Cái cảm nhận đầu tiên của tôi về tiếng hát của Anh Khoa là âm sắc đẹp và nồng ấm của nó. Thật ra, tiếng hát của anh nhờ cái đẹp nồng ấm nên che giấu một vài thô thiễn lỗi lầm mà anh có thể sửa chửa nếu anh bỏ lối hát cũ để tập luyện lại bằng phương pháp chân truyền.
Dù khi anh đứng trên tuyệt đỉnh vinh quang, anh cũng còn thì giờ để có thể sửa đổi được những cái défauts ấy để cho tiếng hát mình như viên ngọc được cắt cạnh và mài dũa mặt khéo léo hơn.
Thuở đó anh còn trẻ, những sợi thanh đới của anh còn mềm dẻo để cho anh có cơ hội luyện giọng lại. Giọng anh hơi nghẹt mũi, làn hơi đã không dồi dào lắm, lại không được anh dàn trải đều đặn nên thừa thải ở chổ này để rồi thiếu hụt ở chổ khác.
Chuỗi ngân thô rít và không đều đặn khít khao. Nhưng sở dĩ khán thính giả yêu mến anh vì giọng hát anh nồng ấm như trầm hương bách hợp, khoẻ khoắn trơn ngọt như giòng mật rót vào ly nên có một hấp lực nồng ngát say sưa. Do đó, khi nghe anh hát, thính giả chỉ chú trọng vào cái đẹp tổng quát của tiếng hát anh mà thôi. Nhờ vậy, khi hành nghề chẳng bao lâu mà anh trở thành một ngôi sao ca nhạc.
Nhưng người sành điệu thì khác. Họ tiếc hộ anh vì anh có một giọng hát đẹp mà không chịu trau giồi đúng mức để trở thành một viên ngọc Biện Hòa có giá trị liên thành thuở xưa mà thời nhân gọi là toàn bích, là vô song phẫm vào thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu.
Khi còn cộng tác với ban nhạc Jo Marcel, Anh Khoa còn chọn những bản có phẫm chất, có giá trị nghệ thuật. Khi hát ở những nơi khác, anh chọn những bản phổ thông và tạp nhạp.
Tiếng hát Anh Khoa ở giữa khoảng giữa giọng thường (baritone) và giọng trầm (basse). Khi xuống chỗ hơi trầm tiếng anh rền mà không dội sâu vì làn hơi anh không phong phú và dũng mãnh lắm.Anh không chải chuốt giọng hát cho mượt mà, bởi giọng anh đã có sẵn cái quyến rũ mộc mạc rồi.
Tiếng hát Anh Khoa tự bản chất là tiếng hát đẹp và truyền cảm. Nó đưa vào tâm hồn khán thính giả ánh nắng ấm áp của mùa hè vùng duyên hải.
Lúc đó, họ có cảm tưởng mình sống lại tuổi học trò vào những ngày bãi trường được xa rời thành phố để về nghĩ mát nơi vùng quê ven biển ngó qua dãy Hoành Sơn sừng sững bên kia chân trời. Họ có thể tắm nắng trên bãi cát để nghe tiếng sóng ngoài khơi, tiếng thuỳ dương reo vi vút, tiếng cười nói lao xao bên xóm chài, tiếng hát của du khách bên ghềnh đá.
Nhưng ở đó là một thế giới ngoài khung cảnh mùa hè tràn đầy mộng tưởng của họ. Ở đây là nơi có nắng ấm tình người, có gió mát đưa tâm hồn họ bay bổng lên cõi khác, không còn liên lạc gì với cảnh sân trường lớp học trong niên học vừa qua.
Tiếng hát của Anh Khoa cũng có thể đưa khán thính giả sống lại dưới mái nhà ấm áp nơi quê hương ven biển trong đêm trừ tịch. Căn bếp ấm hẵn lên vì hơi lửa đun nồi bánh tét và ngọn lửa đun trả đầu heo luộc.
