Monday, April 24, 2023

Dương Thu Hương, người Việt thứ hai được Giải thưởng Văn học Thế giới Cino Del Duca

 Dương Thu Hương, người Việt thứ hai được Giải thưởng Văn học Thế giới Cino Del Duca

  • Trang Nguyên
    22 tháng 4, 2023

      • Dương Thu Hương tại Paris năm 2006. (ảnh: Sophie Bassouls/Corbis via Getty Images)
        • Ban giám khảo Giải Cino Del Duca vừa quyết định trao Giải thưởng Văn học Thế giới năm 2023, trị giá € 200,000, cho nhà văn Dương Thu Hương.

          Ban giám khảo Giải Cino Del Duca do bà Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký Thường trực của Viện Hàn lâm Pháp làm Chủ tịch, Ủy ban Quỹ Del Duca, do Xavier Darcos, Thủ tướng của Viện làm Chủ tịch, quyết định trao giải thưởng cho nhà văn Dương Thu Hương – tác giả cuốn “Chốn Vắng” (Terre des oublies), để tri ân một nhà văn lớn có tác phẩm và nhân cách cùng những thành tựu đặc biệt mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, được giải thưởng thế giới này công nhận.”, theo ViaBooks.

          Nhà văn Dương Thu Hương, 76 tuổi, rất nổi tiếng, cả ở Việt Nam, và ở ngoại quốc, và đặc biệt là ở Pháp, nơi từng xuất bản hàng chục tiểu thuyết, chủ yếu từ nhà xuất bản Sabine Wespieser, tất cả đều được dịch sang tiếng Pháp, từ “Terre des oublies” (2016), cuốn sách được đọc nhiều nhất của bà, đến “Eucalyptus Hills” (2014), “Au zénith” (2009). Theo ViaBooks, sách của bà mô tả cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam, sức nặng của quá khứ và truyền thống trong một xã hội được đánh dấu bởi các cuộc chiến tranh.

        • Nhà văn Dương Thu Hương, năm 2006. (ảnh: Pool ANDERSEN/GAILLARDE/Gamma-Rapho via Getty Images)
        • Nhà văn Dương Thu Hương sinh ra tại tỉnh Thái Bình. Lúc 8 tuổi trong thời kỳ Cải cách ruộng đất, bà đi theo các đoàn học sinh để chứng kiến phong trào chia đất cho nông dân và tố cáo địa chủ. Năm 1967, bà tình nguyện tham gia Thanh niên xung phong, phong trào Tiếng hát át tiếng bom, phục vụ trong một đoàn văn công tại một trong những khu vực chiến tranh ác liệt nhất lúc đó: Bình Trị Thiên. Sau chiến tranh, trở ra Bắc, bà cầm bút viết văn và công tác trong ngành điện ảnh. Bà tham dự khóa đầu tiên Trường viết văn Nguyễn Du (1980).

          Nữ văn sĩ hiện đang sống tại Pháp, là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Bên kia bờ ảo vọng”, “Những thiên đường mù”… Những tác phẩm thể hiện sự bất mãn của bản thân bà đối với chế độ cộng sản. Năm 1994, tác phẩm của bà nhận được Huân chương Văn hóa Nghệ thuật Chevalier des Arts et des Lettres do Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Jacques Toubon trao tặng. Cuốn tiểu thuyết “Chốn vắng” của bà nằm trong danh sách đề cử giải Femina và nhận Giải thưởng lớn Độc giả của tạp chí Elle (Grand prix des lectrices de Elle) năm 2007.

          Nhà văn Dương Thu Hương được biết đến như một người từng có thời hết mực tận tụy với đảng Cộng sản Việt Nam và tự nhận là “thuộc thế hệ xẻ Trường Sơn đánh Mỹ”, nhưng trong lần trả lời phỏng vấn của The New York Public Library (live) ngày 30 Tháng Tư, 2006, bà nói: “Sau ngày 30 Tháng Tư, mọi người tràn vào Sài Gòn, những người phương bắc cười như điên dại, vì sung sướng. Riêng tôi, đối với mọi người, giống một con điên, vì họ thấy tôi khóc như cha chết. Tôi khóc vì cảm thấy cuộc chiến tranh là trò đùa của lịch sử, toàn bộ năng lượng của một dân tộc dồn vào sự phi lý, và đội quân thắng trận thuộc về một thể chế man rợ. Tôi cảm thấy tuổi trẻ của tôi mất đi một cách oan uổng, gieo vào tôi trạng thái hoang mang và cay đắng…”

          Hiện nay, các tác phẩm văn chương của nhà văn Dương Thu Hương bị cấm tại Việt Nam vì lý do chính trị. Bà cũng từng phải vào tù vì dám lên tiếng phát biểu phê phán việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam, phản đối độc quyền của Đảng Cộng sản.

          Tháng Tư năm 2006, nhà văn Dương Thu Hương được mời sang Paris và New York, dự một hội nghị Văn bút Quốc tế. Sau khi kết thúc chuyến đi, bà xin lưu trú tại Pháp.

        • Nhà văn Dương Thu Hương, năm 2008. (ảnh: Ulf Andersen/Getty Images)
        • Các tiểu thuyết của bà như: Hành trình ngày thơ ấu (bản tiếng Pháp được in với tựa Itinéraire d’enfance), năm 1985; Bên kia bờ ảo vọng (bản tiếng Pháp: Au-delà des illusions), năm 1987; Những thiên đường mù (bản tiếng Pháp: Paradis aveugles) năm 1988; Quãng đời đánh mất, năm 1989; Tiểu thuyết vô đề (còn có tên là Khải hoàn môn; bản tiếng Anh: Novel Without a Name);  Lưu ly (bản tiếng Anh: Memories of a Pure Spring, 1996; bản tiếng Pháp: Myosotis, 1998); Chốn vắng (bản tiếng Anh: No Man’s Land; bản tiếng Pháp: Terre des oublis), năm 2002; Đỉnh cao chói lọi (được dịch sang tiếng Pháp với tựa Au Zénith), năm 2009; Hậu cung của con tim (tên tiếng Pháp Sanctuaire du cœur), năm 2011; Đồi bạch đàn (tên tiếng Pháp Les Collines d’Eucalyptus), năm 2013.

          Tác giả Dương Thu Hương từng được Giáo sư Joseph Pivato, dạy môn Văn chương Anh ngữ tại Đại học Athabasca ở Alberta, Canada đề cử vào danh sách thẩm xét cho giải Nobel văn chương của năm 2009.

          Với giải thưởng văn học Cino del Duca do Simone Del Duca lập ra vào năm 1969, là Giải thưởng Thế giới tôn vinh sự nghiệp của tác giả người Pháp hoặc người ngoại quốc có tác phẩm cấu thành, dưới hình thức khoa học hoặc văn học, mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại, mà nhà văn Dương Thu Hương vừa được nhận, có trị giá € 200,000 (tương đương gần $222,000) là giải thưởng văn học trị lớn (về hiện kim), chỉ sau giải thưởng Nobel.

          Giải thưởng sẽ được trao cho Dương Thu Hương dưới mái vòm của Institut de France trong buổi lễ long trọng tổ chức vào ngày 21 Tháng Sáu năm 2023.

