Monday, October 16, 2023

‘Thành Phố Sau Lưng,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Hàn Châu - Vann Phan - Người Việt

 SANTA ANA, California (NV) – Có thể nói rằng Hàn Châu là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm “nhạc lính” rất thịnh hành tại miền Nam tự do thời Chiến Tranh Việt Nam, bởi vì hầu như phân nửa những nhạc khúc tình cảm nổi tiếng và được các khán, thính giả ái mộ của ông thời trước 1975 và hiện nay đều là những nhạc phẩm viết về người lính Cộng Hòa.

Bìa nhạc phẩm “Thành Phố Sau Lưng” của Hàn Châu. (Hình: Tài liệu)

Nhưng “nhạc lính” của Hàn Châu vẫn có nhiều nét khác biệt với “nhạc lính” của các tác giả khác cùng thời với ông. Trong khi phần lớn các bản “nhạc lính” của Trần Thiện Thanh, Anh Thy, Nguyễn Vũ… đều là những bản nhạc tình nói lên khía cạnh vui tươi trong gian khổ của người lính chiến tại miền Nam Việt Nam, thì phần lớn các bản “nhạc lính” do Hàn Châu – cũng như Trúc Phương – sáng tác đều xoáy sâu vào những gian khổ của đời lính. Và dĩ nhiên là trong cái gian khổ đó của đời lính qua nét nhạc của Hàn Châu vẫn có cái vị ngọt của tình yêu đôi lứa, và trong những chia xa của họ vẫn có những gần gũi của tâm hồn, một khi họ biết chấp nhận yêu nhau trong ly biệt, cách ngăn trên quê hương lửa khói ngập tràn..

Những ca khúc như “Ngỏ Hồn Qua Đêm,” “Những Đóm Mắt Hỏa Châu,” “Đêm Không Còn Hỏa Châu” (với Thanh Phương), “Thư Người Lính Trận”… của Hàn Châu đều mang ý hướng và mùi vị đó.

“Thành Phố Sau Lưng,” trong thể điệu Boléro vừa chậm vừa diễn tả, gói trọn tâm tình của một thanh niên mới lớn lên, chưa có cơ hội được sống biết bao nhiêu ngày xanh nơi hậu phương tương đối êm ấm thì đã phải lao vào môi trường nghiệt ngã của người lính tác chiến nơi tiền đồn heo hút để gặm nhấm những kỷ niệm êm đềm một thời dưới ánh đèn đô thị và bên ánh mắt long lanh của các giai nhân một đêm trong tiếng nhạc xập xình trên sàn nhảy hoặc những giọng nữ chập chờn, liêu trai từ các phòng trà.

Trong mớ kỷ niệm thuở thiếu thời của chàng trai trong nhạc phẩm “Thành Phố Sau Lưng” của Hàn Châu có những đêm dài không ngủ để say sưa bên ánh đèn màu cùng rượu nồng và gái đẹp. Gần một phần ba tuổi đời chàng trai ấy là những đêm đi hoang trong cảnh đời sống rày, chết mai vì cuộc chiến tàn khốc đang đốt cháy quê hương: “Khi vũ trụ lên đèn/ Thành phố ngả nghiêng men rượu say mèm/ Tuổi thơ đi hoang nghìn đêm trốn ngủ/ Phần ba tuổi đời hoang phế sau lưng.”

Nhưng nay thì mọi sự đổi khác rồi, chàng trai cương quyết dứt bỏ cái quá khứ vừa cuồng si vừa thiếu ý nghĩa chính đáng của cuộc sống chỉ biết có hạnh phúc cho riêng mình giữa khi tổ quốc đang kêu lên tiếng sầu, và khi trong nhân gian thiếu gì cảnh biệt ly nhau. Chàng trai quyết chí góp mặt với đời, cho dù chỉ làm lính mà thôi, miễn là được nằm trong số những người lính biết yêu núi sông và yêu cả giai nhân. Một khi đã là lính thì chàng trai lại có dịp tận mắt chứng kiến cảnh súng nổ, đạn bay dưới những đóm mắt hỏa châu bùng lên trong màn tối trong ước vọng thấy lại khuôn mặt của người yêu nơi thành phố sau lưng: “Nay góp mặt góp lời/ Làm lính mà thôi đối diện đây rồi/ Từng đêm quê hương đạn bay súng nổ/ Hỏa châu sáng tỏ những khuôn mặt người yêu phố thị.”

