Nguồn: David A. Deptula, Marc R. DeVore, Emma Salisbury, và Michael Hunzeker, “Six Things NATO Can Do to Help Ukraine Right Now”, Foreign Policy, 16/03/2022.
(Posted by Ho Bình)
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vùng cấm bay là một động thái leo thang cao, nhưng nhiều khả năng sẽ không hiệu quả. Dưới đây là sáu lựa chọn tốt hơn.
Cuộc chiến tàn khốc của Nga ở Ukraine đã đặt ra một tình thế lưỡng nan cho các nhà hoạch định chính sách phương Tây. Can thiệp quân sự trực tiếp sẽ đi kèm rủi ro leo thang đến mức không thể chấp nhận được, đặc biệt là đối với các thành viên NATO. Nhưng việc để Nga thản nhiên xâm lược một nền dân chủ châu Âu mà không bị ngăn chặn sẽ gây ra những hậu quả lâu dài và tàn khốc đối với người dân Ukraine, an ninh châu Âu, và toàn bộ khái niệm về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Việc đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề đã không thể ngăn cản bước tiến xâm lược của Nga. Việc triển khai trừng phạt một cách nhanh chóng và toàn diện dường như cũng không có khả năng buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin sớm từ bỏ chiến dịch tàn bạo của mình.
Do đó, NATO cần các lựa chọn quân sự để giúp các lực lượng thông thường của Ukraine tránh bị thất bại, tạo ra chi phí nặng nề hơn cho quân đội Nga nhằm củng cố vị thế của Kyiv trên bàn đàm phán, và kéo dài thời gian để các lệnh trừng phạt có hiệu lực. Thật không may, phương án có vẻ như đang nhận được nhiều sự ủng hộ nhất trong nhóm cựu sĩ quan quân đội và quan chức chính phủ cấp cao – áp đặt vùng cấm bay – lại là một động thái leo thang cao, nhưng nhiều khả năng sẽ không hiệu quả.
May mắn thay, NATO vẫn có các lựa chọn khác. Dưới đây là sáu phương án thay thế. Mỗi lựa chọn trong số này đều ít leo thang hơn nhiều so với vùng cấm bay và sẽ cung cấp cho lực lượng quân sự Ukraine sự hỗ trợ nhanh chóng và có giá trị. Chúng dựa trên các tiền lệ lịch sử thuyết phục, và sẽ cho phép NATO quản lý rủi ro bằng cách khai thác các chiến thuật vùng xám mà giới chuyên gia từ lâu đã coi là lãnh địa độc quyền của đối thủ của họ.
1. Huấn luyện các tình nguyện viên Ukraine sử dụng vũ khí cơ động.
Vũ khí đang được các đối tác phương Tây đổ vào Ukraine, bao gồm cả các tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không cần thiết. Đặc biệt, tên lửa vác vai rất quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công trên không trung, nhất là khi hệ thống phòng không thông thường không có sẵn, hoặc đang được sử dụng ở nơi khác.
Tuy nhiên, Ukraine đang thiếu các sĩ quan được đào tạo để vận hành các loại vũ khí kiểu này. Các quốc gia phương Tây có thể lấp đầy khoảng trống bằng cách huấn luyện các tình nguyện viên người Ukraine ở nước ngoài về các hệ thống tên lửa cơ động trước khi họ trở về nước chiến đấu, tương tự như chương trình huấn luyện mà quân đội phương Tây đã cung cấp cho quân đội Ukraine đang ở trong nước.
Khi Chiến tranh Yom Kippur nổ ra vào năm 1973, Israel không sở hữu bất kỳ loại tên lửa chống tăng tối tân nào, thứ mà sau này đã chứng tỏ là cực kỳ có giá trị. Ngay sau khi xung đột bắt đầu, đại sứ quán của Israel tại Washington đã huy động các sinh viên Israel đang theo học tại các trường đại học của Mỹ. Tiếp đến, Quân đội Mỹ đã cho những sinh viên đó tham gia một chương trình đào tạo cấp tốc, rồi Không quân Mỹ hỗ trợ không vận, đưa họ – và tên lửa – vào khu vực xung đột, như một phần trong Chiến dịch Nickel Grass. Toàn bộ chiến dịch đã được đưa vào hoạt động đủ nhanh để các sinh viên này có thể tiến vào chiến trường Trung Đông và kịp tiêu diệt một số lượng xe tăng của đối phương trước khi cuộc chiến kéo dài gần hai tuần kết thúc.