          Năm 2022, nhà văn Nhật H.Murakami được trao giải thưởng này. Người Việt Nam đầu tiên được giải này, vào năm 2012, là Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn học, hiện giảng dạy tại Virginia University.

        • Dương Thu Hương qua con mắt Lê Phú Khải

          Lê Phú Khải

          Dương Thu Hương bị bắt ngày 14/4/1991 và được trả tự do ngày 20/11/1991 vì “lý do nhân đạo”. Từ nước Nga xa xôi, đài phát thanh tư nhân Irina phát bài Dương Thu Hương, một bài học, một câu hỏi do chính Irina viết, với đoạn mở đầu: “Ai tin được lòng nhân đạo của một chính quyền muốn bỏ tù ai thì bắt, muốn thả thì buông, chẳng cần xét xử trước công chúng. Nhân đạo ở đây là bệnh tâm thần của một số người có quyền lực, đinh ninh mọi người khác đều có tội.”

          Cuối tháng 3 năm ấy (1991), khi tôi ở Mátxcơva về, Irina có nhờ tôi chuyển một bức thư (dán kín) cho Dương Thu Hương, lúc đó chị ở đường Ngô Thời Nhiệm Hà Nội. Cũng dịp ấy tôi gặp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, ông cũng đang trong tâm trạng chờ đến lượt mình “lên đường” vì ông mới gửi thư cho Trung ương trước Đại hội 7. Bác Viện bảo tôi: Ở Pháp, một nhà văn như Dương Thu Hương thì không có gì đáng nói, nhưng nếu bắt Dương Thu Hương như thế thì người ta xuống đường ngay, phản đối ầm ầm ngay. Còn ở ta thì đến giới trí thức cũng im re!

          Ảnh: Nhà văn Dương Thu Hương và tác giả tại nhà riêng của bà ở nhà tập thể A8 phòng 308 Khương Thượng (24/02/2002.) – Hình tư liệu: LPK

          Phân tích về tình trạng ấy của giới trí thức VN, Irina lý giải trong bài viết kể trên: “Sau cơn ác mộng (chiến tranh – LPK) được chút tự do kiếm cơm, kiếm áo, hưởng chút không gian và thời gian của trời đất cũng là đủ mãn nguyện!”

          Năm 2002, tôi ra Hà Nội, lúc đó đã là 10 năm sau khi Dương Thu Hương bị giam giữ 7 tháng 6 ngày, chị đã trở thành một nhà bất đồng chính kiến gay gắt nhất, có những phát biểu, những bài viết đanh thép lên án chế độ độc tài đương thời, nhiều nhà văn đã bị chị chửi thẳng vào mặt trước mọi người vì khi chị đi tù đã lên tiếng phê phán, bịa đặt về chị. Tôi ngỏ ý đến thăm Dương Thu Hương thì nhiều bạn văn nghệ sĩ khuyên tôi “dại gì” mà đến, có khi bị chửi vỗ mặt, bị đuổi ngay từ cửa. Tôi bình tĩnh trả lời: Nếu tôi có bị DTH nhổ vào mặt thì tôi thấy mình cũng xứng đáng nhận sự khinh bỉ đó. Vì, đường đường một đấng nam nhi mà không bao giờ tôi dám ho he phát biểu một điều gì, dù biết người ta làm sai hoàn toàn, vô lý, vô đạo đức, vô Pháp luật mà một “nhi nữ thường tình” như DTH lại dám dõng dạc lên tiếng. Thấy tôi nói thế, không ai khuyên tôi “lùi bước” nữa. Cuối cùng thì nhà thơ nổi tiếng Trúc Thông dẫn tôi đến thăm DTH tại một khu nhà tập thể ở quận Đống Đa. Cái tờ giấy viết tay Hương đưa cho tôi ghi địa chỉ của chị: “Dương Thu Hương – 8525818. P- 308 Nhà A8 Khu Đống Đa Hà Nội” tôi còn giữ đến bây giờ. Năm 2002 Hương vẫn đẹp như xưa. Chị có nước da đen ròn, nói chuyện rất có duyên. Hôm đó là sau Tết, nhà còn rượu vang Bordeaux, hạt dưa, bánh kẹo để tiếp khách. Bức ảnh tôi chụp DTH đang cắn hạt dưa duyên dáng vô cùng. Tất cả những người đàn bà trên trái đất này khi ngồi bệt, xếp bằng trên chiếu cắn hạt dưa đều rất hiền dịu, rất mong manh dù người đó là DTH. Tôi vẫn giữ tấm hình DTH ngồi trên nền nhà trải chiếu hoa, đề ngày 24/2/2002 đó và đôi lúc còn đem ra hỏi bạn bè: Người thế này mà bắt bỏ tù à? Người thế này mà bảo là dữ dội, “đanh thép” à?

          Nhưng khi DTH nói chuyện thì bất cứ người đàn ông đanh thép nào trên thế giới cũng phải thừa nhận mình đang ngồi trước một người phụ nữ đáng kính nể.

          Chị bảo với chúng tôi: Em thấy tình thương đôi khi cũng là tội ác các anh ạ!

          Thấy câu nói lạ tai quá, tôi hỏi vì sao. Hương kể: Khi chị ở tù, cậu công an còn trẻ coi sóc chị, mỗi lần đưa cơm cho chị đều lót một tờ báo Tuổi Trẻ mới ở đít nồi để chị đọc. Chị biết là báo do cậu ta mua với đầy thiện chí. Khi trên có lệnh thả chị, cậu ta vui vẻ vào báo tin. Chị đã bảo với cậu ta: – Về nói với cấp trên rằng, bà Hương bảo, bắt bà có lý do thì thả bà cũng phải nói lý do, nếu không bà không về.

          Thế là DTH không chịu ra tù. Cậu công an vận động mãi, chị vẫn một điều như thế. Cuối cùng cậu ta buồn quá khóc! Hương hỏi vì sao, cậu ta nói: Nếu không vận động được chị ra tù thì cậu bị đuổi việc, và nếu bị sa thải thì bên nhà gái không cho làm đám cưới. Nói rồi cậu ta lại xụt xịt. Thương cậu ta quá nên Hương phải rời nhà tù!

          Kể đến đây Hương bảo tôi và Trúc Thông: Vậy tình thương như thế các anh thấy có phải là tội ác không?

          Trúc Thông thân với DTH nên anh yên lặng, có lẽ vì quen với cách nói năng, quen với logic của Hương rồi. Còn tôi thì chóang! Tôi chưa gặp ai dữ dội như Hương. Chị còn kể tiếp, khi thằng con chị nộp đơn thi đại học, trong lý lịch, phần nghề nghiệp của mẹ, chị ghi: Nghề nghiệp: chống Đảng. Khi chị ra đồn công an chứng lý lịch, chị thấy tất cả mọi người trong đồn đều giả vờ đi ra để coi mặt chị! Trưởng đồn nói: Chị Hương nên bỏ cái nghề nghiệp như thế này đi, nếu để thì nhất định cháu nó không được vào đại học đâu! Hương bảo với tôi: Nghĩ thương thằng con quá nên em đành phải gạch cái nghề nghiệp chống Đảng ấy đi. Như thế có phải tình thương cũng là tội ác không hai anh?

