Mỹ chủ mưu thanh toán TT. Ngô Đình Diệm
Tướng Harkins ra lệnh Thủy Quân Lục Chiến lên bờ Việt Nam . Tướng Harkins gởi điện văn cho Tướng Taylor ở Mỹ bày tỏ sự chống đối âm mưu đảo chánh Tổng Thống Diệm. Ông nói: "Chúng ta ủng hộ . Diệm trong suốt 8 năm khó khăn. Thật sai lầm nếu hạ ông xuống, đá ông lăn lóc và đi truất phế ông ta". Chống lại ý kiến ủng hộ đảo chánh của Đại Sứ Lodge, Tướng Harkins gởi điện văn cho ông Lodge: "Chúng ta phải cần thu thập thêm tin tức. Mặc dù Tướng Đôn tuyên bố là đảo chánh là do chính người Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên trong ngày gần đây rồi Mỹ cũng phải nhào vô dù có muốn hay không. Chúng ta cần phải tiếp tục ủng hộ Tổng Thống Diệm cho đến khi nào chịu đựng hết nổi".
Ngày 31 tháng 10 năm 1963, Hoa Thịnh Đốn gởi cho Đại Sứ Lodge một điện văn được coi là điện văn cuối cùng. Nội dung là chính phủ Mỹ ra lệnh: "Không được đứng về phe nào. Nếu tình thế xảy ra không rõ ràng, thì Mỹ phải đứng hòa hoàn giữa hai bên.. Nếu đảo chánh bị thất bại, tòa đại sứ nên cho phép họ tỵ nạn tùy theo sự quyết định của Đại Sứ Lodge. Nhưng cố gắng khuyến khích họ nên đi nơi khác tỵ nạn. Dù vậy, nếu có cuộc đảo chánh xảy ra thì Mỹ vẫn mong là nó thành công". Đại Sứ Lodge đình chuyến bay trong ngày này.
Ngày 01 thá ng 11 năm 1963, Tướng Trần Văn Đôn đến Bộ Tổng Tham Mưu lúc 7 giờ 30 sáng, 6 tiếng đồng hồ trước khi đảo chánh. Tướng Đôn chuẩn bị gặp Tướng Harkins và Đô Đốc Tư Lệnh Thái Bình Dương Harry D. Felt lúc 9 giờ 15 sáng. Đô Đốc Felt muốn gặp Tướng Đôn tại Bộ Tổng Tham Mưu nhưng Tướng Đôn lại muốn gặp nhau tại cơ quan MACV. Tướng Đôn nói chuyện bình thường. Ông nói nếu đảo chánh thành công thì sẽ thắng Cộng Sản. Trong khi nói chuyện, Đô Đốc Felt chỉ lên bản đồ hỏi rằng có 2 Tiểu Đoàn Dù chưa đồng ý gia nhập đảo chánh. Tướng Đôn bảo đảm là các lực lượng này trên đường đến Tây Ninh, Tây Bắc của Sài Gòn, sẽ kéo về thủ đô và chủ động cuộc đảo chánh.
9 giờ 45 sáng, Đô Đốc Felt rời MACV để đến thăm Tổng Thống Diệm. Tướng Đôn sợ Tổng Thống Diệm rời Sài Gòn nên nhờ Đô Đố Felt cầm chân Tổng Thống Diệm. Đại Sứ Lodge làm hẹn và muốn tham dự. Gặp mặt tại Dinh, Tổng Thống Diệm nói: "Mỗi lần Đại Sứ Mỹ đi Hoa Thịnh Đốn là có tin đồn đảo chánh. Tôi biết là đang có sửa soạn đảo chánh, nhưng tôi không biết ai chủ mưu vì họ giữ bí mật kỹ quá". Khi Đại Sứ Lodge sắp đi thì Tổng Thống Diệm kéo qua một bên và nói là ông sẳn sàng thực hiện những điều chính phủ Mỹ muốn ông ta làm. Nhưng đã quá trễ, lúc Đại Sứ Lodge và Đô Đốc Felt từ biệt thì lính đã bao vây thủ đô Sài Gòn.
11 giờ 45 sáng, Đô Đốc Feelt chào Tổng Thống Diệm trở lại CINCPAC, có Tướng Đôn và Tướng Harkins đi cùng. Đô Đốc Felt họp báo tại phi trường Tân Sơn Nhất. Sau khi Đô Đốc Felt đi thì Tướng Đôn và Tướng Harkins ăn trưa với nhau.
Đại Sứ Lodge ngồi lại nói chuyện với Tổng Thống Diệm tại Dinh Gia Long. Tổng Thống Diệm nói là Mỹ giật dây xúi Phật Giáo biểu tình và tung tin đảo chánh. Đại Sứ Lodge trả lời: "Thưa Ngài, nếu một người Mỹ nào hứa hẹn một điều gì sai trái thì tôi sẽ tống cổ họ ra khỏi nước ngay". Bào chữa cho ông Cố Vấn Nhu, Tổng Thống Diệm khuyên ông Lodge nên gọi nói chuyện với ông Xếp CIA Colby và cựu Đại Sứ Nolting để họ giải thích cho ông Lodge biết lý do tại sao Tổng Thống Diệm cần đến ông Nhu nhiều như vậy..
