Tuesday, June 25, 2024

Thăm Viếng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa 19.6.2024


Theresa Ngo

Người Yêu hỡi ! Em xin là Dĩ Vãng !
Trút linh hồn thành lá cỏ hoang sơ...
Đi miên man vào Cõi Chết bây giờ
Ôi ! Cõi Chết của lòng
em mê đắm...

Theresa Ngo
Vừa đọc vừa khóc... 💔
Anh Yêu ơi ! Nửa miếng trời lãng mạn
Đã tàn phai theo vóc dáng hao gầy !
Chiều đang xuống... Anh ơi xin thức giấc
Uống cùng em một nửa chén thơ say...
 
(Nha Kỹ Thuật /Tổng Tham Mưu Kon Tum - Mùa Hè Đỏ Lửa.)

(Tưởng nhớ hương hồn Y Sĩ Trung Tá Bửu Trí, Trung Úy Sĩ Quan Trợ Y Ngọc.)

Tôi tuy thuộc vào hạng nhỏ con và thường bị bạn bè gọi là “Sữa” nhưng lại rất thích binh chủng Nhảy Dù. Thường mơ ước rằng khi ra trường sẽ là một Y Sĩ Nhảy Dù. Đọc truyện Y Sĩ Tiền Tuyến của Bác Sĩ Trang Châu tôi lại càng thêm mơ mộng. Tôi thích đi nhảy dù vì thích bận đồ rằn ri, đội nón đỏ, có huy hiệu nhảy dù trên ngực áo. Thấy các quân nhân Nhảy Dù chiều thứ 7 dạo phố với các nữ sinh thật là thơ mộng.

Cũng vì thích màu áo  mà  tôi  sém  chút  nữa là hòm gỗ cài hoa! Tuổi trẻ có những tư tưởng lạlùng mà sau nầy về già suy nghĩ lại mới biết sợ, không nên “giỡn mặt tử thần,” đúng  là  “Chưa  thấy  quan  tài  chưa  đổ  lệ.”

Tôi nhập ngũ vào cuối năm 1971 khóa 13 Y sĩ trưng tập thụ huấn quân sự tại trường Bộ Binh Thủ Đức. Trong thời gian này, thỉnh thoảng  có một số Y Sĩ Nhảy Dù về thăm các bạn YK Sài Gòn. Ôi nón đỏ, bộ đồ trận rằn ri, trông thật là oai phong lẫm liệt. Tôi thầm hy vọng  là khi chọn nhiệm sở sẽ có 1, 2 chỗ Nhảy Dù. Rồi thời gian thụ huấn quân sự và Hành Chánh Quân Y cũng trôi qua và ngày chọn nhiệm sở cũng đến. Các bạn Dược Sĩ Trưng tập được chọn nhiệm sở trước Y Sĩ trưng tập 2 ngày. Tình cờ tôi gặp Dược Sĩ Sơn cùng khóa 13. Anh cho biết là anh chọn Nha Kỹ Thuật/TTM.

Sơn cho tôi biết là Nha Kỹ Thuật đồn trú ở Phú Thọ Sài Gòn. Khi tôi nói là tôi chỉ thích đi Nhảy Dù thì Sơn nói đây cũng là Nhảy Dù Lôi Hổ, tôi hỏi thêm chi tiết và có ý định chọn NKT.

Đến ngày chọn đơn vị tôi nhìn lên bảng đen thì thấy có một chỗ NKT và một chỗ Sư Đoàn Nhảy Dù và tôi được xếp hạng 16 trong số gần 100 Y Sĩ trưng tập. Tôi không hề để ý đến cácchỗ như Tổng Y viện, Quân Y Viện hay Bệnh Viện Dã Chiến, Bệnh Viện Tiểu Khu mà chỉ cầu mong là đến phiên mình chọn đơn vị sẽ còn có NKT hay Sư Đoàn Nhảy dù.

May thay, các bạn trước tôi chỉ lo chọn QYV, TYV, hay BVTK, đến phiên  tôi vẫn còn chỗ NKT. Tôi vội vã chọn NKT sau khi được Y Sĩ  Đại  Tá  Châu  xác nhận là có nhảy dù ở NKT.  Thế là    tôi đi mua ngay nón đỏ và bộ đồ rằn ri.

NKT/TTM là danh xưng ngụy trang của một đơn vị gọi là Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ, ngang hàng cấp Sư đoàn Tổng Trừ bị với cấp số Thiếu Tướng làm Tư Lệnh. NKT gồm nhiều đơn vị khác nhau nhưng trong phạm vi bài viết này tôi chỉ nêu ra hai đơn vị quan trọng nhất đó là:

1. Sở Liên Lạc (Lôi Hổ):Bộ Chỉ Huy đồn trú tạiSàigòn, gồm 3 Chiến đoàn Xung kích1,2,3.
2. Sở Công Tác (Hắc Long): Bộ Chỉ Huy đồn trú tại Sơn Trà, Đà Nẵng gồm 5 Đoàn Công Tác 11,68,71,72,75. Các Chiến Đoàn Xung Kích và Các Đoàn Công Tác có nhiệm vụ thả Toán thám sát vào  các mật khu Cộng Sản để thâu thập tin  tức tình báo, phá hoại các mục tiêu trọng yếu của địch. Trước năm 1970, nhiều Toán Thảm Sát Đặc Biệt Xâm nhập Bắc Việt bằng không vận hay hải vận để do thám.

Vào thời tôi được tăng phái đến NKT thì các toán chỉ hoạt động ở miền Nam mà thôi. Mỗi Toán có khoảng 6 người được trang bị vũ khí đến tận răng. Các hoạt động của NKT được giữ bí mật cho nên nhiều khi các quân nhân phục vụ trong NKT cũng không biết nhiệm vụ của các đơn vị bạn.

