Thursday, July 28, 2022

CHIẾN TRƯỜNG TRỊ THIÊN MỘT NGÀY XA CHIẾN (Sao Bắc Đẩu)

Diễn biến đầu tiên mà tôi ghi nhận được của trận xa chiến lớn ngày 9-4-72 là một sự việc khá ngộ nghĩnh, khó giải thích nhưng lại là điều thường xẩy ra trên chiến trường: viên Thiếu Tá phi công của chiếc trực thăng đang đưa chúng tôi ra mặt trận quay lại nói với Thiếu Tướng Toàn :

– Một chiếc M.48 của mình gặp 2 chiếc T.54 của nó. Hai bên cách nhau 100 thước.

Sự kiện này khó giải thích ở nhiều dấu hỏi như: tại sao chiếc M.48 lại đi một mình ? cả hai loại M.48 và T.54 đều là những chiến xa nặng được trang bị nhiều loại súng bắn xa, tại sao hai bên lại tiến đến gần nhau chỉ 100 thước ?

Những dấu hỏi này chỉ có thể do chính người xa trưởng của chiếc xe tăng này trả lời. Tôi không có dịp tìm gặp anh ta.

Viên Thiếu Tá phi công lại quay lại để báo cáo với Thiếu Tướng Toàn những diễn biến mới mà anh vừa nghe được qua máy truyền tin :

– Chiếc M48 bắn cháy 1 chiếc T.54 rồi bỏ chạy.

Thiếu Tướng Toàn, vị Tư lệnh phó của chiến truờng giới tuyến cau mặt hỏi lại :

– Chiếc nào bỏ chạy ?

– M.48 của mình.

Tôi đoán được cái thắc mắc của Tướng Toàn : Hoặc chiếc M.48 bỏ chạy ngay từ đầu, hoặc nó phải bắn luôn chiếc thứ nhì khi đã khai hỏa. Hành động bắn cháy 1 chiếc T.54 và hành động bỏ chạy là những việc làm mâu thuẫn với nhau, có thể người xạ thủ và người lái xe đã tự quyết định riêng rẽ.

Đọc đến đây, chắc nhiều độc giả quân nhân đã tự hỏi: Vậy người trưởng xa đâu ? Tại sao anh ta không chỉ huy? Tôi xin viết lại lần thứ nhì câu tôi vừa viết ở đoạn trên: những dấu hỏi này chỉ có một người trả lời được, người trưởng xa. Và tôi đã không có dịp tìm gặp anh ta.

Lần thứ ba, viên Thiếu Tá phi công quay lại. Anh cho Tướng Toàn biết diễn biến giờ chót: chiếc M.48 bỏ chạy trước một chiếc T.54 đang đụng phải 7 chiếc khác sau lưng.

Đến giờ này, ngồi lại tòa soạn viết bài, tôi thấy rằng biến chuyển này ngộ nghĩnh, khó giải thích nhưng đó là việc thường xẩy ra trên chiến trường. Chắc chắn ngay chính Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tư Lệnh Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh cũng không giải thích được những dấu hỏi nêu lên quanh cuộc xa chiến giữa 1 chiếc M.48 và 9 chiếc T.54 này. Không ai chỉ huy chiếc xe đó đi phiêu lưu một mình vào giữa đất địch cả. Và cũng không người xa trưởng nào vừa ra lệnh bắn vào chiến xa địch vừa ra lệnh chạy.

Những việc này chỉ là phản ứng trực tiếp và tự nhiên của người lính. Chính vì vậy mà người ta có thể đo lường giá trị của một đơn vị qua những phản ứng của binh sĩ trên chiến trường : Được huấn luyện kỹ, có kinh nghiệm chiến đấu già dặn phản ứng của người lính thiện chiến nhanh chóng và đúng. Ngược lại, loạt súng đầu tiên thường cướp tinh thần của những đơn vi non nớt, thiếu huấn luyện, thiếu kinh nghiệm.

Đó là những phân tách mà tôi tìm được khi về đến Saigon. Ngay trong lúc đótôi chỉ nghe lo lắng cho chiếc xe “lãng tử”. Quay nhìn Tướng Toàn, tôi thấy ông ra lệnh cho người sĩ quan có máy truyền tin:

– Gọi pháo binh cứu “thằng” M.48.

Ông cũng bảo viên Thiếu Tá phi công gọi khu trục. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ chiếc trực thăng: mù mịt sương muối và mưa phùn. Đồng hồ cao độ trong máy bay chỉ 600 bộ (chưa đầy 200 thước) . Từ những ngày đầu tiên mặt trận giới tuyến bộc phát dữ dội, khu trục cơ Mỹ vẫn từ chối can thiệp trực tiếp vì thời tiết xấu. Chúng ta có thể trách họ nhưng không thể phủ nhận rằng thái độ từ chối của họ không có ý do. Với 1 tầm mây thấp 200 thước chỉ có những phi công VN vì máu chảy ruột mềm mới dám xuất trận.

Chúng ta hãy thử hình dung chiếc xe hơi với tốc độ 100 cây số giờ và chúng ta phải thắng đứng trong khoảng 100 thước để thấy cái khó khăn, sự can đảm vô biên của người phi công VN. Lao xuống với tốc độ trên 300 cây số/giờ, họ chỉ có hơn 100 thước để làm 3 việc: nhận định mục tiêu, oanh kích và ngóc lên kịp thời.

Một phút sau, chúng tôi được tin pháo binh đã tác xạ với sự hướng dẫn của những kỵ binh trong chiếc M.48 đang đụng địch. Một phi tuần AD6 cũng đã cất cánh. Số phận của chiếc M.48 vẫn còn chỉ treo đầu mành nhưng tất cả những gì có thể làm để cứu nó, những người bạn đồng đội của nó đã làm, làm trong sốt sắng, trong lo lắng thương yêu.

Tướng Lãm thiếu nợ nửa triệu bạc trong 2 giờ đầu tiên của trận đánh 9-4

Đến Quảng Trị, chúng tôi vào thẳng Trung Tâm Hành Quân của Chuẩn Tướng Giai. Hơn chục cái máy vừa điện thoại, vừa máy truyền tin cùng làm việc một lúc. Hơn chục người thanh niên hò hét như những thằng điên trong ống nói. Họ đang xử dụng các hệ thống viễn liên, vô tuyến để điều khiển Pháo binh, Không quân, Kỵ binh, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân và Bộ Binh theo lệnh của Chuẩn Tướng Giai.

Một anh Trung úy Không quân hỏi thật lớn với người bạn đồng đội đang nói chuyện cách anh khoảng 200 cây số :

– Mày đừng đem rokét làm gì. Ở đây đang cần bom thứ 500 cân (cân Anh khoảng 250 kí). Mục tiêu là những xe tăng nặng.

Không hiểu đầu giây kia nói gì, chỉ thấy anh Trung úy chửi thề rồi lại gân cổ hét lên :

– Xe tăng. Xe tăng là thiết giáp đó. Không phải quân trang.

Viết lại câu “xe tăng là thiết giáp” nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng trong thực tế, những khó khăn liên lạc thường vẫn buộc người quân nhân phải dùng những cách ví von vô duyên hơn như vậy rất nhiều,

Hai chữ “xe tăng” lại có thể nghe lầm thành “quân trang”, lại có những thanh âm khác đi rất nhiều.

Tôi quan sát người Trung úy. Nhìn kỹ người ta có thể đoán gần đúng tuổi anh : khoảng 25-26. Nhưng thoạt trông, hàm râu 48 giờ chưa cạo, 2 mắt quầng thâm vì những đêm mất ngủ và vẻ mệt mỏi làm anh già thêm ít nhất cũng 10 tuổi nữa.

Bên cạnh anh Trung úy Không quân là 1 Thiếu úy Pháo binh. Vừa nhai một khúc bánh mì thịt, anh vừa chăm chú theo dõi trên bản đồ những tin tức ghi nhận được về hoạt động của pháo binh địch. Đầu bàn, một gói xối ăn dở bị tạm quên. Một sĩ quan nào đó đã phải bỏ dở bữa ăn sáng đạm bạc để đáp ứng một nhu cầu hành quân của những đơn vị đang chiến đấu bên ngoài.

Một tấm bảng trên tường ghi nhận 4 diễn biến trong 2 giờ đầu tiên của ngày 9-4 :

– 0 giờ 30, Tiểu đoàn 6 TQLC bị tấn công và pháo kích. Chưa rõ kết quả.

– 7 giờ 10, Thiết đoàn 20 kỵ binh đụng chiến xa địch. Hạ 10 chiếc. Chưa rõ loại.

– 8 giờ 15, Tiểu đoàn 6 TQLC bắn hạ 12 chiến xa địch.

– 8 giờ 30, Liên đoàn 5 BĐQ bị tấn công. Chưa rõ kết quả.

Ngày xa chiến lớn 9-4-72 bắt đầu bằng cuộc tấn công một vị trí do Tiểu đoàn 6 TQLC chiếm giữ. Lực lượng Bắc Việt đã điều động 16 chiến xa để tấn công 500 người “lính thủy đánh bộ” trong một căn cứ mà họ không có vũ khí nặng để chống đở hiệu nghiệm chiến xa địch.

Thiếu Tá Tùng, Tiểu đoàn Trưởng TĐ 6 TQLC quyết định dùng lòng can đảm và sức người để trám vào lỗ trống kỷ thuật. Chiến sĩ Cọp Biển được lệnh kiên trì chịu đựng trong những vị trí chiến đấu chờ xe tăng địch vào sát trong tận hàng rào phòng thủ mới nổ súng. Lý do : những khẩu M.72 của họ chỉ có tác dụng trong vòng 150 thước.

Bên ngoài, vừa lầm lũi tiến tới những chiếc T.54 khổng lồ vừa rải đạn như mưa vào căn cứ của Tiểu Đoàn 6 TQLC. Những phát đạn đại bác thổi tung mọi công sự phòng thủ quân xa, chiến cụ trên mặt đất, nhưng dưới những hố cá nhân, những hào giao thông sâu vào lòng đất những con Cọp Biển gan lì vẫn ngồi yên chờ đợi.

Một tiếng mìn nổ, rồi tiếp theo đó nhiều tiếng mìn khác thi nhau nổ vangười. Những quả mìn này gài trong hàng rào phòng thủ vị trí. Chúng không đủ sức làm lật những chiếc T.54 nặng nề nhưng chúng đã báo động đã là một thứ hiệu lệnh cho những xạ thủ M.72.

Đồng loạt họ đứng dậy. Đồng loạt họ khai hoả. Và trước khi những kỵ binh Bắc Việt kịp hiểu sự việc vừa xảy ra thì trận chiến đã ngã ngủ: 12 trong số 16 chiến xa xung trận đã bị loại trong 1 phút ngắn ngủi.

Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm đã treo giải thưởng 20.000 đồng cho mỗi chiến xa bị bắn bạ. Trong 2 giờ đầu tiên của trận xa chiến mồng 9 tháng 4, ông đã phải trả đến gần nửa triệu bạc tiền thưởng.

Tướng Toàn tươi cười bảo tôi :

– Trung Tướng Tư Lệnh Quân Khu 1 đã ra lệnh cho Tỉnh Trưởng Quảng Trị ứng trước ngay số tiền này để thưởng cho các đơn vị. Trung Tướng cũng nhắn anh ghi nhận hộ lên Diều Hâu rằng ngày mồng 9 tháng 4 là ngày thê lương nhất của kỵ binh Bắc Việt (kể từ ngày họ xua quân vượt tuyến).

Nồi cơm của người lính dã ngoại

10 giờ sáng, chúng tôi được đưa ra mặt trận để quan sát tại chỗ. Chúng tôi không xử dụng trực thăng vì hiểu rằng trong trận địa, đáp trực thăng xuống đơn vị nào là chúng tôi đã gọi pháo binh địch đến đơn vị đó.

