Sunday, March 13, 2022

Xem lịch sử Ukraine

“Lý giải vì sao người dân Ukraine đồng lòng ngã theo phương Tây và tránh xa nước Nga độc tài của Putin, vì sao tổng thống đương nhiệm của Ukraine không chịu di tản mà khoát áo trận, sát cánh cùng các binh sỹ trong chiến hào chống lại quân xâm lược, để bảo vệ các giá trị tự do và dân chủ mà nhân dân Ukraine đã lựa chọn.” – FB Tri Nguyen Quang
UKRAINE THƯƠNG ĐAU
Ukraine đã có một lịch sử huy hoàng trong suốt 400 năm, từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 12. Thời đó, Kiev là thủ đô của vương quốc Kyivan-Rus, còn được gọi là Rus-Kiev, chính là tiền thân của các nước Nga, Belarus và Ukraine ngày nay. Sau thế kỷ thứ 12, người Nga mới dần tách khỏi vùng đất Ukraine và hình thành một quốc gia riêng.
Khi quân Mông Cổ xâm chiếm châu Âu vào đầu thế kỷ 13 thì toàn bộ Rus-Kiev bao gồm cả nước Nga bị tàn phá nặng nề và trở thành nô lệ của con cháu Thành Cát Tư Hãn hơn 200 năm. Người đã chinh phục và cai trị Rus-Kiev đầu tiên là Bạt Đô, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn và là anh họ của Hốt Tất Liệt, một nhân vật mà mọi người Việt Nam đều biết tên.
Sau khi Mông Cổ suy yếu, vùng đất Ukraine bị các nước Nga, Balan và Thổ Nhĩ Kỳ xâu xé, đến đầu thế kỷ 19 thì hầu như toàn bộ Ukraine đã bị sát nhập vào Đế Quốc Nga, từ đó trở về sau, người Ukraine không ngừng nổi dậy giành độc lập và nhiều lần bị đàn áp đẫm máu.
Tháng 3 năm 1917, Cách Mạng Tư Sản Nga xoá bỏ chế độ quân chủ Sa Hoàng, chính phủ lâm thời Nga trao quyền tự trị cho Ukraine và nhà nước Ukraine Cọng Hoà ra đời. Nhưng chỉ 8 tháng sau, chính phủ lâm thời Nga bị những người cọng sản Nga lật đổ trong Cách mạng Tháng Mười, những người cọng sản Ukraine đã hợp tác với quân Nga tấn công Kiev, xoá sổ Cọng Hoà Ukraine, thành lập nhà nước Ukraine Xô viết do đảng cọng sản Ukraine lãnh đạo nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào Moscow. Nhiều đảng viên cọng sản Ukraine có tinh thần quốc gia bị đình chỉ công tác, bị thủ tiêu hoặc bị đày sang Siberia.
Các chính sách thử nghiệm chủ nghĩa xã hội cuối năm 1920 như quốc hữu hoá toàn bộ các xí nghiệp và thu mua nông sản với giá rẻ mạt đã gây ra nạn đói trong hai năm sau đó, làm hơn một triệu người Ukraine thiệt mạng. Lê Nin phải sửa sai bằng cách trả lại các xí nghiệp cho tư nhân và cho nông dân buôn bán các sản phẩm do họ làm ra.
Tháng 12/1922, Liên Bang Xô Viết ra đời, Ukraine trở thành một thành viên của Liên Xô. Trong thời kỳ đầu của Liên Bang, để đánh lừa và xoa dịu những người theo chủ nghĩa quốc gia, Moscow có những chính sách cởi mở cho các nước thành viên. Nhưng chỉ vài năm sau, các cụm từ như: “chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi” hoặc “lập trường quốc tế vô sản” được sử dụng để siết chặt tư tưởng và nhiều người Ukraine, trong đó có cả bộ trưởng giáo dục Oleksander Shumskyi, bị đưa đi học tập cải tạo dài hạn ở Siberia.
Năm 1928, Stalin lên nắm quyền, bắt đầu phát động các cuộc đấu tố nhằm vào địa chủ, trí thức và các nhà tu hành, làm hàng triệu người Ukraine bị giết hoặc bị đi đày. Văn hào Khwylovyi, nhân vật số 2 lãnh đạo đảng cọng sản Ukraine, từng một thời ca tụng chế độ, đã phải uống thuốc độc tự tử. Vài chục năm sau, các bài học đấu tố này đã được Trung Quốc và Việt Nam áp dụng trong cải cách ruộng đất và cách mạng văn hoá.
