Những người Việt có số phận kỳ lạ: Người Việt đầu tiên đến nước Mỹ
Hiện ở Phường Long Bình, Quận 9, TP.HCM có con đường mang tên Trần Trọng Khiêm. Có lẽ ít ai biết đây chính là người đã đặt chân đến nước Mỹ cách đây hơn 170 năm.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1842 (năm Minh Mạng thứ 23) ở làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao (Phú Thọ) có một chàng thanh niên 21 tuổi tên Trần Trọng Khiêm phạm trọng án. Số là người vợ mới cưới của anh bị tên xã trưởng ép bức, làm nhục rồi sát hại. Căm giận, Trần Trọng Khiêm quyết báo thù. Sau khi tương kế tựu kế giết chết tên vô lại, anh trốn xuống Phố Hiến (Hưng Yên) rồi xin vào làm việc trên một chiếc tàu buôn ngoại quốc, khởi đầu cho những chuyến phiêu lưu khắp năm châu bốn biển.
Suốt 12 năm (1842 - 1854), Trần Trọng Khiêm đã đi qua nhiều vùng đất từ Á sang Âu: Hồng Kông, Anh, Hà Lan, Pháp... Nhờ trí thông minh, đi đến đâu anh cũng cố gắng học tiếng địa phương. Năm 1849, anh đặt chân đến thành phố New Orleans (Mỹ), bắt đầu chặng đường 4 năm phiêu bạt ở Mỹ cho đến khi tìm đường về cố hương.
Sau khi đến Mỹ, Trần Trọng Khiêm bấy giờ 28 tuổi, cải trang thành một người Trung Hoa tên là Lê Kim rồi gia nhập đoàn người đi tìm vàng ở miền Viễn Tây. Trong gần 2 năm, Lê Kim sống cuộc đời của một cao bồi miền Tây thực thụ. Anh đã tham gia đoàn đào vàng do một người Canada tên Mark khởi xướng. Để tham gia đoàn này, tất cả thành viên phải góp tiền mua lương thực và chuẩn bị lên đường. Lê Kim góp 200 USD vào thời điểm năm 1849. Do biết nhiều ngoại ngữ, anh được ủy nhiệm làm liên lạc cho thủ lĩnh Mark và làm phiên dịch cho những thành viên trong đoàn gồm tiếng Hà Lan, Trung, Pháp... (trong cuốn sách La Ruée Vers L’or của tác giả Rene Lefebre (nhà xuất bản Dumas, Lyon, 1937) có kể về con đường tìm vàng của Lê Kim và những người đa quốc tịch Canada, Anh, Pháp, Hà Lan, Mexico...). Anh nói với mọi người rằng anh còn biết một thứ tiếng nữa là tiếng Việt nhưng không cần dùng đến. Lê Kim cũng nói anh không phải người Hoa nhưng đất nước của anh nằm cạnh nước Tàu.
Lê Kim và những người tìm vàng đã vượt sông Nebraska, qua dãy núi Rocky, đi về Laramie, Salt Lake City, vừa đi vừa hát bài ca rất nổi tiếng thời đó là Oh! Suzannah (Oh! My Suzannah! Đừng khóc nữa em! Anh đi Cali đào vàng. Đợi anh hai năm, anh sẽ trở về. Mình cùng nhau cất ngôi nhà hạnh phúc...). Trong đoàn, Lê Kim nổi tiếng là người lịch thiệp, cư xử đàng hoàng, tử tế nên rất được kính trọng, nhưng đó đúng là một chuyến đi mạo hiểm - họ thường xuyên đối mặt với hiểm họa đói khát và sự tấn công của người da đỏ. Sốt rét và rắn độc cũng đã cướp đi quá nửa số thành viên trong đoàn.
Sau khi tích trữ được một chút vàng làm vốn liếng, Lê Kim quay trở lại San Francisco. Vào giữa thế kỷ 19, nơi đây còn là một thị trấn đầy bụi bặm, trộm cướp. Là người tháo vát, xông xáo lại biết nhiều ngoại ngữ, Lê Kim nhanh chóng xin được làm phóng viên tự do cho nhiều tờ báo như: Alta California, Morning Post rồi làm biên tập cho tờ nhật báo Daily Evening.