3 chiếc xe Jeep nổ máy. Chiếc thứ nhất có Thiếu Tướng Toàn và những cận vệ của ông, 2 chiếc sau là của những phóng viên báo chí, điện ảnh chúng tôi.

Trước khi lên đường Tướng Toàn đã dặn chúng tôi nên chạy kha khá cho kịp xe ông vì dọc theo đường pháo binh Bắc Việt thường bắn chận những đoàn xe. Ngang căn cứ Ái Tử chúng tôi đã bị bắn hơn chục viên đại bác. Một người lính cận vệ của Tuớng Toàn rơi xuống xe sau loạt tiếng nổ.

Nửa giờ sau chúng tôi đến Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn I Kỵ Binh. Trả lời câu hỏi của tôi về ước tính trận đánh, Đại Tá Nguyễn Trọug Luật, Tư Lệnh Lữ đoàn nói :

– Hôm nay là một trong những ngày hoàng đạo của Lữ Đoàn I. Đến giờ này chúng tôi có 1 chiến xa bị trúng đạn địch. Con số thiệt hại của kỵ binh Bắc Việt đã ghi nhận được tại Trung Tâm Hành Quân rồi.

Tại 1 tiểu đoàn khác, tôi bắt gặp 1 binh sĩ đang nhăn nhó, càu nhàu vì nồi cơm anh đang nấu trên bếp vừa bị pháo binh địch bắn vỡ. Binh sĩ thường nấu cơm ngay trên miệng hố cá nhân của họ. Khi nghe tiếng đạn đại bác của địch bay đến anh binh sĩ này đã kịp thời nhẩy xuống hố cá nhân. Dĩ nhiên anh không thể bưng theo cả nồi cơm đang sôi. Lúc chúng tôi đến thì bài toán khó giải quyểt của anh là anh chưa tìm được người bạn đồng đội nào có nồi cơm rộng chỗ để anh “ghé” mớ gạo chưa chín nhưng đã nở mà anh còn vớt vát được trong cái nồi bể.

Nhận định của 4 vị Tướng mặt trận về chiến trường Trị Thiên

Trận đánh chấm dứt trong ngày và bạn đọc cũng đã biết kết quả qua báo hàng ngày. Chúng tôi chỉ xin cống hiến độc giả thân mến những nhận định của 4 vị tướng mặt trận đang quần thảo với quân Bắc Việt tại chiến trường Trị Thiên.

Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm : Địch quân đã đẩy mọi cố gắng của họ đến điểm cao nhất mà họ có thể đạt tới. Nói một cách khác, từ nay trở đi họ không còn khả năng làm được một hành động quân sự nào lớn hơn những việc họ đã làm từ nửa tháng nay.

Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn : dĩ nhiên địch quân đang cố gắng kéo pháo đến gần chúng ta hơn. Nhưng ý định của chúng là một việc, chúng có làm được không lại là một việc khác. Trong chiến tranh quy ước, tiếp vận là một yếu tố quyết định. Chỉ cần ngăn chặn được tiếp vận của địch chúng ta cũng có thể đánh bại chúng..

Thiếu Tướng Phạm Văn Phú: Cho đến ngày bôm nay số tổn thất của những đơn vị Bắc Việt giao chiến với Sư Đoàn 1 BB vẫn ở trong tỷ lệ 10 đổi 1. Gần 1 tháng nay trời rất xấu và yếu tố này đã làm giảm bớt sự kiến hiệu của không yểm. Cơ quan khí tượng loan báo rằng chỉ 1 hoặc 2 ngày nữa thời tiết sẽ khá hơn. Tôi nghĩ rằng lúc đó trận đánh giới tuyến sẽ mau đi đến ngã ngũ hơn.

Chuẩn Tướng Võ Văn Giai : Địch quân không tiến thêm được một bước nào nữa. Mặt trận đang khựng lại tại chỗ. Giai đoạn này là giai đoạn chúng ta phản công tiêu diệt những đơn vị xâm nhập của địch.

Sao Bắc Đẩu

HUẾ, PHÁO ĐÀI CỦA NIỀM TIN (Phạm văn Bình) - Bút ký chiến trường: NHỮNG NGÀY DÀI TRÊN QUÊ HƯƠNG

Nếu chiến trận không diễn ra khốc liệt, Huế đang sửa soạn bước vào mùa thi. Bây giờ, phượng vĩ nở đầy hoa, thắm rực đường phổ. Bây giờ, trong những ngôi vườn rợp bóng cây xanh, tiếng ve vẫn vô tình inh ỏi, theo đúng chu kỳ đổi thay của thời tiết. Và cũng ây giờ, trên những xóm thôn dọc theo hai bên bờ sông Hương, những khu ngoại ô của Huế mang tên gọi thân thuộc như tên người tình : An Cựu, Kim Long, An Hòa, Đập Đá, Bao Vinh giờ đây các cây nhãn đã rụng hoa, kết trái để rồi khoảng một tháng sau, khi nắng hè, vàng chín lối đi, những chùm nhãn lồng được bày bán khắp phố Huế. Những chùm nhãn lồng qua mùa thi của Huế, vượt đường bộ theo các chuyến xe đò ra Đông Hà, Quảng Trị, quanh co leo đèo Hải Vân, mây sa trên đỉnh, biển lộng dưới chân, trên chuyến xe lửa tốc hành đến Đà Nẵng, Quảng Nam. Những chùm nhãn được nâng niu bởi mười ngón búp măng nõn nà, từ tốn rời phi cảng Phủ Bài, vượt mây, mang hương vị mùa hạ cố đô vào tận Saigon.

Những trái nhãn lồng tròn lẵng, cơm dày, mọng nước, cắn ngập chăn răng nhưng không dám ăn vội, nhai dè sẽn và nuốt chừng mực vì sợ chút ngọt ngào của Huế vừa bắt gặp chóng mất,và dư hương cũng chóng tàn phai.

Người lớn ăn nhãn Huế để hoài niệm quá khứ, bùi ngùi tưởng nhớ thời vàng son rực rỡ đã lùi vào bóng tối, những tháng ngày mũ áo thênh thang, sênh phách nỉ non đã bị lớp rêu thời gian làm mờ phai dấụ vết, chôn kín dưới đáy hồ sen bao phủ quanh dãy trường thành, chằng chịt những rễ cây biến cố. Người trẻ, ăn trái nhãn Huế chắc không khỏi chờ đến đôi môi người tình và những nụ hôn đầu đời, khai phá thế giời hoang sơ, kỳ diệu của tình yêu.

Bây giờ, nếu những tin tức chiến sự viết về Quảng Trị, Mỹ Chánh, Pleiku. Bình Long không chiếm đầy trên trang nhất các nhật báo thủ đô và vấn đề Việt Nam, một Việt Nam đau thương và bi tráng, đề tài vô tận được khai thác trên các đài bá âm, những bản tin viễn ký tới tấp đánh đi trên khắp địa điểm thế giới cạnh các cuộc công du gặp gỡ của các lãnh tụ hạng gộc. Nếu những sự kiện vừa liệt kê đã không xảy ra, nghĩa là Huế trở lại không khí bình thường của những ngày thanh bình cũ thì trên các con đường, dưới những tàng hoa phượng tại các khu Đồng Khánh, Quốc Học, Bồ Đề, Nguyễn Du giờ đây đã tấp nập đi về những đàn nữ sinh áo trắng, nói cười riu rít như chim.

Ngày trôi chảy trong nắng vàng và màu trắng trinh nguyên, khi những chùm sương lướt thuớt trên sông bắt đầu tản mạn làm hiện rõ những con đò soi bóng trên Hương giang mướt xanh màu mắt thiếu nữ. Thuyền khởi sự chuyển động, xe nhịp ròn máy nổ mở màn một ngày sinh hoạt mới khi mặt trời rực sáng từ hướng biển Thuận An. Và chiều buông, trăng lên, sao rạng rỡ lóng lánh khắp bầu trời. Nơi đó, chưa hiển hiện những tòa binh đinh cao ngất, những dòng ngựa xe thác lũ, bon chen theo nếp sống qua các ngã tư đèn xanh đèn đỏ máy móc nên trăng sao còn giữ lại chút huyền ảo, thơ mộng của thiên nhiên. Nhìn trăng còn có thể xúc động khi chợt nhớ ánh trăng mê cuồng trong thơ Hàn Mặc Tử, trăng mộng mơ của Xuân Diệu và trăng thổn thức khi lạc vào vườn thơ Lưu Trọng Lư. Ở đó, những vì sao còn mang nét quyến rũ, duyên dáng của chuyện tình được kể bởi Alphonse Daudet.

Không nơi nào mang lại những cảm giác kỳ thú, nhuốm đầy ảo tượng bằng Huế vào những đêm trăng, nắm bàn tay mềm mại của người tình thơ thẩn dạo chơi qua các ngã đường vắng lặng ướt đẫm sương trăng, những khu vườn thơm ngát mùi bông sứ hay thoảng nhẹ hương ngọc lan. Huế cổ kinh và thơ mộng, thế giới người sống trộn lẫn người chết, nơi chiếc bóng nặng nề của quá khứ vẫn tỏa rợp lên lối sống và sự suy tưởng hiện tại. Chưa đến Huế, chắc bạn sẽ không tin khi có người kề lại những đêm khuya khoắt đã nhìn thấy hình ảnh một chiếc thuyền rồng, hoa đèn rực rỡ và những cung nữ cũng sáng rực như đèn, vừa hát vừa đưa đẩy mái chèo…trên không trung. Cũng có kẻ, thỉnh thoảng đã nghe tiếng cười thống khoải, ẩn ức, giả tỉnh giả điên của vua Thành Thái trên bến Vân Lâu những đêm mưa mờ mịt.

***

Tháng Tư, mùa hạ trở về theo những vì sao biếc, tiếng đại pháo và xe tăng xuất phát từ bên kia con sông chia cắt tràn xuống phương Nam khiến dòng sinh hoạt xứ Huế sững sờ đứng khựng lại. Những sửa soạn của cuộc hành trình bưc vào mùa bạ, mùa thi tạm thời hủy bỏ, những xôn xao vừa nhen nhúm cũng lịm tắt theo âm vang lửa đạn của trận chiến qui mô đã khởi diễn nhiều nơi trên tấm bản đồ chiến thuật. Quân ta rời khỏi mười ba tiền đồn phía Nam khu phi chiến, địch tín công Lộc Ninh, chiến sự có thể nổ lớn trên chiến trường Tam Biên.

Những người dân Huế nhìn nhau mắt thoáng lo âu, hỏi nhau những câu vu vơ để trấn tĩnh vì không biết hỏi ai, không lý hỏi đất trời, vì trời vốn mênh mông và đất thường nín lặng : “Chi lạ rứa, ăn chi mà người ta ham đánh nhau hoài vậy hè”. Ôi những ánh mắt muộn phiền của mẹ, chị và các em ta ngoài nớ. Những câu hỏi thốt ra nghe ngậm ngùi, quặn thắt nhưng thật dễ thương, cũng bắt đầu bằng ba chữ “Chi lạ rửa”. Chi lạ rứa chiều ni tui muốn khóc, nhìn chi tui thân cỏ mọn hoa hèn.

Rồi những bà mẹ Gio Linh rớt nước mắt rời mảnh vườn nghèo chỉ trồng toàn cây bồ quân và mít theo dân chúng Đông Hà, Cam Lộ, Quảng Trị tất cả chạy vào Huế khi quân la “di tản chiến thuật” khỏi tỉnh địa đầu. Bao nhiêu chuyện thương lâm xảy ra trên đoạn đường đầy máu và nước mắt dọc theo Quốc lộ 1. Những tràng đạn pháo kích đuổi theo dân chạy loạn như tiếng hú của những con quỉ gọi hồn, những xác chết sình thối không người chôn, những trẻ thơ ngậm chiếc vú không của người người mẹ đã chết, bà mẹ sanh chưa đầy thángg đùm con trong bọc vải lết qua đoạn đường tử thần, khi vào Huế mới hay mình đã khư khư ôm giữ chiếc bọc trống không. Những ngày ấy bao nhiêu thương xót.

