Bây giờ thì niềm ước mơ được trở về mái nhà xưa ở một quê hương điêu tàn sau hai tháng chui rúc trong các khu tạm cư của người dân Quảng Trị đã đến độ chín mùi.
Làm sao mà ngoảnh mặt cho đành với nơi chôn nhau cắt rún có những con đường chạy quanh bờ sông đổ dài ra biển. Khi bỏ xứ mà đi với nỗi buồn đầy ắp trong hồn rưng rưng dòng lệ, tài sản một gánh lên vai kỷ niệm nào hơn nấm mồ tổ tiên, cha mẹ. Niềm luyến lưu níu chặt đôi chân dù ngoài kia súng đạn Bắc quân đang xích lại gần vớ ihọ. Rồi cũng phải ra đi không một dự tính tương lai. May mắn thì có đựợc một chỗ ngồi trên đoàn xe quân đội đang chực chờ đầu Quốc lộ 1. Rủi ro thì dắt dìu bống bế nhau lang thang trên con đường thiên lý tiến về Nam, kẻ chết thì nằm yên lại đó với thành phố buồn thiu làm mồi cho lũ chó hoang chạy rong khắp xóm. Người dân Quảng trị đã thực sự cô đơn từ giờ phút đó. Nỗi kinh hoàng hiện rõ trên hàng ngàn nét mặt từ trẻ thơ cho đến cụ già. Mùa hạ đốt lửa trên đầu gió mùa đùn cát xôn xao trên lớp da mặt họ lầm lũi đi trong tủi nhục và khốn khổ. Ngày mai rồi, sẽ ra sao ? Niềm lo âu cơm áo đè nặng tâm hồn họ cũng như nỗi thiết tha vởi quê hương sắp mất. Rồi bom đạn Bắc quân vùi dập trên đầu họ, vài người thân ngã xuống dù chết dù thương tích hoặc kiệt sức cũng phải đành đoạn bỏ đi. Họ tan loãng trong bãi cát mênh mông, bãi cát như một địa ngục hãi hùng với những tiếng khóc la thảm thiết. Còn hình ảnh nào diễn tả tình mẫu tử cảm động hơn một bà mẹ ngã gục với mảnh đạn ngay tim còn thì thào vỗ về đứa con chưa đầy hai tuổi đang dẫy dua trên ngực mẹ vì dòng sửa ngấm máu mằn mặn, kẻ sống sót bương bả qua những đồi cát trắng phau tìm về đồng lúa vàng đang độ chín mùi lần mò đến con sông Mỹ Chánh. Sinh lộ mở ra ở đó và họ chỉ còn lại hai bàn tay trắng với một tâm tình rách nát. Sau cùng rồi họ cũng đến được thành phố bên kia rặng núi Hải Vân. Người đến trước còn có được một chỗ nằm trong khu tạm cư những trường học, công sở, kẻ đến sau đành chui rúc ở các vỉa hè sống đời sống du mục. Cơm áo bây giờ mới là một vấn đề nan giải đối với họ, kẻ phải lê lết ăn xin, nhiều cô gái trong trắng hiền lành một sớm một chiều bỏ quên guốc gỗ sân trường để bán xác nuôi thân. Niềm tủi nhục lớn dần trong tâm hồn họ khi lặng nhìn người thành phố vẫn phè phởn ăn chơi vung tiền qua khung cửa những trà đình tửu điếm. Tình đồng bào chỉ được thể hiện ở vài ngày đầu với những hô hào, khẩu hiệu rồi lắng xuống theo nhịp độ vồn vã của một vùng đất mất gốc.
