Thursday, December 7, 2023

Một Chuyến Công Tác Đặc Biệt


Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thành lập ra mục đích để bảo vệ Tổ Quốc. Và chống lại sự xâm lăng của bọn cộng sản miền Bắc, lợi dụng sự tự vệ của QLVNCH có giới hạn trong phạm vi lảnh thổ theo hiệp định Geneve 1954. Nên bọn cộng sản miền Bắc được sự yểm trợ của cộng sản Quốc tế cứ gia tăng liên tục tấn công miền nam Việt Nam. Vì  lý do đo Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH đã quyết định thành lập những đơn vị đặc biệt để tấn công lại kẻ thù ngay tại hậu phương hay tại các mật khu của chúng.
 

Bộ phận thứ: I- Là xâm nhập bằng đường bộ với sự yểm trợ và hợp tác của Không Quân. 

Bộ phận thứ: II- Là xâm nhập bằng đường biển, có tên gọi là Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Trong Sở PVZH gồm có hai Lực Lượng; Hải Tuần và Biệt Hải, tất cả nhân viên LL Hải Tuần là do Bộ Tư Lệnh Hải Quân biệt phái qua Sở PVZH đặt dưới quyền Chỉ Huy của Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật. 

Lực Lượng Biệt Hải là đơn vị được huấn luyện để xâm nhập, đánh phá đồn bót và bắt cán bộ cộng sản ngay tại miền Bắc để lấy tin tức, hầu ngăn chận kịp thời những sự di chuyển quân của cộng sản Bắc Việt. Các quân nhân của Lực Lượng Biệt Hải được tuyển chọn từ các quân binh chủng trừ bị: Nhảy dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Ðộng Quân và Người Nhái Hải Quân cùng một số khá đông anh em Dân sự mà đa số là người Bắc di cư 1954, với điều kiện là tình nguyện. 

Sau khi được tuyển chọn kỹ lưỡng về lý lịch cá nhân cũng như sức khỏe, các tân khóa sinh Biệt Hải phải trải qua một khóa huấn luyện hết sức cam go và khắc khổ, khóa học nầy không nằm trong chương trình của Cục Quân Huấn QLVNCH. Mà hoàn toàn đều do các cố vấn Mỹ huấn luyện theo chương trình UDT-Seal hầu để thích nghi với chiến tranh ngoại lệ. Không phải dễ dàng để trở thành người quân nhân Biệt Hải, mà còn đòi hỏi phải có một sự kiên nhẫn chịu đựng trong suốt thời gian thụ huấn, cộng với sức khỏe. Muốn trở thành một quân nhân Biệt Hải phải đi qua hai món ăn chơi đó là: Tung mây lướt gió (Nhảy dù) và xữ dụng bình hơi (Người Nhái) bởi vậy người Biệt Hải rất đa dạng, lúc cần có thể xữ dụng về đường bộ hay đường biển, nhưng sở trường vẫn là xâm nhập đường biển. 

Sau ngày mãn khóa căn bản Biệt Hải, cộng thêm khóa dù và khóa người Nhái thì  lúc đó các khóa sinh mới trở thành người Biệt Hải chuyên nghiệp, với quân phục được cấp phát gồm có 2 bộ áo “rằn ri ” và một nón đỏ do quân nhu quân lực VNCH, 2 bộ quần áo Biệt Kích do phía cố vấn Mỹ cấp phát. Nói tóm lại tùy theo từng cá nhân muốn mặc đồ của quân binh chủng gốc hoặc mặc đồ Biệt kích kể cả một số thích được mặc đồ thường phục sau giờ xuất trại, trong thời gian đầu khi còn ở các trại lẻ tại Mỹ Khê mỗi lần khóa sinh xuất trại bắt buộc tất cả phải có đồ dân sự trưởng toán mới đưa giấy phép bằng không thì  phải ở lại trại, vì để bảo mật cho các công tác xâm nhập nên LL Biệt Hải không hề có phù hiệu, bởi vậy khi các đơn vị bạn nhìn vào quân phục của Biệt Hải không biết họ là đơn vị nào? 

