Tuesday, January 31, 2023

Tình người lính Quân Y Biệt Động. - Phương Lâm

Thương anh quá người chiến binh Biệt Động

Trước đạn thù bất luận Hạ Thu Đông

Trấn biên cương thề quyết tử một lòng

Đem an bình cho non sông xã tắc.

 

Nêu chí dũng vẫy vùng trong lòng giặc

Biệt Động Quân tiếng “SÁT” dậy trời Nam

Chiến công anh rực rỡ ánh huy hoàng

Quân hùng sữ nét son trang hiển hách.

               Tô đậm nét ân tình.

Người đàn ông  đoán chừng ngoài ba mươi tuổi, nước da  xanh mét, hàm râu tua tủa, mặt mày hốc hác bệnh hoạn, bận quần nhà binh bạc màu, áo sơ mi không biết màu trắng hay nâu, lấm tấm dính nhiều vết mũ cây, lưng mang ba lô nhà binh bạc màu, hai túi hai bên rách toe, đứng tần ngần trước ngôi nhà nhỏ xinh xinh, miệng lẫm bẫm điều gì rồi xô cánh cửa gỗ  bước vào.

   Con chó mực từ đâu đó lao ra sủa inh ỏi nhảy chồm lên tấn công, ông đứng yên một chỗ, người đàn bà nhỏ con, tóc kẹp đuôi tôm, hai ống quần đen dạng lò xo rút cao lên nữa ống quyển nhảy phóc ra từ cánh cửa nhà bếp, nhìn dáng dấp người đàn bà, ông biết ngay người này không phải là dân ở đây, cũng giống như con chó mực, bà nhảy đong đỏng, chỉ tay vào mặt ông mồm la bai bải, tiếng hét the thé nặng trịch giọng Quảng Bình hay Nghệ An rung chuyển cả khu vườn.

 -  Ai cho ông vô đây, tưởng nhà không có người lẽn vô cuỗm đồ hả? Ăn mày cũng có tổ tiên ông bà, tại sao không về hương khói cuối năm mà còn lãng vãng vô đây định dỡ trò lơ xẹc hả?  Xéo mau! Xéo mau!  Không bà gọi Công an bây giờ.

   Người đàn ông đứng lặng người ngơ ngác không biết phải nói sao đành trả lời.

             -Thưa chị! tôi vào đây để hỏi thăm người quen.

Bà trợn trừng mắt quát:

             -Không ai chị em quen biết chi với ông thứ dân móc túi bến xe bến tàu ra khỏi đây mau.

Người đàn bà vung tay đẩy Ông ra cửa, phụ thêm sức cho bà con chó mực nhảy chồm theo nhe răng táp hụt mấy lần, chủ với chó bên xướng bên tùy giống nhau như khuôn rập.

   Ông bước thụt lùi ra, bà dóng ập cánh cửa gỗ, Ông bực bội đổi lối xưng hô.

           -Này bà thím, đây là nhà của tôi, vợ tôi tên Diệu, mấy năm nay tôi ở tù, mới được thả ra, tôi về nhà tôi, bà không hỏi lý do tại sao tôi vào đây, bà cho tôi là quân ăn cắp, bà nói nhà của bà. 

Mới nói ngang đó bà trợn to hai mắt nhìn người đàn ông bà ngắt ngang câu hỏi trả lời liền.

-  Ông là chồng cô Diệu hả, chồng từ kiếp nào chứ kiếp nầy thì không phải, Chồng cô Diệu tên Hát vợ chồng họ đã bán nhà này cho tôi rồi, được chưa, vào trộm đồ không được đặt chuyện nói linh tinh bậy bạ, thôi làm ơn xéo đi cho bà nhờ.

              - Tôi hiểu rồi cám ơn thím.

  Vợ chồng Diệu + Hát đã bán nhà cho bà ta, hai cái tên như tiếng bom nỗ điếc tai hoa mắt, máu nóng dồn lên não, người đàn ông hồn vía bay mất, mắt tối sầm lão đảo bước trên phố vắng chiều cuối năm. 

  Ông nghiến chặt răng cố dằn tâm nín lặng, nhưng sao nước mắt cứ trào ra, lồng ngực căng phồng khó thở, ông đành buông xuôi theo bản năng tự nhiên của thân xác, ông cho nó tự do, muốn khóc thì cứ khóc, ông khóc thảm thiết như lúc hạ huyệt người thân, khóc vì chua xót tình đời, khóc vì vở tuồng chồng vợ đã diễn ra ngoài suy nghĩ đơn thuần của ông:

  “ Em… nhận anh… làm chồng, hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời em” …

  Đó là lời hứa trước đấng tối cao, của Diệu, của người con gái có học trong gia đình đạo đức, đã cầm tay nhau, trao nhẫn cho nhau, đã nhận ông làm chồng.

  Ông nghĩ mãi không ra, câu hỏi tại sao? Tại sao? Cứ xoáy trong não ông đau buốt.

  Người đi đường ngoái cổ nhìn ông, mặc kệ họ, ông khóc vì ông thương ông, thương tình đời tráo trở dồn ông vào ngõ cụt. Như đứa con nít, nước mắt nước mũi lòng thòng, đau buồn, căng thẳng đã tuôn chảy theo nước mũi, nước mắt, quệt vào tay chùi vào áo. 

Ông hỉ mũi lấy tay vốc vất mạnh xuống đường lỗ mũi thông thở nhẹ nhàng, tâm hồn trở lại thanh thản sau khi chạm đích tột cùng của khổ đau hụt hẩng, tất cả đắng cay đã rơi theo vốc nước mũi nằm đống trên mặt đường.

   Ông bước đi như trốn chạy không dám quay lại nhìn đống xú uế, như cơn lốc xoáy thổi qua cuốn theo mọi thứ còn lại hoang tàn xác xơ.

   Đi về đâu giữa chiều ba mươi tết, từ trại tù ra chỉ còn cái ba lô rách với bộ đồ tù sọc trắng sọc đõ đeo tòng teng sau lưng. Chiều hôm qua tới giờ chẳng có chút chi trong bụng, tinh thần suy sụp, tim nhói đau, vi trùng sốt rét đang thừa dịp tấn công, luồng rét nhức xương sống tràn ra chạy ngược lên đầu, chạy xuôi xuống hai chân, thân hình co rút cơn rét giật quặn thắt cơ bắp không thể bước thêm một bước nào nữa.                                      

  Ông tựa lưng vào trụ đèn đường run cầm cập rồi thiếp đi trong tột cùng mỏi mệt, ông nằm đó không biết đã bao lâu   tai mơ hồ nghe tiếng người nói, lúc xa lúc gần.

           -Hết chỗ chết rồi hay sao mà tìm tới trước cửa nhà tôi thế này. 

   Họ đá mạnh vào hông thử coi chết hay sống, cánh tay nặng nề Ông đưa lên giụi mắt, tiếng người đàn bà vui vẽ nói. 

May quá chưa chết, nhà cửa đâu không lo về, kiếm ăn giờ nầy ai mà cho.

Tay run rẩy mò túi áo trên ngực, móc ra tờ giấy đưa cho bà ta thều thào qua hơi thở:

- Tôi không phải ăn xin, tôi từ trại tù cãi tạo mới được thả về, giấy ra tù của tôi bà coi đi, tôi bị lên cơn sốt rét đi không nổi nên nằm đây, tôi quá kiệt sức vì hôm qua tới giờ không có chi trong bụng. 

    Bà cầm tờ giấy đi vào nhà một lúc sau ra lại với hai người con gái bà nói. 

  -Xin lỗi ông, thời buổi nầy chẳng biết tin ai. Vợ chồng cũng còn bán đứng nhau huống chi người lạ, chúng ta cùng cảnh ngộ, ông may mắn được về còn chồng con tôi đang nhốt ngoài Hà Nam Ninh, ông đứng dậy vào hiên nhà tôi ngồi nghĩ một lát đợi tàn nén nhang mời ông dùng tạm chén cơm, gia đình chật vật nhưng chiều 30 cũng cố gắng cúng lễ ngoài trời để xin bình an cho chồng con trong trại tù không biết ngày nào thả ra. 

      Mân cơm cúng được bưng đặt vào hàng hiên, Ông ngồi vào chiếc ghế mũ thấp bưng chén cơm múc mấy muỗng canh măng chan vào, gắp cục thịt heo kho tàu cho vào chén, Ông ăn chỉ chừng đó, đặt chén đũa xuống. Bà chủ nhà ngạc nhiên hỏi:

-Ông đang đói tại sao không dùng thêm.

  Ông thưa với người đàn bà tốt bụng.

 -Trong trại tù mỗi bữa ăn đơn vị chia cơm là muỗng, lâu ngày bao tử hẹp lại cơm ngon như thế nầy cũng không thể dùng nhiều hơn.

  Ông đứng dậy nói  

-Cám ơn bà đã cho bữa ăn, đây là bữa tiệc đầu đời của tôi, tôi xin ghi nhớ suốt đời. Tôi cũng cầu chúc cho Ông và các anh sớm thoát khỏi cảnh tù đày, lần nữa tôi xin cám ơn bà chúc bà năm mới mọi điều như ý.  

