Tuesday, November 29, 2011

Sỉ Phú

Sĩ Phú (19422000) là một ca sĩ Việt Nam nổi tiếng, mặc dù ông chưa bao giờ nhận mình là một ca sĩ chuyên nghiệp.
T­p tin:Si Phu CD Con Chut Gi De Nho.JPG
Sĩ Phú tên thật là Nguyễn Sĩ Phú, sinh ngày 09 tháng 1 năm 1942 tại Bonneng Thakhet, Lào. Theo gia đình di cư vào miền Nam năm 1954, và cư ngụ tại Sài Gòn cho đến năm 1975. Ông tốt nghiệp Trung học và vào Đại học Khoa học lúc chưa đầy 16 tuổi. Năm 18 tuổi, ông đã là giáo sư trung học đệ nhất cấp (cấp 2), dạy Toán và Lý Hoá ở hai trường Trung học La San Nghĩa Thục và Thăng Long tại Sài Gòn.
Ông cũng là một sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, gia nhập Không Quân vào năm 1962 và từng mang tới cấp hàm thiếu tá không quân. Năm 1968, Sĩ Phú bắt đầu sự nghiêp ca hát khi trình bày một nhạc phẩm trên đài truyền hình Sài Gòn trong dịp kỷ niệm ngày thành lập binh chủng Không quân. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông trở nên nổi tiếng với những nhạc phẩm tình cảm lãng mạn, trong số có những nhạc phẩm tiền chiến như: Tà áo xanhTrở về bến mơEm tôiHoài cảmCô láng giềng...
Mặc dù nổi tiếng, nhưng coi việc ca hát chỉ là nghề phụ, Sĩ Phú rất ít xuất hiện trong các sân khấu nhạc hội hay vũ trường ở Sài Gòn, nhưng ông thường hát trong những chương trình ca nhạc tổ chức tại Câu lạc bộ Không quân ở phi trường Tân Sơn Nhất.
Năm 1975, Sĩ Phú rời Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ. Ông đã tốt nghiệp ngành kỹ sư viễn thông và làm việc toàn thời gian cho một công ty Mỹ. Tại hải ngoại, ông đã đi lưu diễn ở nhiều nơi tại CanadaÚcPhápBỉ... Sau đó, trong khoảng 10 năm, Sĩ Phú hầu như không tham gia các hoạt động văn nghệ. Sau này, năm 2000, trong cuộc phỏng vấn bởi Nam Lộc trên đài Truyền Hình Văn Nghệ Việt Nam, ông cho biết vì "biến cố" con gái ông mất năm 1983, nên ông sinh ra chán nản và "bỏ nghề không muốn hát nữa, vì không thể nào hát nổi khi trái tim đã bị rướm máu". Đến năm1995, ông mới tái xuất hiện trên một chương trình do Trung tâm Trường Thanh sản xuất và xuất bản hai CD của ông (Tà Áo Xanh và Trái Tim Hững Hờ).
Ông mất ngày 19 tháng 7 năm 2000 tại bệnh viện UCI, nam California do ung thư phổi. Trước đó ba tuần, Sĩ Phú đã cho ra mắt CD cuối cùng của mình là Còn Chút Gì Để Nhớ tại vũ trường Majestic, ở nam California.
Người bạn tri kỷ cuối đời của ông là Ngọc Lan (không phải ca sĩ Ngọc Lan). Sau khi ông qua đời, Ngọc Lan đã gom góp những kỷ niệm viết thành hồi ký "Biết bao giờ nguôi" mà theo BBC: "Đó có thể nói là một sự trải nghiệm ngợi ca lòng can đảm, tình nghĩa vợ chồng sắt son và trên hết là tình yêu thương cao cả của con người với nhau, cho nhau và vì nhau.".

CD, băng nhạc Sĩ Phú

  • Sĩ Phú: Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa
  • Sĩ Phú: Có Tình Nào Không Phai (Diễm Xưa 8) (1987)
  • Sĩ Phú: Ca Khúc Một Thời Vang Bóng
  • Sĩ Phú: Tà Áo Xanh (1995)
  • Sĩ Phú: Trái Tim Hững Hờ (1995)
  • Sĩ Phú: Chờ Em (2001)
  • Sĩ Phú: Còn Chút Gì Để Nhớ (2000)
  • Sĩ Phú: Kỷ Vật Thiên Thu (Tài liệu sống động sau cùng của Sĩ Phú).
Đài phát thanh VNCR phỏng vấn Sĩ Phú, chỉ 24 ngày trứơc khi vĩnh biệt)
  • Sĩ Phú - Thời Tiếng Hát Lên Ngôi 1 (những tình khúc SP hát và ghi âm trước 1975)
  • Sĩ Phú - Thời Tiếng Hát Lên Ngôi 2 (những tình khúc SP hát và ghi âm trước 1975)
  • Sĩ Phú - Thời Tiếng Hát Lên Ngôi 3 (những tình khúc SP hát và ghi âm trước 1975)
  • Sĩ Phú - Thời Tiếng Hát Lên Ngôi 4 (những tình khúc SP hát và ghi âm trước 1975)
  • Băng nhạc Tình Ca 1: Khánh Ly, Sĩ Phú, Duy TrácThanh Lan (1971)
  • Tứ Quý: Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Quang, Sĩ Phú (trước 1975)
  • Bài Tình Ca Mùa Đông: Tiếng hát Lệ Thu – Sĩ Phú
  • Khối tình Trương Chi: Tiếng hát Khánh Ly – Sĩ Phú (1985)
  • Áo lụa Hà Đông: Tiếng hát Sĩ Phú, Tuấn NgọcVũ Khanh
  • Xin hãy rời xa: Tiếng hát Vũ Khanh, Tuấn Ngọc, Duy Trác, Sĩ Phú
  • Băng nhạc Tiếng hát Sĩ Phú

Nhớ Về Sĩ Phú - T.H.T

Trước tháng 4/75 tôi không quen biết và gặp anh bao giờ. Chỉ trông thấy anh trên TV và nghe giọng anh hát qua radio. Một ngày trong tháng 8 hay tháng 9/75, anh từ San José bay xuống San Diego và ở lại chung với chúng tôi 3, 4 tháng trờị Lý do: anh chán ông sponsor cựu sĩ quan Không Quân Mỹ và cơm Mỹ.

Căn nhà ở đường Redding road, San Diego lúc ấy có 7 sinh viên du học đang ở, cộng thêm 2 anh em tôi vừa từ trại tỵ nạn Pendleton ra và anh nữa là 10 người. Tôi và anh đã phải trải sleeping bag ngủ dưới sàn nhà ngoài phòng khách mấy tháng trời cho đến ngày anh rời San Diego lên Los Angeles. Sau đó anh có trở lại San Diego vài lần để trình diễn trong các buổi đại nhạc hội do Khánh Ly và tôi tổ chức. Nhưng gần 20 năm qua, tôi chỉ gặp lại anh có một lần và lần này thì nghe tin anh đã yên nghỉ vĩnh viễn.

Bốn tháng trời ăn, ở chung nhau dù không lâu trong một đời người nhưng anh đã để lại trong tôi một vài kỷ niệm cũng khó quên. Hôm nay tôi nhắc lại để nhớ về anh, về một người tha hương vừa nằm xuống ở đất khách. Thiếu tá Không Quân VNCH và cũng là giọng hát quý Sĩ Phú.

Tôi không muốn viết về anh những gì tôi nghe thấy hay đồn đãi, mà tôi chỉ viết về những gì chính tôi biết về anh.

Anh là một người rất kín đáo, ít thố lộ chuyện riêng tư dù là trong những lúc vui hay buồn. Tôi bị mất ngủ nhiều đêm trong suốt mấy tháng trời khi ngủ cùng phòng khách với anh. Nhiều lần 2, 3 giờ sáng anh ngồi dậy trong bóng tối, châm thuốc lá hút hết điếu này đến điếu khác rồi thở dài. Anh làm tôi bị mất ngủ cũng ngồi dậy hút theo anh. Có lần tôi hỏi anh tại sao không ngủ dược, anh nói là nhớ đứa con trai 4 hay 5 tuổi, nhớ những lúc nó chạy ra quấn lấy chân anh khi anh đi làm về. Bây giờ vắng anh không biết nó ra sao. Tôi lúc đó chưa có con nên chưa thấu hiểu sự đau khổ của anh nhưng gia đình tôi cũng kẹt lại hết nên cũng lây cái buồn của anh. Hai tên có khi ngồi hút thuốc cho đến sáng mà chỉ thỉnh thoảng mới trao đổi với nhau một hai câu. Đó là tất những gì tôi biết về gia đình anh ở Việt Nam.

Ai cũng biết anh là một sĩ quan Không Quân và là một nam ca sĩ có một giọng hát thật ấm, thật quyến rũ với những bản tình ca. Nhưng ít ai biết anh cũng là một đầu bếp rất giỏi. Đám du học sinh thời ấy toàn là dân "mì gói làm chuẩn", khá lắm thì L. Sơn có món gỏi bắp cải, cháo gà, V. thì có món sườn heo bỏ lò sau khi trét ít BBQ sauce. Anh trổ tài nấu nướng các món ăn Bắc, Trung, Nam và cả của Tầu làm cả bọn, nhất là các cô sinh viên du học bấy giờ cũng phải cười...thua, phục sát đất. Ai cũng phải công nhận là món "phá lấu" và soup măng cua anh nấu rất tới.

Có lần cô T., một nữ sinh viên du học, đã phải thốt lên. "Người ta có thể thấy một SP oai hùng mặc đồ bay hát trên TV hay một SP complet cà vạt hát trong phòng trà nhưng chắc không ai mua được vé xem SP mặc xà lỏn, áo thung, vừa nấu bếp vừa hát "Cô láng giềng"..." và anh hát thật tình như khi đang anh đứng ở trước khán giả.

Một buổi chiều cả bọn vừa cơm nước xong, người đang đọc báo, người đang xem TV, bỗng chúng tôi nghe thấy từ trong phòng vệ sinh đóng kín cửa có tiếng anh SP hét thật lớn, dài, tiếng thét nghe thật kinh hoàng như anh đang bị tai nạn, cả bọn chạy xúm lại cửa phòng vệ sinh nhốn nháo hỏi han, anh mở cửa ra, mặt hơi đỏ tươi cười. "Các cậu làm gì mà nhắng lên vậy? Có gì đâu, mấy tháng nay không hát hò gì cả tối nay "ra quân" phải thử lại xem còn giọng không?". Đêm hôm đó anh được mời hát trong ngày "International Day" tại Organ Pavillion trong công viên Balboa Park. Có lẽ anh là người Việt Nam đầu tiên trình diễn tại sân khấu lộ thiên này. Bài đầu anh trình bầy là bài "Vũng lầy của chúng ta" của Lê Uyên Phương. Khi được khán giả vỗ tay yêu cầu hát thêm bài nữa anh làm cả bọn tôi nín thở khi anh giới thiệu tên bản nhạc kế bằng tiếng Mỹ: "Born free" để mừng sự tự do anh đã chọn và phải bỏ lại gia đình lại Việt Nam. Chúng tôi đã nghe anh hát tiếng Việt, biết anh từng tu nghiệp Anh ngữ ở Texas nhưng chưa đứa nào nghe anh hát tiếng Mỹ, nhưng mà sự hồi hộp cũng tan biến khi các khán giả Mỹ vỗ tay ầm ầm lúc anh vừa chấm dứt những lời hát cuối.

