Thursday, December 8, 2011

NHẬT TRƯỜNG : Tiếng Hát Đẹp Nét Điêu Khắc Trên Mặt Gỗ Quỳ.



Các bạn yêu ca nhạc đã từng gặp Nhật Trường trên màn ảnh TV CD ,DVD , trong tiết mục đơn ca, trong ban tứ ca Nhật Trường, trong nhạc cảnh với nữ ca sĩ Thanh Lan, cũng đã thấy nhân diện và vóc dáng ông ra sao rồi. Trên khung màn ảnh nhỏ, nhờ đèn rọi công phu nên mặt ông lồ lộ vẻ sáng mát.
Ông bảnh trai chớ chưa tới mức đẹp trai. Ở ngoài đời, vóc vạc ông liền lạc và cân đối, da mặt hồng hào, môi và nướu răng hồng tươi.
Nhưng mặt ông hơi thỏn, hàm răng trên hơi vẩu, miệng ông khi ngậm không tươi, nhưng khi ông cười thì nụ cười ý nhị.
Ông không có vẻ cởi mở, cái nhìn hơi lơ đãng và đăm chiêu. Khi lên màn ảnh truyền hình, ông chải tóc bóng loáng, ăn mặc bảnh bao, mày râu nhẵn nhụi nên nhan sắc ông vượt trên mức trung bình được vài phân.

Ban tứ ca Nhật Trường lúc đầu gồm có Nhật Trường và ba nữ ca sĩ Diễm Chi, Như Thủy (em gái của NT) và Vân Quỳnh (con gái của Dương Thiệu Tước và Minh Trang).
Sau đó Vân Quỳnh ly khai khỏi ban này thì ông thay thế bằng nữ ca sĩ Hồng Tước (em gái của Kim Tước). Trong ban tứ ca, ông hát giọng chính, còn ba cô kia hát giọng phụ.
Trong các màn nhạc cảnh với Thanh Lan, Nhật Trường mặc quân phục làm lính, Thanh Lan đóng vai em gái hậu phương. Cả hai dùng câu ca tiếng hát trước hết để nịnh nọt lính và o bế giấc mơ yêu lính của các cô thiếu nữ ngây thơ, sau đó để ve vãn nhau, mùi ơi là mùi.
Song song với ca hát, Nhật Trường sáng tác nhạc, lấy tên cúng cơm của mình làm nghệ danh. Đa số nhạc phẫm của ông hợp với cảm quan quần chúng; phần nhiều âm hưởng cổ nhạc cải lương Nam Kỳ lại nghèo nàn giai điệu. Tuy nhiên ông có những bài hay, đạt được tiêu chuẩn nghệ thuật như: "Trên Đỉnh Mùa Đông", "Khi Người Yêu Tôi Khóc", "Chiều Trên Phá Tam Giang" (phổ thơ Tô Thùy Yên).
Nhưng biết sao hơn! Chính những bản âm hưởng cổ nhạc cải lương Nam Kỳ mới nuôi sống ông một cách phủ phê, lại còn giúp ông nổi tiếng như cồn vì chúng bán chạy như tôm tươi, đi sâu vào khối đông quần chúng. Lính tráng hát những nhạc phẫm đó ra rã cả ngày.
Các cô thiếu nữ trong xóm lao động vừa nấu cơm kho cá vừa véo von chót chét những bài "Hoa Trinh Nữ", "Rừng Lá Thấp" v.vv... Biết bao thư thính giả bốn phương bay tới tấp như đàn én, đàn bướm về đài Quân Đội để yêu cầu các ca sĩ đương thời hát những nhạc phẫm ăn khách của Nhật Trường trên làn sóng điện.
Thật tình mà nói, Nhật Trường có tài ở hai phương diện ca hát và sáng tác nhạc. Ông thừa sức sáng tác những nhạc phẫm có giá trị và thừa sức đặt những lời hát đẹp như gấm, sáng như trăng. Giọng ông dù hát những nhạc phẫm hợp với quần chúng, nhưng xa khách sành điệu, tuy nhiên chẳng những là một giọng ca đẹp mà còn là một giọng ca điêu luyện nữa là khác.
Tiếng hát Nhật Trường thật gợi cảm, thật phong phú, chuỗi ngân thật đều và đẹp. Giọng hát ông đã đẹp, nhưng ông lại ưa nắn nót trong cách phát âm, cho nên tiếng hát trở nên điệu đà.
Đó có khác nào tấm gấm hồng đào đã dệt bông kim tuyến, vậy mà ông còn thêu thêm chỉ ngũ sắc nên màu sắc đã chói trở nên rườm rà.
Khán thính giả sành điệu có cảm tưởng giọng hát ông có một chút gì nịnh nọt phụ nữ thái quá. Nó như ve vãn phụ nữ không bằng cái nam tính của bậc trượng phu hảo hán, mà bằng màu mè phù phiếm, bằng cái ỏn thót quá ngọt, quá lộ liễu. Cho nên phần đông khán thính giả nghĩ rằng ông hát bằng trái tim hơi ít mà bằng cái mặt huê dạng của tình cảm hơi nhiều.
Nhật Trường xuất hiện sau Duy Khánh, nhưng nổi tiếng không kém Duy Khánh vào lúc Duy Khánh như vầng thái dương trên vòm trời ca nhạc.
Vào thuở cộng tác với chương trình "Nhạc Chủ Đề Mộc Lan" trên đài truyền hình, Nhật Trường có hát bài "Bướm Hoa" của Nguyễn Văn Thương rất tuyệt.
Khi lên cao, dù tiếng ông không vang lộng, nhưng không mỏng, không gắt. Làn hơi ông lại vừa phong phú vừa mượt mà. Chuỗi ngân của ông đều đặn làm người nghe có cảm tưởng như từng hột ngọc thạch, hột san hồ tròn xinh kết thành một xâu chuỗi dài.
Và đâu đó, Nhật Trường hát bài "Serenade" của Schubert cũng rất đạt.
Khi hát bản đó, ông bỏ bớt lớp phấn bướm diêm dúa của giọng hát để cho giọng hát cao sang thanh thóat, để cách diễn tả thật Tây Phương và cũng thật chân phương, để cho cái đẹp tự nhiên của giọng hát ông được bộc lộ trọn vẹn.












No comments:

Post a Comment