Friday, December 8, 2023

Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa như thế nào ? Phạm Trần - Hoàng Đức Nhã

 "Henry Kissinger làm chính trị một cách rất phi luận lý".

  Hoàng Đức Nhã

Lời giới thiệu : Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Henry Kissinger, một nhân vật có quan hệ với Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn Hòa đàm chấm dứt chiến tranh ở Paris, Pháp, qua đời ngày 29/11/2023, thọ 100 tuổi.
Trong khi đó, ông Hoàng Đức Nhã (sinh năm 1942), nguyên Bí thư, Tham vụ Báo chí của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời là Tổng trưởng Bộ Dân vận và Chiêu hồi năm 1973, hiện đang sinh sống tại Mỹ từ sau ngày 30/4/1975.

Ông Hoàng Đức Nhã đã có mặt trong các cuộc thảo luận gay go về Hiệp định Ba Lê tại Dinh Độc Lập giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phía Mỹ gồm các ông Henry Henry Kissinger, Đại tướng Alexander Haig và Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker.
Nội dung bài phỏng vấn ông dưới đây được tôi thực hiện, ngay sau khi ông Kissinger ta thế, là nhắm làm sáng tỏ một thắc mắc của lịch sử rằng "Có phải Việt Nam Cộng Hòa đã bị Mỹ bỏ rơi để thất thủ năm 1975" ?

Phạm Trần

nha01
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong một lần trao tặng huân chương cho ông Hoàng Đức Nhã

Phạm Trần : Thưa ông Hoàng Đức Nhã, nhận xét của ông về cố Ngoại trưởng Henry Kissinger là con người thế nào : khôn khoan, thông minh hay mưu mẹo ?
Hoàng Đức Nhã : Theo tôi nhận xét, ông Kissinger tùy theo người nhận xét có kinh nghiệm cá nhân làm việc -như thương thuyết- trực tiếp với ông ta hay chỉ nghe người khác kể lại, hay đọc sách báo viết rất tốt hay rất xấu về ông ta.
Tôi có dịp làm việc trực tiếp với ông ta khi Tổng thống Thiệu và Hội đồng An ninh Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa họp với ông ta trong một vài giai đoạn của tiến trình đưa đến Hiệp định Ba Lê 1973, và trong những trường hợp rất gây cấn chỉ có Tổng thống và tôi đối đầu với ông Kissinger và Đại sứ Bunker.
Nhận xét của tôi đây là một nhân vật rất thông minh và thích đặt đối phương trong tình trạng bối rối khi phải ráng hiểu một lô dữ kiện liên quan đến vấn đề đang được bàn luận và những hậu quả cho Việt Nam Cộng Hòa nếu phải theo lâp luận của Mỹ. Ông Kissinger trình bày theo cách ông ta, cố cho thấy những điểm ông ta cho là rất tốt cho phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lại phớt qua những điểm rất tai hại cho Việt Nam Cộng Hòa.
Ông ta là người muốn đạt được những gì ông ta dự tính bằng mọi cách, và nếu cần thì nịnh hót, xoa dịu, nói láo, hứa đủ điều, ép và đe dọa. Nói về những cuộc thương thuyết về Hiệp định hòa bình Ba Lê, ông ta lọt vào bẫy của Hà Nội và chấp nhận những điều họ muốn, và tin rằng sẽ ép Tổng thống Thiệu chấp nhận những điều kiện đó.
Theo tôi, ông Kissinger làm chánh trị một cách rất phi luân lý.