   Ông trở lại con phố vắng, bây giờ đầu óc tỉnh táo, giải phóng, đúng, Ông đã được giải phóng sạch sẻ, chỉ còn cái mạng, người không ra người ma không ra ma.

  Không thể nào quên được hình ảnh người đàn bà lúc chiều, mụ ta đã góp công giãi phóng đời Ông, ông vừa học trong trại tù, ưu việt của xả hội chủ nghĩa không có giai cấp, mọi người bình đẵng, thế mà mụ nầy coi ông là rác rưỡi, còn gán cho ông là loại lưu manh, móc túi, đầu đường xó chợ.

 Mới hội nhập vào xả hội này chưa đầy hai mươi tư giờ đã gặp chuyện oái oăm như vậy, còn lâu dài về sau không biết sẽ ra sao. 

   Ông đi lang thang để tìm chỗ ngũ, đến ga tàu, qua bến xe, người giải phóng coi ông là rác, nhưng ông không dám đặt mình nằm trên rác, đi qua nhiều đường phố nhưng không tìm được nơi nào gọi là an toàn có thế nghĩ lưng qua đêm, Ông chợt nhớ tới một chỗ chắc chắn nơi đó sẽ cho Ông một giấc ngủ ngon lành. 

   Đó là hành lang bệnh viện. 

    Thân hình ông chẳng khác gì xác chết biết đi, nên chẳng ai lưu tâm dòm ngó, hành lang bệnh viện dài hun hút đêm nay vắng lặng, có lẽ bệnh nhân đã về ăn tết, Ông đi quanh một vòng chọn  góc khuất để khỏi thấy ánh đèn vàng hiu hắt của mấy bóng đèn đường quanh bệnh viện, bóng đèn đường của bên thắng cuộc cũng khác thường không chiếu sáng mà lù mù vàng đục có lẻ họ sợ ánh sáng chăng ?

    Rút tấm ni lông rách từ túi ba lô trải xuống nền xi măng, hai bàn tay gầy guộc vuốt mấy góc rách ra cho thẳng tiếng kêu sột soạt của tấm nhựa lâu ngày đã biến chất hình như nó cũng đang than thở muốn về hưu, ông lẩm bẩm:

“Chỉ có mày là người bạn trung thành của tao, đã bao nhiêu năm gắn bó từ tấm nguyên bây giờ bươm ra như tàu lá chuối, mày và tao qua nhiều chặng đường gian khổ tao già mày cũng già, tao gần chết mày cũng rách te tua, xơ cứng như thân hình khô đét của tao”

   Đặt cái ba lô làm gối ngã lưng nằm thử, ngửa mặt nhìn màu đen đặc quánh của bầu trời đêm trừ tịch.                                        

           Ông ngồi lên rút tấm vãi được cắt ra từ cánh tay chiếc áo cũ làm khăn mặt nhét bên túi ngoài ba lô đi tìm nhà vệ sinh kiếm nước rửa. 

    Đất nước xã hội chủ nghĩa  cái gì cũng khác với xả hội bình thường miền Nam, nhà vệ sinh của bệnh viện thấy mà khiếp, nền nhà đầy rác xả, nước đọng lều bều không thua chi bãi chợ cá về chiều, vòi nước chảy yếu ớt, màu vàng vàng hôi mùi phèn chua rỉ sét, Ông rùng mình lờm lợm, vò chiếc khăn thấm nước vắt ráo lau mặt, cảm giác lạnh lan nhanh làm cho Ông  tĩnh táo hẳn ra, mĩm cười một mình, tối nay giao thừa mai là ngày đầu của một năm, cũng là ngày khởi đầu của người về từ nhà tù, nhìn tới trước, con đường đời mình sẽ đi, giống như bây giờ đang nhìn lên bầu trời tối đen của đêm trừ tịch.

   Trở lại chỗ ngũ đứng nhìn quanh Ông nghĩ mình đã đi lộn chỗ, nhưng không ông nhớ không lầm, ông chọn nơi khuất bóng đèn chính là góc nầy, ông không nhầm chỗ nhưng đồ ngũ ông trải ra đây ai đó đã dọn nhầm.

   Ông thản nhiên ngồi xuống lẫm bẫm một mình:

-Còn cái mạng nầy sao không ai hốt nhầm đi cho luôn.

Đặt  lưng xuống nền xi măng lạnh, đôi dép  râu  mòn gót làm gối, muỗi bắt đầu tấn công, ông đứng  lên với tay bẻ nhánh cây vơ vơ đuổi bầy muỗi, dựa lưng vào góc tường mở to mắt nhìn khối đen dày đặc đang trùm kín không gian, suy nghĩ ngày mai của mình cũng tối đen đặc quánh như đêm nay, đâu đó tiếng pháo giao thừa vọng lại,  đầu óc trống rổng  cảm nhận  mong manh hôm nay là ngày tết.

 Ông lâm râm cầu nguyện.

        Con dâng Mẹ tất cả

       Họa phúc cõi phù du

       Vui buồn như gió thoảng

       Xin Mẹ phút bình an.

        Rồi đêm trừ tịch cũng qua. Ông đứng dậy vươn vai đếm từng bước đi ra cổng, bây giờ rất thoải mái không còn chút gì vướng bận tay chân, đúng câu nói người đời hay ví von “mình trần thân trụi”.

 Chân như cái máy bước về phía trước nhưng không biết đi đâu, hôm nay ngày mồng một xe tàu không có, người ta có quê để về còn ông nơi gọi là chùm khế ngọt ông đã lìa bỏ lúc còn tấm bé, cùng với gia đình ông  bác theo tàu há mồm vào Nam, bây giờ muốn về quê cũng không biết mô mà về, người thân duy nhất là gia đình ông bác, lần đầu tiên Diệu vô thăm nuôi cho biết gia đình bác đi đâu không  biết nhà bỏ trống lâu ngày Phường đã tịch thu nhà rồi.

  Ông nát óc suy nghĩ, đi đâu, làm gì, sống ra sao, trong túi không có một hào bạc, bộ áo quần mặc trong người nằm lăn nằm lóc hình như đang bốc mùi, ông ra đứng trước góc cửa bệnh viện hai mắt mở to nhìn đường nhưng chẳng thấy chi trước mặt.

 -Anh Lữ! Trung úy Lữ!

       Có ai đó gọi ông, Ông quay lại nhìn người vừa gọi, người thanh niên ngồi trên chiếc xe HonDa không quen mĩm cười gật đầu chào ông, ông cúi đầu chào lại, người đó dựng xe vào lề đường đến bên ông hỏi:

Xin lỗi anh có phải Trung úy Lữ trước ở Quân Y Biệt Động Quân không?                    

  Ông gật đầu trả lời:

Phải ! sao anh biết tôi.

    Người thanh niên trả lời

Chắc anh quên em, em là Chuẩn úy Thành thuộc Liên Đoàn 15 Biệt động Quân lúc đó em bị thương đồi 50 gảy xương quai xanh vai phải, anh đích thân cấp cứu đưa thẳng em về Quân y viện Duy Tân.

                 Ông nói:

    -Xin lỗi nhiều anh em quá tôi không nhớ hết.

 Thành nói tiếp:

Em cám ơn anh, sau thời gian điều trị được xuất ngũ là đi luôn không có dịp quay lại đơn vị. 

               Người đàn ông nói:

  Nhiệm vụ mà nói chi chuyện ơn nghĩa.

 Thành nhìn ông từ đầu tới chân hỏi:

   - Sáng mồng một anh đến đây thăm ai mà sớm vậy, sao không vô, bộ anh đang chờ bạn hả?  Ai nằm trong đó, anh cần chi em nói vợ em giúp, cô ấy đang làm việc ở đây.

  Lữ nói:

Mình đứng đây chứ không chờ ai hết.

  Thành hỏi:

Đứng đây làm chi?

  Lữ đáp:

Đêm hôm qua mình ngũ trong hành lang bệnh viện, sáng nay thức dậy không biết đi đâu ra đứng đây coi thiên hạ.

 Thành nói:

Anh giỡn chơi hay nói thật.

Lữ cười nói:

Cứ nhìn con người mình thì biết nói chơi hay thật, mình từ trại tù về ngày hôm qua, ba chân bốn cẳng chạy về nhà ăn tết với vợ, không may vợ mình lấy chồng khác còn bán nhà của mình, gia đình ông bác đi đâu mất, nhà bị tịch thu, mình không biết đi đâu đêm hôm qua vào ngũ trong hành lang bệnh viện, tấm ni lông trải để nằm, cái ba lô rách để làm gối trong có cái mùng muỗi vá chằng vá chịt với bộ đồ tù, mình đi rửa mặt ra chúng nó đã biến mất, gia tài của mình chừng đó bây giờ  không còn chi hết .