Bóng đen đe dọa và hơi hướm mùi tử khí từ phía Bắc, từ núi rừng trùng điệp phía Tây đã váng vất chung quanh Huế. Có tin 4 Sư Đoàn Bắc quân đang đào hầm, chuẩn bị cho thế trận mới, mục tiêu là Huế sau khi quân ta rút khỏi căn cứ chiến thuật Phú Xuân.

Dân chúng cố đô lại lũ lượt bồng bế nhau chạy vào Đà Nẵng, Saigon trên các chuyến xe đò, xe nhà bỉnh 10 bánh, máy bay dân sự, quân sự. Xe chật ních như nêm, người la liệt, xếp cá bộp, người bỉu chặt hai bên hông, chất đống trên trần xe. Miễn la chạy thoát khỏi hai làn đạn giao tranh, miễn là tìm được chút bình yên khiêm tốn trên quê hương cuồn cuộn khói lửa để được sống sót, nghe nhau nói, thấy nhau cười, dù chỉ được nhìn nhau bằng đôi mắt quầng thâm. Đây cũng là cơ hội tốt cho những con bạch tuột thời cơ quờ quạng chân tay, uốn éo vòi nhọn. Một trăm ngàn đồng vé chợ đen, chợ đỏ Huế – Saigon.

25 ngày bàng hoàng thất thanh của địa ngục máu lửa Mậu Thân còn đó. Những mồ chôn tập thể, xác đứng xác ngồi cho đến bây giờ 4 năm sau, những hài cốt chứng tích thảm sát vẫn chưa mục rã trong lòng đất và những đau đớn, xót xa còu bàng bạc, nguôi ngoai trong lòng những người còn lại. Huế đã bị đánh mất mùa Xuân 1968 và giờ đây, mùa hạ 1972, cơn địa chấn đạn bom trận hồng thủy nước mắt lại đe dọa tìm về.

Nhưng Huế không thể lọt vào tay địch, dù chỉ có 25 ngày như trong biến cố Mậu Thân, nhất định Huế không chấp nhận một cuộc lui quân dù chỉ lui quân vì chiến thuật. Một giai đoạn sai lầm đã được chỉnh trang, sự hốt hoảng, xáo trộn ban đầu đã lắng xuống. Huế đứng vững và Huế trở thành pháo đài niềm tin trong lòng người dân cả nước.

Và như hồi Tết Mậu Thân, những chiến sĩ Mũ xanh đã hiện diện trong những ngày đầu của trận chiến và bóng dáng những chàng trai chiến phục rằn, nón sắt, súng XM.-16 trên tay trở thành hình ảnh thân thuộc của người dân cố đô. Họ ở bên trong, bên ngoài dãy trường thành, kiểm soát sự lưu thông tại những cửa chính dẫn vào Thành nội. Xa hơn nữa phòng tuyến mới dọc theo bờ Nam sông Mỹ Chánh của đoàn Cọp Biển là một tường đồng vách sắt hóa giải mọi ý định tiến sâu xuống phía Nam để chế ngự Huế của Bắc quân. Thế công mới khởi dầu, các chiến sĩ Sư Đoàn 1 đã lấy lại căn cứ Phú Xuân, đoàn Mũ Xanh cũng đã đột kích xuống Hải Lăng và đổ bộ tại Đông Bắc Quảng Trị. Đám mây đen vần vũ những ngày tháng tư tan biến trên vòm trời xứ Huế, vầng trăng mới đã tỏa rạng sự bình an xuống cố đô, dân Huế lần lượt trở về. Sinh hoạt tuy chưa trở lại hơi thở bình thường nhưng những trái tim Huế không còn rộn rã nhịp trống ngũ liên. Nhà đã có người ở, chợ bắt đầu đông và trên các đườug phố vài hàng nước ngọt, bún bò, bánh xèo e lệ nhả khỏi xanh thơm.

” Giờ thứ 25 ” đã kết thúc hoặc không bao giờ đến với Huế lần thứ hai. ” Nhà có người ở” những chữ viết đơn sơ, nguệch ngoạc trên các tấm bìa cứng xé ra từ thùng thực phầm khô nhà binh hoặc kẻ vội bằng than lò trên các bức tường vôi chính diện hàm xúc một xác định : Ngôi nhà của một đời người, một không gian, vùng trú ẩn riêng biệt. Ngôi nhà như một tư hữu bất khả chiếm (trừ trường hợp bạo lực) đểra đi lúc mặt trời lên và trở về khi tan việc, ăn bữa cơm gia đình, nghe tiếng người thân thủ thỉ, con khóc cười bập bẹ tiếng nói lên ba.

Huế đứng vững và tồn lại, không phải vì một vài lời tuyên bố cho rằng hình thức chính thể này tùy thuộc vào trận đánh lịch sử sẽ diễn ra tại Huế. Bởi Huế chỉ là Huế với một đời sống trầm lặng nhưng phản ảnh nhiều màu sắc và hồn tính.

Huế chỉ quyến rũ và mến yêu khi còn được thanh thản nghe tiếng guốc reo vui của đàn chim áo trắng qua cầu Trường Tiền, e ấp trên bến đò Thừa phủ, buổi sáng bình yên ngồi nhấm nháp tách cà phê nơi quán Lạc Sơn, ăn tô bún giò bốc khói, ớt cay nồng chảy cả nước mắt. Và Huế còn nhiều thứ : bánh ướt thịt nướng Kim Long, bánh bèo chả tôm Vĩ Dạ, bánh canh Nam Phổ, cơm hến Đập Đá, bánh khoái cầu Đông Ba. Bao nhiêu hương vị sẽ mất hết ý nghĩa khi phải nối đuôi, xếp hàng trình tiêu thụ như người dân Hà Nội phải làm khi muốn ăn một bát phở.

Một ngày trên xứ Huế phải được bắt đầu như thế, sau đó đến sở làm, trường học, hư việu, hiệu sách, chọn cuốn sách mình ưa thích của tác giả mình nguỡng mộ hay kéo nhau đến nhà thằng bạn thân, đấu láo chuyện thời sự, chuyện đàn bà con gái, nghe nhạc Trịnh công Sơn, rồi trở về khi nắng chiều đã nhạt trên tháp nước Kim Long, đêm huyền diệu khi những nắm kim cương tung toé khắp bầu trời xanh thẳm. Một ngày êm đềm đáng sống, khác hẳn “một ngày của Ivanovitch”.

Mùa Xuân hoa mai nở, mùa hạ sen thắm trong hồ, mùa thu hoa cúc vàng trước ngõ và mùa đông bếp lửa reo vui. Củi đun lò nhặt từ những nhánh lá khô trong vườn hay mua ngoài chợ, không phải thứ củi hàng rào trộm như bác sĩ Jivago, nhân vật của Boris Pasternak đã làm.

***

Bây giờ, nếu chiến trận không diễn ra khốc liệt từ hai tháng qua, Huế đang sửa soạn bước vào mùa thi. Hoa phượng rực đầy lối đi và hương sen ngào ngạt trong hồ nhưng trước cửa phòng thi chưa rộn ràng nhữag đàn chim áo trắng. Hỡi những môi thơm nồng nàn và mắt thăm thẳm hạt huyền của những nàng Lara xứ Huế, hãy mang mua hạ trở về, vì Huế là pháo đài của niềm tin sẽ khôngg có điệp khúc “Chanson de Lara” cho Huế,

Túy Hồng, nhà văn nữ sinh trưởng lại Huế, đã phát biêu một nhận định về Huế “Huế là đất tán chứ không phải đất tụ”. Cho dù Huế là đất tán nhưng trong tâm hồn những đứa con miền Trung vẫn mong mỏi Huế là nơi chốn có thể tìm về bất cứ lúc nào để được nhìn Huế thở hít không khí của Huế, ăn những mớn đặc biệt chỉ có ở Huế.

Không bao giờ Huế phải chịu số phận “Quê hương trong trí nhớ” như Hà Nội, xin mãi mãi Huế sừng sững, pháo đài của niềm tin và bình yên như bức tranh tĩnh vật.

Phạm văn Bình

QUẢNG TRỊ TRONG TRÍ NHỚ (Người Xứ Huế) - Bút ký chiến trường: NHỮNG NGÀY DÀI TRÊN QUÊ HƯƠNG

Năm 17 tuổi, tôi đã bỏ nhà phiêu lưu tận Hà-nội, Hải-phòng trong những tháng cuối cùng của kỳ hạn tập kết. Rồi theo con tàu di cư vào Nam lêu bêu giữa Sàigòn. Và sau đó đi lang bang lên mãi các tỉnh Cao Nguyên rồi vòng xuống miền duyên hải Trung phần. Mười năm phiêu bạt, tôi đã biết nhiều về những vùng trời xa xôi ấy.

Nhưng còn Quảng Trị, miền đất nối liền với Huế bằng 60 cây số quốc lộ và chỉ một giờ xe chạy là tới, tôi vẫn thấy xa lạ, chưa bao giờ có dịp đến đó.

Cho mãi tới năm 1965, tôi mới đặt chân tới Quảng Trị. Tôi đến vào đầu mùa mưa. Cơn mưa ở đây cũng dai dẳng sụt sùi như mưa xứ Huế. Tôi vốn là đứa con sinh ra và lớn lên trong lòng quê hương nghìn năm mưa gió, cho nên khi đến đây đứng dưới cơn mưa này, bỗng thấy lòng ấm lại vì cảm được nét quen thân. Buổi sáng lên xe ở Huế, mưa đã giăng đầy trời. Rồi cơn mưa cứ đeo đẳng chuyến xe chạy dài theo quốc lộ hướng Bắc mà đổ xuống thị xã này.

Trông bến xe, ít ai có thể nghĩ đây là cửa ngõ của thành phố. Trên bãi đất lồi lõm chật hẹp, những chiếc xe cũ kỷ đậu ngang dọc trước một dãy hàng quán lợp tôn. Nó gợi nhớ những quận lỵ âm thầm nào tôi đã đi qua trong nhiều năm phiêu bạt.

Nhưng bến xe Quảng Trị có một nét tương phản là trường Nguyễn Hoàng. Ngôi trường trung bọc ngày tôi đến hình như vừa mới sơn quét nên trông sáng sủa, khang trang. Qua cổng nhà trường dưới làn mưa lất phất, tôi thoáng thấy những người nữ sinh cũng áo dài tha thướt, cũng mái tóc ngang vai. Một cái gì gần gũi và tha thiết.

Từ ngôi trường dễ thương này, tôi theo một con đường nhựa nhỏ đi vào lòng thành phố để bắt đầu sống suốt mùa mưa ở đó.

Quê nghèo

Tôi có cơ hội tìm hiểu đôi chút về Quảng Trị. Nhưng nét nổi bật nhất của tỉnh này vẫn là nghèo, nghèo lắm. Vài khu phố vắng lặng, hàng hóa ế ẩm. Cả khu chợ chính ở đây vào giờ hoạt động nhất trong ngày cũng chỉ lác đác người.

Quảng Trị sau ngày chia đôi đất nước là tỉnh cực bắc của Miền Nam. Các vận chuyển thương mại từ Nam ra đều ngừng lại ở Đà Nẵng trù phú. Quảng Trị cứ lẻ loi dần. Thật ra cả Huế cũng không hơn gì. Nhưng dù sao vì nhiều lý do khác nhau, người ta vẫn còn đến Huế. Riêng Quảng Trị thì không còn gì để níu kéo ai. Họa hoằn đôi khi có một vài phái đoàn du lịch từ đâu chạy vùn vụt qua thị xã ra tận vùng phi quân sự nhìn chiếc cầu Hiền Lương, con sông Bển Hải, chụp ít phim kỷ piệm rồi lại vội vã quay trở về.