Những người Ukraine xa xứ ở châu Âu và Mỹ muốn trở về quê hương để chiến đấu, đặc biệt là những người từng được đào tạo quân sự, trước tiên có thể được tuyển vào các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyên sâu tại các căn cứ quân sự của châu Âu, học cách sử dụng Javelin, Stinger và các loại tên lửa vác vai khác. Chương trình này cũng có thể được mở rộng cho các loại bom đạn khác và đào tạo bổ sung nếu cần.
2.Tạo điều kiện cho các hoạt động dân sự trên không gian mạng.
Các nhóm hacker dân sự, bao gồm Anonymous, đã bắt đầu tự nhắm mục tiêu vào Nga và Belarus bằng cách đánh sập các trang web của chính phủ, làm rò rỉ tài liệu mật, và hack các cơ sở truyền thông nhà nước.
Những cuộc tấn công trên mạng của dân thường này chắc chắn rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, về cơ bản, chúng không có khả năng cản đường nỗ lực chiến tranh của Nga, nếu chúng chỉ được thực hiện bởi một cộng đồng liên kết lỏng lẻo gồm các nhà hoạt động mạng, những người có trình độ kỹ thuật cao nhưng thiếu kiến thức về bối cảnh để tối đa hóa thiệt hại mình gây ra. NATO có thể giúp lấp đầy khoảng trống này khi tìm cách “hướng dẫn ở sau cánh gà,” điều phối các hoạt động mà đáng lẽ sẽ chỉ là một loạt các cuộc tấn công riêng lẻ và thiếu phối hợp.
Phía Nga đã đưa cách tiếp cận này đến mức cực đoan bằng cách sử dụng các tổ chức tư nhân làm công cụ hỗ trợ không gian mạng. Trong đợt tấn công từ chối dịch vụ (denial-of-service/DoS attacks) xảy ra năm 2007 nhắm vào Estonia, các cơ quan tình báo Nga đã cung cấp phần mềm và hướng dẫn cho những công dân bình thường, những “hacker yêu nước,” muốn trừng phạt Estonia vì dám dỡ bỏ một bức tượng kỷ niệm chiến thắng của Hồng Quân trước Đức Quốc xã.
NATO nên có một cách tiếp cận khác. Bởi vì nhiều hacker – đặc biệt là những người liên kết với các nhóm như Anonymous – vô cùng thiếu lòng tin vào thẩm quyền của chính phủ, NATO không nên tuyển dụng các nhà hoạt động mạng đến làm việc cho các cơ quan chính phủ Mỹ hoặc châu Âu. Thay vào đó, NATO nên áp dụng cách tiếp cận gián tiếp, nhằm giảm khả năng bị bác bỏ và tránh gây bất mãn cho những hacker có tình cảm chống chính phủ.
Thay vì thuê hacker và chỉ đạo hoạt động của họ, NATO có thể gợi ý về các mục tiêu không gian mạng có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt. Ví dụ, các đơn vị mạng của NATO có thể thành lập các tổ chức bình phong nhằm chỉ điểm các cơ quan chính phủ Nga ít được biết đến hơn, các công ty Nga sản xuất các sản phẩm quân sự, và các tổ chức được cho là đang thực hiện các nỗ lực không gian mạng của Nga.
Gây tranh cãi hơn một chút, NATO cũng có thể hỗ trợ ‘chuyển giao kiến thức’ – tìm ra các cách thức sáng tạo để làm lộ mã lập trình, hoặc lỗ hổng zero-day có thể giúp hacker tấn công vào các mạng của Nga. Các quốc gia thành viên NATO cũng nên bắt đầu xem xét các biện pháp để bảo vệ hacker hoạt động trên lãnh thổ của họ khỏi trách nhiệm pháp lý và truy tố từ Nga và các đồng minh.