NKT có một Đại đội Quân Y đóng tại Phú Thọ Chợ Lớn, Y Sĩ Thiếu Tá Bửu Trí làm Y Sĩ Trưởng. Ngày tôi về trình diện thì ĐĐQY gồm có Bác Sĩ Trí, BS Ân, BS Nguyễn Văn Hưng và tôi. Ngoài ra còn có 4 Dược Sĩ,   2 Nha Sĩ, và 4 Sĩ Quan Trợ Y. Bác Sĩ Trí gốc Huế, người Hoàng Tộc rất hiền lành dễ thương, luôn bảo vệ và che chở cho đàn em, được sự quý mến và kính nể của thuộc cấp.

Sau khi trình diện đơn vị, tôi đi học nhảy dù ở trung tâm Long Thành, nhảy chuồng cu ở trại Hoàng Hoa Thám SĐND, 3 tuần huấn nhục “thích chạy bộ hơn đi bộ,” tôi được cấp bằng nhảy dù Việt Nam và Mỹ. Tôi rất thích nhảy Chuồng Cu, xin nhảy nhiều lần. Thật ra có một số quân nhân không dám nhảy chuồng cu, huấn luyện viên phải đẩy ra giùm, nếu sau 3 lần mà không dám tự động nhảy thì sẽ bị loại.

Cảm giác nhảy ra khỏi máy bay C130 của không quân Mỹ, rơi tự do khoảng 5 giây, rồi sau đó dù bung ra, một mình bay lơ lửng giữa trời thật là tuyệt diệu. Một mình ta lơ lửng giữa trời mây! Làm việc ở Sài Gòn được vài tháng thì Mùa Hè Đỏ Lửa xảy ra. Chiến trận Bình Long, QuảngTrị ác liệt, máu lửa. Cuối tháng 3, 1972, Y Sĩ Thiếu Tá Bửu Trí cho tôi biết là tình hình chiến sự ở Kontum gia tăng và sẽ tăng phái tôi lên Chiến Đoàn 2 Xung Kích Lôi Hổ ở Kontum. Thế là tôi khăn gói lên đường ngay.


Chiếc máy bay C46 của Air America vừa hạ cánh xuống phi trường Kon Tum thì bị pháo kích lập tức. Có một số thương vong nhưng tôi may mắn OK. Trung úy Niệm, Sĩ Quan Trợ Y chở tôi về doanh trại CD2XK ở B12 phía Nam của Kontum. Vừa đến Bệnh Xá thì thấy các cố vấn Hoa Kỳ đang thu dọn để lên đường ra khỏi Kontum vì tình hình rất nguy hiểm. Họ để lại cho tôi toàn bộ thuốc men và thực phẩm. Mấy ngày đầu tôi lo tổ chức bệnh xá để tiếp nhận thương bệnh binh. Lúc rảnh rỗi thì lái xe đi thăm Kontum. Thành phố nầy lúc đó còn tương đối yên tĩnh, cát trắng, có sông Dak bla nước rất trong nhưng chảy ngược? Xung quanh là núi non, thành phố nằm ngay ở lòng chảo, rất dễ bị pháo kích, trông giống như Điện Biên Phủ ngày xưa.

Thành phố nói chung rất đẹp. Kontum chỉ cómột con đường độc nhất đi Pleiku về phía Nam, Quốc lộ 14, nhưng phải qua đèo Chu Pao thường hay bị Cộng Sản phục kích và đóng chốt nên chỉ có thể đi thoát bằng máy bay mà thôi.

Hàng ngày tôi khám bệnh cho quân nhân và gia đình, cấp thuộc hành quân, huấn luyện cấp cứu cho Y Tá , dân sự vụ khám bệnh cho người thiểu số ở buôn Thượng. Người dân ở đây rất đỗi hiền lành. Họ mời tôi uống rượu cần, nhưng tôi không thích uống rượu, chỉ nhấm nháp lấy lệ mà thôi. Tất cả chúng tôi đều phải học cách xử dụng và thực tập bắn súng chống xe tăng M72.

Tôi quen thân với nhiều sĩ quan Không Quân, họ cho tôi làm Co-pilot đi rước toán khi công tác về. Mỗi lần rước có 2 trực thăng UH1B và 2 gunship. Bay vòng vòng một lúc thì thấy panel của toán ở dưới bìa rừng. Thế là chiếc UH1B vội vàng nhào xuống để rước toán, trong khi gunships chúc lên chúc xuống sẵn sàng bắn che cho toán. Viên sĩ quan ban 3 khuyên tôi đừng có chơi dại như vậy, vì lỡ người pilot chính bị thương hay chết thì làm sao tôi lái máy bay một mình được, tính mạng tôi sẽ coi như hui nhị tì.

Pháo kích của Cộng Quân xảy ra thường xuyên, cứ 2, 3 đêm một lần. Bị thương nhẹ thì tụi tôi săn sóc tại chỗ, nặng thì gửi đi Bệnh Viện Tiểu Khu hay Quân Y Viện. Chuyện cười ra nước mắt là một đêm kia, khoảng 10 giờ tối, tôi nghe một tiếng nổ lớn rồi sau đó có tiếng lính gọi: Bác sĩ ơi, có một con bò đạp mìn ở hàng rào phòng thủ, đùi của nó bị bay vào ngay trại, chúng ta sẽ có thịt bò ăn rồi, nhưng sau đó xem lại té ra là thịt người, có lẽ của trinh sát hay đặc công Cộng sản! Có khi buổi tối tôi phải đi đỡ đẻ. Có lúc có người tự tử... Công việc tương đối nhàn.

Lực lượng phòng thủ Kontum chỉ có sư đoàn 22BB, gồm 2 trung  đoàn  và Bộ Tham mưu Sư Đoàn được dời lên Tân Cảnh để giao chiến với sư đoàn 320 và sư đoàn 2 của CS Bắc Việt. Quân Đoàn II được tăng cường thêm Biệt Động Quân  để  củng cố vững chắc đồn  Ben  Het,  cửa  ngõ đi vào lãnh thổ QĐ II, Quân Khu II.