Phạm Trần : Trong cuộc hòa đàm Ba Lê, ông đã từng có mặt trong các cuộc gặp tại Dinh Độc Lập giữa Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu và ông Kissinger, sau này với Tướng Alexander Haig, phụ tá của ông Kissinger, xin ông cho biết khi ấy Tổng thống Thiệu đạ bị áp lực chính trị từ phía Hoa Kỳ như thế nào ?
Hoàng Đức Nhã : Giai đoạn căng thẳng và nguy hiểm nhất trong tiến trình thương thuyết, từ đầu 1969 cho đến đầu tháng Giêng 1973, là bốn ngày trong tháng 10 năm 1972, 19 đến 23 tháng 10. Trong khoảng tời gian này Hoa Kỳ quyết tâm buộc Việt Nam Cộng Hòa chấp thuận bản thảo hiệp định mà phía Hà Nội thuyết phục Hoa Kỳ là tốt cho hai bên Việt Nam vì đó là sự sụp đổ của lập trường của Hà Nội cũng như là sẽ tạo một nền tảng tốt cho hai bên tại miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chánh trị của mình. Hoa Kỳ chấp nhận lập luận của Hà Nội mà không hề bàn với Việt Nam Cộng Hòa trước khi đồng ý với Hà Nội.
Giải pháp Hà Nội đưa ra và Hoa Kỳ vội chập thuận chỉ là một đầu hàng của Việt Nam Cộng Hòa. Tổng thống Thiệu quyết tâm từ chối ngay cả khi Hoa Kỳ hăm dọa cắt đứt viện trợ. Sau khi ông Kissinger không thuyết phục và ép Tổng thống Thiệu được trong bốn ngày tháng 10 năm 1972 thì Tướng Alexander Haig qua Saigon và, trong nhiều phiên họp rất căng thẳng với Tổng thống Thiệu và tôi, cũng không thuyết phục được Tổng thống Thiệu, ngay cả khi đe dọa "lấy những biện pháp rất tàn bạo" đối với Tổng thống Thiệu và tôi.

nha02
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao đổi với Cố vấn An ninh Hoa Kỳ Henry Kissinger

Phạm Trần : Có phải ông Henry Kissinger đã "qua mặt" (hay có phê bình nặng nề rằng "đâm sau lưng" ) Việt Nam Cộng hòa khi thảo luận "sau lưng" Tổng thống Thiệu về giải pháp chấm dứt chiến tranh với Trung Cộng và Chính quyền miền Bắc khi ấy là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ?
Hoàng Đức Nhã : Vì quá muốn có một thắng lợi để một phần giúp Tổng thống Nixon tái đắc cử nhiệm kỳ hai sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 1972, và mặt khác, muốn chứng tỏ cho các cấp lãnh đạo trong giới chánh trị và xã hội thượng lưu của Hoa Kỳ rằng ông ta làm được những gì mấy người khác chưa làm được cho nên ông Kissinger không muốn bị Việt Nam Cộng Hòa cản trở và không những đi sau lưng đồng minh Việt Nam Cộng Hòa mà còn tự định đoạt tương lai chánh trị của miền Nam nữa. Ông ta giấu điều này cho đến khi Hà Nội cho biết sẵn sàng ký và trao cho ông ta một bản thảo Hiệp định với rất nhiều điều kiện tai hại cho Việt Nam Cộng Hòa. Ông Kissinger chấp nhận ngay và bay qua Saigon ép Tổng thống Thiệu chấp nhận khi Tổng thống Thiệu chưa hề được biết bản thảo Hiệp định này.

Phạm Trần : Thưa ông, có phải ông Henry Kissinger là người chỉ biết lo cho quyền lợi của Mỹ khi ông ta nói chuyện với đại diện miền Bắc ở Paris khi ấy là ông cố vấn Lê Đức Thọ, nhưng không điếm xỉa gì đến quyền lợi của Việt Nam Cộng Hòa trong các cuộc thượng lượng này ?
Hoàng Đức Nhã : Đúng thế. Chúng ta đều hiểu rằng một ông Ngoại trưởng của Hoa Kỳ phải phác họa và thi hành chánh sách ngoại giao để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ trước hết. Ông Kissinger thì làm điều này bất chấp ước muốn của đồng minh và hậu quả tai hại cho đồng minh.
Như tôi trả lời trong câu hỏi trên, ông Kissinger bất cần những nguyên tắc thương thuyết – mà điều chính là tương lai chánh trị tại miền Nam phải do hai bên trong miền Nam quyết định – và tự quyết định khi thương thuyết với Hà Nội, và chỉ thông báo cho Việt Nam Cộng Hòa biết sau khi ông ta và Lê Đức Thọ phê chuẩn dự thảo Hiệp đình mà Việt Nam Cộng Hòa không hề được biết trước và cũng không có cơ hội để phê bình".