3. Cung cấp các phương tiện tác chiến không người lái.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất gần như là vũ khí trên không duy nhất của Ukraine đạt được thành công trong việc chống lại lực lượng mặt đất của Nga. Đây là một thành tích đáng chú ý, nếu xét đến sức mạnh của lực lượng phòng không Nga, những người đã vô hiệu hóa thành công máy bay chiến đấu có người lái của Ukraine, và số lượng nhỏ máy bay không người lái TB2 được cấp cho Ukraine. Cân nhắc đến độ lớn của đội hình xe bọc thép Nga, và khả năng phòng không tầm ngắn có vẻ khá kém của nước này, việc cung cấp nhiều máy bay không người lái cũng như các loại vũ khí sử dụng máy bay không người lái có thể tạo ra sự khác biệt trong việc làm gián đoạn các đường tiếp tế và làm chậm đường tiến của quân Nga. Bất kỳ kho cấp nhiên liệu hoặc đạn dược nào do người Nga tạo ra trên đất Ukraine cũng có thể trở thành những mục tiêu hấp dẫn.
Azerbaijan đã liên tục sử dụng máy bay không người lái trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh năm 2020 để đánh bại quân đội kiểu Nga của Armenia. Họ đã phá hủy một lượng đáng kể thiết bị quân sự và đoàn xe của Armenia, cuối cùng làm cho chiến dịch phải tê liệt. Người Armenia đã phải trốn dưới lớp ngụy trang, thay vì liều lĩnh đối đầu không kích khi thực hiện hoạt động ngoài trời hoặc tiếp tế cho các đơn vị của họ.
TB2 sẽ là ưu tiên hàng đầu, vì quân đội Ukraine đã vận hành chúng thành thạo, nhưng chúng không phải là sự lựa chọn duy nhất. Bán, cho mượn, hoặc tặng máy bay không người lái MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper của Mỹ cho Ukraine là một lựa chọn khả thi, nếu Bộ Ngoại giao Mỹ chịu loại bỏ các hạn chế xuất khẩu mà tự bộ này áp đặt dựa trên cách họ diễn giải Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa, và phê duyệt việc bán trực tiếp các máy bay điều khiển bằng sóng vô tuyến này.
Trong khi chờ đợi, các quốc gia phương Tây có thể cung cấp cho Ukraine các mẫu máy bay do Trung Quốc sản xuất, chẳng hạn như Wing Loong, hoặc các tùy chọn thương mại sẵn có như Mavic hoặc Phantom. Một số quốc gia – gồm Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Nigeria – đã mua máy bay không người lái Wing Loong sau khi Mỹ từ chối xuất khẩu Predator có vũ trang cho họ.
Do đó, các thành viên NATO có thể tạm thời mua một số máy bay Wing Loong để chuyển cho Ukraine, hứa hẹn sẽ cung cấp thêm các hệ thống máy bay không người lái tốt hơn của Mỹ hoặc Israel. Máy bay không người lái Phantom cũng có thể tăng cường thu thập thông tin tình báo cho quân đội Ukraine, và củng cố khả năng quay phim các chiến dịch thành công, hoặc ghi lại các cuộc tấn công của Nga vốn có thể bị truy tố là tội ác chiến tranh.
4. Cung cấp máy bay chiến đấu thay thế.
Lực lượng Không quân Ukraine đã thể hiện khả năng bám trụ đáng nể và đang tiếp tục làm mất ưu thế trên không của Nga, theo đó cản trở Nga tiến hành các cuộc không kích và thiết lập cầu hàng không để tiếp tế cho các lực lượng mặt đất của họ. Tuy nhiên, Ukraine đang chịu tổn thất rất lớn và có khả năng sẽ hết máy bay trước khi hết phi công. Mặc dù rất khó thu thập dữ liệu thời gian thực, nhưng báo cáo nguồn mở cho thấy Ukraine đã mất khoảng 10% trong số gần 100 máy bay chiến đấu có người lái mà nước này đang sở hữu ở đầu cuộc chiến. Ngoài ra, khi máy bay chiến đấu được đưa vào sử dụng trên chiến trường, với những chuyến bay thường xuyên và khó khăn, chúng sẽ bị hư hỏng và cần được bảo dưỡng liên tục.
Theo đó, quân đội Ukraine đang rất cần máy bay chiến đấu để duy trì lực lượng không quân của mình.
Lực lượng không quân châu Âu thường yêu cầu có ít nhất hai phi công cho mỗi máy bay, do đó, một tỷ lệ phi công nhất định sẽ có thể quay trở lại chiến đấu nếu máy bay của họ bị tiêu diệt – hoặc trong lúc máy bay đang ở trên mặt đất và không có người lái, hoặc vì phi công đã xoay sở để thoát khỏi máy bay và sống sót sau khi bị bắn hạ lúc đang ở trên không.
Trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, sau một tuần chiến đấu tích cực, tất cả các bên tham chiến – Israel, Ai Cập và Syria – đều hết sạch máy bay, nhưng vẫn có nhiều phi công đủ tiêu chuẩn sống sót. Việc vận chuyển máy bay chiến đấu gấp rút từ các kho dự trữ của khối Hiệp ước Warsaw và Mỹ đã giữ cho lực lượng không quân của hai bên hoạt động cho đến khi chiến tranh kết thúc. Một cách tiếp cận tương tự có thể giúp Không quân Ukraine duy trì hoạt động và việc tìm kiếm các máy bay này không phải là chuyện khó.
Phương án tốt nhất là cung cấp các loại máy bay mà các phi công Ukraine đã biết vận hành: máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay cường kích mặt đất Su-25. Ví dụ, Ba Lan có sẵn 28 chiếc MiG-29 có thể chuyển giao ngay cho Ukraine. Dù việc cho người Ukraine sử dụng những chiếc máy bay cũ nghe thật kì lạ, điều quan trọng là chúng là những cỗ máy mà các phi công Ukraine đã biết vận hành, và các thợ máy Ukraine đã biết sửa chữa. Vì MiG-29 và Su-25 là những máy bay có từ thời Liên Xô, NATO sẽ không có những chiếc mới hơn của hai dòng này để gửi đi. Và việc cung cấp cho Ukraine những chiếc F-16 hoặc các máy bay phản lực khác do NATO sản xuất sẽ đòi hỏi các phi công và thợ máy Ukraine phải trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu trước khi có thể sử dụng chúng trong chiến đấu.
Một kế hoạch điều máy bay Ba Lan tới Ukraine gần đây đã thu hút rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông, trước khi bị Mỹ bác bỏ. Tuy nhiên, kế hoạch chuyển giao này vẫn có thể được thực hiện theo cách lặng lẽ và giảm thiểu rủi ro leo thang. Vì Ba Lan và Ukraine có chung đường biên giới, nên người Ba Lan có thể di chuyển những chiếc MiG-29 của họ đến những con đường nằm cạnh Ukraine và người Ukraine sau đó có thể kéo chúng qua biên giới – giống với cách người Mỹ lách Đạo luật Trung lập vào năm 1940, khi bố trí máy bay dọc theo biên giới Canada, nơi chúng được kéo vào Canada và đưa đến Vương quốc Anh.
5. Tuyển dụng phi công tình nguyện và nhân viên mặt đất.
Ngoài máy bay, Không quân Ukraine sau này sẽ cần thêm phi công và nhân viên mặt đất để tiếp tục bay. Điều đó đặt ra một tình huống lưỡng nan khác, vì phải mất nhiều thời gian để đào tạo phi công cũng như đội bảo dưỡng, và những vai trò này không thể dễ dàng được đảm nhiệm bởi các tình nguyện viên địa phương hoặc các quân nhân khác. Chương trình đào tạo cũng phải phù hợp với loại máy bay sẽ sử dụng hoặc bảo trì. Dù NATO và các chính phủ phương Tây khác sẽ ngần ngại cung cấp trực tiếp phi công quân sự, họ vẫn có thể giúp đỡ theo những cách ít leo thang hơn, và dễ bề phủ nhận hơn nếu bị cáo buộc, chủ yếu bằng cách sử dụng nhóm tình nguyện viên Đông Âu.
Trước khi Mỹ chính thức tham gia Thế chiến 2, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Franklin D. Roosevelt, đã cho phép các phi công của Lực lượng Không quân, Hải quân, và Thủy quân Lục chiến Mỹ lái máy bay do Mỹ sản xuất, hỗ trợ cho Trung Quốc chống lại Nhật Bản. Nhóm 99 phi công này – những người trở thành Đội Tình nguyện Mỹ, hay còn gọi là phi đội “Hổ bay” – đã giải ngũ khỏi lực lượng vũ trang Mỹ, được Công ty Chế tạo Máy bay Trung ương thuê lại, và sau đó ra nước ngoài để làm phi công cho Trung Quốc. Những phi công này được trả lương cao hơn phi công Mỹ và phi công Trung Quốc thông thường, và họ tham gia chiến dịch này khi đã hiểu rõ rằng họ vẫn được hoan nghênh tái gia nhập lực lượng vũ trang Mỹ. Phi đội Hổ bay cuối cùng đã giúp ngăn chặn các cuộc tấn công của Nhật ở Miến Điện, bằng cách tranh giành ưu thế trên không của Nhật.