Đại Tá Lê Đức Đạt Tư Lệnh SD 22  làm Tư Lệnh Mặt trận Tân Cảnh  được một tuần lễ thì địch bắt đầu tấn công lẻ  tẻ. Đại Tướng Cao Văn Viên liền tăng phái cho Đại Tá Đạt một Lữ  Đoàn Dù.

Ngày 04/14/1972 CS tấn công vào căn cứ Charlie. Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 11 Nhảy Dù bị một hỏa tiễn 122 trúng vào hầm chỉ huy làm ông tử trận. (Bài hát Người ở lại Charlie của TrầnThiện Thanh) và quân ta phải rút ra khỏi Charlie.

Ngày 04/20/1972 Đại Tướng Viên rút Lữ Đoàn Dù tại Kontum để tăng cường cho mặt trận Quảng Trị nên tình hình tại Tân Cảnh bắt đầu đen tối thêm. Tôi nhìn Lữ Đoàn Dù rút đi mà cảm thấy tê tái vì Kontum không còn lực lượng Tổng Trừ Bị nào nữa, chỉ còn sư đoàn 22 mà thôi. Tất cả Sư đoàn Nhảy Dù và TQLC đều dành riêng cho Quảng Trị và Bình Long. Kontum chỉ vào hàng thứ yếu, không quan trọng bằng hai mặt trận kia?

Ngày 04/23/72 mất  Dakto rồi Ben Het. Ngày 04/24/1972 mất Tân Cảnh,  Đại Tá  Đạt mất  tích hay tự sát?

Trong bài viết về Mặt Trận Tân Cảnh, Kontum1972, Đại Tá Trịnh Tiếu cho biết Tư Lệnh Quân Đoàn II, Trung Tướng Ngô Dzu và cố vấn Hoa Kỳ John Paul Vann có kế hoạch dụ sư đoàn 320 CS Bắc Việt vào vùng Tân Cảnh, Dakto để tiêu diệt bằng B52. Rất tiếc là vì có bất đồng ý kiến giữa Tướng Ngô Dzu và John Paul Vann về việc bổ nhiệm tân Tư Lệnh sư đoàn 22 (cho Đại Tá  Lê  Đức Đạt thay  vì Đại Tá  Lê  Minh Đảo) nên trong những ngày 04/21, 04/22 và 04/23/1972, lúc Cộng quân tấn công ào ạt với chiến xa vào Tân Cảnh, JP Vann đã từ chối xử dụng B52, và Tân Cảnh thất thủ.

Sau khi mất Tân Cảnh, bệnh tim của Tướng Ngô Dzu trở nặng, ông  yêu  cầu TT Thiệu cử người thay  thế,  TT Thiệu  chỉ định Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn làm Tư Lệnh QD II, Quân Khu II và Tướng Toàn đồng ý tử thủ Kontum.

Mỗi ngày tôi đều đi họp tham mưu với Trung Tá Tiên CHT. Tình hình Kontum càng ngày càng tồi tệ hơn. Lần lượt các căn cứ bảo vệ như Võ Định, Dakto, Tân Cảnh, Charlie, Delta đều bị mất vào tay địch. Sau khi Tân Cảnh mất, Sư đoàn 22 BB gần như tan rã. Kontum trở thành tiền đồn. Dân chúng nhốn nháo chuẩn bị tản cư, mà chạy đi đâu bây giờ? Tôi có ghé thăm Bệnh Viên Tiểu Khu (BV Dã Chiến?) Kon Tum thì thấy BV bỏ trống không còn gặp ai, có lẽ đã di tản rồi.

Trước tình thế nguy ngập, Tư Lệnh Quân Đoàn II điều động Sư Đoàn 23 BB từ Ban Mê Thuột lên cố thủ Kontum. Trong dịp nầy tình cờ tôi gặp lại BS Nguyễn Khanh YKH4, là Y Sĩ của Sư Đoàn 23 BB di chuyển trên QL 14 ngang qua doanh trại của tôi để tăng viện cho Kontum. Sau đó vài ngày đèo Chu Pao bị Cộng quân chiếm, đóng chốt nên Kontum đã bị bao vây.

Ngày 05/13/1972, Trung Tá Tiên  cho biết là đêm nay quân Bắc Việt sẽ tấn công dứt điểm Kontum. Ông ta nói là ông đã làm chúc thư cho gia đình rồi, có nghĩa là tính mạng của chúng tôi có thể chấm dứt đêm nay. Lúc đó tôi cũng lo sợ không biết là đêm nầy mình sẽ bị thương, hoặc chết hoặc sẽ bị  bắt  là  tù  binh? Tôi dặn dò anh em Quân Y chuẩn bị thuốc men, hầm trú ẩn và phân công việc tản thương.

Suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Vào khoảng 5 giờ sáng 05/14/102 thình lình tôi nghe từng loạt  tiếng nổ  kinh  thiên  động  địa, đồ đạc trong bệnh xá đổ nhào. Tiếng nổ liên tục làm ù tai và hất văng tôi xuống đất.

Sau này tôi mới biết là 25 phi vụ B52 được thả xuống 3000 quả bom đủ loại vào các vị   trí của quân Bắc Việt gây thiệt hại nặng nề. Ngày 05/14/1972 trận chiến vẫn còn  tiếp  diễn ở phía Bắc thị xã Kontum. Đủ loại phi cơ Hoa Kỳ và Việt Nam, đặc biệt là Phantom F4 liên tục thả bom bắn phá quân CS chỉ cách chúng tôi khoảng 500m. Một chiếc Sky- raider của Không Quân Việt Nam bị bắn rớt  và phi công đã hy sinh. Một chiếc Skyraider khác cũng bị bắn rớt, nhưng phi công nhảy dù an toàn và  được  lính Lôi Hổ cứu thoát.