Quảng Trị vốn đã nghèo từ mấy trăm năm trước, rồi vì hoàn cảnh đổi thay của đất nước mà cứ lẻ loi dần và nghèo thêm mãi. Phần đông các ngôi nhà lầu tương đối khang trang, những cửa tiệm có nhiều hàng hóa nhất trong thị xã lại không phải là của người Quảng Trị. Chủ nhân là dân tứ xứ đến khai thác túi tiền địa phương. Họ làm giàu rồi chuyển sự giàu có đi nơi khác.

Đôi mắt người nữ tu

Một đặc điểm khác của Quảng Trị là rất nhiều người có đạo Công giáo. Hầu hết là đạo dòng từ hơn trăm năm nay. Thế kỷ trước, triều đình nhà Nguyễn ở kinh đô Huế tìm mọi cách để tiêu diệt đạo Công giáo và sát hại các giáo dân. Nhưng Quảng Trị nhờ nằm hơi xa tầm mắt vua chúa và lại có cửa bể cho các cố đạo ra vào dễ dàng nên đạo nơi đây đã phát triễn mạnh. Ngày nay, ngoài ngôi nhà thờ Đức Mẹ tọa lạc trên ngọn đồi La Vang nổi tiếng, còn rất nhiều nhà thờ nhỏ khác rải rác khắp làng xã Quảng Trị.

Giáo dân ở đây khá đông. Tôi không rõ số đích xác là bao nhiêu. Nhưng đi đâu tôi cũng gặp đàn chiên của Chúa, có một cách để tôi nhận ra ai là người Công giáo lâu đời ở đây. Cứ nhìn vào đôi mắt họ. Có một nét gì là lạ. Ánh mắt họ xa xôi sâu thẳm như hướng về một cái huyền bí cách trở nào. Nét chung chung của người dân Quảng Trị la nước da sậm đen và khuôn mặt hốc hác vì sống gần biển lại lao lực nhiều. Nhưng đôi mắt của nguời có đạo dòng vẫn ánh lên niềm tin trên gương mặt phong trần đó.

Nhiều cụ già ở đây giải thích cho tôi rằng người theo đạo vì quen đọc kinh cầu nguyện, tâm trí và đôi mắt luôn luôn hướng về cõi siêu hình, ngày lại ngày tạo cho họ một ánh mắt diệu vợi. Rồi họ sinh con đẻ cháu, đời nầy qua đời khác, con mắt đặc biệt đó biến thành nét lưu truyền trong giòng bọ.

Có lần tôi đã bắt gặp đôi mắt huyền diệu ấy nhưng đẹp hơn hẳn những đôi mắt huyền diệu khác của các giáo dân. Đó là đôi mắt một người nữ tu hiệu trưởng một ngôi trường nhỏ ở Quảng Trị. Hôm nói chuyện với cô trong văn phòng nhà trường tôi thật không ngờ người đi tu lại có khuôn mặt diễm lệ và dáng dấp đài các đến thế.

Nếu thay chiếc áo dòng của cô bằng bộ áo trần tục, tôi tin chắc người nữ tu ấy có quyền dẫm lên hàng triệu con tim đàn ông mà bườc.

Lúc ra về, tôi nói với anh bạn cùng đi rằng: “Không biết ai xúi dại cô ta bỏ đi tu như vậy”

Những Kinh Kha của thế kỷ 20

Đã nhiều giáo dân, Quảng Trị lại có nhiều người theo đảng phái chính trị nữa. Đảng ở đây chống Cộng kịch liệt. Có lẽ hai yếu tố Thiên chúa Giáo và đảng phái quốc gia đã un đúc cho đồng bào tỉnh này một lập trường dứt khoát với Cộng Sản đó cũng là lợi thế cho chính quyền địa phương.

Trong thời gian tôi lưu trú ở Quảng Trị có khá nhiều tổ chức tình báo Việt Nam và Mỹ gửi chuyên viên đến đây để lập các hệ thống sưu tầm tin tức hướng về nội địa Bắc Việt. Họ đã nhờ vào dân chúng địa phương rất nhiều. Các bản doanh tình báo thường đặt ở Đông Hà nằm về phía Bắc thành phố Quảng Trị và cái vùng phi quân sự. Đông Hà là thị trấn rất nhỏ. Ít ai ngờ cái phố thị khiêm nhường kia một dạo đã là tiền đồn chiến lược về cả quân sự lẫn tình báo.

Năm 1966, một viên đại úy từ Saigon ra tuyển dụng ngay tại địa phương một vị tu xuất lớn tuổi. Ông già này hàng ngày mang nải thuốc tây đi vào các thôn ấp vùng Đông Hà, Gio Linh để chấm định và tuyển dụng các tình báo viên. Những người này đóng vai Kinh Kha của thời đại mới vượt sông Bến Hải qua đặc khu Vĩnh Linh của CSBV. Dần dà họ đi sâu vào Nghệ An, Thanh Hóa. Một vài người bị phản gián CSBV bắt giết. Ông già tu xuất cũng bị thương vì đạn pháo kích của Việt Cộng ở Đông Hà. Nhưng ông ta không chịu vào Huế điều trị như lời đề nghị của viên đại úy mà nhất quyết tiếp nối công tác.

Kế hoạch còn dự trù đẩy các tình báo viên đó đi sâu hơn nữa vào nội địa Bắc Việt và thiết lập các đường dây có triển vọng kéo dài tới gần Hà Nội. Nhưng sau đó vì phương tiện yễm trợ thiếu thốn nên công tác phải bỏ dở dang.

Giòng sông định mệnh

Nếu tinh thần chống cộng, tinh thần sùng đạo của người dân Quảng Trị làm nên đặc tính của miền đất này thì cũng còn một đặc điểm khác ở đây mà người VN nào, người ngoại quốc nào cũng phải biết đến. Đó là con sông Bến Hải với chiếc cầu Hiền Lương. Rất nhiều du khách vượt hàng ngàn, có khi hàng chục ngàn cây số đến đây để nhìn tận mắt giòng sông lịch sử này.

Từ Quảng Trị đi theo quốc lộ 1 theo hướng Bắc qua một chặng đèo ngắn trên ấy có vài đồn bót của Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến, xe của du khách sẽ xuống thấp dần và đến Trung Lương nơi đặt một kỳ đài cao lêu nghêu.

Trước kia kỳ đài này thấp hơn nhiều. Một hôm người ta dựng lên một cột cờ mới cao hơn. Bên kia bờ Bến Hải, CSBV thấy cột cờ của họ thấy thua, họ liền dựng cột khác cao hơn của ta. Bên ta lại thi đua leo thang cột cờ. Rồi CSBV cũng hăng máu thi đua theo và cứ thế mà 2 kỳ đài Nam Bắc lên cao mãi cho tới ngày tôi tới thăm (cuối năm 1965) thì thấy kỳ đài của ta cao hơn của bên kia một tí.

Đi bộ từ đồn Cảnh Sát Trung Lương chừng vài trăm thước, khách có thể đứng ngay trên đầu cầu Hiền Lương phía Nam. Khách có thể trông rõ ràng người lính Công An võ trang của CSBV đứng gác bên kia cầu. Không có vật gì ngăn đôi chiếc cầu cả. Ngoại trừ 2 phần cầu được sơn hai màu khác hẳn nhau.

Về cái màu cây cầu cũng có một lịch sử thi đua. Trước kia toàn cầu là màu đen. Bên ta thấy cầu cũ quá nên cho sơn lại, dĩ nhiên sơn nửa thân cầu phía Nam thôi. Bên CSBV tức mình cũng cho sơn lại phân nửa cầu của họ, nhưng lại sơn màu khác. Vì vậy, chiếc cầu Hiền Lương đã mang hai màu tượng trưng cho sự cách biệt hai miền đất nước.

Bên kia cầu, quốc lộ 1 vẫn tiếp tục chạy thẳng ra hướng Bắc. Nhiều người Hà Nội đã nói với tôi là họ thích đứng đây, nhắm con mắt lại để tưởng tượng mình đang ngồi trên con tàu xuyên Việt theo quốc lộ thẳng tắp đó mà về tận cố đô yêu dấu.

Chính cũng tại cây cầu Hiền Lương này mà trước đây Tướng Nguyễn Chánh Thi đã tống khứ ra Bắc Việt các lãnh tụ trong phong trào hòa bình thân Cộng trong số đó có ông bác sĩ thân phụ của bà tranh đấu hung hăng Ngô Bá Thành.

Phải đứng trên đầu cầu Hiền Lương mới nhận ra tất cả cái phi lý của lịch sử. Chiếc cầu sắt rất hẹp, rất ngắn, bách hộ 5 phút là tới mà nó lại làm nên cả Vạn lý trường thành ngăn đôi hai thế giới thù nghịch.

Rồi phải bước xuống bãi cỏ dưới chân cầu để nhìn giòng sống êm ả trước mắt mà thấm thía hơn nỗi bẽ bàng của đất nước. Con sông quá hẹp, chỉ bơi vài chục sải tay là tới. Khách có thể điềm nhiên bước xuống rửa ráy ở bờ sông. Tôi không rõ con nước bên này và bên kia bờ có chất gì khác nhau không ? Thỉnh thoảng người ta vẫn cho đàn trâu xuống trầm mình dưới sông. Nếu có con trâu nào nổi hứng lội sang bên kia bờ liệu nó có biến thành con trâu… Cộng sản chăng ?

Advertisements
REPORT THIS AD

Buổi chiều, người dân Trung Lương vẫn xuống đây giặt giũ, tắm rửa. Dù sao, Bến Hải vẫn là con “sông nhà” của họ.

Hải Lăng, quê hương của những cung tần mỹ nữ

Trên một chuyến xe đò nào trong quá khứ, có một ông khách lớn tuổi đã tỉ tê với tôi rằng Hải Lăng là nơi sản xuất nhiều gái đẹp và lãng mạn nhất miền này. Một số ái phi, cung tần mỹ nữ của vua chúa nhà Nguyễn vốn xuất thân từ Hải Lăng. Ông khách qua đường còn hóm hỉnh thêm rằng người trai phương xa nào đến đây nếu muốn lấy vợ Quảng Trị thì phải tìm cho ra con gái Hải Lăng mà lấy. Tôi đã cười và sau khi xuống xe cũng quên chuyện vu vơ đó.

Nhưng mùa mưa năm ấy, tôi đã gặp và yêu một nữ sinh trường Nguyễn Hoàng ở thành phố Quảng Trị. Sự tình cờ nàng lại là con gái Hải Lăng.

Những ngày cuối tuần, tôi đã đi về trên chặng đường mười mấy cây số, suốt hai bên là ruộng đồng và cỏ nội, nối liền thị xã Quảng Trị với quận lỵ Hải Lăng. Cái quận lỵ cực Nam của tỉnh mà trước kia nhiền lần chạy xe qua đó tôi chưa hề để ý. Vì quận nằm vào một vị trí e ấp. Đi qua đây, bên một sườn dọc của quốc lộ 1, khách chỉ thấy tấm bảng đề Chi Khu Hải Lăng ở trước vài căn nhà đơn sơ dùng làm trụ sở. Còn chợ búa, nhà cửa, dân chúng… thì lùi đàng xa, ẩn hiện sau những lùm tre nghiêng ngả bên kia lối mòn băng qua một thửa ruộng dài.

Những ngày gió mưa lầy lội, tôi đã băng qua thửa ruộng đó. “Một yêu là sự đã liều…” Hãy đi vào lối chợ. Hãy lần bước trên những đường đất quanh co đầy lá tre xào xạc. Hãy nhìn vào các căn nhà kín đáo âm thầm. Nhìn những mái tóc, những khuôn mặt thanh thoát, những ánh mắt sao quá đa tình gặp một lần rồi nhớ mãi.

Dạo về Hải Lăng, nhìn vào Lâm, tôi thật không còn ước mơ nào hơn nữa. Lâm và hình như một số thiếu nữ khác ở Hải Lăng cũng vậy, có nước da nõn nà không giống người các vùng khác của Quảng Trị. Một người bạn ngoài đó có lần nói với tôi :

– Mày mà lấy con Lâm thì sẽ nguy hiểm lắm.