Trước khi Đại Sứ Lodge đứng ra về, Tổng Thống Diệm nói: "Xin ông vui lòng nói với Tổng Thống Kennedy rằng tôi là đồng minh tốt và thẳng thắn, tôi muốn là chúng ta nên thẳng thắn cùng giải quyết những vấn đề bây giờ hơn là nói về nó sau khi chúng ta đã mất tất cả".
Khi Đại Sứ Lodge tiếp chuyện với Tổng Thống Diệm thì có một vị tướng đến nhà ông CIA Conein báo tin giờ đảo chánh sắp bắt đầu... Vị tướng này bảo ông CIA Conein mang tất cả số tiền lên Bộ Tổng Tham Mưu. Ông CIA Conein ôm 3 triệu đồng Việt Nam tương đương với 42,000 mỹ kim ra đi. Ông mang theo khẩu súng lục và mấy trái lựu đạn và một cái máy truyền tin đặc biệt để liên lạc với các viên chức CIA khác.
Theo ông Conein thì số tiền này được rút từ quỹ của CIA để dùng mua thực phẩm cho lính đảo chánh và bồi thường các gia đình có lính chết vì đảo chánh. Trước khi đến Bộ Tổng Tham Mưu, ông CIA Conein bấm mật mã 9,9...9,9...9,9 để thông báo đến các nhân viên CIA biết đảo chánh bắt đầu. Tuy nhiên, theo tờ báo Times of Viet Nam phát hành ngày 02 tháng 09 năm 1963, trên trang nhất có tựa lớn "CIA Tài Trợ Đảo Chánh" (CIA Financing Planned Coup d'Etat).
Trong bài báo này có nói đến việc cơ quan CIA của Mỹ chi từ 10 triệu tới 24 triệu để tài trợ cho cuộc đảo chánh chính phủ Tổng Thống Diệm. Số tiền này được ứng ra để trả lương và tưởng thưởng cholính, cảnh sát, công chức.. Và số tiền đó cũng được dùng để trả cho các tổ chức Phật Giáo, phong trào thanh niên đấu tranh, các cơ sở tuyên truyền và cho các trường hợp bất khả kháng. Tòa Đại Sứ Mỹ từ chối nguồn tin này. Khi hỏi Tổng Thống Diệm thì Tổng Thống Diệm nói: "Ông có nghĩ là tờ báo Times of Viet Nam lại đi in như vậy nếu đó không phải là sự thật?". Sau đó Tổng Thống Diệm có trưng dẫn một số bằng chứng để xác nhận điều đó là đúng.
Các tướng đảo chánh đã nối đường dây điện thoại từ Bộ Chỉ Huy Đảo Chánh và Tòa Đại Sứ.. Một đường dây điện thoại khác được bắt từ Bộ Tổng Tham Mưu đến tư thất của ông CIA Conein với mục đích để ông CIA Conein có thể liên lạc thường xuyên với 12 lính Biệt Kích "A" Team đang bảo vệ vợ con ông. Nếu đảo chánh bất thành, các người lính này sẽ tự động đưa vợ con ông ra khỏi nước. Ông CIA Conein đến Bộ Chỉ Huy Đảo Chánh khoảng 12 giờ 15 - 12 giờ 30 trưa. Tướng Đôn vắng mặt vì tiển Đô Đốc Felt ra phi trường. Khi Tướng Minh nhìn thấy người Mỹ thì hất hàm hỏi: "Ông làm gì đây?".. Ông CIA Conein trả lời là "Tôi được kêu tới đây". Tướng Minh dằn mặt: "Nếu đảo chánh thất bại thì ông phải đi cùng với chúng tôi".
Hầu hết các tướng lãnh trung thành với Tổng Thống Diệm hay theo đảo chánh đều đến Bộ Tổng Tham Mưu do Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Trần Thiện Khiêm khoản đãi. Sau khi mọi người an tọa, Tướng Minh đứng dậy và tuyên bố đảo chánh, vừa lúc đó Quân Cảnh tràn vào phòng với súng tiểu liên vây xung quanh. Tướng Minh kêu gọi các tướng ủng hộ đảo chánh. Họ được phép rời phòng Tổng Tham Mưu nhưng không được ra khỏi Bộ Chỉ Huy.
Những vị còn ngồi tại chỗ, trong đó có Đại Tá Lê Quang Tung phản đối đảo chánh bị tống giam ngay. Tướng Minh sai đem cái máy thâu băng vào phòng, trong băng ông thâu lời tuyên bố đảo chánh, lên án gia đình Tổng Thống Diệm độc tài và hứa là quân đội có khả năng cai trị nước hơn. Tướng Minh đòi các tướng hiện diện ký vào bản tuyên cáo và hỗ trợ quân đội đảo chánh. Ông phân phát cho các tướng những cuốn băng để phân phối đến các đài phát thanh. Nếu đảo chánh thất bại thì các tướng không thể chối được việc mình tình nguyện tham gia đảo chánh.