Lê Kim hướng sự thương cảm sâu sắc đến những người da vàng làm việc ở những mỏ khai thác vàng là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc. Nhiều bài báo của anh đăng trên tờ Daily Evening hiện vẫn còn lưu giữ ở thư viện Đại học California. Đặc biệt, trong số báo ra ngày 8.11.1853, có một bài báo đã kể chi tiết về cuộc gặp giữa Lê Kim và vị tướng Mỹ John A.Sutter. Tướng Sutter vốn trước là người có công khai phá thị trấn San Francisco. Khi Lê Kim mới đến đây, anh đã được tướng Sutter giúp đỡ rất nhiều. Sau khi bị lật đổ, tướng Sutter bị bệnh tâm thần và sống lang thang ở các bến tàu để xin ăn, bạn bè thân thiết đều không ai đoái hoài đến.
Khi gặp lại, Lê Kim đã cho vị tướng bất hạnh 200 USD và chê trách thái độ của người dân San Francisco cũng như nước Mỹ đối với người khai phá ra vùng đất San Francisco.
Sang năm 1854, khi đã quá mệt mỏi với cuộc sống nhiễu nhương ở Mỹ, cộng thêm nỗi nhớ quê hương ngày đêm thúc giục, Lê Kim đã tìm đường trở lại Việt Nam. Nhưng anh cũng đã kịp để lại nước Mỹ dấu ấn của mình, trở thành người Việt Nam đầu tiên cưỡi ngựa, bắn súng như một cao bồi và cũng là người Việt đầu tiên làm ký giả cho báo chí Mỹ.
“Người Minh Hương” cầm quân chống Pháp
Năm 1854, Trần Trọng Khiêm trở về Việt Nam vẫn dưới cái tên Lê Kim. Để tránh bị truy nã, ông không dám trở về quê nhà mà phải lấy thân phận là người Minh Hương (người gốc Hoa, không chịu thần phục nhà Thanh nên di dân sang Việt Nam - NV) đi khai hoang ở tỉnh Định Tường. Ông là người có công khai hoang, sáng lập ra làng Hòa An, phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường. Tại đây, ông tục huyền với một người phụ nữ họ Phan và sinh được hai người con trai.
Trong bức thư bằng chữ Nôm gửi về cho người anh ruột Trần Mạnh Trí ở làng Xuân Lũng vào năm 1860, Lê Kim đã kể tường tận hành trình hơn 10 năm phiêu dạt của mình từ một con tàu ngoại quốc ở Phố Hiến đến những ngày tháng đầy khắc nghiệt ở Mỹ rồi trở về an cư lạc nghiệp ở Định Tường.
Chưa đầy 10 năm sau khi Pháp xâm lược Việt Nam, Lê Kim từ bỏ nhà cửa, ruộng đất, dùng toàn bộ tài sản của mình cùng với Võ Duy Dương mộ được mấy ngàn nghĩa binh phất cờ khởi nghĩa ở Đồng Tháp Mười, trở thành một vị tướng giỏi. Năm 1866, trong một đợt truy quét của Pháp do tướng De La Grandière chỉ huy, quân khởi nghĩa thất thủ, Lê Kim đã tuẫn tiết chứ nhất quyết không chịu rơi vào tay giặc. Trên mộ của Lê Kim ở Giồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp) có khắc đôi câu đối:
“Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh.
Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế ”.
Hà Đình Nguyên
(Dựa theo tài liệu của học giả Nguyễn Hiến Lê 1912 - 1984).
WIKIPEDIA
Trần Trọng Khiêm (1821-1866), sau đổi tên là Lê Kim,[2] là một chỉ huy trong công cuộc chống Pháp do Võ Duy Dương lãnh đạo tại Đồng Tháp (Việt Nam) ở giữa thế kỷ 19. Ông cũng được xem là người Việt đầu tiên đến Hoa Kỳ. Sau khi từ bỏ việc đi tìm vàng, ông trở thành nhà báo Việt đầu tiên ở đây.
Cuộc đời
Trần Trọng Khiêm sinh năm Tân Tỵ (1821) tại làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi (nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).