Tôi hỏi vì sao. Anh ta bảo :

– Có ngày mày phải ngạt thở mà chết vì bộ ngực của nó.

Tôi mỉm cười sung sướng về câu nói đùa hàm ý khen tặng Lâm. Ngoài khuôn mặt phúc hậu, nàng còn được trời cho một thân hình nẩy nở với gò ngực căn phồng và êm ả .

Hôm đầu tiên bước vào nhà Lâm, tôi thấy ngay ở giữa nhà treo một bức hoành lớn sơn son thếp vàng. Tôi hỏi mẹ Lâm rằng bốn chữ Tứ Đại Đồng Đường này được Vua ban bao giờ vậy ? Mẹ Lâm ngạc nhiên và sung sướng nhìn tôi :

– Ủa, anh cũng biết đọc chữ Hán nữa à ?

Tôi mỉm cười nói với bà : “thật là một phúc lớn”. Tôi biết mẹ Lâm kiêu hãnh lắm cũng như một số gia đình khác ở Hải Lăng vẫn kiêu hãnh về những gì được vua ban tặng.

Thật tình tôi không biết chi về Hán văn cả, nhưng ở Huế tôi đã gặp một số bức hoành có 4 chữ Tứ Đại Đồng Đường Vua ban như vậy, nên quen mắt đi thôi. Các cụ già giảng giải rằng ngày xưa giòng họ nào có đủ 4 thế hệ còn sống (từ ông cố, ông nội đến cha con chắt chiu) thì coi như nhà đại phước và được Vua ban thưởng 4 chữ quý hóa đó.

***

Năm nay đứng giữa thủ đô Sàigòn, nghe tin khói lửa bốc cháy trên xóm làng Hải Lăng, tôi bồn chồn nghĩ về vùng đất heo hút kia với bao nhiêu kỹ niệm thân yêu bừng sống dậy.

Có khi tôi buông mình theo giấc mơ làm người lính chiến có mặt trong quân đoàn trở lại Hải Lăng, cái quận lỵ mà có lần tôi đã nối với bạn bè ở Quảng Trị là nếu sau này làm Quốc Trưởng tôi sẽ cho đổi tên thành quận Hải Lâm, chỉ vì người con gái tôi yêu ở đó mang tên Lâm.

Nhưng dù cho hai điều mơ ước đó có thực hiện được chăng nữa thì cũng chỉ là dã tràng xe cát biển đông. Từ sau bữa cơm chia tay ở nhà Lâm, trước ngày tôi nhập ngũ cuối năm 65, thì đường đời đã diệu vợi. Rồi 31 tháng trước đây, Lâm đi lấy chồng. Rồi những biến cố quân sự đột khởi, rồi loạn lạc chết chóc vã không còn tin tức gì nữa về người xưa. Đó có lẽ là một kết thúc quá tầm thường trong thời buổi loạn ly bây giờ.

Nhưng sao tôi vẫn khao khát trở về đó, nhìn lại Hải Lăng trong tai biến… Lâm và bao nhiêu người con gái đẹp thuần hậu như Lâm hình hài đã dập vùi đâu đó dưới bờ tre ruộng lúa của quê hương.

Tôi muốn về Hải Lăng xem có còn không ngôi nhà của Lâm với 4 chữ Tứ Đại Đồng Đường vàng son kiêu hãnh, với bờ dậu chè tầu xanh ngắt thật cao che kín khuôn sân rộng có nhiều cát xám. Khuôn sân mà sau bữa cơm chia tay, Lâm tiễn tôi đi ngang qua đó, trời chiều đã tạnh mưa, mẹ Lâm đem mấy cánh áo ra phơi, tôi muốn tự dối mình rằng cảnh cũ người xưa Hải Lăng vẫn còn đó, vẫn sống mãi huyền hoặc như trong thơ Trần Dạ Từ :

Em mười sáu tuổi, trăng mười sáu
Áo lụa phơi buồn sân gió xưa

Người Xứ Huế

THỦY QUÂN LỤC CHIẾN PHÒNG THỦ MỸ CHÁNH NHƯ THẾ NÀO ? (Hùynh văn Phú) - Bút ký chiến trường: NHỮNG NGÀY DÀI TRÊN QUÊ HƯƠNG

I. Giòng sông Mỹ Chánh

Điều mà ít ai ngờ đến đã biến thành sự thật, một sự thật tàn khốc trong cuộc chiến tranh diệt chủng hiện tại. Đó là việc Hà Nội công khai xua quân tràn qua con sông ngăn cách Bến Hải với hàng ngàn xe tăng, đại pháo 130 ly và hỏa tiễn xâm lăng miền Nam Việt Nam. Và nếu chiến cuộc không bùng nổ lớn như thế, cái tên Mỹ Chánh cũng như bao nhiêu địa danh xa xôi khác trên phần đất khốn khổ này đã không trở thành quen thuộc với mọi người như hiện tại.

Vào những ngày đầu tiên của tháng 4-72 khi trận chiến bùng lên dữ dội, các căn cứ hỏa lực của ta nằm dọc theo khu phi quân sự bị thất thủ, sự sinh hoạt ở Mỹ Chánh vẫn bình thường. Người ta vẫn tấp nập đi đi về về, và giòng nước vẫn lặng lờ xuôi chảy ra Phá Tam Giang. Và cũng không một ai có thể nghĩ rằng một tháng sau đó, con sông Mỹ Chánh đã đi vào huyền sử đấu tranh của dân tộc. Bây giờ thì bất cứ người lính TQLC nào cũng có quyền hãnh diện khi nhắc đến địa danh đó. Nơi đây, gót giày xâm lăng của quân Cộng sản miền Bắc đã chùn bước và đã bỏ lại dọc theo giòng sông đó hàng trăm chiếc xe tăng đủ loại, hàng ngàn xác chết của đồng bọn khi chúng mưu toan tiến sâu hơn về phía Nam. Trong bài viết này tôi sẽ ghi lại một cách tóm lược trong truờng hợp nào mà con sông Mỹ Chánh trở thành phòng-tuyến bảo vệ Cố đô Huế từ sau cuộc lui binh (…) của Sư Đoàn 3 BB ra khỏi tỉnh Quảng Trị ngày 1-5-72, cùng những diễn biển tổng quát và những người lính TQLC đã chiến đấu như thế nào để giữ vững phòng tuyến này.

Ngày 15-4 tôi từ giã Saigon ra đơn vị trong khi học “nửa chừng” khóa học “điều chỉnh” rất ư là “Cultivateur” tại trường Bộ Binh Thủ Đức, một quân trường mà buổi sáng ngủ dậy đã có gánh hàng rong bán bánh cuốn, bún riêu la ơi ới ở đầu giường, buổi trưa thì đậu hũ và chè cháo loạn xạ. Khoảng thời gian này, từ 10-4 đến 30 tháng 4-72 Lữ đoàn 369/TQLC với các Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9/TQLC đang hoạt động ở phía Tây và Tây Bắc Mỹ Chánh trong một khu vực rộng chừng 200 cây số vuông gồm các căn cứ Nancy, căn cứ Barbara và căn cứ Động Ông Đô nhằm ngăn chận sự xâm nhập của Cộng quân từ mặt Tây Nam Quảng Trị. Đơn vị tôi thì đóng tại căn cứ Nancy nằm bên trái quốc lộ l, cách cây cầu Mỹ Chánh chừng một cây số về phía Tây Bắc, sau đó di chuyển ra đóng ở một ngôi làng nhỏ, kín đáo sát bên cạnh đường rầy xe lửa. Gần một tháng trời chịu trách nhiệm khu vực trên, các đơn vị thuộc Lữ đoàn 369/TQLC đã chiến đấu trong những hoàn cảnh cực kỳ gian khổ. Hàng ngày chạm địch liên miên từ cấp Tiểu đoàn trở lên, đại pháo 130 ly của địch nã như mưa bấc, mọi công tác tải thương đều phải di chuyển bằng đường bộ, khiêng hoặc cáng đi trên một quãng đường dài gần 10 cây số đường núi vì trực thăng không có. (…)

Nhưng dù thế nào mặc lòng, các chiến sĩ TQLC cũng đã chiến đấu hăng say trong hoàn cảnh eo hẹp đó và mọi cố gắng của địch tiến quân ra vùng đồng bằng thuộc quận Hải Lăng đều bị chặn đứng hoàn toàn. Vì ai cũng hiểu rằng nếu để địch xâm nhập được thì tỉnh Quảng Trị bị cô lập ngay và quốc lộ 1 bị cắt đứt. Do đó địch quân cay cú, hằng ngày chúng gia tăng pháo kích các đơn vị của ta. Các pháo đội của Tiểu đoàn 1 PB/TQLC phải thay đổi vị trí đặt súng ngày một, nhưng di chuyển đi đâu cũng đều bị chúng pháo theo. Tiền sát viên của địch bám rất sát mọi sự xê dịch, di chuyển của ta. Lâu lâu quân ta bắt được một vài tên có máy móc vô tuyến đàng hoàng nhưng cường độ pháo kích của địch vẫn không hề suy giảm.

Tôi đã từng nghe những tiếng nổ, tiếng rít của các loại hỏa tiễn 122 ly, 240 nhưng lần này tiếng rít xé gió đi trong không khí cũng như tiếng nổ của loại đại bác 130 ly (bắn xa 27 cây số do Nga Sô chế tạo) nghe thật khiếp. Tiếng rít xé gió bay qua đầu, tôi có cảm tưởng như là tiếng phản lực bay trên trời. Rồi tiếp theo là một tiếng nổ thật lớn nhưng ấm, mảnh văng tung tóe rơi trên những mái nhà tôn như có ai lấy thật nhiều đá ném lên. Mảnh nào mảnh nấy to bằng cái chén và văng ra xa trong vòng bán kính 200th. Chẳng có ai biết chúng đặt súng ở đâu cả (Biết thì còn nói làm chi nữa) nhưng nghe được tiếng départ ở đâu trong dãy núi xa xa rồi sau đó khoảng chừng 5, 7 giây là đạn đã bay đến nổ ầm rồi.

Thường thì chúng cứ bắn hai quả một. Lính tráng hễ nghe hai tiếng départ ùng ùng thì la to : ” Một. cặp” đó các anh em ơi! Thế là mọi người chui lẹ vào hầm. Địch bớt pháo thì chui ra. Cứ chui ra chui vào như thế suốt ngày. Cái hoạt cảnh, lên hầm xuống hầm đó có lẽ tôi chẳng bao giờ quên được, nhất là khi một mảnh đạn văng rơi trên cái mũ sắt của tôi đánh cồng một tiếng như tiếng chuông chùa. Ôi ta thương cái mũ sắt biết chừng nào! Có hôm mấy trăm quả nã vào đơn vị của tôi, ôi thôi tơi bời hoa lá nhưng khi kiểm điểm lại thì chỉ có một chết và 3 bị thương vì đạn rớt trúng ngay hầm. Giữa lúc bị pháo kích, ai nấy ở trong hầm tinh thần căng thẳng nhưng khi nghe một quả bị lép không nổ thì một mọi người lại vỗ tay cười.

Tôi cũng không biết họ nghĩ sao mà lại cười như thế, có lẽ cười vì cái khôi hài của chiến tranh tự nhiên khi không bắn giết nhau. Riêng tôi thì tôi thương cái hầm của tôi hết sức, hôm nào đổi vị trí đóng quân, tôi không tiếc cái gì hết chỉ tiếc có cái hầm mà mấy thầy trò, anh em tôi đã đào đắp công phu. Nhiều khi nhìn nó, tôi nghĩ đến sự nhiệm mầu của đất. Đất nuôi sống con người, cứu vãn con người và khi người ta buông xuôi cũng trở về với 3 thước đất. Trên cõi đời ô trọc và buồn phiền này có cái gì tồn tại hơn là đất cát. Và đó có lẽ là cái ý nghĩa sau cùng của con người nhưng buồn thay không mấy ai để ý đến, chỉ lo đi tìm những cái ảo ảnh, danh vọng để lừa dối, phản bội và bắn giết nhau.

