Sunday, April 30, 2023

30.4.2023 Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ hình ảnh và video của ngày Quốc Hận






Nghi Thức Khai Mạc Video

LH Trần Đức Huynh


Việt Nam Ơi Việt Nam Ơi các Thiếu Nhi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ Trình bày


Lời Phát Biểu của Niên Trưởng Võ Đại Tôn nhân ngày 30.4 tại Úc Châu


Trust Media Nam Quang Live


N10TV Trương Quốc Huy






 
 































Wake Island the Vietnamese refugee came here in 1975

Wake Island   Phố Bolsa 30.4.2023 Đức Thánh Trần trên Đại Lộ Bolsa NHNBLVTV
SBTN
Tiểu Đoàn 15 Nhảy Dù và Người Lính Võ Bị Vào Giờ Thứ 25 (FULL) - Nguyễn Văn Thành

Đinh Quang Anh Thái

Saturday, April 29, 2023

NHỮNG NGÀY NÀY NĂM ẤY - Trang Châu

Tôi nhớ mãi buổi làm việc cuối cùng ở phòng mạch, đường Tổng Đốc Phương ở Chợ Lớn, vào chiều thứ sáu 25 tháng 4 năm 1975. Bệnh nhân hôm đó đông hẳn lên. Hỏi ra mới biết các phòng mạch chung quanh đều đóng cửa, các bác sĩ đi hết. Cô Bảy, cô y tá người Việt gốc Hoa, lo lắng hỏi tôi:
-Ông có tính đi không?
-Tôi có một, hai đường dây nhưng chưa quyết định đi. Chờ xem tình hình ra sao đã.
Tôi nói cho cô Bảy an lòng, nhưng tôi có linh cảm đây là buổi làm việc chung cuối cùng. Chiều nay trước khi đến phòng mạch tôi đã khám bệnh từ 5 đến 6 giờ ở trạm y tế của Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam, còn được gọi là Nhà Kiến, của ông Trần Quốc Bửu. Địch đã về đến Long Khánh. Ông Nguyễn Bá Cẩn, người của ông Bửu, vừa lên làm Thủ Tướng. Hôm ấy người đến chờ xin được ông Bửu tiếp đứng chật ra cả sân sau. Ông Bửu vừa từ Hoa Kỳ trở về.Tôi lo lắng muốn biết tình hình ra sao, liền gọi cô Linh, cô y tá của trạm y tế nói riêng:
-Tôi muốn gặp “anh Tám”, nhờ cô lên hỏi anh có cần tôi lên đo áp huyết không.
Cô Linh đi độ 5 phút rồi trở về với một người cận vệ của ông Bửu. Anh này nói:
-Bác sĩ theo em, đi cửa riêng, anh Tám chờ bác sĩ.
Tôi theo chân người cận vệ của ông Bửu lên lầu trên, đi dọc theo một hành lang. Ngang qua hai phòng khách, tôi liếc thấy nhiều ông bận đồ lớn ngồi chờ. Tôi được đưa vào phòng riêng của ông Bửu. Tôi thấy ông đang lặng lẽ đứng xé từng xấp giấy vất xuống một thùng cạc tông lớn để dưới chân. Hình như ông không biết đến những người khách đang chờ xin gặp ông. Nhìn thấy tôi ông nở một nụ cười. Nụ cười của ông Bửu lúc nào cũng điềm đạm.
-Em đó à, đo giùm áp huyết cho anh đi.
Tôi biết bệnh của ông Bửu rất rõ. Ông đã đưa cho tôi xem bản sao hồ sơ bệnh lý của ông được thực hiện ở bệnh viện Walter Reed lúc ông sang Hoa Kỳ. Tôi cứ dựa vào đó mà theo dõi. Đo áp huyết cho ông Bửu xong, tôi hỏi ngay:
-Tình hình ra sao anh Tám. Có hy vọng gì không?
Ông Bửu tiếp tục xé giấy vất xuống thùng. Gần cả phút nặng nề trôi qua. Lần đầu tiên tôi thấy tình hình thật sự đen tối.
-Người Mỹ họ không ủng hộ mình nữa. Chắc phải liên hiệp. Em nên đi ra nước ngoài. Nếu chưa có đường đi thì nên liên lạc thường xuyên với gia đình anh, chừng nào anh đi thì đi cùng.
Tôi tin lời ông Bửu nói. Trên đường đi đến phòng mạch tôi như người mất hồn. Tôi cảm thấy ân hận đã bỏ lỡ dịp ra đi bằng máy bay tuần trước. Sắp đến giờ đóng cửa cô Bảy hỏi tôi:
-Thứ hai ông có đến làm việc không?
-Có chứ, trừ phi tình hình thay đổi
-Nếu ông đi thì phòng mạch này ai trông coi?
Tôi sực nhớ đã trả tiền mướn địa điểm cho nguyên năm. Tôi liền viết giấy ủy quyền cho cô Bảy trông coi phòng mạch cho đến hết hạn và cho cô tất cả đồ đạc trong phòng mạch. Tôi đưa cô Bảy về nhà cô. Ngồi trên xe cô Bảy khóc. Đã mấy mươi năm trôi qua, mỗi lần nhớ lại ngày cuối cùng làm phòng mạch ở đường Tổng Đốc Phương, tôi vẫn hình dung ra được những giọt nước mắt của người nữ y tá trung thành và tận tụy.
Trên đường về, tôi ghé cư xá sĩ quan Chí Hòa. Tôi muốn gặp ông Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y để báo tin. Ông hay tâm sự với tôi ông có đường đi nhưng vì trách nhiệm ông chưa thể đi. Ông nói có lẽ ông sẽ để gia đình ông đi trước. Tôi đến nhà ông Chỉ Huy Trưởng lúc 8 giờ tối. Chừng nửa giờ sau thì ông về. Tôi lập lại với ông những lời ông Bửu nói với tôi và góp ý:
-Nếu đi thì anh nên đi luôn với gia đình. Tình hình này chần chờ người trước người sau có khi kẹt.
Sau này liên lạc lại được với ông ở hải ngoại ông cám ơn tôi đã đến cho tin, giúp ông có một quyết định kịp thời.
Nhưng tôi không có dịp đi cùng ông Bửu. Tôi nghe nói sáng 30 tháng 4 ông Bửu mới rời Sàigòn trên một chiếc xà lan do tàu Đại Hàn kéo.
Đêm 28 tháng 4 địch pháo dữ dội phi trường Tân Sơn Nhất. Sáng ngày 29 tháng 4 là một sáng bàng hoàng cho dân Sàigòn. Yên chí mình có đường dây đi với ông Bửu tôi bình tĩnh lái xe vào Trường Quân Y xem tình hình. Cổng vẫn có lính gác. Tôi đến văn phòng tôi. Chẳng có văn thư nào để đọc hay ký cả. Lệnh cấm trại 100% của Cục Quân Y vẫn hiệu lực. Đến giờ này tôi biết một số bác sĩ của Trường đã ra đi, đi trước cả ông Chỉ Huy Trưởng. Tôi đứng ở cửa văn phòng mình một lúc thì gặp trung tá Tá, sĩ quan hành chánh. Ông hỏi tôi, giọng đầy lo lắng:
-Tình hình có sao không hả bác sĩ?
Tôi trả lời ông như một người am hiểu tình hình:
- Chắc là phải liên hiệp nhưng rồi cũng mất, trung tá ạ. Trung tá có đường đi nên đi.
-Tôi nghe ông Chỉ Huy Trưởng đi rồi thì phải.
Tôi gật đầu. Tôi khuyên trung tá Tá cũng như tôi đã khuyên ông Chỉ Huy Trưởng những gì ông Bửu đã khuyên tôi. Tôi thổ lộ điều tôi biết cho trung tá Tá vì hai lẽ: ông là người có nhiều huy chương nhất Trường Quân Y vì ông đã từng phục vụ lâu năm trong quân đội Pháp trước khi sang quân đội VNCH và vì ông có một người con trai đang là sinh viên quân y ngành dược. Qua ông và rồi qua con ông, một số sinh viên quân y đang bị cấm trại có thể tìm cách ra khỏi Trường để tìm đường đi. Với chức vụ Trưởng Khối Tâm Lý Chiến của Trường tôi không thể công khai nói với mọi người nên tìm đường đi ra nước ngoài.
Cho một tin như thế tôi có thể bị truy tố. Tôi rời văn phòng về nhà lúc 12 giờ trưa. Về đến nhà thì vợ tôi vừa hốt hoảng vừa trách tôi:
-Làm thế nào bây giờ anh? Phải đi chứ không thể ở lại được. Đáng lẽ để em và con đi tuần trước cho rồi, cứ cản mãi..
Tôi trấn an vợ tôi:
-Em yên tâm, có đường dây đi rồi, đi với ông Bửu.
-Chừng nào?
-Để xem tình hình sao đã.
-Coi chừng để trể ông đi mất là hết đường.
Tôi cho thêm mình một chữ nếu nữa. Nếu đêm nay tình hình không yên tỉnh thì sáng mai sẽ lên nhà ông Bửu. Vừa lúc ấy một chiếc xe hoa kỳ màu đen, bảng trước có gắn một sao hải quân đỗ ngay trước nhà.
Xe của phó đề đốc Thăng, ông anh cột chèo với anh tôi. Vợ chồng anh Thăng đang ở Cần Thơ, nhưng chị Thăng gọi điện thoại lên cho vợ anh tôi, cho biết có một đoàn tàu của hải quân sẽ rời hải quân công xưởng và khuyên nên vào ở nhà chị, đối diện với cổng vào hải quân công xưởng, để khi có cơ hội là đi.
