Friday, June 23, 2023

Trại LLĐB Gia vực và TĐ 70 BĐQ Biên Phòng

Địa danh Gia vực rất xa lạ không những với người dân ‘thị thành’ mà cũng còn với các quân nhân QLVNCH nếu không phục vụ tại Vùng 2 Chiến Thuật ..Trong loạt bài viết về các Trại LLĐB trấn giữ biên giới và các Tiểu đoàn BĐQ Biên phòng, bài Gia vực được lấy từ một nguồn cảm hứng thật đặc biệt : Tập sách “Qua đồi Trinh nữ” của Thảo Nguyên, một truyện dài ‘rất thật’ mà tác giả (một cựu Sĩ quan CTCT) đã kể lại trong gần 500 trang sách ..Tập sách đã được rất nhiều đọc giả khen ngợi như một tác phẩm hiếm hoi viết về chiến tranh với những tình tiết lãng mạn ..khá lôi cuốn ..



LUC LUONG DAC BIET GIA VUC 2

  • Vài đặc điểm địa lý :
  • Vị trí :

Gia vực là một xã của Quận Ba tơ, Tỉnh Quảng Ngãi (Quảng Ngãi có ba tỉnh

miền núi là Minh Long, Sơn Hà và Ba tơ) Gia vực nối với Ba tơ bằng QL 24.

Về phương diện hành chánh Xã Gia vực chỉ có 4 ấp đánh dấu bằng A, B,C và D

nằm gọn trong một khu lòng chảo có núi non bao quanh Trại LLĐB Gia vực nằm cách Quận lỵ Ba Tơ 18 km về phía Tây- Tâynam ; cách LZ English 56 km phía Tây Bắc ..

Phi trường Gia vực :có phi đạo đất nện dài 3200 ft , các C-123 có thể đáp xuống.

Trại cũng kiểm soát TL 5 nối KonTum và Quảng Ngãi

Sông Rê tuy cạn vào mùa khô không thể di chuyển bằng thuyền nhưng lại dâng cao và chảy xiết trong mùa nuớc lũ

  • Dân tộc :

Người Hre có thể được xem như một nhóm dân sắc tộc thiểu số đặc biệt , sinh sống tập trung trong các vùng cao nguyên Bình Định và Quảng Ngãi. Trong

những thế kỷ trước, dân Hre đã từng tấn công xuống các khu cư dân Việt ven biển cướp phá gia súc bắt cả phụ nữ và trẻ em Kinh..Sự pha trộn sắc tộc qua nhiều thế hệ đã tạo một sắc dân khoẻ mạnh và thông minh hơn nhiều sắc dân Thượng khác và không được cảm tình của dân Việt vùng Đồng bằng. Phụ nữ Hre có sống mũi thẳng, không tẹt kiểu Việt , có người da trắng và đôi khi tóc hung. Khi chính quyền Hồ Chí Minh thành lập năm 1946, họ phong 2 bộ trưởng gốc Hre để mua chuộc các sắc dân Thượng.. Trong 2 năm kế tiếp vì chưa đủ

cán bộ, VM để người Hre ‘tự trị’, sinh sống theo tục lệ cổ trong khu vực thung lũng sông Rê (kể cả Gia vực) nhưng sau đó VM đã tổ chức lại hành chánh và quân sự kiểu Công sản và đưa di dân cùng cán bộ lên khu vực. Để đối phó với các cuộc nổi dậy của người Hre, VM đưa quân đàn áp,, và người Hre ngả sang phe Pháp…

Khi LLĐB Mỹ lập Trại , còn một số người Hre nói tiếng Pháp.

Dân số hiện nay khoảng 120 ngàn ( CSVN ngày nay còn gọi là Chăm rê) tập trung tại Quảng Ngãi, còn giữ tập tục nhai trầu và đập răng..

