Vào giữa thập niên 50, tiếng hát Kim Tước khá cao, ở chặng giữa giọng kim (soprano) và bán kim (mezzo soprano).
Nếu dùng giọng thật thì giọng cô cao hơn giọng Thái Thanh. Thái Thanh lên hơi cao là chẻ qua giọng óc. Còn Kim Tước khi lên cao dùng làn hơi bụng để đẩy cao tiếng hát, để phù trợ cho tiếng hát bớt mỏng và cho chuỗi ngân thêm mượt mà và thêm dài.
Cũng như Mộc Lan và Châu Hà, khi hát Kim Tước vo tròn cái miệng, đưa tiếng hát xóay tròn trong khẩu cái, chuyển hơi từ bụng đưa lên khẩu cái và giàn trải làn hơi vào từng câu hát rất điệu nghệ.Họ biết dè sẻn làn hơi để khi lên cao khỏi bị hao hụt.
Vào thuở còn son giá, giọng Kim Tước thanh tao, mỏng mịn, dẻo mềm. Khi phải hát nốt nhạc cao là cô dùng thần lực của mình để giọng hát mình thêm vang lộng, tuy không rống để dàn trải làn hơi dũng mảnh, nhưng không ai có thể bắt gặp giọng cô mỏng lét và bở rẹt bao giờ.
Trong bộ ba Kim Tước, Mộc Lan và Châu Hà, chỉ có Kim Tước là biết tô cho giọng hát đôi chút màu sắc, trong khi đó Mộc Lan và Châu Hà hát một cách trong suốt và đơn giản. Thế có nghĩa là Kim Tuớc biết đưa vào giọng hát mình một chút tình cảm, biết làm điệu làm duyên đôi chút để cho giọng hát mình thấm nhuần âm sắc đầy nữ tính yêu kiều cộng với tính chất cao sang quý phái đã có sẵn.
Song cô là kẻ ôn hòa và sáng suốt. Cô diễn tả giọng hát mình bằng thứ tình cảm kín đáo, bằng chút điệu đà phơn phớt, không sướt mướt, không vun vãi tình cảm quá trớn, không để cho anh hoa phát tiết xả láng ra ngòai. Do đó mà qua tiếng hát của cô, người ta liên tưởng đến bông huệ có vẻ đẹp trong trắng tinh anh, có mùi hương bát ngát và không ô nhiễm các mùi hương tạp nhạp khác.
Tiếng hát của Kim Tước đến với chúng ta trước hết bằng kỹ thuật thâm hậu. Cô hát đúng trường độ và cao độ một nốt nhạc và dàn trải làn hơi rất nghề. Để rồi từ từ sau đó, chúng ta mới ngấm dần dần vào tình ý của cô trong tiếng hát. Tình ý ấy không bộc lộ suồng sã, không gay gắt đậm nồng. Nó dịu nhẹ như mạch nước ngọt trong vắt và mát rượi thấm sâu vào từng sớ tim, từng góc xó tối tăm của tâm khảm chúng ta. Và một khi đã ngấm được rồi, nó mắc kẹt luôn trong cõi nội tâm huyền bí đó, khó tháo gỡ ra được.
Khi còn son giá, Kim Tước hát những bản có chổ lên cao đều trót lọt và rất điệu nghệ. Đó là các bản "Tạ Từ" của Tô Vũ, "Vọng Ngày Xanh" của Khánh Băng, "Mộng Đẹp Ngày Xanh" của Hòang Trọng, "Xuân Ly Hương" của Phó Quốc Lân, "Tiếng Dương Cầm" và "Mưa Trên Phím Ngà" của Văn Phụng, "Xa Quê Hương" của Đan Thọ, "Giấc Mơ Hồi Hương" của Vũ Thành.
Khi lên ở những chổ cao vút, giọng cô không rạng ngời nắng đẹp, không tỏa hào quang như giọng Ánh Tuyết vì giọng Ánh Tuyết là giọng kim càng lên cao càng lảnh lót vang dội. Nhưng bù lại, cô ngân nga rập rờn thỏai mái trong khi đó, chuỗi ngân của Ánh Tuyết sắc nhọn như răng cưa.
Bỏ qua những bài hát có chổ lên cao, còn những bài "Thuyền Mơ" của Dương Thiệu Tước, "Chiều Bên Giáo Đường" và "Sao Đêm" của Lê Trọng Nguyễn, "Một Chiều Đông" của Tuấn Khanh, "Ngày Đó Chúng Mình" và "Dạ Lai Hương" của Phạm Duy và một vài bài của Vũ Thành như "Gửi Áng Mây Hàng" và "Nhặt Ánh Sao Rơi", là những ca khúc được Kim Tước diễn tả bằng một phong cách đài các vương giả đưa tâm trí chúng ta vào một cảnh mộng rất Tây Phương có bóng giáo đường kiến trúc theo kiểu Gothique, có lâu đài soi bóng bên hồ nước, có những bóng con thiên nga trắng lướt trên mặt ao trải gương xanh.
Trên tuần san Sinh Họat Nghệ Thuật vào 2 năm chót của thập niên 60, Thái Thanh đã từng tuyên bố:
"Ai cũng nghĩ tôi hát mọi ca khúc của Phạm Duy đều đạt.
Thật ra, có nhiều bài do Kim Tước hát đạt hơn tôi."
Đúng vậy, nghe Kim Tước hát bài "Tình Quê" của Phạm Duy (phổ bài thơ cùng tựa của Hàn Mặc Tử), chúng ta mới cảm được chất thơ, chất mộng và bóng dáng diễm ảo của bài thơ trộn vào bài hát.
Gần đây, trong dĩa nhạc "Tìm Nhau Bốn Mùa", Kim Tước cùng Quỳnh Giao và Mai Hương khi thì đơn ca khi thì tam ca. Kim Tước đơn ca bài "Con Chim Lạc Bạn" của Phạm Văn Chung và bản "Thu Chiến Trường" của Phạm Duy bằng một giọng nồng ấm và phong phú chưa từng có làm cho giới sành điệu phải bàng hòang mê cảm. Đúng là gừng càng già càng cay, đúng là gỗ cẩm lai quý giá càng để lâu càng lên nước bóng ngời như gương soi mặt
No comments:
Post a Comment