          Chưa hết, Hương còn kể: lúc ở tù, “làm việc” với viên sĩ quan công an, chị nhìn vào mặt anh ta quát to: Anh đang thiếu chất, mặt mũi xanh xao thế này là thiếu chất. Lương anh không đủ nuôi vợ nuôi con, bọn ăn cắp ở trên nó ăn hết phần anh rồi, chúng nó đều trở thành tư bản đỏ rồi, anh phải dối lòng mà làm việc, tôi thương anh lắm, anh cũng nghĩ như tôi mà thôi!

          Kể một thôi, rồi Hương nói với tôi và Trúc Thông: Em nói xong, viên sĩ quan run bần bật, vì anh ta thấy em nói trúng tim đen anh ta.

          Văn sĩ DTH đã để lại cho văn học nước nhà nhiều tác phẩm giá trị, Nói cho công bằng thì sự nghiệp văn chương của chị thật đồ xộ. Tiểu thuyết có: Bên kia bờ ảo vọng, Hành trình ngày thơ ấu, Những thiên đường mù, Tiểu thuyết vô đề, Chốn vắng, Đỉnh cao chói lọi… Tập truyện ngắn có: Bông bần ly, Một bờ cây đỏ thắm, Ban mai yên ả, Đối thoại sau bức tường, Chân dung người hàng xóm, Truyện tình kể trước lúc rạng đông, Vĩ nhân tỉnh lẻ… Chị là tác giả VN được dịch ra tiếng nước ngoài vào loại nhiều nhất. Có đến 6 tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức… Bộ Văn hóaPháp đã trao Huân chương Văn chương Nghệ thuật (Chevalier des Arts et des Lettres) cho DTH. Tiểu thuyết Chốn vắng được đề cử giải Femina và nhận Giải thưởng Lớn của tạp chí Elle (Grand Prix de Elle) 2007. Năm 2009 giáo sư tiến sĩ Joseph Pivado về văn chương Anh ngữ của Đại học Athabasca ở Alberta Canada đề cử chị ứng cử Giải Nobel năm ấy. Theo ông, với Đông Nam Á và Trung Quốc thì nữ văn sĩ như DTH rất hiếm có.

          Ngòi bút của DTH là ngòi bút dự báo, dẫn đường. Ngay những tác phẩm đầu tay của chị như Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù… đã khác hẳn thứ văn chương “phải đạo” đương thời. DTH đã báo trước những “thiên đường vỡ chợ” mà nhà thơ Trần Mạnh Hảo vừa nhắc đến, vừa viết hôm nay (2013).

          Là độc giả của hầu hết các tác phẩm của DTH từ rất sớm, tôi thấy chị đã làm đúng chức năng của một nhà văn là nhìn thấy những gì người ta không nhìn thấy. Đúng như nữ nhà báo Nga Irina viết: “Có những lúc một con người, một hành động, một tác phẩm hoàntoàn ăn khớp với một hoàn cảnh lịch sử, với hoài bão của đông người trong hoàn cảnh ấy. Lúc đó, con người đó biến thành một bài học sống, bài học kết thúc một thời đại, mở màn cho một thời đại khác.” DTH là một con người của một thời đại cũ, nhưng “chẳng thèm xin phép ai, chị ngang nhiên bước vào thời đại mới.” (Irina)

          Tôi có cái “duyên” với Dương Thu Hương về sự đồng điệu trong tư duy chính trị. Đó là vào năm 1992, một đoàn nhà báo, gồm toàn những nhà báo có “máu mặt”, tổ chức lên Đà Lạt nhằm bênh vực chị Đặng Việt Nga, kiến trúc sư và anh Phương cũng kiến trúc sư, hai chủ nhân của “Ngôi nhà trăm mái” đang bị địa phương bắt tháo dỡ vì nhiều lý do không chính đáng. Đường xa, hết chuyện bàn, tôi nêu câu hỏi: Nếu bây giờ phải chọn hai gương mặt tiêu biểu cho VN thế kỷ qua thì các vị chọn ai? Mọi người đều chọn nhân vật số 1 là Hồ Chí Minh. Vậy còn người thứ hai? Cả xe im lặng. Có vị nói: Võ Nguyên Giáp! Tôi phản đối và đưa ra nhân vật thứ hai là Dương Thu Hương! Cả xe nhao nhao phản đối. Có người hỏi: DTH là cái quái gì mà ông lại cho là nhân vật thứ hai sau HCM? Tôi trả lời: Chẳng là cái quái gì mà tự cho mình có quyền đứng ngang hàng và dám vỗ vai nhắc nhở các vị đang cai trị dân chúng, thì đó là dân chủ, là xã hội công dân chứ còn gì nữa! Độc lập và Dân chủ là hai phạm trù lớn nhất, được cả dân tộc nhắc đến nhiều nhất trong thế kỷ qua. Độc lập thì HCM là hình tượng, còn Dân chủ thì đến Đại tướng cũng không dám đối thoại với Tổng Bí thư Lê Duẩn, DTH là thảo dân mà lại tự cho mình quyền ăn nói ngang hàng với các vị đang đứng trên đầu dân, thì đó là hình tượng của Dân chủ. Sau hình tượng của Dân tộc phải là hình tượng của Dân chủ… Chẳng thấy ai trên xe nói gì nữa!

          Tôi nói tiếp: Lúc bị tù không án, DTH tuyên bố: Đảng hãy thử “chơi sang một lần” đem tôi ra tòa xét xử công khai trước dân chúng và để tôi tự bào chữa xem sao? Một đảng cầm quyền, có đủ nhà tù và quân đội trong tay mà không dám “chơi sang” đem xử công khai một người đàn bà trước công chúng thì đảng ấy mạnh hay yếu? Và người đàn bà ấy yếu hay mạnh thưa các vị? Vẫn không thấy ai nói gì! Tôi lại nói: DTH chính là Dân chủ, sức mạnh của thời đại mà chúng ta cần phải có…

          Ba năm trước, nhà thơ Hoàng Hưng ở Pháp về có đưa cho tôi cuốn tiểu thuyết Chốn vắng bản tiếng Việt, khổ to, dày cộp. Đây là một trong các tiểu thuyết của DTH được dịch sang tiếng Pháp từ khi chị định cư ở Paris năm 2006. Nghe nói Chốn vắng này bản tiếng Việt rất khó kiếm sau khi nó được dịch ra tiếng Pháp với tựa đề Terre des oublis. Đưa cho tôi, anh Hưng nói: Ông đọc trước đi, xem thế nào? Tôi đọc nó cần mẫn trong năm ngày và thấy đề tài này ở VN thì bình thường, nhưng với dân châu Âu thì rất hấp dẫn, và dưới ngòi bút của DTH thì lôi cuốn độc giả. Câu chuyện nói về chiến tranh. Một chị phụ nữ đã có chồng và chồng chị đi bộ đội thời chống Mỹ. Đã chết, có báo tử. Ở nhà vợ đi lấy chồng khác. Bỗng dưng sau chiến tranh người chồng cũ trở về. Ông chủ tịch xã dẫn anh ta đến nhà vợ cũ và nói với cả ba người (một đàn bà, hai đàn ông): Không ai có lỗi cả… lỗi là chiến tranh.