Phạm Trần : Trong các cuộc "đối mặt thảo luận trưc diện " tại dinh Độc lập với ông Kissinger, bên cạnh Tổng thống Thiệu, về Hiệp định Paris ký ngày 27/01/1973, ông có trở ngại gì với ông Henry Kissinger không, chẳng hạn như "bực tức", "cãi vã" hay "công khai phản đối áp lực của ông Kissinger" đối với vận mệnh Việt Nam Cộng Hòa ?
Hoàng Đức Nhã : Chúng tôi hành động rất lễ độ, đúng mức, như một nhà thương thuyết theo đúng căn bản của một cuộc thương thuyết. Chúng tôi không hề la lối, đập bàn, sỉ nhục hay chửi rủa ông Kissinger.
Khi ông ta hăm dọa, Tổng thống Thiệu tỏ ra rất nghiêm chỉnh và trả lời một cách đúng nghi lễ rằng Việt Nam Cộng Hòa không chấp nhận bản thảo Hiệp định. Tổng thống Thiệu nhấn mạnh nhiều lần với ông Kissinger rằng xin ông ta trình lại Tổng thống Nixon rằng Việt Nam Cộng Hòa rất muốn có một hiệp định chân chính, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam Cộng Hòa nhưng không thể chấp nhận bản thảo Hiệp định mà ông Kissinger đã đồng ý với Lê Đức Thọ".

nha03
Ông Hoàng Đức Nhã 

Phạm Trần : Ông có thể ghi lại những "phản ứng quyết liệt" của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong những lần nói chuyện tại Dinh Độc lập với phía Mỹ nói chung và riêng hai ông Kissinger và Tướng Alexander Haig về hòa đàm Paris ?
Hoàng Đức Nhã : Tổng thống Thiệu hành động rất bình tỉnh và không hề khóc lóc, đập bàn như một vài người viết lại trong sách của họ. Có hai trường hợp rất căng thẳng cho thấy cách Tổng thống Thiệu đối đầu với đe dọa của phía Hoa Kỳ.
Lần đầu là trong những ngày tháng 10 năm 1972 khi ông Kissinger hăm dọa một cách mĩa mai rằng " hai ông (Tổng thống Thiệu và tôi) không nên trở thành người tử đạo (you two should not try to be martyrs)" – Tổng thống Thiệu không trả lời và ngó qua tôi cũng như nói tôi trả lời đi. Tôi nói với ông Kissinger "chúng tôi không hề muốn trở thành người tử đạo. Chúng tôi chỉ là người ái quốc thi hành Hiến pháp một cách nghiêm chỉnh để bảo vệ quê hương chúng tôi". Ông Kissinger rất bực tức vì thấy tôi trả lời ông ta thay vì Tổng thống Thiệu.
Lần thứ hai là khi ông Alexander Haig qua Saigon vào đầu 11 năm 1972. Mục đích của ông ta là tiếp tục ép Tổng thống Thiệu chấp thuận bản thảo Hiệp định mà ông Kissinger không thuyết phục đươc. Khi Tổng thống Thiệu lập đi lập lại rằng Việt Nam Cộng Hòa không thể ký bản thảo Hiệp định này nếu không có những điều khoản rất quan trọng cho Việt Nam Cộng Hòa. Ông Haig rất bực tức, và với một giọng trầm và nét mặt giận dữ nói rằng Hao Kỳ "sẽ có những hành động rất táo bạo (brutal actions) đối với Việt Nam Cộng Hòa". Cũng như lần ông Kissinger đe dọa lần này Tổng thống Thiệu cũng ngó về tôi, và tôi nói với ông Haig rằng "hành động táo bạo hả? Chắc cũng táo bạo như trong tháng 11 năm 1963 chứ gì ?".

nha04
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu (bìa phải) trong một cuộc họp với Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin, người thứ nhì trong hình từ phải sang, đang nhìn vào ông.

Phạm Trần : Là người "trong cuộc", xin ông cho biết "có đúng" Chính quyền Mỹ đã bội ước bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa và để cho cho quân Cộng sản miền Bắc chiếm đóng ngày 30/4/1975 ?
Hoàng Đức Nhã : Đúng thế. Chánh phủ Hoa Kỳ đã bội hứa, giảm thiểu môt cách nhanh chóng viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa, ngay cả nhiều điều khoản trong Hiệp định cho phép Hoa Kỳ thay môt khẩu súng, một chiến cụ bị hư hại khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa dùng để chống lại những vi phạm của Bắc Việt. Hoa Kỳ đã không cần quan tâm đến số phận của miền Nam khi quan cộng sản Bắc Việt vẫn được viện trợ ồ ạt của Trung Cộng và Liên Xô sau khi bản Hiệp định được ký và Hoa Kỳ long trọng tuyên bố sẽ phản ứng mãnh liệt nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định.
Theo tôi, lỗi lầm lớn nhất của Việt Nam Cộng Hòa là không hiểu được rằng Tổng thống của Hoa Kỳ không có quyền chỉ thị Quốc hội chấp thuận viện trợ do Hành pháp yêu cầu".