  • Gia vực trong trận chiến Pháp-Việt minh

Tháng 8 năm 1945, khu vực rừng núi các tỉnh Bình-Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam do Việt Minh(VM) kiểm soát, họ đã thành lập 2 tiểu đoàn dân quân Hre hoạt động trong vùng Ba Tơ-Minh Long..(Đây là tiền thân của đội du kích Ba tơ) Năm 1946, Lực lượng viễn chinh Pháp tại Viễn Đông (Corps Expedition naire Francais en Extreme-Orient=CEFEO) bắt đầu tấn công tái chiếm các khu vực đồng bằng miền Trung và chỉ mới chiếm lại được vài tiền đồn trong các vùng xa xôi. Năm 1949, VM đã loại hết các Già làng Hre, chia đất cho người Kinh từ Quảng Ngãi đến và xung dân Hre vào các đoàn dân công..Người Hre nổi dậy, chống đối và kéo chạy về đồn Tây Kon Plong để nhờ Pháp bảo vệ..Mãi đến tháng 4 năm 1951, Pháp mới có nhân lực để quy tụ các bộ tộc Hre, tổ chức thành một lực lượng quân sự chống VM, lúc đầu gồm khoảng 200 dân quân Hre đang tạm ngụ tại Kontum và chỉ hoạt động giới hạn trong vùng Sơn Hà-Vi muk. Ngày 8 tháng 8 năm 1951 VM đánh chiếm đồn Kon Plong, Pháp phải mở cuộc hành quân nhảy dù dùng TĐ2 Dù Pháp (2 BEP) để tái chiếm, dùng thêm một toán quân phụ thuộc (supplétifs) Hre bọc hậu đẩy được VM khỏi vùng thung lũng sông Rê và quy tụ dân về lại lập ấp nhưng sau đó VM dùng 2 Trung đoàn 108 và 803 chiếm toàn bộ vùng núi Quảng Ngãi, Pháp đem khoảng 700 quân Hre và gia đình chạy về Kontum. Năm 1952, có thêm quân tăng viện, Pháp tái tổ chức thân binh (partisan), đóng tại Gia vực và tháng 4-52, vượt sông Rê .. chiếm Ba Tơ, VM rút chạy bỏ lại kho tàng và cơ sở của Tr đ 108 VM.. quân Hre rút lại về Gia vực…Đến cuối 1952 Pháp đã tổ chức được một đạo quân Hre, và lính Việt (Bảo chính đoàn) lên đến 1500 quân hoạt động lưu động tại Quảng Ngãi và đến cả quanh Đà Nẵng.. chuyên đánh du kích chống quân VM khá hữu hiệu.. Đến 1954, lực lượng Hre tập trung về vùng Gia Vực và một số gia nhập quân địa phương VNCH (lực lượng Bảo an).

  • Gia vực : Trại LLĐB

Trại Gia vực được LLĐB Mỹ (SF) thiết lập vào tháng Hai năm 1963 (A-729), lực lượng CIDG căn bản của Trại là người Hre. Đây là một trong những trại đầu tiên SF lập tại Vùng 1, trên vị trí đồn Kon Plong (cũ) sau khi tập trung được quanh Gia vực trên 1500 dân Hre và 300 dân Việt. Trại gần sông Re, nằm trong Quận Ba tơ thuộc Tịnh Quảng Ngãi, cách Đà Nẵng khoảng 80 miles vế phía Tây-Nam: khi thiết lập Trại thuộc Vùng 2 nhưng đến 1964 VNCH điều chỉnh lại biên giới các Vùng và Gia vực chuyển sang Vùng1 và là Trại cực Nam của Vùng 1 với nhiệm vụ chính là phòng thủ biên giới và canh chừng VC xâm nhập từ phía núi xuống. Bãi mìn phía trước trại còn sót lại nhiều quả mìn chôn, gài từ thời Pháp .Theo tài liệu của 5th SF ghi lại thì các Toán chịu trách nhiệm điều hành Trại thay đổi : A-112 (tháng 12-64) A-103 (tháng 10-63 đến 2-69) Trại có đặt 5 tiền đồn phòng thủ từ xa tại các cao điểm cách 8-10 km quanh vùng. Ngoài toán A-103 SF với 12 quân nhân Mỹ còn có một toán A LLĐB VN với 9 quân nhân ..Khi thành lập Trại có quân số khoảng 515 CIDG , đa số người Rhe, chia thành 4 đại đội, 2 trung đội trinh sát và một toán dân sự vụ

Lực lượng trú phòng tuy không trang bị đại bác 105, nhưng thay vào đó là nhiều vị trí đặt súng không giật 106 ly..

Trại đôi khi chịu pháo kích của CQ bằng súng cối.

