Thấy tôi nôn nóng, cô em họ của tôi đã phải lên tiếng, “người ta mong có dịp được ăn tết ở thành phố, còn anh thì nôn nóng về rừng!” Quả đúng như vậy. Khối thằng lính, khối các quan lớn nhỏ mỗi năm vẫn than thở cái điệp khúc tết xa nhà; khối bạn bè của tôi vẫn tìm mọi cơ hội để có mặt ở thành phố trong ba ngày tết. Và tôi cũng thấy cái vô lý của mình. Nhưng tôi muốn rời Huế, tôi muốn rời thành phố. Thật khó nói, khó giải thích cái muốn của tôi, nhưng đó là điều có thực trong lòng, chẳng phải đởm lược, chẳng phải dáng vẻ.
Một thân một mình, tôi đến, tôi đi, tôi ở lại, vân vân, chẳng bận lòng ai; và rũi tôi có nằm xuống ở một chiến trường xa xôi nào đó, thì cũng chẳng để lại phiền hà cho ai, và chính tôi cũng chẳng thấy vấn vương ra đi! Với cảnh ngộ côi cút của tôi, tết ở thành phố còn “hoang vắng” hơn giữa rừng già với lính tráng. Bỗng dưng nếp sống quân ngũ – tôi muốn nói đơn vị tác chiến – thích hợp với mình. Tôi bù đắp sự cô độc của mình bằng một tập thể cùng chung một số phận. Lạ thật, có những tập thể cùng chung thân phận thì phải loại trừ lẫn nhau để sống còn. Những con người trận mạc không theo luật đó của đời sống!
Và tôi nhất quyết “ra đi”. Tôi nhờ người bà con chở tôi vào sân bay Thành Nội tìm một chỗ trên một chuyến bay quân sự vào Ðà Nẵng để từ đó tôi tìm phương tiện chuyển vận cho đoạn đường còn lại. Tôi chọn sân bay nầy thay vì phi trường Phú Bài vì hy vọng sẽ gặp một trong hai thằng bạn lúc bấy giờ thuộc phi đoàn quan sát 110 vẫn thường xuyên đáp xuống đây trong các phi vụ công tác. Có lẽ tôi phải dài dòng một tí về tình trạng giao thông giữa Huế và Ðà Nẵng trong giai đoạn nầy của cuộc chiến. Ðường bộ giữa hai thành phố đó đã bị cắt đứt hoàn toàn – không có xe lửa, không có xe đò, không có một đoàn xe quân sự nào trên đoạn đường dài một trăm mười cây số xuyên qua đèo Hải Vân. Phương tiện vận chuyển chỉ còn đường hàng không và đường biển, nhưng thông dụng vẫn là đường hàng không. Nói đúng ra chỉ còn đường bay quân sự là phương tiện tôi có thể nhờ vả, còn hàng không dân sự thì trong trường hợp tôi – không muốn ăn tết ở Huế – coi như không có, vì vé máy bay rời Huế trước tết nguyên đán đã bán hết rồi!
Phi trường Thành Nội – gọi phi trường nghe cho oai – là một đường bay nhỏ, chiều dài khoảng ba trăm thước, nằm ngay bên ngoài hoàng thành Huế, dùng cho phi cơ nhỏ cỡ sáu chỗ ngồi trở xuống, và cho trực thăng. Tôi vẫn thường chế giễu cái sân bay tí hon nầy: nằm sát chân thành vua, hai đầu phi đạo bị chắn bởi hai đoạn hồ sen vốn là hào làm chướng ngại vật vây quanh thành, chẳng đúng một tiêu chuẩn nào của một sân bay! Nghe đâu sân bay nầy do vua Bảo Ðại lập ra để tập lái máy bay. Hành khách đặt hy vọng vào những chiếc trực thăng hơn vì số lượng máy bay nầy nhiều hơn các phi cơ cánh quạt khác. Nhưng so với khối lượng người đang chờ đợi kia thì mỗi người đều thấy mình ít có hy vọng được bước lên phi cơ. Trong những ngày tháng tận năm cùng như hôm đó, quân nhân đi công tác về, đi phép đặc biệt vân vân, tất cả đều nôn nóng mong có phương tiện để về nhà kịp dịp tết, nên hành khách đông hẳn lên, gấp bội ngày thường. Tôi chẳng thấy bóng dáng thằng bạn phi công nào của mình. Nhìn cái tập thể trong quân phục lố nhố chờ máy bay đến, nhìn những chiếc máy bay cất cánh mang theo vài người hoặc từ chối không “lấy” một ai, tôi bỗng thấy thất vọng: phen nầy đành ăn tết ở Huế vậy!