Trong bọn tôi có nhiều người thích Lệ Thu với bản "Ngậm ngùi" của Phạm Duy. Có tên còn quả quyết Lệ Thu đã làm "Ngậm ngùi" nổi tiếng và ngược lại, nhưng có lần anh đã tự hào nói với chúng tôi là chính anh đã hát bài này trên đài phát thanh Nha Trang và được thính giả yêu cầu nhiều lần trước cả Lệ Thu.

Buổi văn nghệ đón cái Tết tha hương đầu tiên của người Việt tại San Diego thành công một phần cũng là nhờ sự "móc nối" của anh với các ca sĩ. Anh đã "kéo" được Khánh Ly từ Florida sang, "lôi" hai "con Mèo", ban nhạc New Life với Trung Nghiã, Trung Hành, Quang Minh và Thanh Tuyền (ái nữ của cố tài tử Đoàn châu Mậu) từ Los xuống. Dư âm của buổi trình diễn Tết này đưa đến kết quả vẫn còn cho đến nay là Khánh Ly gặp và trở thành bà Nguyễn Hoàng Đoan, con Mèo "lớn" trở thành bà Sĩ Phú và tôi, tên MC hôm đó cũng bị "sư tử" vồ.

Anh cũng kể cho chúng tôi nghe là làm ca sĩ nên đôi khi cũng gặp nhiều "tai bay vạ gió". Chuyện anh bị đày ra Phan Rang vì có tin đồn anh cho i "sì ke", "hút sách"... thực tế không phải, anh bị một "ông lớn" trong Không Quân "đì" vì anh nhận lời hát cho phòng trà Khánh Ly, mà ông lớn cho rằng như thế làm mất tư cách sĩ quan KQ. Còn những tin đồn về bồ bịch, trai gái thì nhiều đếm không xuể, nhưng có một chuyện mà tôi và các sinh viên ở căn nhà đường Redding road biết rất rõ. Trong thời gian anh ở chung với chúng tôi, có một cô cũng dân tỵ nạn 75, xinh xắn, dáng người phải nói là thật quyến rũ, mê anh vô cùng, cô ta lăn xả vào anh với đủ đòn phép nhưng anh vẫn tỉnh như không, anh nói với tụi tôi là coi cô ta như em, và đối với cô ta một mực rất đứng đắn, nghiêm túc trong khi đó vài tên chúng tôi tiếc rẻ. Sau này anh bỏ đi lên Los, cô ta thất vọng và đã lập gia đình với một thanh niên Mễ.

Giữa tôi và anh, anh để lại cho tôi một bài học kinh hoàng, "ớn" cho tới hôm nay. Lúc còn ở chung, tôi thú thật với anh là hồi ở VN nghe nói phim "con heo" Mỹ bên này "độc đáo" lắm nhưng cứ tò mò, thắc mắc mà không dám đi coi một mình vì "dốt" tiếng Mỹ. Anh cười bảo tôi là "có con mẹ gì...cậu coi một hai lần là chán ngấy..." tôi cười cười không tin. Thế rồi một buổi sáng, anh nhờ một tên trong nhà có xe trên đường đi làm bỏ tôi và anh xuống khu Horton Plaza ở downtown, anh mua vé dẫn tôi vào xem phim "XXX". Chúng tôi coi từ 9 giờ sáng hôm đó cho đến 2 giờ sáng hôm sau, chỉ nghỉ "giải lao"' hai lần đi ra ngoài mua hamburger ăn lunch và dinner. Kết quả ngoài sức tưởng tượng, tôi chưa hề bước chân vào lại một rạp phim "XXX" nào từ đó cho đến nay, bây giờ nghĩ lại còn muốn "ói".

Giáng Sinh năm 1982 hay 83 tôi tình cờ gặp lại anh trong một dạ vũ ở Hollywood Palladium. Tôi đến bắt tay và chia buồn với anh vì được tin trễ cháu bé của anh và UL đã mất. Anh ngồi một mình ủ rũ ở quầy rượu, chúng tôi trao đổi một vài câu thăm hỏi xã giao nhưng đầu óc của anh lúc đó hình như đang để ở đâu. Một vài người bạn đi qua vỗ vai, anh cũng chỉ ngước nhìn rồi thôi. Tôi chỉ biết thêm là anh đã quay lại San José và đang làm cho một hãng điện tử. Thế rồi lại chia tay cho đến hôm qua thì một người bạn KQ ở quận Cam gọi điện thoại báo tin cho tôi biết là anh đã ra đi vĩnh viễn đêm hôm trước.

Tôi đóng cửa phòng viết vội vài dòng này trong giờ làm việc cho anh nhưng thật ra là để cho tôi và vài người bạn ở Ređing road ngày xưa, chứ anh bây giờ có còn gì để mà bận tâm, ưu phiền hay lo lắng.

Anh Phú! Tôi vẫn còn nhớ những ly cà fê nóng chia nhau trong những buổi sáng thất nghiệp không biết làm gì, đi đâu, không tiền, không xe, chúng nó đi học, đi làm hết bỏ hai thằng di tản buồn nằm chèo queo ở nhà. Những buổi tối cuối tuần mệt mỏi, 2, 3 giờ sáng mới lái xe về San Diego từ Roosevelt Hotel ở Hollywood sau những giờ tán gẫu, nhảy nhót với bạn bè, và những câu nói đùa của anh:

"Năm thằng kỹ sư nuôi hai thằng cư sĩ" (là đám sinh viên du học cùng tôi và anh)

"Mèo khen mèo dài đuôi,... Phú khen Phú lắm râu"

"Hữu xạ tự nhiên hương, chuột xạ tự nhiên hôi" và những bài hát bị sửa lời thật là tiếu lâm của anh....

Cầu xin cho anh ra đi thật thảnh thơi, tạm biệt anh...

T.H.T ( Nguồn: dactrung.com)

Ca sĩ Sĩ Phú

Nguyễn Sĩ Phú đã gia nhập làng tân nhạc Sài Gòn từ năm 1968. Xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình Không Quân tuyển mộ phi công, Sĩ Phú đã làm say mê khán thính giả với giọng ca thật trầm ấm và truyền cảm.

Rời Việt Nam vào năm 1975, anh đã tham gia vào những sinh hoạt văn nghệ hải ngoại trong những chương trình lưu diễn tại các quốc gia Canada, Úc, Pháp, Bỉ... Những lần trình diễn này đều gặt hái thành công như nhau. Sở trường trình diễn những tình khúc nhẹ nhàng, ướt át, Sĩ Phú đã đi vào lòng người bằng tiếng hát vừa thiết tha, vừa kể lể trong những ca khúc vang tiếng một thời: Thuở Ấy Có Em, Mắt Biếc, Ngày Đó Chúng Mình, Tà Áo Xanh... Những ngày còn ở quê hương, Sĩ Phú hát rất nhiều cho Câu Lạc Bộ Không Quân (người nam ca sĩ này đã từng là Thiếu Tá của binh chủng tàu bay) và rất ít xuất hiện ở sân khấu vũ trường.

Sau khi rời quê hương, đã có một thời gian Sĩ Phú đã "ở ẩn" trong gần 10 năm (có thể để tu luyện tiếng hát của mình chăng?) và chỉ mới "tái xuất giang hồ" qua cuốn Video "Đêm Sài Gòn 6" Sĩ Phú đã thu thanh một số CD với ban Ba Con Mèo, và đã xuất hiện trên Video Hát Cho Tình Yêu (trung tâm Thanh Lan).

Trong đời nghệ sĩ của anh, những kỷ niệm vui buồn đều đáng ghi nhớ như nhau . Ngoài sinh hoạt ca hát, Sĩ Phú còn đi làm và ước vọng tương lai sẽ đóng góp nhiều thêm nữa cho làng tân nhạc. Sĩ Phú dự định sẽ đứng ra điều hành một băng nhạc của chính mình và hiện nay (1993), anh đang làm việc ráo riết để ra mắt hai cuộn băng: cuộn thứ nhất sẽ có những bài hát nổi tiếng nhất đã được anh trình bày trong nhiều năm qua và cuộn thứ hai sẽ gồm những bài nhạc ngoại quốc được dịch ra lời Việt. Giới yêu nhạc Việt Nam rất mong mỏi được nghe lại tiếng hát trầm ấm của Sĩ Phú, một trong những "giọng ca vàng" của SàiGòn một thời vang bóng.

Nguồn: http://www.saigoncd.com/biography/main.cfm?ID=519&Name=Si%20Phu&Store=Music

Một chiều đông bên sông
Thuyền lênh đênh cập bến
Đừng sang em ơi
sóng nhuốm sương chiều ...


Buổi sáng, lão leo lên xe, loay hoay thế nào chẳng biết mà lại mở ra bài hát này . Giọng Sĩ Phú cất lên ấm áp nhẹ nhàng, làm lão không dưng mà thấy lòng mình thoải mái hơn . Có lẽ hôm nay sẽ chẳng thiết làm việc bao nhiêu đâu .

Lão là đờn ông con trai thực thụ, cũng đã từng chết mê chết mệt giọng hát của anh chàng lính không quân này . Quái, người đâu mà hát dễ thế, cứ như thở hơi ra là thành ca rồi, chẳng một chút cố gắng . Chẳng bù cho mình, phải có vào một tí men mới hát nổi, mới đỡ ... run (nói nhỏ thôi, ngày trước lão cũng đã từng ... đi hát nghiệp dư, hì hì). Ngày xưa, mấy bà chị mê cái ông này như điếu đổ, đêm nào cũng nghe Sĩ Phú, lúc nào cũng ư ử "đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi - em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi ...". Lúc đó lão chưa nghe ông này nhiều, nhưng tự nhiên có ác cảm, hình như cái này thiên hạ kêu bằng ganh tị thì phải !