nha05
Nhà báo Phạm Trần -

Phạm Trần : Nếu ông Richard Nixon không bị vụ Watergate làm mất chức Tổng thống thì liệu Việt Nam Cộng Hòa có tồn tại không ?
Hoàng Đức Nhã : "Theo tôi, vụ Watergate chỉ là một yếu tố đưa đến việc Bắc Việt tiến chiếm miền Nam. Nếu Tổng thống Nixon tồn tại và Quốc hội vẫn chống viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa thì miền Nam cũng bị bỏ rơi.
Lý do chánh là sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 1972 Quốc hội thứ 94 do đảng Dân chủ nắm đa số tại Hạ Viện và Thượng Viện. Họ đã sử dụng đa số đó để, một mặt làm áp lực tối đa lên Tổng thống Nixon buộc ông phải từ chức nếu không muốn bị luận tôi vì vụ Watergate, và mặt khác, rút khỏi miền Nam càng sớn càng tốt vì binh lính và tù binh chiến tranh của Hoa Kỳ đã trở về nước. Trong tinh thần đó đảng Dân chủ không chấp thuận viện trợ cho miền Nam bất chấp những trách nhiệm của Hoa Kỳ theo Hiệp định Ba Lê và những lời hứa của Tổng thống Nixon với Tổng thống Thiệu.

Phạm Trần : Xin cảm ơn ông.

Phạm Trần
(06/12/2023)
***********************************************************************
 

Lịch sử Việt-Mỹ

“Mình là ván cờ họ thí để đi ván cờ khác”- Ông Hoàng Đức Nhã nhìn lại biến cố 30/4

Hoài Hương VOA tiếng Việt

45 năm sau khi Saigon thất thủ, những nhân vật từng đóng một vai trò trong giai đoạn dẫn tới biến cố lịch sử này ngày càng thưa dần… Trong những nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn lại có ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Tổng Trưởng Thông Tin, Dân vận và Chiêu Hồi Việt Nam Cộng Hoà. Ông Nhã, cựu Bí Thư và Tham vụ Báo chí của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhìn lại biến cố lịch sử 30/4/1975 trong cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ.

Hoàng Đức Nhã: “30 tháng Tư là một tổng hợp của rất nhiều yếu tố đã được cấu kết và thi hành từ bao năm, trước khi người Mỹ muốn ra khỏi cuộc chiến Việt Nam, không phải do họ thiếu năng lực mà vì lúc đó họ đổi đường hướng, muốn có những sự dàn xếp ở cấp cao với Trung Quốc, với Nga, trên cục diện địa chính trị- geopolitics.

Ông nói khi quân đội Bắc Việt tràn vào chiếm miền Nam, thì VNCH không còn súng đạn mặc dù trước đó 2 năm, chính phủ miền Nam đã ký hiệp định dựa trên lời hứa của Tổng thống Nixon, cam kết sẽ giúp VNCH tồn tại, và sẽ cung cấp vũ khí cho miền Nam theo phương thức “thay một đổi một”, nếu phía Bắc Việt vi phạm hiệp định.

Thế nhưng người Mỹ không giữ lời hứa, dẫn tới tình trạng miền Nam “không còn đủ phương tiện để chiến đấu.”

Hiệp định mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã vạn bất đắc dĩ ký dưới áp lực của Mỹ, vào tháng Giêng 1973 là một bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam. Ông Hoàng Đức Nhã nói hai năm trước đó, người Mỹ đã có ý định rút ra khỏi Việt Nam vì Mỹ muốn mang tù binh về “để ông Nixon có thể chứng tỏ với dân là ông đã giữ lời hứa sẽ đưa con em người Mỹ về nước”.

Cựu Bí thư của Tổng thống Thiệu nói điều ‘vô cùng đáng tiếc’ là 30/4 xảy ra trong bối cảnh miền Nam đang đạt được nhiều tiến bộ.

“Lúc đó quân lực của mình đã bắt đầu mạnh, trong nước guồng máy hành chánh đã bắt đầu làm việc đúng mức, theo tôi nghĩ cộng sản họ thấy nếu để miền Nam có thì giờ thì ngày sẽ càng mạnh, lúc đó mình đã bắt đầu có dầu lửa, lúc đó đã sắp sửa xuất cảng được gạo trở lại, tất cả những yếu tố để phát triển, xây dựng đất nước đã có…”

Vụ tai tiếng Watergate

Nước Mỹ lúc bấy giờ phải đối phó với những vấn đề nội bộ đang làm lung lay chiếc ghế của Tổng Thống Nixon, liệu vụ tai tiếng Watergate có ảnh hưởng tới quyết định của người Mỹ rút ra khỏi Việt Nam?

