Friday, November 29, 2024

Khi già đi, cách sống tốt nhất cho đến cuối đời chỉ nằm trong một chữ ... THUẬN

“Không luyện đan, không ngồi thiền, đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ”. Học được thuận thì có thể an hưởng tuổi già. (Nguồn ảnh: Adobe stock)
Khi về già cũng không phải là lúc cuộc đời đặt dấu chấm hết. Vậy đâu mới là cách sống tốt nhất khi chúng ta già đi?
Vương Quốc Duy viết: “Cuối cùng nhất thì thứ mà nhân gian không giữ được là sắc màu hoa lá sắp lìa cành”. Thời gian chầm chậm đi trước, nhân sinh nối bước theo sau. Chúng ta cùng nhau bước về phía trước, thấy qua sóng to gió lớn, cũng nếm trải nhiều khó khăn nơi thế gian, và giờ đều đã già rồi… 
Chúng ta thường nói, bản thân đã già rồi, nhất định phải đối xử tử tế với chính mình. Học được ‘thuận’ chúng ta mới có thể an hưởng tuổi già, mới có thể sống được an nhiên tự tại và mãn nguyện với cuộc đời này, mới được thuận buồm xuôi gió. Vậy mới nói, cách sống tốt nhất khi già đi chỉ nằm ở một chữ: “Thuận” mà thôi!
+ Nội dung chính :
1. Tai thuận: Nghe được lọt tai 
2. Mắt thuận: Thấy được rộng mở 
3. Miệng thuận: Nuốt trôi
4. Thân thể thuận: Vận động được 
5. Tâm thuận: Nghĩ được thông suốt
                          ===///====

1. Tai thuận: Nghe được lọt tai 
Trong ‘Luận ngữ’ viết: “Sáu mươi mà nhĩ thuận”. Ý tứ là, trải qua hơn 60 năm tuổi xuân, cuộc đời một con người cũng kinh qua không ít sóng gió, với những lời người khác nói, dù tốt hay không tốt, đều có thể nghe lọt, nội tâm không còn phán xét mọi thứ một cách phiến diện nữa. 
Tâm tính và trí tuệ của con người sẽ theo tuổi tác và kinh nghiệm từng trải mà dần dần trở nên thành thục. Bạn có thừa nhận điều ấy không? Lúc còn trẻ, sinh hoạt và các loại phiền não khiến chúng ta lo lắng suy nghĩ phần lớn đều từ lỗ tai mà vào. Có người chửi mắng bắt nạt và sỉ nhục, có người cười nhạo lừa gạt chúng ta, chúng ta liền trở nên giận dữ, oán hận, phiền muộn. Nhưng khi đến một độ tuổi nhất định, tấm lòng của chúng ta cũng trở nên rộng mở hơn, bao dung với người và vật cũng như ngôn từ của người khác nhiều hơn. Lúc này chúng ta đã có thể nghe lọt những lời khó nghe, cũng không động tâm, cũng không đánh trả, chỉ cười trừ. 
Quãng đời còn lại rất ngắn, hãy sống cho chính mình, bản thân và người khác không có liên quan gì, giữ tâm thái bình tĩnh thong dong mới có thể nhìn thấy những cảnh đẹp khi chúng ta già đi. 

2. Mắt thuận: Thấy được rộng mở 
Khổng Tử nói: “Quân tử hòa mà không đồng”. Chỉ cần quan sát một thời gian không lâu, chúng ta sẽ có thể nhìn rõ, thấy ai cũng đều không vừa mắt, gặp phải việc không hài lòng thì đều khoa tay múa chân, từ đó tự khiến cuộc sống của bản thân trở nên nặng nề. Khi chúng ta già rồi, mắt đã nhìn quen mọi thứ, lúc này mới hiểu được mỗi người trên thế giới này đều có cách sống của riêng mình. Đối với những người và việc bản thân cảm thấy không thể hiểu nổi thì cần giữ tấm lòng khoan dung nhẫn nại, học cách chấp nhận và nhìn theo chiều hướng khác. Không chỉ có như vậy, chúng ta cần nhìn nhiều hơn vào những mặt tích cực của cuộc sống, tránh xa mặt tiêu cực và bi quan. 

3. Miệng thuận: Nuốt trôi
Tục ngữ có câu: “Có thể ăn được là phúc”. Miệng thuận, nuốt trôi, cảm nhận được hương vị, là phúc khí của một người khi đến tuổi già. Rất nhiều người già, cố ăn vì không nỡ bỏ, không nỡ vứt đồ ăn thức uống, mặc dù tiết kiệm được tiền nhưng số tiền đó lại dùng để mua thuốc trong tương lai. Bởi vì tiếc nhỏ mà mất lớn, cuối cùng hối hận không còn kịp nữa. Một số người khi về già lại sống trong tâm trạng chán nản, lo lắng cho con cái, lo lắng về tuổi tác mà chán ăn, tâm trạng không tốt và cuối cùng là không ăn được nữa. Điều này không chỉ hại dạ dày mà còn khiến cho cảm xúc chịu nhận tổn thương. 
Đường Dần có thơ rằng: “Không luyện kim đan không tọa thiền, đói thì ăn cơm mệt thì ngủ”. Dưỡng sinh tốt nhất của con người chính là ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc. Không bạc đãi thân thể của chính mình mới là dưỡng thân. Tinh thần an tĩnh, sống ở hiện tại, mới là cách sống tốt nhất khi tuổi đã về già. 

4. Thân thể thuận: Vận động được 
Trong ‘Lã Thị xuân thu’ viết: “Nước chảy không hôi thối, trục cửa không mối mọt”. Chỉ khi sinh mệnh có vận động, di chuyển thì mới có thể chống đỡ được sự già đi nhanh chóng và sống khỏe mạnh. Có người nhờ kiên trì vận động mà khi bước sang tuổi 80 vẫn có thể chạy bộ và đi dạo trong công viên vào mỗi sớm tinh mơ. Có người ngồi mãi không chịu vận động thì toàn thân đau nhức triền miên, chỉ có thể nằm trong bệnh viện nhìn thế giới bên ngoài qua cửa sổ. 
Vận động và không vận động sẽ dẫn đến cuộc sống hoàn toàn khác nhau khi về già. Người khi đã già đi, thân thể là vốn liếng lớn nhất, khỏe mạnh là tài sản đắt giá nhất. Vì thế mỗi người nên dưỡng thành thói quen vận động. Mỗi giọt mồ hôi trên thân đổ ra là linh đan diệu dược tốt nhất chống lại sự già yếu.

5. Tâm thuận: Nghĩ được thông suốt
Trong ‘Dưỡng Chân tập’ có viết: “Từ xa xưa, thần tiên không có cách, chỉ sinh ra niềm vui mà không sinh ra nỗi buồn”. Người khi về già cũng không tránh khỏi có những lúc cảm thấy phiền lòng, cũng không tránh khỏi gặp phải những việc không như ý. Hãy mở rộng tấm lòng, xem nhẹ mọi việc, sống vui vẻ và thấu hiểu cuộc sống này. Đây là tâm thái tốt nhất khi nhìn mọi sự lúc tuổi đã xế chiều. 
Nho Phong Quân nói: “Thời gian không thể đuổi theo, năm tháng không thể giữ lại”. Trong suốt quãng đời còn lại, mỗi người chúng ta nhất định phải chăm sóc tốt cho thân thể và tâm tính chính mình, đó mới là việc quan trọng nhất.

Thursday, November 28, 2024

Xin hãy bớt đi cái “khôn” cho dân tộc được nhờ

 
“Đảng CSVN, một đảng lãnh đạo tài tình, khôn khéo, đưa từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

 

Một câu tuyên truyền đã đưọc phổ biến rộng khắp từ qua gần thế kỷ (trên 80 năm), từ ngày mà Hồ Chí Minh (HCM) – lãnh đạo đảng – tuyên đọc tuyên ngôn độc lập trước Ba Đình (2/9/1945) kêu gọi toàn dân theo đảng để “sẵn sàng chết” vì độc lập tự do, vì ấm no hạnh phúc toàn dân.