Thuở nhỏ, ông học ở quê nhà, nổi tiếng hay chữ, nhưng không đi thi. Năm 20 tuổi, ông lập gia đình với người họ Lê cùng làng, rồi theo nghề buôn bán gỗ ở Bạch Hạc (Việt Trì) và Phố Hiến (Hưng Yên).[1]
Trả thù cho vợ, rồi trốn ra nước ngoài
Năm 1843, vợ ông Khiêm bị một viên chánh tổng hại chết vì chiếm đoạt bà không được. Căm giận, ông giết chết ông này để trả thù cho vợ, rồi trốn đến Phố Hiến, xin làm thủy thủ cho một tàu buôn nước ngoài.[1]
Sau khi lần lượt trải qua Hương Cảng, Anh, Hòa Lan,... cuối cùng ông đến thành phố New Orleans (Hoa Kỳ) vào khoảng năm 1849. Tại đây, ông gia nhập vào đoàn người ô hợp do Mark (người Canada) lập nên, để đi tìm vàng ở miền Viễn Tây Hoa Kỳ.[1]
Năm 1854, chán cảnh hỗn độn, truỵ lạc và cướp bóc ở nơi ấy, ông tìm đến California, làm công việc chạy tin tự do cho vài tờ báo như tờ Alta California, Morning Post, và làm biên tập viên cho tờ nhật báo Daily Evening. Đề tài mà ông thường viết là về cuộc sống đầy hiểm họa và cay đắng của những người khai khoáng ở bắc California và quanh khu vực San Francisco... Kiếm sống như vậy khoảng hai năm, nhân một chuyến tàu sang Hương Cảng, ông xin theo, rồi nhập tịch Trung Quốc.[1]
Trở về nước, tham gia chống Pháp
Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, năm 1854, Trần Trọng Khiêm trở về nước. Nhưng vì sợ bị bắt, nên ông không về quê mà vào Định Tường (Nam Kỳ) để khai hoang lập nghiệp, trong thân phận là một người Minh Hương. Và ông là một trong những người đầu tiên đứng ra khai phá, lập nên làng Hòa An thuộc phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường xưa (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp.[1]
Tại đây, ông tục huyền với một người phụ nữ họ Phan và sinh được hai người con trai, đặt tên là Lê Xuân Lãm và Lê Xuân Lương (lấy tên đệm là Xuân để tưởng nhớ quê cũ của ông là làng Xuân Lũng).
Năm 1864, quân Pháp đã đánh chiếm xong ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, sau đó họ lần lượt mở các cuộc tấn công ba tỉnh miền Tây còn lại. Để cản ngăn quân xâm lược, Trần Trọng Khiêm tình nguyện theo thủ lĩnh Võ Duy Dương (1827-1866) mộ quân chống lại. Sau đó, ông được giao chỉ huy một đội quân, và đã đụng độ với quân Pháp nhiều trận ở Mỹ Trà (nay thuộc thành phố Cao Lãnh), Cao Lãnh, Cái Bè, Cai Lậy.[1]
Tuẫn tiết
Năm 1866, trong một đợt truy quét của quân Pháp do tướng De Lagrandière chỉ huy, đồn quân do Trần Trọng Khiêm cai quản bị thất thủ. Không chịu bị bắt, ông đã tuẫn tiết. Năm ấy, ông mới 45 tuổi. Sau đó, thi hài ông được nghĩa quân chôn cất tại Gò Tháp (nay thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.[1]
Theo Gia phả nhà họ Lê do hậu duệ của Lê Kim (tức Trần Trọng Khiêm) gìn giữ, thì trước khi mất, ông căn dặn vợ lánh qua Rạch Giá gắng sức nuôi dạy con; đồng thời căn dặn các con sau này luôn giữ gìn đạo trung hiếu, đừng trục lợi cầu vinh, đừng tham vàng bỏ ngãi (nghĩa)...
Cảm phục tấm gương "vì nước quên thân" của Trần Trọng Khiêm, có người làm đôi câu khắc trên mộ ông:[3]
- Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh
- Chính khí nêu cao, tinh thần Hùng Nhị còn truyền hậu thế.
Ghi công ông, hiện ở phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên Trần Trọng Khiêm (10,867354°B 106,839801°Đ) nối đường Nguyễn Xiển với đường Mạc Hiển Tích. Ở thành phố Đà Nẵng, tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn có một con đường mang tên Trần Trọng Khiêm, nối đường Lê Văn Hiến với đường Chương Dương.
Trong văn học, nghệ thuật
Cuộc đời sinh động và bi hùng của Trần Trọng Khiêm (tức Lê Kim) được hai nhà văn người Pháp Rene Lefebre và người Việt Nguyễn Hiến Lê chuyên thể loại hư cấu nghệ thuật chuyển tải li kỳ sinh động vào trong hai tiểu thuyết có nhan đề lần lượt là La rueé vers l'or (Đổ xô đi tìm vàng) thuộc nhà xuất bản Dumas, Lyon, 1937 và Con đường thiên lý viết xong năm 1972.