Tôi đã đến đó với đồng bào tôi bằng một tâm trạng nhọc nhằn ở những chung cư chật chội, hôi hám, phẩm vật cứu trợ của chính phủ tuy có nhưng làm sao đủ để đắp đỗi qua ngày dù chỉ là rau cháo. Từ đó họ nhìn về quê hương bằng những nhớ nhung xao động, dù khó nhọc nhưng đã trở thành gắn bó đậm đà trên luống rau, luống cải. Tôi đã phải nhọc nhằn lắm nhưng vẫn không thể nào tìm được câu trả lời xác thực nào hơn bằng sự im lặng khi ngbe họ hỏi :
– Răng chừ thì miền (mình) có thể về lại Quảng Trị được en (anh) ?
– Liệu Quảng Trị có mất luôn không en ?
Làm sao tôi có thể giải thích được cho họ, ừ chính mình cũng còn không hiểu được nữa. Cuộc chiến tranh ở đất nước này đã trở thành kỳ quặc với những bùa phép, toan tính của ngoại bang. Người dân Quảng Trị họ cũng đủ biết rằng mai có về lại mái nhà thân yêu của họ được chăng nữa cũng chỉ còn những đổ vỡ hoang tàn với hai bàn tay trắng. Nhưng bản chất cần cù chịu đựng họ vẫn có thể bắt đầu xây dựng lại bằng chính sức người tiềm tàng trong tâm hồn họ. Họ sẽ trồng rau trên cát, phá núi làm đồng và ươm mầu cho những tương lai chất đầy hy vọng như ngày xưa tổ tiên họ đã hiên ngang khai phá những địa danh Cam Lộ, Ba Lòng thâm u chướng khí khô cằn sỏi đá trở thành vùng đất màu mỡ với đồn điền chim bay thẳng cánh. Tôi tin tưởng rằng người dân Quảng Trị là những người hiền hòa nhưng có sức chịu đựng gian khổ dai dẳng nhất nhân loại. Nếu không đủ sức chịu đựng làm sao họ có thể sống từ đời này qua đời nọ ở một quê hương dẫy đầy thiên tai và chiến tranh tàn phá. Tôi đã gặp nhiều cụ già tuổi trời đã xé tâm sự như một điều hối hận khi đã bỏ Quảng Trị mà đi. Các cụ hối tiếc đã không ở lại để được chết trên quê cha đất tổ cho tròn đạo làm người. Quan niệm của các cụ tuy lỗi thời nhưng nói lên được cái tâm tình của người dân tha thiết với quê hương đã thành thiêng liêng cao quý. Họ chờ đợi không nản và mỏi mòn cho một lần về dù lúc ra đi thật vội vã và nhất quyết. Cũng lang thang bằng đôi chân ốm yếu nhưng rắn chắc mỗi người đã lần mò ra tận Mỹ Chánh, Bến Đá nghe đạn reo trên đầu để chỉ được nhìn những làng mạc, xóm thôn mờ mờ sau khói lửa và lủy tre xanh. Người lính ôm súng nằm tuyến đầu nhìn thấy cảnh đó như một réo gọi thúc đẩy phải tiến lên đánh bật kẻ thù để chiếm lại vùng đất tạm bỏ. Không hô hào, nhân danh và trục lợi nhưng tôi đã thấy những người dân Quảng Trị quần rách áo ôm, trên lay cầm những món quà nghèo nàn tìm đến trao tận tay những chiến binh Dù, TQLC bằng trọn vẹn chân tình. Món quà nhỏ họ traọ cho người lính nhưng không khác gì họ đã gởi trọn tâm hồn cho quê hương đang lọt vào lằn mức bên kia và người lính khi đón nhận bằng tất cả cảm xúc khác nào đang đón nhận một lời ủy thác cái nhiệm vụ thiêng liêng phải dành lại cho bằng được mảnh vườn của người dân dù trên đó chỉ còn tro than.
