Monday, December 12, 2011

ANH ĐÃ QUÊN MÙA THU


Chiều Thu hoàng hôn xuống
em nhặt lá bên sông
sao tim còn nhức mõi
vì tình mãi cứ trông

biết rằng đàn đã đứt ...
... sợi giây chỉ duyên hồng
em chừ mi vẫn ướt
anh chừ có vui không?
 
Hạ Vi

Dalena hát
Anh đã quên mùa Thu! Anh đã quên mùa Thu!
Bây giờ là mùa Thu
Chiều vắng khói sương mù
Hàng cây khô sầu úa ! Hiu hắt đứng trong mưa

Mưa như lệ tình xưa ! Lệ thấm mấy cho vừa!
Lệ vương hoa phượng rũ !
Anh có nghe mùa Thu!

Thu mang cho tình yêu một thời đã qua!
Thu mang cho người yêu một đời xót xa!
Muà thu đã xóa hết cơn mong chờ,
Mùa Thu sẽ cất dấu chân ơ thờ, một người bước đi, lệ tình ướt mi !

Hôm nay trời vào Đông, tình đã chết trong lòng, niềm cô đơn chợt đến
Anh đã quên mùa Thu! Anh đã quên mùa Thu!


Tình Thu Trên Cao

Đà Lạt cho anh chiều sương mù
qua phố nghe vừa chớm hơi thu
trên cao nắng vút ngàn hiu hắt
mấy cõi trời cao cũng ngậm ngùi

Đà Lạt yêu em từ bao giờ
khi thu vừa thắp mộng trong thơ
khi tóc em xanh chiều liễu nhớ
vầng trăng thần thoại thoáng chiêm bao

Có phải em mang thu Hà Nội
sương mai còn đọng dáng vai gầy
cho anh say đắm hồn thu biếc
ngàn năm hoài vọng dấu chim bay

Đà Lạt cho anh thu chia ly
lời hát em mang anh ra đi
còn hẹn hò nhau bao nỗi nhớ
cầm bằng theo dõi bóng chinh y

Thái Tú Hạp
MƯA GIĂNG PHỐ NÚI
HÀN LINH

Mưa giăng đầy phố núi
Gió ru hồn cô đơn
Hạt buồn như rong ruổi
Rơi ướt bờ mi hờn

Chờ ai, chờ ai mãi
Còn buồn nào buồn hơn
Khép hờ đôi mắt lại
Giấc mơ hiện chập chờn

Người về trong ảo mộng
Hồn lạc cõi vu sơn
Buồn vương chiều gió lộng
Dòng ký ức bay vờn
 
Ở nơi xa nhớ mùa thu Hà Nội
Tháng mười thành phố vào thu, bà chúa mùa thu đang thả bước chân nhẹ nhàng trên từng con đường cổ lát đầy gạch nung bằng đất đỏ, bà đi đến đâu lá vàng lao xao đến đó.

Thành phố nơi tôi sống là một thành phố nhỏ nhắn, không ồn ào, náo nhiệt như Berlin hay Hamburg, cảnh sắc và con người ở đây toát lên một vẻ hướng cổ, nếu nhìn từ trên xuống người ta có cảm giác như nơi nàng công chúa ngủ quên đang đợi hoàng tử đến đánh thức. Nhiều ngọn tháp cổ từ những thế kỷ 18 cao chót vót, ngôi nhà thờ nằm thanh bình uy nghi đếm thời gian qua những tiếng chuông làm xao động lòng người.

Bây giờ trời đang vào thu, lá trên cây chuyển từ màu xanh thắm sang màu đỏ, vàng, cam, nâu, tím. Đi dọc bờ sông bạn sẽ cảm nhận dường như mình đang thưởng thức bản giao hưởng của tất cả sắc màu và thiên nhiên. Các cô gái chuyển từ xăngđan sang ủng cao cổ, váy ngắn, tóc vàng xõa ngang lưng, khăn quàng cổ hờ hững trên vai, nhìn các cô người ta tự nhủ một mình: Mùa thu đến rồi!

Mùa thu ở đây khiến tôi liên tưởng đến bài thơ Tiếng thu của nhà thơ Lưu Trọng Lư.


Em nghe không rừng thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
.