Ngoài mái nhà, tiếng sóng biển rào rào bất tuyệt như tiếng tình tự của quê hương, của biển mặn, nơi đã nuôi sống họ bằng muối và cá tôm.
Ca sĩ Anh Khoa bước chân vào làng âm nhạc Việt Nam bằng đôi hia bảy dặm.. Nỗi buồn lớn nhất của Anh Khoa là không có môi trường để hát.. Niềm vui nhất của Anh Khoa là được đến Hoa Kỳ trình diễn, gặp lại đồng nghiệp và khán, thính giả thân thương cũng như được ăn những món ăn Việt Nam thuần túy mà ở Hungary không bao giờ có.
LITTLE SAIGON (California) - Từ Hungary, một quốc gia Đông Âu xa xôi, ca sĩ Anh Khoa vừa đến Nam California theo lời mời của Trung tâm Asia, để trình diễn trong Đại nhạc hội trực tiếp thu hình với chủ đề ASIA DVD 61, Nhật Trường Trần Thiện Thanh 2 tổ chức vào cuối tuần này. Tuy rất bận rộn, ca sĩ Anh Khoa cũng dành cho nhật báo Viễn Đông một cuộc gặp gỡ để chúng tôi có dịp nghe anh tâm sự, và tìm hiểu đôi điều về cuộc sống của một ca sĩ tên tuổi rất được mến mộ như anh, nhưng chẳng may sống ở một đất nước không có điều kiện để thi thố tài năng. Buổi gặp gỡ giữa chúng tôi với ca sĩ Anh Khoa tại Studio của Nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã, và sau đây là nội dung trao đổi giữa phóng viên Viễn Đông và ca sĩ Anh Khoa.
Viễn Đông: Thưa Anh, trước khi tìm hiểu về các sinh hoạt văn nghệ của anh tại hải ngọai, đặc biệt tại Nam California trong những ngày sắp tới. Xin anh cho phép chúng tôi "xâm phạm vào đời tư cá nhân" của anh một chút, anh có sẵn lòng không?
Anh Khoa: Đời tôi hoàn toàn công khai, không có gì giấu giếm cả, vì tên thật tôi cha mẹ đặt đã là Trần Công Khai rồi. Tôi sinh ra tại Phan Thiết, birthday là 20 tháng 5, năm con Trâu trong một gia đình rất nghèo. Hiện tôi có vợ và một cháu gái sống tại Budapest, thủ đô Hungary, một quốc gia thuộc Đông Âu.
Viễn Đông: Nguyên nhân nào anh gặp ái nữ của ông Đại sứ Hungary tại Việt Nam, và đi đến quyết định làm rể nước Hungary như hiện nay?
Anh Khoa: Bà xã tôi lúc đó cũng như bây giờ rất thích văn nghệ, bà ấy đi dự các buổi văn nghệ có tôi trình diễn, thế rồi mê tiếng hát của tôi và hai đứa gặp nhau, yêu nhau và lấy nhau. Tên vợ tôi là Karsai Irén.
Viễn Đông: Cô con gái ông Đại sứ Hung mê tiếng hát Anh Khoa hay mê vẻ đẹp trai của chàng ca sĩ Việt?
Anh Khoa: Có lẽ cả hai.
Viễn Đông: Lấy một người khác chủng tộc, ngôn ngữ và phong tục tập quán, anh có gặp nhiều trở ngại không?
Anh Khoa: Có, lúc đầu cũng gặp trở ngại, vì tôi học tiếng Hungary có sáu tháng nên nói cũng chẳng được nhiều, đành phải nói chuyện với bà xã tôi bằng tiếng Anh, mà như anh biết, tiếng mẹ đẻ đôi khi còn không diễn tả hết nữa là tiếng ngoại quốc, nhưng dần dần cũng quen, vả lại khi hai con tim đã yêu nhau rồi thì ngôn ngữ, chủng tộc hay cái gì cũng không ngăn cản được
Viễn Đông: Anh có dạy chị nói tiếng Việt không?