Thành nói:

Từ trại tù về hèn chi, em ngờ ngợ không biết phải anh không, ngày trước phong độ điển trai bây giờ anh ra thân thể như thế này, em nghi nghi không biết có phải anh không gọi đại té ra đúng là anh.

            Lữ hỏi:

Thành tới đây làm chi sớm thế.

            Thành đáp:

Em chở vợ em tới trực, chiều tới đón.

  Thành nói tiếp:

Nếu anh không biết đi đâu em mời anh về nhà em ăn tết, không có chỗ ở thì ở lại với gia đình em vài hôm qua tết rồi tính, nhà em rộng lắm chỉ có hai vợ chồng với đứa con gái năm tuổi.

  Suy nghĩ một lúc Lữ trả lời:

Thật lòng mình cũng không biết tính sao trong hoàn cảnh này nếu được Thành giúp mình xin cám ơn, nhưng ngại quá, sợ làm phiền gia đình Thành, khi không rước một lão tù về nhà ngày đầu năm.

Thành cười to nói.

-Anh yên tâm em làm theo những điều Chúa dạy:

về 8 mối phúc thật dạy rằng: Ai thương xót người, ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy. Còn thương người có 14 mối dạy rằng:

“Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc. khách đỗ nhà” v.v…

     Lữ theo Thành về nhà, lột bỏ những gì của trại tù còn lại trên người, Thành mang cho Lữ một số áo quần của Thành để thay đổi, đưa Lữ vào căn phòng đầu hồi nam có cửa thông ra vườn.

 Thành nói:

Phòng này bỏ trống, nhà ít người ban đêm vợ đi trực hai cha con ôm nhau ngủ sớm, căn nhà vắng lặng buồn lắm bây giờ có anh ở lại tụi em vui lắm, thêm một người nhà thêm ấm cúng.

       Lữ cảm động nói:

Thành giúp cho anh được ngày nào hay ngày ấy chứ bây giờ rời khỏi nhà Thành anh không biết đi đâu, ngũ bờ ngũ bụi, không chừng chết đói ở góc xó nào đó. 

         Thành nói:

 Đây cũng là cơ duyên của anh em mình, thôi anh tắm rửa em chuẩn bị đồ ăn, anh em mình ăn sáng rồi anh đi ngũ chớ đêm qua chắc không ngũ ngáy chi được, đau thương phiền muộn gì cũng gác qua một bên, trước mắt ổn định sức khỏe cái đã, em thấy thân hình và nước da của anh em biết anh đang bị sốt rét nặng, trị xong bệnh sốt rét lấy lại phong độ, đẹp trai như anh thì ôi thôi, em còn nhớ ở đâu đó có câu : 

       “Em về điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nụ cười”.

Hoàn cảnh đẩy đưa như vậy thì cũng đành cắn răng chấp nhận chứ biết làm sao hơn.

Vợ Thành đi làm về chuẩn bị xong bữa cơm chiều Thành vào đánh thức Lữ dậy, Lữ áy náy vô cùng, bất cứ việc gì trong gia đình phải thuận vợ thuận chồng chứ chồng cứ đem luật gia trưởng ra áp đặt bắt vợ phải phục tùng ý của mình, đặt mọi việc trước sự đả rồi vợ chồng sinh ra lũng củng bất hòa, không biết mình có đem tới cho vợ chồng Thành sự bất an trong gia đình không.

Lữ mau mắn theo Thành ra bàn ăn, vợ Thành đứng lên chào Lữ quay qua nhắc con gái:

Khánh con đứng dậy chào bác đi con.

Con bé đứng lên khoanh tay chào bác. Lữ trả lời:

Khánh ngoan con ngồi xuống, Chào thím Thành. 

Dạ em chào anh, mời anh ngồi.

Họ ngồi vào bàn ăn, vợ của Thành lên tiếng.

Anh Thành đã nói cho em biết  hoàn cảnh của anh, lâu nay nghe người ta nói, nhiều người ở tù về mất vợ, mất nhà, ít ai tin đó là chuyện thật, bây giờ em đã  tin, một sự thật ngoài suy nghĩ của em, em xin chia xẻ hoàn cảnh không may của anh, vợ chồng em đã bàn với nhau anh yên tâm ở lại với gia đình chúng em, nhà rộng phòng bỏ trống nhiều năm, tới bữa ăn thêm một cái chén, khoảng một hai tuần là sức khỏe của anh trở lại bình thường lúc đó ai làm nấy ăn, là ngành Y anh cũng biết bệnh sốt rét không khó điều trị, anh coi tụi em là em của anh, đây là gia đình mới của anh, nên đừng ngại ngùng chi hết .

     Lữ trả lời:

Cám ơn lòng tốt của chú thím, không nhờ chú thím cưu mang trong hoàn cảnh bi đát nầy không biết làm sao lo cho thân mình.

Thành nói:

Như vậy anh đã hiểu vợ chồng em rồi, anh an tâm đừng suy nghĩ chi hết, thôi mình ăn cơm.

Sau bữa cơm vợ Thành nhắc:

Mồng bốn cơ quan nhà nước làm việc, anh Thành đưa anh ra phường trình giấy tờ, theo em nghĩ anh cũng nên viết tường trình về hoàn cảnh của anh để cắt dứt  quan hệ trên pháp lý của anh với chị ấy, mình không lường trước được việc gì sẽ xảy ra trong tương lai, việc kia chị làm được thì bất cứ việc gì chị cũng có thể làm, để tránh rắc rối cho anh về sau anh nên suy nghĩ ý của em, nếu cần nhân chứng có vợ chồng em đây.

Cám ơn thím nhắc không thì tôi đã quên tờ giấy hôn thú, tôi sẽ viết tờ trình và nhờ chú thím giúp làm chứng.

  Sau hai tuần điều trị bệnh sốt rét, chuyền thêm hai bình đạm bây giờ Lữ thấy trong người sức khỏe rất tốt, trong bữa cơm tối anh trình bày với vợ chồng Thành ngày mai sẽ đi kiếm việc làm, vợ của Thành nói:

 Ở trong nhà anh cũng thấy rồi đó, ngoài việc bệnh viện về nhà em còn chích thuốc chữa bệnh cho bà con, họ biết mình cán bộ y tế của miền Nam là tìm tới nhờ giúp, mình giúp họ thì lấy tiền, em thì giờ không có nhiều, làm tư ở ngoài dễ kiếm tiền nhưng không thể bỏ bệnh viện được, lương tiền không bao nhiêu mà phải đeo bám giữ chân cán bộ nhà nước, có vậy địa phương mới không kiếm chuyện vì mình là dân miền Nam. Anh khỏi đi tìm việc chi hết, em cho anh mượn vốn anh ra chợ trời làm quen với các chủ sạp dặn họ để dành thuốc tây cho anh, quan trọng là thuốc trụ sinh, còn hạn hay hết hạn anh hốt hết về đây em có thị trường tiêu thụ, em sẽ giới thiệu cho anh một vài người quen, bà con họ đồn nhau thì anh chạy không kịp, mình làm chui, chịu khó đi quanh đã, lần lần rồi ngồi nhà. 

Anh Lữ thắc mắc:

Chợ trời mà cũng có bán thuốc tây sao?

Vợ Thành trả lời:

 Anh ở tù nên anh không biết chủ trương đánh tư sản mại bản, cải cách công thương nghiệp, các nhà thuốc tây gặp nạn này họ bị gán tội đầu cơ tích trữ, bị đóng cửa thanh lý tài sản, nguồn thuốc thanh lý không ai dám dùng, uống bậy bạ là chết nên thuốc từ từ  ra chợ trời, đó là một nguồn, nguồn thứ hai từ các bệnh viện Quân y của mình và các kho thuốc Quân đội, bệnh viện bây giờ dùng thuốc các công ty dược tự pha chế giống như thuốc Xuyên Tâm liên chẳng hạn, thuốc tây tịch thu họ bán rẻ như khoai sắn, anh cứ  trả  một phần ba giá họ đưa ra, ví dụ mười đồng anh trả ba đồng rồi lên tí xíu là họ bán ngay.

    Theo hướng dẫn của vợ Thành, Lữ bắt đầu nhập cuộc, trước tiên anh khẳng định, thầy thuốc bất cứ hoàn cảnh nào thì y đức vẫn đi đầu đó là lương tâm của Y bác sĩ, vì vậy nên được bà con tín nhiệm, gần xa gì cũng tìm tới, vừa giúp bà con mà cũng tự lo cho đời sống.

  Lữ mang ơn sâu nặng vợ chồng Thành, nhờ gia đình nầy anh mới có cuộc sống hôm nay, Lữ không tiếc bất cứ gì anh có, là một  thành viên của gia đình, chứng tỏ mình là người anh lớn Lữ cùng ghé vai chăm lo gia đình giúp cho vợ chồng Thành, cuộc sống gia đình êm ã rộn tiếng cười  ngập tràn hạnh phúc, nhiều lần vợ chồng Thành nhắc anh  lập gia đình, vợ Thành giới thiệu một vài cô bạn thân quen cùng làm việc trong bệnh viện cho anh nhưng anh nói:

Nghe tới chữ vợ là anh rùng mình, khi nào anh nghe chử vợ mà đầu óc bình thường lúc đó mới nói chuyện, hơn nửa luật đạo công giáo cô chú cũng biết rồi, kết hôn với người khác trong khi người phối ngẫu còn sống thì không được, phải ra tòa án hôn nhân của giáo hội xét xử đã.