Tôi kéo lại khăn quàng cổ tránh cơn gió lạnh mùa thu luồn vào trong tóc đột nhiên thấy nhớ mùa thu Hà Nội. Hà Nội mùa này cũng đang vào thu, thu Hà Nội vừa mang nét e ấp, mềm mại nhưng cũng không kém phần cổ kính, uy nghiêm.

Đi giữa thành phố cách xa Hà Nội 9.000km đường chim bay nhưng tôi vẫn cảm nhận được nét dịu dàng của mùa thu Hà Nội, bởi vì tuy hai thành phố cách xa nhau về địa lý nhưng những cảm xúc về sự thay đổi của thời gian vẫn y nguyên. Cảm xúc ấy có thể đặt tên là nỗi nhớ giao mùa. Thành phố nơi tôi ở giáp với biển nên rất nhiều gió, đặc biệt khi mùa thu về gió càng lạnh hơn, khiến người ta cuống quýt chỉnh lại áo choàng hay vội vàng tìm bàn tay bên cạnh để nắm chặt, mong có được một hơi ấm được truyền sang, gió nơi đây làm tôi nhớ gió heo may Hà Nội đến nao lòng.

Hà Nội mùa thu có "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” thì mùa thu nơi tôi đang đứng, từng con đường của thành phố phủ ngập lá vàng rơi, lá phong điệp đỏ, lá sồi vàng. Người đi trên phố không ai giẫm lên những chiếc lá đó, họ thường đi vòng qua chúng tạo nên những cơn lốc nhỏ xíu làm chúng bay quẩn quanh. Hà Nội 36 phố phường vào thu, lá vàng rụng để lộ ra những mái ngói rêu phong, cổ kính khiến Hà Nội thâm trầm hơn với thời gian, vì thế những người đi xa đều nhớ về một Hà Nội ưu tư đượm buồn, như nỗi buồn của "Hình ảnh người chinh phu, trong lòng người cô phụ”.

Một chiếc lá vàng rơi bay ngang qua khiến tôi ngẩng lên nhìn, nhẹ nhàng và sâu lắng mùa thu cứ nhỏ từng giọt thời gian thả mình đậu hờ hững trên vai tượng Đức mẹ Marie đứng trước nhà thờ. Nếu hạ là mùa của những sắc màu rực rỡ, của cầu vồng và hoa hồng thì mùa thu mang màu sắc đậm đà hơn, nước sông xanh hơn, bầu trời xanh hơn, hoa hồng thôi không còn nở nữa, sau khi tàn để lại những cuống hoa màu đỏ sậm, người ta hái những trái này kết thành những vòng hoa hình tròn hay hình trái tim treo trước cửa.

Nói đến thu Hà Nội mà không nhắc đến cốm vòng bọc lá sen thì thật thiếu sót, hương cốm, hương sen, hương hoa sữa, những hương vị này tạo cho mùa thu Hà Nội một nét đặc sắc riêng không nơi đâu có. Ở nơi xa này tôi nhớ lắm một buổi chiều mẹ đi chợ về, trong giỏ mẹ là hương cốm nồng nàn, mẹ mang cho tôi cả một mùa thu về làm quà, vị ngọt ấy có lẽ đi suốt cuộc đời này tôi chẳng bao giờ quên được.

Nơi đây tuy không có cốm vòng như ở Hà Nội nhưng mùa thu mang lại cho người dân Đức một món quà từ thiên nhiên, đó là những loại hạt, hạt dẻ, hạt quả óc chó... Không chỉ những con nhím, con sóc bận rộn làm việc mà cả những người đi rừng cũng vậy, họ lượm lặt cành khô và quả khô, cành khô cho bếp lửa, quả khô, hạt khô để dành làm bánh, mứt. Đến mùa đông vào mùa Giáng sinh, những đặc sản từ quả khô này còn là những món quà vô cùng quý giá.

Thời gian cứ vô tình làm việc cần mẫn, hết xuân đến hạ rồi thu qua đông. Tháng mười cả đất trời vào thu, thu nơi đây khiến tôi nhớ thu Hà Nội thật nhiều, nỗi nhớ này như một khe hở của một con đập ngăn dòng thác mạnh. Ban đầu nó nhỏ xíu có thể cho vừa ngón tay út, tôi dùng thời gian và lo toan lấp đầy để che đi, mong sao cái thác mang tên nỗi nhớ ấy đừng vỡ oà ra.