Chàng trai nhớ lại khi xưa mình vẫn thèm khát thứ ánh sáng của thành đô hoa lệ và thèm luôn ly bia nơi quán rượu năm nào giữa tiếng nhạc dặt dìu như muốn ru hồn người viễn khách cô đơn. Và dĩ nhiên là chàng thèm luôn cả nụ cười duyên dáng và ánh mắt đắm say của người đẹp cùng lời mời mọc khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa, vội vàng chi trăng sáng quá khách ơi: “Ngày nào đó tôi còn thèm ánh sáng kinh đô/ Thèm ly bia qua tiếng nhạc mơ hồ/ Cùng ngàn nụ cười ánh mắt giai nhân.”

Đã là lính rồi, anh xin trả lại tất cả những hoa bướm ngày xưa nơi thành đô cùng những cay nồng trong men rượu và ngọt ngào trên môi người em gái chốn hậu phương. Giờ đây, từ khi anh đã khoác áo treillis và mang vào đôi giày sô của người lính trận thì nhiệm vụ của anh đã rõ ràng rồi, đó là nhiệm vụ của người lính chiến ngăn chặn bước tiến của giặc thù nơi tiền đồn heo hút và chốn biên cương xa xôi: “Nay trả lại cho người/ Thành phố sau lưng môi ngọt rượu nồng/ Giày sô tôi đi hằn trên lá cỏ/ Đồn xa tôi ở trấn quân thù ngày đêm tỏ mặt.”

                Nhạc sĩ Hàn Châu. (Hình: Thanh Niên)

***

Nhạc sĩ Hàn Châu, tên thật là Lê Đình Nam, sinh ngày 1 Tháng Giêng, 1947, tại Bồng Sơn, Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình có năm anh chị em. Người chị cả Lê Thị Hương là vợ nhạc sĩ Thanh Sơn.

Năm 14 tuổi, ông vào Sài Gòn ở chung với gia đình chị cả. Nơi đây, ông khởi đầu tập chơi đàn guitar. Năm 1966, nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác bài “Ngỏ Hồn Qua Đêm” rồi để tên Hàn Châu là đồng tác giả. Từ đó, Hàn Châu là bút hiệu của ông cho đến tận nay.

Năm 26 tuổi, Hàn Châu sáng tác nhạc phẩm “Không Bao Giờ Quên Anh” và được hãng Đĩa Hát Việt Nam mua, với ca sĩ đầu tiên trình bày ca khúc này là Phương Dung.

Sau biến cố ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông ngưng sáng tác cho đến năm 1980 mới bắt đầu sáng tác lại với ca khúc “Tình Nhỏ Mau Quên,” “Dòng Sông và Nỗi Nhớ,” “Xa Nhau Ngậm Ngùi”…

Các sáng tác của Hàn Châu được khán, thính giả ái mộ từ trước năm 1975 cho tới nay gồm có “Ngỏ Hồn Qua Đêm,” “Những Đóm Mắt Hỏa Châu,” “Đêm Không Còn Hỏa Châu” (với Thanh Phương), “Thành Phố Sau Lưng,” “Thư Người Lính Trận,” “Cây Cầu Dừa,” “Dòng Sông và Nỗi Nhớ,” “Hạ Thương” (với Thanh Phương), “Mười Năm Đợi Chờ,” “Về Quê Ngoại…” (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Thành Phố Sau Lưng” của Hàn Châu

Khi vũ trụ lên đèn
Thành phố ngả nghiêng men rượu say mèm
Tuổi thơ đi hoang nghìn đêm trốn ngủ
Phần ba tuổi đời hoang phế sau lưng.

Nay góp mặt góp lời
Làm lính mà thôi đối diện đây rồi
Từng đêm quê hương đạn bay súng nổ
Hỏa châu sáng tỏ những khuôn mặt người yêu phố thị.

Ngày nào đó tôi còn thèm ánh sáng kinh đô
Thèm ly bia qua tiếng nhạc mơ hồ
Cùng ngàn nụ cười ánh mắt giai nhân.

Nay trả lại cho người
Thành phố sau lưng môi ngọt rượu nồng
Giày sô tôi đi hằn trên lá cỏ
Đồn xa tôi ở trấn quân thù ngày đêm tỏ mặt.

1 comment:

  1. Hàn Châu và Chế Linh có thời jan sau Mậu Thân, cùng hợp tác mở lớp Dạy Nhạc cho trẻ em. Nhưng CL thường fải chạy show đi các Tỉnh và HC là Lính Văn Nghệ TK Gia Định thường bị Lệnh Cấm quân. Nên nhiều khi ján đoạn việc học cho các trẻ em, nên bị các Bà Mẹ kéo tới nơi fản đối,la ó! (vì họ đã đóng tiền trước cho trọn Khóa Học)

    ReplyDelete