Sau đó mặt trận Kontum coi như được giải tỏa. Xin cám ơn B52. Một phái đoàn Nha Kỹ Thuật gồm cả Bác Sĩ Bửu Trí, Y Sĩ Trưởng NKT và SQTYTrung úy Ngọc định đến thăm viếng và ủy lạo chúng tôi nhưng rủi thay máy bay bị bắn rớt, không một ai sống sót. Tôi vừa mừng vì thoát chết nhưng rất buồn khi được tin BS Trí, người đàn anh đáng kính, và Trung úy Ngọc đã ra đi.

Khi bước vào tuổi già con người ta hay hoài niệm chuyện cũ, thường tự hỏi tại sao mình có thể có những quyết định đầy nhiệt huyết, bất cần, thời trai trẻ. Nhưng những cái “ngông”  đó lại là những kỷ niệm sâu đậm đáng nhớ nhất của một kiếp người, nhất là  kiếp  trai  thời loạn. Để thỉnh thoảng vẫn làm tôi bâng khuâng nhớ lại, nhất là những lúc tháng Tư về.


9/2017 (updated)
Y Sĩ Trung Úy Bùi Cao Đệ YKH-4

Thursday, June 20, 2024

Về người bạn thân Lý Lạc Long Tiên

From:219kingbee@gmail.com
To:pd219
Thu, Jun 20 at 10:22 AM

Mấy lâu nay vì lu bu chạy đua với thời gian lo chăm sóc lại vườn tược(thời gian mùa hè ở vùng Đông Băc qua mau!), tôi không theo dõi email của group nên không hay biết gì về tình hình của anh em trong phi đoàn. Hôm qua nhờ Lực, Thiệu, Long gọi qua messenger báo cho tôi biết LLL Tiên người bạn thân nhất của tôi trong phi đoàn đang lâm trọng bịnh. Tôi đã liên lạc với anh Như để cùng mọi người chung tay đóng góp chút "tình chiến hữu" đến với Tiên và gia đình. "Tôi nhớ năm xưa vì tình bạn quá thân thiết nên Tiên rất thích bay chung phi hành đoàn với tôi. Mỗi lần Thiếu Tá Phố cắt phi lệnh hành quân nào nếu có Tiên tham dự thì Tiên thường xin Thiếu Tá Phố cắt anh bay chung với tôi. Vì thương mến thuộc cấp nên Thiếu Tá Phố cũng không khắc khe lắm trong việc cắt cử này. Tôi cũng nhớ một lần vào năm 1972 Tiên bay với tôi trong cuộc đổ quân Sư Đoàn 2 BB từ quận lỵ Tuần Dưỡng vào sào huyệt của việt cộng ở vùng rừng núi phía tây Quảng Ngãi. Sau 2 chuyến đổ quân xong chung với các phi đoàn 213 và 233, trên đường trở ra tàu tôi bị trúng "ground fire" của việt cộng và hư hại nặng. Đèn báo hiệu của chip detectors bật sáng trên dashboard, đáng lẽ tôi phải đáp khẩn cấp nhưng đang bay trên vùng địch rất nguy hiểm nên phải ráng bay về. Kết quả sau này mới thấy, ngoài nhưng vết đạn AK xuyên thủng đủ chỗ trên tàu, bình dầu máy bị lủng mấy lổ chảy gần hết nên tàu bốc khói mù mịt ở phía sau, dây cable cánh quạt đuôi bị đứt tưa ra chỉ còn 1 sợi nhỏ mong manh, một viên đạn xuyên thủng ghế anh xạ thủ(quên tên) chỉ cách cái "phao câu" của anh ta chừng một đốt ngón tay. Khi tàu tôi lết về tới được đồn Tuần Dưỡng, vừa qua khỏi hàng rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc chung quanh đồn để chuẩn bị đáp, khi vừa cách hàng rào chừng chục thước thì máy tắt luôn, sau đuôi khói vẫn còn bốc lên lảng đảng...Hú hồn, hôm đó không ai trong phi hành đoàn bị gì cả'.
  Nói về chuyện email của group, sau khi liên lạc với anh Như xong tôi cố gắng mở hoài mà không thấy gì hết? Trái lại tôi gửi email đi thì group lại nhận dược. Tôi cũng liên lạc qua Quỳnh để hỏi xem lý do sao tôi không mở email của group được. Quỳnh giúp tôi check lại và nói cũng không thấy gì bất thường cả mà. Vì không có kiến thức về computer nên cả ngày hôm qua rồi suốt đêm đến sáng hôm nay tôi cố gắng mò mẫm theo "kinh nghiệm thô thiển" của mình thôi để tìm ra nguyên nhân bị trục
trặc và cuối cùng tôi đã thành công...everything is good now,  tôi mừng quá! Cho đến bây giờ tuy đã nhận được emails của group rồi nhưng tôi vẫn không hiểu hết lý do bị trục trặc nữa? Tôi chỉ đoán đại khái chắc là do vì emails của group quá nhiều mà tôi không delete bớt nên account của tôi bị nghẽn không tiếp tục nhận thêm được nữa vậy thôi. 

Cảm ơn anh Như và các bạn hiền Quỳnh, Lực, Thiệu và Long. 

Thân mến.
 KingBee T. Ngọc

Wednesday, June 19, 2024

Cha Tôi - Khôi Nguyên Thảo -

 

Nhà tôi nằm trên một ngã ba sông. Bạn có thể thấy thật lạ khi nhà bỗng như mọc lên giữa sông, nhưng đó là câu chuyện của 20 năm về trước. Thực chất đây chỉ là nhánh sông cụt sâu chưa tới 2 thước...

Ngày ba đi hỏi cưới mẹ, ông ngoại chỉ tay ra ngã ba sông, thách thức: “Mày dựng được căn nhà hỏi vợ ngay ngã ba sông này, tao gả liền”. Ông ngoại tôi, hay bất kỳ một ông cụ nào khác trong làng này, dĩ nhiên không hề muốn gả con gái cho ba tôi, một tay khét tiếng cờ bạc đã ăn trong máu, nhà cửa chẳng có. Lời thách ấy, thực chất là lời từ chối của ngoại.