1 giờ 30 quân đội phát động đảo chánh. Thông thường là đảo chánh ban đêm, nhưng lần này đảo chánh ban ngày nên lính chính phủ Tổng Thống Diệm không chuẩn bị ứng phó kịp thời. Lính đảo chánh mang khăn quàng đỏ, dấu hiệu đảo chánh tại miền Nam Việt Nam . Hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến tiến vào Sài Gòn từ Biên Hòa. Một tiểu đoàn Dù, một tiểu đoàn Bộ Binh từ Vũng Tàu. Hai tiểu đoàn Dù từ Bình Dương. Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Quân Trường gần đó. Đụng độ yếu ớt, quân đảo chánh chiếm phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Chỉ Huy Hải Quân, Bộ Quốc Phòng. Khoảng 500 Thủy Quân Lục Chiến bao vây Tổng Nha Cảnh Sát vì nơi đó phe Tổng Thống Diệm chứa rất nhiều vũ khí. Lính đảo chánh chiếm Sở Bưu Điện Trung Ương và Phòng Điện Tín. Phe chính phủ Tổng Thống Diệm tử thủ tại Đài Phát Thanh Sài Gòn và các đài phát thanh khác.
3 giờ chiều, Tướng Đôn gọi cho Tòa Đại Sứ để hỏi có kế hoạch nào để đưa Tổng Thống Diệm và gia đình ra khỏi Việt Nam nếu họ đầu hàng, Đại Sứ Lodge nói chắc chắn có máy bay vì chính Đại Sứ Lodge đang có máy bay sẵn dự định để chở ông đi Mỹ, nhưng ông hoãn lại chuyến bay.
3 giờ 30 chiều, quân đảo chánh chiếm Đài Phát Thanh. Đụng độ nặng nề nhất là tại lô cốt Cộng Hòa của lực lượng Phòng Vệ Phủ Tổng Thống gần Dinh Gia Long. Chiến xa của phe trung thành Tổng Thống Diệm bắn hỏa tiễn vào các cao ốc làm bể kiếng khiến dân chúng hốt hoảng di tản...
Khi nghe báo cáo là gặp sức kháng cự quá mạnh của phe Tổng Thống Diệm tại lô cốt Cộng Hòa, Tướng Khiêm gọi Trung Tá Nguyễn Cao Kỳ tại Bộ Chỉ Huy Không Quân, Tướng Khiêm nói: "Kỳ, lính phòng vệ ông Diệm chống cự mạnh quá và thì giờ không còn nhiều nữa. Ngay bây giờ hay không còn dịp khác nữa, ông có sẵn sàng giúp đỡ không?" Kỳ trả lời: "Dĩ nhiên, ngay lập tức". Với tướng mạo màu mè, bộ râu kẽm, luôn choàng cái khăn cổ tím và mang bên mình cái súng lục cán mạ ngà voi, ông ra lệnh cho 2 phi công xuất trận. Khoảng 4 giờ chiều, hai chiếc máy bay T-28 xuất hiện trên bầu trời Sài Gòn, một chiếc từng dội bom Dinh Độc Lập năm 1962. Bom thả trật mục tiêu, một quả bom thả rớt xướng hầm trống của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bên kia Dinh Gia Long. Dù là bị oanh kích, nhưng trận đánh vẫn tiếp diễn tới tối.
Khi nhận được báo cáo đầu tiên về việc có quân đội tiến về Dinh Gia Long một cách bất thường, ông Nhu tỏ ra không mấy quan ngại. Ông nghĩ đó chính là nằm trong kế hoạch đảo chánh giả của ông gồm 2 phần: nhận diện và tiêu diệt đám đối nghịch chế độ. Phần một ám hiệu là Bravo I, một cuộc đảo chánh giả. Với rất nhiều đơn vị lính trung thành với chế độ trú đóng xung quanh Sài Gòn, các lực lượng này sẽ tấn công một số mục tiêu đã được định sẵn trong thủ đô. Khi cuộc tấn công bắt đầu, Tổng Thống Diệm và ông Nhu sẽ thoát xuống Vũng Tàu, cách Sài Gòn 50 dặm về phía Đông-Nam. Sau nhiều ngày vô luật lệ và xáo trộn, chính phủ của phe phản loạn sẽ ra mặt. Lúc đó những lực lượng lính trung thành với chính phủ Diệm sẽ tiến vào Sài Gòn và tiêu diệt phản loạn trong phần "phản đảo chánh" với ám hiệu Bravo II. Theo kế hoạch này, ông Nhu tiên đoán là "chúng ta sẽ lừa bọn tay sai của Mỹ rúc hết vào một cái rọ trong thủ đô".
Nhưng thật rủi cho anh em Tổng Thống Diệm, ông Nhu vì quá tin nên giao kế hoạch làm đảo chánh giả cho Tướng Tôn Thất Đính thực hiện. Vào trưa 01 tháng 11 ông Nhu cố liên lạc với Tướng Đính nhưng không gặp, ông Nhu liên lạc với các tướng trung thành chế độ nhưng cũng không gặp được, lúc đó thì ông Nhu mới nhận thức ra là đảo chánh thật.
