Chõng có đệm, có chăn. Không khí có mùi ẩm
mốc.
Anh quăng tay nải xuống đất, nhìn cô đánh diêm châm ngọn đèn hoa kỳ. Nó lép bép mãi, không chịu bén lửa.
- Cảm ơn cô.
- Anh không có nhà thì đây là nhà.
- Tôi làm phiền cô quá.
Cô sửa lại vạt chăn lơi xuống đất:
- Em cũng đã trải qua cảnh ấy.
- Thật sao?
- Không phải một lần đâu. Anh cứ nằm đây, nghỉ đi.
- Thế cô nằm đâu?
- Chõng rộng. Đủ chỗ cho hai người.
3
Câu chuyện này tôi ngh bạn tôi kể. Lâu lắm rồi.
Tôi
muốn ghi lại câu chuyện được nghe trong hình thức một truyện ngắn hay
một bút ký, nhưng viết mãi không thành. Dưới gầm bàn đầy những trang
giấy vo viên. Trong tay các nhà văn câu chuyện này chỉ một loáng là
xong. Tôi thì không thể. Tôi không phải nhà văn. Nhưng không viết nó ra
thì tiếc.
- Ông kể tiếp đi – tôi nằn nì - Tôi muốn nghe.
- Ờ, thì kể. Nhưng chuyện khó tin đấy.
- Tôi tin.
Bạn tôi ngần ngừ:
-
Nó khó tin, nhưng là chuyện có thật. Tôi nằm xuống cái chõng ấy và
thiếp đi ngay lập tức. Giữa đêm thức giấc, tôi thấy có người nằm bên. Là
cô gái ấy.
Tôi cười:
- Tôi hình dung được chuyện ắt phải xảy ra.
Anh nghiêm mặt:
-
Bậy nào. Tôi biết, ông, và nhiều người nữa, chắc sẽ nghĩ như ông. Rằng
tôi sẽ vồ lấy cô ấy, ngấu nghiến làm cái việc con vật đực bị giam hãm
lâu ngày sẽ làm. Không, hoàn toàn không phải thế. Đời tù quá dài đã làm
tôi quên chuyện ấy. Nói cho đúng, tôi không nhớ tới nó. Khát vọng tự do
đã che lấp mọi cảm giác.
Anh lặng đi trong hồi tưởng.
-
Đó là một đêm cực kỳ hạnh phúc trong đời người. Nó chỉ xảy ra một lần,
nếu anh may mắn gặp nó. Nó giống như một giấc mơ. Hơi thở đều đều của
người con gái không quen biết gối đầu trên tay tôi. Nó mới thơm làm sao,
mới ấm áp làm sao, mới tinh khiết làm sao. Cái hương ấy chẳng bao giờ
tôi quên được. Nó giống hương hoa đồng nội ở những phút hiếm hoi khi con
người cảm thấy mình với thiên nhiên là một.
Tôi nghe, chìm trong tưởng tượng.
- Rồi sau đó thì sao?
- Cô giữ tôi ở lại với cô – anh nhớ lại - Tôi mệt. Tôi ngủ ngay lập tức.
Sáng ra, cô bảo:
- Anh cứ ở lại đây. Nhìn anh, em tin anh. Anh là người ngay thật.
- Và anh ở lại? – tôi hỏi, với một chút ngạc nhiên.
Anh gật:
- Vâng. Anh không tin?
- Tôi tin.
-
Nói cho đúng, một cơn sốt rét đã giữ tôi lại. Cô gái chạy đi mời bác
sĩ. Ông ta đến, làm gì, tôi không biết. Tôi mê man. Khi cơn sốt lui, tôi
hiểu: cô gái đã cứu mạng tôi. Mà bằng cái gì?
Anh bặm môi, nói chậm từng tiếng:
- Bằng tiền đi khách, anh ạ. Bằng tiền đi khách, thật vậy. Có cái ơn nào lớn hơn ơn ấy không?
Những gì tôi biết về bạn mình không giống câu chuyện tôi nghe..
Anh
có vợ là một nhạc công chơi tam thập lục trong một dàn nhạc dân tộc,
con một học giả danh tiếng. Không phải cô gái trong câu chuyện anh kể.
Tôi giục:
- Kể tiếp đi.
-
Tôi kể đây. Khỏi bệnh, tôi nói với cô: “Em là người tốt nhất với anh
trong đời. Nếu em không chê kẻ vô gia cư này, thì anh xin được gá nghĩa
cùng em.
- Cô ấy nói sao?
Cô ấy bảo:
-
Không được, anh ơi. Chúng ta không thể thành vợ chồng. Anh khác em. Anh
là trí thức. Trong lúc mê man, anh lảm nhảm bằng tiếng Tây. Em không
thể làm vợ anh.
- Tại sao?
- Anh không thể có vợ là một con điếm.
Tôi hỏi tiếp:
- Rồi sao?
- Tôi bảo: anh cũng là kẻ dưới đáy. Ta có khác gì nhau.
- Không đâu – cô ấy nói - Anh khác, em khác. Dù trong lúc này chúng ta cùng ở dưới đáy.
- Anh không thuyết phục được cô ấy?
- Tôi đã cố gắng, nhưng vô vọng.
- Rồi anh bỏ đi?
Anh lắc đầu, buồn bã:
-
Cô ấy bỏ đi. Đi đâu, không biết. Tôi đã tìm. Không phải nhiều ngày, mà
nhiều tháng. Mọi chuyện rồi cũng qua, như cuộc đời vốn thế. Tôi không
biết gì hơn. Trong đám cưới với nhà tôi bây giờ, tôi nhận được một bó
hoa vô danh do một cậu bé mang tới.
- Là của cô ấy?
- Trong bó hoa có một mẩu giấy.
- Cô ấy viết?
- Không phải. Mẩu giấy là của tôi, trong đó có mấy câu thơ viết vội.
- Thơ thế nào?
- Không ra gì. Không đáng để anh nghe. Điều làm tôi xúc động là cô đã giữ nó. Như một kỷ niệm về tôi. Nay cô ấy trả lại.
Chuyện này xảy ra với một nhà thơ, bạn tôi.
Tôi chỉ ghi lại chuyện anh kể. Không thêm. Không bớt.
Anh là nhà thơ không tăm tiếng. Tên anh không được nhắc đến trong các nhà thơ hiện đại.
Nhưng trong tôi, anh để lại một dấu vết không phai mờ.
Nó được tạc vào ký ức. Rõ nét. Như tạc trên đá.
./.
Vũ Thư Hiên
No comments:
Post a Comment