Từ đó, đại đa số người dân hết lòng tin theo đảng, và cũng sống chết vì đảng, đưa đến bao thắng lợi vẻ vang.

 

-Mở đầu là cướp chính quyền. Một chính quyền khi Pháp thất thế trước sức mạnh của quân phiệt Nhật, được trao trả cho Việt Nam do Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Một chính quyền hợp pháp của toàn dân, nhưng còn non trẻ phôi thai, chưa đủ sức giữ vửng, thì dảng CSVN cướp lấy giành quyền lãnh đạo, với câu nói bất hủ của HCM: “Chính quyền về tay nhân dân, tất cả những ai không theo sự lãnh đạo của đảng CSVN (Việt Minh thời bấy giờ) là phải bị tiêu diệt”. Từ đó đưa đến:

 

-Cải cách ruộng đất: Một thành tựu kinh hoàng, rập theo phương thức Tàu cộng (thời Mao trạch Đông), giết hại trên 72.000 là thành phần địa chủ bốt lột, trao sở hửu ruộng đất cho bần cố nông dân.

 

-Đảng rất sáng suốt, qua triệt để tuân theo cố vấn đắc lực của Tàu cộng, đã đạt lấy thắng lợi vẻ vang Điện biên Phủ, qua 9 năm ròng kháng chiến, máu đổ, thây phơi. Ta giành thắng lợi vang dậy 1954. Thực dân Pháp rút đi và chia đôi đất nước.

 

-Và rồi 21 năm tiếp tục, với quyết tâm: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, dù có phải hy sinh đến ngưới VN cuối cùng, cũng phải gìành cho được thắng lợi “giải phóng miền Nam”. Xương trắng, máu loang trên khắp cùng đất nươc. Thây phơi, vùi lấp khắp xóm làng - miền Bắc lẫn miền Nam -  đưa đến thắng lợi hoàn toàn 30/4/1975. Mỹ cút, Ngụy nhào, vinh quang cho đảng.

 

-Hằng hà sa số chiến lợi phẩm: Một miền Nam phồn vinh giả tạo, với biết bao nhiêu là của cải, sản nghiệp tân tiến (của một nền văn minh đế quốc), đảng thu tóm, đảng cào bằng… giúp đảng đạt đến đỉnh cao của quyền, của lợi, bù đắp xứng đáng cho công cuộc kháng chiến “ăn chay nằm đất” đói khát ròng rã mấy mươi năm. Đáng để tự hào, đáng để ngẫn đầu cao ngạo.

 

“Ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung quốc”.

Hồ chí Minh, tiếp nối Nguyễn ái Quốc (đã chết từ 1932), lãnh sứ mạng từ Cộng sản quốc tế (CSQT) nhuộm đỏ Đông Nam Á châu, lãnh đạo đảng CSVN quyết tâm chiếm cho bằng được miền Nam VN (dù có phải hy sinh đến người VN cuối cùng), qua sự giúp sức, viện trợ từ khối CSQT (Liên Xô & Trung quốc), qua chiêu bài “giải phóng miền Nam”, và đã hoàn thành thắng lợi 30/4/1975. Chiến thắng vinh quang, rất tự hào, cao ngạo (khôn khéo, tài tình). Để rồi vươn mang “chiếc thòng lọng” không làm sao thoát khỏi. Và sau khi khối Liên Xô sụp đổ (1989), chỉ còn chổ dựa duy nhất là Tàu cộng (CSTQ) để nương thân, để được tồn tại sống còn cho đến tận ngày nay.

 

Từ đó, đảng ta hằng năm, hết đời TBT này đến đời TBT khác là phục mệnh Thiên triều để tiếp nối sứ mạng nhuộm đỏ quê hương, đưa dân tộc VN vào vòng nô lệ (qua mọi hình thức) mà Nguyễn cơ Thạch , bộ trưởng ngoại giao, năm 1990 – qua Hiệp Ước Thành Đô -  đã phải thốt lên: “Thời kỳ Bắc thuộc mới bắt đầu”.

 

Qua 49 năm, một đảng chuyên quyền đã đưa đất nước về đâu?

Để minh chứng cho sự kiện vừa nêu: “Thời kỳ Bắc thuộc mới bắt đầu”. Mọi điều xãy ra đà tỏ rõ:

-Lãnh thổ và biển đảo lần lượt mất dần qua hiệp ước ký kết với Tàu (năm 1999 – 2000): mất địa giới phía Bắc, một phần vịnh Bắc bộ và vùng lãnh hải biển Đông (đảng ta nhượng cho Tàu cộng).

-Cơ sở của Tàu và dân Tàu hầu như tràn ngập khắp vùng lãnh thổ từ Bắc vào Nam, từ miền biển lên tận miền cao, qua chiêu thức mỵ dân là hợp tác khai thác tài nguyên, mà luôn là dành cho Tàu quá nhiều đặc quyền, đặc lợi.

-Tài nguyên đất nước cạn kiệt: một phần lớn là giao cho Tàu, một phần làm ăn thua lỗ, và cả một chế độ (dành cho đảng viên), tất cả đều là tham nhũng, tha hồ bòn rút từ dân, tha hồ cướp đoạt.

-Qua 49 năm, kinh tế suy tàn, lụn bại. Cả dân tộc lâm cảnh đói nghèo. Và cả một khối lượng “dân oan” (mất đất, mất nhà) đi khiếu kiện đòi công bằng, công lý, lang bạt tháng năm trên khắp cùng đất nước.

-So sánh (mức độ phát triển) với các nước lân bang như: Thái Lan, Malaysia, Xingapore, Indonesia, Philippine, Đài Loan, Hàn quốc… CHXHCNVN (đất nước do đảng lãnh đạo sau giải phóng 30/4/1975) đã phải đi lúi (tụt hậu) là bao nhiêu năm? 20-30-50… và có thể 70-80-100 năm (so với Hàn quốc , Xingapore, Nhật bản? – “Đánh xong giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng đất nước to đẹp, mạnh giàu gấp 10 lần hơn” - Bịp bợm, láo khoét, tự hào hay hổ thẹn?

-Ngư dân VN đánh bắt cá trên vùng lãnh hải của mình thì “tàu lạ” bắt bớ, đâm chìm, tịch thu hải sản. “Kẻ lạ” ngang nhiên lấn chiếm biển đảo, bắn giết dân mình thì đảng ta (CSVN) chưa hề có thái độ phản kháng, phản đối. Đã vậy, vẫn luôn đàn áp dân mình, một ai đó có lời lẻ, hành vi phản đối. Hình thức ngoại giao “khôn nhà dại chợ”. Mọi sự có đảng và nhà nước lo: Thần phục, van xin, cúi đầu không biết nhục! Phải chăng lo bán nước cầu vinh?

 

Người CS là khôn hay dại? Theo như một số phân tích gia có kiến thức rộng, trí thức khoa bảng nhận định thì: Người Cs rất là khôn – khôn lanh và đáo để - nhưng mà không phải khôn ngoan, mà vô cùng gian manh và quỷ quyệt, cái khôn lỏi của kẻ thất phu, cái ma mảnh của phường thất học. Một đứa trẻ đầu đường, xó chợ, đá cá, lăn dưa, đâu thể gọi là dại, mà là ranh ma, xảo trá, quỉ quyệt, qua mặt mọi người. Và hầu như bao người thật dạ, thật lòng dều bị chúng lường gạt qua mặt. Cái khôn gọi là khôn quỉ, chỉ xữ dụng đoản kỳ, thành công chốc lát, nhưng đường dài thì thất bại ê chề… Xét thấy, đem so với người CS – csVN – thì là đúng. Khôn thì có, mà tài và đức thì không. Quỉ quyệt, ranh ma, thất đức, vô tài, được gọi là… khôn vặt.