Cũng vừa lúc ấy anh Thành, thiếu tá không quân, phi công trực thăng, anh cột chèo với tôi, chở vợ và hai con trên chiếc vespa đến tôi hỏi đường đi. Anh Thành nói:
-Anh định vào Tân Sơn Nhất nhưng không vào được. Có đường nào cho tụi này đi cùng.
Vợ tôi giục tôi:
-Đi với anh chị Trang cho rồi, anh!
Tôi trả lời buông xuôi:
-Ừ, đi thì đi.
Đằng nào cũng đi, vậy thì đi với ai cũng vậy. Gia đình ông anh tôi 5 người, gia đình tôi 4 người, gia đình anh Thành 4 người, phía bên ông cụ tôi và bà kế mẫu 8 người. Ngoài chiếc xe của phó đề đốc Thăng, còn có chiếc Fiat của tôi, chiếc Toyota của anh tôi. Tất cả 21 người chen chúc nhau trên 3 chiếc xe đó. Sàigòn ở khu bến tàu lúc bấy giờ vẫn yên tĩnh.Lính gác ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân mở hàng rào chắn cho đoàn xe chúng tôi vào. Chúng tôi tạm trú trong nhà phó đề đốc Thăng và chờ đợi. Không biết lúc nào thì có lệnh cho qua cổng hải quân công xưởng để xuống tàu. Bốn giờ chiều vẫn không có tin tức gì thêm. Ông cụ tôi sốt ruột muốn về. Ông nói:
-Hôm qua chúng nó pháo Tân Sơn Nhất, tối nay có thể chúng pháo vào hải quân công xưởng. Nếu không đi được, qua đêm ở đây nguy hiểm lắm.
Tôi nói với ông cụ tôi:
-Ba ráng chờ, con nghĩ thế nào cũng có tàu đi.
Ông cụ tôi bỏ vào nhà trong. Tôi bước ra ngoài, lang thang trên một đoạn đường Lê Thánh Tôn. Bất ngờ gặp tướng Tôn Thất Xứng. Ông bận đồ xi-vin. Tướng Xứng vồn vã hỏi:
-Ba có đi cùng không cháu?
-Dạ có, ông đang ở trong nhà anh Thăng. Chờ lâu quá ông có ý định muốn về nhà.
Tướng Xứng la lên:
-Chết! Chết! Nói ba đừng về. Cứ ở đây. Tình hình tuyệt vọng rồi, chú biết.
-Để cháu vào nói ba cháu ra gặp chú.
-Ừ, mau lên nghe cháu.
Khi tôi đưa được ông cụ tôi ra chỗ tôi vừa gặp tướng Xứng thì ông không còn ở đó nữa. Ông cụ tôi lặng lẽ trở vào nhà. Chừng nửa giờ sau anh tôi gặp tôi và nói :
-Ba mợ và mấy em về nhà rồi. Phải nhờ tài xế lái xe anh Thăng đưa ra, lính gác mới mở cổng. Bây giờ ở cổng Bộ Tư Lệnh Hải Quân có lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Tôi cũng tự hỏi mình có nên liều mạng nằm đây chờ không. Tự hỏi rồi tự trả lời : Nằm đây thì còn hy vọng đi, về nhà là kẹt chắc. Ông anh tôi, cảnh sát; tôi, gốc nhảy dù ở lại chắc khó sống lắm. Ba tôi, tuy là tướng, nhưng ông về hưu lâu rồi, chắc không sao.
Đúng 5 giờ chiều, trên không xuất hiện hai chiếc phản lực hình cá thu, bay lượn quanh tòa đại sứ Mỹ.
Chừng mười lăm phút sau, tiếng trực thăng nghe mỗi lúc một gần. Rồi đoàn trực thăng từng chiếc, từng chiếc bay qua đầu chúng tôi, sà xuống trên nóc tòa đại sứ Mỹ. Mọi người nhốn nháo :
-Mỹ di tản toà đại sứ!
Hai chiếc phản lực nhào xuống thấp, xé gió nghe quặn cả ruột! Một tràng M16 nổ dòn ở cổng Bạch Đằng rồi một tràng M16 khác nghe phía cổng Cường Để.
-Ai bắn vậy?
-Lính mình bắn vào trực thăng di tản à?
-Không phải đâu, chắc dân chúng tính tràn vào, lính hải quân bắn cảnh cáo.
Tôi hỏi khẻ anh tôi :
-Anh có súng không?
-Tao chỉ có một khẩu rouleau nhỏ phòng thân.
Tôi nghĩ đến cảnh hỗn loạn trong các cuộc di tản tại miền Trung trước đây. Tôi nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu lính gác hải quân không cản nổi làn sóng người tràn vào. Tôi chỉ nghĩ thoáng đến đó mà không dám nghĩ gì thêm.
Vào khoảng sau 6 giờ chiều cổng hải quân công xưởng mở. Anh tôi quýnh quáng :
-Có lệnh cho xuống tàu! Gọi điện thoại cho ba mợ hay, hỏi ông bà có muốn đi trở lại không.
Anh tôi nói và làm . Giọng anh run run :
-Có lệnh cho xuống tàu rồi. Ba mợ có đi không, tụi con chờ để nhờ người đưa vào.
Anh tôi nghe một lúc rồi gác máy:
-Cậu Kế sẽ lấy chiếc Fiat của chú đưa ba mợ và mấy em đến cổng Bạch Đằng. Tôi sẽ nhờ chú tài xế của anh Thăng ra đón và năn nỉ lính gác. Nếu cần tặng họ chiếc Fiat của chú. Chiếc Toyota của chị còn đây cũng tặng họ luôn. Cô chú có con dại vào trước đi.
-Xuống cầu tàu nào và đi chiếc nào vậy anh?
- Thì thấy người ta lên chiếc nào mình lên chiếc đó.
Hôm ấy là hôm tôi gặp mặt ông cụ tôi lần cuối cùng. Về sau anh tôi kể lại: Xe đưa ông cụ tôi bị kẹt lại trên đường Hai Bà Trưng, gần hảng nước đá. Cậu tôi gọi điện thoại vào cho anh tôi. Anh tôi nói phải cố đến gần cổng mới đón vào được. Tình hình bây giờ gần như hỗn loạn, lính gác đã bắn ngang chứ không còn bắn chỉ thiên nữa. Ba mợ và mấy em tôi phải quay về. 14 năm sau những người trong gia đình tôi đã lần lượt đoàn tụ, trừ ba tôi. Chúng tôi nhận được điện tín ngày ông lên đường đoàn tụ và ngày ông mất cách nhau 48 tiếng! Không biết ông cụ tôi không có duyên đoàn tụ với con cái hay có cái gì níu kéo ông lại, không muốn ông gởi xác nơi xứ người.
Gia đình tôi theo làn sóng người tràn vào hải quân công xưởng. Đi một quãng chúng tôi đứng lại chờ. Gia đình anh Thành vào kế tiếp, có thêm chị Thoa,chị vợ thứ hai của tôi, với 3 đứa con cùng đi với vợ chồng trung tá Nam. Chúng tôi họp lại thành một nhóm. Chờ thêm một lúc không thấy gia đình anh tôi đâu. Tôi chưa bao giờ vào hải quân công xưởng nên không biết có bao nhiêu cầu tàu và con đường nào dẫn xuống cầu tàu nào. Chúng tôi đi trên con đường nhỏ một đoạn khá xa và gặp một nhóm người bồng bế nhau đi ngược trở ra. Tôi hỏi ngay một người đàn ông, dáng bơ phờ, tay nách một em bé gái chừng 2 tuổi đang dãy dụa khóc:
-Không thấy tàu hay sao mà trở ra?
-Có một chiếc nhưng đông nghẹt. Chỉ có nước dẫm lên nhau mà chết. Kinh nghiệm ở Đà Nẵng một lần rồi. Sợ lắm! Chúng tôi đi về đây.
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Nhưng tất cả lòng muốn đi mạnh hơn ý muốn ở lại hiện rỏ trong các ánh mắt. Chúng tôi cứ đi lần theo theo hướng của những người đang lẻ tẻ đi ngược trở ra. Đến cuối đường chúng tôi thấy một con tàu lớn với hàng trăm người đang chen lấn trên bờ. Tôi lo thầm trong bụng: đông thế này làm sao lên liền cho được. Nếu tàu nhổ neo ngay thì mình còn xa cả mấy chục thước! Tôi nói với mọi người trong nhóm:
-Mỗi gia đình lo lấy cho nhau. Ai lên trước được sẽ giúp người sau. Coi chừng trẻ con khi lên tàu.
Trên không hai chiếc phản lực vẫn vần vũ. Từng đoàn trực thăng chốc chốc lại bay qua đầu chúng tôi. Sài Gòn bây giờ là một vùng tiếng động khốc liệt. Tôi đã từng hồi hộp trong vài cuộc đổ quân gặp sự chống trả của địch, nhưng hôm nay trong tiếng gầm thét của hai chiếc phản lực nhào lộn, tiếng tình tịch của cánh quạt trực thăng, tôi không mang tâm trạng căng thẳng của cuộc đổ quân, mà là một tâm trạng rã rời, uất ức, cô đơn đến ghê rợn, của một cuộc tháo chạy, tháo chạy ngay từ thủ đô của đất nước mình, để dấn thân vào một vùng đất lạ nào tôi chưa được rõ.