Các quân nhân Biệt Hải được phép mặc thường phục hoặc quân phục và được đi trong giờ giới nghiêm. Giấy phép do Ðại Tá Tỉnh Trưởng Quảng Nam Ðà Nẵng cấp, đối với dân địa phương ở Ðà Nẵng hay bán đảo SơnTrà thường gọi chúng tôi là Biệt kích Nhái, những lúc thời tiết miền Bắc biển động các toán thay phiên  nhau đi công tác ở các Mật khu cộng sản tại miền Nam, người dân ở miền đó họ hay gọi chúng tôi là lính Dù. Ðiểm đặc biệt là mỗi lần công tác dù Bắc hay Nam thì  đồ ngụy trang được mặc duy nhất  vẫn là bộ bà ba đen và đi chân đất hoặc giày bata. Còn người dân miền Bắc thì  thường gọi chúng tôi là cán bộ của  Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc.

Tôi còn nhớ vào dịp Trung Thu năm 1967, toán Numbus được chỉ định đi công tác xâm nhập vào vùng Thanh Hóa. Ðối với LL Biệt Hải bất kỳ chuyến công tác nào cũng là đặc biệt cả, nhưng có lẻ chuyến xâm nhập  lần nầy có một vài điểm khác lạ hơn các chuyến khác vì  một lúc phải làm 2 nhiệm vụ: Ðó là bắt cóc cán bộ địa phương đưa về Nam để khai thác tin tức, ngoài ra toán còn được giao thêm phận vụ Tâm Lý Chiến, vì lúc đó sẵn dịp Tết Trung Thu nên chúng tôi phải mang những gói quà biếu tặng  của  MẶT TRẬN GƯƠM THIÊNG ÁI QUỐC cho các em miền Bắc như lệnh trên giao phó ( trong đó hình như là vải vóc, áo quần, bánh kẹo và radio.v… Vì những thứ  nầy đã được  gói sẵn trong  bọc nylon rất kín đáo vì sợ thấm nước, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ đem đi).

Ðể chuẩn bị cho chuyến công tác được thành công. Toán đã thực tập rất chu đáo, được chỉ dẫn phận vụ của từng người trên mặt sa bàn, và nghiên cứu cẩn thận vào các tấm hình không ảnh, ban ngày thì toàn đội tập vượt sóng, bơi lội, chèo thuyền cao su. Ban đêm thực tập đổ bộ, cứ như thế liên tục suốt trong vòng một tuần. Lần thực tập cuối cùng trước khi ra đi là đổ bộ toán vào vùng cửa Ðại, Hội An (vùng nầy ban đêm hoàn toàn do địch kiểm soát) Vì chương trình huấn luyện bắt buộc phải tìm một địa điểm ở trong Nam tương tự như miền Bắc để cho nhân viên dễ dàng làm quen được với địa thế. nhưng đắng cay làm sao cứ mỗi lần đi thực tập đổ bộ vào quanh vùng cửa Ðại, thì toán đều bị chạm địch hoặc mất tích.

Cũng như những chuyến trước, toán Numbus được các chiến đĩnh PTF đưa từ Ðà Nẵng ra đến vùng biển Thanh Hóa, trên đường di chuyển tới mục tiêu. Anh em Hải Tuần có nhiệm vụ điều khiển Chiến- Hạm, riêng anh em toán chúng tôi phải ở dưới khoang hầm nằm ngủ hay nghỉ  ngơi để lấy sức chuẩn bị cho chuyến xâm nhập vào bờ trong một vài giờ sắp tới. Nói vậy chứ chẳng có ai chợp mắt được tâm trí lúc bấy giờ rối bời như mớ bòng bong, có  cả hằng trăm chuyện để mà lo lắng suy nghĩ, nào là vợ con, cha mẹ, người yêu.v.v.. Và rồi không biết chuyến xâm nhập lần nầy còn có cơ may để trở về Nam gặp  lại những người  mà mình đang suy nghĩ  hay không? hoặc là công tác tối nầy có đạt được thành quả như sự mong muốn của cấp trên và ngay chính cả anh em chúng tôi nữa, chưa nói đến bản tính nóng giận bất thường của trời đất. 