Anh Khoa: Có, bà xã tôi và con gái tôi biết chút ít.
Viễn Đông: Con gái anh có giống máu văn nghệ của bố không?
Anh Khoa: Rất giống máu bố. Cháu năm nay vừa tròn 17 tuổi, chúng tôi đăït tên cháu là Trần Diana, cháu học dương cầm từ năm 4 tuổi, học chơi nhạc cổ điển Tây phương. Năm nay là năm thứ 11 học dương cầm nên phải nói, cháu chơi rất giỏi; ngoài ra cháu học thêm về luyện thanh, học nhạc jazz, v.v.. So với tuổi cháu, tôi thấy cháu biết quá nhiều. Hiện nay hàng tuần, thứ Bảy, Chúa nhật tôi đều chở cháu đi học luyện thanh và nhạc jazz.
Viễn Đông: Anh bắt đầu biết ca hát từ năm bao nhiêu tuổi?
Anh Khoa: Tôi được Trời phú cho khiếu ca hát từ bẩm sinh nên ngay từ nhỏ tôi đã mê ca hát. Năm 12 tuổi, tôi được đại diện Tỉnh đi thi văn nghệ quốc sách Ấp Chiến Lược toàn quốc, tổ chức tại rạp Quốc Thanh Sàigòn và tôi chiếm giải nhất với nhạc phẩm "Nếu một mai anh biệt kinh kỳ".
Viễn Đông: Anh có học nhạc, học ca hát với nhạc sĩ nào không?
Anh Khoa: Không, tôi tự tìm tòi qua băng, dĩa nhạc vì lúc đó gia đình nghèo, chỉ có khả năng lo cho học văn hóa, không đủ khả năng cho tôi học ngành này nghề kia.
Viễn Đông: Sau khi anh đoạt giải nhất về đơn ca năm 12 tuổi, sau đó anh tiếp tục ca hát?
Anh Khoa: Tôi tiếp tục đi học, đến khi tôi học Trung học tại trường bán công Phan Chu Trinh ở Phan Thiết, một số bạn bè mê ca hát tụ họp nhau lập một ban nhạc trẻ lấy tên là ban "Ong Biển", nhưng vì nghèo, không có tiền mua đàn; chúng tôi tìm đủ mọi cách vận động gia đình yểm trợ mới sắm được một cây đàn điện, một bộ trống còn toàn chơi đàn thùng. Khi tôi lên Trung học Đệ Nhị cấp và học tại trường Nguyễn Huệ Nha Trang, phải vừa đi học vừa đi làm. Lúc đó chiến tranh khốc liệt, nhu cầu văn nghệ cho quân đội Mỹ rất hiếm, tôi có người anh ở Sàigòn ra thành lập một băng nhạc nhỏ và đưa chúng tôi đi hát tại các Club biển, và tôi phải tìm tòi sách vở, băng, dĩa nhạc của Mỹ, Úc, Anh v.v., để tự học và đi trình diễn.
Viễn Đông: Bản nhạc nào hay do một sự hy hữu nào đưa tên tuổi anh lên đài danh vọng?
Anh Khoa: Sau Tết Mậu Thân, tôi vào Sàigòn, may mắn gặp anh Jo Marcel đang hoạt động tại vũ trường Ritz, ban nhạc của Jo Marcel lúc đó là ban nhạc số 1 tại Sàigòn. Anh Jo Marcel biết tôi hát được nhạc Tây phương, biết chơi đàn Bass và nhất là thấy giọng hát tôi làm anh rất thích, anh mời tôi cộng tác và hết lòng nâng đỡ, dìu dắt tôi. Anh bắt tôi hát nhạc Việt với ca sĩ Lệ Thu mà lúc đó tôi rất thích hát nhạc của Vũ Thành An, Jo Marcel đưa tôi lên hát trên các đài truyền thanh và tên tuổi tôi bắt đầu nổi lên từ đó, đến nỗi báo chí thời bấy giờ viết rằng "ca sĩ Anh Khoa bước chân vào nền âm nhạc Việt Nam bằng đôi hia bảy dặm". Đây là thời kỳ vàng son nhất trong đời ca nhạc của tôi.
