Khám sàng lọc sức khỏe định kỳ có phải luôn luôn hữu ích? Mỗi năm, hàng triệu người Mỹ sẵn sàng thực hiện các xét nghiệm này với mục đích bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, bằng chứng mới đây cho thấy một số sàng lọc nhất định có thể không cần thiết và có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Cái giá quá cao của việc sàng lọc y tế quá mức
Chi phí bình quân đầu người cho việc chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ nhiều gấp đôi so với các quốc gia công nghiệp phát triển khác, tuy nhiên lợi nhuận thu được từ tuổi thọ trung bình lại thấp đến mức đáng buồn. Mặc dù bỏ ra chi phí cao nhưng Hoa Kỳ vẫn tụt hậu so với 12 quốc gia có thu nhập cao về nhiều chỉ số y tế.
Trong khi Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng về tỷ lệ sàng lọc ung thư vú và ung thư đại trực tràng, chỉ đứng sau Thụy Điển và Hà Lan, thì hiệu quả của việc sàng lọc thường xuyên như vậy vẫn còn gây tranh cãi.
Tiến sĩ Jerome Greenberg và Tiến sĩ Jonas B. Green cho biết trong một bài bình luận trên Tập san Y học Hoa Kỳ (American Journal of Medicine): “Xét nghiệm quá mức là gốc rễ của nhiều vấn đề của chúng ta.” Họ nhấn mạnh rằng khi các xét nghiệm là không cần thiết, “bác sĩ có thể dành thời gian một cách thích hợp hơn để tư vấn cho bệnh nhân, lắng nghe họ và nỗ lực gấp đôi để làm theo các hướng dẫn phòng ngừa được ủng hộ mạnh mẽ.”
Một tổng quan gần đây của JAMA cho thấy rằng chi tiêu chăm sóc y tế hàng năm đã mất một khoản lãng phí lên tới 935 tỷ USD, một phần đáng kể là do các xét nghiệm hoặc quy trình không cần thiết. Tiến sĩ. Greenberg và Green nhấn mạnh rằng việc xét nghiệm quá mức thường xuất phát từ “niềm tin rằng việc yêu cầu nhiều xét nghiệm sẽ giúp phát hiện bệnh thầm lặng, thuốc phòng ngừa, việc thiếu kiến thức, kỳ vọng của bệnh nhân, và động cơ vụ lợi.”
Sàng lọc quá mức gây ra gánh nặng kinh tế đáng kể, những chi phí về con người của việc này thậm chí còn sâu sắc hơn. Các xét nghiệm không chính đáng có thể dẫn đến lo lắng, báo động sai, và phơi nhiễm có hại. Tiến sĩ. Greenberg và Green nhấn mạnh rằng những hạn chế bao gồm: hiệu suất chẩn đoán thấp, chi phí cao và cảm xúc căng thẳng khi dương tính giả, thường bị bỏ qua khi yêu cầu sàng lọc cho những người không có triệu chứng.
7 xét nghiệm có thể không cần thiết, và thậm chí là gây hại
1_ Nghiệm pháp gắng sức tim (Cardiac Stress Test)
Các nghiệm pháp gắng sức tim, thường được dùng để xác định bệnh động mạch vành (C). Nghiệm pháp này yêu cầu bệnh nhân tập thể dục trên máy chạy bộ hoặc xe đạp cố định để theo dõi nhịp tim và huyết áp.
Đôi khi, các bác sĩ muốn xem xét kỹ hơn có thể đề xuất nghiệm pháp gắng sức hạt nhân, trong đó chất phóng xạ được sử dụng để quan sát hình ảnh của tim, khiến bệnh nhân tiếp xúc với bức xạ tương đương với khoảng 400 lần chụp X-quang ngực. Tám triệu xét nghiệm này được thực hiện ở Hoa Kỳ mỗi năm.
Mặc dù rất phổ biến, nhưng độ tin cậy của các xét nghiệm này trong việc thể hiện sức khỏe tim mạch vẫn đang được xem xét kỹ lưỡng. Các chuyên gia chỉ ra rằng nghiệm pháp gắng sức chủ yếu “chỉ phát hiện tình trạng hẹp động mạch vành đáng kể và không xác định được các mảng bám không gây tắc nghẽn” nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn đau tim. Vì vậy, kết quả “hoàn toàn thông suốt” từ những xét nghiệm như vậy có thể gây hiểu nhầm.
Kết quả nghiệm pháp gắng sức không chính xác gây ra những hậu quả đáng kể gần 3% người nhận phải trải qua các quy trình bổ sung và 1.7% gặp phải các phản ứng bất lợi trầm trọng, thường xảy ra ở những người không bị bệnh mạch vành.