Người linh chiếm lại từng gò mả, từng chặng đường là có bóng dáng người dân theo sau hỏi han, chia sớt…
Tôi cũng đã theo chân đoàn quân nhảy xuống những làng mạc tiêu điều sau hai tháng dưới sự kiềm tỏa của Bắc quân. Từ các hầm hố ven làng người dân đã nhảy lên ôm chầm bờ vai người lính khóc nức nở như vừa tình cờ bắt gặp hạnh phúc. Họ đã tâm sự không nỡ bỏ làng mà đi vì còn lại những bàn thờ tổ tiên, những mồ mả ông cha không thể để hương tàn bàn lạnh. Nỗi kinh hoàng còn in rõ trên từng khuôn mặt hốc hác vì thiếu ăn, người lính TQLC chia sớt cho người dân nuốt miếng cơm sấy trong nỗi nghẹn ngào xúc động. Họ không ngớt cảm ơn ông bà, thần thánh đã cho họ có ngày hôm nay còn được nhìn thấy quê hương thực sự được giải phóng bởi những người con yêu. Tôi đã chứng kiến tận mắt một người lính TĐ1 TQLC cởi bớt chiếc áo lót trên mình để tặng cho một người dân ở Gia Đẳng và người dân nhận áo đã mân mê đôi tay khô kia của mình lên bàn tay người lính chai nám như tình nhân. Họ nhắc đến hai tiếng cộng quân bằng giọng điệu kinh tởm, hãi hùng. Hơn bao giờ hết lúc này những người lính Dù, TQLC đã trở thành một cái gì quí mến tràn trề yêu thương trong tâm hồn đồng bào Quảng Trị. Một vài bà mẹ ở Mai Đằng Thượng Xá đã nói với giọng nước mắt.
– Mấy en bộ đội ơi! cả làng ni chờ đợi các en mấy tháng trời rồi, ngày mô cũng ngồi trong hầm dòm ra mà cũng không thấy dạng mấy en mô bết. Toàn là tụi giải phóng khôn ni. Mần răng mà mấy en bỏ dân lâu rứa, mấy en mà tới trễ vài ngày nữa e dân chết hết ni.
Rồi họ chạy ra ngoài vườn in đầy những hố bom bới những gốc sắn tàu đem vô nấu tặng người lính. Một Sĩ Quan TQLC đã nói với tôi một câu thật đầy ý nghĩa :
– Trong suốt cuộc đời lính của tôi, bây giờ tôi mới thấy sự chiến đấu của mình được đền bù xứng đáng hơn bất cứ một sự thăng thưởng và huy chương nào hết.
Người dân Quảng Trị đã thực sự un đúc thêm ý chí chiến đấu cho người lính phong trần. Chính người lính cũng phải thú nhận rằng những chiến thắng ở mặt trận này mà họ tạo được phần lớn nhờ ở tâm tình của đồng bào cho họ. Quảng Trị một quê hương thật nghèo nàn khốn khó nhưng người dân ở đây mới thực sự là một thành trì chống cộng kiên cố nhất nhờ ý thức thâu lượm được ở kinh nghiệm chung đụng với cả hai bên. Cộng thêm đó là niềm thiết tha với xử sở thôi thúc họ trong từng hơi thở, trong từng nhịp đập của trái tim.
Bây giờ thì người dân Qaủng Trị đang chực chờ trở lại thành phố làng mạc họ biết chắc rằng đã điêu tàn đổ vỡ. Cho dù có một nơi khác bình an và sung túc hơn chắc chắn rằng họ cũng không thể nào từ bỏ quê hương của mình với thật nhiều kỹ niệm. Họ phải trở về để dựng xây lại trên những đống gạch vụn, phải nhặt lại nắm xương tàn cửa người thân đã nằm xuống vì bom đạn của Bắc quân; người sống không thể mất quê hương thì người chết cũng cần phải có quê hương để giữ gìn đời đời. Họ đã có sẵn sự chịu đựng vô bờ và niềm tin được thắp sáng lên từ nỗi nhọc nhằn để khai sơn, phá thạch thì sá gì một lần làm lại cho xứ sở một ngày mai huy hoàng và tươi sáng.
Đoàn Kế Tường
No comments:
Post a Comment