Tuesday, November 29, 2011

Duy Khánh Tiếng Hát Đồng Vọng Từ Dãy Trường Sơn




Tôi nhớ vào năm 1976 sau ngày miền Nam lọt vào tay cộng sản , trong một cuốn băng nhạc nào đó , tôi có nghe tiếng hát của Duy Khánh qua bản " Tình Nước " của Võ Hòa Khánh và bài " Chiến Sĩ Vô Danh " của Phạm Duy. Có lẽ được thực hiện từ trước dưới chế độ cũ. Và có thể đây là cuốn băng lậu dưới chế độ đương thời.

Bài "Tình Nước " vốn đã ngậm ngùi từ ý nhạc đến lời hát . Tôi nghĩ chưa ai hát bài này bằng Dùy Khánh. Dường như anh có mối giao cảm kỳ diệu với tâm tình người sinh trưởng ở nơi nước mặn đồng chua , đất cày lên sỏi đá. Duy Khánh vốn quê ở Quảng Trị , miền đất nghèo , ngày ngày dân quê thường ăn cơm nấu bằng gạo đỏ trột hột mít . Đất nghèo thường sinh sản nhân tài .

Duy Khánh từ giữa thập niên 50 , anh đã đem giọng hát thật truyền cảm lẩn gợi cảm của mình vào Sài Gòn , trong một sớm một chiều đã làm say lòng các thính giả chốn thủ đô Sài Gòn nói riêng , đi sâu xuống miền Tây để chan hòa khắp miền Nam Kỳ Lục Tỉnh có chín nhánh sông Cửu Long chảy qua. Và hơn thế nữa , tiếng hát của anh còn lan rộng khắp miền Đông Sài Gòn và trôi lên phương Bắc để ra tận tới bên này sông Bến Hải .

Duy Khánh có giọng khá cao nhưng không trầm lắm. Nó ngọt lịm sẵn rồi , thông hơi và khoẻ khoắn lắm rồi. Những bản có chổ lọt ra ngoài âm vực của anh đôi chút vẫn được anh trình bày trơn tru như một kỵ sĩ phi ngựa xông lướt phom phom , dẫm bừa gai góc , khe lách , nổng gò. Anh chơi fantaisie làm chi cho tiếng hát ô nhiễm những cái sướt mướt quá trớn?



Giọng Duy Khánh đầy âm vang lồng lộng. Nó gợi nên một thứ ngọc trong suốt tỏa hào quang. Làn hơi của anh thật phong phú , càng nghe anh hát thính giả càng sảng khoái. Nó gợi lên con gói chướng vào lúc thời tiết chớm xuân trên dải đất miền Nam , báo tin mùa xuân và cái tết sắp về , bông hoa vông đồng sắp trổ sắc son tươi , những cây lạp mai đơm nụ sắp nở những bông hoa năm cánh tròn xinh màu hoàng yến.

Khi vào tuổi hoa niên , lần đầu tiên nghe Duy Khánh hát bài " Nhớ Huế " của Lê Mộng Nguyên , tôi tự nghĩ :
- Chàng ca sĩ này phải đượm nhuần chất Huế từ đầu tới chân , từ tim óc ra ngoài da . Nước sông hương phải chan hòa máu anh. Gió đỉnh Ngự Bình phải thấm nhuần hơi thở anh. Giọng anh sao mà ngọt như chè đậu ngự , chè khoai tím , mè xửng , kẹo cau , kẹo gương...

Nhưng mà không , sinh quán của Duy Khánh thuộc tỉnh Quảng Trị ; nhưng mà Quảng Trị và Thừa Thiên nào có là bao xa ? Dù giọng dân Quảng Trị cứng hơn giọng Huế đôi chút , nhưng khi hát một bài hát âm hưởng ca Huế và lấy Huế làm chủ đề , có thể Duy Khánh chỉ cần tưởng tượng mình là dân Huế, được ở trong khung cảnh Huế và yêu Huế với cả mọi rung động của trái tim là anh hát đạt được tình ý của bài hát
Duy Khánh hát dân ca âm hưởng cổ nhạc Huế rất đạt , chẳng hạn như " Tiếng Sông Hương " của Phạm Đình Chương, " Tiếng Xưa ", " Đêm Tàn Bến Ngự " của Dương Thiệu Tước , " Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy " của Trầm Tử Thiêng , " Thôn Trăng " của Nguyễn Mạnh Bích , " Nước Non Ngàn Dặm Ra Di " của Phạm Duy và " Ai Ra Xứ Huế " của chính anh.

Có điều hơi uổng , đôi khi hát những bài nhạc tình cảm có tiết điệu cao sang , anh cao hứng thả cái âm hưởng dân ca miền Trung vào giọng hát , nếu chỉ thả sương sương , thả phơn phớt , thả lờ lợ thôi thì giọng hát anh thêm mặn ý đậm tình , đằng này anh thả không chút dè sẻn nên người sành điệu cảm thấy như đang ăn một món thanh tao mà bị anh bỏ mắm nục mắm nêm quá tay vào món ấy .

Chuỗi ngân của Duy Khánh thật dễ dàng thoải mái. Nghe anh hát , anh ngân nga , chúng ta có cảm tưởng được ăn bát canh khoai mỡ , nuốt tới đâu trơn cổ tới đó. Tuy nhiên , chuỗi ngân đó không uốn theo nét thu ba mễm mại mà nó lượn nét răng cưa sắc nhọn.

Khi anh còn trẻ trung sung sức , nét răng cưa đó không lớn lắm nên khách sành điệu có thể chấp nhận được. Nó người nghe liên tưởng đến nét lượn của dãy Trương Sơn ven bờ biển Đông. Với làn hơi phong phú và với chuôi ngân ấy khi hát nhac Jazz qua thể điệu blue đen anh gào rống thê thiết nghe sướng tai vô cùng !

Bởi vậy khi anh hát những bản Blue như " Đường Chiều " của Hông Duyệt , " Nhớ Thành Đô " của Hoàng Thi Thơ , " Những Chiều Không Có Em "của Trương Hải , " Tôi Còn Yêu Tôi Cứ Yêu " của Phạm Duy , chúng ta mới thấm thía cái đắng , cái thảm thiết oằn oại cảu loại Blue đen là như thế nào .

Qua những bản nhạc kể trên , chúng ta có cảm tưởng Duy Khánh mở cho chúng ta buổi chiều thêm mênh mông , khơi cảnh dãy Trường Sơn với những nét lên cao xuống thấp thêm hùng vĩ. Và từ đó , gió từ biển khơi lướt qua đèo dội lại tiếng mang mang như tiếng gầm của sơn thần từ thời khai sơn phá thạch. Và ở những bài âm hưởng dân ca , tiếng hát anh gợi đến ánh nắng trữ tình thắp sáng những nh , những đèo của dãy Trường Sơn ấy , làm cho sắc thúy màu lam của nó thêm rạng rỡ để vẽ nét rồng uốn duyên dáng dưới vòm trời thiên thanh bát ngát .

Trên 15 năm sống oằn oại sau bức màn tre bên quê nhà , Duy Khánh được ra hải ngoại để tiếp tục hành nghề ca hát. Âm sắc tiếng hát của anh vẫn như xưa . Nhưng anh ngân có hơi khó khăn , không còn trơn tru với làn hơi cuồn cuộn như xưa.














No comments:

Post a Comment