Theo đánh giá của LLĐB Mỹ thì trại Gia vực là một trong những trại được xem là thành công nhất về phương diện dân sự vụ và bình định (?) có lẽ vì hầu như không bị CQ tấn công trong suốt khoảng thời gian 1965-1970 !.

Từ Gia vực, LLĐB Mỹ đã mở nhiều cuộc hành quân về Ba Tơ và các đại đội cơ hữu của Trại đã nhiều lần hành quân trợ giúp các Trại khác trong vùng Quảng Ngãi. Các toán thám sát LRRP (Long Range Reconnaissance Patrol) cũng dùng Gia vực làm nơi xuất phát .

Các CIDG gốc Hre cũng tập họp thành một Đại đội riêng trong lực lượng Mike : ĐĐ 12 Mike, tham dự trận Lang Vei (tháng Giêng 1968).

Các cuộc chuyển quân (trực thăng )và tiếp vận thường bằng máy bay C-123 và mất 45 phút bay đi và đến từ Đức Phổ (Quảng Ngãi)

KQHK đã mất 2 phi cơ C-123 trong các phi vụ tiếp tế và yểm trợ cho Gia vực:

– 23 tháng 7 năm 1964 : C-123 B (SN#56-4383) phi vụ thả hỏa châu, gặp nạn khi đáp, chạy khỏi phi đạo đâm vào một dãy nhà, 4 nhân viên phi hành an toàn nhưng phi cơ hư hại hoàn toàn.

– 20 tháng 7 năm 1967 : C-123 B (SN#54-0630), phi vụ tiếp tế, trúng đạn phòng không CSBV lúc bay ở cao độ 150 ft trên phi trường, bốc cháy, 5 nhân viên phi hành tử nạn trong đó có Tr sĩ áp tải viên Lê tấn Bộ của KQVNCH

* Hành quân Pershing (tháng 8 1967)

Liên quân Việt-Mỹ đã mở cuộc hành quân Pershing tảo thanh vùng biên giới các Tỉnh Bình Định Quảng Ngãi, Tham dự hành quân gồm các lực lượng của SĐ 1 Không Kỵ HK, Lữ đoàn 3 /SĐ 25 HK, SĐ 22 BB VNCH và SĐ Mãnh hổ Nam Hàn (giới hạn trong Tỉnh Bình Định). Cuộc hành quân kéo dài từ 12 tháng 2 năm 1967 đến 19 tháng Giêng 1968.

Trong khuôn khổ cuộc hành quân này SĐ 1 Không kỵ đã tiến vào vùng Thung lũng Sông Rê từ ngày 7 tháng 8, và dùng Trại Gia vực như một căn cứ chỉ huy và tiếp liệu..

Kế hoạch của Tướng John Tolson là lập một căn cứ hỏa lực cấp Đại đội tại Bãi đáp Landing Zone Pat cách Gia vực khoảng 15 km về hướng Bắc và đặt tại đây một pháo đội 105 (dự trù là Pháo đội C của TĐ 2/ Trung đoàn 19 Pháo binh HK) để từ đây tảo thanh, lùng và diệt CQ trong Thung lũng sông Rê.

Sau hai ngày tiến quân không gặp kháng cự, cuộc đổ quân trực thăng vận được tiến hành vào ngày 9 tháng 8 . Chịu trách nhiệm chuyển vận đổ quân là do TĐ 229 Aviation của Lục quân Hoa Kỳ.

Từ Gia vực các toán trinh sát nhảy vào khu vực hành quân , thới tiết rất tốt, không mây. 7 giờ 30 sáng , ĐĐ B/TĐ2/8 Không kỵ vào bãi đáp Lou, làm vị trí tiền tiêu bảo vệ cho Căn cứ Pháo binh và Bộ Chỉ huy TĐ, ĐĐ A/2 được trực thăng vận vào LZ Pat lúc 9 giờ 45 chiếm vùng triền núi giữa các đổi 450 (Tây-Bắc) và 625 (Tây-TâyNam), khu vực này đủ rộng để làm bãi đáp cho 6 trực thăng cùng một lúc. Cuộc đổ quân bắt đầu theo dự trù từng đợt, chia thành 4 đợt, mỗi đợt 6 chiếc Huey và mỗi chiếc chuyển vận 5 binh sĩ.. Đợt đổ quân đầu tiên gồm Trung đội 1, bộ chỉ huy đại đội sẽ chiếm ngự và bảo vệ phía Nam LZ; đợt thứ nhì đổ Tr đội 2 bảo vệ phía Bắc và sau đó là Tr đội súng nặng trong đợt ba, sẽ đặt các ổ súng cối, cùng 2 đại liên để bảo vệ đợt sau cùng đổ nốt Tr đội 3… Sau khi dọn bãi bằng 105 yểm trợ tu Gia vực , cuộc đổ quan tiến hành với 2 trực thăng võ trang yểm trợ trên không..