Chúng tôi đứng xa cách với đám đông đang “bon chen” chung quanh chiếc trực thăng. Chúng tôi đứng chơ vơ, không bị “đồng hóa” với mọi người. Giữa khoảng trống chỉ có hai người đàn ông, một người vận thường phục và một người khoát quân phục Lực Lượng Ðặc Biệt – đồ rằn ri, mũ bê rê xanh. Không biết có phải vì cái vẻ “đặc biệt” đó mà một trong hai xạ thủ viên kia, một anh chàng Mỹ có bộ ria mép vàng như râu bắp, bỗng giơ cao cánh tay mặt lên vẫy hối hả về phía chúng tôi. Thật khó biết anh ta vẫy ai, vì chung quanh chúng tôi lúc bấy giờ còn bao nhiêu quân nhân khác đứng rải rác. Tôi nhìn quanh mình một lượt, rồi lấy tay chỉ vào ngực mình, một tín hiệu hỏi “có phải tôi không?”. Anh chàng Mỹ râu bắp vừa gật đầu, vừa dùng ngón tay cái chỉ thẳng lên. Tôi cơ hồ nghe bên tai một âm vang tưởng tượng, “chính anh đấy!”. Mừng quá, tôi chỉ kịp chìa tay nắm bàn tay của người bà con và nói, “thôi tôi đi nghe bạn”. Khó nhọc lắm tôi mới chen lấn đến gần chiếc trực thăng. Anh chàng râu bắp phải nhảy xuống, “dọn đường” hộ và nắm tay tôi kéo lên máy bay.
Tôi về lại căn cứ Pleime đúng ngày cuối năm, ba mươi tháng chạp, kịp đón giao thừa giữa những người lính xa nhà hay không nhà như tôi…
Sau một đêm thức khuya, hôm sau, Mồng Một Tết Mậu Thân năm 1968, tại Pleime tôi thức dậy muộn. Còn nằm trên giường tôi với tay mở chiếc máy thu thanh nhỏ chạy bằng pin để ở đầu giường. Giọng quen thuộc của một phóng viên chiến trường đang oang oang tường trình về chiến sự trong mấy tiếng đồng hồ qua. Tôi bỗng cảm thấy như bị điện giật khi nghe đến tên “thành phố Huế” bị tấn công. Rồi nhiều thành phố, thị trấn nữa. Chiến sự sôi động trên toàn thành thị miền Nam. Ở Pleime, chúng tôi đón xuân âm thầm, nhưng yên ổn đón xuân sang, trong khi người dân thị thành đang hứng chịu bom đạn, đổ nát, tang tóc! Tôi chờ nghe bản tin chiến sự nhiều lần nữa trong ngày, đặc biệt chú ý đến những gì liên quan đến Huế của tôi. Tôi bàng hoàng nghe tin trường Ðồng Khánh nằm trong danh sách những nơi bị địch chiếm. Tôi mơ hồ thấy mình may mắn. Tôi mơ hồ thấy mình thương Huế.
Phải mất một thời gian nữa, sau khi chiến trường ngã ngũ, khi tin tức và hình ảnh về cuộc thảm sát trên bốn nghìn người do phía bên kia thi hành trong thời gian chiếm đóng Huế, tôi mới ý thức rõ ràng nhất cái may mắn của mình. Tôi thấy thương Huế hơn bao giờ hết. Nếu không có chiếc trực thăng kia, tôi đã ở lại trong trường Ðồng Khánh, để đón xuân cùng gia đình người bà con của tôi – hay để đón nhận thảm họa? Những người anh em phía bên kia chắc chắn đã không để tôi yên thân. Tôi có cùng chung số phận của mấy nghìn người khác không? Tôi không hiểu nguyên do gì đã khiến phi hành đoàn của chiếc trực thăng kia “cứu” tôi. Có lẽ do bộ quân phục rằn ri của Lực Lượng Ðặc Biệt. Có thể viên phi công đã từng chở các toán thám sát chúng tôi, nên một chút cảm tình cá nhân do màu áo gợi lên khiến anh ta hành động. Cũng có thể vì tôi đứng xa quá, bơ vơ quá, không bon chen, mà phi hành đoàn đã thương hại tôi. Tôi thật không hiểu nỗi. Nhưng dù với bất cứ nguyên nhân gì, chiếc trực thăng cuối năm kia đối với tôi mãi mãi là một định mệnh, một sắp đặt huyền bí, một an bài kỳ lạ.