          Là độc giả của hầu hết tác phẩm của DTH, tôi thích nhất tập truyện Chuyện tình kể trước lúc rạng đông. Nếu gặp tác giả tôi phải xin lại cuốn đó, vì cuốn của tôi thất lạc mất rồi. Tôi nghĩ rằng nếu DTH cho tái bản cuốn này thì hay biết mấy. Chắc chắn có nhiều độc giả.

          Lúc chia tay Trúc Thông và tôi trong cái buổi sáng mùa xuân năm 2002 đáng nhớ đó, Hương tiễn chúng tôi xuống tận đường, chị không quên nhắc lại lần gặp tôi tại Sài Gòn ở cơ quan đại diện NXB Hội Nhà văn. Lần đó, vô Sài Gòn, chị kể, hễ đến cơ quan nào, biết chị là DTH thì người đang nói chuyện với chị đều bỏ chạy!

          Câu cuối cùng DTH nói với chúng tôi trong cái buổi sáng đẹp trời đầu năm 2002 đó, là: Chúng nó mới cắt điện thoại của em. Em đã gọi điện cho công an nói rằng: bảo thằng Phan Văn Khải mắc ngay điện thoại lại cho bà, không thì bà không để yên cho đâu! Em nói rất to cốt để cho cả khu phố nghe.

          DTH là người như thế. Nhiều người bảo chị đanh đá! Nhưng không thấy ai bảo thằng vô cớ cắt điện thoại là thằng lưu manh. Dân tộc ta “không có truyền thống dân chủ” như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói là hoàn toàn đúng.

          Lê Phú Khải

          • trích LỜI AI ÐIẾU, Người Việt Books xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2016

          ĐINH QUANG ANH THÁI: GIỌT NƯỚC MẮT CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ BÊN THẮNG CUỘC.

          Đinh Quang Anh Thái

          Nhà báo Đinh Quang Anh Thái là một trong số rất ít người đã có dịp phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương khá nhiều. Trong tập Ký (2) của nhà báo Đinh Quang Anh Thái do Người Việt Books xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2018, viết về những nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng như Trần Độ, Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương, Lê Phú Khải và Phạm Quế Dương, riêng nhà văn Đương Thu Hương, ngoài bài bút ký “Giọt nước mắt người phụ nữ bên thắng cuộc” còn có đến 10 bài phỏng vấn. Qua đó người đọc có thể hiểu được cuộc đời, tính cách của nhà văn Dương Thu Hương, từ đâu mà bà tỉnh ngộ nhận chân ra bộ mặt lừa dối, tàn bạo của đảng cộng sản, quan điểm sống, những ám ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam phi lý, oan nghiệt, tàn khốc cũng như những hoài bão, mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước, dân tộc.

          Xin mời đọc lại bài bút ký “Giọt nước mắt người phụ nữ bên thắng cuộc” của nhà báo kỳ cựu Đinh Quang Anh Thái.

          ***

          Dương Thu Hương tự nhận mình là “người rừng”, “mụ nhà quê răng đen, mắt toét”.

          Báo chí Pháp thì gọi Dương Thu Hương là “Con Sói Đơn Độc”.

          Còn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam thì chửi bà là “con đĩ chống đảng”.

          Gọi bằng gì thì gọi, Dương Thu Hương vẫn là chính mình: Bản chất chân quê không hội nhập vào thế giới mạng Internet, bỗ bã, đốp chát, đơn độc, và trên hết, ngay thẳng, hết mực với mục tiêu nhắm tới là tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ, tự do, thoát khỏi cái chế độ hiện nay mà bà gọi là “chỉ sống bằng xác chết, không có bất cứ giá trị gì.”

          ***

          Sinh năm 1948, lớn lên tại miền Bắc vào đúng giai đoạn Cộng Sản Hà Nội tung toàn lực nhất quyết bằng mọi giá phải đạt được tham vọng “giải phóng miền Nam thoát khỏi sự kềm kẹp của Mỹ-Ngụy” (sic).

          Như lời bà kể, cùng với hơn 100 bạn ngang lứa tuổi, bà đã cắt máu xin vào Nam “đánh Mỹ cứu nước”.

          Những trải nghiệm trong chiến tranh, cùng những chua chát của Tháng Tư 1975 đã là chất liệu cho các tác phẩm sau này của bà, như “Những Thiên Đường Mù”, “Bên Kia Bờ Ảo Vọng”, “Khải Hoàn Môn”, “Đỉnh Cao Chói Lọi”, “No Man’s Land” (ấn bản Anh ngữ) được dịch sang Pháp ngữ là “Terre Des Oublis”…

          ***

          Tôi đọc Dương Thu Hương, những bài viết và các tác phẩm, ngay sau thời kỳ do tình thế o ép, giới lãnh đạo Hà Nội năm 1986 buộc phải chấp nhận “đổi mới” kinh tế và “cởi trói” văn nghệ sĩ.

          Thời kỳ ấy, Dương Thu Hương là một trong những người cầm bút can đảm “bước qua lời nguyền”, giành lại quyền suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình với những bài phát biểu, bài viết; và nhất là với tác phẩm “Những Thiên Đường Mù.”

          Riêng tôi, với cuốn “Khải Hoàn Môn,” Dương Thu Hương mới thực sự chỉ thẳng vào mặt cuộc chiến dã man đã hủy hoại toàn thể dân tộc ra sao.

          Chỉ biết Dương Thu Hương qua tác phẩm, mãi tới khoảng giữa tháng Tư 1997, lần đầu tiên tôi mới có dịp – qua điện thoại – nói chuyện với “Con Sói Đơn Độc.”

          Lúc bấy giờ, Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do vừa chính thức phát thanh về Việt Nam được hai tháng.

          Muốn phỏng vấn Dương Thu Hương nhưng mang tâm trạng cầu may thôi, chứ không nghĩ bà sẽ trả lời phóng viên của một đài phát thanh do Quốc Hội Mỹ tài trợ; và nhất là báo Công An ở trong nước vừa có bài chửi thậm tệ Giám Đốc Ban Việt Ngữ, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, là “cái loa tuyên truyền của Mỹ trong âm mưu diễn biến hòa bình.” Bài báo còn mô tả kẻ viết bài này là “ngựa non háu đá, hung hăng, ăn phải bã ông Bích.”

          Vậy mà thật may! Chuông điện thoại reng tiếng thứ hai, đầu giây bên kia, giọng phụ nữ “ai đấy?”

          Nghe cách nói trống không, giọng lạnh tanh, tôi hơi thủ. Bằng ngôn ngữ lễ phép, chừng mực và cũng sẵn sàng cúp máy ngay nếu cuộc đối thoại không đi đến đâu, tôi tự giới thiệu tên tuổi, nghề nghiệp; tức là “khai báo lý lịch trích ngang.”

          Lại may nữa! Tác giả “Khải Hoàn Môn”, giọng xem ra bớt lạnh, hỏi, “thế ông cần gì?” Tôi nói mong được phỏng vấn bà về ngày 30 Tháng Tư 1975. Bà bảo, nói chuyện thế này là hơi lâu rồi đấy nhé; cứ từ từ đã, lúc nào có dịp lại trao đổi xem ông là người thế nào đã nhé.