Viễn Đông: Điều gì làm anh nhớ nhất trong đời ca hát?
Anh Khoa: Đó là thời điểm sau 1975, như anh biết giới nghệ sĩ miền Nam không được họ cho hát, nhạc miền Nam bị cấm. Duy Khánh, Thanh Lan, Nhật Trường, tôi và nhiều, nhiều lắm không nhớ hết phải đi hát chui kiếm sống. Chúng tôi đi miền Tây, miền Trung nhưng phải khéo léo, lựa những bản nhạc của họ không nặng mùi "nhạc đỏ", rồi biến cải ra mà hát, thế là bà con mình thích lắm. Nhưng bà con thích thì "họ" ghen tức, vì họ là đoàn văn công lại không được mời mà lại mời chúng tôi, thế là họ đuổi và chúng tôi đi lang thang. Đó là những ngày khổ cực, vất vả tôi không bao giờ quên.
Viễn Đông: Sau khi ra hải ngoại, anh có thường đi lưu diễn không?
Anh Khoa: Thực ra Cộng đồng Việt Nam hải ngoại cũng như đồng hương khắp thế giới đã nhìn thấy những giọt nước mắt của tôi trên Paris By Night 15, những giọt nước mắt sung sướng và cảm động vì khi nghe Paris By Night mời, tôi thấy vô cùng sung sướng vì có dịp được hát, được gặp lại các anh chị em nghệ sĩ đồng nghiệp, gặp lại khán giả đã yêu mến mình sau bao nhiêu năm xa cách.
Viễn Đông: Có lẽ anh là ca sĩ Việt Nam duy nhất, một mình lưu lạc ở đất Hungary bên Đông Âu, anh có thể chia sẻ một chút tâm tư của mình?
Anh Khoa: Sống một mình với gia đình bên đó tôi rất buồn, đồng hương Việt Nam thì toàn mấy ông cán bộ, công nhân viên của họ, muốn gặp thì ra chợ trời, vì họ chuyên mua bán ngoài chợ trời, mà tôi cũng không thích tiếp xúc, thành thử mình cô đơn vì không có môi trường để phát huy; đó là nỗi buồn nhất của tôi.
Viễn Đông: Ở hải ngoại anh đã cộng tác với những Trung tâm băng nhạc nào?
Anh Khoa: Đầu thập niên 90, tôi có cộng tác với nhiều Trung tâm băng nhạc như Thúy Nga, Giáng Ngọc, Người Đẹp Bình Dương; Tình Nhớ, Miss VN-USA, Nhật Trường, Rainbow Tú Quỳnh; Mưa Hồng, v.v.. Hè 2005 tôi bắt đầu cộng tác với Trung tâm Asia.
Viễn Đông: Trong Đại nhạc hội Nhật Trường Trần Thiện Thanh 2 kỳ này, anh sẽ trình diễn nhạc phẩm nào của Trần Thiện Thanh?
Anh Khoa: Tôi sẽ hát bản "Vết Đạn Thù Trên Tường Vôi Trắng" và sẽ hát chung với ca sĩ trẻ Y Phương.
Viễn Đông: Ngoài việc cộng tác với Asia, anh có chương trình gì khác?
Anh Khoa: Trong cuộc đời ca hát của tôi gần nửa thế kỷ, tôi đã ra một CD với chủ đề "Khúc Thụy Du"; hai năm nay tôi đã hình thành CD thứ hai nhưng chưa thực hiện được, vì tôi không có may mắn được ở California như một số đông đồng nghiệp. Ở Hungary, muốn thực hiện CD rất khó. Lần này, may mắn sang đây, tôi sẽ ra mắt CD thứ hai mang chủ đề "Như Giọt Sương Khuya". Đây là tựa đề bài hát cùng tên do đạo diễn Bùi Sơn Duân thực hiện trước 1975 mà tôi nhớ không lầm thì có Bạch Tuyết, Trần Quang hay Hùng Cường gì đó đóng. Tôi sẽ hát lại bài hát này và ra mắt tại Nam California.