Các chính sách của Stalin gây nhiều bức xúc trong dân chúng, để dập tắt tư tưởng phản loạn ở Ukraine, Stalin đánh vào dạ dày của người dân bằng cách cho quân đội thu gom hết lương thực và đưa ra khỏi Ukraine. Đòn đánh này đã gây ra nạn đói khủng khiếp vào năm 1931-1932, nạn đói lần này làm hơn 6 triệu người Ukraine thiệt mạng nhưng sản lượng lương thực xuất khẩu của Ukraine được báo cáo là tăng vọt so với các năm trước.
Sau nạn đói, Stalin lùa dân Nga sang để tái phân bố dân số trên các ruộng vườn hoang tàn của Ukraine và để thực hiện kế sách thống trị lâu dài. Nhiều đảng viên cọng sản Ukraine bắt đầu bừng tỉnh và tỏ ý chống lại chính sách của Stalin, một trong số các lãnh tụ đầu tiên của đảng cọng sản Ukraine là Mykola Skrypnyk đã tự sát bằng một khẩu súng lục vào năm 1933. Trong cuộc thanh trừng từ năm 1936 đến 1938 do Stalin cầm đầu, có 99 trong số 102 uỷ viên trung ương đảng cọng sản Ukraine đã bị hành quyết và sau năm 1938, nhà nước Ukraine được lãnh đạo bởi đa số các đảng viên cọng sản là người Nga.
Trong chiến tranh thế giới thứ 2, khi quân Đức tràn vào lãnh thổ Ukraine để tấn công Liên Xô, các sỹ quan và binh lính Đức rất ngạc nhiên vì đi đến đâu cũng được người dân Ukraine hoan hô nhiệt liệt như những vị anh hùng. Ngày đó, dân Ukraine đã xem quân Đức như những người đến giải phóng họ khỏi ách thống trị của người Nga, nhưng rồi tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa, quân đội của Hitler đối xử với dân Ukraine cũng tàn bạo không kém so với Stalin trước đó.
Vì bị tấn công bất ngờ và trước sức mạnh của quân Đức, Stalin ra lệnh thực hiện chính sách vườn không nhà trống trên đường rút lui. Hầu hết trâu bò gia súc được chở về Nga, số còn lại không mang đi được thì bị bắn bỏ, phần lớn các thiết bị máy móc trong các xí nghiệp cũng bị tháo dỡ đưa sang Nga, các phương tiện vận tải, cầu cống và kho tàng bị phá huỷ. Vài năm sau, trên đường tháo chạy, quân đội của Hitler cũng làm tương tự như Stalin.
Hai lần bị quân Nga và Đức phá huỷ để tạo “vườn không nhà trống” cộng với bom đạn chiến tranh khiến đất nước Ukraine tan tành. Ước tính có khoảng 8 triệu người Ukraine thiệt mạng trong chiến tranh thế giới thứ 2, trong đó có 1,4 triệu là quân nhân.
Ngay từ đầu chiến tranh Xô – Đức, tổ chức quân kháng chiến Ukraine (gọi tắt là UPA) đã được thành lập và do những người Ukraine Quốc Gia lãnh đạo. Với quân số gần 200 ngàn người, UPA chiến đấu chống lại cả quân Đức lẫn hồng quân Liên Xô. Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, UPA vẫn tiếp tục chiến tranh du kích chống lại Liên Xô trong sự che chở của dân Ukraine cho đến năm 1954 mới hoàn toàn bị tiêu diệt.
Cuối tháng 3/2019, các thành viên kháng chiến UPA đã được chính phủ Ukraine trao danh hiệu cựu chiến binh và ghi nhận công lao trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc.
Hôm nay là ngày thứ năm của cuộc chiến Nga – Ukraine, tôi nhắc lại các sự kiện lịch sử này, dưới tựa đề "Ukraine thương đau", để lý giải vì sao người dân Ukraine đồng lòng ngã theo phương Tây và tránh xa nước Nga độc tài của Putin, vì sao tổng thống đương nhiệm của Ukraine không chịu di tản mà khoát áo trận, sát cánh cùng các binh sỹ trong chiến hào chống lại quân xâm lược, để bảo vệ các giá trị tự do và dân chủ mà nhân dân Ukraine đã lựa chọn.
FB Tri Nguyen Quang

No comments:

Post a Comment