Nhưng nước chảy đá mòn, tôi không thể khỏa lấp được khoảng trống nhỏ xíu ấy để bỗng dưng một ngày nào đó cái đập mang nỗi nhớ vỡ tan tràn vào tâm khảm. Rồi một ngày nào đó tôi sẽ quay trở lại Hà Nội vào một mùa thu, để đợi "ngày sang thu anh lót lá em nằm".

Giờ đây tôi đang đi giữa mùa thu của thành phố cổ kính không kém Hà Nội, thành phố này đã cho tôi bao tình yêu vào cuộc sống, khiến tâm hồn tôi lắng đọng lại, quên hết bon chen, tìm riêng cho mình một góc thanh bình trên ghế đá bên bờ hồ yên tĩnh. Đã từ lâu tôi biết mình yêu nơi đây như yêu chính Hà Nội, yêu mùa thu, yêu cuộc đời từ những điều nhỏ nhặt nhất.

HÀ ANH (Đức)
Giấc Thu (Hoàng Thanh Tâm)
Thái Châu hát
http://www.youtube.com/watch?v=0SdQVpRuWlw

Mưa thu gợi sầu cho cây long-lanh,
Ngàn tiếng buồn rơi hắt-hiu trên cành,
Từng đêm hồn bay trong khói sương mờ,
Từng đêm ngàn cây nghe gió ru hờ,
Lời mưa buồn khẽ đưa em vào mơ

Thu mang chiều về giăng mây trên cao,
Ngàn lá mùa thu khép trên mi sầu,
Hàng cây ngủ say trong tóc mây chiều,
Làn mưa nhe rơi trong mắt ưu-phiền,
Ngàn mây buồn bay về phía trời cao

Tình rót trên phím đàn,
Hương thời gian úa phai như màu nắng.
Tình rơi theo lá vàng,
Cho mùa thu ngát hương trong chiều nhớ.
Biển sóng xô đến bờ,
Ân-tình ngày cũ tan theo bọt nước chơi-vơị
Tình mong-manh tựa như làn khói,
Tình xa-xôi như sương chiều xuống,
Tình muôn đời sáng như ngàn sao

Ðêm nay ngàn vì sao giăng lung-linh,
Nhạc lắng buồn khơi gió mây gợi tình,
Nghìn năm đàn dâng những phím tơ sầu,
Nghìn năm hồn say bên giấc mộng đầu,
Nhạc thu buồn ru người đến ngàn sau
 
Phạm Anh Dũng, giấc mơ chàng nghệ sĩ

“Dạ Quỳnh Hương là thoáng hương thơm dìu dịu,
là màu trắng tinh khiết của những cánh hoa
nở lặng lẽ trong đêm.”

Đêm thơm như một dòng sữa…


“Tôi yêu chữ ‘đêm thơm’ trong câu hát ấy,” Lê Hữu nói như thế, “câu hát của Phạm Duy. Và tôi cũng yêu chữ ‘đêm thơm’ trong câu hát khác, câu hát của Phạm Anh Dũng:

Em ơi, đêm thơm một đóa quỳnh…

Hai câu ấy đều là câu nhạc đầu trong hai bài hát nói về những bông hoa nở về đêm.

Bài hát của Phạm Duy tên là Dạ Lai Hương, bài hát của Phạm Anh Dũng tên là Dạ Quỳnh Hương. Nếu đấy là một sự ngẫu nhiên thì quả là một ngẫu nhiên khá thú vị.”

Đêm thơm, hay là hương thơm dịu dàng của đóa quỳnh nào thoảng trong đêm.

Đã có nhiều bài hát nói về hoa quỳnh. Những bài hát quen thuộc và được yêu thích vẫn là những bài của Phạm Duy, của Trịnh Công Sơn và của Phạm Anh Dũng.