Thế rồi, một ngày đẹp trời mùa hạ, lão đi ngang một ngôi nhà gạch có cái khoảnh sân trồng đầy hoa hippy (không biết gọi vậy đúng không, ngày xưa nghe như vậy đó mà), có một cô nàng yếm thắm đang tỉa bông ở ngoài mấy ... hàng hoa, và có văng vẳng từ trong nhà có tiếng ông Sĩ Phú hát Cô Láng Giềng . Lão đứng lại ... lắng nghe, mà phải công nhận là hay thiệt, đã thiệt . Thằng chả nhả chữ "dziềng" kiểu đó, mấy bà mấy cô nghe không muốn ... xỉu mới là lạ, nghe quả là không giống "diềng" cũng chẳng họ hàng gì với củ "riềng". Chuyện tưởng chừng có thế, không ngờ mùa thu đến, lão lại gặp lại cô nàng yếm thắm ... trong lớp học . Thành ra, tự dưng mà có kỷ niệm với Cô Láng Giềng, với Sĩ Phú, tuy chưa một lần nào gặp mặt ông sĩ quan không quân mà nghe nói rất chi là bảnh trai này .

Lại nói như trong một giai thoại, ngày xưa khi Hoàng Quý viết bài Cô Láng Giềng, vốn chỉ có một đoạn đầu . Vì lúc đó, trong cái nguồn cảm hứng của người nhạc sĩ này chỉ thấy cơ man một màu hồng của hy vọng, của hạnh phúc . Hoàng Quý đang trong thời yêu đương đó mà, vốn không nghĩ đến một viễn cảnh nhà ai xác pháo hồng chút nào (cái này thì không giống ông TCS hay ông LUP, thiên về thê thảm hóa kết cục, hìhì). Ông đem bài ca mới sáng tác ra hát cho anh mình (là nhạc sĩ Hoàng Phú) nghe . Mà tuy là anh em, nhưng hai ông lại chẳng mấy cùng tư tưởng hay cảnh ngộ . Hoàng Phú nghe xong khen hay, nhưng đề nghị thêm ông em viết thêm một đoạn nữa, để mà gọi là nhạc (vì nhạc thì chẳng mấy khi vui). Thế là đoạn hai của Cô Láng Giềng ra đời, mà theo như nhiều người nhận xét, còn hay hơn đọan đầu . Lão nghe kể vậy, hết lòng cám ơn ông Hoàng Phú . Thế mới biết, có anh có em nhiều khi cũng có lợi nhiều lắm . Chớ cứ khư khư "mỗi vợ chồng chỉ nên có ... 1 con, tối đa ... 2 cái ... hĩm" thì tìm đâu ra ông anh ông em mà góp ý với chả góp nghĩa .

Cô Láng Giềng ra đời cũng lâu, nhưng không được nổi tiếng cho lắm . Có lẽ vì cái âm hưởng đều đều buồn buồn, hay cái nhịp điệu chầm chậm phát buồn ngủ của nó chăng! Cho tới khi Sĩ Phú chọn hát bài này, thì nó trở thành quá nổi tiếng, người hát cũng nổi tiếng, chỉ có người viết thì ít ai biết tới (cái này vì nhiều lý do à nha). Hát Cô Láng Giềng và nghe Sĩ Phú cũng thành một cái mốt thượng lưu, đến nỗi bên cái hàng dậu thưa nơi phố này cũng nghe cậu con trai chưa sạch nước mũi ong ỏng hát Cô Láng Giềng theo kiểu Sĩ Phú hát, ở trong cái lều chăn vịt kia cũng nghe ông Tư Ếch "ngâm" Cô Láng Giềng cải biên đệm đờn kìm . Lão thì chưa đến nỗi ma nhập như thế, nhưng cũng thích bài hát và người ca sĩ này lắm lắm .

Bao nhiêu năm đi qua, bao nhiêu cuộc bể dâu . Cái cô nàng yếm thắm ngày xưa giờ thất lạc phương nào không ai biết . Phần lão, sau bao nhiêu trầm luân, lòng dường như đã khô khan, chí cũng mỏi, con ngựa bất kham giờ đã biết chồn chân lang thang. Nhưng lòng ái mộ của lão với bài hát và với người ca sĩ vẫn không thuyên giảm . Lão vẫn hằng mong được một lần gặp ông, bằng xương bằng thịt, được tận tai nghe ông hát cái bài hát đầy kỷ niệm kia . Nhiều lúc tưởng đã hết hy vọng, nhưng trời không xếp đường cùng cho ai bao giờ . Lão có dịp gặp được ông trong một đêm diễn, trời ạ, có tin không đây !

Lão ngồi im lặng nơi cái ghế cao cao khuất sau quầy giải khát, chầm chậm quan sát "thần tượng" của mình. Ông đứng đó (khá cao, đúng theo tiêu chuẩn ... phi công), tóc hoa râm thấy tội nghiệp . Đúng là tuổi già không tha cho ai ! Dáng vẫn khoan thai, vẫn nụ cười ... hơi "đểu" kiểu ... dân rau muống thịt cầy, vẫn hàm râu cá chốt chính hiệu Charles Bronson, và vẫn cách xưng hô "toa" "moa" còn sót lại từ thời Tây . Và trên tay, một chai rượu mạnh nho nhỏ . Lâu lâu ông làm một ngụm nhỏ, cứ như là để ấm lòng trong một đêm xuân trời se lạnh . Rồi ông lên sân khấu, cất giọng ca . Cha mẹ ơi, lại là Cô Láng Giềng! Giọng đã yếu hơn đôi chút, mắt cười cũng thiếu lả lơi hơn đôi chút, nhưng cái ảnh hưởng của giọng hát ông, của bài Cô Láng Giềng vẫn như ngày xưa trong lão . Lão vui quá, sung sướng quá, chỉ muốn hát vang lên theo ông thôi . Cũng may là cái phần không điên trong người vẫn còn không ít, nếu không, phải một lần "ngượng chín người" đấy chứ li.

Sự trở lại của Sĩ Phú trên sân khấu ca nhạc Việt Nam là một tín hiệu rất đáng mừng cho bạn bè ông, và cả cho nhũng người hâm mộ Coi như những ngày đen tối buồn phiền ở ông đã qua đi . Để lại đằng sau tất cả những gì không đáng nhớ và không nên nhớ, ông say sưa lao vào thực hiện một vài cuốn nhạc, hy vọng sẽ để lại một chút gì cho người đời còn tưởng nhớ . Mà thật, những ca khúc ông hát lại và những ca khúc ông hát thêm đều được người nghe đón nhận nồng nhiệt . Ông vui ra phết, dự định sẽ chọn lọc thêm một số ca khúc tiêu biểu để thực hiện một tác phẩm để đời . Lão nghe người ta nói, lòng háo hức chờ đợi .

Đùng một cái, ông đi . Không như lão, đi rồi về như đi chợ, riết rồi đi hay không cũng chẳng ai thèm để ý, mà sự xuất hiện của mình rồi chỉ làm cho người khác đáng chán . Ông đi, "về cõi chiêm bao, đầy những hư hao", vĩnh viễn, để lại cho những người như lão một chút ngậm ngùi tiếc nuối . Hôm nay, nghe ông hát, lão chợt thấy mình có lỗi, lão mắc nợ ông ! Nên lão viết ra một ít cảm xúc của mình, coi như là một chút tưởng nhớ lão gửi đến ông, mong ông vui lòng đón nhận ...

Lão dừng xe tại bãi đậu xe ở sở, ngồi ở đó một lát nữa, nghe ông hát nốt một bài nữa . Những lời hát hãy còn theo lão đến tận bây giờ,

... Thuyền anh mai ra đi rời bến
Mình anh lênh đênh nơi trời sóng
Tìm hướng cho lòng tìm bến mơ
Từ nay ... xa cách rồi ... bến xưa !


Bao Bất Đồng .

Với tâm tình của bác Bao, HV xin mời các bạn ngồi lại đây cùng Tưởng Niệm Sĩ Phú, Vinh Danh tiếng hát của tình yêu “Tiếng hát vọng lời âu yếm trong mơ” . Tiếng hát Sĩ Phú đã đến với đời, một lần và mãi mãi . Ngày 19 tháng 7 năm 2000, Sĩ Phú đã vĩnh viễn ra đi về miền miên viễn nhưng tiếng hát ngọt ngào êm dịu ru hồn người của anh vẫn còn mãi trong lòng thính giả muôn phương, luôn nhớ về anh với bao tiếc thương vời vợi . Xin tạ ơn anh, tạ ơn Sĩ Phú đã để lại cho thế gian tiếng hát tuyệt vời này.

Sĩ Phú, Tiếng hát vọng lời âu yếm trong mơ - Hồ Trường An

Tôi không nhớ rõ tôi được xem Sĩ Phú hát trên Đài Truyền Hình Việt Nam vào năm nào, ban nhạc nào . Hình như vào năm 1971 thì phải . Anh xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với bộ quân phục thuộc bình chủng không quân, mang lon thiếu tá (điều này tôi cũng không chắc lắm) . Nhưng khuôn mặt anh thì tôi nhớ mãi . Đó không phải là khuôn mặt đẹp trai, nhưng đó là khuôn mặt khá khôi vĩ và có sức lôi cuốn mạnh đối với phụ nữ . Anh tượng trưng mẫu chàng séducteur như Clark Gable, như Errol Flynn, và như Robert Donat của điện ảnh Hoa-Lệ-Ước vào các thập niên 30, 40. Anh chinh phục phụ nữ không phải ở vẻ đẹp trai mà ở cái hấp lực ở nhân diện, vóc dáng, cử chỉ, giọng nói, cách ăn nói mà đấng Hóa Công chỉ dành cho một số ít đàn ông, cả nghìn người chưa chắc có được một người .

Cũng như Clark Gable, Errol Flynn và Robert Donat, ca sĩ Sĩ Phú có hàng ria mép tỉa mỏng và đen láy như vuốt bằng sáp, có nụ cười thật tươi, thật đĩ phơi bày hàm răng ngọc trai đều đặn và khít khao .

Tôi vẫn biết có nhiều phụ nữ say mê Sĩ Phú không hẳn hoàn toàn ở giọng hát nhung mềm của anh mà ở cái vẻ hào hoa khôi vĩ, ở cái vẻ trai lơ quyến rũ của anh . Chẳng hạn, vào một tối nọ, tôi ngồi uống bia với các bạn trong một quán bia ở Phú Nhuận, được nghe các cô chiêu đãi bàn tán về Sĩ Phú khi anh vừa xuất hiện trên Tivi . Anh hát bài gì thì giờ đây tôi quên mất, nhưng tôi nhớ anh mặc quân phục . Tiếng hát của anh không hẳn là điệu luyện, nhưng đó là một giọng không rơi xuống hàng ngũ dành cho quần chúng hỗn tạp . Nó có nét nhà nghề, khi lên cao hơi mỏng nhưng mịn màng như phớt lớp phấn tuyết nhung, khi ở chỗ ngang thì êm ấp như rơi vào đáy thẳm của giấc mộng và khi xuống trầm thì khá rền và khá dội sâu . Ở chỗ rền, tiếng hát toát chất nam tính cực kỳ rạng rỡ của anh và như thoảng cái ấm áp của khói nhang đêm trừ tịch .

Một cô chiêu đãi bảo:

- Với hàng ria mép đó, mỗi khi anh ta hôn cô nào thì đương sự chịu làm sao cho thấu ?