Lời thách không tưởng ấy ai dè là động lực cho ba. Ông chọn ngay thời điểm mùa sông cạn nước nhất để đóng cọc, đổ đất, đắp đập, be bờ. Hàng chục thanh niên trai tráng trong làng, nhiều người không thân quen, nhưng khi biết chuyện vẫn nhiệt tình đánh trần giúp ba đắp đất xây nhà. Ba tôi cưới được vợ, người con gái có tiếng đảm đang, ngoan ngoãn. Cũng vì thế, ngày con gái đi lấy chồng, mặt ông ngoại tôi buồn thiu. Dù là nông dân cả đời lam lũ, nhưng ông vẫn luôn nói: “Quân tử nhất ngôn thì nông dân cũng nhất ngôn”. Ông chỉ yên tâm hơn một tẹo khi ba tôi lầm rầm khấn trước bàn thờ tổ tiên lời thề chẳng giống ai: “Con xin thề sẽ bỏ cờ bạc, chí thú làm ăn để lo cho gia đình”.

Trong suy nghĩ của mấy anh em chúng tôi, ba là người quyết đoán. Quyết đoán đến mức nhiều khi tưởng như khắc nghiệt. Đó là lý do anh em tôi ra trường, lập nghiệp ở Sài Gòn, ba ở Bình Dương, chỉ cách chưa tới 20km, nhưng chỉ những ngày lễ, tết mới về nhà. Có lần, trước giao thừa vài tiếng, mấy anh bạn công nhân quanh nhà rủ đánh bài thử vận đỏ đen. Tôi gặp vận đỏ, thắng hơn 5 triệu đồng. Về đến nhà, nhìn vẻ mặt tươi rói của tôi, ông già rót nước trà gọi lại uống và nói chuyện:

- Con vừa đi đâu về vậy Linh?

- Con đi chơi.

- Chơi đâu?

Tôi lúng túng thực sự. Kể từ khi lấy vợ, ba tôi đã thề đoạn tuyệt và chưa bao giờ ủng hộ trò đỏ đen. Nhưng với tôi, đó chỉ là trò chơi may rủi. Ở khu trọ toàn công nhân nhập cư này, mỗi mùa lễ tết phải có tới 3/4 thanh niên trai tráng trong số đó ở lại “vui vầy” trên chiếu bạc.

Ba ngay lập tức nắm bắt được suy nghĩ của tôi. Ông nhìn với ánh mắt dò xét:

- Con thắng hay thua?

- Dĩ nhiên con thắng. Nhiều lắm ba, hơn 5 triệu bạc.

Bất ngờ, ông vung cánh tay săn chắc, đen bóng, bổ mạnh xuống mặt bàn:

- Đặt lên đây!

Tôi lúi húi đặt lên.

- Mày nghĩ sao vậy con? Hầu hết những thằng ngồi chung chiếu bạc với mày hôm nay, chúng nó là công nhân tỉnh lẻ, không có tiền, có được ít tiền công tiền thưởng chỉ đủ gửi về cho mẹ cho vợ, cạn kiệt không còn cả tiền tàu xe để về. Chúng nó muốn bỏ con tép bắt con tôm, có thêm chút đỉnh để có mấy ngày tết xôm tụ hơn một chút. Thế mà mày ăn hết tiền của tụi nó với vẻ mặt hớn hở thế kia? Khốn nạn!

Tôi nóng mặt khi nghe ông dằn hai từ chửi nặng nề ấy. Lần đầu tiên tôi thấy các cơ trên khuôn mặt ông rần rật rung lên, xô lại vì giận dữ.

- Bây giờ ba muốn sao?

- Đồ ngu. Ra quán trả ngay tiền cho tụi nó.

- Mọi người về hết rồi.

- Vậy mày gõ cửa từng nhà trọ mà trả.

Giao thừa năm ấy, tôi như một thằng ngu (cũng có thể có người coi là đạo đức, nhưng tôi vẫn nghĩ người ta nhìn mình giống thằng ngu hơn) khi đi khắp khu trọ, gõ cửa những người thua bạc để trả tiền cho họ. Trong lòng tôi lúc ấy tràn ngập sự cay cú với ba. Tôi chấp nhận đi không phải vì phục lời ba mà vì ánh mắt má tôi lúc đó như van nài, như cầu xin.

Cũng từ đó, chẳng thề nguyền với ai, nhưng tôi không bao giờ ngồi lại chiếu bạc. Tôi nhớ như in đêm 30 thắng đậm ở quê và mất sạch hứng thú đỏ đen.

Mùa hè năm ấy, ba tôi trở bệnh. Căn bệnh ung thư phổi khiến ông xuống sức nhanh chóng. Những năm cuối cùng, ông trồng quanh vườn nhà từng gốc măng cụt, sầu riêng, trước nhà là một dãy dài xoài, bưởi. Hàng xóm thắc mắc, ông cười rất hiền: “Tui trồng cho tụi cháu tui ăn, lũ trẻ trong xóm ăn”. “Cháu ông đâu?”.“Thằng Linh sắp ra trường rồi, lại cả mấy thằng em nó nữa. Mai mốt thể nào chả con đàn cháu đống. Chưa chắc tui gặp hết cháu chắt tui, nhưng chắc chắn tụi nó sẽ được ăn những trái cây tui trồng”.

Ngày ba vào bệnh viện, nằm chung phòng cấp cứu với ba có khá nhiều cụ ông, cụ bà sàn sàn cùng tuổi. Trong khi nhiều ông bà hay dành một thời gian đáng kể trong ngày ra để ngồi thở dài, ngẫm nghĩ về cái chết thì ba vẫn thường lạc quan tếu: “Cái chết có gì đâu, lúc nào tới số, trên gọi thì mình đi thôi”. Được vài hôm, lần đầu ông tỏ ra ưu tư khiến chúng tôi nhầm tưởng ông bắt đầu giống các cụ kia, sợ cái chết đang gần kề…

Ba gọi tôi ra góc sân bệnh viện. Bàn tay gầy guộc, đen sạm của ông nắm tay tôi:

- Linh, con thấy cụ già cuối phòng cấp cứu không?