Chúng tôi nhích từng chút về hướng chiếc tàu. Khoảng cách còn chừng 5 thước. Số người thối chí bỏ ra về khá nhiều cho tôi hy vọng có thể lên được tàu trước khi tàu rời bến.Tôi ẵm đứa con trai đầu lòng, bé Ngọc, mới 3 tháng, trong vòng tay phải; cái túi xách đeo ở vai phải; tay trái tôi sẽ dùng để nắm dây bước lên tàu. Hai cái xách còn lại, vợ tôi, một cái đeo vai, một cái cầm ở tay phải. Vợ tôi bám sát lưng tôi.Tàu đậu cách bến chừng một thước. Một thanh gỗ vuông rộng chừng hai mươi phân được bắc ngang làm cầu. Một sợi dây thừng, to bằng ngón chân cái, được căng từ lan can tàu xuống cái khoen sắt để buộc dây tàu nằm trên bờ. Chiếc cầu khỉ ngắn ngủn này là nơi tôi chứng kiến một thảm cảnh: Khi tôi men lại được gần thanh gỗ, thì trước tôi, một người đàn bà, vai mang một một em bé gái nhỏ trên lưng, tay phải dẫn một đứa bé trai chừng bốn, năm tuổi bước lên thanh gỗ. Nói là đi nhưng thật ra chúng tôi bị khối người phía sau đẩy tới. Lúc đứa bé nắm tay mẹ tiến lên thì trên tàu bỗng dưng có một người đàn ông chen lấn đi ngược xuống. Thanh gỗ nhầy nhụa bùn đất trở nên trơn trượt. Thằng bé, không biết hụt chân hay trượt chân, vuột khỏi tay mẹ nó, rơi tõm xuống sông. Nó chìm nghỉm. Tiếng bà mẹ thất thanh:
-Cứu con tôi với! Cứu con tôi với!
Không một ai đáp ứng lời kêu cứu. Tôi nghe lạnh cả người, mồ hôi toát ra đầy trán. Tay phải tôi siết chặt bé Ngọc, nó dãy lên khóc vì nghẹt thở. Tôi biết lúc này không cẩn thận là ngã xuống sông tức khắc.
Người đàn bà không chịu bước, nhìn xuống mặt sông, tiếp tục la cầu cứu. Tôi hét lớn:
-Đi lên tàu rồi tính! Cứ đứng lại, bị đàng sau dồn, rớt xuống sông chết cả đám bây giờ!
Tôi tiến sát người đàn bà, dùng đầu gối phải thúc bà đi tới. Tôi bước lên được tàu. Người đàn bà, hai tay nắm chặt lan can tàu, nhìn xuống mặt sông khóc thảm thiết. Tôi nới tay siết bé Ngọc, nó thở được, nín khóc. Sờ nắn xương sườn nó, thấy nguyên vẹn, tôi yên tâm.
Cả nhóm chúng tôi lên tàu an toàn. Khoảng 7 giờ tối thì dứt tiếng phản lực lẫn tiếng trực thăng. Yên lặng và bóng tối mờ mờ bao trùm cảnh vật. Đến 9 giờ tối, tàu không còn ai lên nữa.Tôi thấy thương cho người đàn bà có đứa con rớt xuống sông ban nãy. Giá biết đến giờ này tàu vẫn chưa đi hà tất phải chen lấn nhau và đứa bé khỏi mất mạng một cách thê thảm. Một nguồn tin truyền miệng đến tai tôi rằng tàu này hư máy có thể không đi được làm cả nhóm lo lắng. Tôi len lỏi trong đám đông kiếm các sĩ quan hải quân hỏi tin tức. Tôi gặp hai người: trung tá Minh, chồng của nhà văn Điệp Mỹ Linh, và trung úy Lý, sĩ quan cơ khí, anh của dược sĩ Vỹ, trước đây cũng ở Dù với tôi. Minh cho tôi hay anh nghe Bộ Tư Lệnh Hải Quân có tổ chức một đoàn tàu đi sang Phi Luật Tân, nhưng anh không biết chiếc này có nằm trong đoàn tàu ấy hay không. Lý cho tôi biết tin đích xác hơn về con tàu: Tàu đang ở thời tu chỉnh đại kỳ, nhưng ông hạm trưởng, thiếu tá Tánh, trong thời gian qua có đốc thúc sửa chữa. Giờ này đang ráp máy thứ nhất. Tàu sẽ chạy một máy. Lý nói thêm:
-Tôi đang phụ sức vào đây. Tàu sẽ chạy rất chậm vì chạy có một máy và vì người quá đông. Hy vọng 12 giờ đêm máy sẽ ráp xong.
Tàu rời hải quân công xưởng lúc 1 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4. Gặp lại trung úy Lý, mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười thỏa mãn:
-Ráp máy xong tôi sợ nó trục trặc không chạy thì khốn. Mình đi trên sông Lòng Tảo. Hải trình này an ninh hơn nhưng ngại ở điểm lòng sông có chỗ cạn. Mắc cạn là nằm chịu chết vì tàu một máy lại chở quá nặng nên không cách gì lui được. Khoảng trưa mai mình sẽ ra tới Vũng Tàu.
Đúng 2 giờ sáng địch tấn công Nhà Bè. Những bồn xăng trúng đạn bốc cháy dữ dội. Giờ hấp hối của Sài Gòn bắt đầu. Tôi thương vô hạn những người lính Cộng Hòa giờ này còn ở vị trí chiến đấu. Chống trả mà biết là vô vọng thì đau khổ dường nào! Tôi úp mặt khóc một mình. Bao nhiêu năm chiến đấu để rồi vào giờ phút này mới biết số phận đất nước mình chỉ là số phận một con tốt thí trên bàn cờ quốc tế! 13 năm sau, cũng ngày 30 tháng 4 này, khoảng 5 giờ chiều, tôi đang ngồi trực ở phòng lái của chiếc tàu Mary’S Kingstown được hội Y Sĩ Thế Giới gởi đi vớt thuyền nhân, thì thuyền trưởng Francois, tay cầm ống nhòm, leo lên đứng cạnh tôi. Tàu đang chạy sát lằn ranh hải phận Việt Nam. Ông đưa ống nhòm lên quan sát một lúc rồi nói với tôi:
-Ông hướng ống nhòm về hướng tôi chỉ, nhìn cho kỹ, sẽ thấy Côn Đảo.
Tôi hướng ống nhòm về phía bờ biển Việt Nam, điều chỉnh cho hình ảnh thật rõ thì quả thật thấy Côn Đảo hiện ra mờ mờ như bóng mây. Tôi nghe lòng mình xôn xao. Hình ảnh con tàu năm nào đã đưa tôi rời khỏi nước lại hiện trở về. Con tàu đã đi thâu đêm trên sông Lòng Tảo, xa dần Sài Gòn đang bị địch siết chặt vòng vây. Tôi đã thầm cầu nguyện tàu đừng hỏng máy bất chừng, đừng mắc cạn và nhất là đừng gặp địch.
10 giờ sáng ngày 30 tháng 4, qua máy thu thanh trên tàu, chúng tôi bàng hoàng nghe tướng Dương Văn Minh đọc lời kêu gọi buông súng. Bài hát Nối Vòng Tay Lớn ra rả không ngừng. Nghe bài hát tôi không thấy vòng tay mình lớn ra mà chỉ nghe tim mình thắt lại. Cái hy vọng mong manh về một chính phủ liên hiệp, sau lời kêu gọi của tướng Dương Văn Minh, bây giờ với tất cả mọi người thật sự là mây khói. Riêng chúng tôi, những người trên tàu, còn một hy vọng: thoát ra khỏi nước. 
2 giờ chiều, tàu ra đến cửa biển Vũng Tàu. Mọi người vừa mừng vừa hội hộp. Bờ biển Vũng Tàu bây giờ như một cảnh chợ chiều. Cả trăm chiếc thuyền, ghe lớn ghe nhỏ lêu bêu đầy mặt nước. Có chiếc ghe gắn máy đuôi tôm, không người lái, cứ lạch tạch chạy vòng vòng trên biển như chiếc ghe ma. Tàu tiếp tục chạy. 4 giờ chiều tàu ra tới hải phận quốc tế. Mọi người trên tàu vỗ tay mừng thoát nạn. Câu hỏi được đặt ra là bây giờ đi đâu? Ý định ban đầu của hạm trưởng Tánh là đi Tân Gia Ba. Nhưng với tình trạng tàu chạy một máy hiện nay cộng với cả ngàn người trên tàu, thực phẩm và nước ngọt ít oi thì không thể nào thực hiện cuộc vượt trùng dương được. Trung tá Minh nói:
-Họp ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân tôi nghe tin có một đoàn tàu hải quân sẽ đến một điển hẹn ở ngoài khơi Côn Đảo. Ở đó sẽ có hải quân Hoa Kỳ hộ tống đoàn tàu Việt Nam qua Phi Luật Tân. Đoàn tàu của hải quân Việt Nam sẽ được giao lại cho hải quân Hoa Kỳ.
Tàu hướng về Côn Đảo với vận tốc 4 hải lý một giờ. Trên đoạn đường ra Côn Đảo tôi chứng kiến thêm một cái chết thứ hai: Cái chết của phi công lái chiếc phi cơ trinh sát. Anh liên lạc với tàu cho biết trên phi cơ có hai người. Tàu cho biết trên tàu có một toán người nhái sẵn sàng vớt họ sau khi nhảy ra khỏi phi cơ. Phi công cho biết phi cơ sẽ hạ thấp vòng đầu cho người hạ sĩ quan cơ khí nhảy, vòng thứ nhì anh sẽ nhảy. Vòng đầu máy bay bay rất thấp, là là mặt nước. Một người nhảy ra. Muời giây sau một cái đầu nhoi lên khỏi mặt nước. Chúng tôi trên tàu vỗ tay reo hò. Hai người nhái phóng xuống biển vớt anh lên một cách thông thạo. Ở vòng nhì máy bay không hạ thấp như lần trước. Khi máy bay ở thế song song với tàu người phi công nhảy ra. Anh không rơi thẳng mà rơi lộn vòng. Mọi người im lặng chờ đợi. Một số người la hoảng:

-Trồi đầu lên! Trồi đầu lên!
Mặt biển vẫn im lìm. Tôi nghĩ người phi công đã bất tỉnh sau khi va chạm mạnh vào mặt nước. Cái chết ở thời điểm này được chứng kiến không nước mắt và được quên đi rất nhanh.
Trưa ngày 1 tháng 5 tàu ra đến Côn Đảo. Nhìn lên đảo thấy người đứng lố nhố và cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ . Tàu chạy thẳng ra khơi. Khoảng 4 giờ chiều, những tiếng la gần như đồng loạt vang lên trên tàu:
-Hạm đội Mỹ! Hạm đội Mỹ!
Tin của trung tá Minh chính xác. Đoàn tàu chiến Mỹ, trắng xóa, trải kín cả chân trời. Tàu đánh điện xin tiếp tế lương thực, nước uống và thuốc men. Trên tàu lúc bây giờ đếm ra có 10 bác sĩ. Chúng tôi họp nhau thẩm định tình trạng sức khỏe của đồng bào. Tiêu chảy và viêm mắt khá nhiều. Một người đàn bà mang thai đến ngày sinh cần chuyển gấp sang tàu Mỹ. Chúng tôi cũng cần sữa cho trẻ con. Tôi được giao phó báo cáo tình trạng sức khoẻ và nhu cầu thuốc men.
Tàu tiến dần về một khu trục hạm rồi tắt máy nằm song song với chiếc tàu Mỹ. Thủy thủ, sĩ quan Mỹ đứng kín cả boong tàu nhìn chúng tôi. Họ cười với chúng tôi; chúng tôi cười với họ. Tôi cố tìm mà không hiểu nỗi nghĩa nụ cười của đôi bên. Tôi nghe có chút gì cay đắng trong lòng. Tôi không biết phải coi họ là gì của mình bây giờ? Những người bạn đồng mình hôm qua! Đúng rồi hôm qua, hôm qua !
Sáng hôm sau mười mấy chiếc tàu của hải quân Việt Nam được sắp lại thành đoàn. Chiếc tàu của chúng tôi vì đông người, vì chạy có một máy, nên được một chiếc tàu khác của hải quân Việt Nam cột giây kéo cho đi nhanh thêm và được ưu tiên sắp đi đầu. Theo lục lệ của hải quân, hai chiếc phản lực, cất cánh từ một hàng không mẫu hạm nào đó, lượn mấy vòng, rồi đoàn tàu bắt đầu di chuyển đi Subic Base của Phi Luật Tân.
Sau 13 ngày trên biển, tàu đến hải cảng Subic Base của Phi Luật Tân. Có lệnh phải hạ lá cờ vàng ba sọc đỏ xuống trước khi cập bến vì Phi Luật Tân đã thừa nhận thể chế mới ở Việt Nam. Chúng tôi làm lễ hạ cờ và hát quốc ca. Có lẽ đây là buổi chào hạ cờ duy nhất mà mọi người hiện diện, già trẻ, lớn bé, dân sự lẫn quân sự, đều nước mắt chan hòa. Tôi có làm một bài thơ chỉ có 4 câu:
Tôi đứng trên boong tàu
Chào quê hương lần cuối
Nước mắt bỗng tuôn dâng 
Khi màu cờ hạ xuống.
Chúng tôi được chuyển từ chiếc HQ 400 sang một chiếc tàu buôn của Mỹ. Đi thêm 2 ngày thì tới đảo Guam. Tối hôm đó tôi ngồi thao thức rất khuya trước lều. Tôi nghĩ đến những ngày sắp tới. Tôi thấy mình đang trắng tay. Gia tài còn lại là 20 mỹ kim, đổi được từ tháng lương cuối cùng trước khi rời nước.
Bây giờ làm thân tị nạn, tôi sẽ phải đi đâu, xin định cư xứ nào? Xin đi Pháp thì có thể tôi sẽ dễ dàng lấy lại bằng hành nghề nhưng nghe nói đời sống kinh tế bên đó khó khăn. Ở Canada nghe có tỉnh bang Québec nơi đó người ta nói cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, khí hậu lạnh nhưng đời sống dễ chịu. Lúc đó tôi không hề nghĩ đến chọn nước Mỹ. Không biết có phải vì vốn liếng Anh ngữ của tôi không dồi dào bằng vốn liếng Pháp ngữ hay còn có một lý do thầm kín nào khác thì tôi không rõ.
Chẳng biết câu châm ngôn thời đi Hướng Đạo:’’ Hướng đạo sinh vui tươi trong lúc khó khăn’’ có giúp tôi giữ được vui tươi trong những lúc khó khăn hay không , nhưng câu châm ngôn ngắn gọn mà giản dị của thời đội Mũ Đỏ:’’ Nhảy Dù! Cố Gắng!’’quả thật đã giúp tôi rất nhiều. Cố gắng bình tỉnh, cố gắng nhẫn nại, cố gắng hy vọng. Tôi đã cố gắng bình tỉnh trả lời ông sở di trú ở đảo Guam khi tôi đến xin định cư ở Québec, Canada. Ông nhìn hồ sơ của tôi rồi nói:
-Đất nước chúng tôi không ưu tiên cho thành phần ở trong Quân Đội.
Tôi nhớ tôi đã trả lời ông:
- Tôi ở một nước đang có chiến tranh, ngoại trừ trẻ em và người cao niên, đàn ông thuộc thành phần còn lại đều phải ở trong quân ngũ.
Ông ta bồi thêm câu thứ hai:
-Tỉnh bang Québec hiện đang thừa bác sĩ. Rất có thể qua đó ông không hành nghề trở lại được.
Tôi cũng đã bình tỉnh trả lời:
-Tôi sẽ hết sức cố gắng để trở lại nghề. Nhưng nếu không được ít ra tôi và gia đình tôi cũng được sống trong một xứ có tự do.
Bốn ngày sau gia đình tôi cùng với khoảng 200 tị nạn người Việt đầu tiên được bốc từ đảo Guam sang thành phố Montréal của tỉnh bang Québec. Sau hai tuần nhận được trợ cấp, tôi được ông di trú thúc đi kiếm việc làm. Tôi được giới thiệu đi làm bán thời gian ở một bệnh viện tâm thần. Tôi làm ca đêm, thuộc ‘’équipe volante’’, trại nào thiếu người tôi được gởi đến. Tuy chức vụ chỉ là phụ y công, với đồng luơng cao hơn đồng lương tối thiểu 40 xu, tôi cũng phải qua một khóa huấn luyện một tuần để biết cách làm  giường, cách thay quần áo cho bệnh nhân,cách đỡ bệnh nhân ngồi dậy v..v.. Nếu có những ca đêm rơi đúng vào các trại bệnh nhân ổn định, gặp các bà y công tốt bụng, biết tôi là bác sĩ tị nạn chưa hành nghề lại được, họ làm hết mọi việc, tôi chỉ ngồi ôm sách học. Nhưng nếu ca đêm nào rơi đúng vào trại bệnh tâm thần nặng, tôi phải ngồi canh ở một chiếc ghế đặt giữa hành lang, dưới ánh đèn mờ mờ. Bệnh nhân ở trại này mỗi người được giữ trong một phòng riêng, có khóa bên ngoài.Trong phòng không có vật dụng nào ngoài cái bô vệ sinh. Cái giường ngủ cũng làm bằng xi măng. Tôi không rõ họ được nuôi ăn như thế nào. Làm ca đêm ở trại này tôi không những không học được mà còn hầu như không ngủ được vì những tiếng hú, tiếng hét chốc chốc lại vang lên trong đêm khuya. Một kỷ niệm từng khiến tôi ‘’lạnh người’’ làm tôi nhớ mãi. Ở trại này, buổi sáng trước khi chấm dứt ca trực của mình, người y công chính giao tôi nhiệm vụ mở khóa phòng từng bệnh nhân, lấy cái bô vệ sinh của họ đem đi đổ. Một buổi sáng, mở khóa cửa phòng của một bệnh nhân, bước vào trong tôi không thấy anh ta đâu. Tôi hết hồn vì nếu bệnh nhân đã thoát ra khỏi phòng thì tôi sẽ gặp rắc rối.
-Bonjour!
Tôi giật mình quay người lại thì thấy người vừa chào tôi, trần truồng như nhộng, lông lá đầy mình, đứng núp sau cánh cửa, hai tay chéo nhau như cố che kín hạ bộ của mình, nhìn tôi với cặp mắt dò xét.Tôi vội vàng khom người với tay kéo cái bô vệ sinh, mắt vẫn không rời người bệnh kèm thêm một nụ cười cầu thân. Xong, tôi rút nhanh ra khỏi phòng và khóa cửa.
Tôi đã sống với nghề phụ y công trong 10 tháng. Cho đến khi thi đậu nội trú. Y Sĩ Đoàn Québec vào đầu năm 1976 mở một khóa huấn luyện 3 tháng nói là để trình bày về nền y khoa ở Québec cho nhóm bác sĩ Việt Nam , lúc đó có khoảng 80 người. Sau khóa huấn luyện, Y Sĩ Đoàn Québec mở một khoa thi đặc biệt dành cho các bác sĩ Việt Nam. Có 40 người được chấm đậu. Tôi may mắn có tên trong số người này. Tiếp đó Y Sĩ Đoàn Québec thông báo 4 Đại Học Y Khoa ở Québec cho biết chỗ nội trú dành cho các bác sĩ Việt Nam niên khóa 1976-1977 là 20 chỗ. Tôi lại may mắn có tên trong số người được chọn. Tôi được gởi đi làm nội trú cùng 3 bác sĩ Việt Nam khác ở Đại Học Y Khoa Sherbrooke, cách Montréal chừng 100 cây số. Tại đây có thêm 5 bác sĩ ngoại quốc, 4 ở Nam Mỹ, 1 ở Bắc Phi, sang tu nghiệp vừa nội trú vừa thường trú. Chúng tôi họp thành một nhóm mà chúng tôi gọi đùa là       ‘’ Peloton des Légionnaires’’ ( Tiểu Đội Lê Dương ). Nội trú người bản xứ được thi lấy bằng hành nghề vào năm thứ tư. Vì thế khi làm nội trú họ
không phải lo thi cử gì cả. Các nội trú hay thường trú gốc Nam Mỹ hay Bắc Phi họ cũng thi lấy bằng hành nghề. Nhưng đậu thì cũng tốt, không đậu cũng chẳng sao. Đằng nào trước khi trở về nước họ cũng được cấp chứng chỉ đã tu nghiệp ở Canada. Riêng với nhóm nội trú Việt Nam thì chuyện thi lấy bằng hành nghề là một vấn đề sinh tử. Cho nên ngoài trực gác, chăm sóc bệnh nhân, phụ mổ, chúng tôi còn phải lo học thi. Đêm nào tôi cũng phải thức đến một hai giờ sáng để học. Và may mắn đã đến cho 3 trong 4 nội trú Việt Nam chúng tôi năm đó. Kể từ tháng 9 năm 1977 tôi chính thức trở lại nghề trên quê hương thứ hai của mình.
Mới đó mà đã gần nửa thế kỷ xa quê hương! Chừng nào tôi mới về thăm? Có lẽ phải chờ cái ngày mà miền Bắc chân thật nhìn nhận, vào thời điểm 30 tháng tư năm 1975, họ cũng chỉ là một con tốt trên bàn cờ quốc tế, chỉ khác hơn miền Nam một chút, họ được chọn làm con tốt sang sông, thế thôi.