Cô khác cười:

- Tao không ưa lấy chồng có bộ ria mép. Tao thích những món ăn có mắm tôm . Ria mép mà dính mắm tôn coi bộ ...không khá đấy ! Mỗi khi hắn hôn tao thì tao hơi kẹt đấy !

Một cô khác cất giọng eo éo giọng Huế:

- Ừ hè, mấy trự để ria mép mà ăn tiết canh, rủi tiết canh dính vào ria mép thì coi răng cho ổn ? Chỉ mường tượng một chút thôi mà tui thấy nhiều hình ảnh ghê lắm tê !

Bà chủ quán bia háy dài:

- Đàn ông mà cạo râu kỷ quá làm tao có cảm tưởng đương sự bị thiến nên bao nhiêu râu của đương sự bị rụng ráo trọi .

Đấy ! Bộ ria mép của Sĩ Phú chưa chi đã đi vào đề tài ngồi lê đôi mách của các cô Marie Sến, các chị em ta, trong khi đó tiếng hát của anh vượt xa thế giới của họ. Tôi thừa biết các bà các cô mê Sĩ Phú hơn tài tử điện ảnh Trần Quang vốn cũng có bộ ria mép và vẻ khôi vĩ trai lơ như Sĩ Phú . Bởi sao ? Trần Quang xuất thân là một dân sự, trong khi đó Sĩ Phú là một sĩ quan cao cấp, lại thuộc binh chủng Không quân vốn là một binh chủng ưu tú trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa . Lại nữa, cái lẳng của Trần Quang bộc lộ, còn cái lẳng của Sĩ Phú thâm trầm sâu sắc hơn .

Tiếng hát của Sĩ Phú ngự trị ngay trong lòng các cô kiều nga tố nữ có tâm hồn sẵn sàng rung động với nhạc tình cảm có phẩm chất quý báu. Nó đi sâu vài ngõ ngách trái tim của phụ nữa hơn là đi sâu vào nội giới của các bậc râu mày .

Có chàng thanh niên nào mà không mơ ước được một cô vợ chiều đãi viên hàng không mặc áo dài thiên thanh tha thướt, cổ áo thêu con thần long uốn éo như sẵn sàng bay lên mây ? Có cô thiếu nữ nào mà không mộng gặp một tấm chồng sĩ quan không quân cao vóc, to con và oai hùng phong độ ? Sĩ Phú đã đáp ứng được tấm lòng hoài vọng của các bà các cô . Anh là hiện thân của giấc mơ của họ và biến thành người có thật ở ngoài đời . Họ có thể nghĩ rằng đấng Hóa Công đã cho anh một thể chất quyến rũ, một thân thể đáng hãnh diện đã là hậu hỉ lắm rồi, giờ lại tặng cho anh một cái tài ca hát nữa là thừa . Nhưng chính cái thừa ấy làm cho anh nổi tiếng nào kém chi hai danh tướng trong lực lượng Không Quân là Trần Văn Minh và Nguyễn Cao Kỳ và luôn cả anh hùng liệt sĩ Phạm Phú Quốc . Ba người kia đã đi vào lịch sử nước nhà, còn Sĩ Phú thì đi vào nghệ thuật trình diễn tức là vào trong ca trường nhạc giới .

Tôi chỉ biết sơ qua tiểu sử của Sĩ Phú qua bộ “Tuyển Tập Nghệ Sĩ” (Quyển 1) của Trường Kỳ . Hồi còn ở quê nhà, anh xuất hiện lần đầu tiên ở chương trình Không Quân . Anh mang cấp bậc Thiếu Tá trong binh chủng tàu bay . Anh hát rất nhiều ở Câu Lạc Bộ Không Quân và xuất hiện rất ít trên sân khấu phòng trà và sân khấu vũ trường .

Giọng của Sĩ Phú không phải là giọng được kỹ thuật đào luyện đến mức thuần thục như giọng Duy Trác hay giọng của Anh Ngọc và của Phượng Bằng . Về âm sắc, đây là giọng mê hoặc làm chúng ta nghĩ đến giọng của các người đàn ông có sức lôi cuốn phụ nữ rất mạnh, một giọng đa tình lẫn trữ tình . Về kỹ thuật, thì đây là giọng như xôi rượu chưa được dậy men sung mãn, như trái cây chưa giấm cho thật chín mềm . Trong tiếng hát của anh có một chút gì hơi sống sượng . Đó là cách dàn trải làn hơi đôi khi không được mượt mà cho lắm . Và khi ở chỗ hóc búa, nó có một chút gì hơi trắc trở như một cái thắc nút của một sợi tơ tằm óng chuốt . Chuỗi ngân của anh không được đều đặn và không được dài lắm, nhưng nó cũng không vụng, không sượng chai . Tuy nhiên người nghe có cảm tưởng anh cố tình ngân nga, cố tình nắn nót từng chữ lượn âm ba chứ không phải anh kéo dài làn hơi để làn hơi gợn sóng một cách tự nhiên . Cho nên chuỗi ngân ấy tuy không nổi nét răng cưa, nhưng nó không vẽ lên những nét thu ba uyển chuyển dịu dàng; mỗi một lượn ngân hơi nhọn, hơi thôi rít, không được tự nhiên trơn ngọt lắm .

Song, đây là một giọng đẹp và mùi kinh khủng! Một tiếng trầm của nó như hơ ấm những tâm hồn giá lạnh của một số phụ nữ cô đơn bằng những thoáng ấm áp bàng hoàng . Lúc đó, nó như sưởi nóng hồng huyết cầu và con tim của họ bằng men rượu bồ đào, bằng khói hương thơm của tách trà .

Mỗi tiếng ngang ngang của nó như mơn man da thịt nhạy cảm của họ từng cái vuốt ve ân cần và tình tứ . Đây là một giọng gợi cảm từ bản chất, không bị cái sướt mướt lố lăng làm ngầu đục những cặn bã . Đôi lúc Sĩ Phú cố tình hát hơi nứt rạn như một thoáng nghẹn ngào chỗ láy thật nhẹ, giọng hát nhờ đó mà thêm nét duyên dáng mặn nồng .

Khi hát, Sĩ Phú có một khuôn mặt trầm tĩnh điểm một nụ cười điềm đạm . Anh không tỏ vẻ bất cần đời mà cũng không lộ vẻ tha thiết với cuộc đời . Anh như lắng sâu vào cái mầu nhiệm và kỳ ảo của âm thanh, của sóng nhạc . Chính ở điểm này, anh thoát ra một hấp lực đặc biệt, một từ trường kỳ ảo .

Các bạn nào yêu những điệu hát ru (berceuse) hay những điệu hát đánh thức người yêu của mình vào buổi bình minh (aubade) qua tiếng hát âu yếm ngọt mềm của danh ca Pháp là Jack Lantier, xin hãy liên tưởng đến tiếng hát của Sĩ Phú . Anh không hát bài ru hay loại aubade; nhưng tiếng hát của anh tự nó là tiếng ru tuyệt vời như diễm mộng, tự nó như cái hôn say sưa kèm theo tiếng gọi mật ong: “ Em ơi, bình minh ửng sáng bên phương đông; hãy tỉnh giấc đi em !”

Qua tiếng hát của Sĩ Phú, chúng ta hãy tưởng tượng đến nàng công chúa ngủ giữa rừng hằng bao thế kỷ . Nàng ngủ trong lâu đài tráng lệ, dần dần lâu đài bị bụi bám nhện giăng . Chung quanh lâu đài, loài cổ thụ mọc um tùm, các loại man thảo tràn ngập từ cổng trước đến ngõ sau . Như một sáng đẹp trời, một chàng hoàng tử xinh như chim bồ câu, tươi như trăng rằm đi săn lạc bước vào lâu đài ấy . Chàng đến phòng công chúa, ngây ngất chiêm ngưỡng dung nhan đẹp quán thế của nàng . Rồi cầm lòng không đậu, chàng đặt môi mình lên cặp môi màu san hô của nàng rồi cất tiếng hát êm đềm gọi nàng thức dậy . Tiếng hát đó gợi cho ta tiếng hát Sĩ Phú, tình ơi là tình, thập phần gợi cảm, đủ năng lực kéo công chúa ra khỏi giấc ngủ dài dường như bất tận .

Chúng ta cũng có thể tưởng tượng trong tẩm cung của Dương Quý Phi vào triều đại hoàng đế Huyền Tôn Đường Minh Hoàng bên Tàu . Người đẹp họ Dương đang ngủ trên chiếc giường thất bảo, giữa gối chăn thêu kỳ hoa dị thảo lẫn thụy thú trân cầm . Đấng quân vương lặng ngắm gương mặt nàng giữa lúc nàng đắm chìm trong giấc bướm say sưa . Khuôn mặt ấy mới tươi làm sao ! Cặp má nàng như phớt ánh phản chiếu của tấm lụa đào phơi trong nắng, thành màu hồng tươi như đóa hải đường đượm sương móc vào buổi sớm mai . Đôi môi của giai nhân ửng sắc hoa anh đào và phảng phất một nụ cười phiêu dật . Hoàng đế cất giọng trìu mến như giọng hát Sĩ Phú để đánh thức nàng sủng phi của mình bằng lời nói thấm nhuần mỹ cảm:

- Hoa hải đường của trẫm ngủ say quá ! Hãy tỉnh dậy đi ái khanh !

Vận sự ấy làm cho nhà thơ Jean Leiba của chúng ta trước tác bốn câu tứ tuyệt:

Xuân đến song ngoài hoa nở cả
Mỉm cười e lệ với Đông Quân
Hải đường say ngủ sao chưa dậy ?
Vì cả trong lòng chan chứa xuân .

Về sau, các thi nhân ở các triều đại kế tiếp triều đại buổi Thịnh Đường kia, nhân vận sự thơ mộng diễm ảo đó, họ không gọi giấng ngủ bằng “giấc bướm” nữa mà gọi là “giấc hải đường” .

Cũng ở tiếng hát của Sĩ Phú, chúng ta có thể tưởng tượng đến một cảnh phòng hoa chúc trong đêm tân hôn . Sau bao cuộc ái ân dồi dào thấm đượm, tân giai nhân gối đầu lên cánh tay chồng để nghe chàng hát ru câu bài nầy vác quàng qua câu của bài kia, tiếng hát ru đó nhất định là phản ảnh giọng hát ướt đẫm tình tự của Sĩ Phú . Và chỉ nghe chàng hát vài câu là nàng đã chìm trong giấc ngủ say sưa đầy ăm ắp những mộng đẹp . Tiếng hát ru ấy vẫn còn đưa âm vọng len lỏi vào những cơn chiêm bao lộng lẫy của nàng; trong khi đó, áng trăng và hương đêm của hoa lài và hoa dạ lý bên ngoài xuyên qua khung cửa sổ mở rộng tràn ngập căn phòng và giường chiếu gối chăn .