Chú thích
Sách tham khảo
- Nguyễn Hiến Lê, Con đường Thiên lý. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, 2001.
- Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Mục từ "Trần Trọng Khiêm". Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.
Liên kết ngoài
Có một câu hỏi thú vị trong giới: Ai là người Việt Nam đầu tiên làm báo trên đất Hoa Kỳ?
Tìm hiểu để trả lời câu hỏi trên, được biết người ấy đã có quãng đời oanh liệt đáng được tôn kính ở Đồng Tháp.
Vào đầu thập niên 1870, vua Minh Mạng đã cử sứ thần Bùi Viện dẫn đầu phái bộ sang Hoa Kỳ cầu viện. Chuyến đi bằng đường thủy theo ngả Hồng Kông mất chừng 3 tháng, vị sứ thần triều Nguyễn đã gặp được Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Ulysses Simpson Grant. Lúc đầu, phía Hoa Kỳ phát tín hiệu thuận, nhưng sau đổi ý. Lâu nay, nhà ngoại giao Bùi Viện vẫn được nhiều người coi là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Hoa Kỳ.
Nhưng thực tế, trước đó 20 năm, vào khoảng 1849, một người có quê ở vùng Đất Tổ đã tới California - khi miền đất này vừa mới sáp nhập vào Hợp Chủng Quốc, thành bang thứ 31. Người ấy là cụ Trần Trọng Khiêm (1821 - 1866) quê ở làng Xuân Lũng (Sơn Vi, Lâm Thao, Phú Thọ).
Để có cứ liệu tin cậy, người viết bài này đã tìm hiểu các văn bản nói về báo Daily Evening vào thời điểm 1850 - 1853 (một tờ báo của vùng California); về tác phẩm California 1850 của Jamice Marschver; về cuốn sách La rueé vers l or (Đổ xô đi tìm vàng) của nhà văn người Pháp René Lefebre (nhà xuất bản Dumas, Lyon, 1937); tham khảo cuốn tiểu thuyết lịch sử Con đường thiên lý (1972) của nhà nghiên cứu uy tín Nguyễn Hiến Lê; Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam (của Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Bá Thế). Đồng thời, việc tra cứu về lịch sử cận đại của Hoa Kỳ, chỉnh lại cho đúng và hợp lý các số liệu về thời điểm hoạt động cũng như tuổi của cụ Trần Trọng Khiêm cũng đã được thực hiện.
Sinh năm Tân Tỵ (1821) trong gia đình khoa bảng (có người anh là nhà nho Trần Mạnh Trí), cụ Trần Trọng Khiêm có tư chất thông minh, sức vóc cường tráng, tính cách mạnh mẽ, ngay thẳng. Năm 18 tuổi, cụ đã học đủ các môn khoa cử, nhưng không đi thi cao hơn theo đường quan trường.
Năm 20 tuổi, cụ Khiêm lập gia đình với một phụ nữ họ Lê cùng trong tổng. Cưới nhau được gần 3 năm, nhưng vợ chồng vẫn chưa có con. Năm 1843, do thâm thù từ trước không chiếm được người phụ nữ họ Lê về làm lẽ, tên chánh tổng địa phương đã hãm hại bà cùng người lão bộc, rồi đốt nhà phi tang.
Sau khi giết tên chánh tổng gian ác vào đúng ngày giỗ đầu cụ bà họ Lê, trả xong mối thù cho vợ, cụ xuống Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên), với tên gọi Lê Kim, cụ xin làm việc trên một tầu buôn ngoại quốc. Công việc trên tầu đưa cụ qua nhiều nước.
5 năm làm việc trên tầu buôn (kể từ năm 1844), Lê Kim học nói được 4 thứ tiếng (Anh, Pháp, Hoa, Hà Lan). Buổi sáng một ngày của năm 1849, Lê Kim đặt chân tới Hoa Kỳ ở miền Saint Louis bên bờ sông Mississipi. Đến New Orleans thuộc tiểu bang Lousiane, cụ gặp nhiều người di cư đi tìm miền đất hứa: người da trắng châu Âu, người Hoa, thổ dân Da Đỏ, Mễ Tây Cơ (Mehico), Trung Cận Đông... Trong số họ, có một người đến từ Gia Nã Đại (Canada) tên là Maxk mang tư chất thủ lĩnh. Maxk đứng ra tập hợp được 60 người lập thành đoàn đi Miền Tây tìm vàng. Nhờ biết nhiều thứ tiếng, lại nhanh nhẹ, cử chỉ đĩnh đạc đường hoàng, Lê Kim được Maxk chọn làm người thông ngôn kiêm trợ lý.