Một mô hình tương tự có thể được áp dụng để hỗ trợ Ukraine. Các phi công tình nguyện và nhân viên mặt đất từ các nước NATO đang vận hành máy bay tương tự như máy bay mà Ukraine sử dụng (ví dụ: Bulgaria, Ba Lan và Slovakia) có thể được cho phép vắng mặt trong các lực lượng vũ trang, hoặc lực lượng dự bị quốc gia của họ, sau đó được quân đội Ukraine thuê theo hợp đồng, và được cấp cả quân hàm lẫn hộ chiếu Ukraine.
Dù Nga đã tuyên bố sẽ đối xử với các máy bay chiến đấu nước ngoài như lính đánh thuê, nhưng việc làm như vậy đối với một phi công bị bắn rơi đang mặc đồng phục Ukraine và mang hộ chiếu Ukraine sẽ vi phạm Công ước Geneva. Điều đó có nghĩa là, để giảm thiểu rủi ro, các thành viên của bất kỳ nhóm tình nguyện nào kiểu này cũng nên bị giới hạn chỉ thực hiện các nhiệm vụ bay cách xa rìa chiến trường, để nếu chẳng may bị bắn hạ, họ chắc chắn sẽ đáp xuống vùng lãnh thổ do Ukraine nắm giữ. Nếu xung đột kéo dài, chương trình này có thể được mở rộng để bao gồm đào tạo cập nhật cho cả các phi công và nhân viên mặt đất chưa có kinh nghiệm lái máy bay thời Liên Xô.
6. Đảm bảo hoạt động liên tục của chính phủ Ukraine.
Một trong những chìa khóa để kéo dài sự kháng cự của người Ukraine là chuẩn bị cho tình huống mà Kyiv, thủ đô của Ukraine, rơi vào tay người Nga. Việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết định ở lại Kyiv và bảo vệ thủ đô của mình đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc kháng chiến của Ukraine và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế.
Tuy nhiên, phía Nga đã ưu tiên bắt hoặc giết các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao của Ukraine ngay từ đầu cuộc xâm lược. Và lực lượng Nga rất có thể đạt được mục tiêu này trong trận chiến sắp tới ở Kyiv.
Do đó, chính phủ Ukraine cần chỉ định và công bố kế hoạch để duy trì tính liên tục của chính phủ, trong trường hợp Nga tìm được cách bắt hoặc giết Zelensky và các cấp dưới chủ chốt của ông. Tất nhiên, Zelensky sẽ không chịu rời bỏ thủ đô nếu vẫn còn khả năng kháng cự. Do đó, bất kỳ kế hoạch thực tế nào cũng cần phải thành lập một chính phủ kế thừa song song, đặt tại một khu vực tương đối an toàn (và không được tiết lộ) ở miền tây Ukraine, và chính phủ này phải được chuẩn bị để ngay lập tức đảm nhận các nhiệm vụ của Tổng thống Zelensky và nội các của ông, trong trường hợp một người hoặc toàn bộ chính phủ này không thể thực hiện nhiệm vụ được nữa.
Việc lập kế hoạch chặt chẽ vì sự liên tục của chính phủ vừa đảm bảo rằng người dân Ukraine sẽ coi chính quyền kế nhiệm là hợp pháp, vừa là dấu hiệu cho Nga biết rằng họ không thể chấm dứt xung đột, ngay cả khi họ thành công trong cuộc tấn công ‘chặt đầu’. Ngoài ra, Ukraine nên bắt đầu lập kế hoạch tiếp tục kháng chiến có tổ chức từ các địa hình dễ phòng thủ hơn, có thể là ở đâu đó trên dãy núi Carpathian, miền tây Ukraine.
Ví dụ tương tự gần đây nhất là Chính phủ Quốc phòng của Pháp trong Chiến tranh Pháp-Phổ. Khi quân Phổ cố gắng chiếm Paris vào năm 1870 và 1871, chính phủ Pháp đã tự phân chia thành ba nhánh. Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là Louis-Jules Trochu vẫn ở lại Paris đang bị bao vây, để củng cố tinh thần của hàng lính phòng thủ; trong khi đó Quốc hội Pháp chuyển trụ sở ra xa chiến tuyến, đến Bordeaux; còn Bộ trưởng Nội vụ Léon Gambetta thì đến đóng tại Thung lũng Loire, nơi ông giám sát các nỗ lực quân sự nhằm giải phóng Paris. Do chính phủ của Pháp đã được chia nhỏ, người Phổ không thể chấm dứt chiến tranh bằng cách bắt giữ một trong ba bộ phận của nó.
