Monday, November 28, 2011

HƯƠNG LAN : Tiếng hát ngọt mát nước sông trong.










Hương Lan

Là con gái của cố nghệ sĩ cải lương Hữu Phước. Lúc bắt đầu sự nghiệp đi theo đoàn Thanh Minh hát cổ nhạc là chính, về sau này thì bắt đầu đổi qua tân nhạc. Trước 1975 có người gọi cô là thần đồng Ngọc Ánh vì cô đi hát (cổ nhạc) rất sớm.
Tên cô ghép từ nghệ danh của vương hậu vọng cổ Thanh Hương và nữ hoàng Út Bạch Lan. Cô xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu Đại Nhạc Hội năm 1966 trình diễn bài "Ai Ra Xứ Huế" của nhạc sĩ Duy Khánh





Hương Lan có tiếng hát đẹp không kém tiếng hát của Hoàng Oanh. Về phần luyến láy, tét cho giọng ỏn thót, cô còn vượt xa Hoàng Oanh Về âm sắc, tếng cô ngọt hơn tiếng Thanh Tuyền. Nhưng cùng hát với hai cô ca sĩ này trong cùng một băng nhạc, hoặc nếu cùng xuất hiện với họ trong cùng một băng hình, ngôi thứ của cô phải tuột xuống hạng ba để cho họ thay phiên nhau đứng nhất đứng nhì. Bởi sao? Tiếng hát cô dù có điêu luyện thế mấy, nhưng về âm sắc nó gợi lên hình ảnh thứ cây cỏ non mềm trong khi đó tiếng hát của Hoàng Oanh và của Thanh Tuyền tượng trưng cho cỏ cây đang trưởng thành bừng bừng sức sống.


Tiếng hát của Thanh Tuyền tượng trưng cho thứ lụa tằm màu hoàng yến xôn xao ánh sáng; đó là thứ lụa thơm thật chắc dệt theo kiểu mình ướt bông khô còn thoảng ngát mùi kén tằm. Tiếng hát của Hoàng Oanh gợi nên thứ nhiễu mềm mại, óng ả với màu hồng phấn thật lộng lẫy kiêu sa; khi sờ vào vóc nhiễu , chúng ta cảm nhận bàn tay ta thấm nhuần cái mát rượi. Còn tiếng hát của Hương Lan sáng đẹp như tấm sa-teng tuyết nhung màu hồng đào phơi trong nắng gió, bóng mờ vệt sáng cứ chập chờn thay đổi theo mỗi lượn sóng bay phất phơ.


Vào năm 1966, Hương Lan bắt đầu xuất hiện trên sân khấu Đại nhạc hội với bản "Ai Ra Xứ Huế" của Duy Khánh. Cô hát không thua Hoàng Oanh ở chổ hò, ở chổ luyến láy. Đây là thần đồng Hương Lan, dù về kỷ thuật ca hát thua thần đồng Phương Mai, nhưng về âm lượng và âm sắc, đương sự vượt Phương Mai để rồi lấn át Phương Mai.
Hương Lan có giọng hát ngọt, tươi mát và đẹp mê hồn bởi cô biết nhấn vuốt để tiếng hát thật gợi cảm, biết tước giọng cho mỏng để âm sắc trở nên nũng nịu hơn. Như thế, cô biết xài quái chiêu trong lúc hát, không để cho giọng hát quá chân phương, để nó khỏi trở thành ù lì trơ trẽn. Cô bắt chước Hoàng Oanh ở chổ biết dùng thần trí sáng tạo của mình để làm cho giọng thêm màu sắc đẹp, thêm nét nữ tính. Tuy nhiên, giọng hát Hương Lan dù có uyển chuyển như giọng Hoàng Oanh nhưng nó vẫn có sắc thái riêng biệt. Giọng cô ỏn thót hơn, trơn tru, ẻo lả và dồi dào ở làn hơi hơn, trong khi đó giọng Hoàng Oanh có một chút gì đoan trang hơn, phúc hậu hơn, không có vẻ mị hoặc như giọng hát của cô.
Giọng Hương Lan gợi nên hình ảnh nhánh lệ liễu đong đưa trong ngọn gió xuân dìu dịu. Giọng Hoàng Oanh gợi nên hình ảnh của cành thuỳ dương, trong cái lả lướt mềm mại lại ẩn chứa sự dẻo dai, vững chải, ẩn cả một tiềm lực bền bỉ.
Hương Lan có một chuỗi ngân dờn dợn, không rõ nét, không đều đặn, không kéo dài đúng theo trường độ của một nốt nhạc và cũng không óng mướt. Thật ra tiếng hát trơn mướt đầy âm vang ngọt lịm của cô đủ sức che lấp cái thô vụng của chuỗi ngân cô, cho nên khán thính giả cũng không chú trọng tới chuỗi ngân của cô cho lắm. Họ bị âm sắc đẹp và cách xử dụng tiếng hát theo quái chiêu của cô chi phối phách hồn nên họ quên đi cái kỷ thuật của tiếng hát cô

No comments:

Post a Comment