Cành Hoa Trắng của Phạm Duy có một vẻ gì buồn bã:

“Người về trong đêm tối / ôm cành hoa tả tơi…”

Quỳnh Hương của Trịnh Công Sơn lại có nét tươi vui:

“Quỳnh thơm hay môi em thơm…”

Nghe Dạ Quỳnh Hương của Phạm Anh Dũng, người ta không chỉ nghe được, thấy được vẻ đẹp quyến rũ của hoa thôi mà còn cảm được mối giao tình quyến luyến giữa hoa và người nữa.

Lòng ta nghe xôn xao cây lá xanh tình…

Nghe câu hát ấy mà nghe lòng lâng lâng, nghe tim ngất ngây trong phút giao hòa giữa nhạc và thơ, giữa hoa và người, giữa mộng và thực.

Nghe Dạ Quỳnh Hương, nghe đêm trôi đi chầm chậm, nghe nhạc trôi đi chầm chậm như những cánh hoa mầu trắng chầm chậm nở trong đêm tối.

Đêm bát ngát, đêm mơ màng và thinh lặng. Dạ Quỳnh Hương là thoáng hương thơm dìu dịu, là màu trắng tinh khiết của những cánh hoa nở lặng lẽ trong đêm.

Vẻ đẹp của hoa là vẻ e ấp mà nồng nàn, dịu dàng mà tình tứ, thầm lặng mà quyến rũ.

Vẻ đẹp của hoa là vẻ thanh cao mà đài các của người nữ sắc hương trinh bạch.

Trông hoa lại nhớ người.

Dạ Quỳnh Hương được nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ từ thơ của một người nữ cùng tên với loài hoa trắng mềm mại nở và tàn trong đêm ấy, Hoàng Ngọc Quỳnh hay Hoàng Ngọc Quỳnh Giao. Nhạc phổ xong thì hoa cũng vừa khép cánh. Tác giả bài thơ, người nữ sĩ tài hoa bạc mệnh ấy đã từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác.

Hoa đã lìa trần, đã lìa xa người. Mối đồng cảm, mối duyên văn nghệ giữa người thơ và người phổ nhạc bài thơ chỉ như cơn gió thoảng, như giấc mơ qua, vì cho đến lúc “hoa lìa cành biếc, hồn theo gió vương” hai con người nghệ sĩ ấy vẫn chưa hề có một lần tương kiến.


Từng cánh khép lại rồi
hoa lả mềm giấc ngủ
Ôi phút hoa hiến dâng
hồn tôi không kịp hái!


Hoa đã khép cánh, đã lả mềm giấc ngủ như câu thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Đóa quỳnh hương khép cánh ấy, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, cô đã tạt ngang qua cuộc đời này, đã lặng lẽ biến mất khỏi cuộc đời này. Cô đã yêu biết mấy cuộc đời này. Cô yêu cái đẹp, yêu thi ca, yêu âm nhạc, yêu hội họa, yêu cỏ hoa “cây lá xanh tình”. Cô đã có những hạnh phúc ngắn ngủi giữa cuộc sống cũng thật ngắn ngủi.

Ôi cuộc sống thật ý nghĩa nhưng cũng thật vô nghĩa. Và chút duyên tri ngộ, và chút tình mong manh tựa như cánh hoa quỳnh mong manh ấy, rồi… "cũng theo hư không mà đi”.


Rồi em theo gió bay
Tình em như bóng mây…
Ngàn thu mây vẫn bay dù mộng không đầy…

(“Tình là hư không” - Phạm Anh Dũng)

Tình Là Hư Không không phải là bài nhạc phổ thơ, nhưng nghe lại rất “thơ” vì tâm hồn người nhạc sĩ là tâm hồn thơ, là tâm hồn yêu nghệ thuật và tìm đến cái đẹp của thi ca.

Những sáng tác của Phạm Anh Dũng, cho dù là “lấy nhạc ghép thơ” hay “lấy thơ ghép nhạc” vẫn luôn luôn là những bài nhạc rất thơ, vẫn luôn luôn là những lời nhạc đẹp tựa lời thơ.

Yêu nhạc, yêu thơ và yêu hoa, Phạm Anh Dũng có đến ba mối tình rất thủy chung (nếu không kể mối tình với người bạn đời và cái nghề tay phải gắn liền với chiếc ống nghe mỗi ngày của anh).