Chuyến đi vô cùng gian khổ, nhiều người đã chết trên đường bởi đói khát, tật bệnh, thú dữ cùng những tính xấu nẩy sinh của con người khi gần với vàng. Sau khi tách đoàn (số đông đi về phương bắc), nhóm hướng về phương nam chỉ còn 8 người (trong đó có Maxk và Lê Kim).
Đồn Sutter bên bờ sông Sacramento là đồn nổi tiếng và lớn nhất vùng California khi ấy. Tên của người chỉ huy (Đại úy Sutter) đến từ Canada được lấy đặt cho đồn. Thấy Lê Kim là người châu Á, biết nhiều thứ tiếng, phong cách lịch thiệp, Sutter rất thiện cảm, cho đi thăm cơ sở của mình. Nhờ đó, Lê Kim biết được cách xây đồn cùng tổ chức bố phòng.
Sớm nhận thấy mặt trái của vàng cùng những hệ lụy của xã hội hỗn canh hỗn cư, 2 năm sau, vào năm 1850, Lê Kim đi tìm công việc mới. Lúc đầu làm cộng tác viên chạy tin bài cho các tờ báo địa phương: Alta California, Morning Post; sau đó, được nhận vào làm trong Tòa soạn báo Daily Evening với bút danh Lee Kim. Trong các bài viết, ký giả Lee Kim thường miêu tả phong cảnh thiên nhiên hoang dã ở Miền Tây, cuộc sống cùng cực của dân đào vàng, đồng thời phê phán tác hại của vàng, cảnh báo những bi kịch xã hội trong tương lai...
Như vậy, cụ Trần Trọng Khiêm là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới nước Mỹ và cũng là ký giả đầu tiên của nước ta tới tác nghiệp ở đây.
Tháng 11/1853, lần cuối cùng người ta thấy Lê Kim ở vùng Berkeley thuộc đất Hoa Kỳ.
Quá mệt mỏi với cuộc sống hỗn loạn nơi đất khách, nỗi nhớ quê nhà luôn cánh cánh trong lòng, cụ Trần Trọng Khiêm quyết định hồi hương. Đến Hồng Kông, cụ nhập tịch Trung Quốc, rồi về Việt Nam trong thân phận người Minh Hương (người Hoa di cư) với họ tên là Lê Kim. Năm 1854, Lê Kim về tới Nam bộ, liền bắt tay ngay cùng bạn bè khai khẩn đất hoang lập nên ấp Hòa An thuộc phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường (nay là Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp).
Cụ Khiêm lập gia đình với người phụ nữ Nam bộ họ Phan, sinh hạ được 2 người con trai đặt tên là Lê Xuân Lãm và Lê Xuân Lương. Lấy chữ Xuân để nhớ về làng Xuân Lũng.
Công việc và đời sống đang được dần dần ổn định thì thực dân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ (1864) gây ra biết bao đau thương, tang tóc. Cụ đã cùng nhà yêu nước Thiên Hộ Võ Duy Dương chiêu mộ được tới hàng ngàn nghĩa binh, lập căn cứ chống Pháp ở Đồng Tháp Mười. Nghĩa quân có liên hệ với các phong trào yêu nước của Trương Công Định, Thủ Khoa Huân... Tài bắn súng học được của các cao-bồi thực thụ ở Miền Tây Hoa Kỳ, kinh nghiệm xây đồn đắp lũy của Đại úy Sutter được vận dụng. Vốn ngoại ngữ được dùng vào việc binh vận. Nghĩa quân đã đánh nhiều trận ở Cai Lậy, Mỹ Trà, Cao Lãnh... Về sau, viên tướng người Pháp là De Lagrandiere đã dùng lực lượng lớn tấn công vào Đồng Tháp Mười. Nghĩa quân bị tổn thất nặng nề rồi thất bại. Không để mình bắt, rơi vào tay giặc, nhà lãnh đạo nghĩa quân Lê Kim đã tuẫn tiết vào năm 1866, hưởng dương 45 tuổi.
Thi hài của cụ được nghĩa quân mai táng ở Gò Tháp. Trên bia mộ có ghi: Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh/Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế.
Tiến sĩ Chu Huy Sơn
* Theo Đồng Tháp Nhân vật chí, cụ Trần Trọng Khiêm sinh năm 1821, mất năm 1866.
No comments:
Post a Comment