Ông Hoàng Đức Nhã nói vụ Watergate ảnh hưởng tới sự khẩn trương trong chính trị nội bộ của Mỹ, ảnh hưởng dây chuyền tới miền Nam và việc Mỹ giữ cam kết hay không vì ông Nixon lúc đó hoàn toàn phải đối phó với vụ Watergate. Ông giải thích:

“Lúc đó, quốc hội Mỹ do Đảng Dân chủ Mỹ kiểm soát rồi. Hai viện thì họ thấy cơ hội để dí ông Tổng thống Nixon và họ lựa vấn đề Watergate mà tiếp tục tấn công. Ngày mà Tối cao Pháp viện buộc ông Nixon phải giao cuộn băng đó, là ngày chính tôi thấy rõ thế nào miền Nam cũng phải chịu ảnh hưởng của chuyện này.”

Viết về ông Hoàng Đức Nhã, báo NYT mô tả ông là người đàn ông quyền lực nhất tại miền Nam, chỉ đứng sau Tổng thống Thiệu. Tờ báo nói ông Nhã cùng lúc đóng vai của 3 nhân vật quan trọng chính phủ Mỹ đương thời: cố vấn Tổng thống Kissinger, Tham vụ Báo chí Ron Spiegler, và Charles G. (Bebe) Rebozo, một người bạn tín cẩn của ông Nixon.

Ông Nhã là em họ của Tổng thống Thiệu, nhưng ông nói ông được ông Thiệu tin tưởng không phải vì có liên hệ bà con mà là nhờ ông hiểu người Mỹ, và biết phân tích tình hình.

“Tôi đi Mỹ học từ nhỏ, tôi biết tánh của người Mỹ khi họ áp dụng cái gì mà thấy con đường đó không trúng là họ bỏ đi, không tình cảm gì hết, mặc dù họ đã bỏ cả tỉ đôla đầu tư, không ăn thua gì cả… Tổng thống Thiệu là một ông Trung Tướng, tướng là phải nghe hết những phân tách đầy đủ rồi mới lấy quyết định. Tôi làm việc với ông ấy được ông ấy tín nhiệm ngay cả về các vấn đề không thuộc phạm vi của tôi. Là Bí thư, tôi đâu có ăn thua gì về làm ngoại giao nhưng mà tôi phân tách được, đó là lý do tại sao tôi làm một lúc 3 công việc mà tờ NYT có nhắc đến.”

Về Tiến sĩ Kissinger

Tiến sĩ Henry Kissinger, cố vấn an ninh của Tổng thống Nixon, là người đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc thương lượng dẫn tới hiệp định Paris. Với các hoạt động ngoại giao ‘con thoi’ mang tính thực dụng, ông Kissinger thúc đẩy Mỹ mở cửa với Trung Quốc, làm thay đổi trật tự thế giới với những hệ quả còn kéo dài cho tới ngày nay. Có người tin rằng ông Kissinger phải chịu trách nhiệm lớn về kết cuộc của chiến tranh Việt Nam. Bí Thư của Tổng thống Thiệu nhận định:

“Đồng ý! Chính ông ấy là người thương thuyết một hiệp định rất là tai hại, ép buộc mình, không nghe, không chú ý, không quan tâm đến những ước vọng của miền Nam. Ông ấy chỉ thực thi những gì mà ông cho là trúng, mà chưa chắc gì ông Nixon đồng ý với ông ta nhưng mà vì ông Nixon bị vấn đề Watergate chi phối, ông không có thì giờ nghĩ tới. Ông Kissinger nói OK, để tôi ký cái hiệp định rồi là tôi là anh hùng rồi, tôi đem được tù binh Mỹ về rồi, chấm dứt.”