Trước năm 75, chúng ta vẫn có những y sĩ viết văn, làm thơ và có cả những giọng hát thật truyền cảm nữa. Sau năm 75, chúng ta lại có thêm những người viết nhạc trong giới y sĩ, trong số ấy có Phạm Anh Dũng, vẫn được nhiều người yêu nhạc biết đến như là chàng nhạc sĩ có sức sáng tác thật sung mãn và đa dạng như là “cây đàn muôn điệu”. Với số lượng sáng tác lên đến gần 400 bài nhạc – phần lớn là những bài thơ được phổ thành ca khúc – nguồn nhạc hứng trong tim chàng nghệ sĩ ấy vẫn chưa có lúc nào vơi cạn.


Mây đem giấc mơ ngàn ngập tràn nắng thơ
Mưa đưa lá thu vàng về tàn cánh hoa…

(“Gọi mùa thu mơ” - Phạm Anh Dũng)

Nghe những bản tình ca êm dịu của mùa thu là nghe mùa thu kể chuyện tình, những chuyện tình đẹp và buồn như mang theo cả khí hậu của mùa thu ấy.

Nghe những bản tình ca êm dịu của mùa thu để có được những khoảnh khắc hạnh phúc. Cám ơn những khoảnh khắc hạnh phúc như gió thoảng qua ấy, những khoảnh khắc đưa ta về gặp lại những mùa thu xa vắng, những mùa thu chìm lắng trong mơ.

Như tên gọi của bài hát ấy, “Gọi mùa thu mơ”, chắc hẳn Phạm Anh Dũng cũng từng có những giấc mơ, như từng có những phút thả trôi, đắm chìm trong thế giới của âm nhạc.

Cùng với cây đàn muôn điệu ấy, anh đã dạo lên khúc nhạc êm đềm, đã cất cao tiếng hát ca ngợi thương yêu và cuộc sống kỳ diệu. Bằng lời ca tiếng nhạc ấy, anh đã vỗ về, đã xoa dịu những nỗi đau và chữa lành những vết thương trong tâm hồn người giữa cuộc sống nhiều hạnh phúc và cũng lắm khổ đau.

Âm nhạc dịu êm, hương thơm dịu nhẹ, và mầu trắng tinh khiết của những cánh hoa nở chậm trong đêm. Tất cả, như quyện lẫn vào nhau, như trôi đi bềnh bồng trong giấc mơ êm của chàng nghệ sĩ.

Bích Huyền (Biên soạn từ bài viết của Lê Hữu)

Tiếng hát DUY TRÁC qua ca khúc:

Gọi Mùa Thu Mơ
Sau năm 75, chúng ta lại có thêm những người viết nhạc trong giới y sĩ, trong số ấy có Phạm Anh Dũng, vẫn được nhiều người yêu nhạc biết đến như là chàng nhạc sĩ có sức sáng tác thật sung mãn và đa dạng như “cây đàn muôn điệu”.
Anh gọi mùa Thu mơ
Một sớm thu sương mờ
Nai vàng đạp trên lá
Bước từng bước xa xa ...

Anh gọi mùa Thu mơ
Trời sớm sông không bờ
Lá vàng rơi lác đác
Dịu dàng cơn gió mát ...

Anh hẹn mùa Thu sang
Chiều vắng giăng mây ngàn
Nắng vàng đùa áo trắng
Gió lùa lướt mơn man.

Anh hẹn mùa Thu sang
Chiều nắng phai phai tàn
Em về qua lối ấy
Ngại ngùng cơn gió lay

Mây đem giấc mơ ngàn ngập tràn nắng thơ
mưa đưa lá thu vàng để tàn cánh hoa
Chơi vơi phím tơ đàn dạo lòng nao nao
Mùa thu mưa bay hoa rụng vương vương tà áo
Ngàn thu mưa rơi lệ nhòa vương vấn hồn anh.

Anh tìm mùa thu xưa
Nhìn ánh trăng phai màu
Bên thềm đầy lá úa
Ngàn sao khuất trong mưa

Anh tìm mùa thu xưa
Đêm trắng dâng dâng sầu
Chim buồn bay trước ngõ
Người về trong giấc mơ ...

Anh đợi mùa thu qua
Hoa rụng cây xao xác
Lá đổ ngoài sân vắng
Nghe vọng tiếng thu sang ...

