“Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy,
nghìn năm ai dễ để mà quên”.
Cứ mỗi lần về Ca Li lòng bồi hồi xúc động vì nơi này đã in đậm trong tôi nhiều dấu ấn khó quên,
Ca Li là trạm dừng chân đầu đời khi gia đình tôi tới Mỹ. Chúng tôi ở lại đây gần 4 tháng, rồi rời Cali đến Seattle, thật tiếc, thật buồn, nhưng ở trong thế chẳng đặng đừng, thôi thì thôi xin khép lại đoạn này.
Có điều tôi nhớ mải, tới quầy mua vé máy bay, chú bán vé khuyên:
-Cô chú đi trước, lên coi tình hính thế nào rồi về đưa mấy em đi, chứ đi một lượt sau này khó trở lại lắm. Bà con họ nói:
“Cali đi dễ khó về” quả thật không sai.
Bây giờ chuẩn bị trở lại thăm Cali thấy nôn nao trong lòng,
bài hát “Để quên con tim” của nhạc sĩ Đức Huy cứ lởn vởn trong đầu”
“Gọi thầm tên em khi nắng chiều nhạt ngoài sân
Trở về Ca Li anh nghe nhớ nhung giăng sầu
Từ ngày xa em anh bỗng trở thành lặng câm …”
Tâm tình của tôi chắc có chút giống nhạc sĩ Đức Huy, trở về thành phố mình đã có dịp dừng chân trong hành trình tới miền đất hứa.
Đây là thành phố Sài Gòn thu nhỏ, thành phố gợi lại bao nhiêu kĩ niệm của Hòn Ngọc Viễn Đông, nhạc sĩ Đức Huy đã viết:
“Nhìn trùng xa xôi xa vút ngàn lời chờ mong ”
Đúng là xa vút ngàn lời chờ mong, vì mình đứng trước khu thương mại Phước Lộc Thọ cảm giác lâng lâng như ngày nào lang thang trước cửa chợ Bến Thành, lúc nào cũng mong chờ ngày trở về chốn củ.
Hôm qua về tới thủ đô của người Việt tha hương, việc trước tiên là đi một vòng quanh các chợ để sắm thêm vài thứ cần thiết, chợ của thủ đô ở đây hàng hóa phong phú và đa dạng, giá cả rẻ hơn các chợ nơi tiểu bang tôi đang sống, mua sắm xong cùng nhau đi kéo ghế, đến tiệm ăn Huế để tìm mùi vị quê hương, cứ nghĩ đây là tô bún Bò mụ Rớt, là bánh Khoái cửa Thượng Tứ, tuy không đậm đà nhưng rất bắt mắt, chỉ tên của món ăn cũng gợi lên bao nhiêu kĩ niệm.
Ông Võ Tá Hân viết lời bài hát Rất Huế. :
“Giữ chút gì rất Huế đi em
Nét duyên là trời đất giao hòa
Dẫu xa một mai anh gặp lại
Vẫn được nhìn em say lá hoa …….
Dạ thưa ngọt lịm ai mê say
Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ
Và lời thơ mềm sương khói bay”. …….
Thời tiết CA. về đêm mát dịu đưa tôi vào giấc ngủ thật sâu đầy ắp mộng, sáng nay tôi làm cái đuôi theo ông xả tới quán cà phê Mưa Rừng nơi mấy người bạn một thời quân ngũ được tin ông về Cali họ hẹn gặp.
Cà Phê chưa biết ngon dỡ ra răng nhưng tên thì rất quen không những quen mà còn thuộc nằm lòng vì bài hát Mưa Rừng của nhạc sĩ Huỳnh Anh một thời thôn xóm đâu đâu cũng nghe.
“Mưa rừng ơi mưa rừng
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
Phải chăng mưa buồn vì tình đời
Mưa sầu vì lòng người
Duyên kiếp không lâu”
.........
Hẹn mười một giờ mà mới chín giờ chúng tôi đã lò dò tới quán, tôi cũng là đệ tử của cà phê, tôi mê hương cà phê nhẹ nhàng nhưng rất phấn chấn, tôi thích nhìn làn khói trắng mong manh quyện lên trên phin lọc, tôi thích nhìn thiên hạ gật gù bên tách cà phê màu đen đặc quánh của những buổi sáng sớm, và rất thích ngắm sự khởi động của thành phố buổi bình minh.
Tới quán cà phê Mưa Rừng của Nam Cali cảnh quang có chút ngờ ngợ, quán nầy nếu bỏ ghế ngồi thấp bằng mũ thì giống quán cà phê vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám bên cạnh trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định, nếu có cây bàng trước quán thì giống quán cà phê Phấn ở Huế, nơi thuở học trò đi ngang qua lồng ngực hít đầy hương thơm quyến rủ của Cà Phê, bà chủ mời khách bằng cách bỏ nắm hột vô chảo đứng xào qua xào lại khói trắng nhẹ bay, hương thơm ngào ngạt khó có ai làm ngơ.
Nhìn vào quán cà phê thời đó, các anh đủ sắc phục nhà binh xen lẫn màu áo dân thường, họ ngồi đếm từng giọt Cà Phê đều đặn rớt xuống những bức tranh vẻ như in trong trí của thời áo trắng.
Tôi đến quán Cà phê Mưa Rừng sớm vì tôi mê ngắm hoạt cảnh vươn vai thức dậy của thành phố Cali yên bình sau một đêm ngũ dài .
