Thursday, March 30, 2023

Tháng 3-1975 tuyến đầu thất thủ

 
Tối 29-3-1975 đài phát thanh BBC Luân Đôn cho biết Đà Nẵng thất thủ, một trăm ngàn quân bị bắt làm tù binh, đó cũng là ngày sụp đổ của toàn bộ Quân khu 1, hung tin ghê gớm đã khiến cho cả nước kinh hoàng: Quân khu 1 nơi tập trung những lực lượng tinh nhuệ và thiện chiến nhất của ta, bốn sư đoàn chính qui, bốn liên đoàn Biệt Động quân … đã hoàn toàn tan rã sau 9 ngày cầm cự và triệt thoái. Mặc dù nay Bộ Tổng tham mưu, các vị Tướng lãnh, các giới chức quân sự có liên hệ đã bạch hóa diễn tiến của trận chiến bi thảm này, các nhà nghiên cứu quân sự, các nhân chứng, ký giả chiến trường… đã biên soạn, kể lại diễn tiến của mặt trận vùng Hoả tuyến nhưng người ta tưởng như nó vẫn còn nhiều điều bí ẩn và khó hiểu, chưa bao giờ trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng giai đoạn 1960-1975 một lực lượng to lớn của ta lại có thể thua nhanh đến thế.

Các tài liệu, sách báo nói về cuộc lui binh tại Quân khu 1 của Bộ Tổng tham mưu Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Ngô quang Trưởng, Thiếu tướng Hoàng Lạc, nhà nghiên cứ quân sự Nguyễn Đức Phương, ký giả chiến trường Phạm Huấn và những lời thuật lại của các nhân chứng … nói chung dồi dào nhưng không hoàn toàn giống nhau có khi còn trái ngược nhau là khác.
Quân khu 1 là một giải đất dài và hẹp hình cán chảo, người Mỹ gọi là pan handle chạy theo hướng tây bắc, đông nam, gồm 5 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng tín, Quảng Ngãi, dân số vào khoảng ba triệu. So với các Quân khu khác Vùng Một nhỏ hẹp nhất, đây là nơi tiếp giáp với Bắc Việt, chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào nên cũng gọi là vùng hoả tuyến. Từ sau khi ký hiệp định Paris ta chỉ còn kiểm soát được chưa tới 50% diện tích Quân khu, phần đất của ta nằm phía bên phải của giải đất theo chiều dọc tức là phía đông, còn phía tây đã lọt vào tay quân thù. Dần dần ta chỉ còn những tỉnh lỵ và thị xã và các quận do sự lấn chiếm theo kiểu tầm ăn dâu của địch, kể từ sau ngày 19-3-1975, nếu nhìn trên bản đồ quân sự sẽ thấy ta chỉ còn kiểm soát được vào khoảng một phần ba diện tích Quân khu.
Năm 1972, Quân khu 1 đã là một chiến trường lớn, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt đẫm máu giữa các đại đơn vị của hai miền Nam Bắc. Vì tình hình sôi động đặc biệt của vùng hỏa tuyến ngoài ba sư đoàn cơ hữu 1, 2, 3 của Quân đoàn, ta còn cho hai sư đoàn tổng trừ bị Nhẩy Dù và Thủy quân lục chiến ra trấn đóng hầu chống lại cuộc tấn công qui mô có thể xẩy ra của địch. Từ sau ngày ký hiệp định Paris quân viện cho Việt Nam Cộng Hoà bị cắt giảm từ 2 tỷ năm 1973 còn 1 tỷ 4 năm 1974 và 700 triệu năm 1975. Tình hình quân sự, chính trị ngày một đen tối, quân viện bị cắt giảm, ngày 12-3-1975 Hạ nghị viện Mỹ biểu quyết bác bỏ 300 quân viện bổ túc cho Việt Nam Cộng Hoà do Tổng thống Ford đệ trình Quốc Hội, viện trợ quân sự cũng sẽ không được chuẩn chi cho năm tới, đạn dược tiếp liệu ngày càng bi đát, hoả lực giảm 60%, chỉ còn đủ đạn đánh tới tháng 5, tháng 6 1975.

Đồng minh phản bội, trắng trợn hủy bỏ mọi cam kết với miền Nam trước ngày ký Hiệp định Paris , quân thù thừa cơ nước đục thả câu. Tình hình 1975 vô cùng bi đát, ta không được Mỹ yểm trợ B52 oanh tạc trải thảm, thiếu thốn tiếp liệu. đạn dược… trong khi quân thù đã được Cộng sản Quốc tế Nga Tầu viện trợ tối đa. Năm 1975 lực lượng chính qui của Bắc Việt gồm 4 quân đoàn và đoàn 232 (tương đương một quân đoàn), mỗi quân đoàn gồm 3 sư đoàn, tổng cộng 15 sư đoàn, ngoài ra Bắc Việt còn có khoảng 15 trung đoàn độc lập tương đương với 4, hoặc 5 sư đoàn. Toàn bộ lực lượng chính qui địch vào khoảng 20 sư đoàn, ước lượng 300 ngàn người. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 có hơn một triệu quân trong đó 40% là chủ lực chính qui. Lính nhà nghề chỉ có 13 sư đoàn bộ binh, hai sư đoàn tổng trừ bị Nhẩy dù và TQLC và 15 liên đoàn Biệt động quân, mỗi liên đoàn khoảng từ 1000 tới 2000 người. Ta tổ chức theo lối Mỹ, một người tác chiến, năm người yểm trợ nên trên thực tế chỉ có khoảng 200 ngàn là lính nhà nghề.

Cuối năm 1974 tình hình chiến sự ở Quân khu 1 yên lặng được một thời gian, quân ta đẩy lui cuộc tấn công của địch vào đồng bằng tây nam Đà Nẵng, địch có lợi thế về địa hình, vì gần hậu cần miền Bắc chúng được bổ sung quân số và tiếp liệu thuận lợi. Từ tháng 6 cho tới cuối năm 1974 các lực lượng Quân đoàn 1 của ta bị tổn thất trong các trận giao tranh không được bổ sung nên quân số thiếu hụt. Quân khu 1 được chia làm hai khu Bắc và Nam, Bắc gồm hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên dưới quyền Bộ Tư lệnh tiền phương do Trung tướng Lâm Quang Thi chỉ huy, ba tỉnh còn lại Quảng Nam Quảng Tín, Quảng Ngãi do Tư lệnh Quân đoàn Ngô Quang Trưởng (hình phải) trực tiếp chỉ huy.
Bố trí lực lượng của ta gồm sư đoàn Nhẩy Dù vàTQLC, Lữ đoàn 1 Thiết kỵ từ bắc Thừa Thiên lên tới nam sông Thạch Hãn, lực lượng cơ hữu của Quân khu và các liên đoàn Biệt động quân bảo vệ các tỉnh còn lại: Sư đoàn 1 và liên đoàn 15 Biệt động quân đóng tại Thừa Thiên, sư đoàn 3 và liên đoàn 14 Biệt động quân đóng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, sư đoàn 2 và hai liên đoàn Biệt động quân 11, 12 bảo vệ Quảng Tín, Quảng Ngãi. Các đơn vị yểm trợ gồm trên 10 tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn phòng không, một lữ đoàn thiết kỵ. Hải quân gồm các giang đoàn xung phong, trục lôi, tuần thám tại Thuận An, các duyên đoàn tại Cửa Việt, tại Thuận An, Tư Hiền… sư đoàn 1 Không quân đóng tại Đà Nẵng. Quân số của Quân đoàn vào khoảng 90 ngàn chủ lực và 75 ngàn địa phương quân, nghĩa quân, trong số này nhiều người thuộc thành phần không tác chiến.

Lực lượng Cộng sản tại Quân khu 1 chia hai địa bàn hoạt động lấy đèo Hải Vân làm ranh giới do các Tướng Lê Tư Đồng, Nguyễn Hữu An, Chu Huy Mân chỉ huy. Theo Nguyễn Đức Phương tại đây Bắc việt có 7 sư đoàn (324B, 325, 320B, 312, 304, 711, 2) và 4 trung đoàn độc lập tổng cộng vào khoảng 8 sư đoàn. Theo Đại Tướng Cao Văn Viên, Cộng sản Bắc Việt tại đây có 5 sư đoàn (341, 325C, 324B, 304, 711), 10 trung đoàn độc lập (52, 4, 5, 6, 27, 31, 48, 51, 270, 271), 3 trung đoàn đặc công (5, 45, 126), toàn bộ vào khoảng 8 hoặc 9 sư đoàn, ngoài ra lực lượng cơ giới yểm trợ gồm 3 trung đoàn xe tăng, 12 trung đoàn phòng không, 8 trung đoàn pháo binh. Tổng cộng vào khoảng 71 ngàn người, đa số là lính tác chiến. Bắc Việt có ưu thế hơn ta về và vũ khí đạn dược, lực lượng coi như gấp hai rưỡi ta.

Trong khi mở chiến dịch Ban Mê Thuột, Việt Cộng tại Quân khu 1 cũng xâm nhập đánh phá các nơi để cầm chân ta như tại Quảng Trị địch chiếm quận Hải Lăng bắc Thừa Thiên, xâm nhập các xã ven biển Thừa Thiên, phía nam đánh các cao điểm của sư đoàn 1, tấn công tuyến sông Bồ nhưng bị đẩy lui bỏ lại 200 xác chết, tại Quảng Tín Việt Cộng chiếm 2 quận Tiên phước, Hậu Đức ngày 10-3 bắn phá tỉnh lỵ Tam Kỳ…
Ngày 11-3 Tổng thống Thiệu Triệu tập phiên họp tại Dinh Độc Lập cho biết trước tình hình hình khó khăn do quân viện bị cắt giảm, áp lực địch mạnh, ta chỉ có thể giữ được Quân khu 3, Quân 4 và một vài tỉnh duyên hải vùng 2, vùng Một chỉ giữ Huế và Đà Nẵng. Trong lúc tình hình quân sự có vẻ không thuận lợi cho ta thì theo yêu cầu của của Ông Thiệu, Bộ Tổng tham mưu lệnh cho Tướng Trưởng trả sư đoàn Nhẩy Dù về Trung ương. Ngày 13-3 Tổng Thống Thiệu lệnh cho Tướng Trưởng về Sài Gòn họp Hội Đồng an ninh Quốc gia, thành phần gồm Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn. Ông Thiệu cho biết tình hình khó khăn do cắt giảm quân viện, ông không tin Mỹ sẽ can thiệp dù Cộng Sản tấn công miền Nam nên phải tái phối trí lực lượng, rút quân bỏ những miền rừng núi đễ giữ những vùng mầu mỡ còn hơn đứng chung chính phủ Liên Hiệp với Cộng Sản.

Ngày 14-3 Tướng Trưởng về Quân đoàn 1 họp tham mưu, thảo luận kế hoạch tái phối trí, Nhẩy Dù sẽ rút về Sài Gòn, hôm sau liên đoàn 14 Biệt động quân nhận vùng trách nhiệm của Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 369 tại Quảng Trị để lữ đoàn này về Phú Lộc thay Lữ đoàn Dù, một lữ đoàn TQLC sẽ chịu trách nhiệm khu vực sông Bồ để bảo vệ Huế.
Ngày 17-3 Lữ đoàn 258 TQLC sẽ rời Quảng Trị để về Đà Nẵng thay lữ đoàn Dù. Dân chúng sợ hãi đã di tản ồ ạt trên quốc lộï Một từ mấy ngày nay làm cản trở việc điều quân tái phối trí.
Ngày 18-3 Thủ tướng Khiêm ra Đà Nẵng để giải quyết vấn đề dân tỵ nạn, ông cho Tướng Trưởng biết sẽ không tăng viện Quân khu 1 vì tình hình Quân khu 3 nghiêm trọng, Việt Cộng đánh Dầu Tiếng, áp lực Tây Ninh, Long Khánh, Bình Tuy..
Ngày 19-3 Tướng Trưởng được triệu về Sài Gòn họp lần thứ hai, thành phần phiên họp cũng như lần trước nhưng có thêm Phó tổng thống Trần Văn Hương. Tướng Trưởng trình bầy hai kế hoạch lui binh:

Kế hoạch Một: các đơn vị sẽ theo Quốc Lộ Một từ Huế Chu lai về Đà Nẵng, trong trường hợp Quốc lộ Một bị cắt thì sẽ theo kế hoạch Hai.
Kế hoạch Hai: Các lực lượng Quân đoàn sẽ tập trung tại ba cứ điểm Huế, Đà Nẵng và Chu Lai, tầu hải quân sẽ chuyên chở lính từ Huế Chu Lai về Đà nẵng. Trong cả hai kế hoạch Đà Nẵng vẫn là điểm tựa cuối cùng, Trưởng đề nghị giữ cả ba cứ điểm để phân tán lực lượng địch và gây tổn thất tối đa cho Việt Cộng, Thiệu cho biết giữ được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Ông Cao Văn Viên cho rằng kế hoạch của Tướng Trưởng là hợp lý.
“Kế hoạch lui quân của Quân đoàn 1 soạn thảo rất hợp lý và đầy đủ, gồm kế hoạch dự phòng để đối phó với những bất ngờ do địch gây ra. Khi trận chiến khai diễn như Kế Hoạch Hai dự trù và các đơn vị của Quân đoàn 1 rút hết về Đà Nẵng, chúng ta chỉ còn hai hành động phải làm: Cố thủ tại chỗ hoặc rút bằng đường biển nếu tình thế bắt buộc. Như vậy vào thời điểm trên, đâu còn cần đến kế hoạch dự phòng nào khác”
Thật ra kế hoạch nghe thì hay nhưng thực hiện được không phải là chuyện dễ. Tướng Thiệu lệnh cho Trưởng cố gắng giữ được tất cả những phần đất có trong tay sau đó ông lệnh cho Tướng Quang soạn bài hiệu triệu trên đài phát thanh Huế để trấn an dân chúng, quyết bảo vệ Huế đến cùng. Buổi họp này không thấy nói đến triệt thoái mà chỉ là kế hoạch co cụm để giữ đất.
Ngày 19-3 Quảng Trị bỏ ngỏ, chi đoàn Thiết giáp, liên đoàn 14 Biệt động quân rút về bên này Mỹ chánh lập phòng tuyến mới. Cộng quân bắt đầu tấn công mạnh vào Quân khu. Theo Tướng Hoàng Lạc, Giám mục Phạm Ngọc Chi địa phận Đà Nẵng và Giám mục Nguyễn Kim Điền khuyên không nên đổ máu vô ích vì các siêu cường đã sắp đặt cả rồi.

Sáng 20-3 Tướng Trưởng bay ra bộ chỉ huy tiền phương họp các cấp chỉ huy bàn kế hoạch phòng thủ Huế như Tổng thống ra lệnh phải giữ bằng mọi giá. Tình hình mặt trận tương đối chưa đến nỗi tệ, các đơn vị còn hoàn hảo, tinh thần cao duy trì được kỷ luật, ai nấy đồng lòng tử thủ, dân chúng di tản nhiều. Tưởng Trưởng lạc quan khi thấy Huế phòng thủ tốt. Trưa hôm đó Thiệu đọc hiệu triệu dân trên đài phát thanh Huế. Đến chiều khi về tới Đà Nẵng Tướng Trưởng nhận được lệnh của của dinh Độc Lập chỉ giữ Đà Nẵng thôi nếu tình hình bó buộc, Tướng Thiệu lý luận Quân đoàn không đủ lính để bảo vệ cả ba cứ điểm Chu lai, Huế và Đà Nẵng. Tướng Trưởng được quyền tuỳ cơ ứng biến.
Quân khu 1 ngày một nguy ngập, Cộng quân đã bắt đấu tấn công mạnh, chúng đánh theo thế gọng kìm từ trên Quảng Trị đánh xuống và từ dưới Quảng Ngãi đánh lên, dân chúng chạy loạn ồ ạt từ Huế kéo về Đà Nẵng, từ Quảng Nam Quảng Ngãi kéo lên. Ngày 21-3 Việt cộng tấn công Phú Lộc, áp lực mạnh trên Quốc lộ Một, dân tản cư đông như kiến từ Huế về Đà nẵng. Sư đoàn 1 VNCH có pháo binh và không quân yểm trợ đẩy lui cuộc tấn công của Việt Cộng nhưng địch có ưu thế về lực lượng nên sư đoàn 1 cầm cự đến trưa ngày 22 thì thất thủ, trung đoàn 1, liên đoàn 15 Biệt động quân bị đẩy lui, một khúc đường Quốc lộ Một bị cô lập, trung đoàn 1 thuộc sư đoàn 1 bị thiệt hại nặng, Tướng Trưởng ra lệnh thu gọn tuyến phòng thủ Huế.


Dân chúng và quân cụ bắt đầu được chở bằng tầu ra khỏi Đà Nẵng, ngày 23 -3 Việt Cộng pháo kích Huế rời rạc không gây thiệt hại gì nhiều nhưng khiến dân chúng hốt hoảng náo động như hỗn loạn. Tại phía nam vùng Một quận Hậu Đức, Tiên Phước thuộc Quảng Tín bị Việt cộng chiếm, sư đoàn 2 và liên đoàn 12 Biệt động quân chặn được áp lực địch tấn công về Tam Kỳ và các vùng duyên hải. Trước áp lực dồn dập của Việt Cộng Tướng Trưởng ra lệnh di tản 2 quận Sơn Trà, Trà Bồng Quảng Ngãi, những tiền đồn xa tiếp tế cũng được di tản, Tướng Trưởng cho gom các lực lượïng rời rạc lại để bảo vệ những điểm trọng yếu vào trận cuối cùng. Sự chỉnh đốn của Tướng Trưởng đem lại chút yên gượng gạo cho 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Tín trong 2 ngày.