Ước tính rằng các xét nghiệm gắng sức tim không cần thiết, đặc biệt là những xét nghiệm liên quan đến chẩn đoán hình ảnh, khiến hệ thống chăm sóc y tế Hoa Kỳ tiêu tốn 501 triệu USD mỗi năm và có thể dẫn đến khoảng 500 trường hợp ung thư mỗi năm.
Tốt nhất nên thực hiện các nghiệm pháp gắng sức tim cho những bệnh nhân có triệu chứng hoặc những người có nguy cơ cao. Gần đây, các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên thường xuyên sử dụng các xét nghiệm hình ảnh khi tim gắng sức để phát hiện các triệu chứng phổ biến như nhịp tim nhanh hoặc ngất xỉu.
2_ Chụp CT đánh giá vôi hóa mạch vành (Coronary Calcium Scan)
Chụp CT đánh giá vôi hóa mạch vành (CAC) nhằm mục đích phát hiện calcium, một thành phần mảng bám trong động mạch tim, từ đó giúp xác định các dấu hiệu sớm của bệnh động mạch vành. Mặc dù đã trở nên phổ biến hơn nhưng hiệu quả của CAC trong việc ngăn ngừa các biến cố tim mạch vẫn còn gây tranh cãi.
Mặc dù tình trạng vôi hóa có thể gợi ý nguy cơ xảy ra các biến cố về tim nhưng xét nghiệm không xác định được các mảng bám mềm hoặc không bị vôi hóa, dễ bị vỡ và gây ra các cơn đau tim. Do đó, việc chỉ dựa vào điểm vôi hóa có thể dẫn đến đánh giá thấp nguy cơ bị bệnh động mạch vành.
Trong một bài xã luận, Tiến sĩ John Mandrola và Tiến sĩ Andrew Foy bày tỏ mối quan ngại, lưu ý rằng: “Những tác hại tiềm tàng từ CAC bao gồm phơi nhiễm bức xạ… những phát hiện vôi hóa mạch vành ngẫu nhiên xuất hiện trong 40% các lần chụp, chẩn đoán sai và xét nghiệm sau đó.”
Đối với cả những bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh động mạch vành thấp và cao, điểm vôi hóa có thể không đem lại những hiểu biết sâu sắc có ý nghĩa và giúp đưa ra giải pháp can thiệp. Tiến sĩ. Mandrola và Foy cảnh báo, “Xơ vữa động mạch là một căn bệnh phức tạp kéo dài suốt đời và việc đơn giản hóa một cách sai lầm bằng CAC sẽ giúp ích cho người xét nghiệm nhiều hơn bệnh nhân.”
CAC phục vụ tốt nhất cho những người có nguy cơ cao hoặc những người có các triệu chứng của bệnh mạch vành.
3_ Chụp CT hoặc MRI
Chẩn đoán hình ảnh đã được chứng minh là rất hữu ích trong việc phát hiện và điều trị sớm các tình trạng sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, với việc Hoa Kỳ tiến hành 245 lần chụp cắt lớp vi tính (CT) và 118 lần chụp cộng hưởng từ (MRI) trên 1,000 người, con số này đã vượt qua tỷ lệ sử dụng của hầu hết các nước phát triển.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, những bản quét hình ảnh này không phải là không có nhược điểm. Một vấn đề phổ biến được các chuyên gia mô tả là “các khối u ngẫu nhiên trên X quang.” Những bất thường không mong muốn này có thể dẫn đến các xét nghiệm, phương pháp điều trị bổ sung không cần thiết và gây lo lắng cho bệnh nhân.
Chụp CT khiến bệnh nhân tiếp xúc với bức xạ, tương đương gấp 70 lần so với chụp X-quang ngực. Điều này có khả năng gây ra hàng nghìn ca ung thư mỗi năm. Ngoài ra, các thuốc đối quang được sử dụng trong các lần chụp này cũng gây ra lo ngại vì khả năng xảy ra phản ứng dị ứng, để lại dấu vết trong não, hoặc dẫn đến các vấn đề thần kinh trầm trọng như trong bệnh lắng đọng golinium.
Việc thường xuyên dựa vào chụp CT hoặc MRI có thể dẫn đến lượng lớn kết quả dương tính giả. Ví dụ, trong khi 95% người có thể nhận được kết quả bất thường, thì chưa đến 2% trong số này cho thấy bệnh ung thư ác tính.
