Saturday, December 20, 2014

Nổ

 Thời hậu chiến sao dùng nhiều trọng pháo
Bắn lung tung NỔ bất cứ nơi đâu
Nha Kỹ Thuật cũng là Quân đội sao ?
Đúng là chuyện tào lao của thế kỹ …

Nổ to hơn là HO tới  Mỹ .
Đường công danh được tô kỷ đậm màu
Mùi thuốc súng trong từng chữ  từng câu.
Họ đánh giặc đến thần sầu quỷ khóc.

Nổ dòn giã coi ai cũng là ngốc
Ngẫn tò te lời tâng bốc anh hùng
Bao nhiêu người  bị họ đâm nát lưng
Không phải MÌN thì xin đừng có NỔ .
  
 Ngôn  Nguyễn  Đoàn 72 SCT.



Nổ
Tôi là một chuyên viên phá hoại. Nổ đối với tôi là sở trường. Và vì thế mà tôi vẫn thường hay… nổ.
Ngày trước, lúc chiến tranh, khi thi hành nhiệm vụ là nổ bằng chất nổ, bằng lựu đạn, bằng mìn. Phải biết nổ thế nào cho tan xác giặc, phá các công sự, công trình… Nhưng từ khi không còn là lính, lúc hết đạn, bom mìn (chứ chưa hết giặc) thì người ta thường nổ bằng mồm. Và tôi cũng chưa mất sở trường về “cái nổ” đó.
Có lúc nổ cũng dòn tan như pháo tết, nhưng có khi cũng lụp bụp như muối rang, tùy từng lúc, từng thời, và từng chất nổ. Đối với một tay thích nổ thì ở đâu, hoàn cảnh nào cũng cứ nổ để làm vui.
Mỗi lần nhậu nhẹt, vui chơi, gặp lại những đồng đội lính ngày xưa là tha hồ nổ. Nổ thật sự, nổ một cách trơn tru, bóng bẩy ngon lành, để mọi người phải phục là trước kia tôi là một lính gan dạ, anh hùng và làm nên bao thứ chiến công. BK mà. Nghe nói tới BK là ai cũng nể - BK/NKT, BK/Lôi hổ là thứ gan lì không hề sợ chết. Một toán nhỏ 5,6 người dám nhảy vô vùng đất địch, lại còn bắt địch, giết địch, địch chạy trối chết như Tarzan xuất quỉ nhập thần. Người ta nghe qua cũng le lưỡi hết hồn. Thì có dịp nổ, có dịp xưng tụng, vung vích để lòe thiên hạ, chẳng chết thằng tây nào. Tại sao lại không nổ? Tôi tha hồ bịa ra kể chuyện lung tung về bao chiến công hiển hách. Một nhóm nhỏ vài ba đứa vào vùng địch, phục kích bắt tù binh (như ăn cơm bữa) cho trực thăng chở về khai thác. Bắt tù chưa đã, bắt cả xe tăng. Bắn cháy và phá nổ 5-7 xe tăng một lần, vùng biên giới Việt Lào mùa hè đỏ lửa…
Đại để là như vậy. BK mà nổ là “thầy chú” phải tin, và cả một bàn nhậu với nào là Cảnh sát, Địa phương quân, Nghĩa quân, kể cả BB, Pháo binh 155 ly cũng đều vô cùng thán phục?
Quen thói nổ, một lần về quê hương VN, tôi nổ tiếp. Bây giờ không phải nổ là lính nữa mà là nổ với tư cách Việt kiều.
Sống ở Mỹ đã trên 10 năm thì thiếu gì chuyện để nói. Trong một lần nhậu, gặp gở VK thì người ta hỏi đủ thứ: công ăn việc làm, thành đạt nơi xứ người và cuộc sống sung túc…
Dễ thôi. Kỹ sư. 6 năm, bỏ ra 2 năm hội nhập và 4 năm học College, University. Lương mỗi tháng 5,000 đô trừ thuế và các thứ. Tính ra, mỗi tháng trên 100 triệu VN đồng. Bà con ai nấy đều lé mắt.