 

Tại sao họ lại thành công? Nhờ vào gian manh, xảo trá, nhờ vào quỷ quyệt gạt lừa, và nhất là vô cùng dã man, tàn bạo, để mọi ngưòi phải sợ, phải theo. Và khi nắm quyền thống trị rồi thì chính sách phải là ngu dân. Phải đần độn, ngu muội, u mê, phải thất học để dễ bề sai khiến. “Trí thức không bằng cục phân” –  Tư tưởng siêu việt của Mao trạch Đông mà HCM vô cùng ngưỡng mộ.

 

Xin trở lại tình hình đất nước VN:

Chính vì một đảng với cái khôn vặt vãnh đoản kỳ mà sau khi công cuộc cưởng chiếm  miền Nam (gọi là giải phóng) thành công với cái giá bằng núi xương sông máu, không làm sao cho đất nước tiến lên mà cứ phải thụt lùi, với một lũ bất tài chỉ biết ăn tàn phá nát, bù lại mấy mươi năm cơ cực, đói khổ, không xây dựng mà chỉ lo tranh giành hưởng thu.

Tài sản, tài nguyên càng khánh tận. Nguyên khí quốc gia mai một, đại đa số tài năng, kiến thức, khoa bảng coi rẻ (không bằng cục phân) bị sát hại, bị ruồng bỏ phải trốn tránh, liều mình mà bỏ nước ra đi. Để đảng một mình một cõi mà cao ngạo, tự hào. Và cũng để… sau 10 năm chợt tĩnh đã phải vội vã thốt lên “đổi mới hay là chết” trước hố sâu, vực thẳm.

Và rồi cũng cứ loay quay với tài năng của rừng rú hoang dã, cứ lạc hậu, cứ thụt lùi. Để đến ngày hôm nay, sau 49 năm – khôn khéo, tài tình -  đất nước, dân tộc trên bước đường nô lệ.

 

Những đứa con xa xứ - khúc ruột ngàn dặm – là chiếc phao giữa con sóng gió đắm chìm.

Tài nguyên không biết giữ, tài sản không biết gìn, ăn tàn, phá nát. Tài năng không trọng dụng, phụ rãi, bạc đãi, luôn đố kỵ, và bằng mọi cách tiêu diệt để chỉ có ta là độc bá, độc quyền, độc đoán theo tư duy đầu óc của phường thảo khấu, lũ cướp rừng xanh. Cao ngạo, tự hào, ngất ngưởng vui say, ngủ vùi với bao thành tích, bao ão vọng. Để đến khi chợt tịnh thì vực thẩm cận kề.

Bất tài, bất lực, một nền kinh tế suy kiệt thì lại đem con bỏ chợ: đưa hàng bao triệu con người thất học, vô nghề ra nước ngoài để làm thuê, ở mướn, làm nô lệ xứ người, gọi là quốc sách “xuất khẩu lao động”. Thu góp từng đồng ngoại tệ thấm đẩm mồ hôi, nước mắt, lẫn cả máu, đem về gọi là góp phần cứu nguy đất nước… nhét cho đầy họng nhửng kẻ nhản hiệu “công thần” – công lao hãn mã gầy dựng quốc gia.

Muối mặt với từng phái đoàn nhà nước, với “bị gậy” để mà cầu xin viện trợ. 50 năm, đất nước vẫn còn nghèo, người dân đói khổ. Đổ cho là vì bao “thế lực thù địch” không ngừng dã tâm đánh phá…

Trong nước thì lắm mưu mô thủ đoạn để hút máu người dân. Lãnh đạo rất giỏi, rất tài tình khôn khéo. Bao chính sách đề ra, người dân không cách nào vượt thoát.

Chưa hết: Đảng ta còn rất tinh ma khôn khéo, nhắm vào thành phần trốn chạy, bỏ nước ra đi, giờ được dán nhản thân yêu “khúc ruột ngàn dặm” để mà chiêu dụ qua chính sách “hòa hợp hòa giải”, không còn hận, không còn thù. Thật rất là hân hạnh lắm thay! Một chiếc phao rất cần giữa cơn giông bảo?

Hồi nào thì nguyền rũa: Cái đám ôm chân đế quốc, chạy theo “bơ thừa sữa cặn”, đắt tội với nhân dân. Nguyền rủa, xỉ vả chẳng tiếc lời. Bây giờ được chiếu cố, được gọi mời, được ưu ái…thì làm sao mà không nức lòng, rơi lệ với quê hương!

 

Giở qua từng trang lịch sử: Việt Nam, một dân tộc bất khuất, anh hùng, truyền thống oanh liệt chống xâm lăng. Và rồi qua cái “khôn lỏi” quỉ quái tinh ma của một đảng, lãnh đạo từ một tên ma đầu “ngoại chủng” lợi dụng xuyên suốt gần cả trăm năm, từ một đảng ma cô tài tình khôn khéo, trải 50 năm đưa đất nước bên bờ vực thẳm, hố sâu. Đưa cả dân tộc trở về vòng nô lệ. Họ khôn lanh, họ quỉ quái, dả tâm, thất đức, xảo quyệt không ngừng…

 

Và giờ đây, cả dân tộc Việt Nam (trong lẫn ngoài nước). Xin thử hỏi: Sẽ phải nên làm gì?

-Yên tâm, an phận, để trông chờ vào “khôn khéo, tài tình” của đảng, sẽ vượt qua cơn song gió, nguy nan ?

-Khúc ruột ngàn dăm, vì tình đồng bào cả nước trong cơn nghèo đói khó khăn – qua đảng -  để mà tận tình cứu giúp ?

-Hay cần làm gì khác hơn để cùng cứu nguy đất nước, dân tộc?

 

Đã tỉnh cơn mê, nhưng sao vẫn thấy mình như… bất lực.

 

Thanksgiving  2024 – N. Dân.

Wednesday, November 27, 2024

Nhà tù khổ sai An Nam ở Guyane, một câu chuyện bị lãng quên trong lịch sử Pháp

Nằm trên bờ Bắc của Đại Tây Dương ở Nam Mỹ, vùng hải ngoại của Pháp Guyane từng là nơi giam giữ hơn 500 tù nhân chính trị “An Nam” từ những năm 1930 đến Đệ Nhị Thế Chiến. Đến từ xứ Đông Dương cách 17 000km, những tù nhân được coi là những lao động, khai hoang những khu rừng rậm Amazon cho Pháp. Một câu chuyện ít người biết đến, bị lãng quên trong lịch sử của Việt Nam và Pháp.

Những tù nhân tại trại giam AN Nam, Crique Anguille ở Guyane, xây dựng tuyến đường sắt. Ảnh tư liệu. © Ảnh do tác giả cung cấp/Christèle Dedebant
Chi Phương

Tại Guyane, vùng hải ngoại của Pháp ở Nam Mỹ, con đường ven bờ rừng được nhiều người dân và du khách lui tới đi dạo trong những ngày nghỉ cuối tuần ở xã Montsinéry-Tonnégrande, cách thành phố Cayenne 45 km về phía đông.

Ẩn sau các tán cây là các khối bê tông dài như tường thành bị phong rêu, phủ kín dây leo, khiến không ít người đặt nghi vấn về câu chuyện lịch sử ẩn đằng sau. Đó cũng là trường hợp của nhà sử học người Pháp Christèle Dedebant, kết hợp nhiều sự kiện ngẫu nhiên, tình cờ đi dạo trên con đường mòn đó, tình cờ nghe về câu chuyện nhà tù khổ sai An Nam – Le Bagne des anamites, và tình cờ gặp được người thân của những cựu tù nhân để tiến hành đào sâu tìm hiểu ngọn nguồn, vẽ lại bức tranh đầy đủ về hành trình vượt đại dương và số phận của 500 tù nhân Việt bị lưu đày ở Guyanne dưới thời Pháp thuộc.