Trong thập niên qua, số người tìm đến chụp CT hoặc MRI toàn cơ thể để phát hiện bệnh sớm đã tăng vọt. Tuy nhiên, vào tháng 04/2023, American College of Riology (Trường Cao đẳng X-quang Hoa Kỳ) đã cảnh báo: “Không có bằng chứng tài liệu nào cho thấy việc sàng lọc toàn bộ cơ thể là tiết kiệm chi phí hoặc hiệu quả trong việc kéo dài tuổi thọ.” Họ cùng với các chuyên gia khác cảnh báo công chúng về những rủi ro của các quy trình và căng thẳng không cần thiết.
4_ Đo mật độ xương
Đo mật độ xương, kỹ thuật hấp thụ tia X năng lượng kép, là một công cụ phổ biến đánh giá nguy cơ loãng xương bằng cách đo tình trạng mất xương ở cột sống, hông và cổ tay. Không kể đến lợi ích của xét nghiệm trên phụ nữ sau mãn kinh và những người có tiền sử gãy xương hoặc có các yếu tố nguy cơ loãng xương, nghiên cứu vẫn đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của việc đo thường quy trên toàn bộ dân số.
Một nghiên cứu trên 6,150 phụ nữ cho thấy nhiều toa thuốc điều trị loãng xương, dựa trên kết quả đo mật độ xương không hoàn toàn đáng tin cậy, có thể không cần thiết. Đáng chú ý, 2/3 số toa thuốc này dựa trên những bất thường về chụp hình không được các hướng dẫn quốc tế công nhận là bằng chứng chắc chắn về bệnh loãng xương, trong đó 1/2 được kê cho phụ nữ trẻ tuổi không có yếu tố nguy cơ.
Quá trình chụp sử dụng lượng bức xạ ion hóa tối thiểu, ít hơn nhiều so với chụp X-quang ngực hoặc chụp CT. Mặc dù có nguy cơ thấp nhưng vẫn làm gia tăng mức độ tiếp xúc với bức xạ. Các phát hiện ngẫu nhiên hoặc những bất thường không liên quan được phát hiện trong quá trình chụp cũng có thể dẫn đến các xét nghiệm chuyên sâu hơn, gây phí tổn và lo lắng cho bệnh nhân.
5_ Nội soi đại tràng
Nội soi đại tràng được tôn vinh là một công cụ chẩn đoán có độ chính xác cao để phát hiện ung thư đại trực tràng và luôn chứng minh được khả năng xác định bệnh sớm.
Hầu hết mọi người được khuyên nên bắt đầu sàng lọc ung thư đại tràng ở tuổi 45. Nếu không tìm thấy u tuyến hoặc ung thư cũng như không có yếu tố nguy cơ nào, lần sàng lọc tiếp theo thường là sau 10 năm tuy nhiên không phải lúc nào bệnh nhân cũng làm theo hướng dẫn này.
Một nghiên cứu cho thấy trong hơn 24,000 bệnh nhân có kết quả nội soi chính xác, gần 1/2 số người đã làm thêm một xét nghiệm khác trong vòng 7 năm dù không có dấu hiệu rõ ràng.
Bên cạnh tầm quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm, nội soi đại tràng vẫn tiềm ẩn những rủi ro như gây chảy máu nhiều, thủng ruột, viêm túi thừa và đau bụng. Đối với những người có vấn đề về tim mạch, các biến chứng đôi khi có thể cần đến các can thiệp như truyền máu, phẫu thuật hoặc nhập viện, thậm chí tử vong mặc dù hiếm gặp.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tập san Y học New England đã đặt câu hỏi về lợi ích của nội soi, cho thấy hiệu quả của xét nghiệm trong việc làm giảm tử vong do ung thư có thể đã được đánh giá quá mức.
Hiện có các lựa chọn thay thế ít xâm lấn hơn để sàng lọc ung thư đại trực tràng. Xét nghiệm miễn dịch tìm máu tiềm ẩn trong phân (fecal immunochemical test FIT) có độ chính xác 80%. Tương tự, xét nghiệm Cologuard tìm kiếm dấu vết DNA và máu bất thường, cho thấy khả năng có polyp tiền ung thư hoặc ung thư đại trực tràng.
6_ Xét nghiệm sàng lọc tuyến tiền liệt (PSA)
Sau những phát hiện gần đây, mức độ cần thiết của sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt trong quy trình khám sức khỏe nam giới định kỳ đang được đánh giá lại. Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) phổ biến đang được xem xét kỹ lưỡng trong bối cảnh có lo ngại cho rằng nó có thể gây hại nhiều hơn là hữu ích.