Lực lượng phòng thủ của ta ngày một yếu trước áp lực địch., ngày 24-3 tại phía nam Quân khu 1, Việt Cộng tấn công mạnh tại Quảng Tín , sư đoàn 711, trung đoàn 52 và xe tăng đánh Tam kỳ, đặc công đột nhập tỉnh lỵ thả tù gây rối loạn đến trưa thì Tam Kỳ thất thủ. Trung đoàn 2 thuộc sư đoàn 3 từ Quảng Nam được lệnh tiến về Quảng Tín để giúp địa phương quân chạy về từ Tam Kỳ về… Tam Kỳ mất, dân ùn ùn chạy về Đà Nẵng. Tại Quảng Ngãi Cộng quân tấn công gấp rút dữ dội, đặc công và địa phương quân Việt Cộng tại Quảng Ngãi tấn công phi trường, các cơ sở hành chánh quân sự Quảng Ngãi, đường Quốc lộ Một từ Quảng Ngãi tới Chu lai bị cắt đứt, đường ra biển bị cô lập, chỉ trong một ngày tình hình Quân khu 1 rối loạn đến mức không còn kiểm soát được nữa. Quân đoàn chấp thuận cho tiểu khu Quảng Ngãi mở đường máu về Chu Lai nhưng chỉ có vài đơn vị về được.
Ngày 25-3 tất cả các đơn vị quân đoàn 1 tụ lại 3 phòng tuyến chính: Nam Chu Lai, Đà Nẵng và Bắc Huế, các lực lượng của Quân đoàn bị thiệt hại nhiều khi di tản về các phòng tuyến này, tinh thần binh sĩ xuống thấp, ai nấy chán nản chưa bao giờ trong đời chinh chiến họ thấy tuyệt vọng như hiện nay. Trong tình thế khó khăn Trưởng lại nhận thêm một lệnh nữa từ dinh Độc Lập, Tướng Thiệu lệnh cho Trưởng dùng ba sư đoàn cơ hữu của Quân đoàn 1, 2, 3 để phòng thủ Đà Nẵng, sư đoàn TQLC đóng vai trừ bị. Đêm đó Tướng Trưởng cho sư đoàn 1 và các đơn vị quanh Huế rút về Đà Nẵng, ông lệnh cho sư đoàn 2 chi khu Quảng Ngãi và thân nhân của họ ra Cù Lao Ré, một đảo ngoài khơi Chu lai. Hai tầu dương vận hạm đón sư đoàn 2 tại Chu lai đưa về Cù Lao Ré, cuộc vận chuyển thành công hơn mặc dù có hỗn loạn nhưng một nửa quân số của sư đoàn 2 đã lên tầu đưa về Bình Tuy, chính phủ tuyên bố Huế và Chu lai thất thủ ngày 25-3.

Các lực lượng Huế bắt đầu di tản, sư đoàn 1 và các đơn vị cơ hữu rút ra cửa Tư Hiền. Hải quân và công binh sẽ bắc cầu để quân di tản đi ngược vào đất liền rồi dùng đường bộ về Đà Nẵng, Chu Lai. Sáng ngày 26-3 biển sóng to làm đình trệ cuộc vận chuyển, cầu chưa hoàn tất đến trưa thủy triều dâng cao không thể vượt biển được trong khi ấy Việt Cộng đuổi theo nã pháo vào cửa Tư Hiền và các địa điểm tập trung quân của ta, hỗn loạn diễn ra không còn quân kỷ, sư đoàn 1 tan rã tại đây chỉ có một phần ba về được đến Đà nẵng, tới nơi họ rã ngũ đi tìm thân nhân.
Trong khi đó thì lữ đoàn kỵ binh với hơn 100 thiết giáp các loại từ mặt trận Bắc Huế tiến về cửa Thuận An, theo sau là các đơn vị pháo binh với hằng trăm khẩu pháo, TQLC, BĐQ, ĐPQ từ tuyến sông Bồ đang lũ lượt kéo về, hỗn loạn diễn ra dữ dội. Hai tầu dương vận hạm đến cửa Thuận An để chở TQLC, tầu hải vận đĩnh và quân vận đĩnh chở người từ bờ ra dương vận hạm, hỗn loạn ngày càng dữ hơn, giết chóc nhau dã man để giành chỗ trên tầu. Cộng quân pháo kích vào địa điểm tập trung quân gây thiệt hại nặng nề cho ta, nhiều lính TQLC tự tử tập thể vì cùng đường tuyệt vọng, cuộc tập trung quân tại cửa Tư Hiền và Thuận An đã làm mồi cho pháo binh địch.
Sư đoàn 324 CS càn quét tàn quân VNCH tại Thừa Thiên, sư đoàn 325 CS chuyển vào Quảng Nam phối hợp với sư đoàn 304 CS tấn công Đà Nẵng sư đoàn 2 VC cũng tiến về thành phố. Quân đội VNCH lập phòng tuyến phòng thủ bảo vệ Đà Nẵng, phía tây 2 lữ đoàn TQLC, phía nam sư đoàn 3 và địa phương quân Quảng Nam. Ngày 27-3 Các cuộc phòng thủ Đà Nẵng thành ra vô hiệu trước sự hỗn loạn, Việt cộng dồn nỗ lực bao vây thành phố. Từ bắc Đà Nẵng hai sư đoàn 324B và 325C cùng với trung đoàn xe tăng và hai trung đoàn pháo tiến dọc theo thung lũng Voi bao vây thành phố, phía Nam sư đoàn 711, 304 tiến chiếm Đại Lộc và Dục Đức, Đà Nẵng đã nằm trong tầm pháo của quân thù. Tại thành phố lớn thứ hai của miền nam này Quân đoàn 1 chỉ còn có sư đoàn 3 và 2 lữ đoàn TQLC, các sư đoàn 1 và 2 đã bị ngũ trên đường triệt thoái, một phần đã được tầu chở ra khơi, lực lượng không đủ để đương đầu với áp lực quá đông của địch, lại nữa thành phồ với hằng triệu người tỵ nạn đã trở nên hỗn loạn không thể nào kiểm soát nổi.
Sáng ngày 28 Tướng Trưởng họp khẩn cấp các đơn vị trưởng ban hành một số biện pháp vãn hồi trật tự và tái trang bị các đơn vị di tản trong thành phố nhưng ta không còn đủ quân tác chiến để thực hiện kế hoạch này. Các quân nhân có mặt được sung vào các đơn vị tác chiến nhưng không đủ để bù vào thiệt hại do cuộc triệt thoái gây ra. Trưa 28 phòng 2 thuộc Bộ TTM cho Quân đoàn biết Cộng quân có thể tấn công trong đêm, sư đoàn 1 không quân được lệnh di tản về Phù Cát, Phan Rang, Quân đoàn 1 ban lệnh ứng chiến tại các tuyến phòng thủ. Hai giờ trưa các xã ấp quanh Đà Nẵng đã lọt vào tay Cộng quân. Địa phương quân, nghĩa quân tan rã, binh sĩ rã ngũ rời đơn vị.
Việt Cộng pháo phi trường căn cứ Hải quân khi trời vừa tối rất dữ dội và chính xác nhờ những toán đặc công, tiền pháo viên chỉ điểm hướng dẫn. Tướng Trưởng vội báo cáo về Bộ Tổng tham mưu và gọi cho Tổng thống Thiệu xin di tản bằng đường biển. Tướng Thiệu không ra lệnh rõ ràng chỉ hỏi vu vơ nếu di tản thì có thể được bao nhiêu trong khi ấy có biết bao người đang chết chìm chết bắn vì trọng pháo của địch cũng như bắn giết nhau giành đường tẩu thoát. Pháo kích của địch khiến cho liên lạc giữa Sài Gòn và Đà Nẵng bị cắt đứt, Tướng Trưởng lập tức ra lệnh bỏ Đà Nẵng, ông họp với Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại Tư lệnh Hải quân vùng 1 và các cấp chỉ huy để hẹn địa điểm rút quân tại: chân đèo Hải Vân, núi Non Nước và cửa khẩu Hội An.
Rạng sáng ngày 29-3 sương mù bao phủ dọc theo bờ biển, ngoài khơi tầu đã có mặt ở điểm hẹn, thủy triều thấp tầu không vào bờ được, binh sĩ phải lội ra biển. Cuộc di tản êm xuôi cho đến khi khi Việt Cộng phát hiện chúng bèn pháo kích vào địa điểm tập trung quân và tầu ngoài khơi gây nhiều thiệt hại cho ta, tầu di tản được 6000 TQLC, 3000 lính sư đoàn 3 và nhiều đơn vị khác.
Đà Nẵng được coi như thất thủ ngày 29-3-1975, Tướng Việt Cộng Lê Tư Đồng cho biết đã bắt được gần 60 ngàn tù binh VNCH, 14 ngàn công chức tịch thu 1000 quân xa, khoảng 300 đại bác. Có tài liệu cho biết ta mất 130 máy bay tại Đà Nẵng, năm 1976 Tướng Trưởng trả lời một cuộc phỏng vấn cho biết khoảng 6000 TQLC, non nửa lực lượng của sư đoàn và 4000 quân thuộc các binh chủng khác đã được tầu bè cứu thoát. Tướng Nguyễn Duy Hinh Tư lệnh sư đoàn 3 cho biết trong số 12,000 người của sư đoàn 3 chỉ có 5000 đến được điểm tập trung và sau cùng chỉ có 1000 người lên được tầu. Tổng cộng có 70 ngàn người dân được cứu thoát và 16 ngàn quân, 4 sư đoàn kể cả TQLC bị thiệt hại nặng nề không thể gọi là đơn vị chiến đấu được nữa. Tất cả quân trang quân dụng, vũ khí, xe tăng đại bác… của Quân khu coi như mất hết, một phần lớn lọt vào tay quân thù.
Quân khu 1 rơi vào tay quân thù một cách dễ dàng trong khoảng 10 ngày, không có lực lượng nào được tổ chức để đánh chận hậu, đánh trì hoãn khi Quân đoàn di tản. Cuộc lui binh thất bại hoàn toàn được coi như quá tồi tệ so với Quân đoàn 2, hỗn loạn ghê gớm gấp bội phần, sự thiệt hại về nhân mạng cao hơn cuộc triệt thoái tại Tây nguyên rất nhiều. Phạm Huấn nói
“Tại những địa điểm tập trung quân, vô cùng hỗn loạn, đau thương khủng khiếp. Và hai Cửa Thuận An, Tư Hiền thật sự biến thành những”bãi chết”, trong vùng “Biển máu”
Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975 trang 58.
Triệt thoái quá vội vã, không có kế hoạch, lịch trình nào cả, sự phối hợp Quân đoàn và Hải quân lỏng lẻo, cuộc lui binh cũng chỉ là cuộc tháo chạy hỗn độn vô tổ chức y như cuộc triệt thoái Cao nguyên, bắn giết nhau, tranh cướp nhau lên tầu chạy trốn, đó cũng chỉ là một cuộc hành quân phá sản.
“Cuộc rút quân đã rối loạn, hỗn độn và thất bại ngay khi bước sang ngày thứ hai, 24-3-1975. Hệ thống chỉ huy, phối hợp giữa các đơn vị, vấn đề an ninh, tổ chức thật tồi tệ và bị tê liệt từ lúc khởi đầu. Các cấp chỉ huy ở những cấp cao nhất và có trách nhiệm về cuộc rút bỏ Huế, đã không thành thật với nhau, phản bội, dối trá và bỏ rơi cấp dưới.
Kế hoạch rút quân bằng đường biển, với hơn 20 ngàn Chủ lực quân, hàng mấy trăm chiến xa, đại bác, cùng với cả trăm ngàn dân chúng, các lực lượng địa phương quân, công chức và gia đình họ, nhưng hai cửa Thuận An và Tư Hiền không được phòng thủ bảo vệ. Sự phối hợp và chỉ huy giữa Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Đoàn và hải quân thật lỏng lẻo. Không có lịch trình lên tầu ưu tiên, rõ ràng cho các đơn vị. Các đơn vị Quân Đội và dân chúng cứ tiếp tục đổ về hai cửa biển này để rồi chết chồng chất lên nhau”
Phạm Huấn NUHTTCMN 1975, trang 57
Vấn đề đặt ra ở đây là ai chịu trách nhiệm về những cái chết oan uổng của hằng nghìn, vạn người tại cửa Thuận An, cửa Tư Hiền trước những trận pháo kinh hoàng của địch? Hậu quả của cuộc lui binh vội vã hay nói khác đi cuộc tháo chạy hỗn độn vô tổ chức đã đẩy bao nhiêu quân, dân vào chỗ chết, đã đưa hằng hà sa số người tập trung tại hai cửa biển để làm mồi cho họng súng đại bác của quân thù.
“Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư Lệnh, ngày 21 tháng 3, từ ba hướng bắc, tây và nam, các lực lượng Quân khu Trị Thiên và Quân khu 2 đồng loạt tiến công vượt qua các tuyến phòng thủ của địch hình thành nhiều mũi bao vây Huế, đánh thiệt hại nặng sư đoàn 1 bộ binh ngụy, lữ 147 thuỷ quân lục chiến nguỵ, cắt đứt Huế và Đà Nẵng trên đoạn đường số 1 ở Mũi Né – Bái Sơn …. địch chỉ còn một lối thoát là rút chạy ra biển theo cửa Thuận An và cửa Tư Hiền. Con đường Huế – Thuận An là niềm hy vọng cuối cùng của chúng, nhưng thực tế đã biến thành con đường chết đối với chúng.
Nắm vững ý đồ muốn tẩu thoát của địch, pháo ta một mặt khống chế chặt của Thuận An và không cho tầu địch vào đón bọn rút lui, mặt khác bắn vào trung tâm của đội hình dày đặc của địch còn ở lại ở cửa Thuận An và cửa Tư Hiền làm cho chúng thiệt hại nặng nề. Bộ đội đặc công cũng đặt mìn phong toả cửa Thuận An. Xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải và hàng chục nghìn lính địch kéo đi kín đường bị pháo ta bắn, đạp lên nhau mà chạy…
Ngày 25 tháng 3, các cánh quân của ta đã kịp hợp vây tiêu diệt và làm tan rã quân địch rút lui còn lại ở cửa Thuận An và cửa Tư Hiền”.