          Liên tiếp vài ngày sau đó, hôm nào tôi cũng gọi về Hà Nội, chỉ loanh quanh chuyện thời tiết cỏ cây và tò mò về vùng đất của 36 phố phường. Dương Thu Hương có vẻ bớt xa lạ hơn, bỏ công nói về Hà Nội, nhất là sau khi nghe tôi nói rằng tôi nằm trong lòng mẹ di cư vào Nam năm 54 nên không biết tí gì về đất Bắc.

          Và cuối cùng là cuộc phỏng vấn.

          ***

          Dấu mốc quan trọng làm thay đổi hẳn cuộc đời Dương Thu Hương là thời điểm đoàn quân của “bên thắng cuộc” vào Sài Gòn trưa ngày 30 Tháng Tư 1975.

          Trả lời phỏng vấn bằng điện thoại, Dương Thu Hương kể: “Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã là một ngả rẽ trong đời tôi. Khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn, trong khi tất cả mọi người trong toán quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi ngồi bên lề đường khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bày trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ. Ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ…nếu người ta muốn. Ðó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ.”

          Trong suốt cuộc phỏng vấn dài hơn nửa tiếng, Dương Thu Hương nhiều lần dùng cách nói bỗ bã, “chém đinh chặt sắt,” thậm chí đôi khi thô tục để đả kích chế độ cầm quyền.

          Hỏi, lối nói như thế liệu có gặp phản ứng không thuận tai đối với người nghe, Dương Thu Hương lại càng “đanh” hơn, nói “chẳng việc gì tôi phải kiêng dùng những danh từ mà nhiều người cho là thô bỉ, như là ‘ỉa vào mặt kẻ cầm quyền’, vì đó là cách nói thuần của người Việt răng đen mắt toét; là ngôn ngữ đích xác của người nông dân khi họ muốn biểu lộ thái độ khinh bỉ và bất chấp. Tôi hành động như thế là có dự tính chứ không phải ngẫu hứng. Tôi rất ghét những thứ ngôn ngữ nhờ nhờ nhạt nhạt.”

          Dương Thu Hương trở thành “Con Sói Đơn Độc” ngay giữa bầy đàn của mình cũng “chẳng oan ức gì.” Cá tính ngang ngạnh như thế, bất chấp và không ngần ngại phang thẳng vào mặt những người mà bà cho là “giả dối, hèn hạ”, thì phải là người hiểu bà lắm mới dám tới gần, kết thân.

          Điển hình cách nói vỗ vào mặt người ta của Dương Thu Hương là những lời bà mạt sát lãnh đạo Hà Nội.

          Cũng năm 1997, Lê Khả Phiêu lên làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam và bị đồng bào trong nước gọi là “tổng bí thư đậu vớt,” từ Washington DC, tôi gọi điện thoại về Hà Nội hỏi Dương Thu Hương, rằng cảm nghĩ của bà ra sao về ông Phiêu, bà “phang” ngay: “Ông Thái đã có bao giờ thấy âm hộ của con ngựa già chưa? Đấy, mặt thằng Lê Khả Phiêu thế đấy, nó nhăn nheo y như âm hộ con ngựa già”.

          Chưa hết! Năm 2000, khi Tổng Thống Mỹ Bill Clinton đến thăm Hà Nội, bà trả lời phỏng vấn của kẻ viết bài qua điện thoại: “Clinton là biểu tượng của một nền dân chủ, là một chân trời khác, một cuộc sống khác mà người ta ao ước.” Và bà cười sảng khoái, thuật lại câu của hàng xóm láng giềng nhà bà: “Sao mà xấu hổ thế! tổng thống của chúng nó, của dân Mỹ đứng cạnh mấy ông lãnh đạo của mình, mặt nó thì sáng ngời ngời, còn mặt mấy ông lãnh đạo của mình sao mà tối tăm thế. Mặt Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu tuy đã sửa nhan sắc nhưng trông cũng không đẹp cho lắm. Cho nên dân chúng bảo xấu hổ quá. Còn cánh đàn ông thì họ rú lên, ối giời ơi! Cái thằng Clinton nó đẹp giai quá! Mình cũng còn mê nó nữa là đàn bà. Cho nên một trăm con mê nó thì cũng phải thôi.” (cười to tiếng).

          Rồi “người rừng” nói tiếp, “mấy người hàng xóm nhà tôi xem thằng Lê Khả Phiêu là lãnh đạo của họ thì các ông bà ấy xấu hổ nhục nhã; chứ còn tôi thì tôi thấy bình thường; vì từ lâu tôi đã coi mấy thằng lãnh đạo chúng nó chẳng ra cái gì, cho nên tôi chả việc gì phải nhục hộ chúng nó.”

          “Mụ nhà quê răng đen mắt toét” còn kể, “một nhà báo Mỹ phỏng vấn tôi và hỏi tôi nghĩ như thế nào về quan hệ của tôi với chế độ, tôi nói thẳng rằng, chế độ Hà Nội là đám người ngửi rắm bọn Bắc Triều Trung Quốc”.

          ***

          Trung tuần Tháng Hai năm 2005, do lời mời của nhà xuất bản Sabine Wespieser Éditeur, Dương Thu Hương đến Paris ra mắt tác phẩm đã được in bằng Anh ngữ, cuốn “No Man’s Land”, được dịch sang Pháp ngữ là “Terre Des Oublis”.

          Trước khi đi vào ngày cuối cùng của năm Ất Dậu, trong lúc mọi người chuẩn bị đón giao thừa Bính Tuất, Dương Thu Hương kín đáo xách va ly đi ra phi trường; và trước khi rời nhà, bà nhắn tin cho tôi, rằng khi bà đã lên được máy bay ở Hà Nội, sẽ có người báo cho tôi biết để tôi yên tâm là bà đã đi thoát và cũng để tôi thu xếp qua Pháp gặp bà.

          Một tuần lễ sau, tôi có mặt tại Paris và người đón tôi tại sân bay Charles de Gaulle là anh Nguyễn Gia Kiểng.

          Suốt một tuần sang thăm Dương Thu Hương, tôi ở nhà anh Kiểng, nơi hội họp thường xuyên của các thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tổ chức chính trị mà anh Kiểng là một trong những người sáng lập và lãnh đạo.

          Mỗi sáng, từ nhà anh Kiểng ở thành phố Lognes, ngoại ô Paris, tôi đi xe điện vào Michèle Manceaux thuộc Quận Ba gặp và phỏng vấn Dương Thu Hương. Anh Kiểng rất tế nhị, thấy tôi không cho biết mục đích lần sang Paris này, nên anh cũng không hỏi. Tôi không nói với anh Kiểng chỉ vì đã cam kết với Dương Thu Hương là giữ kín sự có mặt của bà tại Kinh Thành Ánh Sáng.

          Buổi sáng đầu tiên đi tìm ngôi nhà thờ Michèle Manceaux, 1 Impasse Saint-Claude, theo như lời Dương Thu Hương chỉ dẫn, vừa nhìn thấy cây thánh giá trên nóc nhà thờ, thì ngay bên cạnh là một hẻm nhỏ có một quán cà phê bày ghế ra ngoài hiên đúng cách “Paris.” Một phụ nữ Á Châu, duy nhất, ngồi trước ly cà phê đang bốc khói: Con Sói Đơn Độc Dương Thu Hương.