- Dạ có.

- Ông cụ ấy, là một nghệ nhân mộc. Ba tôi chầm chậm kể. Nhà cụ cũng có 3 đứa con trai như ba. Nhưng khác với ba, lũ con ấy, mỗi đứa một phương, coi ba mẹ như người thừa trong xã hội. Hoặc có khi, chúng coi ba mẹ không còn có mặt trên đời từ lâu rồi. Cụ nằm bênh viện gần 2 tháng, nhưng chưa bao giờ thấy một đứa con nào vác mặt thăm nom. Sáng nay, bác sĩ nói nếu không có giác mạc hay cái gì mạc ấy, sẽ không thể cứu được đôi mắt ông cụ ấy nữa. Mà nghề mộc của ông cụ, mai mốt ra viện nếu không có đôi mắt thì chắc chẳng làm được gì.

Ba tôi lặng đi một lúc.

- Linh, ba tính thế này được không? Mày lên gặp giám đốc bệnh viện, hỏi xin cho ba tờ đơn xin hiến giác mạc hay cái mạc mạc gì đó, để cứu được đôi mắt ông cụ. Mai mốt tao chết cũng chẳng cần đôi mắt mang theo làm gì.

Ba tôi rành rẽ, dù ông nói “ba tính” như dò ý tôi, nhưng kỳ thực, giọng ông vang vang nói như ra lệnh. Tôi muốn nói với ba rằng, ba ơi, chi mà cực vậy, ruột gan phèo phổi ba đã không lành rồi, còn đôi mắt lành, chân tay lành...chí ít có được hình hài lành lặn cũng cần giữ lấy để còn đi gặp ông bà chứ. Nhưng họng tôi nghẹn đắng, không cất tiếng nổi.

Mà cần gì tôi nói, mắt ba tôi long lanh nhìn trực diện như thấu tim gan tôi. Ông lắc lắc cánh tay tôi: “Nha con, giúp ba, nếu không có khi không kịp”. Như có linh tính, ngay sau khi tôi vừa hoàn tất thủ tục theo ý nguyện cuối cùng của ba thì bệnh viện trả ba về cho gia đình. Trước khi rời bệnh viện, ba tôi vẫn nhìn về phía những người bạn già với một ánh mắt nhẹ nhõm niềm vui.

Ngày chúng tôi đưa ba về lại căn nhà cũ, mảnh vườn cũ mà ba đã vắng bóng gần nửa năm nay, lứa ổi đầu tiên vừa chín tới. Ba khẽ à lên một tiếng, nói với tôi: “Con nhớ hái ổi cho lũ trẻ trong xóm, để rụng phí quá”. Vài ngày sau ba ra đi rất đỗi nhẹ nhàng.

Thú thực, trước khi ba mất, tôi chưa từng nghĩ tới chuyện có thế giới bên kia hay không. Nhưng sau đó, mỗi khi thắp nhang lên bàn thờ, tôi vẫn dọn hai đĩa trái cây, một đĩa nhỏ cúng ba, một đĩa lớn hơn để ông mời những người khác, nhất là những đứa nhỏ xung quanh. Bởi tôi biết, ông chưa bao giờ ăn miếng ngon một mình.

Và ngoài khu vườn ba tôi nâng niu từng mầm cây mà ông không đợi ngày ăn trái, tôi luôn thấy bóng ông đi về trong tiếng chim hót, lá reo.....

 Khôi Nguyên Thảo

Tuesday, June 18, 2024

Hội Đồng Thành Phố Vinh Danh QLVNCH nhân ngày Quân Lực 19.6

Hôm qua 6/12/2024 Thành Phố Westminster có Chương Trình Vinh Danh các CQN/QLVNCH trong phiên họp hàng tháng của Hội Đồng Thành Phố, các em hậu duệ QLVNCH đã ghi danh tôi vào danh sách. Tôi rất ngạc nhiên khi nhận những bằng vinh danh, hiện nay thế hệ nối tiếp đã tổ chức Vinh Danh cho các CQN/QLVNCH khắp nơi trên Hoa Kỳ nhân ngày Father Day và ngày Lễ Quân Lực 19.6 gần kề nhau, đây là dịp các em muốn gửi lời cám ơn đến những bậc sinh thành, những thế hệ đi trước lót đường cho các em có được ngày hôm nay, trong tâm tư này nên tôi cố gắng tham dự để ủng hộ tinh thần cho các em Hậu Duệ VNCH tạo truyền thống tiếp nối gìn giữ ngọn cờ vàng và ngọn lửa Nhân Bản của Việt Nam Cộng Hòa. Cám ơn cả nhà đã chúc mừng và cũng tất cả cùng hãnh diện cùng các Hậu Duệ đã cố gắng hết sức mình cho Chính Nghĩa Tự Do và Vẻ Vang Dân Việt. Cám ơn Senator Janet Nguyen, Dân Biểu Trí Tạ, Thị Trưởng Nguyễn Mạnh Chí và Hội đồng thành phố Westminster và Hậu Duệ Công Phạm.

 

























Wednesday, June 12, 2024

Bắn Chậm Thì Chết - Phần 1 - Trường Sơn Lê Xuân Nhị

 

Mùa Xuân mùa Tết là mùa ăn nhậu, vậy mà mấy hôm nay trời Cali mưa buồn quá, ở nhà không biết làm gì, rượu thì đầy nhà nhưng không có bạn nhậu, đành viết một truyện ngắn Cao Bồi cho anh chị em đọc chơi cho vui...  ha ha ha...