arvn_soldiers
Văn Tiến Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân trang 107, 108
Cuộc lui binh tại Huế cũng như tại Cao nguyên đã đi vào vết xe đổ của trận Cao Bắc Lạng ngày tháng 10 năm 1949 khiến cho binh đoàn Charton của Pháp bị Việt Minh đánh tan rã nhưng về kế hoạch thì phải nói cuộc lui binh của ta tồi tệ hơn hồi ấy. Hoàn toàn không có trận đánh trì hoãn nào, không có một lực lượng chận hậu nào để cầm chân địch cho đoàn quân triệt thoái, hậu quả như ta đã thấy là cả một đạo quân tinh nhuệ đã bị dồn vào họng súng của quân thù.
Nói về nguyên nhân sự sụp đổ nhanh chóng của Quân đoàn, Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng cho rằng do sự rối ren của ta và nhất là lệnh của Tướng Thiệu không rõ ràng dứt khoát.
“Với cán cân lực lượng và địa hình thuận lợi cho CSBV, Vùng I, lực lượng VNCH không thể nào chống cự lâu dài trong cuộc tổng tấn công của địch. Nhưng phải nói, tình hình quân sự xấu đi một cách nhanh chóng vì sự xa sút tinh thần và những rối ren, lung túng của ta, hơn là áp lực địch. Lệnh tái phối trí – tuy cần thiết – không rõ ràng và dứt khoát”
Tuyến Đầu Vùng Một Thất Thủ.
Theo Tướng Viên binh sĩ nhiều người bỏ hàng ngũ đi tìm gia đình trong làn sóng người tỵ nạn, họ quan tâm lo lắng về gia đình mình hơn là lo về đơn vị và sự tấn công của Việt Cộng, theo ông vì làn sóng người di tản làm náo loạn cả lên đã là nguyên nhân gây ra sụp đổ nhanh chóng cho cả Quân khu.
“Sự hỗn loạn, thất bại của cuộc tái phối trí ở vùng Một xảy ra không phải vì áp lực của Cộng quân, mà vì tinh thần chiến đấu của quân ta không còn nữa. Trong những ngày cuối cùng ở Vùng I, vị tư lệnh Quân đoàn không chỉ đối phó với những khó khăn về quân sự, ông còn bận tâm với vấn đề tỵ nạn. Và khi chánh quyền trung ương bắt tay vào giải quyết vấn đề tỵ nạn thì đã quá trễ. Như chúng ta thấy, vấn đề tị nạn làm đảo lộn tất cả kế hoạch quân sự của Vùng I.”
Cao Văn Viên. TĐVMTT.
Ông Nguyễn Đức Phương cho rằng Quân khu 1 thất thủ dễ dàng không có một lực lượng nào được tổ chức để đánh trì hoãn khi lui binh, theo ông có 4 nguyên nhân chính.
– Lực lượng Cộng Sản tại Quân khu 1 trội hơn nhiều so với sự phân tán mỏng của ta. Kế họach lui binh về các cứ điểm Huế, Đà Nẵng, Chu Lai có thể đúng tuy nhiên Tổng thống Thiệu chỉ chấp nhận lui binh cho đến giờ phút chót, đến khi đã quá muộn ông lệnh cho Tướng Trưởng chỉ rút sư đoàn TQLC còn tất cả bộ binh, thiết giáp, pháo binh đều bỏ lại, không có một kế hoạch nào để phối hợp hải lục không quân trong trường hợp lui binh, hoàn toàn không có một sư tiên liệu nào.
– Tướng Thiệu sai lầm trầm trọng khi cho rút sư đoàn Dù về Vùng 3 quá nhanh, TQLC được đưa vào tay thế các vị trí của Nhẩy Dù khiến cho dân chúng hốt hoảng đổ dồn về Đà nẵng gây ra hỗn loạn. Đã phát thanh lời kêu gọi tử thủ Huế củaTổng thống sau lại cho lệnh bỏ Huế khiến dân chúng hoang mang mất tin tưởng vào chính phủ và quân đội, binh sĩ cũng mất tinh thần, hốt hoảng khi trông thấy trước nguy cơ sụp đổ như đã diễn ra tại Vùng 2.
– Chiến tranh tâm lý có lẽ là nguyên nhân quyết định sự thất thủ Quân khu 1, tin đồn cắt đất nhường cho CS dồn dập từ Vùng 2, nay Huế bỏ ngỏ khiến cho dân quân càng tin là đúng, dân di tản náo loạn cả lên, quân nhân bỏ hàng ngũ để tìm kiếm gia đình khiến cho đơn vị rã ngũ rất nhanh.
– Hệ thống chỉ huy của Bộ Tư lệïnh Quân đoàn 1 đã không chu toàn trách nhiệm trong giai đoạn khó khăn của cuộc lui binh, thiếu khả năng vô trách nhiệm là nguyên nhân chính khiến cho kế hoạch lui binh không thể thực hiện được. Vị Tư lệnh quân đoàn thiếu khả năng điều động một bộ tham mưu hỗn hợp như Phạm Huấn đã viết.
– Các sĩ quan cao cấp của Quân đoàn 1 lại chính là những người đầu tiên bỏ chạy trước, thiếu cấp chỉ huy các đơn vị lần lượt tan hàng, Việt Cộng chiếm được đất mà không phải giao tranh.
Ký giả chiến trường Phạm Huấn nhận định rằng các Tướng Việt Nam gặp trở ngại khi lãnh đạo đất nước cũng như chỉ huy mặt trận.
“Một viên chức cao cấp của Mỹ, sau này đã phát biểu về cuộc rút quân tại Huế và Đà Nẵng:
‘Tướng lãnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, hầu như không ai có đủ kinh nghiệm, để tự mình có thể chỉ huy một cuộc hành quân qui mô với nhiều đại đơn vị trên chiến trường!’.
Sự sụp đổ mau chóng của Quân Đoàn I, vỏn vẹn trong 9 ngày, sau quyết định rút bỏ Huế lần thứ hai ngày 20-3-1975, đã làm kinh ngạc mọi giới. Những người ngưỡng mộ và kính phục Tướng Ngô Quang Trưởng đều nghĩ rằng, sự thảm bại này là hậu quả của quyết định sai lầm, trong chiến lược “Đầu bé Đít to’ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Nhưng theo thời gian, những bí mật được tiết lộ, Tướng Trưởng cũng là người phải chịu trách nhiệm nặng nề nhất đối với những đau thương, kinh hoàng trong hai cuộc rút quân tồi tệ, thê thảm từ Huế và Đà Nẵng”
NUHTCTMN trang 103, 104.
Cuộc triệt thoái tại hai quân khu đều đã xẩy ra những biểu hiện tiêu cực của nhiều sĩ quan cao cấp bỏ đơn vị chạy tháo thân, cả một quân khu khu không có ai chịu trách nhiệm.
“Kể từ ngày 15-3-1975, hệï thống chỉ huy tại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I của Tướng Lâm Quang Thi và các Tư Lệnh Mặt trận 2 chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên đã không còn giữ đúng với trách nhiệm, quyền hành và vai trò của mình nữa. Không một Tướng Lãnh, một giới chức Quân sự cao cấp nào dám nhận trách nhiệm khi cần ban hành những quyết định quan trọng. Trung tá Đào Trọng Vượng, Liên Đoàn Trường Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân nói rằng: ‘Họ lặn hết. Tất cả những lệnh đều do các Sỹ quan Phòng Nhì, Phòng ba, cấp Thiếu Tá chuyển lại’.

nhaydukhanhduong
Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân từ Quảng Ngãi ra thay thế Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, phòng thủ tuyến đầu Vùng Giới Tuyến. Lực lượng Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân với quân số 100 phần trăm, và Pháo Đội đại bác 105 ly khoảng 1500 người, từ ngày đầu tiên, cho đến ngày rút quân 23-3-1975, gần hai tuần lễ, không nhận được bất cứ một lệnh chính thức nào của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I, hoặc Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến”
Phạm Huấn NUHTTCMN trang 41.
Nguyễn Đức Phương cùng một nhận xét như trên.
“Theo lời của Đại tá Nguyễn Huy Lợi thuộc Biệt Khu Thủ đô thì một số sĩ quan thuộc Quân đoàn I chạy thoát được về Sài Gòn cho biết tình trạng của quân đoàn như sau ‘Cấp tiểu đoàn không biết họ phải làm gì. Trung đoàn trưởng của họ đã đi mất và chính họ không biết phải đi đâu và không ai chỉ thị cho họ biết những gì phải làm. Sau quá nhiều chán nản tuyệt vọng, không một ai chịu trách nhiệm cho cả quân khu”
Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 764, 765.
Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng cho rằng việc cấp chỉ huy bỏ đơn vị chạy trước là một nguyên nhân đưa tới sụp đổ quân đoàn, theo ông tại đây cấp chỉ huy không quân nhiều người đã lên trực thăng bay về phía nam bỏ cấp dưới ở lại.
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, người đóng vai chính tại chiến trường Hoả tuyến có viết sách về cuộc chiến Mùa hè đỏ lửa 1972 nhưng không thấy, không nghe nói ông viết sách về sự sụp đổ Quân đoàn 1 năm 1975. Về Quân đoàn 1 trong trận chiến mất nước này chỉ thấy ghi lại trong một bài ngắn “Tại Sao Tôi Bỏ Quân Đoàn Một” đã đăng trên nhiều báo và internet từ nhiều năm qua nhưng bài này không phải do chính Tướng Trưởng viết ra mà do một người khác ghi lại lời thuật của ông nên cũng không thể coi đó là hoàn toàn ý kiến của ông.
Nội dung bài viết có nhiều điểm trái ngược với các tài liệu, sách vở nói về cuộc Triệt thoái này. Mở đầu bài viết nói.
“Ngày 13 tháng 3 năm 1975, được lệnh vào Sài Gòn họp. Tôi vào đến Sài Gòn nhưng với sự ngạc nhiên là chỉ có mình tôi vào gặp Tổng thống và Thủ tướng (Trần Thiện Khiêm) mà thôi. Ngoài tôi ra không có ai khác. Thường lệ, khi được lệnh về Sài Gòn họp thì đều có đầu đủ mặt các vị tư lệnh quân đoàn và tư lệnh các quân binh binh chủng khác. Lần này thì chỉ một mình tôi thôi”
Theo Đại Tướng Cao Văn Viên, Ký giả chiến trường Phạm Huấn, nhà nghiên cứu quân sự Nguyễn Đức Phương như chúng tôi đã trình bầy ở trên và cả ý kiến của Thiếu Tướng Hoàng Lạc, Tư lệnh phó Quân khu 1 thì trong các buổi họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tại dinh Độc Lập ngày 11-3, ngày 13-3 và 19-3 do ông Thiệu chủ tọa đều có mặt Đại Tướng Cao Văn Viên, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng Đặng Văn quang, riêng buổi họp ngày 19-3 thì có thêm Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Tổng thống Thiệu không hề gặp riêng một tướng nào, không nghe thấy một tài liệu nào nói như vậy. Về ngày 13-3 nêu trên, Tướng phó Tư lệnh Quân khu 1 cho biết Tướng Trưởng được mời về Sài Gòn trình bầy trước Hội đồng an ninh Quốc gia, các tài liệu của BộTTM, của Phạm Huấn, Nguyễn Đức Phương cũng đều nói như vậy.
Bài viết nói tiếp
“Nhưng khi tổng thống Thiệu cho biết ý định của ông ta là phải rút bỏ Quân đoàn 1 ngay hôm nay thì tôi mới vỡ lẽ, cay đắng, và uất ức vì lệnh ra quá đột ngột ngoài sức tưởng tượng và ngoài ước muốn của tôi…..
… Tôi trình bầy cặn kẽ những ý kiến cũng như những dự định của tôi lên tổng thống nhưng không được chấp thuận. Lệnh bất di bất dịch là: Phải rút khỏi Quân Đoàn 1 càng sớm càng hay….
Lệnh của tổng thống Thiệu yêu cầu tôi rút khỏi Quân Đoàn 1 vào ngày 13 tháng 3, và rút Quân Đoàn 2 vào ngày 14 tháng 3. Ông Thiệu cho biết là rút hết về Phú Yên, lấy Quốc Lộ 22 làm ranh giới. Việt nam sẽ thu gọn sẽ chạy dài từ Phú Yến đến Hà Tiên”
Theo Tướng Viên, Tướng Hoàng Lạc, Nguyễn Đức Phương… trong phiên họp ngày 13-3 Tướng Thiệu chỉ mới lệnh cho Tướng Trưởng rút sư đoàn Dù về Sài Gòn và báo cáo tình hình Quân sự của Vùng Một, không có tài liệu nào nói ông Thiệu cho lệnh rút bỏ Quân đoàn 1 ngay hôm 13-3 như trong bài của Tướng Trưởng. Theo ông Cao Văn Viên.
“Buổi họp ở Dinh Độc Lập vào ngày 13 tháng 3, 1975 đã được thuật lại rõ ràng ở trên. Trong dịp đó tổng thống Thiệu đã cho hai vị tư lệnh quân đoàn I và III (tướng Trưởng và tướng Toàn) biết ý định sắp xếp lại lãnh thổ VNCH sao cho phù hợp với sự cắt giảm viện trợ quân sự. Tuy nhiên tổng thống Thiệu chưa cho lệnh rút quân ở bất cứ nơi nào lúc đó, trừ việc bỏ An Lộc ở vùng III. Buổi họp ở Cam Ranh ngày 14 tháng 3 sảy ra sau khi Ban Mê Thuột mất, và tại Cam Ranh tổng thống Thiệu ra lệnh tái phối trí lực lượng của quân đoàn II để chiếm lại Ban Mê Thuột”
Theo như Nguyễn Đức Phương đã nói ở trên Tổng thống Thiệu chỉ chấp nhận lui binh vào giờ phút chót. Ngày 13- 3 ông Thiệu chỉ thị cho Tướng Trưởng trả sư đoàn Dù về Sài Gòn và tái phố trí lực lượng tại Quân khu 1 chứ chưa hề cho lệnh rút bỏ bất cứ một tỉnh nào. Cho đến ngày 20-3 khi tình hình Huế khẩn trương ông lệnh cho Tướng Trưởng tùy cơ ứng biến, có thể rút về bảo vệ Đà Nẵng nếu tình hình đòi hỏi.
Trong một cuộc nói chuyện với một nhà báo tại Hải ngoại, Tướng Trưởng cho rằng những bài nói về ông, khen cũng như chê có nhiều điều không đúng và ông không thích báo chí nói đến mình, như vậy bài trên đây có thể chưa chắc đã nói đúng ý của vị nguyên Tư lệnh Quân khu.
Trong cuộc phỏng vấn của ông Lâm Lễ Trinh, Tướng Viên đã kết luận.
“Xin đừng xem những lời của tôi là lịch sử. Mỗi người giải thích sự thật theo lối riêng, như trong phim ‘Rashomon’. Một trăm nhân chứng, một trăm sự thật. Định kiến làm cho lịch sử sai lệch. Tôi chỉ tâm tình với lòng thành. Hãy để cho hậu thế lượng định và phán xét”
Lâm Lễ Trinh, Về Nguồn, trang 276.
Xem như thế sự thật chỉ là tương đối. Cũng trong bài phỏng vấn này, theo ông Cao Văn Viên, Tướng Trưởng cho biết Bộ tổng tham mưu không tăng viện theo lời yêu cầu của Quân khu 1. Tướng Viên cho đều này không đúng vì ông đã tăng cường cho Tướng Trưởng cả hai sư đoàn tổng trừ bị Dù và TQLC rồi. Bộ Quốc phòng Mỹ trả nhuận bút cho các Tướng lãnh lưu vong Việt Nam để viết tài liệu về chiến tranh Đông Dương. Trong một phiên họp thu thập dữ kiện cho Mỹ, Tướng Trưởng phát biểu sở dĩ thất bại là do lãnh đạo tồi, chính phủ Trung ương thiếu nhân tài. Tướng Đồng Văn Khuyên, Trần Đình Thọ bênh vực cho Bộ TTM tranh luận trả lời ông Trưởng: Bộ Tham mưu đã yểm trợ hết mình cho Quân khu 1, hai sư đoàn Tổng trừ bị Dù và TQLC đều đã được tăng phái cho Quân đoàn 1.
Ý kiến của Tướng Trưởng về nhu cầu tăng viện cho Quân khu là xác đáng. Đặt giả sử nếu không triệt thoái khỏi Huế, Quảng Nam, Quảng Tín để giữ đất chống quân thù, cho dù Tướng Trưởng có tài giỏi tới đâu cũng chỉ cầm cự được một hai tháng là cùng vì ưu thế quân sự về phía địch, chúng gần hậu cần, được bổ sung quân số đầy đủ trong khi quân ta ở cách xa trung tâm tiếp liệu.
Trong chiến dịch tổng công kích này, địch đã tung vào mặt trận miền Trung 13 sư đoàn bộ binh, trên 20 trung đoàn pháo binh, xe tăng, phòng không, trong đó 8 sư đoàn tại Quân khu Một, 5 sư đoàn tại Quân khu 2. Hoả lực địch rất mạnh nhờ viện trợ ồ ạt của Cộng Sản Quốc tế trong khi hoả lực ta đã bị giảm 60% so với 1972 hậu quả của cắt quân viện, vũ khí đạn dược của Việt Cộng coi như gấp hai 1972. Bắc Việt đã đưa khoảng 70% toàn bộ lực lượng của chúng vào chiến dịch này, địch không thể tấn công cả bốn Quân khu của ta cùng một lúc vì mũi dùi tấn công yếu sẽ bị bẻ gẫy nên chúng chỉ tấn công vào một hai nơi nhất định, địch lựa chọn Quân khu 1 và Quân khu 2 vì gần hậu phương miền Bắc.
Đã biết Việt Cộng tấn công mạnh ở Quân khu 1 và 2 mà ta còn giữ nhiều lực lượng tại Quân khu 3 và 4. Tại Vùng 4 ta đã có 200 ngàn Địa phương quân lại thêm 3 sư đoàn chủ lực, Vùng 3 ta để 3 sư đoàn bộ binh, số xe tăng gấp rưỡi và máy bay chiến đấu gấp hai các quân khu 1 và 2 (655 xe tăng, 250 máy bay chiến đấu). Trong khi miền Trung bị địch đánh phá tơi bời mà vẫn không chịu lấy bớt quân từ các quân khu 3 và 4 lên tăng viện cho chiến trường dầu sôi lửa bỏng. Nhưng không phải Tướng Thiệu không biết vậy, ông có thể tăng viện để cứu sự sụp đổ của miền Trung nhưng ông đã không làm thế vì muốn bỏ miền Trung, vấn đề là ở chỗ đó. Không tăng viện coi như bỏ vì với lực lượng cơ hữu của hai Quân khu, ta không đủ sức chống lại mũi dùi tấn công của 13 sư đoàn Bắc Việt. Tướng Trưởng trách cứ Bộ Tổng tham mưu và Tổng thống Thiệu đã không tăng cường lực lượng cho ông, đã bỏ lỡ cơ hội cứu đất nước vào giờ chót, nếu tăng cường thì còn hy vọng chuyển bại thành thắng, bẻ gẫy mũi dùi tấn công của địch hoặc cho dù thua cũng phải đánh được vài trận cho ra hồn.
Theo ông Cao văn Viên vị Tư lệnh Quân khu 1 trong khi đương đầu với địch ông còn phải quan tâm giải quyết vấn đề tỵ nạn đang trầm trọng. Khi Kontum, Pleiku mất người dân lo sợ chính quyền cắt đất nhường cho Cộng sản, hàng chục nghìn người đổ dồn về Đà Nẵng mua vé máy bay vào Sài Gòn, hôm 14-3 các lữ đoàn Dù được điều động để về Sài Gòn khiến dân chúng hốt hoảng kéo nhau về Đà Nẵng. Ngày 19-3 Thủ Tướng Khiêm ra Đà Nẵng giải quyết vấn đề tỵ nạn, Thủ tướng cho thành lập Ủy ban liên bộ để lo giúp dân tỵ nạn Quân khu để binh sĩ yên tâm chiến đấu. Thủ Tướng hứa sẽ tăng nhiều tầu chở dân di tản và giúp đồng bào tỵ nạn. Trong khi ấy tại địa phương các đoàn thể, hội từ thiện, phú thương… đóng góp vào cuộc cứu trợ hiệu quả hơn của Trung ương nhưng vấn đề tỵ nạn vượt quá khả năng của họ.
Từ ngày 17-3 đường Quốc lộ 1 tràn ngập người và xe cộ, tại các bến cảng, tầu chở quân như quân dụng cho chiến trường Huế Đà Nẵng bị dân và lính ép phải chở họ rời bến, giới phụ trách bến tầu phải thuyết phục họ mãi. Ngày 21-3 Việt Cộng cắt đường Quốc lộ 1, dân tỵ nạn bèn đi về miệt biển, tầu bè được mướn hay bị cướp để chạy loạn nhưng không đủ. Ngày 23-3 tầu Trường Thanh do Bộ tổng tham mưu mướn chở được hơn 5000 người. Huế bỏ ngỏ đếm 25-3, dân quân rút theo bờ biển về Đà Nẵng. Tam Kỳ mất 24 -3, Chu Lai di tản ngày 26, dân Quảng Ngãi, Quảng Tín chạy về Đà Nẵng. Ngày 26 Tướng Trưởng gửi Tướng Hoàng Lạc Tư lệnh phó về Sài Gòn trình Tổng thống và Thủ tướng giải quyết ngay vấn đề tỵ nạn vì thành phố sắp rơi vào tình trạng hỗn loạn khiến Đã Nẵng sẽ tự sụp đổ không cần Việt Cộng tấn công. Lưu thông trong thành phố ứ đọng, dân số trước đấy chỉ có 300 ngàn nay có tới hơn một triệu, cướp của giết người giữa ban ngày.
Ngày 27-3 chuyến phi cơ dân sự đầu tiên mướn của Mỹ đáp xuống Đà Nẵng nhưng mỗi khi có máy bay xuống hỗn loạn diễn ra dữ dội. Các chuyến bay dân sự phải đình chỉ, giới hữu trách cho thay bằng 4 máy bay C-130, nhưng hỗn loạn liên tục nên 4 chiếc này chỉ cất cánh được một lần vào ngày 29-3. Bến tầu cũng hỗn loạn, các tầu thả neo ngoài khơi Đà Nẵng, dân dùng thuyền bè từ bờ ra tầu, mỗi tầu được chừng 10 ngàn thì nhổ neo về Cam Ranh, Vũng Tầu, Phú Quốc… Bọn lưu manh côn đồ lợi dụng cướp bóc hà hiếp đồng bào trên tầu, nhiều người xỉu vì kiệt lực.
Việt Cộng pháo kích tấn công Đà Nẵng mạnh vào đêm 28, dân chúng tiếp tục tìm đường lánh nạn bằng thuyền bè dưới những trận mưa pháo của địch, nhiều người chết chìm khi lội từ bờ ra tầu. Bộ TTM đề nghị Phó thủ tướng Phan Quang Đán trưng dụng 13 tầu thương thuyền để chở dân tỵ nạn và kêu gọi các nước đồng minh giúp chở dân ra khỏi vùng giao tranh. Các nước hưởng ứng lời kêu gọi nhưng không thể gửi tầu tới ngay được trong khi tình hình ngày một thê thảm. Với con số người tỵ nạn quá đông cuộc di tản không thực hiện được như ý muốn, dân tỵ nạn tràn ngập các trại tỵ nạn ở Vùng 3 và Phú Quốc.
Theo Đại Tướng Cao Văn Viên khi chính quyền bắt tay vào giải quyết vấn đề tỵ nạn thì đã quá trễ, vấn đề tỵ nạn đã làm đảo lộn kế hoạch quân sự của Vùng 1, dân di tản đã làm náo loạn cả lên khiến cho binh sĩ hoang mang không còn tinh thần chiến đấu. Cuộc lui binh của Quân đoàn 1 cũng chịu chung số phận với cuộc triệt thoái Cao nguyên chỉ là một cuộc hành quân phá sản đã làm sụp đổ toàn bộ Quân khu khiến cho Quân đội VNCH mất gần hết các lực lượng tinh nhuệ. Vũ khí đạn dược phần lớn bị bỏù lại không kịp hủy, ta mất gần 450 xe tăng và hơn 400 đại bác, phần lớn lọt vào tay quân thù, sự sai lầm của một người đã khiến cho VNCH sụp đổ nhanh hơn dự kiến.

