Tuesday, November 29, 2011

Túy Hồng Tiếng hát phố vắng đèn khuya



Vào năm 1955, 56 gì đó, tôi đã nghe Túy Hồng diễn kịch truyền thanh trên đài Sài Gòn trong ban Dân Nam. Thuở ấy cô nữ sinh Trương Ánh Tuyết vừa chân ướt chân ráo từ tỉnh Bình Dương xuống Sài Gòn đầu quân cho ban Dân Nam lấy nghệ danh là Túy Hồng. Lúc đó bên phe nữ, ban này đã có Túy Hoa, Tuyết Vân, Tuý Phượng.

Túy Hồng vừa diễn kịch truyền thanh vừa ca hát chút ít. Thuở ấy, cô hát thua xa Tuý Phượng vì giọng hát cô chưa thuần thục lắm. Khi ông bầu Anh Lân của ban Dân Nam quyết lòng đem vở kịch "Áo Người Trinh Nữ" lên sân khấu có mời kỳ nữ Kim Cương vốn là đào hát cải lương để thủ vai chính trong thoại kịch ấy.

Ông giao vai cô em gái của nữ nhân vật chính này cho Túy Hồng. Vỡ kịch thành công quá sức tưởng tượng. Kim Cương và Túy Hồng đã làm đổ lệ biết bao khán giả. Từ đó, Túy Hồng trở thành mục tiêu để cho báo chí và giới mộ điệu nhắc nhở tới.

Thuở đó, cô xinh lắm, dáng dấp nữ sinh nhỏ nhắn, khuôn mặt mặn mà. Song song với công việc diễn kịch, cô còn ca phụ diễn tân nhạc. Vốn có tinh thần cầu tiến và ham học hỏi nên cô không ngớt luyện giọng và trao dồi diễn xuất nên chẳng bao lâu, cô có một giọng hát vững vàng về kỷ thuật và một tài năng diễn xuất điêu luyện.

Tiếng hát Túy Hồng trong như pha lê, lúc nào cũng thanh và mỏng, tuy thế khi lên cao thì hơi chát nhưng không mất âm lượng. Lại nữa, cô biết láy nhẹ, biết bào mỏng ở vài chổ để cho tiếng hát mình gợi cảm và truyền cảm hơn. Thật ra, khi nói chuyện và khi hát,

Tuý Hồng xài từ đầu tới cuối bằng giọng óc (ông bà mình gọi đó là giọng mái). Nhưng luyện được một giọng mái thuần túy mà không chói tai, không mỏng dính, lại còn dẻo mề dẻo mệt cũng đâu phải dễ. Ngọc Cẫm và Sơn Ca cũng hát bằng giọng mái từ đầu tới cuối, nhưng họ không biết ngân nga. Còn Túy Hồng ngân nga thật sướng tai, chuỗi ngân đã nhỏ và đều mà lại còn dài, còn dịu muốt, còn óng mượt nhung tơ.
Lúc đầu hát bản "Chiều Tàn" của Lam Phương, khi lên cao, Túy Hồng vừa hát faux vừa tét giọng. Nhưng về sau cô có dịp hát lại bài này. Khi lên cao, cô lướt được cái chổ cao hóc búa và nhiêu khê, tuy không lướt dũng mãnh như hỏa tiển vút lên cao nhưng cũng lướt phom phom như con tàu rẽ sóng.

Những ca khúc của Lam Phương do Túy Hồng diễn tả đều hay như "Đèn Khuya", "Kiếp Nghèo", "Kiếp Ve Sầu", "Tiễn Người Đi", nhất là hai bản "Chiều Tàn" và "Phút Cuối". Bài "Phút Cuối" khi mới ra lò được Diên An và Túy Hồng hát thu thanh vào dĩa nhựa, bán chạy rất nhanh. Về sau, phường lái nhạc lại giao cho Thanh Tuyền và sau đó giao cho Anh Khoa hát nữa. Nhưng những kẻ sành điệu nhận thấy rằng hai ca sĩ sau Diên An và Tuý Hồng hát gảy nhiều chổ, không điệu nghệ và không truyền cảm bằng Tuý Hồng.

Tuý Hồng rãi tình cảm của mình vào những bài hát mà cô trình bày rất đậm đà mà không lố lăng. Những bài hát của Lam Phương hầu hết không được cao sang thanh thoát, nhưng cách diễn tả của cô không quê mùa, khác xa với những ca sĩ thời danh được đào tạo ở lò Mạnh Phát cùng Nguyễn Văn Đông, lò Nguyễn Đức, lò Tùng Lâm..

.Túy Hồng lẫn Túy Phượng và Kim Vui là ba giọng hát có bản lĩnh, nhưng không được đời đãi ngộ xứng đáng với cái tài của họ. Người đời nhất là quần chúng tạp nhạp chỉ chuộng cái lãnh lót, cái màu mè riêu cua của giọng hát nên không chú ý đến cái nội lực và kỹ thuật chân truyền của giọng hát.

Ở bài "Đèn Khuya", Túy Hồng như dùng tiếng hát của mình trải trong cõi mường tượng của người nghe khung cảnh một con phố nửa đêm vắng lạnh với ánh đèn đường vàng vọt.
Và trên con phố đó có một người đàn bà thất thễu bước về một ngõ tối, nhà của hai bên khép im ỉm. Người đàn bà ấy là ai? Có thể là một cô phụ sầu đời và cũng có thể là một cô gái ăn sương về già. Và dù là ai đi nữa, đó cũng vẫn là người không thỏa hiệp với cuộc sống hiện tại và mang trong đáy sâu của tâm khảm mình một vết thương.

Đó là một khung cảnh buồn mà giọng hát của Tuý Hồng đưa người nghe đối diện với những tâm trạng lạc lõng, mất điểm tựa trong cuộc sống; đương sự đang tìm về một mái nhà đã tan nát, một hình bóng thân yêu đã xa xăm và một dĩ vãng đẹp đã bị xóa nhòa.



No comments:

Post a Comment