          ***

          Câu chuyện xoay quanh chuyến đi đầy bất trắc chực chờ khi Dương Thu Hương rời Hà Nội. Bà nói, bọn nó mà biết lịch bay thì bằng mọi cách chúng sẽ chặn. “Nhưng bây giờ thì ngồi đây rồi.”

          Một chi tiết vẫn còn gây ấn tượng trong tôi về cung cách cư xử của Con Sói Đơn Độc.

          Tách cà phê Pháp bốc khói do cô hầu bàn vừa đặt xuống trước mặt tôi, Dương Thu Hương nói ngay, chú đã cất công qua thăm, mọi chi phí ăn uống, tôi trả, nếu không đồng ý thì “chú cuốn gói về ngay, không phỏng vấn phỏng viếc gì hết.”

          Lúc bước lên cầu thang căn phòng bà ở trọ, tôi không để ý cửa ra vào vừa được sơn lại, nên quẹt cánh tay chiếc áo da đen vào khung cửa. Một vệt sơn trắng dính vào, chạy dài theo tay chiếc áo do Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến mua ở London làm quà tặng tôi cách đó 6 năm. Thấy thế, bà Hương bảo, để tôi mua đền chú chiếc áo khác, chứ ai đời để chú bị hư chiếc áo đẹp.

          Dĩ nhiên tôi từ chối.

          ***

          Lý do nào lãnh đạo Hà Nội chửi bà là “con đĩ chống đảng?”

          Ngồi cạnh cửa sổ căn hộ lầu hai của bà ở Quận 5 Paris, tôi nêu câu hỏi trên. Dương Thu Hương cười, kể lại: “Trong bài diễn văn tôi đọc ở Đại Hội Nhà Văn năm 1989, tôi nói rằng đảng cộng sản phải biết ơn nhân dân. Bởi vì xưa nay họ chỉ nói nhân dân phải biết ơn đảng thôi. Trong bài diễn văn đó, tôi phân tích rằng, cả một dân tộc đã đổ xương máu để kháng chiến chống Pháp và những gì dân tộc đạt được là do truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc nhưng đảng cộng sản đã cướp tất cả công đó và nhận vơ là công của đảng. Họ còn dạy dỗ quần chúng là phải biết ơn đảng. Tôi nói thẳng rằng hành động như thế vừa đểu cáng vừa vô ơn bạc nghĩa và tự cao tự đại. Những kẻ như thế không xứng đáng để lãnh đạo dân tộc.”

          Phát biểu tại Đại Hội Nhà Văn thì bà nói thế, nhưng có bao giờ bà bốp chát kiểu như thế với giới lãnh đạo chóp bu của chế độ, Dương Thu Hương cười nửa miệng, nói, “tôi sợ gì chúng nó, tôi từng chửi ‘ỉa vào mặt đảng’”.

          Quay lại câu tôi hỏi tại sao bà bị chửi là “con đĩ chống đảng,” Dương Thu Hương (hể hả cười) kể, “năm 1998, trong một hội nghị của trí thức Hà Nội, tôi có đọc bài diễn văn với tựa đề là Nhân Cách Trí Thức. Tại hội nghị đó, ông Nguyễn Văn Linh (Tổng bí thư đảng cộng sản lúc bấy giờ) tỏ ra vô cùng đắc ý với nội dung bài diễn văn của tôi. Ông ta đã ôm tôi thắm thiết và xin bài diễn văn của tôi. Sau đó, vào giờ giải lao, người thư ký của ông ta tìm tôi và chuyển đề nghị của ông Linh muốn tặng tôi một căn nhà tiêu chuẩn dành cho cấp bộ trưởng. Người thư ký này còn đề nghị tôi tạm im lặng để cho đảng tự cải sửa. Tôi trả lời rằng, tất cả những việc tôi làm là vì dân tộc chứ không phải vì bản thân tôi; và tôi không giàu có nhưng cũng có một căn nhà đủ để ở. Tôi còn nói với ông thư ký của ông Linh rằng, hiện giờ đang có hai vạn giáo viên tiểu học ở Hà Nội không có nhà để ở, cho nên nếu nhà nước có ý định thì nên phân phối nhà cho hai vạn người đó.”

          Có bao giờ bà mặt đối mặt với ông Nguyễn Văn Linh, tôi hỏi? “Có một lần ông Linh muốn gặp tôi, nhưng tôi từ chối. Tôi còn nhớ, Nhà thơ Giang Nam lúc đó còn sống, chuyển lời của ông Nguyễn Văn Linh mời tôi ăn cơm với vợ chồng ông Linh và cô con gái của ông Linh. Giang Nam còn bảo là ông Linh nói rằng, dù sao chăng nữa thì tôi cũng là người mà nhà nước này yêu mến vì tôi đã tình nguyện chống Mỹ và chống Tàu, và đó là điều chứng minh tôi là người hết sức hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Tôi trả lời thẳng thừng rằng, tôi đã đấu tranh cho tự do dân chủ, tôi chỉ ngồi trên cỏ thôi, nên tôi không chơi với vua quan.

          “Tôi nghĩ rằng những lời phát biểu đó của tôi khiến ông Linh phật lòng. Về phương diện cá nhân thì hẳn là ông ấy phải phật lòng, và sau đó thì ông ấy bị sức ép của cánh bảo thủ, nên ông ấy quay ngoắt lại và ông ta đánh vào các nhà văn mà ông ấy từng khuyến khích họ đừng uốn cong ngòi bút. Với cá nhân tôi thì ông ta mắng tôi là ‘con đĩ chống đảng’. Lúc đó tôi nói với một ông trong ban tổ chức đảng rằng, nếu tôi là đĩ thì may cho cái đảng này; nhưng vì tôi không đánh đĩ được cho nên tất cả mọi năng lực của tôi đều dồn vào việc ỉa vào mặt đảng. Họ đã chửi tôi như vậy thì từ giờ trở đi mọi sự đều rõ ràng, không còn con đường thứ ba nữa. Nghĩa là tôi dấn thân đến cùng trong mục tiêu đấu tranh cho dân chủ.

          Nhân Dương Thu Hương kể việc Nguyễn Văn Linh muốn tặng bà căn nhà, kẻ viết bài này lại nhớ câu nói để đời của Thi sĩ Hữu Loan, tác giả bài thơ bất hủ “Màu Tím Hoa Sim”.

          Theo lời Thi sĩ Hà Thượng Nhân kể với kẻ viết bài này, ông Hữu Loan vào Sài Gòn sau 1975 thăm người bạn cũ Hà Thượng Nhân và kể cho người bạn xưng hô “mày tao chi tớ” từ thuở thiếu thời với mình, rằng đảng Cộng Sản muốn tặng ông căn nhà để ông đừng chống đảng nữa, ông trả lời, “tôi không có thì giờ làm nhà vì đang bận làm người”. Hữu Loan còn khẳng định thái độ sống của ông, “cả đời là thanh gỗ vuông chành chạnh, cương quyết không để người ta đẽo tròn lăn đi đâu thì lăn.”

          Tác giả “Màu Tím Hoa Sim” đã phải trả giá cho cách sống như “cây tùng trước bão” của mình: Bị chế độ bỏ tù, sau đó bị giam lỏng tại nhà ở Nga Sơn, Thanh Hóa và kiếm sống bằng những chuyến xe kĩu kịt đá và những mớ bánh chui nhủi của vợ.