Viễn Đông: Sau khi hoàn tất công tác tại California, anh dự trù lưu diễn ở đâu nữa?
Anh Khoa: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một người ca sĩ với Trung tâm Asia, tôi sẽ trở về cuộc sống thầm lặng với vợ con bên Hungary. Sống bên vợ con cũng có niềm vui, nhưng khi nghĩ tới không được hát cho những người ái mộ mình, tôi lại buồn, vì mình không có điều kiện, bên Đông Âu khác xa với California Hoa Kỳ.
Viễn Đông: Mấy ngày vừa qua, anh đã gặp lại các đồng nghiệp, bạn bè và khán giả, cảm tưởng của anh ra sao?
Anh Khoa: Rất vui, mừng vô cùng. Tình cảm của các anh chị em nghệ sĩ vẫn dành cho tôi như ngày nào, làm tôi nhớ vào khoảng tháng 9, 10 năm 1994 có dịp sang Mỹ, được các anh chị em trong giới nghệ sĩ tổ chức "Một Đêm Anh Khoa và Tình Nghệ Sĩ" tại vũ trường Diamond, Số tiền bán vé và anh chị em nghệ sĩ giúp đỡ, tôi đã gửi về mua một căn nhà cho các em tôi, thực hiện được điều tôi ước mơ đã lâu. Tôi vẫn không quên nghĩa cử đó.
Viễn Đông: Lúc nãy anh có đề cập đến con gái anh, cháu Trần Diana với một năng khiếu về âm nhạc rất xuất sắc. Nếu mai đây có những Trung tâm Băng nhạc mời cháu sang trình diễn, anh có để cháu đi không, và theo anh, cháu có sẵn sàng theo nghiệp bố?
Anh Khoa: Nói thật với anh, nếu được chiếu cố như vậy, hát free cả nhà tôi cũng đi.
Viễn Đông: Anh có muốn nói lời gì với khán giả từng mến mộ anh trước khi từ giã?
Anh Khoa: Tôi xin cám ơn Trung tâm Asia, cám ơn anh chị em nghệ sĩ đồng nghiệp, cám ơn các Trung tâm đã mời tôi cộng tác và nhất là cám ơn quý khán, thính giả khắp nơi đã thương mến và dành cho tôi cảm tình nồng hậu. Tôi mong ước được thường xuyên đến California hay đến Hoa Kỳ nói chung để trình diễn, để gặp lại những khán thính giả yêu mến mình, đồng nghiệp và được ăn những món ăn thuần túy Việtt Nam, mà ở Hungary không bao giờ có.
Nhân cơ hội này, tôi cũng xin chia sẻ một điều, tôi đã cộng tác với các Trung tâm băng nhạc, thấy họ bỏ ra một số tiền rất lớn, có khi từ một trăm ngàn đến một triệu để thực hiện một chương trình, nhưng sau đó không lâu đã có những băng in lậu bán ra thị trường chỉ với vài ba đồng. Thật tội nghiệp cho họ, và nếu không chận đứng được, e rằng các Trung tâm cũng không còn đủ vốn để tiếp tục đem món ăn tinh thần cho mọi người, nên xin quý báo kêu gọi đồng hương ủng hộ các Trung tâm băng nhạc bằng cách mua băng chính gốc,để chúng ta còn có cơ hội thưởng thức và duy trì nền âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại.
Xin cám ơn nhật báo Viễn Đông.
Viễn Đông: Chúc anh nhiều sức khỏe và đạt được những điều anh đang mong ước.
Thanh Phong
No comments:
Post a Comment