Hai trực thăng võ trang chỉ huy cuộc đổ quân do các Th tá Harvey và Đ úy Thompson bay quần trên đồi 450 trúng đạn phòng không và rơi khẩn cấp, chiếc của Đ úy Thompson bốc cháy, nổ khi chạm đất còn chiếc của Th tá Harvey đáp (crash landing) xuống chân đồi 450…4 trực thăng tiếp cứu đã bay ngay từ Gia vực vào vùng (Tiểu đoàn 107 Phòng không CSBV đã di chuyển từ Quảng Ngãi vào khu vực từ tháng 4 và lập trận địa tại vùng Thung lũng sông Rê từ tháng 6. Đại đội 3 của TĐ này đã chọn nơi đặt các súng phòng không tại một khu vực ‘yên ngựa’ giữa hai đồi 625 và 450. TĐ 107 này trang bị 12 khẩu 12 ly 7 , được bảo vệ bởi Tiểu đoàn 120 Thượng cộng. Ngọn đồi CQ chiếm ngụ có tầm quan sát bao trùm LZ Pat, tại đây có 3 khẩu 12.7 do 80 quân phòng không điều khiển cùng 80 thượng cộng trang bị cối 82 và SKZ 57.. Hai TĐ CQ trú đóng cách LZ Pat khoảng 5 km)

Các trực thăng võ trang bao quanh khu vực 2 phi cơ bị rơi, các khu trục A-6 của HQ và TQLC Mỹ oanh kích liên tục..trong các phi vụ tiếp cứu, thêm một trực thăng võ trang trúng đạn và bị rơi..

Trong lúc các trận đánh diễn ra dữ dội quanh LZ Pat suốt từ sáng đến trưa thì tại Gia vực các hoạt động của KQHK diễn ra liên tục : các C-123 của KQ và Caribou của Lục quân chở đến đạn pháo binh, rockets và đạn nhỏ ..Các trực thăng vận tải CH-47 Chinooks, trực thăng cần cẩu CH-54 mang đến nhiên liệu..

(Đặc biệt nhất là trong trận này Lục Quân HK thử nghiệm việc dùng loại ACH-47A , trang bị 5 đại liên .50, 2 đại bác 20, 2 ống phóng rocket 2.75 inch và 1 giàn phóng lựu 40 ly để yểm trợ cho toán quân Mỹ đang chiến đấu tại LZ Pat)

CQ tiến đến bao vây toán quân Mỹ… Nhờ trực thăng võ trang bao vùng và pháo binh yểm trợ , quân Mỹ không bị tràn ngập.. khi CQ rút , bên Mỹ có 11 tử trận và 27 bị thương. 73 CQ bị hạ.. Trận LZ Pat chấm dứt ngày 10 tháng 8.


  • Gia vực và TĐ 70 BĐQ Biên phòng

Trại Gia vực được SF bàn giao lại cho LLĐB vào 31 tháng Giêng năm 1969, lúc này dân số Xã Gia Vực khoảng 6500 người (Việt và Hre). Một toán liên lạc SF vẫn ở lại đến khi 460 Dân sự Chiến đấu được chuyển đổi thành TĐ 70 BĐQ ngày 30 tháng 9 năm 1970 trực thuộc Liên đoàn 11 BĐQ cùng các TĐ 68 (CIDG của Trại Minh Long) và 69 (CIDG Trại Ba tơ)]

Khi Trại được bàn giao, các CIDG đã được gửi đi huấn luyện tại Dục Mỹ và cải biến thành Biệt Động Quân biên phòng, một TĐ BB của SĐ 22 tạm trấn đóng và tình hình an ninh quá khả quan nên Trại được giao lại cho một Đại đội ĐPQ của Quận Ba Tơ trần giữ cùng một Trung đội Nghĩa Quân Hre..cho đến khi TĐ 70 BĐQ hoàn tất huấn luyện trở lại trấn giữ.