Một tên lính, thân sơ thất sở, sau khi tù cải tạo ngót bao năm, về đầu đường vá xe, cuối đường bán vé số, đói rách lang thang, còn bị CA làm tình làm tội… Bây giờ sau 12 năm lột xác, một kỹ sư ngành xây dựng lương tháng trên trăm triệu đồng. Làm sao mà anh em bà con quê nhà không niềm nở thán phục. Tiền bạc về quê ăn xài như nước. Mập mạp, trắng trẻo, vóc dáng phương phi như trẻ lại hằng 15-20 tuổi. Chưa hết, lối ăn chơi hào phóng, lịch lãm, mấy bà, mấy cô như nhỏ giải thèm thuồng.
Được thôi, nếu các em muốn, “qua” đây cũng sẵn sàng. Sau hai tuần lễ đó đây, thăm quê hương cho biết sự tình. Trên một xe đò tốc hành từ SG về miền Tây, tôi quen một người đàn bà đẹp. Quả là nàng đẹp. Đẹp sắc nước, đẹp gợi tình, và có vẻ đoan trang lịch lãm. Nhan sắc em làm anh phải động lòng, và đối với em, VK anh quả là một sự cám dổ.
Hai đứa dọ hỏi làm quen và quen nhau thực sự. Nàng mời tôi về thăm quê nàng. Cũng là một hướng dẫn viên hiểu biết rộng, sẵn sàng phục vụ miển phí để đưa “khách” đi thăm khắp chốn xứ dừa. Một thiếu phụ trí thức cở ngoài 40, là giáo viên cấp 3 THPT thị trấn Mỏ cày. Chồng mất vì bệnh, đứa con gái duy nhất vừa gả chồng Đài loan. Sinh ra trong một gia đình phong lưu khá giả, cha là một SQ/QLVNCH, sau tháng 4/75 đi tù cải tạo và chết trong tù. Còn lại mẹ già 60 già yếu, bệnh hoạn. Nàng là đứa con duy nhất, người mẹ trông nhờ. Không dám đi bước nữa vì chưa gặp nợ duyên trong một xã hội bon chen, lọc lừa, giả dối.
VK/KS xây dựng là thần tượng. Nàng có cảm tình thật sự, có ý săn đón, có ý trao tình, dù chẳng dám nói ra.
Để hãnh diện và chứng tỏ thân quen với VK “hạng sang”, nàng chẳng ngại giới thiệu bạn bè, giáo viên (nam nữ) đồng nghiệp. Một lần rũ tôi đến dự một buổi tiệc mãn khóa học. Tôi tiếp tục nổ và tiếp tục đóng vai một KSXD trên đất Mỹ giàu có chẳng chút ngượng ngùng, và sẵn đà hào phóng hứa giúp cho trường một số tiền tu bổ trường học. Tôi đã trở nên một “thần tượng” đáng giá (một VIP/KK) cho trường và cho nàng.
Một lần, trên đường về lại SG, tôi vào một quán giải khát bên đường (ngả ba Trung Lương) để cho nàng đi thăm một người bạn và cùng rũ nhau về SG luôn thể.
Tôi vừa hớp xong ngụm cà phê đá, một “ông lão” run run dò gậy, cái nón đệm xụp xuống bung vành, cọc vé số cầm trên tay, cụ đến bên tôi mời mọc:
-Mời thầy mua giùm tôi ít tờ vé số - vé số Kiến hòa sổ chiều nay. Vẻ mặt quen quen qua hàm râu tua tủa.
-Hình như anh là…?
-Có phải là D… không?
-Phải Có không? Rõ ràng là Phan văn Có, thằng bạn thân khóa 15/HSQ Đồng Đế năm nào?
-Có đây!