Vợ Thành nói:

Đọi đến lúc đó anh già khú đế rồi ai mà ưa anh nửa.

Lữ cười nói:

Có sao đâu không ai ưa thì ở với chú thím như bây giờ.

 Rồi chương trình HO râm rang khắp đây đó, vợ chồng Thành thúc hối anh cướp thời cơ lập thủ tục liền, vì chính sách của nhà nước không lường trước được hôm nay vậy ngày mai chưa biết ra sao, cơ hội tới là nhanh tay chụp giật.

  Nhờ vậy mà anh được gọi phỏng vấn HO. 2 ra đi trong diện độc thân. Ngày chia tay buồn nhiều hơn vui, anh không dám hứa hẹn điều gì vì chưa biết cuộc sống mới trên nước Mỹ ra sao, nhưng lòng anh ước ao một mái ấm gia đình, cùng chung sống với vợ chồng Thành như mấy lâu nay đã sống.

Anh đi diện đầu trọc được bão trợ về tiểu bang Ca Li, trong suốt thời gian hưởng trợ cấp của chính phủ anh dốc tâm vào việc học, rồi kiếm việc làm, cuộc sống hiện tại của anh không mấy khó khăn vì anh đã trưởng thành trong lò đào tạo giãi phóng, anh thầm cám ơn người làm tổn thương anh nhờ bài học đó mà anh đã tôi luyện ý chí, cám ơn người vợ đã lừa dối anh cho anh bài học kinh nghiệm làm người, cám ơn vợ chồng Thành đã cưu mang anh, anh thường xuyên thư về thăm hỏi cợ chồng Thành.

Với trường hợp của gia đình Thành anh đã đến trình bày và xin ý kiến của Luật Sư di trú, Luật sư gợi ý muốn đoàn tụ chỉ có một cách cưới con gái của Thành rồi sau đó con bão lảnh cho cha mẹ.

 Anh thư về cho vợ chồng Thành trình bày ý nghĩ này, đợi khi Khánh tròn hai mươi anh sẽ xin giấy về kết hôn, đương nhiên là kết hôn đã, đó là con đường duy nhất cho gia đình mình đoàn tụ.

 Thời gian không ngừng, vẫn tí tách trôi hết ngày qua tháng, hết tháng qua năm, anh đã thi nhập Quốc tịch Mỹ cũng đúng năm Khánh con gái của vợ chồng Thành tròn hai mươi tuổi, như dự tính anh xin công hàm độc thân mang trở về làm giấy kết hôn, gần hai năm sau Khánh được qua Mỹ.

  Theo trình tự di trú sau ba năm Khánh nhập quốc tịch làm giấy bảo lảnh cho cha mẹ theo diện đoàn tụ.  

Vợ chồng Thành phỏng vấn xong Lữ mua vé máy bay về đón họ qua, anh đề nghị vợ chồng Thành đi sớm mấy ngày, trên đường về Sài gòn ghé thăm chơi các thành phố, tối đâu nghỉ đó coi như một chuyến du lịch đường dài.

 Xe họ ghé lại thành phố Nha Trang đứng lại trước nhà hàng tên Thùy Dương trên đường Duy Tân, đường Duy Tân chạy dọc theo bải biển hàng dừa hàng phi lao xanh mướt, xa xa trước mặt là dãy núi Hòn Tre, như một bình phong chắn gió cho thành phố biển này, gió lộng mát lạnh tiếng thông reo hòa tiếng sóng rì rào từng nhịp vổ vào bờ cát như đang hát. 

 Cửa xe trước mở vợ Thành chuẩn bị bước xuống, năm bảy cô gái trước ngực mang hộp gổ khá to đựng đủ thứ, gương lược, dầu gió, kẹo cao su, kính đeo mắt, tóm lại một cửa hàng tạp hóa nhỏ di động họ nhao nhao mời mua, mấy người gõ hai bên cửa kính sau hàng ghế Thành và Lữ ngồi, qua lớp kính xe, họ chỉ chỏ vào hộp gổ có ý mời mua.

Lữ  giật mình nhìn kỉ người  phụ nữ gõ cửa phía bên Thành, cái mũ  xanh lam  rộng vành, dải khăn voan hồng cột trên đầu xuống cổ làm quai, hai vành mũ hai bên che khuất gần hết khuôn mặt, còn lại bộ lông mày, hai con mắt, sóng mũi, miệng và cằm, chỉ chừng ấy anh đã nhận ra người đó là ai, anh ghé qua nói  với Thành, hai em và chú tài xế vô trước anh ngồi lại một lát sẽ vô sau, hai em gọi thức ăn nếu anh vô chưa kịp thì cứ dùng trước đừng đợi.

  Lữ ngồi lại trong xe một lúc đợi mấy chị bán hàng rong tản mác, anh lấy khăn lông trùm đầu đi nhanh vào nhà hàng.

 Suốt bữa ăn Lữ im lặng không nói gì, thái độ bất thường khác hẳn mọi khi vợ Thành áy náy hỏi:

Anh Lữ! có chuyện chi mà trông anh khác khác, buồn buồn.

Lữ im lặng một lúc rồi nói:

Không có chi cả, vừa rồi trong mấy chị mời mua hàng anh thấy Diệu. 

Vợ Thành nói:

Anh nhìn kỹ chưa hay nhìn lầm ai đó .

Lữ trả lời:

Đúng là cô ấy, không lầm ai khác.

Vợ Thành hỏi tiếp:

Bây giờ sao anh?

Lữ vừa cười vừa nói:

Để anh kêu cảnh sát bắt cô ta, tội lừa tình lừa tài sản, chỉ có vậy thôi chứ biết làm sao, nói cho vui chứ thật tình thấy cô ấy anh cũng xao xuyến trong lòng, giận cũng rồi, ghét cũng rồi, tất cả đã qua, điều thắc mắc chồng cô ấy đâu, Diệu có học tại sao không kiếm việc chi làm mà đi bán hàng rong tội nghiệp như vậy.

Vợ Thành góp ý :

 Gặp nhau một lần cũng là bạn, người ta nói “Nhất dạ phu thê bách dạ ân” huống hồ mấy năm chung sống, tình nghĩa vợ chồng, hết tình thì còn nghĩa, chị ấy đã làm việc trái đạo lý tội ấy đương nhiên là phần của chị ấy, còn anh, anh có mắc nợ chi mà anh lo, theo em anh tỉnh bơ gặp chị ấy, mọi chuyện cứ xuôi theo tự nhiên.

 Lữ nói:

Anh ngồi lại trên xe suy nghĩ, nên mở cửa bước ra gặp, hay ngồi nán lại tránh đừng gặp. Rồi quyết định tránh không gặp đó là giữ lại chút tình với cô ấy, gặp anh cô ấy có đủ can đảm nhìn anh không? Vui cười hay đau đớn vì tội lỗi mình đã làm, anh gởi thím ít tiền tìm cô bán hàng đội mủ vải xanh lam có khăn voan đỏ làm quai, cột từ trên xuống cổ, gởi tý quà cho cô ấy đừng nói tiền của anh.

Vợ Thành đồng ý đi tìm gặp Diệu, họ nói chuyện cả tiếng đồng hồ trở lại vợ Thành cho biết:

Như suy nghỉ của anh, nếu anh tới mặc cảm tội lỗi chị ấy không dám đối diện với anh, chị ấy nói nếu cuộc đời suôn sẻ như ý mình muốn thì đâu còn là cuộc đời, sự phản bội lừa dối của chị ấy, chị ấy đã trả giá quá đắt, chị ấy gởi lời xin lỗi anh mong anh tha thứ cho chị ấy, chị ấy  né tránh nói đến cuộc sống hiện tại và gia đình của chị ấy.

 Họ tiếp tục hành trình đến Hoa Kỳ theo chuyến bay mua vé trước, mái ấm gia đình rộn rả tiếng cười vui như ngày nào. Vợ Thành liên lạc thường xuyên giúp đỡ cho Diệu.

 Anh Lữ biết điều đó thỉnh thoảng chia xẻ tý quà nhờ vợ Thành chuyển.

Lữ nói với vợ Thành:

-Nhờ thím chuyển lời, cô ấy cần gì anh sẵn sằng giúp.

 Phương Lâm.