II.Hành lang máu

Khoảng thời gian đó, ngày cũng như đêm đối với tôi thật là dài. Ngày thì nóng, nóng tàn nhẫn. Trời không một cơn gió. Mồ hôi vã ra như tắm. Bên tai lúc nào cũng nghe tiếng súng, tiếng pháo của ta và tiếng pháo của địch xen lẫn những tiếng súng nhỏ của các đơn vị đang đụng độ. Ban đêm thì trời trong, sao giăng mắc. Chùm Đại Hùng Tinh với ngôi sao Bắc Đẩu in rõ trên nền trời, còn chùm sao Hiệp Sĩ nữa, cả hai đều chỉ về phương Bắc, nơi đó thành phố Quảng Trị đang cố đẩy lui các cuộc tấn công của Cộng quân. Hỏa châu thả sáng đầy trời, thỉnh thoảng ở phía Đông những lằn lửa xẹt lên ngang bầu trời rồi vụt tắt. Có lẽ đó là hải pháo đang bắn đi từ ngoài biển, đôi khi tôi cũng thấy những cụm lửa thật to của chiếc hỏa tiễn SAM của địch bắn lên các phi cơ.

Cho đến giờ phút đó, phòng tuyến ở phía Tây Mỹ Chánh do TQLC trấn giữ vẫn vững như bàn thạch. Và không một ai nghĩ rằng Quảng Tri sẽ bị thất thủ cả. Nhưng đùng một cái, trong các ngày 28, 29 và 30-4. Cộng quân pháo kích dữ dội vào thành phố Quảng Trị. Thế là dân chúng hoảng hốt, bồng bế nhau chạy đi về Huế lánh nạn. Không thể nào kể hết những thảm cảnh của đám dân chạy nạn đó. Trong hai ngày 29 và 30-4, trên quãng đường dài từ Quảng Trị đến Mỹ Chánh, người ta đi chen chúc nhau chật cả quốc lộ từ sáng đến chiều vẫn chưa dứt. Thôi thì đủ các loại xe lớn nhỏ nối đuôi nhau đi nườm nượp về Nam. Nhưng người đi bộ, gồng gánh vẫn nhiều hơn. Dưới mắt tôi, đó là một “con rắn người” khổng lồ ngoằn ngoèo dài đến hàng mấy chục cây số. Đây là một người thanh niên cõng một người mù vừa đi vừa thở, đàng kia là một người đàn bà gánh đôi thúng, trên đó một em bé chừng 4 tuổi đang vốc cơm ăn ngon lành.

Chỗ khác, hết cả một gia đình đang ra sức đẩy cái xe bò chất đủ thứ áo quần, bàn ghế và một con heo nằm co quắp ở phía trước. Một ông già, hình như là chủ gia đình đang kéo chiếc xe một cách mệt nhọc. Chiếc máy ảnh cầm trên tay, tôi đến trước mặt ông và bấm một “bô”. Ông cố nở một nụ cười đau khổ. Không biết ông cười vì được chụp ảnh hay cười vì cảnh đời dâu bể này ? Và trong ánh nắng hoàng hôn của ngày 29-4 một bà già có tật đang khập khểnh đi nhờ chiếc gậy trên tay, cái bóng đổ dài trên mặt đường. Bà ta đi chừng mười bựớc thì lại dừng. Xa hơn một chút, một ông già và hai cháu nhỏ đang ngồi thở dốc trên vệ đường.

Ngay trước vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 5/TQLC, các anh chiến sĩ đem mấy thùng nước ra để bên đường cho dân uống, có anh đem cả phần gạo sấy của mình chia cho những gia đình đang đói lả. Dù sao đây cũng là những người còn được ít nhiều may mắn vì đã vượt về đến Mỹ Chánh. Một số lớn dân chúng bị kẹt trong vùng giao tranh giữa ta và địch tại cây cầu Bến Đá, 6 cây số Bắc Mỹ Chánh. Đó là khoảng đường “hành lang máu” của hàng ngàn dân vô tội chết oan trong khi đi lánh nạn. Lợi dụng một lỗ hổng nhỏ do sự rút quân của Tiểu đoàn 7/TQLC để đi ra tăng cường mặt trận Quảng Trị, Cộng quân đã xâm nhập được cây cầu Bến Đá và từ đó chận đốt những đoàn xe chở dân chúng cũng như bắn giết dân chạy nạn không tiếc tay.

Dân chúng đang đi trên đường thì bị hàng loạt đại bác 130 ly ngã ra chết. Những cái chết vô lý bủa chụp xuống đời họ như những nỗi kinh hoàng. Họ có biết gì đâu. Có cả một chiếc xe bị bắn lật nhào xuống hố kéo theo 30 mạng người và cái hố đó là mồ chôn chính họ luôn. Trên khoảng đường này không có một gia đình nào nguyên vẹn, kẻ mất người còn và thất lạc tứ tung.

Đấy sự nghiệp giải phóng của đoàn quân miền Bắc là như thế đó. Giải phóng người sống về mau bên kia thế giới, giải phóng tất cả sự nghiệp của mọi người trở về hai bàn tay trắng. Những hình ảnh đó có lẽ suốt đời tôi không thể nào quên được. Mỗi ngày, tôi từ vị trí đóng quân ra ngồi trên con đường sắt, con đường mà ngày xưa xe lửa đã chạy ra đến Hà Nội, nhìn đám dân lũ lượt kéo nhau đi mà lòng nghe chua xót. Tôi cố tìm trong đám người đi đó xem có ai quen thuộc không nhưng không, không có ai cả. Tôi muốn chia xẻ những nỗi khổ đau với họ nhưng tôi đã hoàn toàn bất lực

III. Bên này sông, bên kia sông

Giữa toán người đi hỗn độn đó, Tiểu đoàn 5/TQLC tung quân lên cầu Đập Đá để giải vây áp lực địch, tại đây Tiểu đoàn 7/TQLC khi đi tăng cường cho mặt trận Bắc Quảng Trị vẫn còn bị kẹt lại hai đại đội ở khúc đường này. Hai đơn vị phối hợp nhau đánh bật địch quân về phía Tây, cuộc giao tranh kéo dài suốt ngày, các chiến sĩ TQLC đã thanh toán hết các phần tử địch vừa xâm nhập ở đây.

Cho đến giờ phút đó, mặt trận phía Tây Mỹ Chánh vẫn vững như vách núi Trường Sơn, nhưng việc gì đến đã xẩy đến. Ngày 1-5-72 các đơn vị tử thủ Quảng Trị rời bỏ thành phố di chuyển về Nam. Cuộc lui binh mà trước đó mấy ngày ít ai nghĩ đến đã thành sự thật. Và tình hình bây giờ đổi khác, Lữ đoàn 369/TQLC trở thành tuyến đầu ngăn chận địch tại Mỹ Chánh, không còn một đơn vị bạn nào khác nữa.

Bám sát các cánh quân của ta vừa di tản chiến thuật ra khỏi tỉnh Quảng Trị, Cộng quân lần lần tiến theo cho đến quận Hải Lăng. Tại đây các đơn vị thuộc Lữ đoàn 369/TQLC một mặt “tiếp rước” các đơn vị bạn từ Bắc xuống, mặt khác cố đánh bật địch dội ngược trở lên. Nội trong buổi sáng ngày 1-5 Tiểu đoàn 9/TQLC đã dùng súng M.72 hạ một lúc 9 xe Tăng T.54 của Cộng sản Bắc Việt chặn đứng hoàn toàn sức tiến của địch. Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 2/TQLC đã quần thảo với địch suốt trong ngày dài nhất đó với một mục đích duy nhất: Không cho chúng tiến thêm một tấc đất nào nữa kể từ khu vực này.

Sau đó cây cầu Mỹ Chánh được giật sập ngay trong đêm và các đơn vị TQLC thiết lập một phòng tuyến mới ở bên này con sông. Theo sát những diễn biến, tôi đã nghĩ rằng nếu ngày hôm ấy mà không có các Tiểu đoàn 2 và 9/TQLC kiên trì chận đứng được địch quân tại Mỹ Chánh giữa cơn ngặt nghèo đó thì không biết chiến trường trong những ngày kế tiếp sẽ diễn biến ra sao và đến đâu. Một Nguyễn Kim Để của Tiểu đoàn 9, một Nguyễn Xuân Phúc của Tiểu đoàn 2/TQLC tại mặt trận Mỹ Chánh ngày 1-5 cũng như một Đỗ Hữu Tùng của Tiểu đoàn 6/TQLC trong trận “xa chiến lớn” tại căn cứ Phượng Hoàng ngày 9-4 là những đơn vị trưởng đã góp công không nhỏ trên chiến trường Trị Thiên suốt 60 ngày chiến đấu đẩm máu.

Họ là những sĩ quan có đầy đủ kích thước tài ba và mưu lược để chỉ huy những đơn vị cỡ trung cấp. Đại Tá Phạm Văn Chung, Lữ đoàn Trưởng LĐ369/TQLC, người chỉ huy trận đánh và đơn phương quyết định phải chặn địch ngay tức khắc tại phòng tuyến Mỹ Chánh cũng đã không tiếc lời ngợi khen hai đơn vị nói trên. (Bây giờ Đại Tá Chung về Bộ Tư Lệnh SĐTQLC làm Tham mưu trưởng hành quân, Trung Tá Nguyễn Thế Lương thay thế).

Buổi chiều, khi tôi rời Mỹ Chánh để về đóng quân tại Phong Điền, ánh nắng vàng vọt buồn bã ngả dài trên những dãy núi phía Tây lổ chổ những vệt xanh vệt trắng. Nhà cửa hai bên đường không một bóng người, quang cảnh thật thê lương. Đã nhiều lần tôi bắt gặp lòng mình lắng sâu trong lòng cảnh vật bởi tôi đã đi trên cái hoang vắng đó. Trên con đường nhựa duy nhất một ông già với chiếc bị da đã ngả mầu trên vai, đi âm thầm trong ánh nắng hoàng hôn sắp tắt.

Ông đã đi giữa buổi hoàng hôn của cuộc đời và hoàng hôn của đất trời. Nhưng ai biết được ông đi về đâu ? Tôi quay về phía sau, bóng những người lính TQLC in lên trên nền trời đang dần dần đổi sang màu đen của bóng đêm. Xa hơn, về phía Bắc những cụm khói đen khổng lồ bốc lên cao cùng những tiếng nổ ì ầm. Quảng Trị đã xa tầm tay với! Ít ra trong lúc này, niềm ước mơ có phút rỗi rảnh nào đó được “dọt” lẹ về thành phố này uống một chai bia, ăn một tô bún đã không thể thành tựu đựợc nữa.

Và cái truyện Bên Kia Giáo Đường của gôi cũng tan thành mây khói, không biết đến bao giờ mới xong vì nhân vật chính đã phiêu bạt ở phương nào rồi. Tôi cũng ước mong được trở lại căn nhà mà tôi đã trú đóng ở bên kia giòng sông Mỹ Chánh, không biết để làm gì, vì nơi đó không phải là quê hương của tôi nhưng tôi mong muốn như thế, sớm hơn. Niềm mong ước đó cũng giống như hàng vạn người dân Quảng Trị mong sớm được về nhìn giòng sông Thạch Hãn của bọ. Nhưng tôi tin chắc rằng niềm mong ước của họ lớn lao hơn, to tát hơn. Trong buổi chiều đó, khi đi ngang qua cây cầu, tôi đã “tức cảnh sinh tình”, và rất lẩn thẩn “mần” ra mấy câu “thi” thuộc loại siêu tự do, siêu khôi hài mà chỉ có những đại thi sĩ cỡ “khều mặt trời” mới mần ra nỗi. Bài thơ như sau :

Tôi ở bên này sông Mỹ Chánh,
Anh ở bên kia sông.
Đứng bên này sông,
Nhìn thấy bên kia.
Đứng ở bên kia,
Trông thấy bên nầy.
Lội ra giữa giòng sông,
Nhìn thấy cả hai bên.
Lặn xuống nước,
Chả trông thấy bên nào cả!