Trọng Đạt

Tài liệu tham khảo
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến tranh Việt Nam 1963-1975, Đại Nam 2001.
Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.
Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987
Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc (Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam- 1945-1975) Tiếng Quê Hương 2006.
Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh xuất bản 2005.
Văn Tiến Dũng: Đại Thắng Mùa Xuân, nhà xuất bản QĐND Hà Nội, tái bản lần thứ tư, 2003.
Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới, Texas 1991.
Lâm Quang Thi: Autopsy The Death Of South Vietnam, Sphinx publishing 1986.
The World Almanac Of The Vietnam War, General Editor: John S. Bowman – A Bison Book 1985.
Stanley Karnov: Vietnam, A History – A Penguin Book 1991.
Marilyn B. young, John J. Fitzgerald, A.Tom Grunfeld: The Vietnam War, A History In Documents – Oxford University press 2002.
Trần Việt Đại Hưng: Một Bí ẩn Cần Tiết Lộ Trong Chuyện Bức Tử Miền Nam 1975, Sài Gòn Nhỏ Dallas 2002.
Trung Tướng Lữ Lan: Cuộc Chiến Ba Mươi Năm Nhìn Lại Từ Đầu, Sài Gòn Nhỏ Dallas 28-4-2006.
Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng: Thiên Thần Mũ Đỏ, Ai Còn, Ai Mất. Người Việt Dallas 7-10-2005.
Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam, Người Việt Dallas 21-6-2005 (Không tác giả).
Hồ Đinh: Cơn Phẫn Nộ Cuối Cùng Của Một Quân Đội Bị Phản Bội, Người Việt Dallas, 23-12-2005.
Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Đỗ Cung dịch, Người Việt Dallas 22-11-2006.
Cao Văn Viên: Tuyến Đầu Vùng Một Thất Thủ, báo Thằng Mõ, Sacramento số 30-4-2006.
Nguyễn Văn Châu: Nhớ Về Quân Đoàn I, Sài Gòn Nhỏ Dallas 25-8-2006.
Nguyễn Tiến Việt: Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà 1968-1975 (dịch từ RVNAF 1968-1975 của Bill Laurie), Con Ong Việt số 71, tháng 5-2006.
Trần Trung Đạo: 30 Năm Nhìn Lại, Con Ong Việt số 60, tháng 9-2004.
Phan Nhật Nam: Một Đời Trung Liệt, Ba Lần Giữ Nước, Tướng Quân Ngô Quang Trưởng, Sài Gòn Nhỏ Dallas 2-2-20

Mất Đà Nẵng! B.S. Tống Viết Minh

Tình hình quân sự ngày càng có nhiều biến chuyển sau tết Ất Mão (1975). Trong khi Đà Nẵng cũng như mặt trận vùng hỏa tuyến vẫn không có triệu chứng gì xấu đi cả, tin thất thủ Ban Mê Thuột cùng với việc triệt thoái các lực lượng quân sự theo Tỉnh Lộ 7B nối liền các tỉnh cao nguyên trung phần Việt Nam: Pleiku, Kontum với Phú Yên đã đem đến cho người dân bao nhiêu bàng hoàng sửng sốt.

Cuộc triệt thoái không được phối hợp chặt chẽ và điều nghiên kỹ càng của cả một quân đoàn đi qua một tỉnh lộ bỏ hoang từ nhiều năm được báo chí, các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước tường thuật như là một sự thất bại nặng nề. Không những bao nhiêu lực lượng quân sự, mà còn cả đoàn dân chúng chạy nạn kéo theo sau đoàn quân đã làm cho cuộc triệt thoái rơi vào một tình trạng hỗn loạn gần như không người chỉ huy.

Thay vì chỉ kết thúc an toàn trong vài ngày nhờ vào yếu tố bất ngờ, cuộc triệt thoái đã phải đương đầu với bao khó khăn chồng chất trên một con đường hai trăm năm mươi cây số xuyên qua núi rừng hiểm trở, trái với dự liệu đã kéo dài trong nhiều ngày. Binh sĩ ngày càng quá mệt mỏi, mất hết tinh thần chiến đấu. Thêm vào đó, sự bất mãn và sợ hãi đã tạo nên rối loạn ngay trong hàng ngũ của chính mình, làm cho đoàn di tản trở thành miếng mồi ngon cho đối phương trong các cuộc tập kích. Cộng quân đã phối hợp lực lượng kịp thời để nắm lấy thời cơ thuận tiện gây tử vong nặng nề cho lực lượng triệt thoái, đến nỗi nhiều đơn vị khi đến được Phú Yên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bổ sung quân số trước khi có thể hoạt động trở lại.

Minh vẫn ngày hai buổi lái xe đến làm việc tại Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm. Tình hình quân sự ở vùng địa đầu giới tuyến không thấy có gì thay đổi theo sự hiểu biết của Minh. Tuy vậy trên đường lái xe đi làm hoặc về, Minh nhận thấy chuyển biến mỗi ngày mỗi khác.

Từ hạ tuần tháng ba trở đi, xe cộ ngày càng tấp nập và lượng lưu thông ngày càng tăng. Hình như dân chúng ở các tỉnh lân cận đã nhận thấy có một cái gì bất ổn; quá lo lắng, sợ hãi, họ đã tìm về Đà Nẵng, nơi mà họ nghĩ sẽ được an toàn hơn. Mỗi ngày Minh càng mỗi thấy tăng không những về số lượng hành khách, xe cộ mà còn cả vận tốc nữa. Ai ai cũng như hối hả, sợ sệt chờ đợi một biến chuyển không lường trước được sẽ xảy đến.

Dầu cố gắng giữ bình tĩnh cách mấy, Minh cũng không sao ngồi yên với những gì chứng kiến hằng ngày. Để an toàn cho gia đình, khỏi phải vướng mắc trong công việc, Minh quyết định sẽ lo vé máy bay cho Hường và các con di chuyển về Sàigòn trong khi Minh tiếp tục ở lại chiến đấu. Phương tiện di chuyển duy nhất nối liền Đà Nẵng – Sàigòn vẫn là đường hàng không. Phòng bán vé hàng không Việt Nam tại Đà Nẵng chen chân không lọt. Ai ai cũng hốt hoảng tìm cách rời xa thành phố đang có nhiều biến động.

Sau một ngày dài mệt mỏi chầu chực với ước vọng kiếm được cho Hường và các con mấy cái vé máy bay về Sài gòn trôi qua không một kết quả, chiều của ngày thứ hai, khi Minh cùng mọi người đang chen chúc trước các quày vé. Hàng không Việt Nam thông báo cho biết thủ tướng Trần Thiện Khiêm ra lệnh ngưng bán các chuyến bay ra khỏi Đà Nẵng, thay vào đó Hàng không Việt Nam sẽ được chính phủ trưng dụng vào một chiến dịch di tản dân chúng ra khỏi Đà Nẵng trong thời hạn ba mươi ngày.

Chính quyền không đề cập gì đến một chiến dịch di tản cụ thể, trong khi người dân từ các tỉnh kế cận vẫn tuôn về ngày càng đông, tạo nên một tình trạng bất ổn làm cho người dân càng hoang mang hơn. Thông cáo di tản dân chúng đã không đem lại một chút nào tin tưởng, an tâm trái lại còn làm cho mọi người nghĩ đến cảnh rồi đây Đà Nẵng cũng sẽ bị bỏ rơi như các thành phố khác, thông cáo chỉ là kế hoãn binh để chính quyền dùng phương tiện hàng không Việt Nam di chuyển thân nhân và người nhà ra khỏi Đà Nẵng.

Rời phòng bán vé cùng Hường trở về nhà, Minh đang phân vân không biết phải tính toán như thế nào thì một chiếc xe Jeep cảnh sát vội vã trờ tới đậu trước nhà. Một vài giây thắc mắc và nhận định trôi qua, Minh đã nhanh chóng nhận ra người chị họ cùng chồng trên xe. Anh phụ trách một chi khu cảnh sát ở Huế. Minh bàng hoàng với những gì mắt mình chứng kiến: Mười tám người lần lượt từ xe bước xuống! Làm sao ngần ấy người, trẻ con và người lớn, từ ba bốn gia đình khác nhau có thể chen chúc trong chỉ một chiếc xe như vậy! Trên khuôn mặt của mỗi người hiện rõ nét hốt hoảng, sợ hãi và mệt mỏi.

Họ cho biết Huế đã mất và đã may mắn nhanh chân thoát được. Dừng chân nghỉ ngơi trong chốc lát, kiếm một chút gì lót bụng, tất cả lại cùng nhau lục đục lên đường. Họ lại ra đi, không biết sẽ đi về đâu, có lẽ đi về con đường mà định mệnh đã an bài cho họ. Bực tức và buồn chán đến cùng cực, Minh cũng không buồn hỏi!

Mệt mỏi sau bao ngày chầu chực không hiệu quả, bị cuốn hút vào trong cơn lốc lo âu, sợ hãi trước tình trạng không những dân chúng mà ngay cả các quân nhân từ các tỉnh kế cận xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố. Tình hình xoay chiều quá nhanh, bao nhiêu biến chuyển dồn dập xảy đến, tâm trí Minh rối loạn không còn biết phải xử trí như thế nào!

Nếu một mình, chỉ việc nhảy vào phi trường, thế nào Minh cũng có cơ hội rời khỏi Đà Nẵng, nhưng với cả một gia đình sáu người thì quả là hết sức khó khăn, nhất là các con của Minh hẳn còn quá nhỏ dại, tuy Anh Tuấn bảy, Bích Huyền sáu, nhưng Mộng Điệp chỉ ba và Anh Bình vừa mới lên hai!

Những người lính chiến đổ xô về từ các tỉnh thất thủ, y phục xốc xếch, tinh thần sa sút, uất ức, mặt mũi hốc hác, bàng hoàng, họ không biết phải làm gì trước tình thế, lại nữa không người chỉ huy, đi lê thê lếch thếch trên đường phố trông thật não lòng.

Đài phát thanh tiếng nói Hoa kỳ và BBC tiếp tục đưa những tin tức ngày càng xấu làm nản lòng mọi người: Sau Ban Mê Thuột đến Quảng Trị rồi đến Huế, Quảng Ngãi, Chu Lai, Quảng Tín lần lượt rơi vào tay cộng quân.

Từ ngày ra Đà Nẵng đến nay, gia đình Minh vẫn sống với người cậu vợ, vốn là một Linh mục cai quản một họ đạo công giáo trong thành phố từ nhiều năm qua, gia đình Minh rất quí mến ông, tuy vậy cuối cùng Minh quyết định cùng gia đình ra đi sau khi những cố gắng thuyết phục ông rời Đà Nẵng bị thất bại. Ông cương quyết không bỏ rơi giáo dân, đi tìm tự do và an thân cho chính mình, mặc dầu ngoài việc coi sóc một giáo xứ, ông còn là tuyên úy trung đoàn 56, sư đoàn 3 bộ binh, một đối tượng có tầm cỡ của đối phương.

Trưa ngày thứ sáu 28 tháng 3, nhờ ông chở cả gia đình xuống Thanh- Đức (Thanh Bồ - Đức Lợi) một họ đạo nằm trên bờ tây sông Hàn, từ đó Minh thuê một chiếc thuyền máy đưa gia đình ra khơi với hy vọng tìm phương tiện thoát thân bằng đường biển. Khi thuyền rời bến, Minh nhìn thấy binh sĩ mang sắc phục nhiều binh chủng khác nhau với súng ống đầy đủ ngồi trên các ghềnh đá dọc bờ sông. Sau nầy nhiều người cho biết họ là những cán binh Việt Cộng đội lốt quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa để thực hiện những công tác đặc biệt giao phó.

Trên đường tiến đến gần cửa biển, thuyền gặp hai ba chiếc xà lan thật lớn đang thả neo trên sông. Xà lan nào cũng chứa đầy người. Xa hơn về phía cửa biển, một đoàn ba, bốn chiếc tàu hải quân đang đậu ở đó. Người lái thuyền đưa cả gia đình Minh đến một chiếc đầu tàu dùng để kéo xà lan đang đậu, có lẽ vì boong tàu không cao dễ dàng hơn trong việc chuyển người. Trên tàu dày đặc những người và người: đàn ông, đàn bà, trẻ em và có cả quân nhân.

Sau khi trả tiền thù lao cho người chủ thuyền, Minh nhảy vội lên tàu. Mặc dầu tàu chật như nêm, nhờ sự tiếp tay của một vài người tốt bụng, Minh đã nhận được qua tay người chủ thuyền và đem được lên tàu lần lượt từ Anh Tuấn, Bích Huyền đến Mộng Điệp. Khi người chủ thuyền trao Anh Bình, Minh chưa kịp ẵm thì đột nhiên chiếc đầu tàu kéo nổ máy. Sức quay của chân vịt tạo thành những lớp sóng thật lớn. Chiếc thuyền bị chao đảo và chồng chành thật mạnh vì nằm ngay vị trí chân vịt. Người chủ thuyền, rất bình tĩnh, một tay giữ chặt Anh Bình, tay kia đẩy mạnh chiếc thuyền ra xa và đã cứu được chiếc thuyền khỏi bị nạn, Anh Bình khỏi bị rơi tỏm xuống nước. Hường vẫn còn ở trên thuyền, hoảng hốt chứng kiến những gì đang xảy ra, mà cũng chẳng có một phản ứng gì được để cứu vãn tình thế!