TRANG CHÂU

Friday, April 28, 2023

Nỗi đau

Có những nỗi đau làm sao mà quên được,
Buổi mưa chiều nằm dưới hố cá nhân,
Ôm xác bạn thân chuyền hơi ấm tự thân.
Dành giật lại trong niềm đau tuyệt vọng,

Rồi những bửa chén thù, chén tạc,
Cùng bạn bè tâm sự hàn huyên,
Rồi hôm sau nghe được hung tin,
Dăm ba đứa ra đi mãi mãi,

Thân lính chiến làm sao mà tránh khỏi,
Xác thân này dâng tặng cho quê hương,
Chí nam nhi gian khổ đâu sờn,
Nhưng không phải nỗi đau lớn nhất,

Trưa hôm đó cuối tháng tư định mệnh,
Mắt lệ nhòa vì nổi nhục quốc gia,
Buông súng, xuôi tay, cúi mặt đầu hàng,
Sao quên được ngày xưa u ám đó,

Rồi ta lại lê tấm thân tàn tạ,
Trở về nhà với thân xác phế binh,
Vết thương có đau nhưng cũng chưa hề,
Bằng nỗi hận đâm trong tim mãi mãi. 

Một người bạn 10B72/SQTB

Wednesday, April 26, 2023

NHỚ AIR RAYA, HOANG ĐẢO CỨU NGƯỜI VÀ JOAN BAEZ Nguyễn Việt Nữ

Air Raya là một hoang đảo trong số từ 17.508  đến 18.306 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc quốc gia Nam Dương (Indonesia) nằm dài ở miền Nam Thái Bình Dương. 

Nhưng dần dần có sự hiện diện của trên 14.000 người vượt biển tị nạn Cộng sản, hoang đảo này trở nên trù phú như một thị xã có đầy đủ những phương tiện phục vụ cho những sinh hoạt của một xã hội khá văn minh.
Chẳng hạng Bệnh Xá Air Raya bằng tranh đơn sơ, gồm ba gian chia làm: phòng khám bệnh, phòng đợi, phòng thuốc, phòng sanh, phòng sản phụ…