- Xuất thân khóa 13 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, tốt nghiệp khóa 7-74 Bộ Binh Cao Cấp Hoa Kỳ. Binh chủng phục vụ lâu nhất là Lực Lượng Ðặc Biệt.
- 1963: Trung Ðội Trưởng, Tiểu Ðoàn 2/40, Sư Ðoàn 22 bộ binh, Dak Rota (Kontum).
- 1964: Ðại Ðội Trưởng, căn cứ biên phòng Lực Lượng Ðặc Biệt Khâm Ðức (Quảng Nam).
- 1965: Ðại Ðội Trưởng, căn cứ biên phòng Lực Lượng Ðặc Biệt Khe Sanh (Quảng Trị).
- 1966: Chỉ Huy Phó căn sứ biên phòng Lực Lượng Ðặc Biệt A Shau (Thừa Thiên).
- 1966: Chỉ Huy Phó căn cứ biên phòng Lực Lượng Ðặc Biệt Dak Sang (Kontum).
- 1967-1968: Chỉ Huy Trưởng căn cứ biên phòng Lực Lượng Ðặc Biệt Plei Me (Pleiku).
- 1968: Chỉ huy trưởng căn cứ biên phòng Lực Lượïng Ðặc Biệt Ban Het (Kontum).
- 1968-1969: Chỉ Huy Trưởng căn cứ biên phòng Lực Lượng Ðặc Biệt Polei Kleng (Kontum).
- 25-4-1970: Kết hôn với người bạn đời Nguyễn Thị Nhơn tại Sài Gòn. Có hai con: trai (1971), gái (1973).
- 1970: Tiễu Ðoàn Trưởng tiểu đoàn 81 Biệt Ðộng Quân biên phòng, Ðức Cơ (Pleiku).
- 1971-1974: Phục vụ tại Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân Quân Khu 3, lưu động trên các vùng Củ Chi, thuộc Hậu Nghĩa, Bến Cát, Lai Khê, Bầu Bàn, thuộc Bình Dương, Tống Lê Chân, thuộc Bình Long, và thị xã Tây Ninh, thuộc Tây Ninh.
- 1974-1975: Du học Mỹ.
- Ðầu tháng 4/1975 về nước.
- Sau tháng 4, 1975: Sáu năm ở các trại tập trung dưới chế độ cộng sản Việt Nam, từ Nam ra Bắc:
- Trại tập trung Biên Hòa (1 năm)
- Trại tập trung Sơn La, tây bắc Hà Nội (3 năm)
- Trại tập trung Yên Báy, bắc Hà Nội (3 tháng)
- Trại tập trung Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh, (2 năm)
- Ðược phóng thích tại Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh ngày 1-1-1981.
Hà Kỳ Lam cùng gia đình trốn khỏi Việt Nam bằng đường biển ngày 9 tháng 5 năm 1981 từ một khu rừng bần ven biển ở Ðại Ngãi, Sóc Trăng. Sau ba ngày lênh đênh trôi dạt trên một chiếc ghe nhỏ không có mui, không nước uống, không thực phẩm, cả gia đình cùng 47 người trên ghe được thương thuyền Tour Ville của công ty hàng hải Pháp Chargeurs Réunis cứu trên hải phận quốc tế giữa Nam Dương và Việt Nam ngày 13-5-1981. Tàu Tour Ville cập bến Singapore ngày 14-5-1981, và bàn giao những thuyền nhân cứu được cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), để cơ quan này đảm trách việc tái định cư họ tại một nước thứ ba. Gia đình Hà Kỳ Lam đến Mỹ ngày 20-10-1981, và hiện định cư tại tiểu bang New Jersey.
- Bắt đầu viết từ giữa năm 1991. Tác phẩm:
- Vùng Ðá Ngầm, tập truyện (Thế Kỷ 1994)
- Núi Vẫn Xanh, tập truyện (Thế Kỷ 1998)
- Những Nẻo Ðường Thế Giới, ký sự (sắp ra mắt độc giả)
No comments:
Post a Comment