Monday, January 30, 2023

Lôi Hổ Du Hai Chiến Đoàn 1 Xung Kích Sở Liên Lạc Nha Kỹ Thuật


Gia đình anh Du Hai đã nhận đủ số tiền 1 ngàn USD do anh gửi về, gồm đợt 1: 300 USD, đợt 2: 700 USD Hiện anh Du Hai vẫn còn trong giai đoạn tầm soát bệnh tại BV Trưng Vương. Tuy nhiên sức khoẻ có khả quan hơn.
Đặng Thuỷ xin được phép chuyển lời cảm ơn của gia đình anh Du Hai đến các niên huynh trưởng, các mạnh thường quân và hâu duệ NKT đã có lòng giúp đở anh Du Hai vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay. 
Xin cảm ơn quí vị
Đặng Thủy Chiến Đoàn 1 Xung Kích Sở Liên Lạc


Danh sách đóng góp:
Tổng Hội Nha Kỹ Thuật $200.00
HL Nguyễn Thanh Hải Đoàn 75 $50.00
HL Nguyễn Ngọc Á DCT71 $50.00
LH Lâm Ngọc Chiêu BCH/NKT $50.00
LH Nguyễn Văn Trung covey $50.00*
HD LH Bùi Thượng Khuê $50.00
HL Mai Xuân Bình DCT71 $50.00
LH HL Võ Hoà CD3, D71 SCT $50.00
HD Johnny Vũ Thảo NKT $50.00
NT Lê Minh CHT/CD2XK $50.00*
NT Lữ Triệu Khanh BCH/NKT $50.00*
LH Nguyễn Dzẫn CD1XK/SLL $50.00*
KB Đặng Quỳnh PD219 $50.00
KB Lụa Nguyễn PD219 $50.00
NT Đoàn Kim Tuấn CD3 XK $50.00
HL Phạm Hòa DCT72 $50.00

Tổng cộng $1,000.00 USD


 
Tôi và anh Nguyễn Đình Vỹ đã vào thăm anh Du Hai tại BV Trưng Vương chiều nay. Anh Du Hai được chẩn đoán tắc nghẽn phổi mãn tính ( COPD) Hiện anh đau sau lưng, không nằm, không ngồi được, chỉ đứng khum khum suốt ngày (ảnh đính kèm) rất tội nghiệp. Gia cảnh anh rất khó khăn.  Cường đã trích quỷ EF trao anh Hai 1 triệu đồng. Mọi sự giúp đở xin vui lòng gửi về: 
(Đã có sự đồng ý của anh Du Hai) 
 con trai lớn của anh là 
Du Quốc Cường 
120/35/7 Lê Văn Quới p. Bình Hưng Hoà A, Bình Tân Sài gòn.
ĐT: 0909381319

Sunday, January 29, 2023

Những Ngày Xuân Xa Nhà - Trường Sơn Lê Xuân Nhị -

 

Con biết không về mẹ chờ em trông,

Nhưng nếu con về bạn bè trông mong,
Bao lứa trai cùng chào Xuân chiến trường,
Không lẽ riêng mình êm ấm,
Mẹ ơi con Xuân này vắng nhà...

 (Trích bài hát "Xuân Này Con Không Về")

Một khi nói về quê hương mình thì dĩ nhiên, ai cũng khen đẹp, khen tốt. Hơn thế nữa, ai xa quê hương cũng nói lên sự luyến nhớ quê hương mình. Là người, tôi cũng không tránh khỏi chuyện này, cho nên, ai đọc bài này thì tôi xin người ấy thông cảm với tôi. Có thể lòng thương nhớ quê hương làm cho tôi thần thánh hóa quê hương tôi, nhưng tôi không thể viết khác hơn. Tôi vốn là một con người chân thật.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một thành phố nhỏ miền Cao Nguyên Trung Phần tên là Ban Mê Thuột. Quê tôi nhỏ lắm, hiền lắm. Tuy thế, năm nay tôi đã quá 50, đã đi nhiều nơi trên thế giới, tôi chưa hề nhìn thấy thành phố nào có một loại nắng vàng đẹp như thành phố tôi ở. Mỗi năm, cứ vào khoảng tháng 10, trời bắt đầu trở lạnh. Buổi sáng thức giấc sớm đi lễ nhà thờ, bước ra ngoài giếng nước múc nước rửa mặt, gió thổi lạnh cóng chân tay, run bần bật. Buổi trưa, ngồi trong lớp mơ màng nhìn ra ngoài trời, thấy nắng đổ xuống, phủ kín đất trời bằng một màu vàng hanh. Càng về trưa thì nắng càng vàng. Vàng như có ai phủ một tấm màn màu vàng trước mặt mình. Cái màu vàng này tôi không thể diễn tả được nhưng nó rất ấm, rất dịu, rất tình. Tình và đẹp như những cô con gái học trường Nữ Trung Học Ban Mê Thuột giờ tan lớp.

Tôi còn nhớ lại, những ngày học trò thơ dại ấy, lòng tôi thường nổi lên những niềm vui nhẹ nhàng êm ái: chẳng bao lâu nữa sẽ đến Noel rồi sau đó sẽ là Tết... Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, lễ lạc chưa chắc đã có quần áo mới mà mặc như thiên hạ, nhà cửa cũng tiêu điều, có muốn bày biện hay trang hoàng gì cũng chẳng có tiền mà mua, nhưng không hiểu tại sao, niềm vui cứ tràn ngập lòng anh em chúng tôi. Có lẽ nhờ hai tuần lễ nghỉ. Có lẽ vì ra đường thấy ai cũng nhộn nhịp vui vẻ, lòng mình cũng thấy vui theo...

Tôi thích nhất là đêm Noel đi lễ nhà thờ, nghe ca đoàn ca những bài thánh ca lúc thì trầm ấm dịu dàng, lúc thì vi vút như trời cao, lòng tôi cảm thấy phơi phới, dịu dàng. Lễ xong về nhà vào lúc quá nửa đêm, cả gia đình ngồi quây quần chung quanh một... nồi cháo gà. Mọi người ăn uống nói cười vui vẻ làm sao. Đến ngày tết, năm nào nấu được một nồi bánh tét thì năm đó nhà coi như một ngày hội, niềm vui lớn quá, không thể nào nói được. Ngồi canh nồi bánh tét ngoài trời, gió thổi phần phật quất hơi lạnh vào người mình. Thế là mình chỉ cần ngồi xích gần bếp lửa một chút nữa thì hơi nóng từ lò lửa nồi bánh tét bốc ra, sưởi ấm mình ngay. Bên cạnh thế nào cũng phải có một đĩa hột dưa hay một đĩa kẹo để mình chấm mút. Sáng sớm, nồi bánh Tét chưa nấu xong thì đã ngủ gục không biết từ lúc nào...

Sáng mùng một Tết, dù tối qua thức khuya nhưng chẳng ai thấy mệt. Nếu có quần áo mới thì mặc vào, nếu không thì mặc bộ đồ cũ nhưng bảnh nhất, đã giặt ủi và để dành từ nhiều ngày qua, đi chúc Tết cha mẹ rồi đến bà con hàng xóm. Lúc mừng tuổi thì luôn luôn được tiền lì xì. Không phải đi học, được đi chơi suốt ngày, trong túi lại có được mấy chục đồng bạc mới tinh thì không vui làm sao được"

Cái mục vui thú nhất là mục đi ra chợ xem người ta lắc bầu cua, vào chợ ăn hàng, rồi đi xem múa lân hay đốt pháo v.v...

Tôi không thể nào quên được những ngày Xuân đầm ấm này...

Nhưng những ngày xanh bình yên qua mau. Quá mau...

17 tuổi, đậu xong bằng tú tài 1, tôi vội vàng từ giã mái ấm gia đình và thành phố Ban Mê Thuột thân yêu lên đường đi lính. Những ngày đầu tiên ở quân trường mới thê thảm và nhớ nhà làm sao. Suốt từ sáng đến tối, đầu óc tôi không nghĩ đến gì ngoại trừ cái thành phố thân yêu cách xa cả một vùng trời, ngôi trường La San đầy kỷ niệm, nơi đã dạy tôi nên người, những thằng bạn trời đánh đã cùng một thời chơi đùa với nhau. Tôi nhớ từng con đường, từng góc chợ, từng khóm cây. Tôi muốn từ bỏ kiếp người, biến thành một con bướm hay con... rệp cũng được, để trở về bay lượn gần những giàn hoa nơi quê nhà yêu dấu nếu làm bướm, hoặc cuộn mình trong đáy một cái giường nào đó nếu làm rệp. Làm gì cũng được, miễn là tôi được ở gần quê hương, được hít thở khí trời dịu dàng tươi mát, được nhìn ánh nắng vàng hoe của những buổi trưa mùa đông lành lạnh...

Nhiều lần quẫn trí, tôi muốn leo rào đào ngũ trở về nhà, suốt đời làm một tên nông dân quê mùa nơi miền đất đỏ.

Nhưng tôi đã không về... Làm nông dân thì chẳng ai cấm, nhưng làm một tên trốn quân dịch thì không ai cho.