Thật là một phen hú vía! Thấy tình hình trên đầu tàu kéo quá xô bồ, không một chút an toàn. Hơn thế nữa, Minh lại không chuẩn bị bất cứ một thức ăn hay uống gì cả. Sự hiện diện của các tàu hải quân ở cửa biển làm Minh nảy sinh một ý định khác: trở lại thông báo cho người cậu vợ linh mục, cho giáo dân và những người quen biết để cùng tìm cách rời khỏi Đà Nẵng bằng các tàu hải quân Việt Nam đang thả neo ở cửa biển. Thế là chàng cùng Hường và các con trở lại bờ.

Người cậu vợ rất ngạc nhiên thấy gia đình Minh về lại. Càng ngạc nhiên hơn khi ông được biết tất cả giáo dân đã bỏ ông chỉ còn lại vỏn vẹn có hai gia đình mà thôi!

Hôm ấy là ngày thứ sáu tuần thánh. Sau khi cố gắng hoàn tất nghi thức ngày lễ một cách vắn tắt, hoàng hôn bắt đầu buông xuống, gia đình Minh lần này chuẩn bị đầy đủ hơn, cùng người cậu và hai gia đình còn lại lên xe, một của Minh, một của người cậu trở lại Thanh Đức, với dự định sẽ cùng nhau thuê thuyền ra khơi tìm các tàu hải quân để trốn khỏi thành phố.

Không an toàn khi phải di chuyển vào lúc trời tối nhất là trên sông, trên biển, vả lại cũng đã quá mệt mỏi, Minh và tất cả đã quyết định ngủ qua đêm tại nhà một người quen ở cạnh bờ sông Hàn, sáng hôm sau sẽ dậy sớm để thực hiện chương trình như dự tính.

Đêm hôm đó, khi bóng tối đã hoàn toàn bao phủ xuống thành phố, máy bay trực thăng bay vần vũ trên bầu trời loan báo việc đặt quân trấn và thị xã Đà Nẵng dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan cao cấp một binh chủng nổi tiếng trong quân lực. Tiếng loa phóng thanh từ chiếc máy bay trong nỗ lực cuối cùng, nhằm đem lại niềm tin và trật tự cho dân chúng, không làm sao át được tiếng nổ chát chúa của hàng loạt đạn pháo kích cộng quân đang trút như mưa xuống phi trường Đà Nẵng.


Những trái hỏa tiễn rơi trong đêm trường thanh vắng nghe thật rợn người làm Minh xót xa nghĩ đến thân phận Đà Nẵng, bao nhiêu chiến sĩ, công nhân viên chức và người dân trong đó có Minh, gia đình cùng với bao người thân yêu đang bị bỏ rơi lại trên thành phố đang giẫy chết này. Sáng hôm sau khi thức dậy, bóng dáng những chiếc xà lan, đầu tàu kéo cũng như các tàu hải quân cũng đã biến mất khỏi cửa biển Đà Nẵng đem theo bao nhiêu kỳ vọng không những của Minh mà còn của biết bao người!

Nhìn cửa biển trống vắng lòng Minh tan nát! Minh, gia đình và bao nhiêu người đã bị bỏ rơi lại đằng sau! Minh không tin, nhưng đó là sự thật. Thế là bao nhiêu hy vọng thoát khỏi Đà Nẵng đã tiêu tan thành mây thành khói! Trong một nỗ lực cuối cùng, Minh chở hai gia đình tháp tùng và người cậu chở gia đình Minh. Tất cả cùng cố gắng đi về hướng Nam vượt qua cầu “De Lattre” để qua bãi biển Mỹ Khê hay Sơn Trà, tìm cách rời xa thành phố đang trong cơn hấp hối.

Thật đau lòng khi nhìn thấy bao cảnh vật xé nát tim gan lúc Minh lái xe đi qua những con đường chính của thành phố. Chiếc tàu Trường Thành, mới chiều hôm trước vẫn thả neo ở ngay cạnh bờ sông cũng đã rời xa thành phố từ bao giờ! Khói đen đang bốc lên từ tòa lãnh sự Mỹ. Dọc đường nón sắt, quần áo, quân cụ, giày cao cổ của quân nhân xen lẫn với mũ nón, túi xách, vali, guốc dép của người dân chạy loạn vương vãi khắp nơi.

Đường phố thật vắng. Không còn bóng dáng người thường dân. Các thương bệnh binh không thuốc men, không ai coi sóc chăm nom, nhận thức được thực trạng phủ phàng đã cố gắng tự cứu lấy mình, kẻ chống nạng, người xe lăn, những người khác trong nổ lực “người mù cõng người què” họ kéo nhau đi từng đoàn, nơi này hai, chỗ khác ba, áo quần lôi thôi lếch thếch, hốt hoảng, tuyệt vọng; họ lê lết trên các đường phố dọc theo bờ sông Hàn, không biết đi về đâu!
Trước hãng Bia Larue, một số người mang quân phục biệt động quân và thường dân đang tranh dành khuân những thùng bia ra khỏi hãng. Họ hành động không khác gì trong cơn điên loạn! Vỏ chai và thùng nằm la liệt khắp nơi, trên đường, vỉa hè, lối đi. Nhìn thấy cảnh hỗn loạn, Minh không những ngậm ngùi xót thương, mà còn sợ cho sự an toàn của chính bản thân và toàn thể gia đình, mặc dầu vẫn mang bộ quân phục với vỏ khí đạn dược đầy đủ.

Con đường đi qua cầu “De Lattre” bị phong tỏa. Minh và người cậu phải lái xe trở về lại Thanh- Đức (thanh Bồ - Đức Lợi). Không còn biết giúp gì được cho hai gia đình tháp tùng, Minh và người cậu vợ quyết định để cho họ tự xoay xở, rồi cùng lấy thuyền vượt sông Hàn đến Nhượng Nghiã, một xứ đạo nằm bên bờ sông của sông Hàn, hy vọng sẽ tiếp tục kiếm được phương tiện rời thành phố. Khi tất cả lên đến được trên bờ phía đông, ngoảnh mặt nhìn lại, chính mắt Minh chứng kiến cảnh chiếc máy bay phản lực cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng, khoảng trưa ngày 29 tháng Ba năm 1975. Chiếc máy bay cất cánh một cách khác thường! Nhìn chiếc phi cơ rời thành phố mà lòng Minh thấy xót xa, nuối tiếc!

Tối hôm đó cùng với tin thành phố Đà Nẵng thất thủ đài BBC cho biết những chi tiết thật đau lòng về chuyến bay: Trong cơn hỗn loạn, không giữ được trật tự, số người ùa lên quá đông, không những quá trọng tải, mà máy bay còn không thể đóng cửa được. Vì an toàn của cả chuyến bay, người phi công đã phải dùng những chuyển động ít khi sử dụng, cố tình làm cho số người thặng dư trên máy bay, đeo ở cánh hoặc cửa bị sức gió cuốn hút ra ngoài. Số người rơi từ phi cơ xuống đất khá nhiều trước khi phi công có thể đóng được cửa, để lái chiếc phi cơ về đến Sài gòn an toàn. Quả là một chuyện thật đau lòng ngoài sức tưởng tượng của con người!

Một người giáo dân quen biết trong vùng hứa sẽ giúp tìm thuyền để thuê chở cả gia đình Minh và người cậu về Cam Ranh hay Sài gòn, đem lại một tia hy vọng cho Minh đang mò mẫm trong con đường hầm đầy tăm tối và không lối thoát.
Đêm 29 tháng Ba, nhằm ngày thứ bảy tuần thánh, khá yên tĩnh. Không tiếng pháo kích. Trong đêm trường vắng lặng, Minh có thể nghe thấy nhịp tim mình đập và hơi thở mình phập phồng trông ngóng. Mãi đến sáng hôm sau, người nhận sứ mệnh giao phó mới trở lại cùng với tin làm bao nhiêu hy vọng cuối cùng vỡ tan thành từng mãnh: Không tìm kiếm được bất cứ một ghe thuyền nào! Tất cả mọi cố gắng để được rời thành phố đều trở thành tuyệt vọng. Minh thở dài não nuột!

 Sau khi vứt đi những gì liên quan đến binh nghiệp, thận trọng đào hố chôn khẩu súng Colt 45 trong tiếc nuối, tìm một chỗ để cất dấu khẩu P38 bé xíu, quà tặng người anh cả trong xót xa, Minh mặc vào người bộ áo quần dân sự trong rã rời, đắng cay và chua xót!

Nghĩ đến số phận dành sẵn cho người chiến bại, sợ rằng sẽ bị hành quyết, vì là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Minh tâm sự và giao phó mọi việc trong gia đình nhờ người cậu trông coi, nếu lỡ có chuyện gì xảy ra cho bản thân, vì nghĩ rằng không ai lại hãm hại một người chân tu như người cậu vợ. Minh cũng dặn dò Hường, ôm hôn các con và gửi đến những lời tâm huyết, ít nhất là cho Anh Tuấn và Bích Huyền. Thế rồi cùng người cậu, gia đình Minh lại lên thuyền vượt sông Hàn trở về lại Đà Nẵng, đối diện với một tương lai không biết đi về đâu đang chờ đón!

Hôm ấy là ngày Chúa Nhật Lễ Phục Sinh, 30 tháng Ba năm 1975.

B.S.Tống Viết Minh

(Trích “Một Thời Để Nhớ”).


ĐÔI MẮT PHƯỢNG

 Tôi là 1 quân y sĩ ra trường năm 1974, đơn vị đầu tiên, cũng là đơn vị cuối cùng của tôi, là một tiểu đoàn Nhảy Dù. (Xin bạn đọc cho phép tôi được bất chấp văn phạm, viết hoa 2 chữ “Nhảy Dù”, vì đó là những chữ tôi thương yêu nhất.)

Tôi lập gia đình năm 22 tuổi, ngày còn là 1 sinh viên quân y. Mẹ tôi bảo “chờ ra trường, có việc làm, có lương nuôi vợ, rồi hẵng cưới vợ.” Tôi biết mẹ tôi có lý, nhưng tình yêu cũng không vô lý. Tình yêu thúc dục tôi cưới Phượng ngay. Nàng quá đẹp! Thằng Quỳnh, thằng Khương, thằng Ðịnh, những đứa bạn cùng lớp bảo tôi, “Phượng đẹp ngây ngất.”
Phượng là nữ sinh đệ nhất Trưng Vương; nàng cũng yêu tôi nhưng xin 1 năm đính hôn để học hết trung học. Tôi chờ, 1 năm dài được chia thành 52 tuần lễ ngắn hơn, đánh dấu bằng 52 ngày chủ nhật chúng tôi gặp nhau.
Không phải là 1 nhà văn, tôi không mô tả được nét đẹp của Phượng, tôi chỉ biết là Phượng rất đẹp, và nhất là có một sức hút dễ sợ. Chỉ cần gặp Phượng 1 lần là không người đàn ông nào quên được nàng.
Xin đừng hiểu lầm Phượng là “típ” người nở nang, ăn mặc khêu gợi; sức hút của Phượng là sức hút ngầm do duyên dáng, do tình ý, chuyển đi từ đôi mắt. Ðôi mắt thật là tình. Mẹ tôi phán là đôi mắt lẳng lơ, tôi không thích 2 chữ này vì nó làm mất đẹp cặp mắt trữ tình của Phượng.
Trước hôn nhân tôi mê mệt với đôi mắt ấy; sau hôn nhân tôi khổ sở, bực bội cũng vì đôi mắt ấy. Không 1 người đàn ông nào, dù chỉ gặp Phượng lần đầu, không có cảm tưởng đã yêu nàng và tình yêu của họ không bị nàng hất hủi. Ít nhất Phượng cũng không xua đuổi, không vô tình với họ. Tôi mất 1 số bè bạn cũng vì Phượng. Chỉ 1 vài lần gặp Phượng, chạm mắt với Phượng cũng đủ để họ thầm nghĩ là tôi dã mọc sừng.
Dĩ nhiên vợ tôi không thể có tình ý với tất chông nhìn mọi người 1 cách thản nhiên như người ta nhìn nhả mọi người, nhưng cái khổ là đôi mắt đắm đuối của Phượng kững vật vô tri quanh mình.
Giờ này, vợ tôi không còn trên cõi đời trần tục nữa tôi mới thấm thía hiểu được 1 việc rất giản dị, rất tầm thường là không tạo ra đôi mắt của chính mình, Phượng không có trách nhiệm gì về những đổ vỡ do đôi mắt gây ra. Chỉ có tác giả đôi mắt đó - ông Thợ Tạo - mới đúng là người tôi phải oán trách.
Ði đôi với cặp mắt tình tứ là 1 đồng tiền rưỡi (1 ở bên má trái, và 1 nửa ở cạnh môi dưới) trên khuôn mặt tươi như hoa, trắng mỏng manh. Cái đồng tiền rưỡi ấy - dù chỉ có đồng rưỡi - có ma lực giết người. Xin hiểu hai chữ “giết người” theo nghĩa trắng của nó. Chỉ riêng tôi biết cũng đã có 2 người chết đuối trong cái vũng thịt sâu không đầy nửa ly này.
Một trong 2 người xấu số là bạn thân của tôi. Nó tự bắn vỡ toang đầu ngay trên bậc cửa nhà tôi. Lá thơ tuyệt mạng trong túi nó chỉ có mấy chữ “hình dung em đang nằm trong tay một người đàn ông khác, anh không còn can đảm sống nữa.” Tôi cũng không bao giờ đủ can đảm để tìm hiểu xem vợ tôi có nằm trong vòng tay nó không. Hai giòng chữ nó viết không cho phép tôi hiểu khác được.

Tôi chạy trốn trước mọi ngờ vực; tôi quan niệm đã không tránh được bão cát thì thà vùi đầu xuống cát để không còn biết tới giông bão bên ngoài nữa. Tôi hèn nhát? Có thể; nhưng tôi làm gì hơn được? Không chỉ yêu thương vợ, tôi vẫn còn say mê vợ tôi sau 3 năm chăn gối.

Mẹ tôi, chị tôi đề quyết vợ tôi đã cho tôi ăn bùa mê, thuốc lú. Tôi hiểu quan điểm những người thân của tôi; tôi hiểu cả định mệnh của tôi, của vợ tôi, và của cả những người say mê vợ tôi nữa.
Tôi vừa nói tôi hiểu định mệnh của vợ tôi. Ðiều đó cần được giải thích rõ hơn; đôi khi tôi nghĩ Phượng cũng đáng trách, nhưng trong đa số những đổ vỡ quanh nàng, Phượng chỉ thụ động, đáng thương. Phượng sợ và tránh né tất cả mọi gặp gỡ. Những buổi liên hoan của đơn vị tôi, những cuộc họp khóa, họp bạn của tôi, luôn luôn Phượng cáo bệnh hay tìm cớ bận con để không tham dự.

Cũng như tôi, Phượng sợ hậu quả của những cuộc giao tiếp, sợ cái bản chất đa cảm, đa tình của chính mình. Không phải là 1 người đàn bà trắc nết, vợ tôi thật sự chỉ là nạn nhân của bản ngã.
Sở dĩ tôi phải dài lời nói về vợ tôi như vậy, là để người đọc hình dung được cái ray rứt, khổ sở của tôi trong 14 tháng tù khổ sai được cộng sản đánh bóng bằng 2 chữ “cải tạo.”

Cũng như mọi sĩ quan cấp úy khác, tôi bị cộng sản lừa bằng cách chơi chữ. Trên đài phát thanh, chúng kêu gọi binh sĩ trình diện và đem theo 3 ngày ăn. Sau 3 ngày học tập, thành phần binh sĩ được ra về yên ổn. Tiếp theo đó, chúng kêu gọi các sĩ quan cấp úy trình diện với 10 ngày tiền ăn. Chúng tôi tin tưởng, hoặc ít ra chúng tôi cũng mong mỏi là thời gian cải tạo chỉ kéo dài 10 ngày. Ðó là cái lầm của tôi, cái ảo tưởng đưa đến chỗ tự diệt của mọi cán bộ chỉ huy.

Cộng sản hiểu rằng mặc dù nhất thời thất trận, lực lượng quân sự của miền Nam vẫn còn là một đe dọa nghiêm trọng đối với nền thống trị mà lúc ấy chúng mới rắp tâm đem đặt lên lưng người dân Nam Việt. Một triệu quân nhân bị đặt vào hoàn cảnh thất thế vì những lừa đảo, phản phúc chính trị, những dốt nát chiến lược đã bị những mũi dùi tấn công của 15 sư đoàn Bắc Việt xé thành từng mảng nhỏ. Muốn ngăn ngừa sự kết hợp lại của những mảng quân lực, cộng sản chủ trương đánh vỡ đầu rắn: chúng phải tiêu diệt bằng mọi giá hệ thống cán bộ chỉ huy của QLVNCH. Trong 3 ngày học tập, chúng đối xử hết sức nhã nhặn lễ độ với anh em hạ sĩ quan, binh sĩ. Không 1 hình thức hành hạ giam cầm, không 1 lời nói nặng, 1 đe dọa.

Sau 3 ngày học tập binh sĩ đem loan truyền với chúng tôi cái tin tưởng học tập qua loa, ra về đúng kỳ hạn. Ðiều đó làm đa số sĩ quan cấp úy chúng tôi yên lòng khăn gói lên đường với 10 ngày tiền ăn. Nhiều anh lười, không đem theo cả mùng mền, tính ngủ nhờ với bạn bè cũng đủ qua khoảng thời gian 10 ngày ngắn ngủi.
Dĩ nhiên là chúng tôi đã lầm; chỉ ngay sau khi cái bẫy xập xuống đầu chúng tôi, cộng sản trắng trợn vứt bỏ mặt nạ “đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ hận thù.”