Xà lim kỷ luật tại trại giam Crique Anguille (Suối Lươn) ở Nhà tù khổ sai An Nam tại Guyane. © Ảnh do tác giả cung cấp/ Christèle Dedebant

Trong cuốn sách “Le Bagne des annamites, les derniers déportés politiques en Guyane” được nhà xuất bản Actes Sud cho ra mắt độc giả hồi tháng Năm, nhà sử học Christèle Dedebant lật lại những trang sử về bối cảnh các cuộc cách mạng ở Việt Nam những năm 1930, làm tiền đề cho tuyên bố độc lập của Hồ Chí Minh vào năm 1945. Tiêu biểu là khởi nghĩa Yên Bái, dưới sự lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng, nổ ra vào tháng Hai năm 1930 nhưng đã nhanh chóng bị thực dân Pháp đàn áp.

Khoảng 670 người đã bị bắt giữ, bỏ tù hay hành quyết, chủ yếu là những người tham gia vào phong trào kháng chiến của Việt Nam Quốc Dân Đảng, hay phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Trong số đó, 538 nam tù nhân, từ 17 đến 50 tuổi, được xét là “đủ khả năng vượt đại dương”, trên con tàu Martinière, đưa đến giam giữ ở Guyane.

Khi đến xứ Nam Mỹ xa xôi, những người này không bị giam giữ tại các nhà tù của chính quyền thuộc địa vốn có mà ở những khu vực đặc biệt được xây dựng dành riêng cho họ, bị đưa đi lao động khổ sai, giúp chính quyền thực dân Pháp khai hoang vùng đất mới rộng lớn này. Khi tách họ khỏi các nhà tù truyền thống cũng là để tránh sự lây lan của tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong các xà lim ở Guyane.

Cuốn sách đưa người đọc tìm hiểu lại cuộc sống thường nhật của các tù nhân, phải tự mình xây dựng nơi sinh hoạt chung, tại nơi giam giữ mình, trong điều kiện vệ sinh nghèo nàn. Nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp hay đường ruột. 10 tù nhân đã bỏ mạng. Một số tìm cách đào tẩu, tránh cảnh lao động khắc nghiệt và tránh bị lây nhiễm.

Đến Guyane, những tù nhân chính trị An Nam được coi là “những lao động” VIP, “có lợi ích khi giữ tinh thần và thể chất cho họ” để khai phá những vùng lãnh thổ mà chúng ta chưa biết đến ở Guyane”, theo trích dẫn trong cuốn sách từ tư liệu của bộ Thuộc Địa.

Nhà sử học cũng nhắc lại sự thay đổi chính quyền ở Guyane vào năm 1936, và dẫn đến việc trả tự do cho một số tù nhân, nhưng lại bị hạn chế di chuyển, không được phép rời khỏi lãnh thổ này. Một số được cấp đất rừng để khai hoang, canh tác, hay được phép làm việc tại doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Guyane. Đến khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, các nhà tù tại Guyane lần lượt bị đóng cửa. Những tù nhân Đông Dương cuối cùng được trả tự do từ năm 1949. Mãi đến năm 1963 họ mới được đưa trở về lại quê hương. Một nửa trong số những người bị lưu đày đã quyết định ở lại Cayenne, sinh sống “trong khu phố người Hoa”, trên thực tế là những người Đông Dương.

Những người được trả tự do khỏi Nhà tù khổ sai An Nam, giăng tấm băng rôn "Hồ Chủ tịch muôn năm", chờ được hồi hương từ Cayenne, năm 1955.

Những người được trả tự do khỏi Nhà tù khổ sai An Nam, giăng tấm băng rôn "Hồ Chủ tịch muôn năm", chờ được hồi hương từ Cayenne, năm 1955. © Ảnh do tác giả cung cấp/Christèle Dedebant

***
Để hiểu thêm về câu chuyện của những tù nhân chính trị này, RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn bà Christèle Dedebant, tác giả của cuốn sách “Le bagne des Annamites : Les derniers déportés politiques en Guyane”- tạm dịch là “Nhà tù khổ sai An Nam : những tù nhân chính trị cuối cùng bị lưu đày ở Guyane”

Điều gì đã thôi thúc bà thực hiện cuốn sách này ?

Christele Dedebant : Điều khiến tôi quan tâm nghiên cứu chủ đề này, đó là khoảng cách giữa Guyane và Đông Dương, đưa người đi đày đến một nơi hoàn toàn xa lạ, cách hơn 17.000 km. Tôi thấy đó là điều không tưởng. Hơn nữa, bối cảnh lịch sử, vào năm 1931, khi những tù nhân Việt bị đưa đến Guyane, đó cũng là thời điểm huy hoàng của đế quốc thực dân Pháp. Tất cả chỉ được phép rời đi mãi cho đến năm 1963. Trong 30 năm đó, thế giới đã thay đổi, và nhất là quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.                                  

Do đó, tôi đã đặt câu hỏi về số phận của những tù nhân này, họ đã trải qua chuyện gì. Họ bị đưa khỏi Việt Nam đến Guyane dưới thân phận những tù nhân của xứ thuộc địa, không phải là công dân Pháp. Số phận của họ ra sao khi các nhà tù bị dỡ bỏ. Dĩ nhiên là các câu trả lời khá phức tạp bởi vì một số đã ở lại Guyane, một số trở về Việt Nam, một số khác thì đến Pháp sinh sống.

Trong cuốn sách, bà nêu ra những hiện thực tàn bạo của chế độ thực dân, để lại những vết sẹo vẫn còn hiện hữu cho đến nay. Trong quá trình viết ra cuốn sách này, có điều gì mới được phát hiện ra khiến bà bị bàng hoàng trước hiện thực lịch sử hay không ?

Christèle Dedebant : Có rất nhiều chuyện khiến tôi bị sốc. Đầu tiên là một ý tưởng dã man trong tư tưởng thuộc địa, là ý định đưa 528 tù nhân đến lưu đày cách xa nhà hàng ngàn km để khai hoang một vùng lãnh thổ còn rộng hơn cả Irland. Đối với tôi đó là một ý tưởng điên rồ, đày những tù nhân xa xứ đến khai khai hoang vùng Amazon và họ không có ai tiếp sức hỗ trợ. Nhiều người trong số họ đã bỏ mạng vì bệnh ho gà, hay khó thích ứng với khí hậu. Kế hoạch này rõ ràng là thất bại. Mặc dù những người được gọi là dân An Nam, lại là những tù nhân được đối đãi tử tế nhất so với những người đến từ Bắc Phi hay các tù nhân Pháp, vì được coi là những người tiên phong, khai hoang đất đai.

Thêm vào đó, tất cả các nhà tù đều áp dụng luật kép, tức là khi các tù nhân đã mãn án tù, nhưng lại không thể trở về nước và phải ở lại Guyane để bổ sung dân số vốn ít ỏi ở Guyane, để tiếp tục khai hoang lãnh thổ này.

Trong những chương cuối của cuốn sách, bà đề cập đến số phận của những cựu tù nhân chính trị, lựa chọn trở về nước, nhưng lại bị chính quê hương chối bỏ. Lập trường của Việt Nam lúc đó cũng không rõ ràng. Các bài viết của nhà báo Danh Đức trên báo Tuổi Trẻ và về nhà tù An Nam ở Guyane, thu thập lời chứng của nhiều cựu tù nhân chính trị, chỉ ra sự nghi ngờ với những cựu tù nhân này, và mối liên hệ thực sự với Việt Nam Quốc Dân Đảng. Các bài báo về nhà tù người Việt ở Guyane cuối cùng đã bị kiểm duyệt vào năm 2008. Bà có lý giải nào về điều này được không ?

Christèle Dedebant : Lập trường của chính phủ Việt Nam không khác nhiều so với các nước khác khi phải đối diện với câu hỏi có nên tiếp nhận những người tị nạn đã bị lưu đày biệt xứ trong 3 thập kỷ hay không. Bởi không ai rõ họ đã trở thành người như thế nào trong suốt quãng thời gian đó. Ban đầu, khi bị bắt đem đi, họ là những người dân tộc chủ nghĩa, một số là quan chức cấp cao trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, ví dụ như ông Bằng mà tôi nêu trong cuốn sách. Tất cả đều theo Cộng Sản, họ đều tôn thờ Hồ Chí Minh.