Từ quân trường Quang Trung cháy nắng cho đến trường bộ binh Thủ Đức nhọc nhằn gian khổ rồi cũng qua mau. 18 tuổi, tóc vẫn còn xanh, tôi được làm ông Chuẩn úy bộ binh. Tôi biết uống bia, biết chơi bời, ăn nói thường pha những tiếng chửi thề. Những chuyện này chẳng tốt lành gì để khoe, nhưng người ta sao thì mình vậy. Đau khổ hơn cả, tôi bắt đầu biết tập để giết chết những mộng mơ của cuộc đời mình. Tôi không mơ vợ đẹp con khôn, không mơ tưởng được sống một cuộc đời an nhàn hay giàu có, không mơ được sống lâu sống thọ. Mỗi ngày, hàng ngàn người trai trẻ lứa tuổi tôi ngã gục, một ngày nào rồi cũng đến phiên tôi thôi. Làm sao tránh được mà mơ" Đáng buồn nhất, mỗi lần Tết gần đến, tôi cũng đủ lý trí để biết rằng việc về nhà ăn Tết làm một việc không bao giờ có thể xảy ra cho tôi. Nếu lính tráng ai cũng về nhà ăn tết hết thì người đâu để đánh giặc bảo vệ giang san"

Tôi đã đọc ở đâu đó là nỗi mất mát lớn nhất của một con người là cái mất mát sự mộng mơ. Một con người không còn biết mộng mơ, nhất là ở lứa tuổi 18 hay đôi mươi, chẳng khác gì một con suối khô cạn không còn nước. Chín tháng quân trường đã biến thể xác tôi thành một người phong sương rắn chắc, tâm hồn tôi thành chai đá, dạn dày. Tôi không ngờ, chỉ mấy tháng trước, tôi còn có thể buồn được vì một đám mây bay, mắt có thể rớm lệ khi đọc một truyện tình buồn. Bây giờ, tôi là một người lính, sẵn sàng ôm súng lao vào kẻ thù. Mày không chết thì tao chết, đơn giản như thế thôi... Lính mà em.

Nhưng sau trường bộ binh Thủ Đức, thay vì ôm súng lăn vào quân thù, tôi được chính phủ cho ôm... sách vở đi học. Tôi gia nhập KQ, nằm trong lều vải của Tent City ở Gò Vấp để học Anh Văn. Rồi tôi được quân đội dạy cho lái chiếc tàu bay quê mùa nhất, cũ nhất, chậm nhất của QLVNCH là tàu bay L-19. Tàu bay tôi nhẹ đến nỗi, mỗi buổi tối, chúng tôi phải dùng giây buộc nó lại, sợ gió thổi bay mất.

Tôi về phi đoàn 114, đóng ở Nha Trang, chỉ cách Ban Mê Thuột một tiếng rưỡi giờ bay, thế mà, suốt 4 năm ở phi đoàn, đi bay hành quân từ ngày một cho tới ngày mất nước, tôi không hề được về Ban Mê Thuột một lần để ăn tết. Thành thật mà nói, nếu muốn, tôi có thể lên gặp ông trường phòng HQ để xin đi biệt phái Ban Mê Thuột. Nhưng đời tôi, tôi chưa bao giờ biết mở miệng xin xỏ ai, tại sao bây giờ lại hạ mình đi xin xỏ để được ăn tết ở nhà" Hèn quá, không được.

Thế là mỗi một ngày Tết, tôi sách tàu đi biệt phái. Thường thì là những nơi "Xôi Đậu" máu lửa ngập trời như Pleiku hay Phù Cát. Năm cuối cùng, tôi biệt phái Quảng Đức vì trận Bu-Prăng đang diễn ra khốc liệt.

Cũng xin nói thêm, tôi không viết bài này để than phiền ai. Thật ra thì trong phi đoàn tôi chuyện này chẳng có gì là bất công cả mà lại rất tự nhiên. Mình tuổi trẻ, chưa vợ con thì tết nhất sách khăn gói đi biệt phái miền xa là phải rồi, để cho các đàn anh ăn tết ở nhà với vợ con. Mai mốt mình lấy vợ có con, đeo lon... đại úy trên vai thì các đàn em lại đi biệt phái để mình ở nhà với vợ con. Một sự suy nghĩ thật đơn giản và đúng. Chỉ tiếc rằng, tôi chưa đeo được cặp lon Trung úy thì mất nước. Cũng cần nói thêm ở đây, tổ tiên giòng họ nhà tôi xuất thân là nông dân nơi một vùng đất quê mùa hẻo lánh tên gọi làng Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đất của tổ tiên tôi, nhìn ra phía trước là biển mặn chập chùng, quay ra sau là núi đá sừng sững. Nghèo khổ và cơ cực lắm, chỉ có con tim và khối óc mà thôi, chả có gì....

Gia phả nhà tôi mấy chục đời chưa hề thấy ghi có ai được làm quan. Chỉ có ông cố tôi làm tới anh đình trưởng và mấy đời sau, có mình tôi làm được làm quan một tàu bay. Như thế là vinh hạnh lắm rồi. Cái đáng nói ở đây là không biết ngày xưa, ông cố tôi có làm được gì để giúp dân làng Kỳ Anh nghèo khổ đói rách hay không. Thân phụ tôi không hề nói nhưng tôi hy vọng là có. Riêng tôi, tôi chẳng làm được gì cả để đóng góp cho quê hương và tổ quốc mình. Tôi đau đớn lắm nhưng không biết làm sao hơn.

Tôi nhớ có một năm, hình như 1973 thì phải, tối 30 mặc đồ vét đi chúc tết bà con ở Nha Trang, ai mời rượu cũng không dám uống để sáng hôm sau thức dậy 5 giờ cất cánh. Sáng sớm mùng một, trời còn mờ mờ tối, anh em âm thầm vác khăn gói ra tàu, mặt mày méo xệch, đau đớn quá chẳng ai buồn nói với ai một lời. Mở máy gọi đài kiểm soát, chưa kịp thử vô tuyến, cha nội ngồi trong lầu kiếng buông một câu: "Nhân ngày đầu năm mới, xin kính chúc quý vị một năm mới khang an..." Thế là mình cũng giả vờ chúc lại, cố gắng làm ra giọng vui vẻ để khỏi phụ lòng người.

Thử máy xong, đem tàu ra so hàng, tống hết ga cất cánh. Đủ tốc độ, kéo máy bay rời phi đạo lên trời, càng thấy mình cô đơn hơn nữa. Cô đơn đến chết được. Ở trên là trời. Ở dưới chân mình và càng lúc càng xa đi là thành phố Nha Trang đang nằm ngủ im lìm. Mình một thân một mình, chỉ có tiếng động cơ và tiếng cánh quạt đều đều. Rời vòng phi đạo, lấy hướng 220 độ đi Quảng Đức. Nghiêng cánh một phát, không muốn nhìn nhưng cũng phải nhìn xuống một phát. Nhìn để thấy thành phố thân yêu, nơi có người em gái mình yêu và cũng yêu mình đang nằm ngủ một cách yên lành, say đắm. Sóng biển nhẹ nhàng vỗ vào bờ cát trắng mịn dưới chân mình như muốn vỗ về ôm ấp...

Biển ơi là biển, có biết lòng ta chăng"

8500 bộ, trời lạnh run, thò tay mở ADF nghe radio đài Sài gòn, lại nghe được mấy bài hát như "Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…", nhìn chung quanh chỉ thấy trời cao, biển rộng và núi thẳm thì càng thấy thấm thía hơn. Người ta bảo phi công là những người cô đơn nhất thật là đúng trong trường hợp này.

Đáp con tàu xuống phi trường Quảng Đức, bàn giao biệt đội với phi hành đoàn cũ, check với Alo rồi lên xe phóng về biệt đội… nằm ngủ. Ai nói đi ngủ ngày mùng một Tết là một chuyện khó tin nhưng có thật với tôi. Ngày Tết là ngày kiêng cữ, mình lại chẳng quen ai ở cái thành phố xa lạ này thì chỉ nên nằm nhà ngủ cho sướng. Buổi chiều, đại úy Hạnh sĩ quan A-Lô đem sang đòn bánh chưng và chai rượu, rủ chúng tôi nhậu.

Nhậu nửa chừng, nghe radio văng vẳng bài hát:

"Con biết bây giờ mẹ chờ em trông…
Khi thấy hoa đào nở vàng bên nương…
Năm ngoái con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ,
Mà tin con vẫn xa ngàn xa…
"

Nghe đến đâu thì muốn đứt ruột đến đó, nhưng biết làm gì hơn được"

Năm 1975, ngày Tết mà phải bay hộc xì dầu và vô tình gặp được một thằng bạn cùng lớp ngày xưa ở Ban Mê Thuột. Thằng An. Nó bây giờ làm một đại đội trưởng của sư đoàn 23 bộ binh, tướng tá phong sương dày dạn hơn tôi gấp chục lần. Tiểu đoàn nó vừa đụng nặng nên được về làm an ninh cho thành phố Quảng Đức. Tôi kéo nó về biệt đội, hai đứa ngồi cưa một chai rượu.

Hai thằng nói đủ thứ chuyện. Từ chuyện ngày xưa đi học, chuyện những đứa con gái mà chúng tôi biết, cho đến chuyện lính tráng, chuyện chiến tranh. Đến một lúc nào đó, tôi than phiền với người bạn tôi rằng dù là phi công, tôi chưa năm nào được ăn Tết ở nhà cả.