Khoảng sau 4 giờ chiều, Tổng Thống Diệm gọi Tướng Khiêm, người đã cứu Tổng Thống Diệm trong cuộc đảo chánh năm 1960. Thay vì nói chuyện với Tướng Khiêm, thì Tướng Đôn trả lời. Tổng Thống Diệm hỏi: "Các tướng đang làm cái gì vậy?". Tướng Đôn trả lời: "Thưa Ngài, thời điểm đã đến, quân đội phải đáp lại nguyện vọng của đồng bào".... Tổng Thống Diệm quở trách Tướng Đôn ăn nói thiếu lễ độ. Sau đó Tổng Thống Diệm tuyên bố là ông muốn thực hiện những điều cải tổ như ý quân đội miền Nam Việt Nam đòi hỏi trong tháng 09 rồi. Tổng Thống Diệm mời Tướng Đôn và những tướng lãnh khác vào Dinh Gia Long để thảo luận. Vì nhớ lại cái kinh nghiệm chua cay của cuộc đảo chánh thất bại 1960 khi Tổng Thống Diệm dùng kế hoãn binh để đoàn quân trung thành với ông có đủ thì giờ về giải cứu, do đó Tướng Đôn từ chối lời mời.
4 giờ 30 chiều, Tổng Thống Diệm gọi điện thoại cho Đại Sứ Lodge hiện đang ở nhà. Theo lời Đại Sứ Lodge báo cáo cho Bộ Ngoại Giao sau này, thì cuộc đối thoại có nội dung như sau:
"Tổng Thống Diệm: Có một số đơn vị lính phản loạn và tôi muốn biết thái độ của chính phủ Mỹ ra sao?
Đại Sứ Lodge: Tôi hiện không có đủ chi tiết để trình với Ngài. Tôi có nghe tiếng súng nổ, nhưng tôi không biết nguyên do. Vả lại, bây giờ ở Hoa Thịnh Đốn là 4 giờ 30 sáng do đó chính phủ Mỹ chắc không thể có quan điểm gì.
Tổng Thống Diệm: Nhưng ông phải có vài ý kiến tổng quát chứ? Tôi là Tổng Thống... Tôi đã cố gắng thi hành những bổn phận của tôi. Bây giờ tôi muốn sử dụng cái bổn phận của tôi. Tôi tin là bổn phận trên tất cả.
Đại Sứ Lodge: Ngài lẽ dĩ nhiên đã làm những bổn phận của Ngài. Tôi cảm phục sự can đảm và công lao đóng góp lớn lao của Ngài vào quốc gia của Ngài. Không ai có thể tướt đi cái công ơn mà Ngài đã làm. Bây giờ tôi đang lo ngại cho sự an toàn tính mạng của Ngài. Tôi đã sắp xếp để đưa Ngài và em của Ngài ra nước ngoài để bảo toàn tính mạng nếu Ngài từ chức. Còn nếu như Ngài không đồng ý, thì tôi cũng đã sắp đặt để Ngài mang tước vị Quốc Trưởng và Ngài có thể ở lại đây an toàn.
Tổng Thống Diệm: Không, không, tôi không muốn vậy. Tôi muốn tái lập trật tự. Tôi phải tái lập trật tự.(cúp máy)
Tướng Đôn có kể lại là trong khi đang đảo chánh thì Tổng Thống Diệm gọi điện thoại nói chuyện với Tướng Đôn, Tướng Đôn nói với Tổng Thống Diệm: "Thưa Tổng Thống, tôi lấy làm tiếc về sự việc xãy ra, nhưng điều tôi muốn Tổng Thống bây giờ là hãy khôn ngoan và hiểu cho hoàn cảnh, và hiện có một chiếc máy bay đặc biệt sẵn sàng đưa Tổng Thống và gia đình ra khỏi nước nếu Tổng Thống đầu hàng vô điều kiện".
Cả chiều 01 tháng 11, nhiều tướng đảo chánh gọi vào Dinh kêu gọi Tổng Thống Diệm và ông Nhu đầu hàng.
4 giờ 30, Tướng Minh lên tiếng với ông Nhu rằng nếu ông Nhu và Tổng Thống Diệm không ra đầu hàng thì Dinh Tổng Thống sẽ bị pháo kích và dội bom. Phe đảo chánh mang Đại Tá Lê Quang Tung đến, ông ta là người chỉ huy Lực Lượng Đặc Biệt trung thành với Tổng Thống Diệm.
Họ kê súng vào đầu Đại Tá Tung bắt gọi. Đại Tá Tung báo cáo thẳng là phe đảo chánh bắt giam tất cả tướng lãnh và viên chức trung thành chính phủ, và Tướng Khiêm với Tướng Đính đã gia nhập phe đảo chánh rồi. Đại Tá Tung kêu gọi đầu hàng, nhưng ông Nhu không chịu.
Tối hôm đó, phe đảo chánh trói tay Đại Tá Tung và em của ông ta giữ chức Phó Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Biệt Họ bị giao cho cận vệ của Tướng Minh chở về Bộ Tổng Tham Mưu bắn chết và chôn vào 2 cái hố mới được đào...
5 giờ 15 chiều, Tướng Minh gọi Tổng Thống Diệm đầu hàng. Tổng Thống Diệm từ chối nói chuyện với Tướng Minh phản loạn và khinh bỉ cúp máy. Quá tức giận về thái độ của Tổng Thống Diệm làm bẽ mặt Tướng Minh trước binh sĩ, sau đó vài tiếng, Tướng Minh gọi lại vào Dinh, Tướng Minh dọa nếu anh em Tổng Thống Diệm không ra đầu hàng thì Dinh này sẽ trở thành "bình địa". Tổng Thống Diệm vẫn từ chối nói chuyện với vị tướng lãnh đạo cuộc đảo chánh này.