Bài học đầu tiên chúng tôi được nghe qua giọng nói hằn học căm hờn của 1 anh cán bộ quản giáo Bắc Việt. Anh ta oang oang bảo chúng tôi, “Các anh quên hết địa vị xã hội của các anh đi. Kể từ ngày hôm nay, vợ con các anh sẽ ngửa tay xin nhân dân từng hột cơm; và vài tháng sau vợ các anh chỉ còn nước đi làm đĩ để sống.”
Chúng tôi thắc mắc về thời gian 10 ngày, hắn cười khẩy, vẻ mặt câng câng, đểu cáng, “Các anh chỉ có 10 ngày ăn thôi ư? Ðừng lo, cứ ăn hết 10 ngày đó đi đã; sau đó ăn bám vào sức sản xuất của nhân dân.”
Trước mỗi cửa phòng giam, cộng sản cắc cớ bắt chúng tôi phải dán lên khẩu hiệu “không có gì quý bằng độc lập, tự do.” Cán bộ Việt Cộng còn phụ giải “người đi trên sa mạc thấy không có gì quý bằng nước uống. Các anh sẽ thấy đối với các anh thì không có gì quý bằng tự do.”
Ðề cao cái giá của tự do trong nhà giam quả là việc làm vừa châm biếm, vừa độc ác. Nhưng không phải chỉ trong nhà giam tôi mới thấm thía hiểu tự do là quý. Sau này ra khỏi trại cải tạo, sống trong cái nhà giam lớn hơn là nguyên cả Miền Nam Việt Nam tôi càng thấy rõ không phải chỉ một mình tôi, mà cả 20 triệu người dân Nam Việt đều đang khắc khoải giữa sa mạc thống trị, thèm khát ngụm nước tự do.

Xin trở lại với trại cải tạo và với vợ tôi; tôi bị giam 2 tháng hơn thì 1 buổi chiều nghe loa gọi lên văn phòng. Tôi tái người, nghĩ ngay đến những vụ thủ tiêu, biệt giam, thường xẩy ra đối với những thành phần cộng sản gọi là ngoan cố.
Bản chất hiền lành, tôi không ra mặt chống đối bọn giảng viên, quản ngục. Cái tội của tôi chỉ là không nuốt trôi được mớ lý thuyết rẻ tiền, lẩm cẩm của cộng sản. Nhưng đối với chúng, đó không phải là 1 khinh tội. Tôi lo lắng chờ đợi một hình thức trừng phạt vì trọng tội trí thức.

Lên đến văn phòng, tôi được 1 anh binh ba Bắc Việt, mặt non choẹt, đưa vào phòng chính ủy. Và tôi đã chết đứng khi thấy Phượng trong đó.
Giọng đầy cải lương, nhân vật số một của trại giam bảo tôi, “Xét thành tích học tập tốt của anh, nhân dân đặc biệt cho anh được nhận sự chăm nuôi của gia đình.”

Tôi học tập tốt? Thật là mai mỉa; những âm thanh giảng huấn chan chát của bọn cán bộ cộng sản đối với tôi không một mảy may khác những tiếng cuốc đất trong giờ lao động sản xuất. Tôi đoán hiểu cái lý do đã khiến “nhân dân đặc biệt cho phép” tôi được nhận sự thăm nuôi của gia đình.
Cặp mắt nẩy lửa vì giận, tôi nhìn Phượng. Vợ tôi đã đến cái nước đi làm đĩ như bọn cộng sản tiên đoán rồi ư? Phượng cũng nhìn tôi, đôi mắt vẫn tình tứ, nhưng buồn thăm thẳm và ướt đẫm. Những giọt lệ lăn dài trên đôi má nhung mịn màng làm lòng tôi se thắt. Tôi thèm bước tới, ôm Phượng vào vòng tay, và hôn dài trên đôi mắt đắm đuối ấy. Nhưng dĩ nhiên ngoại cảnh không cho phép tôi làm việc tôi thường làm đó.
Vợ tôi nghẹn ngào, “Bé Mai nhớ anh lắm.”
Bé Mai! Ðứa con gái 2 tuổi của tôi, báu vật của vợ chồng tôi! Tôi đứng khựng như trời trồng trước cái hình ảnh nhỏ bé, thương yêu mà vợ tôi vừa gợi ra.

Suốt 10 phút gặp gỡ, tôi không nói được 1 lời nào với Phượng cả. Cổ họng tôi nghẹn cứng; rồi bên tai tôi văng vẳng thật xa có tiếng nói của tên chính ủy: “Thôi, xách đồ ăn về phòng đi, Tuần sau lại được thăm nuôi nữa.”
Ðêm đó tôi không chợp mắt. Tôi hình dung những chuyện đã xẩy ra giữa vợ tôi và tên chính ủy cộng sản trước khi tôi được dẫn vào và sau khi tôi bị đưa ra khỏi văn phòng hắn. Tôi không tin đã có gì quá đáng trong phòng làm việc. Nhưng sau đó hắn có thể đến nhà tôi hay bảo vợ tôi đến 1 chỗ nào đó.

Tuần sau và những tuần kế tiếp, Phượng đều đều đến thăm tôi, mỗi lần đem theo một món ăn mà trước kia tôi ưa thích. Tôi nuốt những món khoái khẩu mà có cảm tưởng như mình đang ăn rơm khô, không mùi, không vị. Mỗi lần thăm viếng chúng tôi được nói chuyện với nhau 10 phút. Toàn những chuyện bâng quơ. Cả hai đứa chúng tôi đều không dám đả động tới điểm ngờ vực đau xót của tôi.

Có lần Phượng nói với tôi bằng cái giọng thiết tha nhưng nghiêm trọng, “Em chỉ xin mình tuyệt đối tin tưởng là em yêu mình. Suốt đời em, em chỉ yêu có một mình mình. Mặc dù những gì đã xẩy ra hay sẽ xẩy ra thì tình em yêu mình vẫn mãi mãi là sự thật duy nhất.”
Qua tâm linh, tôi biết Phượng nói thật. Tôi muốn quên những việc đáng buồn đã xẩy ra; quên không được, tôi cố gắng bào chữa cho Phượng. Nhưng ghen tương, ích kỷ, cũng không phải là những cảm nghĩ nhỏ trong lòng người chồng.
Những cuộc thăm viếng kéo dài được 4 tháng thì một hôm Phượng bảo tôi, “Tuần sau em về Long Xuyên với má; sống ở thành phố không có sinh kế gì hết.”

Tôi hăng hái khuyến khích vợ tôi xa lìa Saigon . Ít nhất về ruộng sống với mẹ Phượng cũng đỡ phải lo 2 bữa ăn hàng ngày, cái lo to lớn của người thị dân sau ngày bị giải phóng.
“Mỗi tuần được gặp em là niềm an ủi lớn cho anh,” tôi bảo vợ. “Nhưng cái nhìn ngờ vực, khó chịu của 2,000 anh em đồng đội, đồng cảnh trước việc anh được uu đãi làm anh khổ sở. Anh muốn chịu chung những đầy ải với họ.”

Tuần sau Phượng không đến thăm tôi nữa. Cuộc sống khổ sai không hạn định trở thành dài hơn vì thiếu sự chia cắt của những tiêu mốc ngắn hạn. Tôi trở lại vị trí của cái máy người, vô tri giác, không phản ứng, bảo đi thì đi, bảo học thì học, bảo lao động thì lao động. Những bạn nào đã sống trong trại cải tạo của Việt Cộng hẳn đồng ý với tôi là cộng sản đã thành công trong việc làm chúng tôi mất hết tri giác. Không vui, không buồn, không hy vọng, thất vọng, không mong chờ bất cứ một điều gì nữa. Cuộc sống hàng ngày như một bộ máy được điều động bằng những tiếng còi, những khẩu lệnh. Phần ăn quá đói làm tất cả chúng tôi tìm được cái khôn ngoan của loài vật: không làm một cử động thừa, không nói một câu thừa để không phí phạm bất cứ một phấn thật nhỏ nào cái sinh lực le lói còn trong xác người.

Chính trong trạng thái vật vờ của một xác chết chưa chôn ấy, tôi nhận được giấy phóng thích. Cầm tờ giấy chấm dứt cuộc sống tù ngục của mình trong tay, tôi dửng dưng như cầm một tờ truyền đơn học tập. Nói dửng dưng cũng vẫn chưa đúng; tôi không ý thức được những thay đổi tờ giấy mang lại cho tôi. Nhẩn nha nhơi từng hột bắp của bữa ăn trưa đói khổ tôi nghe cơ thể khoan khoái với chút bồi dưỡng ít oi. Trái bắp có trong tay vẫn quý hơn hai chữ “tự do” mới viết trên giấy.
Một cán bộ bảo tôi, “Chiều nay anh khỏi lao động; về sửa soạn nóp, chén trả lại nhà kho.”
Khỏi lao động, một tin mừng khác. Tôi trở về căn phòng giam hôi hám nhưng mát rượi như một thiên đàng so sánh với cái hỏa ngục lao động sản xuất mà các bạn tôi đang chịu đựng ngoài trời.

4h chiều Phượng đón tôi ngoài cổng trại giam. Người vợ đài các của một bác sĩ mặc cái áo bà ba vải bông và cái quần đen, đứng vịn một chiếc xe đạp đàn ông cũ kỹ. Có thể tôi sẽ ít ngỡ ngàng hơn nếu từ trong thế giới tù ngục bước ra được gặp lại thế giới cũ của mình với xe honda, với áo dài. Tôi đang bước vào một thế giới hoàn toàn khác lạ sau chưa đầy 2 năm mất nước.
Thế giới bên ngoài nhà tù không phải ít khe khắt, ít đọa đầy; suốt 1 năm trời tôi phải sống trong chế độ “quản chế của nhân dân”; tôi xin giải thích những chữ văn hoa này. Chế độ “quản chế của nhân dân” có nghĩa là tôi phải làm mọi không công, phải sợ sệt tất cả mọi người. Bất cứ ai trong phường cũng có quyền phán xét là tôi chưa giác ngộ, cần học tập thêm, là tôi lại đi tù nữa.

Tôi cúi mặt trước tất cả mọi người, dù đó chỉ là một đứa con nít. Tôi vâng dạ, tôi tuân lệnh, không cần biết lệnh đến từ đâu. Một bà hàng xóm gọi tôi đến coi chứng bệnh cho thằng con tám tuổi. Sau khi quan sát kỹ mọi triệu chứng, tôi bảo bà là con bà bị thương hàn và không có cách nào hay hơn là đưa nó đi bệnh viện. Bà quắc mắt, “Anh đi học tập ra mà còn như vậy đó hả? Nhân dân có quá nhiều nhu cầu để bệnh viện thừa chỗ trống cho 1 đứa con nít nóng lạnh. Anh không biết cách nào khác nữa sao?”
Tôi đề nghị bà đừng cho con ăn gì hết để ruột không hư. Bà ta cáu kỉnh nạt, “Lang băm tư bản.”
Sau khi tôi về không hiểu bà có nghe lời tôi khuyến cáo không, nhưng rất may là đứa trẻ lành bệnh. Suốt nửa tháng trời tôi hồi hộp lo sợ: cái chết của đứa trẻ vì thiếu thuốc, thiếu chăm sóc có thể đưa tôi trở lại trại cải tạo như không.

Nguồn an ủi của tôi là số người thiếu ý thức như bà hàng xóm mà tôi vừa kể tương đối rất ít; đa số dân Saigon sống trong một tình đoàn kết ngấm ngầm nhưng khắng khít. Một bà cụ dúi cho tôi gói gạo nhỏ qua câu nói chí tình, “Bác sĩ phải ăn thêm mới sống nổi, tôi già rồi, thiếu thốn chút đỉnh cũng không đến nỗi nào.” Bà vợ của một công chức còn đang tù tội cho tôi đôi giầy. Ông hàng xóm sát vách cho cái áo.

Nhưng mọi nguồn vui của tôi đến từ Phượng thì nàng cũng là nguyên nhân của mọi buồn khổ. Phượng làm đĩ ra mặt, không còn e dè gì tôi nữa cả. Vợ tôi không chỉ tống tình cán bộ cộng sản để thăm nuôi tôi nữa, mà xuống đến tận chân thang của xã hội: mỗi ngày vài lần những anh phu xích lô đến gọi Phượng đi khách. Những lần đầu tiên Phượng còn ngượng với tôi, nhưng sau quen dần, nàng chỉ bảo tôi, “lát em về.”

Phần tôi, tôi vẫn phải tình nguyện xung phong trong mọi công tác nặng nhọc của phường như hốt rác, quét đường, trồng cây, thông cống, ... . Tôi xung phong để được chấm điểm, xung phong để khỏi trở lại lao tù cải tạo. Ðôi khi nghĩ quẩn tôi cho rằng đi tù mà còn tự do hơn chế độ nhân dân quản chế.
Thêm một lần nữa, tôi tuyên dương sự thành công của cộng sản. Chúng đã hoàn toàn đập tan uy thế của giới chỉ huy, giới trí thức miền Nam . Suốt một năm ra khỏi tù, tôi không được phép làm bất cứ một việc gì cả. Nói một cách khác, tôi phải ăn bám vào đồng tiền vợ tôi ngày ngày bán thân tạo ra. Sau 31 năm, nghĩ lại tôi vẫn rùng mình khiếp sợ.

Tôi xin độc giả ngưng đọc 1 phút để hình dung cái nhục nhã của tôi, của tất cả giới trí thức miền Nam. Tôi không đủ can đảm để nói bất cứ câu gì với vợ tôi về việc làm của nàng; cả hai chúng tôi cúi đầu chịu phép trước guồng máy xã hội mới.
Nếu 1 ngày tù dài bằng 1.000 năm sống tự do thì 365 ngày bị trói tay, thất nghiệp, sống đói khổ dưới quyền quản chế của nhân dân, và nhìn vợ đi làm đĩ chắc phải dài hơn sự hiện hữu của cả hệ thống vũ trụ.

Giữa hai vợ chồng tôi nẩy sinh ra 1 tình trạng ngượng ngập khó tả, Ít khi tôi dám nhìn thẳng vào mắt Phượng, và gần như không bao giờ tôi dám nói với nàng chuyện gì khác hơn là những câu đối thoại tầm thường quanh sinh hoạt nho nhỏ trong nhà.
Thỉnh thoảng bà mẹ vợ tôi lén lút đem được ít gạo, ít thịt lên cho chúng tôi. Qua những cuộc tiếp tế lậu này, tôi khám phá thêm được 1 bí mật: vợ tôi không hề về Long Xuyên với mẹ như nàng đã nói với tôi. Phượng đã làm gì, ở đâu, trong 7 tháng trời tôi nghĩ nàng về quê sống với mẹ? Cả đến câu hỏi này cũng chưa lần nào tôi dám hỏi Phượng. Tôi trốn chạy một sự thật phũ phàng nào nữa đó sẽ đến, nếu Phượng phải trả lời tôi.

Tối 30 tháng Chín 1978, sau khi theo 1 anh xích lô “đi khách” về, Phượng kéo tôi vào phòng trong cùng với bé Mai. Trên bộ ván thay cho cái giường nệm đã đi vào chợ trời từ 2 năm trước, Phương mở gói thịt quay ra rồi bảo tôi, “Mình ăn với em.”
Từ sau ngày mất nước đây là lần đầu tiên tôi lại được nhìn thấy miếng thịt quay; Phượng lăng xăng bới cơm, và vợ chồng con cái chúng tôi ăn uống ngon lành như chưa bao giờ được ăn ngon đến như thế.

Những đó không phải là điều ngạc nhiên duy nhất của tôi; ăn uống xong, vợ tôi kéo từ trên đầu tủ xuống một gói giấy: bên trong là một bộ đồng phục thanh niên xung phong. Tay chân run rẩy, Phượng trải bộ quần áo lên mặt bộ ván, rồi giọng nói cũng run rẩy nàng bảo tôi, “8 giờ sáng mai, mình mặc đồng phục này đứng đón tàu ở bến Bạch Ðằng.”
“Ðón tầu? Ðể đi đâu?”
Không trả lời câu hỏi của tôi, vợ tôi chỉ lập cập nói, “Em đã đóng đủ 10 cây cho họ rồi.”
Mười cây vàng! Tôi choáng váng với con số lớn khiếp đảm đó.
“Vàng đâu mà em có đến 10 cây?” Câu hỏi buột miệng không nuốt trở vào được nữa, tôi chỉ còn biết nhìn vợ tôi, câu xin lỗi ngầm chứa trong ánh mắt. Phượng cũng nhìn tôi, đôi mắt thăm thẳm tình tứ trên khuôn mặt vẫn còn đẹp dù đã gầy đi và dạn dầy phong trần.

Sau một phút im lặng, nàng nghẹn ngào, “Em không biết mình có tin hay không, nhưng sự thật lúc nào em cũng yêu mình.”
Tôi ôm Phượng vào lòng; giữa 1 xã hội thù hận, cái bóng mát yêu thương nhỏ bé thật là vô giá. Mặc dù Phượng chưa nói, nhưng tôi cũng đoán hiểu mục đích vượt thoát của chuyến đi ngày mai, và hiểu 10 lượng vàng, giá của chuyến đi là kết quả của những canh dài Phương đem thể xác ra cho thiên hạ dầy vò để góp nhặt từng đồng hầu mua tự do cho tôi.
Cổ nghẹn lại, tôi không nói được 1 tiếng nào cả; tôi vừa sung sướng trước những bằng chứng hiển nhiên của 1 mối tình to lớn, bền chắc, vừa xấu hổ nhận những hy sinh nhục nhã của vợ.