          Dương Thu Hương, những lời đanh thép đánh thẳng vào đảng như thế khiến bà bị bắt vào Tháng Tư năm 1991 và được thả khỏi nhà tù nhỏ ngày 20 tháng 11 cùng năm.

          ***

          Phải chăng Dương Thu Hương cắt máu tình nguyện vào Nam “đánh Mỹ” vì muốn phục vụ đảng Cộng Sản, tôi hỏi câu đó và bị tác giả “Khải Hoàn Môn” đáp trả bằng giọng khinh bạc, rằng “ông Thái lầm rồi,” bà nói, “năm 1968 tôi vào tiền tuyến là vì tôi tuân thủ truyền thống cứu nước của dân tộc Việt Nam chứ không phải vì đảng cộng sản. Tôi còn nhớ lúc xảy ra chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, ngay trước cửa nhà tôi là một người bị chết treo, và lúc 8 tuổi, tôi đã phải đi theo các đoàn học sinh để chứng kiến các cuộc đấu tố địa chủ. Sau lưng nhà tôi, ngay đường xe hỏa, một người khác bị vu là địa chủ nên tự tử bằng cách đặt cổ vào đường ray cho xe lửa cán chết. Thật khủng khiếp. Lúc 8 tuổi, buổi sáng khi đi tưới rau, tôi thấy cảnh những người chết như thế và điều đó làm tôi vô cùng khủng khiếp. Cho nên tôi nhắc lại, tôi chiến đấu hoàn toàn không vì cái đảng gây ra cuộc cải cách ruộng đất thấm đẫm máu người dân như thế”.

          Chuyến thăm Dương Thu Hương năm 2005, tôi có nhiều thì giờ mặt đối mặt trò chuyện với bà, nhất là nói về những vấn đề liên quan đến con người và đất nước Việt Nam.

          Về những năm tháng bị cuốn vào cuộc tàn sát, Dương Thu Hương cho biết, “đến tận bây giờ, cuộc chiến vẫn ám ảnh tôi. Lúc tôi tình nguyện vào Nam, số học sinh của cả bốn lớp 10 của trường chúng tôi vào chiến trường khoảng 120 người, vậy mà chỉ 2 người may mắn sống sót, là tôi và một người nữa. Tôi thì bị bom làm điếc tai bên phải; người còn lại là cậu Lương thì bị cụt một tay và trở nên ngớ ngẩn. Tất cả những bạn khác của tôi không ai sống sót. Khi tôi đi tìm mộ của những bạn đã chết, tôi mới biết, trong những trận đánh mà bộ đội miền Bắc thua, thì người ta xóa sạch dấu vết và tên tuổi liệt sĩ không được ghi lại. Họ giải thích rằng dân tộc ta là dân tộc anh hùng phải chiến thắng quân thù, nhưng trận này chưa thắng vì vậy không thể kiểm kê các liệt sĩ được. Cho nên hàng trăm người chết dưới đáy hồ, dưới đáy vực mà hoàn toàn không ai tìm được tung tích.”

          Đang nói chuyện, nhiều lúc, Dương Thu Hương trôi vào im lặng, tôi có cảm tưởng những bóng ma của cuộc chiến đang quay về ám ảnh bà.

          Dương Thu Hương nhắc đi nhắc lại nhiều lần ước mong về một bàn thờ chung cho những người của cả hai miền đã nằm xuống. Bà nói, bất cứ lúc nào bà thắp hương trên bàn thờ Phật, bà cũng khấn nguyện cho vong linh của Bộ Đội miền Bắc và Quân Nhân miền Nam, vì “đó là những người con chung của Tổ Quốc.”

          Tôi nói với bà về suy nghĩ của tôi đối với những nỗi oan nghiệt của cuộc chiến. Theo tôi, chỉ một thiểu số của dân tộc là đã tự nguyện đứng dưới lá cờ của Đảng Cộng Sản, còn đa số đồng bào hai miền không ai muốn lao vào cuộc chiến khốc liệt đó. Đồng bào miền Nam thì buộc phải chống lại và chặn đứng tham vọng của giới lãnh đạo Hà Nội muốn biến miền Nam thành một xã hội trại lính kiểu miền Bắc. Còn ruột thịt bên kia vĩ tuyến 17 thì vì bị bưng bứt thông tin, bị tuyên truyền nhồi sọ nên (như Dương Thu Hương) cắt máu ăn thề, quyết “giải phóng miền Nam.”

          Nghịch lý và oan khiên là, tôi nói với bà, nếu Dương Thu Hương sinh trong Nam và di cư như tôi, thì Dương Thu Hương đã đứng trong hàng ngũ quân dân miền Nam bảo vệ vùng đất tự do non trẻ này. Và ngược lại, nếu gia đình tôi không chạy thoát năm 1954 và may mắn sống sót ngày tàn cuộc chiến thì tôi cũng là một bộ đội trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn Tháng Tư 1975.

          ***

          Vì bị điếc nặng nên Dương Thu Hương phải nói rất to thì mới nghe được giọng mình. Đi cạnh bà trên đường phố Paris, bà nói như quát khiến nhiều người chung quanh nhìn bà khó chịu.

          Ngồi tại một quán cà phê gần Tháp Eiffel, bà nói, mắt long lên sòng sọc: “Chế độ hiện nay chỉ sống bằng xác chết thôi. Nó không có giá trị gì trong thời đại này cả. Những người lãnh đạo chế độ hoàn toàn vô năng và tham nhũng.”

          Miên man câu chuyện, tôi hỏi Dương Thu Hương, bà tự nhận là “kẻ làm giặc” ngay trong lòng chế độ, vậy các con bà thiệt thòi ra sao?

          “Tôi đã nói rất rõ với các con tôi, rằng con đường ‘làm giặc’ là phải chịu tất cả mọi khổ đau; cho nên tất cả mọi người trong gia đình, nghĩa là bố tôi, mẹ tôi, anh em tôi và con cái, nếu ai muốn thì tôi sẵn sàng viết giấy với tòa án là không có quan hệ với tôi nữa để tránh cho họ khỏi bị di lụy. Còn nếu những người muốn tiếp tục đứng với tôi thì phải chấp nhận khổ đau, thua thiệt và không bao giờ được nói với tôi một lời can thiệp vào việc tôi làm. Bởi vì tôi biết chắc chắn cộng sản sẽ dùng những người thân thuộc để gây sức ép. Nhiều trường hợp đã xảy ra đối với những người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Vợ con, anh em của họ bị công an áp lực phải khuyên can họ không được đấu tranh nên một số người đành bỏ cuộc. Bản thân tôi đã lường trước điều đó nên tôi tuyên bố sòng phẳng rằng, cả tuổi xuân của tôi, tôi đã hy sinh để nuôi con rồi, nên bây giờ tôi an tâm lao vào cuộc chiến chống lại bọn cường quyền. Tôi bảo các con tôi có thể về sống với bố của chúng hay với một người mẹ khác. Còn nếu chọn sống với tôi thì phải chấp nhận khổ đau, vì chắc chắn chúng sẽ không có chỗ đứng trong chế độ này. Hai con tôi đứa nào cũng hai bằng đại học nhưng vẫn không có việc làm. Con trai lớn của tôi phải sống bằng tất cả mọi việc, từ bồi bàn cho đến gác cổng….và bây giờ đi quay phim thuê cho một hãng tư. Cháu gái thì bán sơn.”