Để chứng tỏ lời đe dọa là thật, Tướng Minh ra lệnh tấn công vào Dinh. Lý do Tướng Minh chần chừ không tấn công là vì muốn giảm thiểu sự đổ máu của hai bên.. Hơn nữa, Tướng Minh và các tướng đảo chánh không có ý định tấn công vào Dinh là vì nghĩ là khi thấy lực lượng quân đội đảo chánh hùng hậu như vậy thì tự động anh em Tổng Thống Diệm ra đầu hàng. Sự từ chối giải pháp đầu hàng của Tổng Thống Diệm đã làm Tướng Minh và các tướng ngạc nhiên, bực tức vô cùng.
Không tướng nào muốn tấn công vào Dinh Gia Long cả. Tổng Thống Diệm hiện vẫn còn là khuôn mặt đáng kính. Họ không muốn mang tiếng nhục khi tấn công trực tiếp vào Tổng Thống Diệm. Các tướng đảo chánh chọn Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu vì Đại Tá Thiệu là người Công Giáo. Họ muốn người Công Giáo diệt người Công Giáo. Đó là lối lý luận và tính toán của các tướng đảo chánh theo đạo Phật.
Khoảng hơn 3 giờ sáng ngày 02 tháng 11 năm 1963, Đại Tá Thiệu tấn công Dinh Gia Long bằng vũ khí hạng nặng .50 caliber, 75 mm và xe tăng, phá sập cổng Dinh, dù vậy Tổng Thống Diệm cũng không chịu đầu hàng.
Rạng sáng, phe đảo chánh tiến vào Dinh Gia Long với cảnh tượng đổ nát, ngổn ngang. Họ tìm kiếm Tổng Thống Diệm và ông Nhu, lúc đó mới phát giác là hai ông đã thoát thân từ lúc 8 giờ tối hôm qua, tức buổi tối 01 tháng 11.
Anh em Tổng Thống Diệm trốn khỏi Dinh Gia Long bằng đường hầm bí mật cổng sau và chạy lên núp trong một nhà của người thương gia Tàu tên là Mã Tuyên tại Chợ Lớn vào lúc 9 giờ tối ngày 01 thá ng 11. Trong nhà này trang bị đầy đủ hệ thống điện thoại tối tân để Tổng Thống Diệm và ông Nhu gọi cầu cứu. Hai ông muốn lên cao nguyên hoặc xuống biển để đích thân điều động cuộc "phản đảo chánh", nhưng khi gọi không được ai thì hai ông thất vọng não nề. Hai ông có ý xin tỵ nạn tại tòa Đại Sứ Trung Hoa Quốc Gia nhưng thất bại.
6 giờ sáng, Tổng Thống Diệm gọi Tướng Đính ra lệnh các tướng đảo chánh đầu hàng.
6 giờ 20 sáng, Tổng Thống Diệm vẫn lại từ chối nói chuyện với Tướng Minh, nhưng lại gọi Tướng Đôn và chịu đầu hàng trong "danh dự". Hai ông muốn được hộ tống ra phi trường an toàn để đi ra khỏi nước. Tướng Minh vì bị Tổng Thống Diệm làm nhục mấy lần trước mặt binh sĩ nên không chấp nhận cho anh em Tổng Thống Diệm đầu hàng cho đến khi nào "người Việt ngưng giết người Việt", có ý là tại Dinh Gia Long vẫn đang còn đánh nhau.
Ba mươi phút sau, Tổng Thống Diệm gọi lại Bộ Chỉ Huy Đảo Chánh, Tổng Thống Diệm báo là ông đã ra lệnh lính Phòng Vệ Phủ Tổng Thống ngưng bắn và ông đồng ý đầu hàng vô điều kiện. Lần này các tướng đồng ý.
Trong khi thương thảo, các tướng đảo chánh yêu cầu ông CIA Conein thu xếp máy bay chở Tổng Thống Diệm và gia đình ra khỏi nước. Ông CIA Conein gọi cho Phó Trưởng Phòng CIA David Smith. Chờ độ 10 phút thì ông Smith trả lời là cần 24 tiếng đồng hồ mới thu xếp có máy bay. Chính phủ Mỹ muốn đưa Tổng Thống Diệm bay đến một quốc gia khác tỵ nạn, có lẽ là Âu Châu, vì tại đó ông khó về để phục thù. Chuyến bay được chỉ thị phải bay trực tiếp và không được ngừng lấy xăng, và chỉ ở Guam mới có loại máy bay đó mà thôi. Ông CIA Conein báo lại cho các tướng đảo chánh biết lời của ông Trưởng Phòng CIA Smith, Tướng Minh gắt gỏng nói: "Chúng tôi không thể giữ họ lâu nữa được".
Chấp thuận lời đầu hàng của anh em Tổng Thống Diệm, Tướng Minh ra lệnh cho một chiếc xe thiết giáp M 113 và 4 xe Jeep đi đón anh em Tổng Thống Diệm do Tướng Mai Hữu Xuân và Đại Tá Dương Ngọc Lắm cầm đầu. Sau khi cái xe rời Bộ Tổng Tham Mưu thì được báo là anh em Tổng Thống Diệm không có tại Dinh Gia Long. Tướng Minh ra lệnh lục soát khu vực Sài Gòn, và do chỉ điểm của mật báo viên, các tướng đảo chánh mới biết là anh em Tổng Thống Diệm đang ở nhà thờ tại Chợ Lớn. Đoàn xe được lệnh đổi lộ trình và tiến về Chợ Lớn.