Gần 70% nam giới từ 70 80 tuổi có thể có một số tế bào ung thư ở tuyến tiền liệt, nhưng không phải trường hợp nào cũng đáng lo ngại. Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ khẳng định rằng việc sàng lọc PSA thường xuyên để xác định các khối u lành tính, có khả năng dẫn đến các phương pháp điều trị không cần thiết và đầy rủi ro.
Một xu hướng đáng lo ngại đã được nêu rõ trong một nghiên cứu của JAMA: Từ 2016 đến 2018, 38% nam giới từ 70 tuổi trở lên đã được sàng lọc có mức PSA thấp. Hơn một nửa những người đàn ông này đã thực hiện các dịch vụ theo dõi, chủ yếu là lặp lại các xét nghiệm PSA, dẫn đến căng thẳng quá mức, các quy trình y khoa và chi phí đáng kể với 1 USD sàng lọc ban đầu theo sau là 6 USD chi phí theo dõi.
Các bác sĩ hiện được khuyến khích xem xét lại việc yêu cầu sàng lọc PSA và trao đổi đầy đủ với bệnh nhân về những rủi ro và lợi ích. Mục đích là đưa ra các quyết định sàng lọc dựa trên các yếu tố rủi ro của từng người, tránh các phương pháp điều trị không cần thiết và bảo đảm chăm sóc tối ưu.
7_ Xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung)
Sàng lọc ung thư cổ tử cung có thể giúp cứu mạng sống nhưng vẫn có lo ngại về việc xét nghiệm quá mức.
Mặc dù các hướng dẫn đang hoàn thiện, nhưng một nghiên cứu tiết lộ rằng gần 10 triệu phụ nữ đã cắt bỏ tử cung và không có nguy cơ ung thư cổ tử cung đã phải làm xét nghiệm phết tế bào không cần thiết.
Một nghiên cứu gần đây của JAMA cũng cho thấy việc làm xét nghiệm quá mức ở phụ nữ có nguy cơ trung bình. Bác sĩ Jason D. Wright, tác giả cấp cao của nghiên cứu, cho biết: “Nếu việc sàng lọc không có khả năng gây hại, thì việc thực hiện xét nghiệm thường xuyên hơn là điều bình thường. Vấn đề là có những nhược điểm thực sự đối với việc sàng lọc quá mức.”
Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ đưa ra hướng dẫn rõ ràng: Không nên xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung cho phụ nữ dưới 21 tuổi vì hầu hết các bất thường cổ tử cung ở nhóm này đều có thể tự điều chỉnh, do đó các xét nghiệm là không cần thiết và có khả năng gây căng thẳng. Tương tự, phụ nữ trên 65 tuổi có kết quả âm tính trong 10 năm không cần phải làm lại xét nghiệm Pap.
Phụ nữ từ 21 29 tuổi nên xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung ba năm một lần. Những người từ 30 65 tuổi có thể lựa chọn giữa xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung ba năm một lần, xét nghiệm HPV sau mỗi 5 năm hoặc cả hai xét nghiệm đồng thời mỗi 5 năm một lần.
Lựa chọn sáng suốt
Được khởi xướng bởi Hiệp hội Nội khoa Hoa Kỳ, chiến dịch “Lựa chọn sáng suốt” nhằm mục đích giảm bớt các xét nghiệm và quy trình y tế không cần thiết. Chiến dịch khuyến khích bệnh nhân và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tham gia vào các cuộc thảo luận có am hiểu. Kể từ khi ra mắt vào năm 2012, chiến dịch đã đề ra danh sách 5 câu hỏi nên hỏi bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ xét nghiệm, điều trị hoặc quy trình nào.
Mặc dù sự hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ là rất quan trọng trong việc quyết định sự cần thiết của xét nghiệm, nhưng bác sĩ không phải lúc nào cũng có trong tay những khuyến nghị mới nhất. Do đó, trách nhiệm của bệnh nhân là cần chuẩn bị kiến thức. “Lựa chọn sáng suốt” là nguồn thông tin dành cho những bệnh nhân muốn tìm hiểu lợi ích, ý nghĩa của các xét nghiệm và phương pháp điều trị khác nhau.
Trong bối cảnh đó, việc đặt một câu hỏi đơn giản rằng “Tôi sẽ làm gì với thông tin này?” sẽ trở nên quan trọng khi xem xét bất kỳ xét nghiệm nào. Đó là một sự kiểm tra bảo đảm rằng quyết định không chỉ có giá trị về mặt lâm sàng mà còn phù hợp với tình huống và nhu cầu riêng của bệnh nhân.
Sheramy Tsai _ Thanh Long & Tú Liên
No comments:
Post a Comment