IV- Một quan niệm về phòng thủ tấn công

Đoàn xe chở chúng tôi rời Mỹ Chánh chừng 3 cây số về phía Nam thì thay vì chạy trên đường lại rẽ trái chạy trên khoảng đất song song với đường nhựa, có lẽ khúc đường này bị đặt mìn chưa xử dụng được. Đoàn xe chạy trên đường đất chừng 100 thước thì ầm ầm, những tiếng nổ vang dội ở trước đầu xe, bụi tung bay mù mịt không trông thấy gì cả. Ngay quả nổ đầu tiên, trong trí óc của tôi lúc bấy giờ, tôi tưởng rằng đoàn xe đã bị địch phục kích và trong phút giây, tôi cố chờ đợi những tiếng đại liên xổ ra như kinh nghiệm cho thấy những lần bị phục kích. Nhưng may quá, không có đại liên và súng nhỏ. Rồi những tiếng nổ ì ầm tiếp theo. Tôi nhận ra tiếng nổ ấm và rất quen thuộc của loại đạn M.79. Tôi chợt yên tâm hơn, phía trước 3 chiếc xe chạy đầu vẫn tiếp tục chạy, một chiếc xe Jeep đã bị nổ lốp nhưng vẫn cứ phom phom. Tôi giục tài xế:

-Tống hết ga chạy nhanh lên,

Chiếc xe chồm lên chạy giữa đám khói mịt mù cùng những tiếng nổ tiếp theo. Khổ quá! Vài người “anh em thù nghịch” mò ra ở khu rừng thấp bên phía Tây bắn M.79 vào đoàn xe của chúng tôi chơi cho vui giữa lúc bóng đêm sắp sửa xông lên từ lòng đất. Đến quận Phong Điền, kiểm điểm lại chỉ hai người bị thương nhẹ ở đùi mà thôi. Những chiếc xe chạy ở phía sau cũng đã đến an toàn. Buổi tối đó, tại chi khu Phong Điền, Thiếu Tá Bích, Quận Trưởng, một niên trưởng của tôi đã mời chúng tôi mấy chai bia, chưa bao giờ tôi thấy bia ngon như đêm hôm đó. Vài ngày sau tôi có dịp đi Huế để nhìn ngắm kết quả của cuộc lui binh ngày 1-5 ra khỏi Quảng Trị. Phố xá tiêu điều, hàng quán đóng kín cửa. Chợ Đông Ba bị đốt cháy nám đen. Huế lúc đó là một thành phố chết, không thể mua được một cái gì cả. Giòng sông Hương đã vắng bóng những con đò, “Đệ thất hạm độí” của “chị em ta” lừng danh một thuở cũng đã xuôi giòng ra cửa biển mất tăm! Huế của lãng mạn, của thơ mộng với những tà áo trắng phất phơ bay trong gió trên cầu Trường Tiền, chiếc nón bài thơ e ấp không còn nữa. Ít ra là ở trong giây phút đó.

Tuyến phòng thủ Mỹ Chánh đã đứng vững và được kéo dài thêm ra đến biển với hai Lữ đoàn 258/TQLC và Lữ đoàn 369/TQLC chịu trách rhiệm. Với một quan niệm là phòng thủ nhiều khi cũng phải tấn công để gây rối loạn hậu tuyến địch, phá vỡ việc địch tập trung để tấn công Huế và cho địch hiểu rằng ta muốn lấy lại những phần đất đã bị mất bất cứ lúc nào: ngày 13-5-72 Lữ đoàn 369/TQLC đã bất thần mở cuộc phản công vào quận Hải Lămg bằng cách trực thăng vận đổ Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 6/TQLC xuống trận địa. Trong khi đó thì Tiểu đoàn 9/TQLC lại vượt qua sông Mỹ Chánh tiến lên phía Bắc để giao tiếp với các đơn vị bạn.

Trước đó sự phối hợp yểm trợ hỏa lực phi pháo cũng như của B52 thật chặt chẽ . Trận đột kích đã gây náo loạn cho hàng ngũ Cộng quân, khi các trực thăng khổng lồ đổ những người lính TQLC xuống thì quân CSBV tan rã hàng ngũ bỏ chạy tán loạn ra các cánh đồng, trong khi đó thì dân chúng cũng bắt đầu chạy về hướng TQLC. Một sự kiện lạ là trong khi Cộng quân bỏ chạy trước các cánh quân của TĐ 3 và TB 6/TQLC ở phía Bắc, thì địch lại chịu chạm súng với Tiểu đoàn 9/TQLC lúc đơn vị này vừa bơi qua sông. Trung tá Nguyễn Kim Để, TĐT Tiểu đoàn 9/TQLC người hùng trong trận đánh chận đứng địch tại hành lang máu ngày 1-5 đã quyết định táo bạo khi cho các “con cái” của ông vượt sông lúc 5 giờ sáng thay vì 7 giờ như đã ấn định.

Chính quyết định này đã gây hoàn toàn bất ngờ đối với địch quân và giảm thiểu mức độ thiệt hại của bạn. Cuộc hành quân đã gây những yếu tố tâm lý quan trọng hiện tại và là một cuộc hành quân được phối hợp tuyệt vời nhất, kín đáo nhất. Hơn một ngàn ba trăm dân đã được giải thoát nhờ cuộc hành quân nàỵ.

V. Địch mưu toan chọc thủng phòng tuyến Mỹ Chánh

Cuộc hành quân kéo dài trong ngày và các đơn vị TQLC lại về phòng thủ tại tuyến Mỹ Chánh. Suốt trong một tuần lễ sau đó, lằn mức giao chiến giữa ta và địch tại con sông Mỹ Chánh cứ nhập nhằng, thỉnh thoảng địch cố mở vài mũi dùi dò la sức phản công của ta rồi im lặng. Cho đến ngày 22-5, trận chiến dữ dội mở màn ghi một điểm son trong pho quân sử của binh chủng TQLC. Trận đánh đã xảy ra 24 giờ đồng hồ trước khi những nút chai sâm banh được mở ra để đãi vị Tổng thống Hoa Kỳ R. Nixon trong một bữa tiệc lại thủ đô Nga Sô mà 23 xe tăng PT. 76 và T.54 của CSBV đã bốc cháy cùng 130 xác đồng bọn bỏ lại trên trận địa dọc theo phòng tuyến. Theo ước tính của tình báo, lẽ ra trận tấn công trên của địch diễn ra ngày 19-5-72 nhưng không biết vì trục trặc cái gì đó mà trễ mất 3 ngày.Và người ta nhận định rằng chỉ có khoảng thời gian đủ là thuận tiện cho việc tấn công vì ý đồ của Hà nội đã thấy rõ: Muốn biến cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Nga Mỹ thành một hội nghị Genève mới. Và nếu để sau ngày Nga du của TT. Nixon thì mọi việc kể như “xong” rồi (…)

Advertisements
REPORT THIS AD

Ngày 21-5, CSBV tung quân bộ chiến có xe yểm trợ tiến đánh một đơn vị ĐPQ tại 9 cây số Đông Bắc Mỹ Chánh. Lực lượng này không chịu nổi sức tấn cống của địch đã phải tháo lui về phía sau phòng tuyến 2 cây số. Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 3/TQLC đã tức tốc đem quân chận đứng địch, đồng thời trám lại một lỗ hổng nhỏ trên tuyến phòng thủ chính. Hậu quả của sự tháo lui của lực lượng ĐPQ nay là một vài toán chốt của địch đã xâm nhập được phía Nam sông Mỹ Chánh. Do đó con đường huyết mạch để tiếp tế cho các đơn vị TQLC đi từ quận Phong-Điền đến phía Đông-Bắc phòng tuyến bị gián đoạn trong 3 tiếng đồng hồ.

BTL/SĐ/TQLC liền quyết định tung thêm Tiểu đoàn 30/BĐQ tăng cường cho Lữ đoàn 369/TQLC. Tiểu đoàn BĐQ này di chuyển bộ từ Phong-Điền đến tiếp giáp với Tiểu đoàn 8/TQLC đang trú đóng tại 3 cây số Nam phòng tuyến để phối hợp với đơn vị này càn quét và thanh toán chốt vừa xâm nhập đêm qua. Trong khi đó thì Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 9/TQLC vẫn giữ mặt Bắc không cho địch tràn xuống. Mục đích của địch là cho các toán chốt xâm nhập trước để quấy rối ta rồi sau đó các đơn vị hỏa lực với tăng và pháo yểm trợ chọc thủng phòng tuyến.

Trong ngày 21-5, quân ta đã thanh toán xong các toán chốt của địch lẩn quất trong vùng. Bây giờ lằn ranh giao tranh giữa hai bên vẫn là con sông Mỹ Chánh. Ngay trong buổi chiều hôm đó, Tiểu đoàn 3 TQLC tung thêm một đại đội xa hơn về phía Đông vượt qua con sông Ô Lâu; chi nhánh của Phá Tam Giang ăn thông với sông Mỹ Chnh nằm chặn địch tại đó. 23 giờ ngày 21-5, khoảng 30 xe tăng PT. 76, T.54 và PT.85 của CSBV với tùng thiết (Bộ binh tháp tùng xe tăng) chia làm hai mũi dùi từ Bắc và Đông Bắc Mỹ Chánh ào ạt tiến xuống. Trận chiến bắt đầu từ giây phút này.

Đêm ấy tôi hoàn toàn thức trắng ngồi tại T.O.C. theo dõi diễn tiến trận đánh. T/Tá Lê Bá Bình – Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 3/TQTC cho lệnh các đại đội của ông sẵn sàng M.72 và chờ cho chúng đến gần 100 thước mới khai hỏa. Ngay phút đầu tiên có bảy PT.76 bị hạ. Nhằm không cho các đơn vị của ta tiếp ứng lẫn nhau, Cộng quân đã pháo kích dữ dội vào vị trí của các đơn vị Tiểu đoàn 9/TQLC trong khi tiến đánh TĐ 3/TQLC. Sau 3 giờ giao tranh, một Đại dội của TĐ 3/TQLC đã phải lui về phía sau con sông Ô Lâu một cây số. Một phi cơ soi sáng từ Đà nẵng được gọi lên vùng, hai bên lại tiếp tục quần thảo nhau. Một mũi dùi khác thọc xuống phía Nam né tránh hoàn toàn giao tranh với Tiểu đoàn 39/BBQ.

Advertisements
REPORT THIS AD

Đến đây thì cái mấu chốt của sự thảm bại của CSBV bắt đầu.

VI. Gài địch vào vùng tập trung hỏa lực

Cánh quân thứ hai của địch tưởng rằng đã chọc thủng được phòng tuyến rồi nên chúng cố thọc sâu hơn về hướng Nam từ lúc 4 giờ sáng ngày 22-5. Vùng tập trung hỏa lực của LĐ 369/TQLC tại hơn 3 cây số về phía Nam phòng tuyến với Tiểu đoàn 8/TQLC, hai pháo đội của Tiểu đoàn 3 PB/TQLC và một số chiến xa. 5 giờ, phi cơ bắt đầu soi sáng vị trí của Tiểu đoàn 8/TQLC.

Khi trái sáng cuối cùng vừa dứt, tôi nhìn đồng hồ : 5 giờ 55 phút. Mặt trời chưa lên, đó là lúc “bình minh hàng hải” vừa để đủ trông thấy mọi vật một cách lờ mờ. Cánh quân của địch vừa thoát xuống chia làm hai mũi dùi tiến thẳng tới vị trí của Tiểu đoàn 8 và hai pháo đội của TĐ3 PB/TQLC. Lúc bấy giờ mọi người đã sẵn sàng. Xạ trường ở phía trước trống trải toàn là đồng ruộng, xa hơn chừng 5 trăm thước là những lùm cây thấp. Xe tăng địch lù lù tiến đến vừa tác xạ dữ đội với đủ mọi loại súng đặt trên xe cũng như của quân di chuyển bộ. Các chiến sĩ TĐ8/TQLC và TĐ3 PB/TQLC vẫn bình tĩnh chờ đợi; không một ai nao núng.