Tôi nhớ lại, thương thành phố của tôi những tháng năm xưa cũ cũng lịm nằm mà giấc ngũ chẳng chút bình yên bởi tiếng Ca Nông từ đâu đó, ánh hỏa châu đong đưa xuyên màn đêm thanh tịnh, sáng vươn vai thức dậy trong âu lo, tuy vậy nhưng những buổi bình minh luôn đem đến cho tôi cảm giác an bình và đẹp, trời cao xanh ngắt, không khí trong lành, thành phố khởi động một ngày mới trong dáng ưu tư uể oải.
Tuổi thơ của tôi cũng như sinh hoạt của thành phố, bắt đầu lúc bình minh, nhộn nhịp ồn ào theo ánh mặt trời lên, trưởng thành trong hoàn cảnh đất nước vang rền tiếng đạn bom, đã khắc dấu thương đau qua những chặng đường xót xa máu lệ, đảo chánh 1963, Mậu Thân 1968, hè đỏ lửa 1972, miền Nam đột quỵ 1975.
Như bao nhiêu người trẻ khác số phận đã nhận chìm theo vận nỗi trôi của đất nước .
Giờ đây ngồi tại hành lang của quán cà phê Mưa Rừng Nam Ca Li mù mịt khói thuốc, khách uống cà phê sớm cũng khá đông, góc nầy, góc kia, vọng lên tiếng cười xen lẩn tiếng chưởi thề.
Nhìn lướt qua nhận ra ngay họ là những cựu chiến binh, cách trang phục như một dấu chỉ nhắc nhỡ thời oanh liệt đã qua còn lại chút gì vương vấn trên họ, người đội nón lưỡi trai vải nhà binh, kẻ mũ nồi xanh, đen, đỏ, người áo trận, kẻ quần hoa, một cảm giác thân thương, gần gũi mặc dù không quen biết .
Chúng tôi chọn chiếc bàn trống cuối hành lang ngồi chờ, người tới trước là anh Phạm Hòa, rồi lần lượt từng người, từng người tới, họ ôm nhau cười vui như trẻ nhận quà lì xì sáng mồng một, họ huyên thuyên bên bàn cà phê, mặc dù ai nấy đã lớn tuổi nhưng máu nhà binh hình như đang hâm nóng, bởi vì anh em họ:
Trên đất địch, bao chiến công huyền thoại …
Cảng Hãi Phòng người Nhái đã ghé thăm
Cảm Tử quân gài nằm trong lòng giặc
Rừng Việt Bắc, dẫm nát, thác, dốc, đồi.
Bước âm thầm trong bóng đêm vang dội
Sơn Tây, Yên Bái, Đồng Hới, Sầm Sơn
Chuyến bay đêm vượt Bến Hải, Hiền Lương
Đưa Anh Em họ vượt biên xâm nhập. . .
Tuổi trẻ của họ là vậy đó, thời Việt Nam Cộng Hòa, họ là những Chiến Sĩ Vô Danh, đơn vị của họ ngụy trang dưới các mỹ từ nhẹ nhàng, Nha, Sở, Đoàn, những dịp lể lớn, dịp tết, họ chưa từng được:
”Em hậu phương, còn anh nơi tiền tuyến”...
Và rồi có những đứa con thơ đợi chờ .
Ngày nào Cha trở lại
Chuyến ra đi quá dài
Nặng trĩu vai chờ trông
Luôn mãi con chờ mong …
Cuộc chiến kết thúc biết bao người Anh Em họ đã nằm lại trong núi rừng của hai miền Nam Bắc. “Xin một giây ngậm ngùi tưỡng nhớ…”
Thêm một bóng hồng đi tới, tha thướt trong chiếc áo lụa dài màu đọt chuối non, vai vắt khăn dài cờ vàng ba sọc đỏ, nhìn thấy chị tôi ngờ ngợ hình như đã gặp ở đâu, chợt nhớ ra thơ và hình của chị đăng trong tập san Nha Kỹ Thuật.
Chỉ có hai phụ nữ trong bàn nên chúng tôi quen nhau rất nhanh, được biết chồng của chị là cố Trung Tá, anh ấy bị thiêu sống trong trại tù cải tạo, chị qua đây theo diện HO chồng chết trong trại tù.
Không khí của buổi uống cà phê rộn rả, ấm cúng, ánh mắt trìu mến nhìn nhau, một cảm giác thân thương khó tả, ngồi quán Mưa Rừng nhìn cảnh tình thân của các anh đã một thời.
Âm thầm không biên giới
Là những bóng ma lưu dấu đến ngàn sau
Gặp nhau đây
Tay siết chặt tay vui hạnh ngộ
Thương màu cờ sắc áo.
Các anh về từ mọi nẽo
Gặp lại nhau kể chuyện tâm tình
Bao năm tháng ai còn ai mất
Kể từ ngày đất nước điêu linh .
Thời gian không ngừng lại, đã hai giờ chiều .
Những siết tay thật chặt…
-"Khi nào về lại Cali nhớ báo cho tụi nầy biết nghe chưa"
Chúng tôi thả bộ dọc theo hành lang dãy phố, cứ tưởng mình đang đi trên hành lang của đường Trần Hưng Đạo hướng vô Chợ Lớn.
Bài ca Mưa Rừng lại vọng lên
"Mưa Rừng ơi Mưa Rừng
Tìm đâu hởi ơi bóng người xưa
Mỗi khi Mưa Rừng về rộn ràng
Bóng chiều vàng dần tàn
Lòng thương nhớ nào nguôi".
Một chuyến về Ca Li.
Sáng Chúa Nhật tuyệt vời .
Phương Lâm.
No comments:
Post a Comment