 Thằng bạn tôi cười méo mó:

-Mẹ bố, nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột. Nhìn thấy tụi mày đi bay về có giường nệm ngủ, có điện thoại, có bếp nấu đồ ăn tao bắt thèm. Tao đây, có nhiều khi chỉ mong được dịp cởi đôi giày bố ra chừng vài tiếng đồng hồ và không dám cởi, nói gì đến chuyện ngủ giường nệm...

Rồi nó bắt đầu kể lại cuộc đời lính bộ binh, những lần đụng độ, những lần thoát chết. Thằng bạn tôi đi lính sau tôi, ra trường cuối năm 71. Năm 72, vừa ăn tết xong là nó được nếm mùi lửa đạn liền khi Việt cộng tấn công trận mùa khô năm 72. Nó bắt đầu bằng câu:

-Tiểu đoàn tao chỉ một tháng mà rụng tới ba ông tiểu đoàn trường. Tiểu đoàn trưởng mà còn rụng mau như thế thì lính tráng nói gì...

Tôi ngồi nghe một lúc và chợt thấy mình quả là may mắn và đồng thời, thương cho cuộc đời những người lính bộ binh. Nếu tôi không vào Không Quân thì cuộc đời tôi bây giờ chắc chẳng hơn gì nó.

Đồng ý rằng lính nào cũng có cái khổ riêng, cái nguy hiểm riêng nhưng tôi thấy lính Không Quân chúng tôi, so với những người lính bộ binh, chúng tôi quá sung sướng, quá thọ. Những cực khổ và nguy hiểm của chúng tôi không bằng họ được. Họ là những người gian nan nhất, thiệt thòi nhất, đáng được tôn vinh nhất. Có lẽ vì thế nên khi làm việc với bộ binh, tôi luôn luôn nhiệt tình, hết lòng hết sức...

Tôi nhớ lại năm 72, trong khi sách vở dạy L-19 không được bay quá 3 giờ, có nhiều khi tôi ở trên trời đến gần 5 tiếng đồng hồ. Trận đánh phía dưới diễn ra khốc liệt quá, máy bay khu trục của Mỹ bay đầy trời, nếu không có L-19 hướng dẫn thì họ phải giải tỏa bom đạn rồi bay về. Vì vậy tôi đành ở lại. Tôi không thể bỏ mấy anh em bộ binh được.

Về nhà, dĩ nhiên đâu dám ghi sổ là 5 giờ bay, phải rút xuống chỉ ghi có 3 giờ thôi. Ghi lạng quạng là thế nào cũng bị an phi điều tra, gọi lên gọi xuống làm khó dễ y như là mình phạm một tội ác nặng lắm. Một buổi trưa, đi bay về mệt rã người, chưa kịp thay đồ thì điện thoại reo vang rồi có người nói:

-Nhị, ông Tám muốn nói chuyện với mày.

Tôi cầm điện thoại lên, thế là một tràng những tiếng chửi rủa bay ra:

-Anh là thằng phi công mất dạy, ai cho anh bay thấp như thế. Anh muốn tự tử chết thì chết một mình, đừng có đem ai theo cả. Từ này về sau, hễ tôi nghe báo cáo anh bay thấp nữa thì tôi lôi cổ anh về nhốt.

Tôi nghe lời được vài bữa rồi chứng nào vẫn tật ấy. Mẹ kiếp, tàu bay thám thính mà bay tuốt ở trên cao thì làm sao nhìn thấy Việt cộng được. Tôi chả phải anh hùng gì nhưng mình đã mặc áo lính lái tàu bay ăn cơm chính phủ, mình phải làm việc như thế nào cho lương tâm mình khỏi cắn rứt là được...

Nhưng Tám nói là Tám làm. Sau đó tôi bị nhốt thật. Vào tù, không ai có thể hiểu được tại sao lái L-19 bay thấp lại bị ở tù. Bạn tù tôi toàn phạm những tội tày trời như buôn lậu, săn nai, bán xăng, hiếp dâm, giết người, chỉ có tôi bị tội bay thấp bị nhốt. Tôi đã giấu chuyện này trong nhiều năm, không viết ra sợ đụng chạm, sợ "làm xấu Không Quân", và đồng thời một phần, cũng vì cón sự kính nể người phi đoàn trưởng của tôi ngày xưa, tôi không muốn khơi dậy đám tro tàn. Cái tội của tôi chỉ là tội quá hăng máu yêu nước nhưng phải nằm trong tù chung với những thằng sĩ quan khác phạm những tội như tội buôn lậu bạch phiến, hiếp dâm, giết người, tôi thấy bất mãn thật. Nếu tôi là phi đoàn trưởng, chắc tôi không đối xử với phi công trong phi đoàn như thế. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, có thể nhờ như thế mà tôi còn sống được đến ngày hôm nay....

Tôi không biết...

Rồi năm 1975 đến thật mau, thật ngỡ ngàng. Tôi chạy trốn khỏi nước trong túi vỏn vẹn hai gói mì khô và mấy trăm đồng bạc...

Nhưng, tôi xin sửa lại một câu của danh tướng Mc Arthur mà nói rằng: Người ta có thể đem tôi ra khỏi quê hương, nhưng không ai đem được quê hương ra khỏi tôi...

Những ngày đầu tiên, mỗi tối, tôi leo lên giường, nằm nhắm mắt lại, lần mò về lại thành phố Ban Mê Thuột yêu dấu của mình. Tôi chia thành phố ra làm nhiều khu vực để đi thăm, và không dám đi mau, đi từ từ kẻo hết chỗ thăm...

Ngày đầu tiên, tôi thăm nhà. Ra sau nhà quay nước giếng và đổ đầy mấy phuy nước. Đây là công tác của tôi phải làm hằng ngày khi còn đi học. Rồi tôi giặt hết mấy thau đồ, cũng là một công tác khác mà tôi phải làm. Làm xong, tôi lấy cây đờn, leo lên một nhánh cây mít to lớn quen thuộc, búng phiếm đàn rồi cất tiếng hát một bài nhạc lính: "Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi, thành phố sau lưng ôm mộng ước gì, tôi là người vui chinh chiến dài lâu, nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu..." Ngày thứ hai, tôi về thăm lại ngôi trường cũ, trường La San Ban Mê Thuột, nơi đã đào tạo tôi nên người. Tôi vào lớp chào từng ông thầy, ông Frère. Ông nào cũng tiếp tôi niềm nở, bảo tôi "Anh mặc áo bay coi oai quá." Tôi cười cười thêm: "Oai và đẹp giai nữa chứ thầy..." Tôi ra sân chơi chính, nơi hằng ngày tôi thường đứng diễn thuyết và mọi người bu chung quanh để nghe tôi nói một cách thích thú. Rồi tôi ra sân đá banh, nơi mà lớp tôi đã từng chiến bại mà.... không hề chiến thắng suốt mấy năm trời trung học. Ở phía sau quán bà Năm, xa xa một chút, là nơi chúng tôi trốn để tụ tập hút thuốc lá. Đây cũng là nơi đã diễn ra những trận oánh lộn chí chóe. Có lần, "pặc-co" tay đôi với thằng Trúc, tôi bị nó đấm bầm một con mắt tại nơi đây. Tôi cúi xuống, sờ từng viên gạch, từng hòn đá, hỏi: "Chúng mày có nhớ tao không, sao tao nhớ chúng mày quá..."

Ngày thứ ba, tôi vào nhà thờ chính tòa, nhìn lại nơi tôi đã quỳ gối mỗi ngày suốt mười mấy năm. Cái nhà thờ này là một hình ảnh lớn trong đời tôi. Chính tại nơi đây, linh hồn tôi đã lớn lên và trưởng thành giữa những bài hát đạo ấm cúng như bài:

Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng,
Thầy yêu chúng con thầy sinh xuống gian trần
Thầy yêu chúng con, thầy ban trót thân mình
Để nuôi chúng con, ngày lữ thứ trần gian...

Hoặc những tiếng cầu kinh rì rầm, nhẹ nhàng, đều đều... những tiếng chuông trong giờ hành lễ v.v...

Tại nơi đây, tôi đã cầu xin đủ thứ. Cầu xin cho mình, cho đất nước, cho gia đình...

Ngày thứ tư, tôi đi ra phố, vào rạp chiếu bóng LoDo xem xi nê. Một trong những niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là được xem một phim xi nê hay. Gia đình tôi vốn khe khắt nên cấm tuyệt anh em chúng tôi không được bao giờ lai vãng đến rạp hát. Thân phụ tôi bảo rạp hát là ổ của tội lỗi. Vì thế, mỗi lần muốn đi coi xi nê, tôi phải đi lén. Coi được một phim nhiều khi phải tốn hàng tuần lễ để thiết trí kế hoạch và chuẩn bị. Rồi phải kiếm tiền nữa. Đủ thứ cực khổ nhưng tôi luôn luôn coi được những phim mình muốn coi. Nhưng niềm vui coi xi nê không bao giờ được vẹn toàn vì vừa coi xi nê vừa sợ về nhà bị đòn...