Có một chi tiết khiến nhà xuất bản của tôi chú ý là vào năm 1932, có thông tin là Hồ Chí Minh qua đời, tang lễ của lãnh đạo Cộng sản Việt đã được tổ chức trong chính nhà tù. Nhưng cuối cùng họ biết được thông tin đó không xác thực.

Ở Guyane, gần như không có sự bất đồng nào giữa các phe phái, và họ không đủ đông đảo để làm điều đó. Một số được trả tự do trở về Việt Nam vào những năm 1950-1960, thế nhưng lại không nhận được sự tiếp đón như họ mong đợi, mà bị nghi ngờ.

Đó là một chuyện đáng buồn vì họ bị cả hai phe vứt bỏ. Nhưng tôi cho rằng trong thời chiến, đó là điều thường xảy ra. Trong cuốn sách, tôi có đề cập đến trường hợp của ông Yến. Vào những năm 70, ông Yến đã được yêu cầu làm gián điệp nhưng không chấp nhận làm việc đó. Tuy nhiên, những cựu tù nhân như ông có thể bị coi là những kẻ chỉ điểm.

Để viết lại câu chuyện lịch sử này một cách hoàn chỉnh nhất, bà đã dành nhiều năm tìm kiếm tư liệu từ cả kho lưu trữ của Pháp đến những bài báo bằng tiếng Việt. Lý do mà bà viết cuốn sách này là gì ? Đâu là thông điệp mà bà muốn gửi cho độc giả ?

Christèle Dedebant : Trong quá trình tìm kiếm, tôi đã gặp được con cháu của những tù nhân này ở Guyane, mà thông thường họ không muốn nói về xuất thân của cha mẹ vì đó là một câu chuyện nhiều đau thương và phức tạp. Đôi khi chính cha mẹ họ cũng không muốn nhắc đến và muốn lật sang trang mới. Những tù nhân bị đày đến Guyane, đa số không phải là những kẻ tội phạm nguy hiểm mà chỉ là những tội danh nhỏ, và cũng có nhiều chính trị gia, trong đó có gia đình của ông Yến, tự hào là một người phản chiến chống lại chế độ thuộc địa.

Đó là những người đến từ Đông Dương, ở Guyane, chẳng ai có thể phát âm tên họ một cách rõ ràng, thậm chí viết sai tên, người ta không biết họ tên gì. Con cháu họ thường không nói tiếng Việt nữa. Cuốn sách mà tôi viết là mong muốn trao lại một mảnh ký ức cho những người đó.

Về phía Pháp, theo bà, cho đến nay, Paris nhìn nhận lịch sử thuộc địa ở Đông Dương như thế nào ?

Christèle Dedebant : Nhìn chung, tại Pháp, ký ức về chiến tranh Algérie đã lấn át những phần lịch sử khác. Đối với Pháp, tôi cho rằng chiến tranh Đông Dương chỉ là một cuộc chiến xa xưa dù nhiều chuyện kinh hoàng đã xảy ra. Nhiều người lính được điều đến chiến đấu ở Đông Dương, sau đó đã bị thuyên chuyển đến Algérie.

2024 là năm kỷ niệm 70 năm trận Điện Biên Phủ và cuốn sách mà tôi viết, trên thực tế chỉ là một yếu tố bị lãng quên. Những tù nhân này đã bị lãng quên trong một cuộc chiến bị cho vào quên lãng.

Nhiều người đã hỏi tôi rằng, tại sao tôi không có nguồn gốc Việt Nam, cũng không phải từ hải ngoại, tại sao tôi lại quan tâm đến câu chuyện của những tù nhân này. Theo tôi câu trả lời rất đơn, giản, đó là lịch sử thuộc địa, lịch sử của nước Pháp.


***
Xin cảm ơn bà Christèle Dedebant, tiến sĩ lịch sử đương đại, nhà báo của tạp chí Geo, tác giả của cuốn “Le bagne des Annamites : Les derniers déportés politiques en Guyane”- tạm dịch là “Nhà tù khổ sai An Nam : những tù nhân chính trị cuối cùng bị lưu đày ở Guyane”, nhà xuất bản Actes Sud.

Chi Phương
 
 

Monday, November 25, 2024

Cải Cách Ruộng Đất ở Việt Nam So Sánh Hai Cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc (1953-1956) Và Miền Nam (1970)

Bối cảnh lịch sử
Cho đến giữa thế kỷ 20, Việt Nam vẫn còn là một nước nông nghiệp lạc hậu với hơn 80% dân số sống ở vùng nông thôn; đa số là nông dân nghèo, tá điền làm mướn nộp tô cho các địa chủ. Tranh chấp giữa hai thành phần nông dân và địa chủ thì hẳn nhiên là có từ ngàn đời; nhưng không đến nỗi quá quyết liệt để đi đến những đổ máu tàn khốc như kiểu đấu tranh giai cấp mà người Cộng Sản khích động.

Ở miền Bắc năm 1945, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và tiếp tục các nỗ lực chiến tranh cho đến thắng lợi Điện Biên Phủ đưa đến sự phân chia Việt Nam thành hai miền đối đầu về chính trị. Trong khi miền Bắc bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội thì ở miền Nam, nước Cộng Hoà Việt Nam ra đời dựa trên lý tưởng dân chủ tự do và kinh tế thị trường.

Một trong những khác biệt giữa miền Nam và miền Bắc là sự cư xử đối với người dân của hai chế độ cũng như các biện pháp thực thi công lý xã hội.  Trong bài này, chúng tôi muốn nói đến vấn đề đất đai, sự công bằng nhân đạo trong việc tái phân chia tài sản quốc gia để làm giảm mức cách biệt giàu nghèo, xóa bỏ nạn cường hào bóc lột ở nông thôn.


Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc Việt Nam

Mục Tiêu
Karl Marx, người đề ra chủ nghĩa Cộng Sản đã viết trong bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Communist Manifesto) rằng: "Cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc." Khi phát động chiến dịch tại kì họp thứ ba của Quốc hội Việt Nam Cộng Sản, Hồ Chí Minh đã nói những lời nhân nghĩa: "Luật cải cách ruộng đất của ta chí nhân, chí nghĩa, hợp lý hợp tình, chẳng những là làm cho cố nông, bần nông, trung nông ở dưới có ruộng cày, nhưng đồng thời chiếu cố đồng bào phú nông, đồng thời chiếu cố đồng bào địa chủ."

Chương trình cải cách ruộng đất ở miền Bắc – cũng được gọi là cải tạo nông nghiệp - được mở đầu bằng chiến dịch giảm tô (1953-1954) gồm tám đợt; theo sau đó là các chiến dịch cải cách từ năm 1954 cho đến 1956 gồm năm đợt. Mục tiêu của chương trình này là nhằm xóa bỏ giai cấp địa chủ để chuẩn bị thiết lập nền móng vô sản chuyên chế ở nông thôn. Đảng Cộng Sản chủ trương cách mạng triệt để xóa bỏ lối sống và mối quan hệ cổ truyền để thay vào đó những giá trị mới và ý thức hệ của chủ nghĩa Cộng Sản. Cho nên phải xem đó là biện pháp để củng cố sự kiểm soát của đảng Cộng Sản chứ không phải là thưc hiện công lý xã hội qua sự tái phân ruộng đất như ông Hồ tuyên bố.

Đối với đảng Cộng Sản, bốn kẻ thù chính cần phải tiêu diệt theo như khẩu hiệu đề ra là: “Trí, Phú, Địa, Hào; Đào tận gốc, trốc tận rễ.” Không chỉ có thế, họ còn nhắm vào các tầng lớp trung lưu, trí thức, tu sĩ các tôn giáo, và những người có quan hệ hay hấp thụ văn hoá Tây Phương. Trong cuốn sách nổi tiếng nhan đề Từ Thực Dân đến Cộng Sản, ông Hoàng Văn Chí, một đảng viên Đảng Quốc Tế Công Nhân Pháp, ghi rằng có đến nửa triệu người đã bị giết chết trong cuộc cải cách ruộng đất và các chiến dịch cải tạo của Cộng Sản.