8 giờ 30 sáng, Tổng Thống Diệm và ông Nhu cùng mặc bộ đồ vest màu xám bị bắt tại nhà thờ Don Thanh mà hay gọi là nhà thờ Cha Tam tại Chợ Lớn trong khi họ đang cầu nguyện vì là ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn của đạo Công Giáo.
Theo lời kể của một sĩ quan Việt Nam : "Tổng Thống Diệm thì chứng tỏ cái phong cách lịch sự, nhưng ông Nhu thì kèn cựa cho tới phút chót". Ông Nhu phản đối: "Các ông đem chiếc xe như vậy để mà chở Tổng Thống hả?". Hai tay bị trói ra đàng sau, hai ông bị đẩy vào trong chiếc xe thiết giáp M113. Trên đường về Bộ chỉ Huy, đoàn xe ngừng tại cổng xe lửa độ 5 phút. Theo hầu hết lời kể, thì chính cận vệ của Tướng Minh là Đại Úy Nguyễn Văn Nhung đã bắn và đâm anh em Diệm-Nhu.
Theo lời kể khác, thì Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa tài xế xe thiết giáp cũng là người giết hai ông. Theo lời kể của Tướng Khánh, người điều tra cái chết của Tổng Thống Diệm sau cuộc chỉnh lý nói rằng: "Đại Úy Nhung đã giết anh em ông Diệm. Nó là tên giết người chuyên nghiệp. Nó đã giết 40 người, nó gạch một gạch trên dao găm mỗi lần nó giết một người". Đại Úy Nhung bị Tướng Khánh giam năm 1964 nhưng không sống lâu để khai ai ra lệnh giết anh em Tổng Thống Diệm, và Đại Úy Nhung bị chết trong nhà tù bằng cách treo cổ...
Có nhiều mâu thuẫn giữa các tướng trong việc ai là người ra lệnh giết anh em Tổng Thống Diệm. Theo lời thuật của Tướng Đôn trong quyển hồi ký của ông ta thì Tướng Minh ra lệnh giết anh em Tổng Thống Diệm. Tướng Đôn viết: "Tôi khẳng định là Tướng Minh và một mình ông ta quyết định thôi". Trái lại, các sĩ quan cho rằng nếu không phải tất cả, thì hầu hết các tướng đảo chánh đã cùng quyết định giết Tổng Thống Diệm. Theo lời khai của Thiếu Tá Nghĩa thì "số mạng của Tổng Thống Diệm được quyết định bởi đa số tướng lãnh trong Ủy Ban Cách Mạng".
Theo ông xếp CIA William Colby thì: "Thật quá rõ ràng chính Tướng Minh đã giết anh em Diệm-Nhu". Trái lại, theo lời của một viên chức cao cấp CIA khác, ông George Carver thì hoài nghi: "Tôi không nghĩ là Tướng Minh quyết định một mình, vì theo cái bản tính của ông, ông ta thích thảo luận và chia sẻ trách nhiệm khi làm một quyết định quan trọng vì ông ta sợ đổ thừa sau này". Nhưng cũng theo người khác kể thì chính Tướng Mai Hữu Xuân đã ra lệnh giết.
Theo lời kể của ông CIA Conein thì khi ông ta rời Bộ Tổng Tham Mưu cũng cùng lúc với xe thiết giáp đi đón ông Diệm. Báo chí được mời tới Bộ Chỉ Huy Đảo Chánh (tức Bộ Tổng Tham Mưu). Về đến nhà, ông CIA Conein nhận lệnh của ông Phó Trưởng Phòng CIA Smith đòi đi kiếm Tổng Thống Diệm.
Khoảng 10 giờ 30 sáng, khi ông CIA Conein trở lại Bộ Chỉ Huy, thì các tướng nói là anh em Diệm-Nhu đã tự tử trong nhà thờ tại Chợ Lớn. Theo ông CIA Carver:"Cái việc cứng đầu tới giờ chót, tạo nên những cái chết vô ích cho đôi bên, và làm bẽ mặt Tướng Minh trước binh sĩ, tức anh em ông Diệm-Nhu đã ký vào một bản án tử hình". Tướng Minh bảo ông CIA Conein đến nhìn xác chết anh em ông Diệm-Nhu nhưng ông CIA Conein từ chối. Vì với con mắt nhà nghề tình báo, ông CIA Conein rất dễ nhận ra là bị giết hay tự tử, và điều biết đó sẽ rất là nguy hiểm.
Xác hai ông được mang tới bênh viện St.Paul tại Sài Gòn để làm giấy khai tử, và được chôn tại một nghĩa trang dân sự cách nhà Đại Sứ Lodge một block đường mà trên mộ không có bia tên gì cả. Trong tờ giấy chứng tử thì lại đề ông Diệm là Thượng Thư thời Pháp thuộc chứ không phải là Tổng Thống, và đề ông Nhu là Quản Thủ Thư Viện,một chức vụ cũ rồi.