Vì trước đây đã có nhiều chuyến khi hành động xong nhiệm vụ toán rút ra bờ biển tìm đường để lội ra xuồng cao su, và từ đó dùng làm phương tiện chở toán ra chiến đĩnh PTF đang đậu chờ ngoài khơi, thì  đột  nhiên giông gió thổi tới bất ngờ  những đợt sống cứ liên tục dâng cao trắng xóa cả một vùng như tuyết, tệ hại hơn nữa là có những lần toán  đã bại lộ mục tiêu và đang bị chúng bao vây rượt đuổi sau lưng, khi anh em thoát ra được tới bờ biển nỗi vui mừng vừa mới chớm nở, thì lại trông nhìn thảm cảnh sống gió trước mắt mà lòng cảm thấy ngao ngán, lúc đó mạnh ai người nấy cố sức lội ra tới xuồng để tìm con đường sống, sau đó trưởng toán mới gọi ám số hoặc tên thật từng anh em để kiểm soát ai còn ai mất. 
 

Vì vùng công tác quá xa xôi, không có phương tiện yểm trợ hơn nữa chỉ hoạt động qua đêm, thời hạn ấn định cho nhiệm vụ phải hoàn tất trong vòng 5 hay hoặc 6 tiếng đồng hồ, và cũng nên biết sự kiểm soát an ninh phường khóm của công an miền Bắc rất kỹ, khác hẵn ở miền Nam nên rất khó trà trộn, toán bắt buộc phải rời khỏi vùng công tác trước khi mặt trời mọc, hoặc nếu trể giờ hẹn có thể  chiến đĩnh PTF sẽ di chuyển khỏi địa điểm vì vấn đề an toàn, kế đến là  lo sợ dân chúng ở địa phương phát giác, và họ sẽ đi báo cho công an hơn nữa vùng hoạt động nằm dọc theo bờ biển, bởi vậy không có địa thế thích hợp để ẩn trốn một khi bị sa cơ, như vậy kể như cuộc đời đã kết thúc, chưa nói đến những chuyện không may có thể xảy ra như trong số anh em có người bị thương chẳng hạn. Những giây phút nguy hiểm đó bốn chữ “sinh Nam, tử Bắc” đều hiện rõ nét trong đầu, nhưng hầu hết tất cả anh em toán vẫn luôn xác quyết với một niềm tin là phải tranh đấu cho sự sống còn ở trong mọi tình huống.

Ðang lúc còn suy nghĩ  vẫn vơ thì giấc ngũ bổng đến tự  lúc nào không hay, có lẽ vì  quá mệt mỏi 8 anh em  chúng tôi chia nhau ngồi dưới hầm tàu chu vi không mấy được rộng, chiến đĩnh PPF vẫn phóng nhanh hết tốc độ thỉnh thoảng  những đợt sóng đập vào lườn tàu rất mạnh đôi lúc làm mọi người tung lên khỏi chổ mình ngồi, hơn nữa mùi dầu máy bốc lên cũng gây rất khó chịu một vài anh em đã phải ói mữa trông thật bơ phờ. Bỗng một tiếng còi vang lên đã làm tĩnh thức mọi người, báo hiệu cho toán mục tiêu đã sắp sửa tới, có lẽ theo sự suy nghĩ của tôi, vì ý Hạm Trưởng muốn cho anh em có chút thì giờ để chuẩn bị kỹ càng hơn, đồng hồ lúc đó đúng gần 9 giờ tối, chúng tôi kiểm soát tất cả đồ trang bị cá nhân lại một lần cuối trước khi rời khỏi hầm tàu đi về phía sau lái PTF, và  rồi cùng nhau hợp lực với hai người bạn điều khiển xuồng cao su xem xét lại cẩn thận (xuồng cao su được chia làm thành 6 ngăn, 2 ngăn dưới lườn, và 4 ngăn ở trên được bơm bằng hơi, mục đích để giữ cho xuồng an toàn nếu lỡ bị trúng đạn ở ngăn nào hoặc giả thử có xì hơi, các ngăn còn lại vẫn giữ vững thế thăng bằng, và xuồng cao su được xữ dụng bằng một loại máy giảm thanh (40 hp Johnson, chạy bằng xăng có pha nhớt) vào lúc đó chiếc chiến đĩnh PTF giảm bớt tốc độ, từ từ tiến vào mục tiêu, và rồi tới điểm dừng lại Hạm Trưởng đứng trên phòng lái phóng thanh ra lệnh cho toán chuẩn bị đổ bộ, hai chiếc xuồng cao su được các anh em Hải Tuần tới trợ giúp thả xuống hai bên mạn tàu ở phía sau chiến đĩnh, tiếp theo đó tất cả anh em toán tuần tự leo xuống ngồi theo vị thế đã được chỉ định trước khi đi nên rất gọn gàng và nhanh chóng. 