Các Bác sĩ, Dược sĩ, Y tá của Bệnh Xá Air Raya, nơi phục vụ khoảng 14.000 thuyền nhân tị nạn Cộng sản may mắn còn sống sót trôi tới Indonesia năm 1979.
Kim Anh Nguyễn Việt Nữ là người đứng ló mặt ở hàng thứ hai và Soeur Fransisca mặc áo đen đứng hàng thứ nhất.
Bài khác sẽ kể chuyện rất đặc biệt về dì phước này.
Ở đây chúng tôi xin dành để kể tại sao hoang đảo lại cứu người? Tại sao hoang đảo nầy lại có tên nữ ca sĩ Mỹ chống chiến tranh Việt Nam nổi tiếng là Joan Baez?                                                   
Vượt biên mà gặp tàu hư, rời bến ở tỉnh Mỹ Tho chừng nửa ngày là tài công ra lệnh phải đổ cả lu nước ngọt và thức ăn xuống biển cho tàu nhẹ bớt mới chạy nổi! Chúng tôi còn mấy thùng cũ sắn ăn cho đở khát cũng phải hy sinh...
Sau này mới biết có nhiều gia đình ở Việt Nam đã khóc ngất tưởng thân nhân họ đã nằm yên dưới đáy biển sâu rồi,  bởi  những vật dụng thả xuống mấy ngày trước lại cắc cớ… trôi về quê hương!
Mà như một điềm gỡ thật sự, chiếc tàu chúng tôi từ đó không còn nước uống mà chỉ còn máu, nước mắt và mồ hôi! Thả trôi theo sóng nước, mong tới Mã Lai là gần nhất, chúng tôi căn quần áo vẽ chữ S.O.S xin bất cứ tàu nào tới tiếp cứu, thấy bóng chiếc nào xa xa, chúng tôi mừng rỡ, khi hiện rõ dần, chúng tôi quơ bản SOS và hét khan cả cổ, nhưng chúng lạnh lùng bỏ qua! Cả chục lần như thế, nắng biển cháy da, mồ hôi đẫm ướt càng khiến cơ thể khô héo.
Cuối cùng, một chiếc tàu quay mũi tiến gần chúng tôi, sợ nó lại bỏ chạy như các lần trước, chúng tôi vừa hét to hơn vừa nhảy lên phất cờ trắng SOS, suýt lật tàu. Và quả thật chúng tôi không còn cô đơn nữa, mừng rõ, im tiếng vì đã được chiếu cố. Tràn trề hi vọng.
 Khi mũi tàu tốt bụng đến sát chúng tôi, chính tôi—Nguyễn Việt Nữ - được chủ tàu cử nhảy qua trước để trình bày xin nước uống gắp. Vừa nhảy sang, tôi giật mình vì gặp những người đàn ông trung niên, nhưng phần đông chưa quá 20 tuổi mặt thoa sáp trắng như hung thần chờ trình diễn cải lương!
Tôi vội nhảy trở lại tàu mình thì họ cũng nhảy theo và ràng lòi tói vào cột tàu chúng tôi. Có tiếng hét hoảng sợ: “Tàu cướp! Tàu cướp!”
Thì ra chúng tôi đã trôi lọt vào vùng biển Thái Lan để gặp hải tặc.. Từ đó máu đã đổ trên tàu giữa những người đàn ông tị nạn quyết bảo vệ vợ con họ khi bị bọn cướp bắt qua tàu chúng; còn rủi bị thương, giặc cướp phóng những chiến sĩ này xuống biển làm mồi cho cá mập. Tiếng rên siết trên tàu rền rĩ cho đến khi tự bọn cướp tháo lòi tói bỏ chạy vì thấy bóng tàu tuần biển ló dạng xa xa.
Hoàn hồn, chúng tôi nhìn quanh mới thấy nhiều vũng máu trên tàu mình để tự rút một bài học: Các bà vì chưng diện đẹp nên hấp dẫn bọn cướp, nên bị tan nát đời hoa. Riêng chúng tôi, nhờ bạn bè đi các chuyến trước cho tin: càng ăn bận lam lũ xấu xa càng tốt. Nhờ vậy mà may mắn thoát nạn.
 Cướp đi nhưng khi tàu tuần biến mất, chúng  quay đầu trở lại. Rồi máu lại đổ. Cứ thế tất cả 3 lần. Sau nầy còn nghe có tàu bị tới 10 lần! Cuộc đời là vậy, mình khổ còn có người khổ hơn!
Khi đến Mã Lai. Tưởng hết nạn, nhưng không. Vì những người đến trước mấy năm nay phá nền kinh tế của họ, vật giá trở thành đắt đỏ nên chính phủ cho Hải quân kéo tàu chúng tôi ra khơi đánh đập để tin truyền đi, đừng ai đến xứ họ nữa.
Đã vậy còn sợ chúng tôi lì lợm quay trở lại, nên  Hải quân Mã Lai còn lấy địa bàn để không thể  biết phương hướng, trôi đi đâu mặc xác! Thuyền nhân chúng tôi cứ như cái trứng trôi trên đại dương theo sóng nước, đói, khát! Đã có 3 người chết!
 Rồi còn gặp bão biển nữa.  Cho nên dưới bức ảnh nhân viên Bệnh Xá Air Raya, chúng tôi ghi phục vụ cho “14.000 thuyền nhân tị nạn Cộng sản may mắn còn sống sót trôi tới Indonesia” là vì số chúng tôi chắc còn sống lâu lắm mới được bước tới hoang đảo này.
Ngủ với người chết. Lúc đầu thổ dân Indonesian cầm chỉa trên bờ gầm gừ tưởng tới cướp đảo của họ, sau thấy quá nhiều người mệt lã nằm liệt xuôi cò, họ bớt sợ mới cho lên bờ. Thì ra “nhờ” đói mà được sống!
Đêm đầu ngủ ở nghĩa địa tên Letung. Phải kê đầu bằng đá mộ bia. Tuy sợ rắn, rít cắn, nhưng đói lã rồi, phải thiếp…giấc nồng! Sáng hôm sau được dời đi vào sâu trong rừng mới có chỗ cất chòi. Ba tháng đầu chẳng ai biết chúng tôi ở đây, phải tự lên rừng đốn cây, chặt lá làm nhà sàn; tự lo câu cá, lượm dừa rụng uống nước, ăn cái. Kế hỏi mua dừa, chuối, măng cục của thổ dân. Họ được tiền, thích lắm nên hay mang tới bán. Của ít, người đông nên tranh nhau mua cho bằng được, nên một buồng chuối từ 10 Rupiath rồi lên 100, 1000, 100000… Người dân địa phương Indonesian từ từ không thể sống nổi trên chính quê hương của họ.
Lúc nầy chúng tôi mới hiểu tại sao Hải quân Mã Lai vô nhân đạo với “Boat People”. Phải đặt chân mình vào giày người khác mới hiểu để hết oán hận nhau!
Vì thời gian nầy Cộng sản đuổi người Hoa ra biển, gia đình họ hoặc có người chết chìm, hoặc bị hải tặc bắt đi, nên mỗi chiều, tiếng tụng kinh cầu siêu, cầu an vang rền ảm đạm thê lương trùm phủ đảo Air Raya…
Lập một đảo quốc tị nạn. Sau đó có đông tàu tới, Ủy Hội Cứu Trợ Liên Hiệp Quốc khám phá thấy mới được tiếp tế  6 tháng một lần, vì phải chở bằng tàu đại dương. Cho nên chúng tôi phải cử người làm “Chúa đảo”, lập ban lo cất nhà kho chứa lương thực để phát cho dân hàng tháng, lập ban an ninh;  ban xử kiện ra luật lệ (như  bắt được  kẻ trộm lương thực, còn có khi người Indo trộm của, mò gái, rắn cắn v.v  thì chòi của nạn nhân đánh phèn la báo động rồi mọi nhà cùng “trổi nhạc” lên để chạy tới cứu v.v); lập ban cầu đường…(Cầu tàu, đường rừng).
Mà lo đường rừng thật sự, vì phải băng rừng lên ngọn núi cao đặt ống tre dẫn nước xuống chân núi cho dân uống. Chứ 14.000 người cùng tắm, giặt và…ị trên một dòng suối, chẳng lẽ cũng uống bằng nước “bổ” ấy?
Còn lo xây cầu tàu vì Air Raya là một đảo nhỏ như cấp Xã, không có chợ, bệnh viện, trường học v.v.. của chính quyền Indo, nên mỗi ngày có nhiều tàu chở người đi đảo Quận, vì vậy  cần nhiều cầu tàu. Còn  trước đây không ai tới, khi chúng tôi mới tới, phải đội hành lý lội xuống biển mà vào bờ. Ai không biết lội thì người nhà cổng! Đã đói mà còn “lao động  là vinh quang” ra vào như con thoi nhiều chuyến như vậy mới đưa hết “tài sản” như son, chảo lên bờ.
Ở được chừng ba tháng, một hôm các tàu chở người đi đảo Quận, qua một eo biển bị gió quật, vài tàu chìm, cả trăm người bị chết trôi mất xác. Có một anh đi với vợ con, khi bị nạn, anh nhảy xuống biển cứu được cả vợ lẫn con, còn anh chồng vì mệt quá nên hết lội nổi, kiệt sức phải chết chìm trước khi có tàu đến cứu!
Sau này mới biết anh là vô địch bơi lội của VNCH, nguyên là Đốc Sự Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn nên bị đi tù cải tạo, rồi đi vượt biên, lên bờ rồi, chỉ chờ đi định cư thì lại chết; và vợ con không biết lội thì lại sống, vô địch bơi lội mà chết!
Người vắn số đó tên Chiêm Thành Kỷ, khi nghe bài của nhạc sĩ Trường Hải, MƯA TRÊN ĐẢO AIR RAYA nhớ chú ý mộ bia có tên ấy để tin con người sống, chết có số, hầu tự an ủi khi gặp hoàn cảnh hiểm nghèo!
Những thành viên trên đảo quốc tị nạn Air Raya cũng như các đảo khác đều làm việc tự nguyện không lương. Chứ chính phủ đâu mà trả lương? Riêng Kim Anh Nguyễn Việt Nữ còn “được” làm 2, 3 jobs: Y tế, Tư pháp, Sổ khai sinh, khai tử.. Kể lại như vậy để nhớ ơn Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ, tuy bị Việt Cộng phá hoại đất nước nhưng Nguyễn Việt Nữ và bạn bè vẫn được học mở mang đủ kiến thức mà không ngờ lúc ở đảo vẫn còn dùng được! Trái ngược với lối giáo dục chỉ lo cho giai cấp “Vô sản” và dồn hết vào chiến tranh của Hồ Chí Minh.