Phượng bảo tôi, “Em chỉ đủ tiền đóng cho mình; nhưng em với con vẫn đi theo mình.” Nàng giải thích cho tôi hiểu chuyến tầu vượt thoát là tầu thầu việc chuyên chở thanh niên xung phong đi làm rừng ở cửa Cần Giờ. Sáng mai, tôi sẽ cùng với 30 người nữa đội lốt thanh niên xung phong xuống tầu tại bến Bạch Ðằng. Ðàn bà, trẻ con đi đường bộ xuống ngã ba Ðồng Chanh, chờ tại đó và sẽ đổ lên tầu. Họ là những người đi lậu, không đóng vàng.
“Người ta đi lậu nhiều lắm,” Phượng bảo tôi. “Em cũng trà trộn vào đám người đó; không lẽ người ta xô mình xuống sông. Sợ gì?”
Tôi sợ. Rùng mình tôi nghĩ đến cảnh “người ta xô vợ con tôi xuống sông”, nhưng có sợ tôi cũng không giải quyết được cái khó không tiền và đành theo mọi xếp đặt của Phượng.

Ðêm đó tôi trằn trọc không ngủ, Phượng cũng không ngủ. Vào khoảng gần sáng nàng hỏi tôi, “Mình đã đủ tin vào tình em yêu mình để tha thứ hết mọi việc cho em chưa?”
“Anh tin. Anh yêu mình.”
“Em còn một tội nữa, chưa thú nhận được với mình.”
Trong bóng đêm, tôi lặng thinh lo lắng. Ngần đó bất hạnh chồng chất vào một cuộc sống ngắn ngủi, cay cực, còn chưa đủ nữa hay sao.
Vợ tôi thở dài, “Lúc đó em còn khờ quá nên chuyện mới xẩy ra. Em phải nói dối mình là em về Long Xuyên với má. Thật ra em không muốn mình buồn.”
Dù vợ tôi chưa nói ra, nhưng tôi cũng đoán hiểu.
“Em có con?” tôi hỏi.
Rúc đầu vào ngực tôi, vợ tôi thút thít khóc, “Mình tha cho em.”
Ðứa con chỉ là hậu quả đương nhiên của những việc làm mà tôi đã nhìn vợ tôi hàng ngày đi theo những bác phu xích lô để làm. Bây giờ tôi lại hiểu mục đích cao cả của việc làm đê tiện đó. Tôi thương Phượng hơn là trách nàng.
“Ngày mai em muốn cho con cùng đi?”
“Nếu mình đồng ý.”
Dĩ nhiên tôi đồng ý; đồng ý đưa những người thân nhất đời mình vào chuyến đi địa ngục, vào vòng tay tử thần.
Trước 5 giờ sáng hôm sau, trong bộ đồng phục thanh niên xung phong, tôi chở Phượng và bé Mai trên chiếc xe đạp mà mấy tháng trước Phượng đã dùng để đón tôi ra khỏi trại tù cải tạo. Mặc dù giờ hẹn là 8 giờ, nhưng tôi vẫn đi sớm để hàng xóm đừng để ý đến bộ đồng phục của tôi. Hơn nữa, Phượng còn ghé Phú Nhuận, nơi nàng gởi nuôi thằng Vình, đứa trẻ ra đời trong thời gian tôi ở tù.

Mọi việc xuôi lọt, và tương đối dễ dàng: 7 giờ sáng tôi đến điểm hẹn; nhiều người cũng mặc đồng phục như tôi đã có mặt; nhìn thái độ ngỡ ngàng, dè dặt của họ, tôi hiểu họ cũng như tôi, ngoài bộ áo thanh niên xung phong, chúng tôi không xung phong làm gì hết.
Phượng bảo tôi, “Mình chờ ở đây, em qua Tân Thuận đón đò máy.”
Nhìn vợ lưng đai một đứa con, chở đứa thứ nhì trên thanh ngang xe, ra sức đạp chiếc xe cót két, tôi nghe đứt ruột. Nửa tiếng đồng hồ sau tôi xuống tàu, chọn chỗ ngồi ngay bên hông, hy vọng giúp đỡ Phượng đưa con lên. Khoảng 8 giờ 45, tàu đến ngã ba sông Ðồng Chanh; bốn chiếc đuôi tôm xáp lại, đàn bà trẻ con ồn ào dành nhau leo lên. Tôi đỡ bé Mai trên tay Phượng, rồi kéo Phượng, tay còn bồng thằng Vinh lên theo. Cuộc đổ bộ của khoảng 70 đàn bà, trẻ con lên tàu không những đã công khai mà còn ồn ào, hỗn độn, tranh dành, la lối, đính chánh hùng hồn cái huyền thoại gán cho cộng sản một hệ thống an ninh bao trùm và hữu hiệu. Hàng chục khách thương hồ và ít nhất là 4 người tài công đuôi tôm đã chứng kiến và chắc chắn cũng đã biết mục đích của chuyến đi, nhưng cộng sản vẫn không bắt buộc được họ khai báo, phản phúc đồng bào ruột thịt.

Mười rưỡi, tàu ra đến cửa biển Cần Giờ, và trưa hôm đó quê hương thương yêu chỉ còn là một vệt dài đậm hơn mầu biển. Ðến lúc này các “giới chức” trên tàu mới hò hét chửi mắng những người vượt thoát lậu. Họ bảo chỉ dự trù lương thực và nước uống cho những người có ghi tên và có góp vàng. Những người khác sẽ không có khẩu phần.

Phần ăn và nhất là phần nước uống ít oi của tôi được chia làm 4; bao tử trống nhưng tâm tư vợ chồng chúng tôi tràn đầy hạnh phúc. Vợ tôi ngồi sát bên tôi, tay ẵm thằng Vinh, bé Mai nằm gọn trong lòng tôi; đầu vợ chồng tôi đội chung một cái áo, vừa làm nón cho người lớn, vừa làm mái nhà cho trẻ con.

Ngồi bó rọ trong cái cảnh mà nếu được nhìn thấy, chắc mọi người phải gọi là địa ngục trần gian, vợ chồng tôi bàn chuyện thiên đàng mộng tưởng. Cái thiên đàng của chúng tôi rất giản dị: bất cứ nơi nào cho tôi được đem sức đàn ông ra đi làm, làm bất cứ việc gì để nuôi vợ, nuôi con.
Tôi bảo Phượng, “Anh sẽ làm việc, làm ngày, làm đêm, để không bao giờ em và con còn phải thiếu thốn khốn khổ nữa.”
“Em thương mình,” Phượng thủ thỉ bên tai tôi. “Không bao giờ em còn làm mình buồn nữa.”
Tất cả những cam kết, hứa hẹn, dự tính đẹp như mộng ấy, chúng tôi đem ra làm thức ăn để đánh lừa cơn đói. Khẩu phần của tôi mỗi bữa khoảng 2 chén cơm chỉ vừa đủ cho 2 đưa nhỏ. Phượng và tôi nhắp một đầu đũa để cầm hơi.
Qua đến ngày thứ 3, vì đói quá, khi đi lãnh cơm tôi thò tay vào nồi, vừa bốc thêm một nắm cơm vừa nói, “Cho tôi xin thêm chút cơm.”
Một quả đấm bay vào mặt tôi; yếu đuối sau 14 tháng bị giam cầm đói khổ, yếu đuối sau 3 ngày thiếu cơm, thiếu nước, tôi té ngửa dưới sức mạnh của quả đấm trời giáng.
“ÐM quân ăn cướp. Ðã đi lậu mà còn đòi ăn nữa hả.”
Quả đấm tuy đau, nhưng tôi vẫn mừng vì cà mèn cơm chưa đổ. Bưng cà mèn đầy cơm hơn nhờ bốc thêm được một nắm về mái lều to bằng manh áo, tôi sung sướng nhìn Phượng được ăn thêm miếng cơm thứ nhì. Tôi an ủi vợ, “Mình đi được 3 ngày rồi, nhiều lắm 2 ngày nữa cũng phải đến Thái Lan hay Mã Lai.”

Héo hắt cười, Phượng nhìn tôi. Tôi muốn thuyết phục cho vợ yên lòng, nhưng chính giọng nói của tôi cũng không vững.
Mũi tàu vẫn hướng về phía Nam , điều làm tôi thắc mắc. Mặc dù không có cả đến một tấm địa đồ nhỏ trong tay, nhưng tôi vẫn mường tượng được vị trí của Thái Lan và Mã Lai so với Việt Nam . Tôi góp ý với những người điều khiển tàu là nên cho mũi tàu chếch thêm về hướng Tây Nam . Tôi chưa nói dứt lời, một ông vạm vỡ nạt ngang, “Anh biết gì mà nói.”

Ðến ngày thứ 5 của chuyến hải hành, vợ tôi lả đi vì đói, vì mệt và say sóng. Phượng dựa vào thành tàu, mắt nhắm nghiền, đầu gục xuống. Tôi van xin ông ngồi cạnh nửa thước khoảng trống để vợ tôi có thể ngả lưng trong thế nằm co quắp. Hai đứa bé không còn khóc được nữa; tiếng khóc của chúng trở thành những tiếng rên nho nhỏ.
Tôi mò xuống bếp tán tỉnh xin phụ việc. Khoản thù lao tôi mong mỏi chỉ là mỗi bữa một chén nước cơm cho trẻ con uống. Chúng không còn sức để nhai và nuốt vật cứng nữa. Một ông “giới chức” hất hàm hỏi tôi, “Trước kia anh làm nghề gì?”
Dĩ nhiên việc đi cải tạo không phải là một nghề, mà cũng không phải là việc đem ra khoe được, tôi đành khai, “Thưa ông, tôi làm bác sĩ.”
“Biết chích không?”
“Dạ biết.”
Thế là tôi biến thành thầy Hai chích dạo. Bà vợ ông giới chức bị bệnh đái đường; ông đem theo một xách thuốc cần thiết cho bà, nhưng thiếu thầy Hai chích. Ðường lên, bà nằm mê man từ 2 ngày nay. Tôi được đưa vào khoang để chích insuline cho bà. Bữa đó không những có được chén nước cơm, mà trong cà mèn còn thêm được một miếng thịt.

Ðược dinh dưỡng, vợ tôi và 2 đứa trẻ cũng tỉnh táo hơn. Chiều hôm đó tôi lại có thêm một thân chủ: gia đình một người Trung Hoa nhờ tôi chăm sóc cho đứa con bị cảm nắng. Họ tạ thầy một hộp Sumaco, khiến bữa ăn chiều của chúng tôi có thể nói là thịnh soạn.
Cà mên cơm đầy ăn với cá hộp giúp Phượng đủ sức ngồi dậy săn sóc con. Hai đứa trẻ vẫn đuối, nhưng nhờ được uống nước cơm nên không đến nỗi bị lả đi như hôm trước nữa.

Sáng hôm sau tôi trở lại chích thuốc cho bà giới chức; nhờ insuline làm tan đường, bà đã ngồi dậy được, tỉnh táo hơn. Uy tín lang băm của tôi gia tăng nhanh chóng, số thân chủ cũng gia tăng vì sau 5 ngày ngồi bó rọ phơi nắng, gần như tất cả mọi người đều cảm thấy mệt đuối, đau nhức, nhiều người sốt, cảm, và ho.
Nỗi khổ tâm của tôi là trị bệnh không dược liệu; đem kinh nghiệm 14 tháng giúp bạn tù trị bệnh bằng phương pháp kháng bệnh, tôi chỉ dẫn mọi người cách hô hấp, cánh tập trung tư tưởng để tự kỷ ám thị.
Nhờ hành nghề bác sĩ, khẩu phần của gia đình tôi trở nên sung túc hơn rất nhiều. Mỗi gia đình vượt biển đều có thủ theo một vài thứ thực phẩm khô, họ chia cho tôi một ít để thù lao bác sĩ.

Ðến ngày thứ 7, nhờ được ăn no hơn vợ tôi đã bình phục và hai đứa trẻ cũng tỉnh táo. Trưa hôm ấy chúng tôi gặp hoạn nạn: chiếc áo mái nhà của tôi bị gió biển cuốn đi, vợ tôi lục giỏ tìm cái áo khác ra căng lều. Lần này tôi có ý cột kỹ tay áo vào thành tầu.
Tối hôm đó, đang gục đầu trong thế ngủ ngồi tôi nghe như một biến chuyển lớn đang xẩy ra. Giật mình tôi thức dậy trong tiếng reo hò của mọi người.
“Tới rồi. Thấy đất rồi.”
“Cảm ơn trời phật. Chuyến đi quá dài nhưng rồi cũng đến.”
Giọng quát của một giới chức, “Ngồi cả xuống; chạy tới, chạy lui, mất thăng bằng lật tàu chết cả đám bây giờ.”
Mọi người ngoan ngoãn ngồi trở xuống, nhưng tiếng ồn ào vẫn không ngớt. Người ta bàn tán, “Chắc là Mã Lai.”
“Có lẽ như vậy, vì nó là hòn đảo, chứ Thái Lan thì đã thấy lục địa.
“Không chừng Nam Dương.”
“Rất có thể là Úc.”
Vợ tôi nắm tay tôi bóp mạnh. Tôi nghe như những mừng vui của Phượng đang được chuyền sang tâm hôn tôi mà không cần một lời nói. Mọi người mừng vì chuyến hải hành 8 ngày đã đến đích. Cuộc hành trình của riêng tôi và Phượng đã kéo dài gần 4 năm, mà mỗi ngày là một cơn ác mộng bất tận cho cả 2 chúng tôi cũng đang chấm dứt với chuyến đi này. Nỗi mừng của chúng tôi, vì vậy mà to lớn hơn tất cả. Chúng tôi mừng đến không nói được nên lời, không hò reo được như mọi người. Tôi ngồi yên, không buồn chồm lên nhìn hòn đảo mà tàu đang tiến vào nữa. Niềm vui của tôi đã quá đầy từ ngày bước chân xuống tàu rời bỏ quê hương địa ngục, trên những bằng chứng xác nhận tình yêu tuyệt vời của Phượng đối với tôi. Không một người bạn đồng thuyền nào thỏa mãn bằng tôi.
Ông bạn ngồi cạnh gợi chuyện, “Hình như hòn đảo nhỏ quá.”
“Vâng,” tôi lơ đãng đáp.
“Không chắc đã có người trên đảo.”
“Vâng.”
Mũi tàu vẫn hướng vào hòn đảo cô đơn trong khi niềm lạc quan trên tàu lắng xuống. Khoảng cách thu ngắn dần làm mọi người thấy rõ kích thước nhỏ bé của hải đảo. Nhưng giữa khoảng ngàn trùng của đại dương nhấp nhô hòn đảo kia vẫn là đất, vẫn bảo đảm vững vàng. Hơn nữa, nó cũng lớn tối thiểu bằng 20 lần con tàu dài 15 thước, rộng 3 thước với 140 người trong lòng tàu.
Ða số góp ý kiến nên ngừng lại đảo.
“Biết đâu bờ bên kia lại không có một làng chài lưới.”
“Ghé nghỉ ngơi một ngày, đi lại cho dãn gân; ngồi bó gối mãi, mỏi quá.”
“Có thể tìm nước ngọt, đánh cá tăng thêm thực phẩm trước khi tiếp tục đi nữa.”
Cuối cùng, những giới chức trên tầu quyết định cho tầu chạy một vòng quanh đảo để quan sát trước. Và đó là quyết định cuối cùng của họ với tư cách chỉ huy chiếc tiểu hạm tử thần: mới chạy được nửa vòng đảo, tàu chạm đá ngầm, vỡ đáy, lật nghiêng qua 30 độ.

Phượng văng từ thành tàu bên này sang thành tàu bên kia, thằng Vinh tuột tay mẹ, rơi thẳng xuống biển. Trên đà nghiêng của con tàu, tôi phóng nhanh đến bên Phượng, trao vội bé Mai cho nàng và nhẩy xuống biển để chỉ vừa kịp nắm tay đứa bé chưa đầy năm, theo nó ngụp vào một đợt sóng lớn. Sóng đưa tôi và thằng Vinh vào gần bờ, và do đó tôi trở thành người đầu tiên đặt chân lên hòn đảo san hô thê lương, sau này biến thành nơi gởi xác của nhiều người trong chúng tôi.
Việc làm đầu tiên của tôi là bồng thằng Vinh đưa lên cao để vợ tôi nhìn thấy mà yên lòng. Cách bờ khoảng 15 thước, mọi người nhốn nháo; tiếng kêu khóc thật là thê thảm, nhiều người nhẩy xuống nước chạy vào bờ.
Sau khi bị vỡ đáy, con tàu mắc cạn đang từ từ trở lại thế thăng bằng, mặc dù vẫn còn hơi nghiêng, nhưng người trên tàu không đến nỗi phải bám cứng vào thành tàu để khỏi rơi xuống biển nữa.