Hồi còn ở quê nhà, có lần tôi gặp Sĩ Phú tại Quán nhạc Cây Tre ở Đa Kao . Thuở đó, tôi giữ việc chọn nhạc và chọn ca sĩ cho chương trình “Nhạc Chủ Đề Mộc Lan” của nữ ca sĩ Mộc Lan . Lần gặp tại Quán nhạc Cây Tre ấy, tôi có mời Sĩ Phú hát cho chương trình “Nhạc Chủ Đề Mộc Lan” . Anh bảo tôi, vẻ mặt lãnh đạm:

- Tôi chỉ thích những bài xây dựng ....
-
Thú thật, tôi không hiểu ý nghĩa của hai tiếng “xây dựng” ấy . Xây dựng trên căn bản nghệ thuật đó chăng ? Hay xây dựng trên căn bản nào khác ?

Ra hải ngoại, tôi được biết Sĩ Phú có đi lưu diễn ở Canada, Pháp, Bỉ, Úc ...Anh kết hôn với ca sĩ Uyên Ly, mèo chúa của ban tam ca Ba Con Mèo . Rồi trên biển đời mênh mông, anh làm người nhái lặn quá sâu, không xuất hiện ở bất cứ cuộc trình diễn văn nghệ nào nơi hải ngoại suốt mười năm dài . Đâu đó, tôi được nghe lại giọng hát anh trong băng nhạc và dĩa hát có cái tựa chủ đề chung là “Tà Áo Xanh”; trong đó, anh hát bài “Tà Áo Xanh” của Đoàn Chuẩn (lời của Từ linh), bài “Sơn Nữ Ca” của Trần Hoàn, bài “Một Chiều Đông” của Tuấn Khanh ....Nhưng bài “Cô Láng Giềng” ca Hoàng Quý là bài mà tôi được nghe anh hát nhiều lần ở rải rác trong các băng nhạc đâu đó .

Tôi cũng được thấy lại hình ảnh Sĩ Phú trong cuốn băng hình với chủ đề “Tác Giả & Tác Phẩm” với cái tựa nhỏ “Đêm Sài gòn 6” do Asia Entertainment thực hiện . Trong chương trình ca vũ nhạc nầy anh hát bài “Mắt Biếc” của Ngô Thụy Miên . Anh mặc quần đen, áo veste đen, khoát thêm bên ngoài áo veste trắng; nhung anh bẻ lận cổ áo và revers của áo trắng bên ngoài . Cách ăn mặc rất nghệ sĩ mà cũng rất thanh lịch . Chỉ có hai mầu đen trắng mà anh đã chơi trội màu sắc rồi, đâu cần những mầu lộng lẫy . Anh không thắt cà-vạt, cổ anh đeo sợi dây chuyền với miếng mề-đai rất xinh . Giọng anh vẫn dội sâu vẫn êm ái như lời vọng âu yếm trong giấc mơ .

Sau đó ít lâu, tôi lại được nghe anh hát trong cuốn băng hình Asia Video 10 với chủ đề “Gởi Người Một Niềm Vui”. Anh trình bày bản “Niệm Khúc Cuối” của Ngô Thụy Miên . Trong băng hình nầy anh mặc bộ complet đen thắt cà-vạt xanh đậm điểm chấm trắng . Trông anh như một Charles Bronson, nhưng mặt anh không “ngầu” như mặt anh chàng tài tử lừng danh kia, trái lại, nó có vẻ tình tứ như tự xưa giờ .

Hai mươi năm, một khúc quanh lịch sử và cuộc đời ca hát nối tiếp cuộc đời binh nghiệp của một nhân vật đã bước vào cuộc chống Cộng cứu nước thật oai hùng . Nhân vật ấy cũng đã và đang ở trong ca trường nhạc giới, thắp sáng tên tuổi mình bằng ánh hào quang rực rỡ và chiếu sáng trong các cộng đồng kiều bào ở rải rác khắp bốn phương trời hải ngoại .

Hồ Trường An
(Trích “Chân Dung Những Tiếng Hát” Quyển 1, NXB Tân Văn. Đông Kinh-Nhật Bản 2000)

Tiếng nhung mềm
Quỳnh Giao

March 04, 2008

Sự thưởng ngoạn một giọng hát tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Trước hết là loại nhạc mà người thưởng thức lựa chọn. Dĩ nhiên, khi thích nghe opera thì người thưởng ngoạn thích giọng càng mạnh càng quý, hơi càng dài càng đẹp. Mà hát opera thì khi trình bày cả một vở tuồng, ca sĩ phải có giọng mạnh thì mới qua cầu được. Tuy nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt mà giọng hát “mảnh mai” vẫn hấp dẫn, đó là nếu có yếu tố nổi bật khác.

Trường hợp José Carreras là một thí dụ. Giọng ông không mạnh bằng hai đối thủ và cũng là bạn thân là Luciano Pavarotti và Placindo Domingo. Nhưng bù lại, giọng ca tình cảm và nhất là phong thái trầm tĩnh lịch sự lại là yếu tố khiến nhiều người có cảm tình. Maria Callas nổi tiếng là giọng hát của thế kỷ không nhờ hát mạnh. Thật ra, giọng của đệ nhất soprano trong nghệ thuật bel canto này hơi mỏng, nhưng cách diễn tả (interpretation) điêu luyện và truyền cảm làm âm sắc giọng hát trở nên độc nhất vô nhị trong thế giới opéra. Ðã nghe là người ta phải nhớ.

Ðó là nói về opéra. Chứ trong loại nhạc phổ thông mà mình thường nghe, và Tây họ gọi là ca khúc trữ tình êm dịu (les chansons de charmes) thì sao? Ðó là một sự thưởng ngoạn tự do. Ai muốn thích ai cũng được, không có tiêu chuẩn nào đặt ra cả.

Ở một bài tạp ghi trước, người viết có gợi lại “giọng hát trượng phu” của nam danh ca Anh Ngọc. Sở dĩ gọi là trượng phu vì chất giọng của ông sang sảng, chắc nịch, đầy nam tính. Khi hợp ca, giọng Anh Ngọc bao trùm lên tất cả giọng hát khác. Cùng trường phái với Anh Ngọc, nhạc Pháp có Gilbert Bécaud, và nhạc Mỹ có Neil Diamond. Giọng của họ mạnh, âm sắc rõ, cứng cỏi.

Cùng thời với Anh Ngọc, có giọng Vũ Huyến nhẹ hơn và thanh hơn. Có dạo, hai người song ca với nhau trên các sân khấu phụ diễn tân nhạc trước giờ chiếu phim. Vì giọng yếu hơn, Vũ Huyến thường giữ bè cho Anh Ngọc. Vũ Huyến thành công với loại nhạc tình cảm nhẹ nhàng, đôi khi hơi có chút chuyện kể (trong Cô Hàng Nước) hay hài hước (Cái Áo The Thâm Tàn)... Nam ca sĩ Ngọc Long (em trai của Anh Ngọc) hát không điêu luyện được bằng anh, nhưng giọng hát êm và tình cảm của ông rất thích hợp với những ca khúc của Ðoàn Chuẩn và Từ Linh.

Giọng ca mạnh hay yếu, đều có thể trở thành thần tượng, nếu chọn đúng bài hát và người nghe.

Cùng trường phái Anh Ngọc, một thế hệ sau chúng ta có Hùng Cường (khi anh chưa tham gia sân khấu cải lương) Thanh Vũ, sau nữa là Elvis Phương khi anh trở lại với nhạc Việt... Ngày nay, sau Tuấn Ngọc chúng ta có Quang Tuấn, giọng hát mang một sắc thái góc cạnh, người Mỹ thường dùng chữ “rough”, là đầy nam tính.

Nhưng không hẳn là giọng nam phải luôn phải sắc cạnh thì mới hay, và được yêu thích. Có nhiều giọng nam thuộc trường phái êm dịu nhẹ nhàng cũng được nhiều người mến mộ. Ðiển hình là giọng ca Tino Rossi ẻo lả như con gái được cả một thế hệ 40-50 coi là thần tượng. Thời ấy, các bậc sinh thành ra thế hệ của người thường ngâm nga bài J'attendrais... không theo Rina Ketty mà theo chất giọng êm như nhung của Tino Rossi. Ðấy là thần tượng của nhiều thế hệ khi mình còn bị ảnh hưởng của nhạc Pháp, thời... tiền chiến Pháp.

Cũng vậy, khi loại nhạc hương xa Hoa Kỳ bắt đầu lan đến Việt Nam thì các nhà đều đón giờ phát thanh chương trình nhạc ngoại quốc để được nghe giọng ngọt như mía lùi của Andy Williams, Bing Crosby, hay giọng mơn trớn đầy... nữ tính của Johnny Mathis.

Tại Việt Nam, từ cuối thập niên 50, các giọng Duy Trác, Ngọc Giao, Ðỗ Tuấn êm ái ru hồn các thanh niên thiếu nữ trong giới sinh viên, học sinh, nhất là những người vừa di cư từ Bắc vào Nam. Sang đến cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 thì những giọng êm nhẹ của Sĩ Phú, Jo Marcel, Anh Khoa và cả Duy Quang thời mới lớn... đã chiếm nhiều cảm tình của giới yêu nhạc. Ðặc biệt nhất là giọng ca Sĩ Phú.

Sĩ Phú thành công ngày từ buổi đầu khi xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến truyền hình Việt Nam. Với vóc dáng cao, hào hoa trong bộ quân phục của binh chủng không quân, ông được khán thính giả truyền hình, nhất là phái nữ, lập tức coi là thần tượng.

Lạ một điều là giọng hát Sĩ Phú tương phản với vóc dáng cao lớn, oai hùng của ông.

Chất giọng Sĩ Phú nhẹ lắm, ông hát gần như thủ thỉ. Cái lối thủ thỉ ấy thật tuyệt khi ông hát những bài có nội dung kể chuyện, nhất là kể chuyện tình. Trong một ý nghĩa nào đó, giọng tơ mềm như nhung của Sĩ Phú khiến ta nhớ đến các ca sĩ loại “crooner” của Hoa Kỳ, như Vic Damone, Dean Martin, Andy Williams và cả Tony Bennett. “Crooner” là những giọng nhung mềm, hát các bài truyện kể có khi xuất xứ từ thơ, và trở thành những ca khúc phổ thông.

Cũng như thế các ca khúc “Cô Láng Giềng” của Hoàng Quý, “Cô Hàng Cà Phê” của Canh Thân, được Sĩ Phú kể lại bằng cái giọng nhỏ nhẹ, nghe như vừa đủ bên tai một câu chuyện thật ra chẳng có gì đặc sắc, mà sao lại rất quyến rũ... Dường như vừa kể chuyện, Sĩ Phú vừa dùng câu chuyện để thổ lộ tâm tình của mình cho người nghe. Lập tức người nghe cảm thấy như mình là nhân vật của truyện, cũng được khối người trồng cây si trước nhà! Và đâm ra ngẩn ngơ cảm động...