Hết phim, tôi ra chợ, đi vòng vòng các cửa hàng, thăm đủ thứ...

Cứ thế và cứ thế, mỗi một buổi chiều, sau một ngày mệt mỏi lao động, tôi leo lên giường, âm thầm trở về thăm quê cũ...

Nhưng dần dần, những chuyến trở về càng lúc càng ngắn đi cho đến một ngày, tôi hoàn toàn bị lôi kéo vào cuộc tranh sống nơi xứ người. Ban ngày đi học, ban đêm đi làm. Tối về đến nhà là thở không ra hơi, lại còn bài vở phải lo làm, tôi ngồi lì ở cái bàn nhỏ vừa là bàn cơm vừa là bàn học, nhiều khi tôi thiếp ngủ đi, đầu gục xuống bàn.

Dù bận rộn nhưng mỗi năm một lần, vào ngày Tết, tôi xin nghỉ việc và nghỉ học một ngày. Nghĩ không phải để ăn Tết mà đóng cửa phòng nằm nhà, ngồi tưởng nhớ đến quê cha đất tổ, nơi cha mẹ anh em bạn bè tôi còn bị đày đọa trong ngục tù Cộng Sản.

Người ta bảo nỗi buồn nào rồi cũng qua đi, tôi thấy đúng. Nhưng riêng tôi, tôi thấy có một nỗi buồn, một nỗi nhớ thương mà loài người không thể nào quên cho được, đó là nỗi thương nhớ quê hương. Có đi xa quê hương như thế này mới thấm thía câu "Hồ Mã Tê Bắc Phong, Việt Điểu Sào Nam Chi."

Và thời gian qua nhanh...

Khoảng năm 1984, Việt cộng cho Việt kiều về lại Việt Nam. Nhiều người Việt Nam tị nạn khắp nơi hăm hở trở về để ăn chơi, hoặc để thăm nhà, hoặc để lấy vợ hay làm gì đó. Mỗi người luôn luôn có một lý do để về Việt Nam. Và chuyện này là chuyện cá nhân của mỗi người, tôi không có ý kiến.

Riêng tôi, ngày nào còn chính quyền Cộng Sản ngự trị trên quê hương thì chuyện trở về thăm nhà sẽ không bao giờ xảy ra với tôi. Tính cho đến ngày hôm nay, đã 38 năm tôi chưa về nhà ăn Tết. Đã gần 32 năm tôi chưa được nhìn lại được mặt trời của quê hương.

Quê hương mình, mình nhớ thật, nhưng, như đã nói, ngày nào Cộng Sản còn thống trị quê hương thì chuyện trở về không có tôi. Tôi là kẻ thua trận. Làm trai sinh nhằm thời loạn, tôi đã mặc áo nhà binh để bảo vệ quê hương mình. Nhưng cuối cùng tôi đã không làm tròn bổn phận, phải bỏ đất nước mà trốn chạy một cách nhục nhã. Tôi không bao giờ quên được những chuyện này nhưng sẽ giữ kín trong lòng và chết đi sẽ đem nó xuống mồ với mình. Tôi không bao giờ nói cho con cái nghe về cái dĩ vãng tủi nhục đau đớn của cha nó. Những gì xảy ra ở Việt Nam sẽ được giữ lại tại Việt Nam. Tôi, tâm trạng có lẽ giống như mấy lời thơ mà Cao Tần đã làm hồi mới mất nước như sau: 

 Nhà ông khổ hơn người vì đôi cánh,
Những thênh thang bát ngát những trời xanh,
Này cánh đại bàng nhớ chân trời thẳm,
Thôi cuối tuần này lên núi cùng ta...

Trên núi cao ta biết rành một chỗ
Có hòn đá xanh có gốc thông già
Ngồi trên đá ông sẽ thành Trang Tử
Hồn nhẹ bay theo bướm lượn chiều tà...

Tôi còn quá trẻ và quá yêu đời để làm Trang Tử, và tôi càng không dám làm đại bàng, nhưng tôi biết tôi khổ hơn người vì sự suy nghĩ, vì còn có liêm sỉ, vì còn biết tủi nhục là gì. Dù làm một kẻ lưu vong sống âm thầm tủi nhục nơi xứ người, tôi ráng sống một cuộc đời còn lại của mình một cách thanh bạch và lương thiện. Tôi áp dụng đúng câu châm ngôn đã học được ngày còn ở những lớp Tiểu Học, đó là: Giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch, và đem hết nghị lực ra làm việc...

Mùa hè năm 2005, trận bão Katrina kéo đến tàn phá quê hương thứ hai của tôi, thành phố New Orleans. Hồi đó tôi đã tính không chạy bão, nhưng lúc ấy chân phải tôi bị gẫy, tôi biết nếu thành phố ngập nước, tôi ắt khó mà nổi được với một cái chân què, nên đành phải phóng xe đi. Tôi tính chỉ đi vài ngày rồi trở về, không ngờ, đến bây giờ là đã hơn một năm, vì công ăn việc làm, tôi vẫn còn "lưu vong" tại Dallas. Cứ ba bốn tuần một lần, tôi bay về nhà, thăm vợ con vài ngày rồi lại bay đi. Mỗi lần lên phi trường về lại Dallas, tôi lại có cảm tưởng như mình đi... biệt phái hồi xưa. Có khác chăng là hồi xưa đi biệt phái mình chẳng có vợ con, tuổi còn trẻ măng, chẳng biết lo lắng gì. Bây giờ, tuổi đời chồng chất, vợ con bận bịu, nhiều lần ôm con từ giã mà ruột đứt ra từng khúc...

55 tuổi là cái tuổi quá lớn để tìm bạn mới, và quá trẻ để về hưu, vui thú điền viên. Tâm hồn tôi bây giờ cũng cằn cỗi nhiều, ít ham đi đâu, và thành phố Dallas lại quá lớn, chằng chịt đường xá, nên tôi nằm nhà tối ngày. Cái thú vui của tôi bây giờ là cái... màn ảnh máy điện toán. Qua cái màn ảnh này, tôi đọc thật nhiều và cũng viết thật nhiều...

Tôi không viết bài này để than thở. Biết đâu chừng, nhờ những ngày "lưu vong" này ở Dallas, tôi có thể viết được một tác phẩm lớn để đóng góp với đời...

Trong khi đó, xin kính chúc quý vị một lễ Giáng Sinh an bình và một năm mới hạnh phúc....

Trường Sơn Lê Xuân Nhị
Dec 14, 2006
Những ngày lưu vong Dallas

Thông báo tin vui - Đại Úy Đặng Bá Lộc - Chiến Đoàn 1 Xung Kích SLL/NKT

Tin vui về 1 chiến hữu tưởng vượt biên mất tích hiện nay đang sống ở tiểu bang North Carolina Đó là cựu Đại Uý ĐẶNG BÁ LỘC (cùng thời với anh Võ Bình, Võ Trai) Anh Lộc từng thuộc LLĐB chuyển về CHIẾN ĐOÀN 1/ XUNG KÍCH / LÔI HỔ Và từng giữ các chức vụ: - Đại Đội Trưởng Đ Đ A/ XK - Đại Đội Trưởng Thám Sát - Trưởng Ban 4 / CĐ - Thành phần Tham Mưu Đoàn 1/ LL/ SLL/ NKT/ BTTM tham dự trận chiến tại Phi Trường Thành Sơn / Phan Rang Từ ngày 3-4-1975 đến ngày 16-04-1975 thì mất tích từ đó đến nay tôi mới nhận được tin nhắn của anh Lộc. 

Xin vui mừng nhờ anh Phạm Hoà THT/TH/NKT hoan hỉ bao tin cho các anh em mình biết tin.



Số điện thoại của anh Đặng Bá Lộc là: 901-728-7121

M
Kinh thong bao:

D/uy Dang Ba Loc, Doan 1 SLL, tu sau 
thang 4/1975, bat tin, khong ai tim biet. 
Nay, Anh hien o HK - TB North Carolina -  
552 Dale Dr. Fayetteville, NC 28303. 
Phone # 910- 728 -7121.

Anh cung gia dinh van khoe, rat vui 
duoc biet tin nhau va cung rat mong 
sum hop voi gia dinh NKT 
(viec nay, xin nho Hoa thong tin giup ).

Dau nam, kinh chuc toan the gia dinh minh 
an vui, va nhat la luon duoc manh khoe.

Than men.
thHaveaniceDay.gif image by dannguyen_05
N.Dan

Hi Hòa,
Anh vừa liên lạc và nói chuyện cùng với 
Dẫn và Tảo với một người đã mất liên lạc 
gần 50 năm. Đó là Đại Úy Đặng Bá Lộc 
CD1.
Thông báo cho Hòa hay.
Anh Ấn.

Anh Lộc ở North Carolina.
(910)7287121
n_nanh2005@yahoo.com