Xe tăng địch còn cách 500 thước, 400 thước, 300 thước, 200 thước rồi 150. Tất cả súng M.72 đồng loạt khai hỏa, các khẩu pháo binh 105 ly thì bắn trực xạ. Ngay trong phát đầu tiên, các pháo thủ của pháo đội K do Tr/úy Vũ Quang Vinh chỉ huy đã hạ được một chiếc PT. 76 bốc cháy. Rồi lần lượt các chiếc chiến xa khác của địch trên một trận tuyến dài 500 thước đều bị bắn cháy. Tiếng súng hai bên vẫn nổ ròn. Trước mắt tôi chừng 500 thước một chiếc PT. 76 bị bắn cháy nhưng vẫn còn chạy được trông không khác gì một con chuột bị nguời ta tẩm xăng đốt cháy. Chiếc hỏa tiễn TOW, loại vũ khí chống chiến xa mới nhất do Hoa Kỳ cung cấp, đặt từ trong tuyến phòng thủ phóng bồi theo một quả nữa, chiếc xe tăng của địch đang chạy bỗng khựng lại, ngọn lửa bùng cháy cao hơn. Lúc bấy giờ chung quanh tôi rào rào tiếng vỗ tay reo hò của lính.

Một chiếc T.51 khác thì thê thảm hơn : Bị bắn cháy lật nằm nghiêng, ngọn lửa bùng lên từng chập như có ai đổ dầu thêm. Trong vòng 15 phút đồng hồ, tất cả xe tăng của địch đều bị hạ. Mọi người ai cũng thấy phấn khởi và lên tinh thần. Hai chiếc xe tăng khác hoảng sợ không dám tiến vào nữa mà ẩn núp sau lùm cây thấp và bị phát giác nhờ ống nhắm của chiếc hỏa tiễn TOW khi thấy hai cái ăng-ten của hai chiếc xe ló lên. Lập tức, hai chiếc phản lực cơ được gọi đến hạ ngay tại chỗ. Lúc này thì trời đã sáng, ánh sáng tạm đủ nhìn thấy cảnh vật qua lớp sương mờ mờ. Vài chiếc xe tăng không bị trúng đạn cố gắng tháo chạy về phía Bắc cũng bị phi cơ đuổi theo oanh kích cháy nốt.

Trải dài trước mắt tôi, dọc theo tuyến phòng thủ thành một hình vòng cung là 9 xác xe tăng của địch vừa PT.76 vừa T.54 nằm la liệt, lửa từ trong các xe bốc lên hừng hực. Trận chiến xảy ra như một cảnh trong cinéma. Tôi nghĩ rằng chỉ trong ciné mới có thể có được những cảnh đó nhưng sự thật đã diễn ra trước mắt tôi và đã có lúc tôi tưởng rằng đó là cơn mê. Một giờ sau, Tr/Tá Nguyễn Thế Lương, Lữ Đoàn Trưởng Lữ đoàn 369/TQLC cho lệnh Tiểu đoàn 8/TQLC tung quân truy kích địch. Cuộc chạm súng lẻ tẻ trong vòng bán kính 800 thước lại xảy ra. Các chiến sĩ TĐ 8/TQLC của Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán như say men chiến thắng ào ạt tiến lên tiêu diệt nốt những tên còn sót lại.

Thiệt hại về phía TQLC chỉ có 3 chết và 5 bị thương, một số tổn thất coi như không đáng kể. Tôi không nhớ rõ là các chiến sĩ TĐ 8/TQLC đã tịch thu được bao nhiêu súng cộng đồng và cá nhân nhưng chỉ biết là khá nhiều. Tôi cũng như bao nhiêu người khác lúc đó chỉ khoái chú ý đến những chiếc xe tăng của địch còn bốc khói nghi ngút. Đặc biệt trong số này có một chiếc xe tăng loại PT. 85. Thứ này na ná như loại M.113 của ta nhưng “đẹp” hơn nhiều. Chiếc xe đó đang được kéo về triển lãm ở Huế.

Tôi cũng không thể hiểu được Cộng quận điều binh theo cái lối nào mà kỳ quặc đến thế : cho xe tăng dàn hàng ngang trước một tuyến hoàn toàn trống trải để đưa lưng mà nhận lãnh đạn. Điều đáng ghi nhận trong trận đánh này là sự bình tĩnh vô cùng của các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến. Một chi tiết đáng ghi nhận khác là khi chiếc xe tăng đầu tiên của địch bị hạ, không một quân nhân nào của TĐ 8/TQLC còn núp ở trong hầm, tất cả đều đứng thẳng lên, M.72 trên vai ngắm xe tăng mà bóp còn. Có anh bỏ vị trí chạy ra bờ ruộng để bắn gần cho chắc ăn.

Vài giờ đồng hồ sau đó, Chuẩn Tướng Tư Lệnh SĐ/TQLC đã có mặt tại trận địa bên cạnh những chiếc xe tăng của địch còn cháy nghi ngút để khen thưởng các chiến sĩ thuộc LĐ 369/TQLC và đồng thời quyết định những kế hoạch kế tiếp.

Với chiếc máy ảnh trên tay, tôi mò ra chỗ những chiếc xẹ tăng bị hạ. Xác chết của địch nằm la liệt. Chung quanh những chiếc xe tăng, chỗ này 30 xác chết, chỗ khác 11 xác. Rất ít xác còn được nguyên vẹn. Có xác bị cháy đen thân thể co quắp lại như một đứa con nít. Nhìn họ, bỗng tôi nhớ đến buổi nói chuyện với một tù binh Cộng sản, Thượng sĩ Viên giữ chức vụ Đại đội phó thuộc Tiểu đoàn K.2 Trung đoàn 3 CSBV.

Anh nói với tôi :

– Tôi cũng biết rằng vào đây không có đánh Mỹ nữa vì Mỹ đã rút quân dân ra khỏi miền Nam rồi, nhưng lệnh bảo đi thì đi. Thế thôi, muốn cưỡng lại cũng không được. Rốt cuộc chỉ chúng ta là những người Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc bị chết trong chiến cuộc nầy.

Cũng trong trận đánh trên, TQLC tịch thu được hai khẩu súng SA. 7 (còn có tên là STRELLA) đó là loại hỏa tiễn giật tay “dò tìm hơi nóng” để bắn phi cơ. Đây là lần đầu tiên, QLVNCH tịch thu được loại vũ khí đó trên chiến trường. Thảm bại của CSBV lần này còn nặng nề hơn ngày 09-04-1972 mà TĐ 6/TQLC đã dùng súng M.72 hạ hàng loạt chiến xa địch mở đầu cho chiến dịch thi đua diệt xe tăng Cộng Sản Bắc Việt.

Những ngày kế tiếp, suốt dãy tuyến phòng thủ dọc theo Mỹ Chánh từ quốc lộ 1 ra đến biển, ngày nào cũng có xe tăng địch bị hạ, khi thì 2 chiếc khi thì 3 chiếc. Nếu không bị các đơn vị của Lữ đoàn 258/TQLC quất sụm thì cững bị LĐ.369 TQLC đốn ngã hay do phi cơ oanh kích cháy.

Ngày 25-05-1962 LĐ.147/TQLC lại mở một cuộc tấn công khác sâu hơn vào hậu tuyến địch vừa bằng trực thăng vừa đổ bộ bằng tàu của Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ, tung các TĐ.6, TĐ.7 và TĐ.4/ TQLC vào khu vực 15 cây số Đông Quảng Trị. Trước đó vài giờ, toàn bộ ban chỉ huy của Trung Đoàn 66 CSBV bị B.52 cày nát. Mặc dù vẫn có giao tranh ác liệt giữa các đơn vị TQLC với Cộng quân khi tiến sâu về phía Bắc nhưng điểm chính yếu ghi nhận được là phần lớn địch đã cố tình né tránh các cuộc tấn công của ta và đã rời bỏ vị trí tháo chạy.

Cuộc hành quân trên đã đạt được một kết quả đáng kể : hơn 5.000 dân chúng đã theo các đơn vị TQLC về quận Hương Điền an toàn. Điều đó, một lần nữa chứng tỏ rằng dân chúng không thể nào sống trong vùng do Cộng sản kiểm soát.

Đến nay thì sau những lần mưu toan chọc thủng phòng tuyến Mỹ Chánh để tiến về Huế của địch đã thất bại, thêm vào đó là Cộng quân nơm nớp lo sợ không biết ta tung quân tấn công lúc nào nên khi tôi viết những giòng này, chiến trường ở phía Đông Bắc Mỹ Chánh đã bớt sôi nổi. Mặc dù vậy, địch cũng đang cố hướng mũi dùi về phía Tây, nơi đó LĐ. 258/TQLC đang ngày đêm chận đánh kẻ thù và mọi cố gắng xâm nhập của địch đều hoàn toàn bị chặn đứng tại đây.

VII. Ngày mai trời sẽ sáng

Khác với mọi lời tiên đoán bi quan lúc đầu khi thành phố Quảng Tri bị thất thủ là cố đô Huế bị đe dọa nặng nề và không biết sẽ mất lúc nào, tình hình chung bây giờ đã sáng sủa. Những cố gắng của địch đều bị phá vỡ. Phòng tuyến Mỹ Chánh đã đứng vững. Sự sinh hoạt ở Huế đã trở lại bình thường. Nếu bỏ qua một phần những giải pháp chính trị cho chiến cuộc Việt Nam (…) theo đó sự tái chiếm Quảng Trị chưa cần thiết thì trên bình diện quân sự, việc tái chiếm Quảng Trị và những phần đất đã bị mất chỉ là vấn đề thời gian. Việc tiếp liệu về lâu về dài cho các đơn vị CSBV trên chiến trường miền Nam đã là một vấn đề nan giải trong cường độ oanh tạc miền Bắc của không lực Hoa kỳ hiện tại. Mặt khác, theo một nguồn tin tình báo Hoa kỳ thì Cộng quân sẽ đánh mạnh để chiếm Huế trong khoảng thời gian từ 03-06-1972 đến 10-06-1972. Tuy nhiên, dưới con mắt nhìn của các giới quan sát quân sự thì việc đó đối với Cộng quân khó có thể xảy ra trong thắng lợi được vì sự thiệt hại của địch quá lớn lao sau gần 2 tháng xâm lăng. Tinh thần cán binh thấp xuống đến mức e ngại mà theo tin tức thì các vị Tư lệnh chiến trường của CSBV đã khuyến cáo Hà nội cũng nên tìm một giải pháp nào cho chiến cuộc này khác hơn là ở trên chiến trường. Thế nhưng chiến trường nào cũng có thể có những diễn biến bất ngờ và sự bất ngờ đó đối với Hà nội chỉ có trong trường hợp Tướng Võ nguyên Giáp có được chiếc đũa thần.

Để kết thúc, tôi xin ghi lại ở đây nội dung cuộc phỏng vấn Chuẩn tướng Bùi thế Lân, Tư lệnh SĐ/TQLG của phái viên “đầu bạc” Nguyễn Tú của nhật báo Chỉnh luận ngày 27-5-1972, theo đó vị Tướng Tư lệnh SĐ/TQLC cho rằng : “Vấn đề chống địch, phản công địch, diệt địch, không khó. Điều quan trọng là nắm vững tình hình địch, điều quân mau lẹ như chính ông (phái viên CL) đã thấy tại trận địa và nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị bạn. Điển hình là hành quân Sóng Thần 6-72 tấn công Hảỉ Lăng ngày 25-5-72 đã được thiết kế và quyết định trong 24 tiếng đồng hồ”.

– Còn tương lai ?

– Ông không thấy trời rất đẹp sao ?

Hùynh văn Phú