Và khi Sĩ Phú hát “Người Yêu Tôi Khóc” của Trần Thiện Thanh, thì tác giả có hát lên câu chuyện thật của mình cũng không “thấm” hơn được. Chất giọng nhẹ nhàng êm ấm ấy như hát thay cho những tình nhân của đời thường. Họ thấy được cái mong manh của cuộc tình, và hạnh phúc đã có thì chỉ thoáng như bóng mây. Ca khúc từ thơ phổ nhạc của Phạm Duy “Còn Chút Gì Ðể Nhớ” được Sĩ Phú trình bày rất đạt.

Không như phần lớn ca sĩ khi hát bài này thường hay trổ giọng để khoe làn hơi dài của mình, Sĩ Phú chỉ hát vừa đủ mạnh thôi. Không cường điệu chút nào. Vừa đủ để nhớ, và để thương. Giọng hát mang mang tâm sự tiếc nuối, có tình cảm mà như e ấp, một cuộc tình chỉ mới chớm nở thôi, mà khỏi cần gào lên nỗi tuyệt vọng... Phải là cái chất giọng nhẹ nhàng, thủ thỉ mới diễn tả được như thế, và thính giả cảm nhận được nhờ lối hát ấy.

Hình như chúng ta đang mất dần những tiếng hát nhung mềm ấy. Phải chăng sự hối hả của cuộc đời khiến mình không còn nghe được lối hát tâm tình e ấp đó?
www.nguoi-viet.com
Để tưởng nhớ một danh ca của tân nhạc Việt Nam:
SĨ PHÚ đã 8 năm qua...

Sĩ Phú và nữ ca sĩ Uyên Ly
  Chắc ít người ngờ rằng nam danh ca Sĩ Phú  qua đời cách đây đã đúng 8 năm, khi tiếng hát của anh vẫn vọng lên đây đó, rất gần gũi và rất thân quen. Tiếng hát rung động đầy tình cảm đó thật ra đã vĩnh viễn xa lìa cuộc sống vào ngày 19 tháng 7 năm 2000.
Điều đó chứng tỏ Sĩ Phú vẫn luôn nằm sâu trong ký ức của những người mến mộ anh, từ những năm cuối thập niên 60, ngay từ khi anh gia nhập vào những sinh họat của nền tân nhạc Việt Nam, lần đàu tiên trong một chương trình truyền hình do Bộ Tư Lệnh Không Quân thực hiện với mục đích kêu gọi giới thanh niên hăng hái gia nhập binh chủng này.
Để tưởng nhớ về một tên tuổi một thời đã chiếm giữ một chỗ đứng cao trong làng tân nhạc Việt Nam với tiếng hát trầm ấm của mình, bài viết chứa đựng những chi tiết đặc biệt liên quan đến những họat động nghệ thuật và cuộc sống tình cảm của Sĩ Phú này được coi như  một sự tưởng nhớ sâu xa về một nam danh ca có nhiều đóng góp lớn cho nền tân nhạc Việt Nam, đã vĩnh viễn giã từ cuộc sống cách đây đúng 8 năm.
Hy vọng đây cũng là một tài liệu quí giá cho những độc giả trẻ tuổi muốn tìm hiểu về một tiếng hát từng một thuở lẫy lừng.
Ngoài những chi tiết do chính Sĩ Phú lúc sinh tiền đã cung cấp cho người viết qua những lần gặp gỡ và trao đổi với anh, là một số chi tiết được tham khảo từ chị Ngọc Lan, đuợc coi là người tình cuối đời của Sĩ Phú đã gần gũi bên anh nhiều năm trời trước khi anh qua đời.  Thêm vào đó là những chi tiết thu thập được từ nữ ca sĩ Uyên Ly trong ban tam ca “Ba Con Mèo” là người từng chung sống với anh trong một thời gian dài sau khi Sĩ Phú ra đến hải ngọai.
Là một người nổi tiếng đào hoa, dĩ nhiên Sĩ Phú đã có không ít người đàn bà khác đi qua đời anh trong một giai đọan nào đó.  Cho nên cái nhìn về anh hoặc những nhận xét về con người anh cũng do đó mà có thể khác biệt nơi mỗi người từng chung sống với anh một thời gian. Trường hợp của chị Ngọc Lan hay nữ ca sĩ Uyên Ly là một điển hình.
Rất tiếc người viết đã không có dịp tiếp  xúc với một số người bạn đời hoặc người tình khác của anh để có thêm được nhiều chi tiết tương đối đầy đủ hơn. Nhưng dù sao bài viết này cũng hy vọng cung cấp  được một phần nào vào sự muốn tìm hiểu nơi độc giả về một nam danh ca rất đa tình, có một giọng ca nhiều lôi cuốn và một tính tình rất hào hoa.
Theo ý muốn của anh, thi hài Sĩ Phú đã được hỏa táng tại nhà quàn Peek Family ở thành phố Westminster, nam California theo nghi thức Phật Giáo vào ngày 26 tháng 7 năm 2000, sau khi anh thở hơi cuối cùng một tuần trước đó.
Sự hiện diện đông đảo của trên 400 người, trong số đó phần đông là giới văn nghệ sĩ và các cựu chiến hữu của anh trong binh chủng Không Quân - ngoài một người anh và một người chị ruột trong gia đình- đã nói lên lòng cảm mến sâu đậm đối với một trong những giọng ca tên tuổi nhất của làng tân nhạc.
Theo di ngôn của Sĩ Phú, tất cả số tiền phúng điếu sau đó đã được “Sĩ Phú Foundation” do Ngọc Lan thành lập - chuyển cho các cơ quan từ thiện. Ngoài ra anh còn mong muốn tàn tro của mình sẽ được đưa về Việt Nam trao cho 3 người con của anh, mặc dù đã có giấy nhập cảnh về phía Hoa Kỳ nhưng gặp trục trặc giấy tờ về phía Việt Nam nên đã không được nhìn mặt bố lần cuối.



Sĩ Phú và bé Lisa, con gái duy nhất của anh và nữ ca sĩ Uyên Ly
Sĩ Phú xứng đáng được coi là một nam danh ca của làng tân nhạc Việt Nam mặc dù anh chưa bao giờ nhận mình là một ca sĩ nhà nghề.  Từ khi cất tiếng hát nhạc phẩm đầu tiên trên đài truyền hình Sài Gòn vào năm 68 trong dịp kỷ niệm ngày thành lập binh chủng Không Quân Việt Nam cho đến khi vĩnh viễn ra đi, anh cho rằng ca sĩ nhà nghề là một người sống hoàn toàn với nghề nghiệp của mình, trong khi anh cho nghề nghiệp chính của anh là một sĩ quan Không Quân.
Mặc dù chưa từng học nhạc, nhưng với khả năng thiên phú và một giọng ca rất tình tứ, Sĩ Phú đã được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình. Thêm vào đó, phong cách trình diễn đầy vẻ hào hoa và bay bướm trong bộ đồ bay của anh đã thu hút được ngay cảm tình của khán giả.  Bộ ria mép mà mọi người cho là rất lẳng của Sĩ Phú cũng đã đóng góp không ít trong sự thu phục cảm tình của những người mến mộ, một thời từng là một hình ảnh quyến rũ với nhiều phụ nữ.
Sĩ Phú tên thật là Nguyễn Sĩ Phú, sinh năm 1940 tại Lào.  vì song thân anh làm việc tại đây trước khi về sống tại miền Bắc Việt Nam, để sau đó di cư vào Nam năm 1954.  Nhưng chính thức trên giấy tờ, anh sinh năm 1942. Sĩ Phú là con út trong gia đình, ngoài một người chị và một người anh.
Anh tốt nghiệp đại học vào năm 62, sau đó gia nhập binh chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa và được gửi sang Hoa Kỳ tu nghiệp để sau đó về nước lái trực thăng chiến đấu. Sĩ Phú đã được từng được cử làm trưởng ban Tâm Lý Chiến Binh Chủng Không Quân với cấp bậc cuối cùng là thiếu tá cho đến biến cố tháng Tư năm 75.
Vào năm 73, hình ảnh của Sĩ Phú trong cuốn phim "Cánh Chim Tự Do" do binh chủng Không Quân thực hiện đã làm nổi bật hình ảnh hào hùng của một chiến sĩ Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, có tác động rất mạnh nơi giới thanh niên và đã tạo nên một mẫu người lý tưởng của các thiếu nữ trong thời chiến.
Và cũng nhờ đó, tên tuổi của Sĩ Phú đã lên tới đỉnh cao chót vót trong lãnh vực ca nhạc.  Mặc dù anh không xuất hiện nhiều ở phòng trà hoặc vũ trường, ngoài những buổi trình diễn trong các chương trình văn nghệ không quân, nổi bật nhất qua những lần xuất hiện tại câu lạc bộ không quân Huỳnh Hữu Bạc trong căn cứ Tân Sơn Nhất.
Vì nhận lời cộng tác với phòng trà Khánh Ly khi đang là một sĩ quan Không Quân, Sĩ Phú đã bị thuyên chuyển ra tận ngoài Phan Rang do lệnh của bộ chỉ huy binh chủng này.  Theo Sĩ Phú đó là một trong những kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất của anh.
Trong lãnh vực ca nhạc, khi còn ở Việt Nam, Sĩ Phú đã góp tiếng hát mình trong một số băng nhạc mang nhãn hiệu Tú Quỳnh của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, là người đã góp công không ít trong việc đưa tên tuổi Sĩ Phú lên cao với những nhạc phẩm tiền chiến như "Lá Thư" (nhạc phẩm thu băng đầu tiên của Sĩ Phú), "Chuyển Bến", "Tình Nghệ Sĩ", "Tà Ao Xanh", vv...
Cũng với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Sĩ Phú đã cộng tác một thời gian dài trong "Chương Trình Phạm Mạnh Cương", phát hình hàng tuần trên đài Truyền Hình Việt Nam từ năm 69.  Song song với thời kỳ này, Sĩ Phú còn hợp tác với chương trình "Chiến Sĩ Và Đời Sống" trên đài phát thanh quân đội và "chương trình Phạm Mạnh Cương" trên đài phát thanh Sài Gòn.
Khoảng gần cuối thập niên 60,  Sĩ Phú lập gia đình với một thiếu nữ tên Chi, rất say mê tiếng hát và tính tình hào hoa của anh.  Họ có với nhau 3 người con trai, hiện tất cả còn ở lại Việt Nam.  Người con cả của anh năm nay đã ngoài 40, đã có gia đình từ lâu.  Trong khi đó người con trai thứ nhì đã lập gia đình vào năm 94. Và trong dịp này Sĩ Phú đã trở về quê hương để lo việc cưới hỏi cho người con mà khi anh rời Việt Nam mới chưa đầy 5 tuổi.
Khi được cấp báo về tình trạng nguy ngập của Sĩ Phú, cả ba người con đã lo liệu thủ tục nhập cảnh vào Hoa Kỳ để nhìn mặt bố lần cuối, nhưng vào phút chót đã không có mặt kịp để tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ.  Tàn tro của Sĩ Phú sau khi được hỏa táng  đã được đưa về Việt Nam đúng với sự mong ước của anh trước khi nhắm mắt. Năm 98, Sĩ Phú trở về Việt Nam một lần nữa, cùng với một người phụ nữ tên Châu, một thời gian được coi là người tình của anh trong thời gian ở San Jose.
Một chi tiết ít người biết là Sĩ Phú đã từng có một thời gian hợp tác với nhà xuất bản Sóng của nhà văn quá cố Nguyễn Đông Ngạc, cũng là một người bạn thân của anh.  Với một khả năng Anh Văn thông thạo, anh đã góp phần dịch thuật cùng với các nhà văn khác như Đinh Nguyên và Phan Lệ Thanh trong những tác phẩm do nhà xuất bản Sóng ấn hành như Chuyện Tình, Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết từng đạt được số bán rất cao vào đầu thập niên 70.
Sĩ Phú rời Việt Nam sang Hoa Kỳ vào năm 75. Tình trạng hỗn độn của những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ đã khiến cho Sĩ Phú trở nên một người mất hồn.  Anh lang thang một mình trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất mà trong đầu óc không có một kế hoạch nào, ngoài một sự hoang mang cùng cực.  Trong lúc chưa biết quyết định ra sao khi tình trạng hỗn loạn càng lúc càng tăng, anh được một người bạn sĩ quan Hoa Kỳ đẩy lên xe Jeep, đưa lên máy bay chở thẳng ra hạm đội thứ 7 để sau đó được bảo lãnh sang cư ngụ tại thành phố San Jose trơ trọi một thân một mình.