Sơ qua cảnh sống kiểu Robinson Crusoé ấy và xin bấm vào hàng chữ đỏ để nghe bản nhạc diễn đạt tâm tình người ly hương “Mưa Trên Đảo Air Raya” của nhạc sĩ Trường Hải. Do cuộc đổi đời ông trở thành thằng của Cộng sản mà ta hiểu rõ “Số mạng” và  câu “Lên voi xuống chó” và là thế nào? Như ông Đốc sự Chiêm Thành Kỷ, nhiều người tới được Air Raya rồi nhưng cũng bị nhiều cái chết không ngờ. Dân địa phương cho biết ở đây còn gọi là Đảo Rắn. Rắn dưới suối trường lên bờ, lên cây, rồi rơi lộp độp xuống nóc chòi tranh cất giữa 4 cây rừng! Làm gan nằm yên thì chúng trường lên mình rồi chạy trốn; còn đập thì chúng quay lại cắn, nếu nhằm rắn độc thì tiêu đời!
Có người được danh sách mai lên tàu đi Galang để qua Singapore bay đi định cư. Mừng quá nên chiều nay nằm dưới gốc dừa hứng gió biển—Indo rừng dừa nhiều lắm—nhưng bị dừa khô rụng bể bọng đái. Phải võng lên tàu qua đảo KuKu có bệnh xá lớn hơn để cấp cứu, nhưng người xấu số này không còn trở lại Air Raya để cùng gia đình đi hưởng tự do!  Và còn nhiều cái chết vì lý do khác nữa.
Cũng xin kể thêm, đảo láng giềng KuKu là đảo mà Bộ trưởng Tư pháp Trương Như Tảng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cuối cùng cũng là một thuyền nhân tị nạn Cộng sản trôi được đến đảo này!
Tại sao có Joan Baez khi nói về Air Raya? Có lẽ đây là điều độc giả muốn biết nhất. Hoang đảo Air Raya còn thêm  “nhiệm vụ”  cứu người ở khía cạnh khác nữa: Nữ ca sĩ phản chiến, chống chiến tranh Việt Nam Joan Baez đã tới Air Raya, và tôi đã gặp nàng ở đảo nầy.
Joan Baez bỏ công đi tìm hiểu sự thật từ các trại tị nạn Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia v.v. xem vì sao “hòa bình” rồi mà hàng hàng lớp lớp người vạch đường máu  để ra đi?
Tới Air Raya, Joan Baez họp các người tị nạn lại, phần đông là các quân nhân tham dự. Họ viết đơn nói rõ lý do. Chúng tôi nhận chồng đơn và lo dịch cho nữ “Điều tra viên” phản chiến hiểu. Một đơn trong đó kể rằng: Cấp bực của họ bị kêu đi trình diện “học tập cải tạo chỉ 10 ngày, chuẩn bị lương thực đủ cho thời gian đó.”
Vậy mà 1 tháng, 1 năm, rồi 3 năm vẫn không thả ra, nên một nhóm nóng lòng lo cho vợ con ở nhà, nên trốn trại, nhưng bị bắt lại rồi đưa ra “Tòa án nhân dân” –tức những bạn cùng tù--xét xử.  Đơn anh A kể: “Tôi ở trong đám “nhân dân” nhưng vì còn đấu tố, chưa biểu quyết, mà tôi  mắc tiểu nên ra khỏi phòng “tòa”, đi vòng sau hè, thấy một quan tài gổ đóng sơ sài để sẳn. Đấy, “Tòa án nhân dân” của XHCNVN trong hòa bình: kết  án tử hình trước khi xử! v.v. nên tôi phải bỏ trốn khỏi thiên đường Cộng sản.”
Ca sĩ Joan Baez ôm hết chồng thơ từ các trại tị nạn  về Hoa Thịnh Đốn, khiếu nại với Tổng thống Mỹ lúc ấy là Jimmy Carter, rồi kéo đệ nhất phu nhân đi Thái Lan thăm  người vượt biển. (Sau nầy tới Mỹ chúng tôi mới biết) Bà cùng nhiều đoàn thể khác nữa như  Đại Đức Thích Giác Đức cùng Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Ngô Vương Toại –nguyên là sinh viên rất chống Cộng thời VNCH--kêu gào Jimmy Carter phải nhận cho người tị nạn Đông Dương vào Mỹ.
Kéo dài tới thời Tổng Thống Ronald Reagan là chương trình ODP, cho đở vượt biên chết người, vì theo Cao Ủy Tị Nạn LHQ, số chết do vượt biển lên đến gần nủa triệu người! Bao nhiêu đó đủ nói lên tội ác của đảng Cộng sản Việt Nam trong “hòa bình”; chưa kể tội lừa người đi tù  cải tạo mà Mỹ phải có chương trình H.O  cho chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
Vì vậy mà chúng tôi nhớ Air Raya,  một hoang đảo cứu người và ca sĩ Joan Baez  bởi nhờ bà mà thêm chính sách cứu người hẳn hòi từ tòa Bạch Ốc!
Joan Baez  còn kêu gọi những “đồng chí” phản chiến cũ ký tên trên một thư gởi cho nhà nước XHCNVN, bài còn đăng trên tờ Nữu ước Thời báo (The New York times)  số ra ngày 1/5/1079,  nguyên văn như sau:                                
"Cách đây 4 năm, Hoa Kỳ đã chấm dứt 20 năm hiện diện ở Việt Nam. Một dịp kỷ niệm đúng ra là nguyên nhân để đón mừng, nhưng thay vào đó, lại là lúc để đau buồn. 
Với một thảm họa thật mỉa mai, sự tàn ác, bạo lực và đàn áp do các thế lực nước ngoài áp đặt lên đất nước quý vị trong hơn một thế kỷ qua, đang tiếp tục ngày hôm nay dưới chế độ hiện thời. 
Hàng ngàn người Việt Nam vô tội, nhiều người mà "tội" của họ chỉ là các vấn đề thuộc lương tâm, hiện đang bị bắt giữ, tạm giam và tra tấn trong tù hoặc các trại cải tạo. Thay vì mang lại hy vọng và hoà giải cho đất nước Việt Nam bị chiến tranh tàn phá, thì nhà nước của quý vị lại tạo ra một cơn ác mộng đau đớn và che khuất đi những tiến bộ quan trọng đã đạt được trong nhiều phạm vi của xã hội Viêt Nam.
Nhà nước quý vị đã tuyên bố vào tháng 2/1977 rằng có khoảng 50 ngàn người đang bị giam giữ lúc đó. Nhiều ký giả, các nhà quan sát độc lập và người tỵ nạn ước lượng rằng con số tù nhân chính trị hiện thời khoảng giữa 150 ngàn và 200 ngàn người.
Con số chính xác có là gì đi nữa, thì sự thật đang tạo thành một bức tranh tăm tối. Nhiều tin tức được xác nhận đang xuất hiện trên báo chí thế giới, từ báo Le Monde và The Observer đến Washington Post và Newsweek. Chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện của những người đến từ Việt Nam -công nhân và nông dân, các nữ tu Công giáo và tu sĩ Phật giáo, các thuyền nhân, văn nghệ sĩ và các nhà chuyên môn cũng như những người đã từng chiến đấu bên cạnh Mặt trân giải phóng.
- Các nhà tù đang tràn ngập với hàng ngàn đến hàng ngàn "tù nhân".
- Nhiều người bị mất tích và không tìm được tông tích.
- Nhiều người bị đưa đến các trại cải tạo, cho ăn bằng những khẩu phần gạo chết đói, buộc phải ngồi với cổ tay và cổ chân bị trói chặt, đến ngạt thở trong các thùng connex 
- Nhiều người bị dùng như những vật dò tìm bom mìn, dọn các bãi mìn bằng tay chân trần trụi.
Ðối với nhiều người, sống là địa ngục và cái chết là điều mong ước. Nhiều nạn nhân là đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã từng ủng hộ và chiến đấu cho mục tiêu thống nhất đất nước và quyền dân tộc tự quyết, họ là những người vì hoà bình, thành viên của các tổ chức tôn giáo hoặc vì các nền tảng đạo đức triết lý đã chống đối lại các chính sách độc đoán của chế độ Thiệu Kỳ; họ là các văn nghệ sĩ và trí thức quyết tâm được tự do sáng tạo bị hất hủi bởi các chính sách độc tài của nhà nước quý vị.
Yêu cầu của Tổ chức Ân xá Quốc tế và nhiều tổ chức khác để được tự tìm hiểu tình trạng lao tù vẫn chưa được đáp ứng. Các gia đình muốn biết tin tức về vợ chồng con cái họ đều bị thờ ơ. .
Chính một quyết tâm bền bỉ về các nguyên tắc cơ bản của nhân cách, tự do và quyền tự quyết đã là động cơ thúc đẩy rất nhiều người Mỹ phản đối chính quyền miền Nam và sự tham dự của đất nước chúng tôi vào cuộc chiến. Cũng chính vì một quyết tâm tương tự bắt buộc chúng tôi phải lên tiếng phản đối sự bất chấp đến tàn bạo về nhân quyền của quý vị.
Chúng tôi kêu gọi quý vị hãy chấm dứt ngay việc bỏ tù và tra tấn –cho phép một nhóm quốc tế gồm các nhà quan sát trung lập được đến để thanh tra các nhà tù và trung tâm cải tạo của quý vị .
Chúng tôi khuyến cáo quý vị nên tuân theo các nguyên tắc của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà đất nước quý vị là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, đã cam kết phải thi hành.
Chúng tôi khuyến cáo quý vị nên xác định lại cam kết mà quý vị đã tuyên bố về các nguyên tắc về tự do và phẩm cách con người ... để thiết lập một nền hoà bình thật sự tại Việt Nam
Ký tên: Joan Baez"
Thư được 78 nhân vật nổi tiếng ký tên, trong đó có  I. F. Stone, Barton Bernstein, Daniel Berrigan, Jerome Weisner, Bert Coffey, Benjamin Dreyfus, Sanford Gottlieb, Terence Hallinan,  Staughton Lynd, Allen Ginsberg, Edmund Pat Brown, Ginetta Sagan, Cesar Chavez, và Nat Hentof .v.v.. (Bài khác chúng tôi sẽ nói đến vài tên Mỹ Cộng nổi bậc).
Chiến tranh Việt Nam có hai nữ ca- nghệ - sĩ  phản chiến nổi  tiếng: Joan Baez hối hận “chuộc lỗi” , còn đào Jane Fonda thì không.