Tại Hoa Thịnh Đốn thì các cố vấn cao cấp của Tổng Thống Kennedy theo dõi sát nút cuộc đảochánh từ lúc 1 giờ 30 sáng ngày 01 tháng 11 khi được CRITIC báo cáo là có đảo chánh. Vì việc Đại Tá Thảo kéo quân về Sài Gòn đảo chánh hụt trước kia làm cho Hoa Kỳ hơi bi quan về việc đảo chánh. Sau khi nối trực tiếp đường dây với Tòa Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam , Phụ tá Tổng Thống Forrestal nói chuyện với Phó Đại sứ Trueheart. Ông Trueheart báo cáo là "có ông CIA Conein túc trực bên bộ chỉ huy đảo chánh, và đây là cuộc đảo chánh thật. Bây giờ không còn các báo cáo hồi hộp nữa đâu". Nghe xong, ông Forrestal đánh thức Tổng Thống Kennedy và họ cùng xuống phòng Situation Room để theo dõi suốt cuộc đảo chánh.
Tướng Taylor có mặt với Tổng Thống Kennedy trong lúc đó đã ghi lại trong hồi ký như sau: "Khi nghe tin Tổng Thống Diệm bị giết, mặt mày Tổng Thống Kennedy tái méc và run lập cập. Ông bước vội ra khỏi phòng với cái trạng thái hốt hoảng chưa từng thấy. Trở lại phòng, Tổng Thống Kennedy nói với các phụ tá: "Tại sao họ phải làm vậy? Tổng Thống Diệm đã chiến đấu khổ nhọc trong 9 năm trời chống Cộng Sản, lẽ ra ông ta phải nhận được sự đền bù xứng đáng hơn là cái việc bị giết chớ ?!".
Ông xếp CIA Colby kể lại: "Tổng Thống Kennedy xúc động và buồn bã quá chừng. Ông ta cảm thấy như mình dự phần nào trách nhiệm về việc này". Tổng Thống Kennedy từng ủng hộ đảo chánh, rồi rút lui, rồi ủng hộ lại. Cố vấn đặc biệt của Tổng Thống Kennedy là ông Arthur Schlesinger nói: "Việc giết Tổng Thống Diệm và ông Nhu không nằm trong kế hoạch chúng tôi và chúng tôi cũng không mong điều đó. Vì nhiều lý do mà các tướng đảo chánh đã giết hai ông.
Cái chết của Tổng Thống Diệm làm Tổng Thống Kennedy buồn rầu bởi vì Tổng Thống Kennedy là con người đạo đức, ông ta không muốn người khác bị giết, hơn nữa người đó lại là vị nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, một phần khác nữa là Tổng Thống Kennedy sợ rằng cái chết của Tổng Thống Diệm sẽ lôi kéo thêm quân Mỹ vào Việt Nam "... Cũng theo Schlesinger thì vào thời điểm đó có 16 ngàn cố vấn Mỹ tại Việt Nam, và có 75 lính Mỹ chết.
Mặc dù Tổng Thống Kennedy mất bình tĩnh, nhưng các giới chức Mỹ thì bình thường. Quân đội và CIA thì luôn nhận thức rằng có đảo chánh là có đổ máu chết chóc. Tướng Taylor sau này nói rằng: "Thực hiện một cuộc đảo chánh không phải giống như một tiệc trà. Nó là một việc làm vô cùng nguy hiểm". Trước khi đảo chánh, Phó Đại Sứ Mỹ Trueheart có gởi một điện văn cho Bộ Ngoại Giao khuyến cáo rằng: "Thật nguy hiểm cho hai ông Diệm-Nhu có thể bị tử hình vì các tướng đảo chánh sợ rằng hai ông sẽ tìm cách trở về chiếm lại quyền". Còn ông Phụ Tá Ngoại Trưởng, Roger Hilsman, người đồng tác giả bức điện văn "tối mật" ngày 24 tháng 08 ủng hộ đảo chá nh, khi bị hỏi ông nghĩ gì khi bàn tay ông đang dính đầy máu, thì ông Hilsman dững dưng, tỏ vẻ chính phủ Mỹ không quan tâm lắm về cái chết của ông Diệm. Ông nói: "Cách mạng thì ghê gớm lắm. Người ta phải chịu trả giá chết chóc mà".
Theo lời của ông Thiện, Bí Thư Báo Chí của Tổng Thống Diệm nói là có phỏng vấn Tướng Kim, một tướng có thiện cảm với Tổng Thống Diệm trước kia nhưng nay tại sao theo phe đảo chánh, thì Tướng Kim trả lời: "Chính phủ Mỹ bảo chúng tôi chọn giữa Tổng Thống Diệm và viện trợ của Mỹ. Chúng tôi không còn chọn lựa nào khác hơn". Đang họp tại Pháp, vì quá mừng khi nghe được tin hai anh em Tổng Thống Diệm bị giết, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Cộng Sản reo lên: "Đây là một món quà từ Trời cho chúng tôi”
Bào huynh Tổng Thống Diệm là Đức Giám Mục Ngô Đình Thục và Bà Nhu đang ở nước ngoài khi đảo chánh. Vài ngày sau đảo chánh, Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn sắp đặt cho 3 đứa con của ông bà Ngô Đình Nhu ra khỏi nước.