Tất nhiên, phần lớn công việc sẽ cần được thực hiện bởi chính phủ của Zelensky. Nhưng các quốc gia phương Tây có thể trợ giúp bằng cách đưa ra lời khuyên về việc triển khai kế hoạch, tạo điều kiện cho các liên kết thông tin liên lạc, đồng thời gửi thiết bị và nguồn lực để giúp củng cố (các) địa điểm thay thế đã lựa chọn.
Không có hành động nào trong số những hành động này tự nó cung cấp một sự đảm bảo rằng Ukraine sẽ không thất bại quân sự dưới tay Nga. Mỗi phương án đều đi kèm với khả năng leo thang. Tuy nhiên, leo thang thường là một bước đi cần thiết để buộc đối thủ phải thay đổi hướng đi. Theo đó, các quốc gia thành viên NATO và các đối tác nên cân nhắc những đề xuất này khi đánh giá cách thức hỗ trợ Ukraine. Rốt cuộc thì các biện pháp hiện tại khó có thể giúp cán cân quân sự nghiêng về phía có lợi cho Ukraine vì chúng làm kéo dài xung đột, và do đó làm kéo dài sự chịu đựng của người dân nước này.
Chúng ta cũng không nên tự lừa dối mình: Nguy cơ leo thang luôn hiện hữu, bất kể phương Tây thực hiện hành động nào để hỗ trợ Ukraine. Putin đã cho thấy rằng ông ta sẽ tự tạo ra một cái cớ, nếu đối thủ quá thông minh để không đưa cho ông một cái cớ. Do đó, NATO nên chuẩn bị cho cả kịch bản rằng Putin có thể chọn coi những nỗ lực hiện tại là hành vi gây chiến (casus belli), nếu ông ta muốn có xung đột trực tiếp với liên minh. Cho đến nay, luận điệu của Putin có tác dụng răn đe NATO cao hơn những gì NATO đang làm để răn đe Putin phạm tội ác chống lại loài người. Tiếp tục chịu bị chi phối bởi chiến dịch thao túng nhận thức của Putin sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho NATO.
Đánh trúng thời điểm là điều quan trọng: như mọi khi, phương Tây phải cẩn thận tinh chỉnh phản ứng của mình đối với Nga, nhưng đồng thời, phải nhớ kỹ rằng việc cho phép Putin thành công trong cuộc xâm lược tàn bạo của ông ta đối với một quốc gia dân chủ láng giềng sẽ gây nên các tác động đối với an ninh toàn cầu, điều không nên bị làm ngơ hay được phép xảy ra chỉ vì chúng ta hành động không đủ.
Lưu ý: Các quan điểm trên đây là của các tác giả và không đại diện cho quan điểm hoặc lập trường chính thức của bất kỳ bộ phận nào trong chính phủ Mỹ hoặc Vương quốc Anh.
—
David A. Deptula là một Trung tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, người đã lên kế hoạch cho các chiến dịch không quân ở Iraq vào năm 1991 và Afghanistan vào năm 2001, đồng thời từng hai lần là chỉ huy lực lượng đặc nhiệm chung. Ông là viện trưởng Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell và là học giả cấp cao tại Trung tâm Phát triển Tính cách và Lãnh đạo của Học viện Không quân Mỹ.
Marc R. DeVore là giảng viên cấp cao tại Trường Quan hệ Quốc tế của Đại học St. Andrews. Ông đã từng tư vấn cho việc hoạch định chính sách quốc phòng ở Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Cộng hòa Trung Phi.
Emma Salisbury là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Birkbeck, Đại học London. Các nghiên cứu của bà tập trung vào nghiên cứu và phát triển quốc phòng ở Mỹ và tổ hợp công nghiệp – quân sự. Bà cũng là một nhân viên cấp cao tại Nghị viện Vương quốc Anh.
Michael Hunzeker là giáo sư tại Trường Chính sách và Chính phủ Schar của Đại học George Mason, đồng thời là phó giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách An ninh của trường. Ông từng phục vụ trong Thủy quân Lục chiến từ năm 2000 đến năm 2006.
No comments:
Post a Comment