Sĩ Phú trong bộ đồ bay

Trong dịp Xuân tha hương đầu tiên vào đầu năm 76, Sĩ Phú được mời hát trong một chương trình văn nghệ mừng Tết Bính Thìn trước một số đông đảo khán giả tại San Diego, là nơi anh đã sống vài tháng, sau khi cảm thấy không thích hợp với cuộc sống nơi gia đình người bảo trợ ở San Jose.
Cùng tham dự hội chợ Tết này còn có một số nghệ sĩ khác như Khánh Ly, Trung Hành, Quang Minh, Đoàn Thanh Tuyền (con gái cố tài tử Đoàn Châu Mậu), ban nhạc New Life với Trung Nghĩa và 2 "con mèo" Kim Anh và Uyên Ly.
"Con Mèo" thứ ba trong ban tam ca the Cat's Trio là Minh Xuân lúc đó đang cùng với chồng là Minh Phúc cư ngụ ở thành phố Binhampton thuộc tiểu bang New York.
Tình cảm đã nẩy nở từ lần trình diễn đó giữa Sĩ Phú và "con mèo" Uyên Ly để một thời gian ngắn sau họ đã quyết định cùng nhau chung sống vào năm 1976 trong niềm hạnh phúc tràn trề.  Đó cũng là một khúc quanh quan trọng trong cuộc đời của Sĩ Phú.
Uyên Ly cùng em gái là Kim Anh khi đó cư ngụ tại vùng Los Angeles và cùng nhau khai thác một tiệm làm móng tay và săn sóc da lấy tên là Marina Nails & Skin Care. Hai người có với nhau một con gái mang tên Lisa Nguyễn Ngọc Tuyền vào năm 1978, rất kháu khỉnh và thông minh.  Sĩ Phú đã dồn tất cả sự thương yêu của mình vào đứa con gái này bằng cách săn sóc và dạy dỗ rất tận tình. Sự thương yêu trẻ thơ của Sĩ Phú còn được dành cho cả con của cô em vợ  Kim Anh là bé trai tên Jo.  Theo lời kể của Uyên Ly thì Sĩ Phú đã là một người "baby-sit" rất chu đáo!
Trong thời gian đầu chung sống với Uyên Ly, Sĩ Phú đi học và tốt nghiệp kỹ sư về ngành truyền thông.  Sau đó anh đi làm cho một số công ty Mỹ, mà công ty cuối cùng là NTC ở San Jose.
Nhưng một biến cố đau thương đã xẩy đến với Sĩ Phú khi cháu gái của anh và Uyên Ly là Lisa đã bất ngờ qua đời vào năm 83, sau khi từ trường học trở về nhà mà nguyên nhân gây ra cái chết là bị chấn thương sọ não, khiến cho máu tích tụ trong óc. Theo tường trình của bệnh viện, cháu Lisa đã bị ngã trước đó mà gia đình không hay biết.
Uyên Ly tâm sự với người viết là chị không sao quên được những gì xẩy ra vào tối hôm trước khi bé Lisa qua đời.  Tối hôm đó Sĩ Phú, một người nghiện thuốc lá nặng, đang ngồi xem tin tức vào lúc 10 giờ như thường lệ với điếu thuốc Winston phì phèo trên môi thì bé Lisa sáp lại gần nhõng nhẽo trước khi đi ngủ. Bé nói với bố là muốn được anh cho ngồi trên đùi.  Vì mải mê theo dõi tin tức nên anh muốn Lisa đi ngủ ngay.  Bé năn nỉ thêm để rồi được mẹ nói với bố chiều theo ý muốn.
Khi ngồi gọn trong lòng anh, bé Lisa đã ngước mắt lên nhìn bố nói là anh đừng hút thuốc lá nữa, nếu không sẽ bị ung thư phổi như lời cô giáo trong lớp thường nói với học sinh về vấn đề này. Sĩ Phú chiều con, đứng dậy dụi ngay điếu thuốc đang hút dở dang và hứa với Lisa sẽ không hút nữa.  Lisa nói"Thank you, daddy!" và vui vẻ chạy vào phòng ngủ.  Đến nửa chừng, bé dừng lại giữa phòng khách làm mấy động tác thể dục và dặn bố nên tập thể thao đều đặn.  Anh cũng hứa ngay với đứa con gái thân yêu là sẽ nghe theo lời khuyên đó. Bé Lisa tung tăng chạy vào phòng ngủ một mình trong khi vợ chồng Uyên Ly - Sĩ Phú vẫn ở ngoài phòng khách.
Những lời đối thoại giữa bố con đó, Uyên Ly nhớ rất rành mạch, nhất là khuôn mặt hồn nhiên với những nụ cười tươi tắn của bé Lisa.  Cả hai đã không ngờ đó là hình ảnh đẹp cuối cùng của đứa con gái đầu lòng mà họ hết lòng thương yêu. Vì sáng hôm sau khi vào phòng ngủ của bé Lisa, hai vợ chồng đã sửng sốt khi thấy bé đã tắt thở.  Không sao tả xiết được nỗi đau đớn của hai người trước một thực tế quá phũ phàng.
Trước sự ra đi  bất ngờ của bé Lisa, Sĩ Phú cũng như Uyên Ly vì quá xúc động đã trở thành chán nản và buồn bã đến cùng cực.
Theo lời kể của Uyên Ly, sau đó Sĩ Phú bỏ hút thuốc cũng như chịu khó tập thể thao.  Nhưng chỉ được đúng 2 ngày! Tuy nhiên anh cũng hết sức cố gắng để đổi qua hút loại thuốc nhẹ hơn là Winston Light, rồi dần dần qua đến thuốc lá vấn một thời gian.
Riêng Sĩ Phú quyết định thay đổi chỗ làm để lên San Jose nhận việc với công ty truyền thông NTC, không còn thiết tha gì đến việc ca hát như trước đó đã từng sát nhập với Uyên Ly và Kim Anh thành ban tam ca vẫn lấy tên là " Ba Con Mèo ".  Họ đã đi trình diễn giúp vui cho đồng bào tỵ nạn tại những trại tạm trú ở Pendleton, Washington D.C, Maryland, vv... trong thời kỳ đầu tiên ở Mỹ hoặc để gây quỹ cho những người mới định cư.
Ngoài ra, anh cũng đã cùng với Uyên Ly và Kim Anh hát chung trong 2 CD "Chiều Bên Giáo Đường" và “Nỗi Niềm”, phát hành vào đầu thập niên 90 với những nhạc phẩm Ngày Đó Chúng Mình, Tà Áo Xanh, Hình Ảnh Một Buổi Chiều, Đợi Chờ và Mắt Lệ Cho Người.
Tuy làm việc trên  San Jose, nhưng Sĩ Phú vẫn xuống Los Angeles đều đặn để thăm Uyên Ly.  Nhưng đến năm 92, Uyên Ly nhận thấy Sĩ Phú bắt đầu có nhiều thay đổi, thể hiện qua sự chưng diện và chải chuốt hơn trước rất nhiều.
Nhờ bạn bè ở San Jose, Uyên Ly được cho biết Sĩ Phú đã có liên hệ tình cảm mật thiết với một phụ nữ ở đây.  Chị rất đau khổ để đi đến quyết định dứt khoát với Sĩ Phú sau lần anh từ Việt Nam trở lại Mỹ vào năm 94.  Sĩ Phú vẫn tiếp tục cư ngụ và làm việc ở San Jose, tuy vậy anh vẫn xuống thăm và ở tại nhà Uyên Ly và vẫn được "welcome" như  lời chị nói.
Dù sao lúc nào Uyên Ly cũng cư xử với Sĩ Phú như một người chồng có tính tình dễ thương, hòa nhã và nhất là có tính rộng lượng đối với mọi người.  Cho đến phút cuối đời của Sĩ Phú, Uyên Ly đã tận tình săn sóc người chồng thương yêu đã cùng chị chung sống trong một thời gian dài.  Và với bộ áo tang của một người vợ, Uyên Ly đã đưa tiễn Sĩ Phú đến nơi an nghỉ cuối cùng đã nói lên tình nghĩa đậm đà của tình nghĩa phu thê, quên đi những chuyện không vui đã xẩy ra.
Vào năm 95, vì nhớ những sinh họat ca nhạc, Sĩ Phú đã nhận lời xuất hiện trên chương trình video Trường Thanh số 1, thu hình tại thành phố Montreal, Canada.  Với chương trình video này, ngoài vai trò ca sĩ, Sĩ Phú còn đảm trách vai trò điều khiển chương trình.  Nhưng hình như vai trò MC không thích hợp lắm với anh vì đã trải qua một thời gian dài sống cách biệt với thế giới nghệ thuật cùng với những niềm ray rứt trong lãnh vực tình cảm qua cái chết của con gái và sự đổ vỡ trong đời sống hôn nhân với Uyên Ly nên đã giảm đi nhiều nét linh hoạt.
Cũng trong năm 95, Sĩ Phú đã thực hiện riêng cho mình 2 CD mang tựa đề Tà Áo Xanh và Trái Tim Hững Hờ trong thời gian anh cư ngụ tại miền bắc California.  CD "Tà Áo Xanh" gồm những nhạc phẩm Sĩ Phú cho là ưng ý nhất của mình như Tà Áo Xanh, Dư Âm, Cô Láng Giềng, vv...
CD "Trái Tim Hững Hờ" gồm 10 nhạc phẩm ngoại quốc nổi tiếng được anh soạn lời Việt dưới những tựa đề như  Cỏ Vẫn Xanh, Si Tình, Tình Yêu Tôi, Lệ Hoen Mắt Biếc, vv... Trước đó Sĩ Phú cũng đã từng thu tiếng hát mình trên một số CD khác như Khối Tình Trương Chi, Chân Trời Tím, Cô Hàng Nước, Áo Lụa Hà Đông, Xin Hãy Rời Xa, vv...,  đa số do trung tâm Diễm Xưa thực hiện.
