Chừng năm, sáu tuổi tôi không còn thấy Rạp hát Ái Liên hay Hãng Việtfilm nữa, cả Đoàn văn công Liên khu 4 cũng đi đâu mất. Lúc này nhà 38 được sử dụng làm sân khấu múa rối. Người ta đã nâng lớp sàn gỗ lên để phù hợp cho phần biểu diễn của bộ môn nghệ thuật này. Tôi vẫn được xem múa rối hằng đêm. Thế giới những con rối là thế giới kỳ lạ đầu tiên tôi được biết. Gầm sân khấu múa rối cũng là nơi chúng tôi chơi trốn tìm. Những đêm đoàn múa rối nghỉ diễn, anh em chúng tôi cùng đám bạn ngoài phố về đây chơi trốn tìm, cãi nhau chí chóe, rất vui.
Khu nhà 38 rộng, có đến 600 mét vuông, xung quanh sân khấu múa rối vẫn thừa nhiều đất. Để cải thiện bữa ăn, ba má tôi nuôi lợn, nuôi ngỗng, thỏ, gà và trồng một giàn nho xanh mướt, cây lá che kín khắp cả miếng sân trước nhà. Chiều chiều, mấy anh em tôi mang thùng sang Đoàn Cải lương Nam bộ số 23 Ngô Thì Nhiệm xin nước gạo về để nấu cám cho lợn ăn. Nhớ mãi khi còi Nhà hát lớn rúc lên cũng là lúc đàn gia súc nhà tôi lên tiếng. Lợn kêu đòi bữa. Ngỗng nghe lợn kêu cũng quang quác kêu theo. Và con gà mái nhảy ổ cục tác váng nhà. Vui quá là vui!
Bỗng đâu nhà 38 bị biến thành bếp ăn tập thể của Bộ Văn hóa. Mảnh sân nhà, nơi chất đầy kỷ niệm êm đềm thuở ấu thơ của chúng tôi, giờ chật ních mấy chục chiếc xe đạp của nhân viên Bộ Văn hóa tới ăn bếp ăn tập thể. Vậy là bao nhiêu lợn, gà, ngỗng, thỏ và cả giàn nho xanh um mướt mát đều bị phá bỏ và lên mâm.
Tôi yêu quý những chú thỏ vô cùng, con vật xinh đẹp đáng yêu là thế cũng bị cho vào nồi, nên tôi nhất quyết không ăn. Anh Thành cũng vậy. Khi con lợn mà anh Thành hàng ngày chăm sóc bị giết mổ, anh đã khóc hu hu, rồi trốn khỏi nhà một mạch từ sáng tới đêm mới quay trở về.
No comments:
Post a Comment