Monday, November 28, 2011

HOẠ MI : Tiếng ca đưa về bến lạnh hoàng hôn.




Ca sĩ nhạc vàng trước năm 1975, thường xuất hiện trong các băng nhạc của nhạc sĩ Duy Khánh. Ông chồng đầu tiên của cô tên là Lê Tấn Quốc, thổi kèn Saxophone.
Sinh ngày 1 tháng 5 năm 1955, Họa Mi tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Việt Nam và được sự hướng dẫn về nghệ thuật của Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Rời Việt Nam năm 1988, Họa Mi được nhiều cơ hội tham gia tích cực vào những sinh hoạt văn nghệ hải ngoại và đã từng trình diễn ở rất nhiều quốc gia: Pháp, Ðức, Bỉ, Thụy Sĩ, Ðan Mạch, Hòa Lan, Na Uy, Úc Ðại Lợi, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ và ngay cả Liên sô (trước 1988). Trong phong thái trình diễn rất nhẹ nhàng thoải mái, với tiếng hát ấm và trong, Họa Mi đã từng làm say mê khán thính giả trong những ca khúc trữ tình lãng mạn. Nhạc phẩm "Ðưa em xuống thuyền" của Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã được Họa Mi lựa chọn để trình diễn trong lần đầu tiên ra mắt khán thính giả tại nhà hàng Maxim's Sàigòn.
Cô hiện cư ngụ tại Pháp. 













Trong vườn ca nhạc, nếu đã có Hoàng Yến (trước 54), Bạch Yến, Thiên Nga, Hoàng Oanh, Kim Loan, Kim Phụng thì vẫn phải có thêm nhiều chim nữa để vườn thêm đông đảo và khởi sắc. Hoàng Thi Thơ đã có một chim Sơn Ca vừa mới vào nghề mà đã sáng rực như một tinh đẩu, vậy mà ông vẫn chưa vừa lòng. Ngôi sao ca nhạc Hoạ Mi do đó đã đi vào ca nhạc sử miền Nam. Đây là một con chim thiện nghệ của ông bầu Hoàng Thi Thơ.
Bởi Đinh Hoài Ngọc cho tôi biết Hoạ Mi xuất thân từ trường Quốc Gia Âm Nhac nên tôi chợt nghĩ tới tiếng hát Tuyết Hằng trong ban tam ca Đông Phương cũng được trui rèn trong trường này. Dù Hoạ Mi có làn hơi phong phú, và chuỗi ngân khá điêu luyện, nhưng cớ sao về cách dàn trải làn hơi, cô không nghề bằng Tuyết Hằng? Tuyết Hằng là một trong các mệnh phụ làng ca hát gồm Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà, Mai Hương và Quỳnh Giao.
Khi mới vaò nghề, Hoạ Mi mang theo giọng bán kim khá nhuần nhuyễn. Làn hơi cô thật mướt như lụa cẫm châu, như sa teng tuyết nhung. Thuở đó, tôi nghĩ cô có nhiều triễn vọng nhập bọn vầy bầy với các nữ ca sĩ hạng cừ như Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà. Như thế, cô không thể đi vào quần chúng như tiếng hát Sơn Ca mà chỉ có đi vào giới sành điệu thôi.
Tiếng hát Hoạ Mi không thờ ơ nguội lạnh như những giọng hát chân truyền của Anh Ngọc, Mộc Lan, Châu Hà. Nó cũng không quá sướt mướt như giọng hát của Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Thái Châu. Nỗi u hoài trong tiếng hát của Hoạ Mi khiến chúng ta tưởng như đứng trước cảnh bến đò dưới bóng hoàng hôn vào lúc năm cùng tháng tận. Ở đó, chút nắng tàn thoi thóp trên ngọn cau ngọn dừa, con nước trôi uể oải và thiêm thiếp, chiếc quán vắng khách bên kia sông, vài túp nhà lá bên này sông. Toàn là những chi tiết buồn trong một khung cảnh ảm đạm giữa giòng đời trôi biếng nhác. Lúc đó chúng ta cảm thấy hơi lạnh se sắt lảng vảng trong ánh tà dương, cái rờn rợn trên những đợt sóng làm nhăn nhúm mặt nước, những ngọn khói từ mái lá quằn quại bốc lên khung trời sáng bàng bạc. Cái buồn tuy nhẹ mà sâu như từ bóng tối cõi nào lấn vào. Lúc đó người nội trợ thắp ngọn đèn dầu để sửa soạn bữa cơm tối trong căn bếp chập chờn ánh lửa. Và cũng lúc đó, người cô phụ nhìn bóng chiều hấp hối bên ven sông, nghĩ đến những cánh buồm xa tiến ra dải trường giang, mang đi biết bao mộng đẹp và hạnh phúc của mình theo bước hải hồ của người chồng yêu dấu

No comments:

Post a Comment