Diễn Tiến
Từ năm 1953, Hồ Chí Minh đã gửi sang Trung Cộng hơn 100 cán bộ để được huấn luyện. Phía Đảng Cộng Sản Trung Hoa cũng lập ra một phân bộ chuyên trách về cải cách ruộng đất và củng cố đảng do Trương Đức Quần ( Zhang DeQun) cầm đầu để chỉ dạo cho Việt Nam thi hành chính sách. Ngày 15 tháng 3 năm 1954, Đảng Lao Động Việt Nam (tên cũ của Đảng Cộng Sản) thành lập Ủy Ban Cải Cách Trung Ương dựa vào khuôn mẫu "thổ địa cải cách" (1946-1949) của Trung Cộng và tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để. Ủy ban này, về mặt đảng, Hồ Chí Minh vẫn là người phát động về tư tưởng, và sự chỉ đạo thì trong tay Tổng bí thư Trường Chinh; nhưng về mặt chính quyền thì do sự chỉ huy của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng và sự giám sát chặt chẽ của đoàn cố vấn chính trị Trung Cộng do Lã Quí Ba (罗贵波 Luo Guibo) cầm đầu.  

Trong hai năm 1954 và 1955, Cộng Sản Việt Nam đã thi hành tám đợt giảm tô ở 1875 xã, và năm đợt cải cách ở 3315 xã. Họ thực hiện theo từng bước như sau:

1.- Thành lập các đội cải cách từ 10 đến 15 người gửỉ đến phụ trách mỗi xã. Đội trưởng phải là đảng viên, có thể lấy từ bộ đội sang, đội viên là những thanh niên, đoàn viên tuyển chọn rất kỹ trong những người hăng say, nuôi mộng được vào đảng. Họ đến từng xã, mỗi đội viên sẽ tìm một gia đình coi là nghèo khổ nhất để thực hiện chính sách “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với những gia đình này.

2.- Thăm Nghèo, Hỏi Khổ: Sống chung thân cận với gia đình nghèo,  cán bộ đội sẽ tìm hiểu thu thập tình hình trong xã, về những người trong xã, ai có đất cho nông dân cày để lấy tô, ai có ăn có mặc sung sướng, ai có giao tiếp, có địa vị xã hội… Họ sẽ chọn những thành phần đáng tin cậy để huấn luyện và kết nạp làm nhân tố mà danh xưng là ‘rễ, chuỗi.’

3.- Phân loại: Bước kế tiếp là phân loại những người trong xã theo bốn thành phần chính: (1) địa chủ, (2) phú nông, (3) trung nông cứng, trung nông vừa, trung nông yếu, (4) và bần nông, cố nông.  Ủy Ban Cải Cách Trung Ương đề ra việc thi đua và tưởng thưởng cho các đội truy tìm cho ra nhiều địa chủ để đấu tố. Cố vấn Trung Cộng ép buộc chỉ tiêu là mỗi xã phải tìm cho ra 5% dân số để qui cho là thành phần địa chủ. Trong cuốn Naked Earth, bà Aileen Chang đã miêu tả cách thức mà các đội viên cải cách ruộng đất bên Trung Hoa đã làm để chọn đủ chỉ tiêu này dù trong thâm tâm họ cũng thấy bất bình và xót xa! Đó là đôn người trung nông nào kha khá một chút lên hàng địa chủ cho đủ chỉ tiêu 5% ở mỗi xã. Họ không có sự lựa chọn nào khác!

4.- Đấu tố và xử án: Sau khi gieo hạt giống căm thù địa chủ tàn ác vào đầu nông dân, đội cái cách sẽ triệu tập tất cả nông dân ra sân làng và thành lập một thứ “toà án nhân dân” do một đội viên chủ toạ. Họ sẽ lôi các địa chủ ra trước toà bắt phải quì xuống để hành nhục; cán bộ đội lẫn vào đám đông hàng trăm, hàng ngàn người kể cả nông dân từ các xã lân cận để khích động, dấy lên sự phẫn nộ để rồi từng người sẽ đứng trước nạn nhân vạch ra những tội ác tày đình do bịa đặt hay phóng đại lên. Ngay cả thành viên trong gia đình như con cái, họ hàng cũng bị đẩy ra buộc tội và nhục mạ cha mẹ mình.  Nạn nhân không được tự biện hộ hay có ai dám biện hộ gìùm. Sau đó nạn nhân sẽ bị giam lại chờ phiên toà sẽ tuyên án tử hình và thi hành tại chỗ.

5.- Chia Quả Thực: Sau buổi đấu tố và hành quyết, dân làng đổ xô về xâu xé những tài sản của nạn nhân từ bàn ghế tủ giuờng cho đến áo quần, nồi niêu soong chảo, thậm chí cả cái chổi cùn, cái rế rách. Đất đai của nạn nhân thì đội lấy chia cho các gia đình bần nông. Con cái nạn nhân bị đẩy ra bìa làng nơi một xó nào đó hay bị đuổi hẳn khỏi làng. Sau cải cách, có đến cả triệu người miền Bắc con cái địa chủ phải đến tận các vùng núi rừng để tránh những đối xử bất công hà khắc nơi quê nhà.

Nạn Nhân:
Cho đến nay, đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam chưa có công bố chính thức nào về số nạn nhân của chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Tài liệu ngoai quốc thì cho những con số khác nhau có từ vài ngàn đến nửa triệu.  

Đài Phát Thanh Á Châu Tự Do dựa theo tài liệu của Viện Kinh Tế Việt Nam (Vietnam Institute for Economics), cho hay trong 3,312 phiên toà Kangaroo ở địa phương, có hơn bốn triệu nạn nhân, trong đó 172,008 bị qui là địa chủ (như nói ở đoạn trên); 18,738 trung nông bị gán cho tội cường hào ác bá. Đa số nạn nhân bị bắt chết ngay tại chỗ. 

Theo ký giả Gareth Porter, số nạn nhân bị giết là từ 800 đến 2500; theo sử gia Edwin Moise, thì từ 5000 đến 15000; theo ký giả Bernard Fall, có 50,000 người bị hành quyết từ năm 1953  đến 1955; Dựa trên tài liệu thu nhận từ Bắc Việt Nam, sử gia Balazs Szalontai, người Mongolian viết trong bản tham luận “Political and Economic Crisis in North Vietnam, 1955 -56" (Cold War History, 2005) – cho hay có 23,748 bị hành quyết trong 1,337 phiên toà. Giáo sư Turner Robert, trong cuốn Vietnamese Communism: Its Origins and Development, có đoạn viết “Theo nhiều nhân chứng ở miền Bắc Việt Nam thì trong 160 dân làng, có một người bị hành quyết. Theo đó mà tính thì cả nước có đến gần 100,000 nạn nhân. Vì chiến dịch này diễn ra chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng, nên các học giả có thể chấp nhận con số ước lượng 50,000 người bị giết trong chiến dịch đó.” (Testimony from North Vietnamese witnesses suggested a ratio of one execution for every 160 village residents, which extrapolated nationwide would indicate nearly 100,000 executions. Because the campaign was concentrated mainly in the Red River Delta area, a lower estimate of 50,000 executions became widely accepted by scholars at the time).” Con số cao nhất, nửa triệu, là của ông Hoàng Văn Chí, dựa trên tỷ lệ qui chụp địa chủ 5% trên tổng số nông dân miền Bắc lúc bấy giờ.