Bài Hát Mùa Thu
Hôm nay có phải là thu ?
Mây năm xưa đã phiêu du trở về .
Cảm vì em bước chân đi,
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.
Ai về xa mãi cô thôn,
Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà ?
Ngày em mới bước chân ra,
Tuy rằng cách mặt, lòng ta chưa sầu .
Nắng trôi vàng chẩy về đâu ?
Hôm nay mới thực bắt đầu vào thu .
Chiều xanh trắng bóng mây xưa,
Mây năm xưa đã phiêu du trở về .
Rung lòng dưới bước em đi,
Lá vàng lại gợi phân ly mất rồi!
Trời hồng, chắc má em tươi,
Nước trong, chắc miệng em cười thêm xinh.
Em đi hoài cảm một mình.
Hai lòng riêng để mối tình cô đơn.
Hôm nay tưởng mắt em buồn:
Đã trông thấp thoáng ngọn cồn, bóng sương.
Lạnh lùng chăng, gió tha hương?
Em về bên ấy, ai thương em cùng?


Đinh Hùng

Về giữa mùa thu bên nhau


Cứ mỗi độ thu về, nhìn chiếc lá đã hơi ngã màu thời gian thấy tuổi đời trôi nhanh qua..thấy buồn như muốn khóc ...... Nghe dư âm của những kỷ niệm từ sâu thẳm vọng về, gõ nhịp nỗi nhớ lên trái tim, khắc nỗi buồn nơi khoé mắt xa xăm… Quá khứ ngập ngừng quay trở lại, cho ngày xưa cũ phủ đầy màu mưa...

Em rất yêu mùa thu…Vì khi mình quen nhau những chiếc lá trên cành cũng bắt đầu chớm vàng…Thu đầu mùa còn những hạt mưa lãng đãng lất phất bay…


Hình như mình gặp nhau đầu tiên vào mùa thu trong một chiều mưa,
Hình như anh nói lời yêu em trong một ngày mưa,
Hình như mình đã có rất nhiều kỷ niệm mưa với mùa thu


Giữa mùa thu Paris, N đã về như ngọn gió thu phong thổi vào lòng cơn mưa nhỏ những bồi hồi xuyến xao, khắc khoải, thương nhớ và đợi chờ …


Trở về giữa mùa thu cũ
Phố xưa lá đã chớm vàng
Nhớ em lòng dâng thác lũ
Chập chùng cơn gió mùa sang


Mùa thu đã trở về...Con đường xưa màu lá đã úa vàng… Những buổi sáng tan trực, đưa em về, gió se thắt lạnh, trời cũng đã mù sương … Những hạt sương buồn mong manh ảm đạm như khung trời mùa thu ...


Con đường xưa màu lá đã trổ vàng
Phải không em mùa thu nào đã sang
Làn mây trôi tự tình nơi cuối phố
Lá ngập ngừng vương gió nỗi miên man

Không biết em có còn yêu mùa thu
Những buổi sáng trời chớm lạnh sương mù
Quán cà phê vắng người trên dốc núi
Gió ngạt ngào buồn như những lời ru


Em yêu lắm mỗi độ thu về… Mùa thu lúc nào cũng buồn và đẹp cả phải không N? Mùa thu vàng lá bay với những đóa hoa thạch thảo tím sầu nỗi nhớ thương…Thu tím lá vàng, làm em chạnh nhớ đến sắc tím mùa thu của Huế… để bỗng thèm được một lần đứng trên dốc Nam Giao ngắm ánh hoàng hôn tím dần buông xuống dòng Hương Giang …


Huế vào Thu mà không biết mình Thu
Vì lá đỏ chút vàng mơ ai thấy
Tim tím buổi chiều mai hồng trở lại
Vẫn xanh ngời con nước Vạn Niên...


(Vàng Thu Tím Huế - Trần Kiêm Đoàn)

Dấu yêu ơi, N có thấy mùa thu mang lại nhiều cung bậc cảm xúc nhất trong lòng mỗi người chúng ta không N ?...Thu hiu hắt, thu giăng sầu, thu chia phôi, thu nức nở, thu thương nhớ ...