          Tôi gặp cô con gái lớn của Dương Thu Hương khi cháu thăm mẹ ở Paris; hỏi, các cháu có ủng hộ lý tưởng của mẹ không, cô con nói, giọng cũng mang hơi hướng “người rừng” giống mẹ: “Thôi chú đừng nhắc chuyện điên khùng ấy làm gì.”

          Còn Dương Thu Hương nói, “đối với chúng nó, tôi là một người điên. Nhưng dầu sao chăng nữa thì cũng là tình mẹ con, nhất là tôi đã giao hẹn là nếu chấp nhận tôi thì không được can ngăn việc tôi làm, nếu can thiệp thì tôi sẽ cắt đứt ngay tức khắc, thành ra chúng nó đành chấp nhận thôi.”

          “Thế còn tình cảm đôi lứa, gia đình của bà?”

          Cười, thoáng chút buồn: “Tôi là người hoàn toàn thất bại và bất hạnh trong cuộc sống đôi lứa. Nhưng tôi cũng tự cảm thấy hạnh phúc vì tôi đã tự tiêu diệt tuổi thanh xuân để nuôi con tôi trưởng thành. Con cái tôi không phải bương chải ngoài đường. Trong khi bố nó có thể đi kiếm vài ba người vợ khác. Tôi không cần một xu của ông ta để nuôi con, dù tôi ‘làm giặc’ và chịu nhiều hậu quả. Đấy là điều hạnh phúc. Nếu không tôi sẽ bị lương tâm cắn rứt. Tôi còn một hạnh phúc nữa là tôi đã trả được tất cả những món nợ cho những người bạn tôi đã chết trong chiến tranh. Ít nhất là bằng tác phẩm và những bài viết để vạch trần tội ác của một cuộc chiến phi lý. Tôi cảm thấy hạnh phúc trong sự bất hạnh của mình. Tôi nghĩ rằng số phận đã chọn tôi để trở thành một con người như vậy.”

          “Tiêu phí tuổi trẻ trong chiến tranh để rồi sau đó bị chế độ đầy đọa vì ‘làm giặc’, bản thân thì không ai dám giao tiếp vì sợ liên lụy; có bao giờ bà chùn bước và muốn buông xuôi?”

          Cười mũi: “Nếu mà tôi chùn bước, buông xuôi thì tôi đã chùn bước, buông xuôi từ lâu rồi.”

          “Bà tin vào nhân quả?” “Tôi hoàn toàn tin vào thuyết nhân quả. Tôi hoàn toàn tin vào kiếp sau. Tôi vẫn dạy con tôi phải sống cho có trước có sau. Nhiều người muốn tôi phải thế này phải thế khác. Tôi trả lời rằng tôi không phải gì cả. Tôi chỉ phải sống đúng với những nguyên tắc đạo đức mà gia đình tôi đã dạy tôi và những nguyên tắc mà tôi học được ở đạo Phật. Các con tôi cũng phải theo những nguyên tắc đạo đức đó. Bất luận chúng nó là thường dân hay người lỗi lạc, tôi đối xử như nhau. Tôi không yêu cầu con cái tôi phải trở thành bác sĩ, tiến sĩ…Tôi không yêu cầu như thế. Tôi chỉ duy nhất yêu cầu các con tôi sống tử tế; và đối với tôi đạo đức là cốt lõi.”

          Căn hộ Dương Thu Hương có bàn thờ Phật Thích Ca. Có lần bà nói, đạo Phật giúp bà định được tâm mình; rồi bà đùa, “anh Phật quả là đẹp giai thật.” Trò chuyện nhiều với bà thì biết, vẫn không bỏ được cái lối tếu táo “người rừng” chứ thực tâm hết mực thờ kính Đức Thế Tôn.

          Dương Thu Hương có nguyên tắc sống đạo đức rạch ròi, không khoan nhượng. Thăm bà ở Paris, xin phép biếu bà chút quà, bà quát lên bảo, không nhận bất cứ vật chất nào của bất cứ ai.

          Những bữa cơm tiệm ở Paris, bà giành trả tiền và nói như ra lệnh, “tôi cấm chú trả tiền.”

          Đành bó tay chịu thua “mụ nhà quê mắt toét,” cách tôi vẫn gọi chị Hương mỗi khi điện thoại thăm hỏi.

          Bốp chát, bỗ bã, không khoan nhượng là Dương Thu Hương.

          Đạo đức cốt lõi cũng là Dương Thu Hương.

          Bây giờ “Con Sói Đơn Độc” đã bước vào tuổi 70, vậy mà ngọn lửa đấu tranh cho một tương lai Việt Nam tươi sáng vẫn ngùn ngụt cháy trong tim.

          Hôm 10 tháng Sáu, 2018, đồng bào trong nước biểu tình khắp nơi chống Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế mà Quốc Hội Hà Nội sắp đưa ra biểu quyết cho phép “quốc gia cùng biên giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam” thuê mướn thời hạn 99 năm, Dương Thu Hương viết lá thư ngắn gửi tôi, nguyên văn:

          “Từ năm 1986, khi lập nhóm đấu tranh ‘Vì Nước Việt’, tôi chủ động cắt đứt mọi sợi dây liên lạc với mọi người, kể cả những người chung huyết mạch. Vì nhiều lý do. Nhưng không hiểu vì sao tôi lại chấp nhận giao du với chú, tự tôi cũng không hiểu.

          Năm 2005, chú sang đây, nhất quyết đòi đến nhà phỏng vấn, tôi đành chấp nhận dẫu rằng trên nguyên tắc, các cuộc phỏng vấn tôi đều phải thực hiện ở các quán cà phê. Công việc xong, chú ngẩng đầu nhìn bàn thờ nhà tôi.

          Thấy mắt chú chăm chăm vào pho tượng Phật, tôi bảo tôi đã thờ bức tượng hơn 6 năm và nay Phật đã nhập tâm tôi rồi. Âu cũng là duyên, nếu chú thích thì tôi tặng chú.

          Thế là chú chắp tay vái rồi ôm pho tượng xuống.

          Chú đi rồi, tôi chợt nghĩ: Phải chăng ta chấp nhận giao du với con người này vì ở một kiếp xa xôi nào đó cậu ta đã từng là đồng tu dưới cùng một mái chùa?

          Bây giờ, tôi là người viết văn và tôi đứng bên ngoài mọi tôn giáo, tôi coi Như Lai như một hiền triết, anh minh và từ huệ, không có tính cách như các vị sáng lập tôn giáo khác.

          Ngày 10 tháng Sáu vừa rồi, khi có người nhắn tin cho tôi, tôi gửi lại một lời nhắn:

          “Tôi đã chờ ngày này từ hơn 30 năm qua.”

          * “Bên Thắng Cuộc” là tựa một cuốn sách của nhà báo Huy Đức.

          Đinh Quang Anh Thái


DQAT Phỏng Vấn DTH 1 DQAT Phỏng Vấn Dương Thu Hương 2 Dinh Quang Anh Thái PV Dương Thu Hương 3 PV 4 PV 5 PV 6 PV 7

No comments:

Post a Comment