Trong cải cách, Đảng Lao Động Việt Nam chia loại địa chủ ra ba thành phần: (1) Địa chủ ác ôn, (2) Địa chủ thường, và (3) Địa chủ có ủng hộ kháng chiến. Nhưng trong thực tế, cả ba loại địa chủ này đều bị đấu tố và giết chết tại chỗ. Một tài liệu của chính đảng Cộng Sản tiết lộ có 172,008 người bị qui tội địa chủ mà sau này khi thú nhận sai lầm, họ đã cho hay trong số đó có đến 123,266 người (71.66%) bị ghép tội oan ức. Phát biểu tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 10 năm 1956, giáo sư, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, cho hay nhiều nông dân là trung nông nhưng đã bị đôn lên hàng địa chủ bởi những anh đội cải cách. Bà Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long, một nhà doanh nghiệp giàu có nhất nhì miền Bắc, là người từng đóng góp hàng trăm lạng vàng cho đảng, che giấu cán bộ, có khi nuôi ăn cả đơn vị lớn; bà cũng có hai con trai theo kháng chiến làm đến Chính Ủy Trung Đoàn. Cố vấn Lã Quí Ba đã thúc ép Hồ Chí Minh phải đưa bà ra đấu tố mở màn cho chiến dịch để làm gương và tạo sự phấn khích trong nông dân. Theo ký giả Trần Đĩnh, người từng gắn bó và viết tiểu sử cho Hồ Chí Minh, viết trong cuốn Đèn Cù thì chính ông Hồ đã ngụy trang bằng cách bịt râu, đeo kính dâm để đến xem cuộc đấu tố giết chết dã man người phụ nữ ân nhân của ông ta và của đảng Cộng Sản. Cũng theo Trần Đĩnh, trong số nạn nhân của cải cách ruộng đất có khá nhiều cán bộ đảng và sĩ quan cao cấp trong bộ đội.

Ông Nguyễn Minh Cần, một cựu đảng viên cao cấp, cựu Phó Thị Trưởng Hà Nội đã phải thốt với đài Pháp RFI: “Chiến dịch cải cách ruộng đất là một cuộc thảm sát dân lành vô tội; nói theo thuật ngữ thời đại thì quả thật đó là vụ diệt chủng kích động bởi sự phân biệt giai cấp.”

Hậu Quả
Tuy không biết chính xác con số nạn nhân là bao nhiêu và số nạn nhân ít so với số người chết hàng triệu trong cải cách ruộng đất ở Trung Cộng, nhưng mức độ giết lầm quả là một thảm kịch, một vết nhơ khó tẩy rửa. Cả miền Bắc Việt Nam đã bị ám ảnh bởi sự kinh hoàng trong hàng chục năm sau đó.

Nhà văn cựu đảng viên Cộng Sản Trần Mạnh Hảo - là một nhân chứng sống -  đã viết: “Tôi đã chứng kiến sự hãi hùng, và tôi không thể hiểu chế độ này là thứ gì mà chỉ biết đàn áp và hủy diệt dân chúng. Họ đã đưa người ta ra cái gọi là ‘tòa án nhân dân’ rồi bắn chết tại chỗ mà không hề có phiên xử hay đưa ra bằng chứng tội phạm.” (Câu này chúng tôi dịch từ bản Anh ngữ nên có thể không hoàn toàn chính xác như lời ông Trần Mạnh Hảo)

Năm 1956, để xoa dịu sự căm phẫn của quần chúng, ông Hồ Chí Minh đã nhỏ giọt nước mắt cá sấu mà thú nhận họ đã đi quá xa và thi hành quá tàn bạo. Cuối năm 1956, hai mươi ngàn nông dân ở Nam Đàn thuộc tỉnh Hà Tĩnh (gần quê quán Hồ Chí Minh) đã nổi dậy nhưng liền bị Cộng Sản đưa quân đội đàn áp thẳng tay, giết chết sáu ngàn nông dân!

Nói mục đích cải cách là để lấy đất của địa chủ chia lại cho nông dân, nhưng hai năm sau (1958), đảng và nhà nước khởi động phong trào tập thể hoá nông nghiệp và công hữu hoá công nghiệp. Hiến pháp Việt Nam Cộng Sản năm 1959 luật hoá chính sách triệt bỏ quyền tư hữu và thay nó bằng cái gọi là ‘quyền làm chủ tập thể.’ Đất đai ruộng vườn từ nay là tài sản của nhà nước. Tất cả nông dân bị buộc phải gia nhập các hợp tác xã. Cuối cùng, tay trắng hoàn trắng tay! Nông dân chưa kịp vui vì quyền làm chủ, thì lại phải trả lại đất ruộng, nông cụ để góp vào các hợp tác xã. Họ lại trở thành người làm thuê, lần này cho chủ là ông nhà nước với lối sống đoàn ngũ hoá, nhất cử nhất động đều làm theo các tiêu lệnh và tiếng kẻng hàng ngày.  Bằng máu hàng trăm ngàn dân lành vô tội, Đảng Cộng Sản đã thành công trong việc củng cố quyền lực, trấn áp mọi kẻ thù vừa về chính trị vừa kinh tế.

Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Nam Việt Nam
Mục tiêu
Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà theo đuổi ý thức hệ dân chủ tự do và theo chính sách kinh tế thị trường, cổ vũ doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ cũng biết rằng sự tái phân phối ruộng đất là biện pháp tốt nhất để giải quyết bất công xã hội đã hiện hữu từ nhiều đời ở vùng nông thôn; nhất là trong giai đoạn chiến tranh chống Cộng Sản, sẽ vận dụng được sự ủng hộ của quần chúng nông thôn.

Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đã có các kế hoạch dinh diền, khu trù mật nhưng không thành công vì sự quậy phá liên tục của du kích Cộng Sản. Đến thời Đệ Nhị Cộng Hoà, Hiến pháp 1967 đã hứa hẹn sẽ cấp đất cho nông dân và hữu sản hoá các tầng lớp lao động để họ thoát khỏi tình trạng phải đi làm thuê cho chủ.

Sau chiến thắng Tất Mậu Thân, khi gần như toàn bộ hạ tằng cơ sở của Cộng Sản bị tiêu diệt, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành hai chính sách: Người Cày Có Ruộng và Hữu Sản Hoá Công Nhân. Chính sách thứ nhất là để xóa bớt giai cấp địa chủ ở miền Nam. Trong cuộc họp tại Midway vào tháng 6 năm 1969, Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã hứa giúp thêm tài khoản cho chương trình Người Cày Có Ruộng một số tiền 40 triệu đô la.

Thực Thi
Vào thập niên 1960, dân số miền Nam khoảng 17.5 triệu người với 80% là nông dân. Trong số nông dân đó, có khoảng 70% là tá điền làm ruộng nộp tô cho địa chủ.

Thời Đệ Nhất Cộng Hoà
Năm 1955, khi vừa thiết lập chế độ, chính phủ  đã có chủ trương cải tổ nông nghiệp. Ngày 22 tháng 10, 1956, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành Dụ số 57, tiến hành chính sách cải cách ruộng đất. Theo Dụ 57 này, mỗi điền chủ chỉ được giữ tối đa 100 mẫu ruộng[1], trong đó 30 mẫu trực canh, còn 70 mẫu phải cho tá điền thuê. Số đất bị truất hữu, điền chủ được chính phủ bồi thuờng số tiền mặt bằng 10% trị giá ruộng đất, còn lại sẽ nhận trái phiếu có lãi suất 3% trong 12 năm. Tá điền được mua ruộng tối đa năm mẫu ta, trả góp cho chính phủ trong 12 năm. Đợt đầu, có 430,319 mẫu ruộng của 1,085 điền chủ được mua lại; sau đó còn mua thêm 220,813 mẫu đất của Pháp kiều để bán cho 123,198 tá điền. Các tá điền cũng có thể mua trực tiếp từ điền chủ. Tổng cộng, chính phủ đã trưng mua 1,040,000 mẫu ruộng để cấp phát cho nông dân 600,000 mẫu. Số đất ruộng chỉ mới bằng 10% đất canh tác ở miền Nam. Từ 1956 đến 1962 , sản lượng lúa gạo tăng gấp đôi, mức xuất cảng tăng gấp năm lần. Tuy nhiên con số nông dân chưa được cấp đất canh tác vẫn còn khá cao.

Ngoài ra, Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn lập 169 Khu Dinh Điền, 25 Khu Trù Mật để định cư 250 ngàn dân. Đất đai được khai thác ở các vùng này là 109,379 mẫu. Về tài trợ, năm 1957, chính phủ lập Quốc Gia Nông Tín Cuộc để cho nông dân vay đến 4 tỷ 600 triệu đồng với lãi suất rất nhẹ và không đòi hỏi thế chấp. Nhưng các chương trình này không hoàn tất vì có nhiều vùng đất đai bị Cộng Sản xâm nhập quậy phá và răn đe nông dân không được hợp tác với chính phủ miền Nam.

