“Bóng tối” mà người viết muốn nói đây là khoảng không gian mà ít ai tìm thấy - lẫn khuất và lánh tránh mỗi khi có biến cố, biến chuyển - Trốn tránh một cách tuyệt vời trước những hiểm nguy.
Nơi đó là đâu? Là phía sau trận địa, chui rút một cách tài tình khéo léo trước những đợt hành quân - nếu họ là quân nhân quân đội – phía sau phòng thuyết trình (TOC) để không phải lắng nghe và nhận lệnh. Nằm sau chiến tuyến khi chạm mặt kẻ thù. Ngay cả (thừa can đảm) dám bai gai, quậy quạng để được vào trại giam trước giờ đơn vị xuất phát HQ, mà từ thông thường được ban cho là “lạnh cẳng”.
Khéo léo và tài tình hơn nữa là cố chạy chọt về phục vụ tại các đơn vị tham mưu, văn phòng, hậu cần, yểm trợ… Hoặc là tỏ ra có “máu mặt” hơn để xin vào chức vụ xách “samxonize” cho “xếp”, bảo vệ quí lãnh tụ đi thăm thú đó đây. Họ cũng vào chiến trường, ra mặt trận. Cũng là người bao phen trước mủi đạn lằn tên. Và vì thế mà hầu như chiến tuyến, chiến trường, họ đều khá rõ. Từ đó, cũng rất dễ dàng xưng tụng “anh hùng”.
Ngày trước - trước 1975 – khi chiến trận tràn lan và ngày càng khốc liệt. Việc mất còn và sinh tử mỗi lúc một cận kề thì anh hùng “trong bóng tối” cũng không là hiếm. Nhưng mà chỉ là tiềm ẩn ít khi lộ diện. Muốn nhận chân một anh hùng như thế, ít thấy ai và cũng hiếm khi.
Nhưng, từ sau 1975, khi chiến cuộc lâm cảnh đau thương và một quân đội phải tan hang bức tử: người bị bắt, kẻ vào tù, đồng đội thất tán và chết. Gom lại một số tàn quân lẫn tránh nơi xứ người - khắp mọi quốc gia – Và đến khi yên vị, yên nơi, an toàn và có cơ phục hồi tình thế, thì cũng là lúc “anh hùng” lộ mặt. Và ở đâu người ta cũng thấy “anh hùng” – các quí anh hùng đã một thời gian ẩn mình “trong bóng tối” – bây giờ thì ra ánh sáng để tỏ rõ.
Trong các cuộc biểu tình chống cộng sản ở nước ngoài, người ta vẫn thường gặp họ. Họ yên ổn và an hưởng một thời. Hôm nay họ vung vít oang oang. Toàn là những tai to mặt lớn, dày dạng chiến công và kiên cường trận mạc.
Mỗi năm, 30 tháng 4 về - ngày quốc hận của VNCH, ngày đen tối của cả dân tộc - ngưới ta thường thấy những “anh hùng”.
Phỏng vấn trên đài (truyền thanh, truyền hình), các anh hùng này vung vít vang lừng với bao nhiêu là chiến công hiển hách. Họ là tinh hoa của từng đơn vị, binh chủng nổi tiếng của QLVNCH – thao thao bất tuyệt – Bao khán giả, thính giả chưa từng biết họ là ai, người ta vô cùng nể nang thán phục. Chỉ tiếc rằng, anh hùng như thế, chiến công như thế, oai hùng như thế… mà sao lại thất thế, thua cuộc tan hàng? Bao nhiêu câu hỏi, và bao nhiêu là tiếc nuối? Nhưng mà, có ai biết đâu? Họ đây chỉ là những anh hùng “trong bóng tối” – có thể nói là những anh hùng “núp bóng”, có bao giờ xông pha trận mạc, chiến trường thật sự đâu mà nói “thắng” với “thua”. Đồng đội họ, chiến hữu họ… Những đơn vị tiếng tăm vang lừng… thật ra thì đã chết, đã thương tật, đã thân tàn, khốn khổ, ngậm ngùi ở một nơi nào đó xa xôi. Mà nếu có cũng ngày hôm nay, hiện hửu nơi đất lạ quê người, họ thường là mai danh ẩn tích – Anh hùng thật, thường ít nói khiêm nhường - Họ cũng lắm, cũng nhiều, nhưng không muốn ai biết đến. Biết đến làm gì trong tình cảnh vẫn còn thất thế sa cơ? Biết đến chỉ để thêm tủi, thêm hờn – vì bao phĩnh lừa giả trá - trước thảm cảnh đất nước quê hương khốn cùng xơ xác. Và biết đến để làm gì khi sức cùng lực kiệt, yếu đuối và lần lược ra đi…
Có chăng là trông cậy vào lớp trẻ. Thế hệ lớn lên nuôi chí khôi phục cơ đồ.
Đó là những “anh hùng” thật - thật sự, thật tình – Nhưng mà ai dám khoác lác cho một dĩ vãng tối tăm?
Người ta lại biện luận, nói là phải nêu lên thành tích, kể lể chiến công để lớp hậu duệ tỏ tường, mà thấm nhuần dấn bước. Từ đó mà mạnh dạn tiếp nối vai trò hiển hách của cha ông. Phải thế không? Có cần như vậy không? Một khi các anh hùng (bằng xương bằng thịt) kể lể chiến công, khoác lác múa may, chỉ là những chiến tích, kỳ công vay mượn. Mà thật sự là tự mình không có. Thiếu gì cách, đâu cần phải danh xưng “dõm”.
Một ông A, anh B, với sắc phục của một đơn vị oai hùng, nổi tiếng, lừng danh, thao thao bất tuyệt kể lể bao thành tích chiến công (toàn là tiếm công, tiếm vị, từ đồng đội của mình) thì có đáng để hãnh diện chăng? Thưa quí vị?
Họ là những anh hùng “trong bóng tối”
Lúc lâm nguy, bao giờ thấy họ đâu?
Trước giặc thù, họ ẩn núp thật sâu,
Chờ đến lúc an nhàn ra múa rối.
Họ là ai? Là chiến binh đồng đội,
Nói là “đồng”, nhưng mà “khác” lúc sa cơ.
Lúc đi tù, họ là kẻ trở cờ,
Luồn cúi địch, làm “ăn ten” chỉ điểm.
Trong hàng ngũ, họ cũng là rất hiếm
Vì hiếm hoi, nên xưng tụng “anh hùng”
Không bao giờ yên phận chốn lao lung
Cố chạy chọt cho một mình tiến bước.
Chưa tan hàng, họ là người chạy trước,
Chạy để tìm một chốn an thân.
Nơi vinh sang, họ kịp lúc dừng chân.
Giờ yên ổn, chui ra múa máy.
Vung chân, múa tay, cho bao người trông thấy
Phải thấy ta… là kẻ “anh hùng”.
Ta đã từng sinh tử chốn lao lung,
Thề quyết chiến, theo ta về phục quốc.
Ng. Dân.
No comments:
Post a Comment