 Trường Sơn Lê Xuân Nhị

 John Wells ngồi sau bàn giấy, hai chân gác lỏng lẻo trên mặt bàn, mười ngón tay xoay chuyển thật điêu luyện để vấn một điếu thuốc mới.  Cảm thấy vừa ý, nó đưa lên môi, liếm một cái rồi dán mảnh giấy lại, đưa ra nhìn vào tác phẩm của mình.  Mẹ, điếu thuốc coi tròn trịa và dễ thương ra phết, cuốn như thế mới gọi là cuốn.  Tất cả những gì John làm đều phải đẹp, từ bắn súng cho tới làm tình, cho tới chuyện vấn điếu thuốc lá.  Nó đưa điếu thuốc lên miệng, dùng cặp môi và lưỡi xoay tròn nó một vòng rồi thò tay quẹt một cây diêm vào cái bàn giấy nghe đến xoẹt một phát… Ngọn lửa cây diêm lóe lên, ánh sáng vàng nhẹ, lửa cháy xèo xèo nghe ấm cúng, nhẹ nhàng…  Nhưng John chưa kịp mồi điếu thuốc thì có tiếng gõ cửa của văn phòng nó…

Thằng cao bồi nhăn mặt lại, lắc đầu, có vẻ bực mình lắm.  Mẹ kiếp, thế là chắc phải phí mất đi một cây diêm…

Thực ra thì chẳng ai cấm nó tiếp tục mồi lửa điếu thuốc vừa mới cuốn rất công phu, rất vừa ý.  Lý do là, nó không muốn mình vừa châm lửa điếu thuốc thì bỗng nhìn thấy một thằng cao bồi xuất hiện nơi cửa văn phòng mình với một họng súng đen thùi lùi trong tay.  Đang mồi thuốc, làm sao trở tay cho kịp?  Chết là cái chắc.  Hoặc giả, nếu không chết thì cũng trầy vi tróc vẩy, tùy theo cái phản ứng của mình, tùy theo tài nghệ của thằng khốn, và cũng tùy thuộc vào … Thiên Chúa nữa chứ.  Nếu Chúa muốn mình chết, mình đành phải chết mà thôi.

Nhưng một tay súng giang hồ khét tiếng như John Wells không phải là hạng người có thể để cho ai ép nó vào cái thế bị bất ngờ, bị rút súng chậm.  Bắn chậm thì phải chết thôi, cái luật giang hồ này ở tiểu bang California trong cái thời kỳ mà thiên hạ từ khắp nước Mỹ đang đổ xô về San Francisco này để đi tìm vàng, ai mà chẳng biết…

Và cũng bởi cái luật bắn chậm thì chết này, nó đã tiễn đưa không biết bao nhiêu thằng bắn chậm hơn nó qua bên kia thế giới.  Không, nói thế cũng chưa đúng hoàn toàn.  Bởi vì cũng có một vài thằng bắn nhanh hơn nó đấy chứ, nhưng bắn nhanh mà bắn … trật thì chẳng thà đừng bắn.  Chỉ khổ tốn đạn, mất thì giờ vô ích.  John chỉ cần một phát.  Bàn tay của nó khi đã rút súng ra thì chỉ cần một phát mà thôi.  Một phát chính xác ngay giữa sống mũi, dưới hai cặp mắt một chút xíu.  Trăm lần như một, không trật quả nào…

Cái thích thú của John là sau khi để một phát vào giữa mũi con người ta, cái thằng bị bắn hồn lìa khỏi xác mà vẫn chưa biết mình chết.  Cặp mắt vẫn mở trợn trừng nhìn người bắn mình, ngơ ngơ ngáo ngáo, thân hình vẫn chưa chịu đổ xuống cho rồi.  Phải mất cỡ vài giây đồng hồ sau, cái bị thịt mới lắc nhẹ một cái rồi từ từ đổ xuống.  Đến lúc đó thì John đã đút súng vào bao trở lại rồi.  Và trăm lần như một, John luôn luôn thò tay móc cái túi đựng thuốc lá từ túi áo trên ra, chuẩn bị gói một điếu thuốc lá mới, khuôn mặt lạnh lùng không hề có chút cảm xúc.  Không vui mà cũng chẳng buồn.  Giữa hai đứa, phải có một thằng chết.  Chúa gọi ai, người nấy dạ.  Mừng là Chúa chưa thèm gọi tao…

Một điếu thuốc sau khi nổ chết một mạng người luôn luôn là một điếu thuốc vấn khoái khẩu nhất của John…

Bàn tay cẩm que diêm của John liền ngưng lại, dĩ nhiên, sẵn sàng để rút súng nhưng chưa sẵn sàng để bỏ rớt que diêm.  Nó quay đầu, đưa mắt liếc nhìn thằng đệ tử ruột đang ngồi xéo xéo cách bàn giấy của nó chừng vài mét…

Thằng đệ tử ruột của John Wells, tên Fang, người Tàu, là một chuyện lý thú khác…

Cách đây nhiều năm, bọn Tàu được tuyển qua đây hàng chục ngàn người để làm đường sắt xe lửa xuyên lục địa Hoa Kỳ, một công việc cực nhọc mà bọn Mỹ địa phương chẳng ai muốn làm.  Chục năm sau, khi con đường sắt hoàn thành năm 1869, thì bọn lao công da vàng này trở nên thất nghiệp, đi lang thang khắp mọi nơi ở California cầu thực, làm đủ thứ việc, và từ từ trở thành những cái gai trong con mắt bọn da trắng địa phương.  Thế là có chuyện…

Năm 1871, một cuộc khủng bố chống người Tàu của bọn da trắng ở San Francisco trắng trợn nổi lên.  Chúng nó họp thành nhiều nhóm, làm đủ trò man rợ, từ giết chóc cho đến đốt nhà, hãm hiếp đàn bà con gái vân vân.  Chúng nó chủ trương giết cho hết bọn da vàng này, hoặc nếu giết không hết được thì đốt hết nhà cửa, tống cổ chúng nó về Tàu trở lại. 