Dở chiếc nón đệm bàng ra, đúng là Có. Tướng tá lùn thấp nhưng phong độ. Ngày nào  hai đứa mới ra trường cùng về LLĐB. Có dắt tôi về nhà Mỹ tho ở 2 ngày đêm. Có có hai đứa em gái khá xinh đẹp, và đứa em út nhí nhảnh xinh xắn, đã làm tôi mê mẩn yêu thương. Em học trường nữ TH Kiến hòa. Có còn nói: - mầy thích, tao nói vô cho.
Rồi chiến tranh, rồi định mệnh xô đẩy cuộc đời tôi và nó, và nàng cũng không còn cơ hội gặp lại nhau…
Bây giờ - 50 năm - gặp lại. Thằng bạn già trước tuổi. Rất cảm động, rất chân tình, tôi ôm thằng bạn lính già thương tật nghèo nàn mà rơi nước mắt. Nói chuyện, thăm hỏi chẳng được gì, tôi nhét vào túi nó 100 đô và hẹn ngày đến thăm nhà nó ở.
Giả từ thằng bạn, thì cô nàng cùng cô bạn cũng vừa trở lại. Chúng tôi vui vẻ về hướng SG.
Những ngày còn lại tiếp tục đi chung, cũng khá vui. Hình ảnh thằng bạn cứ lởn vởn trong đầu. Thằng bạn thân nhất sống cảnh nghèo nàn. Tôi phải trở lại thăm nó, và nếu cần, giúp đở nó.
Một tuần sau, cùng nàng về quê Kiến hòa và tôi có ý định đi tìm Có. Hay nhất là nhờ nàng rành rõi mọi ngõ ngách địa phương.
Nàng không ngờ, và tôi cũng không ngờ Phan văn Có là cậu ruột của nàng, và tôi lại là bạn thân của cậu. Điều bất ngờ nhất là mẹ nàng lại là em gái của Có. Cô em út mà một thời tôi xao xuyến, động lòng và có ý yêu thương. Tôi có dịp gặp lại mẹ nàng có một lần lúc nàng dắt về giới thiệu mẹ. Hình bóng của 50 năm về trước làm sao tôi có thể nhận ra được, dù rằng 60, “bà” vẫn còn sắc nước, vẻ đẹp về già. Con gái giống mẹ.
Gặp nhau lần nữa, Có rất mừng, tuy hơi có phần “mặc cảm”. Tôi thì cảm thương Có thật lòng nhưng cũng có dè chừng e ngại. Đã nổ với đứa cháu ruột, mình là kỹ sư bên Mỹ thì sẽ nói năng với thằng bạn chí cốt với mình sẽ sao đây? Coi chừng lộ tẩy, bể mánh.
Hai đứa muốn có bữa ăn thân mật nhưng tôi đành phải hẹn dịp khác với lý do quá bận không có thi giờ. Đau lòng quá hở Có? Cả tao lẫn mầy!
Được biết, Có bị thương rồi giải ngủ. Thời còn VNCH cũng đở khổ, yên thân, là con trai  trưởng lo ôm cột trụ gia đình, lo phụng dưỡng cha mẹ. Ở nhà từ đường. Căn nhà khá khang trang, sau được giở đi và dời chổ cất lại sau ngày mất nước. Cũng chỉ là một chổ để trú thân. Một vợ và hai con đều mất tích, biệt tăm trong lần vượt biên vượt biển. Đứa con lớn ở lại nuôi cha (thương tật) cũng lâm trọng bệnh qua đời lúc vừa 25 tuổi, đã tốt nghiệp đại học và có việc làm. Còn lại Có, một thân bơ vơ trơ trọi. Vườn cây ít ỏi huê lợi không đủ sống, phải chống nạng đi bán vé số sống đấp đổi qua ngày.
Trời ơi! Một thằng bạn thân – KSXD (dỏm) cũng không có cách nào đở đần giúp bạn. Nó hỏi tôi: giờ mầy sống ra sao? Tôi cũng ỡm ờ. Dáng dấp một Việt kiều “khoe mẻ” chắc nó cũng cảm thấy mừng và hy vọng?