Trên phương diện video, ngoài lần góp mặt trên video Trường Thanh 1, Sĩ Phú còn xuất hiện trên một vài chương trình khác của trung tâm Asia với những nhạc phẩm Tóc Mây, Tuyết Trắng, vv... vẫn còn gây được ấn tượng tốt đẹp nơi nọi người.
Một thời gian sau, Sĩ Phú dời xuống Orange County và có dịp gặp gỡ Ngọc Lan, một phụ nữ theo Uyên Ly là "rất dễ thương và tận tình săn sóc anh ấy kể từ khi phát giác là bị bệnh". Trong thời gian này Uyên Ly và Ngọc Lan vẫn thường liên lạc trong một mối giao hảo tốt đẹp.
Ngọc Lan gặp Sĩ Phú trong một “party” ở vùng Little Saigon, nam California và đã dành ngay cho Sĩ Phú một tình cảm rất đậm đà và chân thật. Qua lời kể với Uyên Ly thì Ngọc Lan trước đó từng đi coi bói và được cho biết sẽ gặp một người với dáng dấp cũng như khuôn mặt y hệt Sĩ Phú.
Ngọc Lan còn tin tưởng hơn nữa khi đi xem về quá khứ vị lai, để được biết là tiền kiếp của chị - một ái thiếp - còn mang nặng nợ đối với Sĩ Phú mà tiền kiếp là một vị Vua.  Cho nên kiếp này chị phải trả mối nợ đó nên đã hết lòng thương yêu Sĩ Phú và chăm sóc anh từng ly từng tí cho đến phút cuối cùng.  Do đó, một chiếc áo tang cũng đã được khoác lên người Ngọc Lan, ngoài Uyên Ly, anh chị  Sĩ Phú, Kim Anh và cháu Jo, vv...
Sĩ Phú phát giác bị bệnh ung thư phổi từ tháng 4 năm 99, sau khi bị "stroke" và ngã quỵ trong lúc mở cửa xe bước ra ngoài ở một parking, trong khi chờ đợi Ngọc Lan lúc đó đang ở trong một "shopping center" vùng Orange County.  Sau khi được đưa vào một dưỡng đường, anh được các y sĩ điều trị cho biết có một cục bướu trong óc.
Sau đó đã còn phát ra nhiều cục bướu nhỏ khác do sự lan truyền bệnh ung thư từ buồng phổi. Uyên Ly khuyên anh nên vào điều trị ở một trong hai bệnh viện lớn là UCLA hay UCI.  Nếu vào UCLA thì Uyên Ly sẽ lo săn sóc vì gần nơi cư ngụ.  Còn nếu vào bệnh viện UCI,  Ngọc Lan sẽ là người cáng đáng mọi việc. Sự xếp đặt như vậy đã được hai người thỏa thuận.
Cuối cùng Sĩ Phú nhập bện h viện UCI.  Tại đây, các y sĩ đã khám phá Sĩ Phú đã bị ung thư từ lâu mà không biết, khiến một cục bướu đã lên tới óc và sau đó chứng ung thư đã hủy hoại cả buồng phổi của anh. Trong hơn một năm kể từ khi bệnh ung thư được phát giác vào tháng 4 năm 1999 - nhất là trong thời gian 2 tháng cuối ở bệnh viện UCI -  Sĩ Phú tỏ ra rất bi quan và luôn luôn nhận được những lời an ủi và sự săn sóc kỹ lưỡng của Uyên Ly -từ Los Angeles xuống đều đặn- và nhất là Ngọc Lan, vì ở cùng vùng Orange County.
Mặc dù theo đạo Phật, nhưng Sĩ Phú còn đặt niềm tin của minh vào Thiên Chúa và Đức Mẹ, thể hiện qua những hình tượng quanh chỗ nằm.  Ngoài ra anh còn để tâm đến việc nghiên cứu về Thiền học trong những năm tháng cuối đời.
Biết Sĩ Phú sẽ không qua khỏi, Uyên Ly đã mời chị anh từ Washington D.C sang, cũng như báo tin cho người anh của Sĩ Phú là Nguyễn Sĩ Bào biết.  Uyên Ly đã ở cả ngày thứ hai 17 tháng 7.2000 tại bệnh viện với anh, ngoài sự có mặt của Ngọc Lan, anh chị Sĩ Phú, thân mẫu Uyên Ly, vv...
Riêng song thân Sĩ Phú đều đã qua đời. Thân mẫu anh mất vào đầu thập niên 90, sau khi từ Washington, D.C qua California ở chung với anh và Uyên Ly trong nhiều năm.  Thân phụ anh từ trần trước biến cố tháng 4 năm 75 một thời gian ngắn.
Hôm đó Sĩ Phú tuy rất khó thở, nhưng vẫn còn nói chuyện một cách bình thản, không còn tỏ ra sợ hãi và bi quan như trước vì trước tình trạng sức khỏe như vậy, anh đã chấp nhận cái chết. Tuy nhiên Sĩ Phú không dấu được sự buồn bã và có vẻ hờn giận vì không được gặp mặt 3 người con trai lần cuối.
Khi Uyên Ly từ giã để đưa mẹ đi ăn để rồi về nhà luôn thì Sĩ Phú nắm chặt lấy tay chị tỏ ý không muốn rời xa, khiến Uyên Ly cảm tưởng sẽ có chuyện không hay xẩy ra.  Cùng tối hôm đó, Uyên Ly được chị  Sĩ Phú cho biết sau khi Uyên Ly ra về, anh không còn nói chuyện nữa.  Qua đến tối hôm sau (thứ Ba 18 tháng 7 ), Uyên Ly được cho biết Sĩ Phú sẽ được chuyển đến một bệnh viện khác.
Nhưng đến sáng sớm thứ Tư 19.7, chị Sĩ Phú báo tin cho Uyên Ly biết Sĩ Phú đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 00:55 giờ sáng.  Dĩ nhiên không có gì có thể khiến chị bàng hoàng và xúc động hơn.  Một lúc sau, Ngọc Lan gọi lại cho chị để xác nhận về sự ra đi của Sĩ Phú để rồi cùng nhau bàn thảo việc tang chay. Mọi việc cuối cùng được dành cho Ngọc Lan định liệu, theo như ý của người đã ra đi.
Trước khi vĩnh viễn ra đi, Sĩ Phú đã được một số người thân, đặc biệt là chị Ngọc Lan -người chung sống với anh và tận tình săn sóc anh trong khoảng gần 2 năm cuối đời- giúp đỡ để hoàn thành CD cuối cùng của cuộc đời ca hát là "Còn Chút Gì Để Nhớ".
Những lời được coi như  những lời giã biệt đã được Sĩ Phú cất lên qua nhạc phẩm được dùng làm chủ đề cho CD này khi  ngồi trên chiếc xe lăn cùng với sự phụ họa của một số đông đảo anh chị em nghệ sĩ - đã gây xúc động mạnh nơi hàng trăm khán giả tham dự đêm ra mắt tổ chức  tại vũ trường Majestic vào ngày 27 tháng 6 năm 2000.
Chị Ngọc Lan cho biết số tiền bán CD trong chương trình đó đã được xung vào Sĩ Phú Foundation do chị thành lập để gửi về giúp đỡ các con anh cũng như  để giúp các công tác từ thiện như lời dặn dò của Sĩ Phú trước khi nhắm mắt lìa đời...
Giờ đây Sĩ Phú đã  thành người thiên cổ, để lại niềm thương nhớ vô vàn cho những người đàn bà từng có những liên hệ tình cảm với anh, với những người thân yêu trong gia đình. Và, dĩ nhiên tiếng hát của Sĩ Phú sẽ còn lưu lại mãi mãi trong lòng những người yêu nhạc, trong số đó không ít người đã từng coi anh như một thần tượng.  Một thần tượng của ca nhạc và tình yêu...
Một số đặc điểm của Sĩ Phú
Tên thật: Nguyễn Sĩ Phú
Tên cúng cơm: Tí Tò
Ngày, nơi sinh: Jan 09, 1942 tại Bonneng Thaket, Ai Lao
Cao: 5’11”
Nặng: 165 lbs
Chức  vụ: cựu Thiếu Tá Không Quân
Nghề Nghiệp: Kỹ Sư Viễn Thông, Ca Sĩ
Cấp bằng: BS Tele Communication Engineering
Huy Chương: là người ngoại quốc đầu tiên được giải Best Speaker, Best Lecturer (US Air Force)
Trường đã dạy: La San Nghĩa Thục, Trung học Thăng Long
Phiên dịch: Đã phụ dịch Một Thời Để Yêu và Một Thời Để  Chết (Nguyên tác “A Time To Love and A Time To  Die” của Enrique Maria Remarque), Chuyện Tình (“Love Story”), những nhạc phẩm ngoại quốc trong CD Sĩ Phú 2 "Trái Tim Hững Hờ”
Sở thích: Rất mê xem những chương trình nghiên cứu, tham khảo trên các đài Discovery, Public TV.
Mê đọc sách đến nổi bỏ ăn bỏ ngủ. Xem Football
Nhạc khí: Chơi Harmonica và thổi sáo rất nghề
Tài đặc biệt: Nấu ăn rất ngon, không thể ngờ được!
Nữ tài tử Mỹ: Doris Day
Mầu ưa thích: Trắng
Thể thao: Đánh bóng bàn rất nghề, thích đi bộ, đã từng học võ. Từng là giám đốc võ đường Thần  Phong của Không Quân trên một năm
Món ăn: Cái gì cũng ăn được, nhưng rất thích Phở, Bún chả Hà Nội, Canh  Cải Bẹ Xanh, Cá thu kho riềng.
Thức uống: Cà phe đen
Ăn mặc: Giản dị
Thói quen: Ngủ trưa
Lối xử thế: Hãy làm những gì cho người mà mình muốn người làm cho mình. Không bao giờ nói xấu người vắng mặt. Không bao giờ đính chính

No comments:

Post a Comment