Lời kinh khổ từ quá khứ
Đáy huyệt sầu lấp niềm đau
Thu Paris xoáy tròn hoài niệm
Lệ chia phôi giọt úa màu


Lại là nỗi nhớ…Từ N đi, chung quanh em vẫn ngập tràn những kỷ niệm của đôi mình …


Anh đi chiều đổ mưa rơi
Em về phố vắng buốt lời kinh đêm
Bàn chân lạc vũng lầy đen
Giọt buồn khép cánh môi mềm dịu say
Thu, trong em, vẫn là một nốt nhạc buồn não lòng của một khúc đàn vỹ cầm của Chopin ...một đoản khúc sầu thu « trường tương tư »bi thương ai oán dài lê thê, của em và N, giữa hai đầu nỗi nhớ …Anh hỡi, còn đây đoản khúc thu
Tơ đàn thổn thức khóc chiều mưa
Cung thương điệu nhớ buông trầm lắng
Cho tái tê hồn nghẹn tiếng thu

Anh còn nhớ đến trời thu cũ
Nghe tiếng sầu thu vỡ khúc riêng
Lá đổ muôn chiều ôm tiếc nuối
Thu buồn gió lạnh, nhớ bao niềm

Đàn thu gieo nức nở đêm nay
Sương thu lạnh ướt thấm vai gầy
Trăng biết tương tư từ độ ấy
Rụng khúc tình sầu vương mắt cay

Người ơi, có thấu chăng lòng em
Một mối tình thơ tím màu chờ
Chú nai xưa có còn trông ngóng
Cánh hạc về giữa mộng thu vàng


Em co ro trong cô đơn trống vắng… Gió phiêu bồng, sương thu lạnh thấm bờ vai… Làn gió thu phong lành lạnh và hoang dại nhưng sao hương gió vẫn nồng nàn mê đắm… Em nghe trong hơi thở khẽ khàng của gió như có lời N thì thầm bên tai « bé nhớ mặc áo ấm, choàng khăn kỹ khi đi làm, phải cẩn thận gió lạnh »…Quấn chặt chiếc khăn choàng của N, em thấy, dường như hơi ấm của vòng tay N còn đâu đây, gần và rõ lắm như thể chỉ cần nhắm mắt cũng sờ và cảm nhận được…Dấu yêu ơi, dù cách xa nghìn trùng, hương tình mặn nồng vẫn về giữa mùa thu yêu thương bên nhau…

Tiểu Vũ Vi
Mùa Thu Paris (Phạm Duy - Cung Trầm Tưởng)
Mùa Thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề

Mùa Thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công viên lá đổ
Công viên lá đổ
Chờ mong em gắng khổ từng giờ

Mùa Thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Ngồi quen ghế đá
Không em ôi buốt giá từ tâm

Mùa Thu nơi đâu
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Tóc vàng sợi nhỏ
Chờ mong em chín đỏ trái sầu

Mùa Thu Paris
Tràn lấp đôi mi
Người em gác trọ
Người em gác trọ
Phòng anh đôi gót nhỏ thầm thì

Mùa Thu im hơi
Son nhạt đôi môi
Ngày em trở lại
Ngày em trở lại
Hờn quên em hối cải cuộc đời

Mùa Thu ơi Thu
Trời mây âm u
Yêu người độ lượng
Yêu người độ lượng
Và trong em tâm tưởng giam tù

Mùa Thu Paris
Mùa Thu Paris
Với tình Thu ...
Em Giấu Thu Vàng Trong Lá Bay
Em giấu thu vàng trong lá bay
Làm anh nhìn cứ ngỡ thu say .
Không say vì rượu em vừa chuốc
Say áo vàng chanh rực chốn này .

Có phải em gom hết mùi hương
Pha trong hơi thở nhẹ như sương
Mà sao mê đắm bao ong bướm
Đang nhởn nhơ bay lượn khắp vườn ..?

Có phải em gom hết mây trời
Kết vào trong tóc thả buông lơi ?
Bỗng dưng anh ước là mây trắng
Đáp xuống vai mềm để nghỉ ngơi ...

Có phải em thu hết kim cương
Giấu vào đôi mắt sáng như gương ?
Nhìn anh bối rối làm sao ấy
Khiến nửa hồn anh lạc mất đường ...


Nhược Thu

No comments:

Post a Comment