Tôi tặng Có thêm 200 đô la và nói lời an ủi chân tình, rồi từ giã. Nó cũng rớm nước mắt mà run tay đón nhận tấm chân tình.
Tôi về lại Mỹ. Ra phi trường TSN tôi dứt khoát không mời gọi tiển đưa. Tất cả đều bỏ lại. Bao thứ ngổn ngang - tầm thường, cao cả, chân tình, xúc động, thật giả… mọi thứ.
Nàng thì rơm rớm nước mắt tiển đưa tôi - tại quê nhà – tôi cũng không biết là thật hay giả. Một điều tôi đã hứa giúp cho trường một số tiền để tu bổ. Lời lẽ tôi mạnh dạng và sự trông chờ đón nhận quá đổi mừng vui. Điều thứ hai là về bểnh, vẫn thường xuyên liên lạc với em. Thật giả thì tôi chưa thể đoán được, nhưng mà tình cảm và chân thành là có thật. Với nhiều người.
Một thằng chỉ quen thói “nổ” thì tôi phải làm sao? Đánh mất danh dự, mất cả lương tâm với những tấm lòng mà người ta đã tin tưởng vào mình thật sự?
Tôi đã thoát nạn – không phải bị vạch trần – nhưng mà tôi trở nên người khốn nạn. Một VK với dáng ve phong thái sang giàu cà chớn. Tôi cảm thấy hổ thẹn với lương tâm, hổ thẹn với thằng bạn nghèo nàn thương tật. Chắc chắn là nó thật tình, còn tôi là thứ “hèn”, thứ “dỏm”.
Tội nghiệp cho bà mẹ của em - người con gái mà 50 năm trước đây tôi mê đắm, dầu duyên nợ không thành. Em đẹp, em sang, nhưng em đã gặp phải nhiều thương đau và bất hạnh - chồng chết, và đứa con gái đẹp xinh - nếu lỡ lầm với một VK/KS cà chớn, láu cá như tôi thì: ai là kẻ phải sa vào địa ngục? Em (em mẹ) nào biết nào hay trước kia tôi có ý yêu em. Và, là em (em con) nhiều ngày đêm đi chơi với tôi và hết lòng ngưỡng mộ? Tôi nói dóc, tôi “nổ”, tôi lừa bịp là tội tày đình. Hẳn là tôi phải biết.
Thu nhập mỗi tháng 900 đô - vừa tiền hưu, tiền già - chứ không phải 5,000 đô như mọi người nghe tôi nói láo. Nói láo quá trơn tru. Nổ banh nhà lồng chợ?
Về Mỹ, tôi trích tiến credit 500 đô gởi giúp trường học, và trích gởi luôn cho em 200 đô gọi là giữ tròn lời hứa để không phải ray rứt lương tâm - một thằng kỷ sư đốn mạt – Quà cho trường, cho em. Một lần duy nhất.
Tôi mạnh dạn chấm dứt liên lạc để trở về cuộc sống thật, cuộc đời thật, và con người thật của tôi – không phải là KSXD mà là một VK Mỹ hằng tháng hưởng trợ cấp tiền già. 700 đô la trả qua credit từ từ. Một năm chắc sẽ trả xong món nợ tình, nợ danh dự, và sẽ vui sống bình an thanh thản. Cố giữ gìn tự trọng và đừng đánh mất lương tâm. Tội nghiệp cho thằng tôi. Cái tật “nổ”.
Châm ngôn Tây phương có câu: “Người khôn ngoan nhất là người chân thật nhất”. Bây giờ tôi thấy đúng.


Nguyễn Dân – SJ.

No comments:

Post a Comment