Phận sự hai tài công  phụ trách lái 2 xuồng cao su liền cho nổ máy chạy theo sự hướng dẫn bằng radar của tàu mẹ (tức PTF) khi 2 xuồng  cao su  vào  đến gần bờ  biển Thanh Hóa thì trưởng toán ra lệnh tắt máy và chèo bằng mái chèo nhỏ (dầm) để tránh gây tiếng động, khi khoảng cách bờ biển và xuồng cao su còn trên dưới 1000 thước trước tiên thả hai tiền sát viên lội vào bờ làm nhiệm vụ quan sát ngang, dọc (trên dưới) 100 thước và tìm địa thế an toàn cho toán xâm nhập lội vào sau, khi đã tìm được chổ như  ý lúc đó  người tiền sát phụ lội ra nước ngang ngực dùng hồng ngoại tuyến loại nhỏ cầm tay bấm  ám hiệu đã cho sẵn ở nhà (thường được xử dụng bằng ám hiệu "Tic- Tè" khoảng cách độ bao nhiêu giây được bấm lại một lần, tất cả quy luật đó chỉ có tiền sát và trưởng toán biết mà thôi, khi trưởng toán ngồi ngoài  xuồng cao su nhìn vào phía bờ  xác nhận đúng được chỉ thị đã ấn định lúc ra đi thuyết trình thì mới cho toán còn lại tiếp tục lội vào, cũng có một đôi lần 2 tiền sát bị bắt, thì lập tức trưởng toán phải quyết định hũy bỏ công tác liền lúc đó lý do vì ám hiệu và giờ giấc không đúng.

Tất cả chúng tôi mang chân nhái áo phao và vũ khí cá nhân AK 47,  nhảy xuống biển kẻ trước người sau cùng nhìn nhau lội vào. Còn lại 2 xuồng cao su và hai nhân viên bỏ neo tại đó để canh giữ và có nhiệm vụ chờ đón toán khi xong phận sự lội ra, hai chân vừa chạm mặt đất anh em vội tháo gở cặp chân nhái móc vào bên hông và theo tiền sát  dàn hàng ngang nằm dọc bờ biển, mọi cặp mắt đều đổ dồn hướng lên các bụi cây vì trên đó vẫn còn có một người tiền sát chính đang ngồi chờ. Kế đến trưởng toán lấy phương giác hướng đi đến mục tiêu, trên đường di chuyển mỗi bước đi là một nhịp thở từng tiếng động nhỏ của loài vật cũng đủ  làm cho anh em giật mình, vì ban đêm nên sự quan sát ở phía trước mặt rất là giới hạn tâm trí lúc bấy giờ quyên hết mọi sự kể cả vợ con, cha mẹ, người yêu .v.v…

Ngược lại thần chết lúc nào cũng ám ảnh, 6 tay súng từng bước một luôn bám sát gần nhau. Chúng tôi di chuyển theo chiến thuật đột kích của Biệt- Hải mà cố vấn  Seal Mỹ đã chỉ dẫn, tất cả mọi người đều cùng ý thức trách nhiệm và bảo vệ mức tối đa cho nhau, có ở trong những giây phút thập phần nguy hiểm nầy mới định nghĩa được cái tình đồng đội thật hết sức trân quý và hết sức tuyệt vời, trên đường di chuyển tới mục tiêu, chúng tôi không gặp một trở ngại nào. 