Nhờ người coi chừng thằng Vinh, tôi lội xuống nước trở ra mạn tàu bồng bé Mai, và xách gói hành lý khiêm tốn của chúng tôi, rồi dắt Phượng lên đảo. Nhiều người khác cũng làm như chúng tôi; họ lìa bỏ con tàu mà không cần biết là đi đâu, nhắm mắt đưa chân, như 8 ngày trước rời bỏ quê hương Việt Nam .
Ðó là sai lầm của chúng tôi. Hòn đảo san hô khô cằn, lởm chởm, không dung nạp chúng tôi. Tìm được một chỗ bằng phẳng để ngồi xuống cũng đã khó chứ chưa nói đến việc ngả lưng.
Sau gần một tiếng đồng hồ loay hoay tìm kiếm, tôi chọn được một hốc đá tương đối rộng rãi để định cư. Cái áo làm mái nhà đổi vai trò trở thành tấm chiếu cho trẻ con ngồi.
“Ðau đít quá ba ơi,” bé Mai nhăn nhó nói.
Tôi ẵm con lên, đặt nó ngồi trên bọc quần áo, rồi bảo Phượng, “Em coi chừng con, anh đi quanh tìm xem có con ốc, con sò nào không.”
Tôi ngỡ mình là người nhanh chân trong việc đi kiếm ăn, nhưng hơn chục người khác cũng đã lom khom trong các hốc đá tìm kiếm như tôi. Cái may của tôi là trong một kẹt đá nhỏ, tôi chụp được hai vợ chồng một chú tôm hùm khá to, mỗi con khoảng hai kí.
Phượng reo mừng, “đồ biển sẵn thế này là không phải lo đói nữa.”
Phượng lầm, mà tôi cũng lầm. Ðồ biển không sẵn như chúng tôi tưởng, hoặc ít ra thì đó cũng không phải là nguồn thực phẩm đủ cung cấp cho 140 người đói khát.

Tôi đi nhặt rác và rong biển về làm củi nướng tôm; tôi cũng tìm được một mảnh ván nhỏ cho Phượng ngồi. Bữa ăn đầu tiên trên hoang đảo, cách tìm thực phẩm, nướng và ăn bốc theo kiểu thượng cổ, vừa ngon lại vừa vui. Vợ chồng, con cái chỉ ăn hết một con tôm, con thứ nhì để dành.
“Em chưa thấy con tôm hùm nào lớn đến như vậy,” Phượng vừa chôn vỏ tôm xuống cát vừa bảo tôi.
Mới 6 giờ chiều, mặt trời còn cao mà gió biển nghe đã lạnh; tôi lo lắng bảo Phượng, “Có bao nhiêu quần áo em lấy mặc hết cho con. Cả em nữa.”
Gói hành lý được mở ra, tắp hết lên người. Mỗi đứa trẻ mặc 4 áo, 3 quần. Phượng được 3 áo, 2 quần. Tôi mặc thêm cái sơ mi nửa ra ngoài bộ đồng phục chưa thay từ ngày đi.

Gia đình ông hàng xóm sát hốc đá nhà tôi định xuống tầu tránh lạnh nhưng bị đuổi trở lên. Một số thanh niên tổ chức chiếm độc quyền cư ngụ trên tầu. Họ cũng ngưng, không phát thực phẩm như trước nữa.
Ðêm hôm đó một người đàn bà chết, có lẽ vì quá lạnh. Chúng tôi xuống tầu mượn được một cây xà beng và một cái búa để đục đá chôn người xấu số. Ðó là người đầu tiên và người cuối cùng được chôn. Lý do thứ nhất khiến chúng tôi không chôn người chết nữa là vì đục đá làm mồ là một công trình quá khó mà lại không hiệu quả. Lớp đá vụn lấp xác chết không chặt được như đất nên chỉ một ngày sau mùi thối đã xông lên nồng nặc. Lý do thứ nhì chua chát hơn: người ta không muốn vùi đi mấy chục kí thịt của người chết trong lúc tất cả đều đói.

Xác chết đầu tiên tôi thấy bị xẻ thịt là xác một thiếu nữ trắng trẻo, xinh xắn. Tôi đang đi nhặt ốc thì nhìn thấy xác cô, khuy áo bị cổi banh ra, chỗ đôi nhũ hoa chỉ còn thịt lầy nhầy và mấy rẻo xương lồng ngực. Một tiếng đồng hồ sau, tôi trở lại, cô đã bị lột truồng, bắp vế, bắp chuối bị xẻo mất.
Tôi rùng mình. Suốt 2 năm chinh chiến tôi cũng đã chứng kiến nhiều cái chết ghê rợn do súng đạn gây nên, nhưng quả thật chưa một xác chết nào làm tôi khiếp đảm hơn.

Thượng Ðế ơi, người đã sinh ra con người như sinh vật khôn linh hơn mọi sinh vật khác, sao người lại còn bày ra những thử thách trớ trêu đó để làm gì? Ðể chứng minh là con người cũng không hơn gì loài cầm, loài thú ư?
Tôi trở về hốc đá với khuôn mặt chắc phải vô cùng sầu thảm; nhìn tôi, Phượng bảo, “Mình đuối lắm rồi, để em đi kiếm thực phẩm thay mình.”
“Em không đi đâu hết,” tôi gạt phăng.

Vợ tôi nhìn tôi lo sợ; có thể Phượng thấy phản ứng của tôi không bình thường, chưa bao giờ tôi gắt gỏng với nàng, ngay cả những lần nàng theo bác phu xích lô đi khách. Quanh chúng tôi, người ta phát điên, người ta đánh nhau chỉ vì những chuyện không đâu. Tình trạng tuyệt vọng, kinh hoàng làm chúng tôi thành hốt hoảng. Có thể Phượng nghĩ tôi cũng đang có những triệu chứng bắt đầu. Tôi an ủi vợ, “Anh không muốn em đi đâu hết. Quanh chúng ta đang có trên 100 người mất tự chủ. Em phải ở cạnh anh.”
Thật ra tôi chỉ muốn tránh cho Phượng khỏi nhìn thấy xác người thiếu nữ không vú, không đùi. Kéo đầu Phượng gục vào vai, tôi vỗ về, “Rồi mọi chuyện sẽ khá hơn; thế nào chẳng có một thương thuyền đi qua đây.”
Tôi nói để mà nói, nhưng tôi nghĩ Phượng không mấy tin, không mấy quan tâm đến những điều tôi nói.

Chúng tôi đã đói khát gần 1 tuần lễ; quanh bờ biển không còn một cái vỏ hào nào nguyên vẹn. Người đầu tiên vừa đập vỡ con hào để lấy ruột, thì chỉ vài phút sau đã có người đến đập lần thứ nhì, hy vọng vớt vát một chút gì còn xót lại.
Ðến tuần thứ nhì không ai còn dấu diếm chuyện ăn thịt người nữa. Gần như tất cả mọi người đều đã ăn thịt đồng loại. Tệ hơn là họ không chờ nạn nhân chết hẳn mới xẻ thịt. Ðể thịt và ruột gan không lạnh tanh, họ xẻ thịt những người đang thoi thóp, ngắc ngoải. Xương và đầu người chết bị ném xuống biển, cám dỗ hàng bầy cá mập.

Nhìn những con cá hung hãn chồm vào đến tận bờ để chia phần thịt người, tôi bàn với ông hàng xóm phương pháp bẫy cá mập. Chúng tôi đào một vũng cạn, rồi lấy đá be bờ khá cao. Sườn vũng nước nghiêng vào bờ, bên trong sâu hơn bên ngoài bờ biển.
Mượn cái đầu của một bà lão vừa bị xẻ thịt, chúng tôi thả mồi chờ cá mập; thời gian chờ đợi không lâu hơn 20 phút: theo đà sóng một con cá mập nhỏ, khoảng trên dưới 40 kí, trườn vào bẫy.
Sóng rút ra, cá mập mắc cạn và chết ngay sau vài chục nhát búa và xà beng của chúng tôi. Chúng tôi lôi cá lên cạn xẻ thịt; khoảng vài chục người đến hôi món thịt cá mập. Việc xẻ thịt chưa xong, con cá mập thứ nhì đã lại trườn vào bẫy trước tiếng reo hò mừng vui của hơn 100 con người đói khổ.
Thịt cá mập béo ngậy và tanh rình, nhưng vẫn giúp chúng tôi tránh được ăn thịt người, và cái bẫy cá mập của tôi trở thành nguồn cung cấp thực phẩm khá dồi dào cho những nạn nhân mắc cạn.
Cái khổ của chúng tôi là trên đảo san hô không còn một thứ gì có thể sử dụng thay củi nữa cả; một vài người liều lĩnh xách búa ra định bửa tầu lấy gỗ, nhưng chỉ cần một phát súng bắn chỉ thiên của nhóm thanh niên khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ, lại có võ khí, đang chiếm giữ con tàu, cũng đủ làm những người liều nhất trở thành khôn ngoan, lui nhanh vào bờ.
Cầm miếng cá sống, vừa xệu xạo cắn, Phượng vừa hỏi tôi, “Mình có còn tin được câu người ta thường nói ‘trời xanh có mắt’ nữa không?”
Tôi thở dài. Nếu quả trời có mắt thì cặp mắt đó đã nhắm lại từ 4 năm nay rồi. Bé Mai chỉ còn là một cái xác nhỏ xíu, gầy ốm, thoi thóp níu vào cuộc sống. Thằng Vinh khá hơn đôi chút, nhưng cũng nằm lả, đôi mắt gần như không bao giờ hé mở.

Tôi nhai miếng cá trong miệng đến thành nước rồi cúi xuống mớm cho con. Phượng thút thít khóc. Cũng như tôi, vợ tôi hiểu mạng sống của đứa con gái chúng tôi thương yêu, nâng niu, đang tàn lụi dần và sẽ tắt hẳn, khi gió biển, nắng cháy, và thiếu dinh dưỡng, cướp đi những sinh lực cuối cùng.

Bé Mai bỏ đi tối hôm đó. Ôm con trong tay tôi nghe hơi thở nó yếu dần, yếu dần trước khi tắt hẳn. Cơ thể của đứa con yêu thương vẫn mềm mại nhờ chút hơi ấm của tình phụ tử ủ ấp.
Tôi lặng đi ngồi ôm xác con trong gió biển cắt da; khoảng một tiếng đồng hồ sau Phượng hỏi tôi, “Con có khá hơn không mình?”

Tôi hiểu nghĩa câu hỏi này: Phượng muốn biết bé Mai đã chết chưa, nhưng chữ “chết” ghê rợn không phát ra được trên đôi môi người mẹ. Tôi lặng thinh để vợ tôi ngỡ là tôi đã thiếp đi trong mòn mỏi. Nhưng rồi tôi thiếp đi thật; sức chống đỡ của cơ thể chỉ có giới hạn. Giữa những hoàn cảnh phi lý nhất, thể chất vẫn giữ nguyên những đòi hỏi bình thường của nó. Ôm xác con trong tay, ngồi giữa một cô đảo Thái Bình Dương, tôi ngủ ngon lành.
Tôi bị mặt trời nhiệt đới đánh thức; mở mắt dạy trong ánh nắng chói lòa, tôi hốt hoảng nhận ra là bé Mai không còn nằm trong tay tôi nữa. Phượng cũng không thấy đâu cả. Tôi cất tiếng gọi vợ, tiếng sau lớn hơn tiếng trước, những tiếng cuối cùng trở thành tiếng gào kinh hoảng.

Những người chung quanh nhìn tôi; cặp mắt họ không thiện cảm, nhưng cũng không ác cảm, mà chỉ là những cập mắt vô can mất hết khả năng xúc động. Cái khổ đau, bất hạnh của tôi, tôi cứ tự gánh lấy. Phần riêng của họ cũng đã quá lớn, họ không thể chia xẻ thêm với ai chút gì nữa cả.
Tay ẵm thằng Vinh, tôi phóng nhanh xuống bờ biển vừa chạy quanh đảo, vừa gọi Phượng. Vợ tôi ngồi xẹp trên một phiến đá, vẻ mặt sầu khổ. Ôm chầm lấy vợ, tôi hỏi, “Em đi tìm con?”
Vợ tôi không nói được một tiếng nào cả.
“Họ đã xẻ thịt bé Mai?” Phượng gật đầu rồi gục vào vai tôi thút thít khóc; tôi lặng đi, tê tái.

Nguyên ngày hôm đó vợ chồng chúng tôi không nói thêm với nhau một câu nào nữa. Trước những đổ vỡ thương đau toàn diện, chúng tôi không còn khả năng khóc, than.

Sáng hôm sau, sau một vòng đi tìm thực phẩm thất bại như từ nhiều ngày nay, tôi trở về hốc đá và tình cờ khám phá ra nguyên nhân giúp bé Vinh còn tương đối mạnh khỏe: Phượng đang cho con bú. Tôi ngạc nhiên vì từ trước đến giờ Phượng không hề làm việc đó. Cả bé Mai cũng bú sữa bò từ khi mới lọt lòng.
Phượng bối rối nhìn tôi, trong lúc tôi nhìn bé Vinh: môi đứa bé đỏ lòm. Tôi kéo vú Phượng ra để thấy một vết cắt còn mới trên đầu vú. Tôi tìm thấy nhiều vết cắt khác ở đầu ngón tay, ở cổ tay người mẹ khốn khổ. Thở dài, tôi cúi đầu. Phượng đang trút tàn lực sang để nuôi một mầm sống. Việc làm vô cùng đáng kính phục đó chắc chắn sẽ làm tôi trở thành góa bụa sớm hơn.
Dĩ nhiên tôi không ngăn cản, cũng không phiền trách gì Phượng. Ðiều độc nhất tôi có thể làm là cố gắng hơn nữa trong việc tìm kiếm thực phẩm để nuôi Phượng và bé Vinh, nhưng số người đói khát thì đông mà số thực phẩm lại giới hạn nên gần như chúng tôi không còn tìm ra bất cứ một thứ gì, dù chỉ là cỏ, là cây, để nhai trong miệng.

Bốn ngày sau ngày bắt gặp Phượng cho con bú bằng máu, tôi tìm được một con cua khá lớn. Phượng ăn gượng gạo rồi lại nằm ngay. Vợ tôi đuối đến mức tôi phải xé từng miếng thịt cua, đút vào miệng cho nàng.
Suốt tuần sau, tôi chỉ tìm được vài con ốc. Nhìn những triệu chứng sắp chết của vợ, tôi nghe đứt ruột. Tôi không dám đi kiếm thực phẩm xa nữa, sợ người ta đến ăn thịt Phượng.
Hai ngày sau, đang nửa mơ, nửa tỉnh, tôi chợt nghe nhiều tiếng súng; tiếp theo là tiếng reo hò. Bàng hoàng choàng dậy, tôi nhìn theo hướng nhìn của mọi người và thấy một chiếc tàu đang từ từ tiến lại.
Tim tôi ngừng đập; cuối cùng trời vẫn còn có mắt, chúng tôi sắp được cứu sống, và tôi vẫn còn Phượng, còn người vợ mà trong hoạn nạn tôi thấy tình yêu trở thành to lớn hơn, bền chặt hơn. Tôi sẽ lại được mê mệt, được khổ sở với cặp mắt đa tình của Phượng.

Trong tiếng reo hò của những người đồng cảnh ngộ, tôi cúi xuống thủ thỉ bảo vợ, “Hôm trước em hỏi anh có còn tin là ‘trời xanh có mắt nữa không’; bây giờ anh trả lời em là anh tin. Anh tin cuối cùng rồi ông trời vẫn có mắt.”
Nhưng tôi đã lầm. Ðối với những kẻ bất hạnh, vô phước như tôi, ông trời (nếu có ổng) đã vĩnh viễn nhắm mắt, quay mặt đi.
Con tầu tôi đang nhìn theo là một ngư thuyền của Ðài Loan. Họ neo xa bờ chừng 2 cây số, rồi cho ghe nhỏ vào chở người đại diện của chúng tôi ra thương lượng. Cuộc thương lượng, nói trắng ra chỉ là một cuộc trả giá.

Người đại diện trở về cho chúng tôi biết tầu Trung Hoa đòi một số vàng lớn mới chịu cứu chúng tôi. Số người có vàng đề nghị chia số người Trung Hoa đòi hỏi trên đầu người; những kẻ trắng tay như tôi ngồi lặng thinh, dự thính.
Chiều hôm ấy người đại diện của chúng tôi trở ra ngư thuyền Trung Hoa với một phản đề nghị. Cuộc trả giá kéo dài cho đến tối, và ông ta ngủ lại trên tầu đánh cá. Sáng hôm sau ông trở lại với 3 người Tầu, và bắt đầu cuộc ghi danh, góp vàng.
Những người có vàng để góp lần lượt được xuống ghe máy để ra tàu trước cặp mắt thèm thuồng của chúng tôi. Khoảng xế chiều việc đưa những người góp vàng ra tàu hoàn thành. Người Trung Hoa chở vào cho chúng tôi một thùng cá và bảo, “Các anh ăn uống tạm tối nay. Sáng mai chúng tôi sẽ vào chở tất cả ra tàu.”
Thì ra họ chỉ muốn làm khó dễ để lột một số vàng của những người có tài sản. Sáng hôm sau toàn bộ chúng tôi được chở ra tàu; một thủy thủ Trung Hoa giúp tôi bồng bé Vinh, trong lúc tôi bồng Phượng xuống ghe.
Yếu đuối, tôi ngã mấy lần, Phượng mở mắt nhìn tôi, cặp mắt tình tứ, đắm đuối ngày xưa, giờ này đã mất thần.
Xuống tầu, tôi xin một ly sữa, đút cho Phượng, nhưng vợ tôi không còn nuốt được nữa. Tôi biết cơ thể nàng đã mất hết hydrate; giải pháp độc nhất còn lại là nuôi bằng nước biển, nhưng làm gì có thứ đó trên một ngư thuyền.
Phượng lịm dần và hơi thở thật sự tắt hẳn vào đêm hôm đó. Xác nàng bị chuồi xuống biển theo hình thức thủy táng./.
Nguyễn Đạt Thịnh