Là người trực tiếp đối đầu với Kissinger để đòi các điều kiện tốt hơn cho miền Nam, ông Hoàng Đức Nhã bị coi là một cái gai trước mắt khi Kissinger sang Việt Nam hối thúc Tổng thống Thiệu chấp nhận giải pháp “chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam” mà ông ta đã điều đình với Hà nội trong các cuộc đi đêm với Lê Đức Thọ. Trong hồi ký “The White House Years”, ông Kissinger mô tả Hoàng Đức Nhã là cao ngạo, bướng bỉnh, khó ưa, và dùng những từ ngữ nặng nề khác để nói về ông Hoàng Đức Nhã. Ông Nhã nói:

“Thực ra ông Kissinger không thích tôi là bởi vì tôi đi guốc trong bụng ông, ông là giáo sư danh tiếng mà ông thấy cái thằng nhóc con này mà tại sao nó dám chỉnh ông?”

Trong hồi ký, Kissinger phản bác chỉ trích của ông Nhã cho rằng người Mỹ chỉ mặc cả để có một “decent interval”- một thời gian đủ lâu để Mỹ có thể thoái lui ‘trong danh dự’.

“Chính cái đó là điều làm cho ông Kissinger và phía Mỹ ghét tôi. Tôi là người biết phân tách tình hình, hồi đó tôi dùng danh từ ‘một thời gian thỏa đáng’ vì những tin tức sau khi ông Kissinger đi Bắc Kinh, rồi Tổng thống Nixon đi Bắc Kinh, dàn xếp với Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông… Mình là một ván cờ họ thí để họ đi một ván cờ khác.”

Lịch sử

Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam giờ đã thuộc về lịch sử, mà lịch sử thường nằm trong tay của bên thắng cuộc.

“Ai viết lịch sử? Người thắng cuộc thì viết theo họ nói là người miền Nam không chịu bảo vệ lãnh thổ, chuyện đó là chuyện sai lầm, giải thích là người đồng minh không giữ lời cam kết đối với miền Nam, đưa đến ngày 30/4.”

Ông Hoàng Đức Nhã rời Saigon ngày 28/4/1975 giữa lúc thành phố Saigon đang bị dội bom. Ông nghĩ gì khi ngoái nhìn quê hương lần cuối từ trên máy bay đưa ông ra nước người sống lưu vong?

“Lúc máy bay cất cánh, tôi thấy mấy quả pháo rơi vào phi trường Tân Sơn Nhứt, lúc đó tôi rất buồn, không biết ngày nào trở về… Khi tới Guam nghe ông Dương Văn Minh đầu hàng, buồn vô tận. Bấy giờ thì mình nói rằng thôi, con cái của mình lớn lên không được cái cơ hội sống như mình đã sống, không được đi những nơi, ăn những món… thành ra lúc đó rất là buồn.”

1 comment:

  1. . '''(@_@)''' ;;(@_@);;
    . \ o / ( o )
    . ki...ki, ki...ki....l'OO'k, l'OO'k !!!
    ------------------------------------
    trích=> @lamha6355
    Rât xúc động.nghe ông Hoàng Đức Nhã và ông Đinh Quang Anh Thái nói...
    ---------------------------------------------
    STD_SOG
    Chờ cho LS của Ô.H...Kiss công bố về zi chúc ...sau khi chết....cuốn Hồi ký?
    Đến lúc đó chưa muộn! Còn nghe Hội luận này thì cứ....ù ù, cạc...cạc....!
    2 tay trẻ thì 0 nói jì {vì họ nói là cũng theo sách, chứ tuổi đời thì 0 biết}.

    Còn HĐN và ĐQAT thì cứ nói "vớ vẫn" như câu chuyện =>
    - Vừa Đi Vừa Kể Chuyện - của boác Hù "tào lao"!!!
    Chỉ zành riêng cho các cháu Thiếu nhi Khăn wàng đỏ nghe mà thôi.
    Còn XHCN (xạo hết chổ nói) .... chỉ là "cái máy gật" để đảng chỉ biết "bưng bô" cho Tàu Cộng!
    Cứ nhìn cái Lăng bà Tàu ở Ba đình thì rõ....ngàn năm lệ thuộc!!!
    Nhà zột thì từ trên nóc zột xuống. Thượng bất chánh, thì Hạ tất loạn (làm bậy).

    Trước 1975 những người đi theo CS đều 0 có Trái Tim Nhân Đạo, nhưng lại có bộ óc của con....Chồn!
    Sau 1975 những người tin theo CS, nên đi đến bệnh viện Tâm Thần để xét nghiệm óc "hoang tưởng?!


    .link=> https://youtu.be/J8o2UcnoOBU
    . https://youtu.be/fcG6sAbxgYw
    .l'OO'k => OK ¯\_;(ツ);_/¯ OK <= l'OO'k

    ReplyDelete