Ðúng khoảng 2 giờ sáng cả toán đã tới được mục tiêu chỉ định đó là một xóm nhà thuộc dân chài lưới rất nghèo nàn dưới chế độ của Bác, đồng thời chúng tôi còn tìm cách đến nơi trú ngụ của cán bộ nhưng không thấy. Anh em chỉ gặp toàn những  ông già bà lão và một số các em nhỏ. Nhân tiện đó đem phân phát những gói quà Trung Thu cho một số gia đình, tiếp theo đó một vài anh em  trong toán còn làm thêm nhiệm vụ cắm cờ của Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc tại khu xóm đó, trước khi rút lui ra bờ biển để kịp đúng giờ đã hẹn, một số người tại đó sau khi nhận được quà, họ đã cám ơn rối rít trông thật hết sức thương tâm và còn luôn miệng gọi anh em chúng tôi là cán bộ mặt trận, trong số đó có một vài người trẻ đã tỏ ra rất bạo miệng xin được đi theo với cán bộ (tức chúng tôi). Nhưng chuyến nầy anh em toán không có lệnh đưa dân về Nam khai thác tin tức, nên vội vàng từ chối và nói khéo là sẽ gặp họ lại trong lần tới. Trước những năm 1975 rất ít người ngoài biết đến đơn vị Biệt Hải và LL Hải Tuần, họ là ai?  Và cũng không bao giờ biết  được sự hoạt động phía trong nội bộ của SPVZH ra sao, chỉ trừ nhân viên đã có thời gian phục vụ nhưng khi hết giao kèo thì đều được an ninh dặn dò theo như trong tờ bảo mật của Sở. 

Ngày 30. 4. 1975, toàn thể QLVNCH bị bấc tử bởi các thế lực ngoại bang và bắt buộc phải thua trận, hằng trăm ngàn quân cán chính phải chịu cảnh trả thù khát máu của cộng sản Bắc Việt bằng cách tập trung đưa vào các trại tù khổng lồ đầy khắc nghiệt và ác độc không có lối thoát, vì cuối nẻo đường cùng đầy tuyệt vọng. 

Tôi đành phải ra trình diện ở địa phương của tôi tại (Huế) tôi khai là phục vụ ở đơn vị Nhảy dù, cũng may nhờ lúc còn ở LL Biệt Hải tôi đã kín miệng, ngay cả người thân trong gia đình trong những lần có phép về thăm nhà, cũng không hề biết tôi là lính gì và phục vụ ở đâu? Lúc đầu chúng tôi được tụi cộng sản tập trung ở trại Khe sanh, Quảng Trị, một thời gian sau cộng sản di chuyển chúng tôi về trại Cồn Tiên, Ðông Hà. 

Tôi được vào đội 7 (đội 7 là đội dành riêng cho cấp bậc Trung-úy) ở trại vẫn thường có những giờ học chính trị tại Hội trường, hôm đó có một chính trị viên cao cấp ở trung ương đến thăm trại và hắn “lên lớp” nói rằng “Một tên Biệt Kích tội lỗi ngang bằng một viên Ðại Tá” tôi ngồi dưới lớp nghe qua đồng thời mĩm cười, và thầm nghĩ trong bụng. Tao đang ngồi trước mặt chúng mày đây, phải trước năm 75. Tao gặp được mầy  có lẽ giờ nầy mầy đã đi mò tôm cho Thủy Vương rồi. Sau một thời gian vì không chịu nỗi sự nhục nhã và hành hạ thân xác của bọn cai tù, Và vốn mang trong người giòng máu Biệt Hải không bao giờ chịu khuất phục bọn răng đen mã tấu. Tôi đã quyết định trốn trại vào năm 1977.
 

Oregon, ngày 8 tháng 10 năm 2001

Nguyễn Văn Kha

Biệt- Hải Toán Numbus
Trưởng Toán 717, 
Ðoàn 71, Sở Công Tác, 
Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu, QLVNCH

No comments:

Post a Comment