Thời Đệ Nhị Cộng Hòa:  
Ngày 26 tháng 3, năm 1970, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký ban hành Đạo Luật 003/60 để thực thi chương trình “Người Cày Có Ruộng” mà An Giang là tỉnh đầu tiên được tiến hành.

Đạo luật này ấn định các điền chủ ở các tình phía Nam được giữ lại tối đa 15 mẫu; điền chủ các tình miền Trung ít hơn, chỉ được giữ 5 mẫu. Chính phủ bỏ tiền ra mua phần đất dư để chia lại cho tá điền và nông dân nghèo. Đối với những nông dân trước đây được Việt Cộng cấp đất, chính phủ hợp pháp hoá quyền tư hữu và cấp bằng khoán cho họ luôn. Để thực hiện chương trình này, chính phủ đã chi ra 200 triệu đô la, trong đó có 40 triệu do Hoa Kỳ yểm trợ.

Đến cuối năm 1973, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã trao bằng khoán chủ quyền 3.188 triệu mẫu đất canh tác cho hơn 858 ngàn nông dân. Số đất cấp phát này bằng 40% tổng diện tích đất canh tác ở miền Nam. Các chính sách nông nghiệp đã làm thay đổi bộ mặt và sinh hoạt ở nông thôn; nó góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế ở miền Nam dù giữa lúc quân dân phải chiến đấu chống sự xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt.

Chương trình đã giúp cho nông dân – là tầng lớp thiệt thòi nhất trong xã hội – thoát khỏi cảnh nghèo khó, làm thuê mà tiến lên hàng trung lưu ở nông thôn. Trong ba năm từ 1969 đến 1971, sản lượng nông nghiệp tăng lên 30% song song với sự gia tang điều kiện sống của nông dân. Trên đồng ruộng miền Nam, máy móc cơ giới đã thay dần sức người. Trong các năm kế tiếp, sản lượng lại tăng gấp đôi năm trước; có nơi tăng gấp bốn do gieo cấy loại lúa Thần Nông. Trung bình, một nông dân vùng đồng bằng Cửu Long thu gặt 24 tấn lúa mỗi năm; thu nhập đạt đến hai triệu đồng/năm (khoảng 5500 đô la vào thời đó).

Tại buổi lễ phát động chương trình, Tổng Thống Thiệu tươi cười nói: “Đây là ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi.” Báo Mỹ New York Times cũng ca ngợi: “là chương trình cải cách ruộng đất của phe không Cộng Sản đầy tham vọng và tiến bộ nhất trong thế kỷ 20.”

Khen là phải! So với cải cách của Cộng Sản mà đưa đến cái chết của hai mươi triệu người ở Liên Sô thời Stalin; hơn năm triệu người ở Hoa Lục thời Mao Trạch Đông, nửa triệu ở miền Bắc thời Hồ chí Minh; thì hai cuộc cải cách ở miền Nam diễn ra êm thắm thể hiện tính cách nhân đạo. Không một địa chủ, điền chủ nào nào bị đấu tố, buộc tội, xử án; không co những màn đánh đập, la ó; không một giọt máu nào rơi xuống! Cùng là người Việt Nam chung văn hoá, truyền thống; nhưng miền Nam đánh động vào lương tri trong khi miền Bắc khai thác thú tính qua sự kích thích hận thù.

Nhiều nhà quan sát quốc tế đã cho rằng chính phủ miền Nam đã khá trễ khi nhận thức tầm quan trọng của cải cách ruộng đất mà để cho đến năm 1970 mới thi hành. Do đó, hiệu quả kinh tế và tâm lý dù cao, cũng không kịp làm thay đổi cục diện quân sự.

Cải Cách Ruộng Đất sau 1975
Sau khi chiếm được miền Nam, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quá vội vàng thi hành những chính sách nhằm thay đổi tận gốc rể kinh tế và nông nghiệp ở miền Nam bằng biện pháp hợp tác hoá toàn diện. Sự kiện này, do không hiểu tâm lý miền Nam - từng sống trong chế độ dân chủ tân tiến - nên đã mang lại nhiều xung đột giữa nhà cầm quyền và người miền Nam. Cộng Sản đã chật vật nhưng không thành công được trong nhiều năm đầu tiên sau khi thống nhất cả nước. Chưa kể chính sách mới của Cộng Sản đã tạo ra một giai cấp cán bộ nhiều đặc quyền, đặc lợi  và đám người này càng lạm dụng để vơ vét thêm đất đai tài sản cho họ thay vì lo đến đời sống đa số dân nghèo.

Từ 1975 đến 1985, dân miền Nam trải qua một nạn khan hiếm lương thực trầm trọng nhất trong lịch sử. Để cứu vãn cho chế độ Cộng Sản khỏi suy sụp, tại Đại Hội toàn quốc lần thứ Sáu, Đảng Cộng Sản Việt Nam  phải tuyên bố cải cách kinh tế bằng việc chuyển hoá từ Kinh tế tập trung sang cái gọi là “Kinh tế Thị Trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”!

Trong các tội ác diệt chủng nhân loại trong thế kỷ 20 từ đông sang tây, chiến dịch cải cách ruộng đất của Cộng Sản Liên Sô, Trung Cộng, Việt Nam không kém so với Holocaust của Đức Quốc Xã về sự man rợ cũng như tầm vóc. 

Đã hơn 70 năm qua, những chi tiết về cải cách ruộng đất ở miền Bắc vẫn còn là những điều nhậy cảm mà ít ai dám nhắc tới. Tuy bên ngoài người ta cố gắng giữ thái độ ôn hoà, trầm lặng; nhưng sâu lắng bên trong trái tim những người miền Bắc, nỗi hận còn chất chứa. Họ mong chờ nhà cầm quyền Cộng Sản lên tiếng thừa nhận tội ác và có lời sám hối tạ tội với thân nhân của hàng trăm ngàn gia đình những người bị họ thảm sát năm xưa.  
Đỗ Văn Phúc

Tham Khảo:
Cao Văn Thân. “Cải Cách Ruộng Đất và Phát Triển Nông Nghiệp, 1968-1975.” https://usvietnam.uoregon.edu/giao-su-cao-van-than-va-chuong-trinh-nguoi-cay-co-ruong-o-mien-nam-viet-nam-1969-1973/
Dang Phong. The History of the Vietnamese Economy. Vol. 2, Institute of Economy, Vietnamese Institute of Social Sciences, 2005.
Fall, Bernard. The Viet Minh Regime, Government and Administration in the Democratic Republic of Vietnam. Greenwood Press, Connecticut, 1975.
Hoàng Văn Chí. From Colonialism to Communism: A Case History of North Vietnam. London: Pall Mall, 1964.
Marx, Karl and Friedrich Engels. The Communist Manifesto. Penguin Classic, 2015.
Munro, Don, Marx’s Theory of Land, Rent and Cities. Edinburgh University Press, 2022.
Nguyễn Văn Canh. “Đấu Tố và Hình Phạt trong Cải Cách Ruộng Đất mà Hồ Chí Minh Thi Hành vào Đầu Thập Niên 1950 tại Bắc Việt.” August 17, 2024.
Nguyen Ngoc-luu. Peasants, Party and Revolution the Politics of Agrarian Transformation in Northern Vietnam 1930–1975. University of Amsterdam, 1987.
Tô Hoài. Ba Người Khác. Nxb Đà Nẵng, 2007
Trần Đỉnh. Đèn Cù. Người Việt Book, 2004
Turner, Robert F. Vietnam Communism: Its Origins and Development. Hoover Institution Publications, 1975.
[1] Một mẫu (hectare) bằng 10,000 mét vuông hay 2.471 acres (43,560 sqft) theo đơn vị đo lường của Mỹ.