Tác giả Thảo Nguyên (trong tác phẩm ghi trên) có ghi một đoạn đáng chú ý : (trang 67)

“ Tiểu đoàn mình (70) đóng ở đây tuy không phải là biên giới giữa hai nước nhưng là biên giới giữa ta và địch, mà cái biên giới đó thật không rõ ràng. Hồi trước Ông Tướng Tư Lệnh SĐ lên đây, tôi có xin thêm đạn ngoài cấp số để phòng thủ..Ông nói: VC nó đánh TĐ anh ..làm gì. Một TĐ anh ở đây nuôi nổi cả Trung đoàn của nó, nó chưa đánh vội đâu ! [có thể đây là lý do CQ không tấn công Gia vực ?]

CSBV bắt đầu tấn công vùng núi Quảng Ngãi từ tháng 8 năm 1974.. Chi khu Minh Long do 2 Đại đội ĐPQ trấn giữ bị Trung đoàn 52 CSBV đánh chiếm ngày 17 tháng 8, các tiền đổn do 15 trung đội Nghĩa quân Quận đóng chốt bị pháo CQ tàn phá. Trung đội Pháo binh Chi khu bị hủy.. Lực lượng tiếp viên gồm 3 TĐ BB không phá nổi vòng vây của CQ. Sau khi Minh Long thất thủ, ba ngày sau, Tướng Trần văn Nhật xin Tướng Trưởng cho phép rút TĐ 70 BĐQ khỏi Gia vực, lúc này hoàn toàn bị cô lập và đang bị CQ đe dọa, Tướng Nhật cũng muốn rút các TĐ 68 khỏi Sơn Hà và 69 khỏi Trà Bồng..

Tướng Trưởng .. không dám quyết định vì không được SaiGon cho phép (?)

Ngày 19 tháng 9 năm 1974, huy động 1 Tr đoàn BB (các TĐ 8 và 406 CSBV), cùng Đặc công, Pháo các loại, có xe tăng yểm trợ đã tấn công Chi khu cùng Trại Gia vực CQ pháo kích liên tục và dùng BB tấn công 5 tiền đồn bị mất nhưng quân trú phòng phản ứng quyết liệt và tái chiếm ngay trong ngày..Thời tiết xấu, TĐ 70 không nhận được phi pháo yểm trợ: 50 binh sĩ hy sinh và số bị thương lên cao, không tản thương .. các chiến sĩ chiến đấu trong vô vọng và toàn bộ các cứ điểm phòng thủ bị tràn ngập ngày 21 tháng 9. TĐ 70 BĐQ đã chiến đấu đến cùng , Đ úy Trần Nghĩa TĐ Phó hy sinh cùng trên 200 quân tử thủ, chỉ 21 chiến sĩ sống sót phân tán tìm về Kontum và Quảng Ngãi và TĐ được tái tổ chức và bổ xung ..

Đầu năm 1975, việc phòng thủ Tỉnh Quảng Ngãi được giao cho Trung đoàn 6/SĐ 2 BB và LĐ 11 BĐQ (gồm các TĐ 68, 69 và 70)

Tác giả William LeGro trong “VietNam from Cease-Fire to Capitulation” ghi lại :

Tháng 3-75:

.. “ Tình hình Quảng Ngãi nguy ngập, tuy các đơn vị BB của Tr đoàn 4 đã khai thông được QL1 trong Quận Bình Sơn, nhưng về phía Tây Bình sơn, CQ đã tấn công vào đoàn dân quân rút khỏi Trà Bồng, TĐ 69 BĐQ bị phục kích và tan rã. CQ tấn công vùng Nam Đức Phổ, cắt đứt QL1 cô lập Sa Huỳnh nơi TĐ 70 BĐQ trấn giữ cùng TĐ 137 ĐPQ Khi Quảng Ngãi thất thủ cùng toàn bộ Quân Đoàn I .. TĐ 70 BĐQ .. tan hàng vì hoàn toàn mất liên lạc với các cấp chỉ huy (?) (TĐ Trưởng sau cùng là Đ/úy Hoàng Trọng Khải)

Trần Lý 4-2020

No comments:

Post a Comment