Ngày 02 tháng 11 quân đảo chánh vây nhà ông Ngô Đình Cẩn, ông Cẩn chạy đến trốn trong một nhà thờ Công Giáo tại Huế. Các Linh Mục đến Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Huế xin tỵ nạn cho ông Cẩn nhưng không được, vì theo luật quốc tế chỉ có Tòa Đại Sứ mới có quyền cho tỵ nạn mà thôi. Ông Lãnh Sự John Helble hỏi lệnh Tòa Đại Sứ và Bộ Ngoại Giao. Bộ Ngoại Giao chỉ thị Lãnh Sự Helble phải cho ông Cẩn tỵ nạn.
10 giờ 45 sáng, một mình ông Cẩn đến trú ẩn tại Tòa Lãnh Sự Huế. Tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Sư Đoàn I đến Tòa Lãnh Sự yêu cầu đừng chứa chấp ông Cẩn vì e dân chúng tràn vào không giữ an ninh nổi. Cùng ngày, tòa Lãnh Sự Mỹ ở Huế yêu cầu tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn di chuyển gấp ông Cẩn.
Ông Lãnh Sự Helble kể :"Tôi được cho biết là sẽ đưa anh em ông Diệm-Nhu ra khỏi nước". Tháp tùng bởi một người sĩ quan Mỹ, ông Cẩn lên máy bay đi vào Sài Gòn. Hạ cánh Tân Sơn Nhứt, thay vì gặp một viên chức tòa Đại Sứ như đã hứa, nhưng ông CIA Conein đón bắt ngay ông Cẩn và giao cho quân đảo chánh giam giữ. Trên lúc chiếc máy bay chở ông Cẩn đang bay, thì Đại Sứ Lodge gọi về Hoa Thịnh Đốn báo tin là Tướng Đôn hứa sẽ cho ông Cẩn được xử án một cách phân minh và công bằng, bởi vậy ông quyết định giao ông Cẩn cho phe đảo chánh.
Ông CIA Conein kể là Đại Sứ Lodge dặn: "Tôi sắp xếp chuyến bay đặc biệt này và ông phải giải giao người trên phi cơ này cho quân đảo chánh". Vào mùa Xuân 1964, ông Cẩn bị ghép đủ thứ tội như: tội thủ tiêu, tổ chức ám sát, bắt người vô cớ, làm thiệt hại kinh tế quốc gia mặc dù có lời xin ân xá của Đại Sứ Lodge. Ông Cẩn bị xử bắn ngày 09 tháng 05 năm 1964, tức 1 năm 1 ngày sau ngày nổi dậy biểu tình của Phật Giáo Huế.
Ngày 22 tháng 11 năm 1963. Tổng Thống Kennedy bị ám sát chết tại thành phố Dallas, Texas, Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson lên nhậm chức Tổng Thống Mỹ. Lúc còn là Phó Tổng Thống, ông Johnson từng qua hội kiến với Tổng Thống Diệm vào tháng 05 năm 1961 để bàn việc đưa quân Mỹ tham chiến Việt Nam. Vì cảm phục và nể trọng Tổng Thống Diệm, nên ông Johnson đã ca ngợi rằng: "Thủ Tường Diệm là một Churchill của Á Châu...Lịch sử xếp ông ta như là một trong những vĩ nhân của thế kỷ 20".
Sau cuộc đảo chánh 1963, đất nước liên tiếp trải qua bao cảnh chính biến và cuối cùng đưa cả một dân tộc vảo một thảm họa đen tối nhất lịch sử là để miền Nam Việt Nam rơi vào tay bọn Cộng Sản vô thần. Để rồi hôm nay đây, nơi đất khách quê người, chúng ta xót xa mang nỗi hờn vong quốc, và ngậm ngùi tiếc nhớ những kỷ niệm, dĩ vãng xa xưa!
Ngô Kỷ
Tham khảo và dịch thuật từ các sách sau đây:
- Lost Victory (William Colby)
- The Wound Within: America in the Vietnam Years, 1945-1974 (Alexader Kendrick)
- Kennedy in Vietnam : American Vietnam Policy 1960-63 (William J. Rust)
- Beyon Vietnam : The United States and Asia (Edwin O. Reischauer)
- Can We Win In Vietnam ? (FranK E. Armdruster, Raymond D. Gastil, Herman Kahn, William Pfaff, Edmund Stillman)
- The Perfect War: The War We Coudn't Lose and How We Did (James William Gibson)
- VIETNAM An American Ordeal (George Donelson Moss)
- The Ten Thousand Day War VIETNAM :1945-1975 (Michael Maclear)
- THE UNFINISHED WAR Vietnam and the American Conscience (Walter H. Capps)
- The Vietnamese and Their Revolution (John T. McAlister,Jr/Paul Mus)
- Why we were in Vietnam (Norman Podhoretz)
- America 's Longest War THE UNITED STATES AND VIETNAM 1950-1975 (George C. Herring)
- In Retrospect THE TRAGEDY AND LESSONS OF VIETNAM (Robert S. McNamara)
- THE VIETNAM WAR Opposing Viewpoints (David L. Bender)
- The "Uncensored War" THE MEDIA AND VIETNAM (Daniel C. Hallin)
- Vietnam Crisis (Stephen Pan,PH.D.,-Daniel Lyons,S.J...)
VIDEO: Nhạc: Suy Tôn Ngô Tổng Thống
http://www.youtube.com/watch?v =T0Z29bkNpow (Preview)
Source: FB Ngoky
No comments:
Post a Comment