 Joan Baez gởi thư cho nhà nước Cộng sản  và đăng báo như nội dung trên ngày 1/5/1979 thì Jane Fonda chẳng những không ký mà  phản bác lại bằng một loạt truyền thông có chử ký của một nhóm người Phản chiến khác, bức thư có tựa là  "The Truth About Vietnam", cũng được đăng trên tờ The New York Times số ra ngày 24/6/ 1979 thư khen Cộng sản "có  tinh thần biết tự kiềm chế, hòa hoản và nhân đạo trong cách điều hành chương trình tập trung cải tạo" và....
          "Việt Nam hiện nay vui hưởng nhân quyền như được ghi trong hiến chương Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mà từ trước chưa bao giờ được có.
          "Đó là quyền: được có việc làm an toàn về lao động, quyền được gia nhập nghiệp đoàn thương mãi, quyền được sống ấm no, không bị đàn áp đàn áp bởi chủ nghĩa thực dân và chủng tộc. Hơn thế, người dân được miễn phí về giáo dục, y tế mà ngay chính tại Hoa Kỳ chúng ta chưa đạt được tới mức ấy". 
Không hiểu hiện giờ những người phản chiến như Fonda nghĩ sao khi nghe các hãng BBC London, đài VOA, Á Châu Tự Do, SBTN  về  Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, 14 thanh niên Thiên Chúa giáo và Tin Lành bị xử tù? Về Đoàn Văn Vươn? Người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu? Tin về LM Tadéo Nguyễn Văn Lý? Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ  và dân oan ..v.v.?
Vậy xin chuyền cho thế giới nghe Youtube  “Hát Cho Nhân Quyền”  của SBTN để họ biết tội ác của Jane Fonda.
   Hôm nay cũng là ngày Lễ Memorial Day (Chiến Sĩ Trận Vong 27/5/2013) của Mỹ, những cựu quân nhân Hoa Kỳ đã kết tội bà đào Jane Fonda-Jane Hanoi là Phản Quốc (Traitor) lâu rồi.

Nguyễn Việt Nữ