Cuộc đời nó khốn nạn như vậy đó.  Khi người ta cần lao động rẻ tiền thì người từ tuốt bên Tàu, bên Châu Phi cũng chở qua được.  Nhưng khi hết cần, thì người ta tìm cách tống khứ bọn này đi.  Tống một cách hợp pháp không được thì dùng những thủ đoạn dơ bẩn khác…

John Wells lúc ấy đang làm chủ một tiệm mua vàng nhỏ ở San Francisco, và một buổi chiều, đi ngang Chinatown, vô tình nhìn thấy 3 thằng thổ phỉ da trắng vừa đốt một tiệm chạp-phô của một người Tàu.  Đốt nhà xong, chúng nó quây quần trước tiệm để ăn nhậu.

Lửa từ phía sau đã bắt đầu nổi lên, nhưng chưa lớn lắm.  Hình như bị thiếu không khí…

Đối với John, chúng mày muốn làm gì thì làm, muốn đốt nhà ai thì đốt, miễn là đừng … đốt nhà tao, tao chẳng có gì phải lo lắng.  John cưỡi ngựa đi ngang qua, tính đi luôn nhưng nó chợt để ý đến một chuyện.  Bọn khốn, chẳng những đốt nhà, chúng nó còn ràng một đường dây xích trước nhà để khóa cửa ra với một mục đích rõ ràng, cho chúng mày chết cháy trong nhà. 

John không bất bình vì chuyện đốt nhà, nhưng đốt mà lại còn khóa xích ở bên ngoài cho người bên trong chết hết thì thật là dã man quá.  Nó càng thấy động lòng hơn nữa khi bắt đầu nghe được tiếng la hét cầu cứu ở bên trong.

Không hiểu tại sao, có thể vì còn chút máu nhân đạo trong người, John cảm thấy như thế này là không được rồi.  Thằng John, một khi nó đã cảm thấy như thế này không được thì thế nào cũng có chuyện.  Nó lắc đầu, kéo cương ngựa dừng lại trước tiệm.

Ba thằng thổ phỉ da trắng, một thằng thủ một cây shotgun, hai thằng kia đeo súng ngắn, đang đứng nói chuyện với nhau và chuyền tay nhau một chai rượu.  Bọn khốn nạn hình như rất lấy làm thích thú với cái trò chơi đốt nhà và giết người này.

Khi con ngựa của John dừng bước, chúng nó đồng quay sang nhìn John, ý muốn hỏi chú mày muốn gì, hoặc có muốn tham gia không?

Nhưng John đã nói như quát:

-Chúng mày đã đốt nhà người ta, sao lại còn khóa cửa?  Muốn giết họ chăng?

Thằng cầm cây shotgun quay lại chỉa họng súng hướng về người John:

-Không phải chuyện của mày, cút đi.  Tao đếm tới ba…

Như thế này lại càng không được nữa rồi.  John cười nhẹ, lắc đầu:

-Chuyện đâu còn đó, đâu cần phải hồ đồ như vậy…

-Một …

John lại lắc đầu, lại cười nhẹ:

-Coi, bộ không nói chuyện được với nhau sao mà phải ép nhau giữ vậy?

-Hai…

Tiếng “hai” vừa bung ra thì bàn tay John đã nhanh như chớp, móc con chó lửa trong bao ra và nổ liền một phát vào ngay giữa mặt thằng cầm súng.  Cái miệng nó chưa kịp sủa tiếng “ba” thì đã bị phát đạn bay vào giữa sống mũi, lóm vào một lỗ lớn hơn… cái mũi của nó.  Thằng khốn bung người lên, quằng cây shotgun xuống đất rồi gục xuống theo…

John bắn nhanh đến độ thằng kia gục xuống đất rồi mà hai thằng bạn đứng bên cánh còn chưa biết chuyện gì xảy ra.  Phải một giây đồng hồ sau, hai thằng thổ phỉ mới tá hỏa tam tinh, biết bạn mình vừa bị bắn chết tươi.

Theo phản ứng tự nhiên, chúng nó thò tay toan rút súng.  Nhưng John đã có sẵn súng trong rồi.  Nó quát lên như sấm:

-Muốn chết như thằng khốn nạn kia hay sao bọn thổ phỉ khốn nạn này?

Hai thằng nghe tiếng quát thì mới nhận ra là bọn mình đã hết có cơ hội rồi, liền giơ tay lên.  John nói chậm rãi, từng tiếng một:

-Tao muốn tụi mày mở sợi xích ra và mở cửa, cho hết mọi người trong nhà ra.  Mau đi, không thì tao cho ăn mỗi đứa một phát vào mũi…

Hai thằng ríu ríu vâng lời, quay lui để mở sợi dây xích, nhưng tay chúng nó run quá không mở được.  Ở trong nhà tiếng đập cửa thình thình, tiếng gào thét và tiếng khóc than bây giờ nghe rất rõ ràng.  Ít nhất của hai hoặc ba người đàn ông và một đàn bà.  Khói bắt đầu phun ra từ những khe cửa dù chưa thấy lửa.

Chờ cho hai thằng khốn này tháo được sợi xích ra thì ắt cả nhà bên trong sẽ chết hết.  John tính toán thật mau.  Nó nhìn kỹ và ước lượng được sợ xích không to lắm, có thể cắt bằng đạn được nếu nó bắn thật chính xác.

John bỗng hét lên:

-Tụi bay lui ra…

Hai thằng không biết gì, liền nhích ra sau.  John bóp cò 2 phát, bắn bể tung một mắc xích.  Mảnh sắt, mảnh gỗ văng tùm lum, văng cả vào người hai thằng khốn.  Nó lại hét:

-Kéo sợi xích ra…

Bây giờ thì hai thằng thổ phỉ dựt sợi dây xích ra được và mở cửa...

Cánh cửa mở tung, người phóng ra đầu tiên là một thằng bé người Tàu.  Không biết có phải nó là thằng bé hay không vì người Tàu vốn nhỏ con, nhưng cái đuôi tóc của nó đã bị bén lửa.  Tất cả người đàn ông Tàu thời đó đều để tóc có đuôi rất dài, nhiều khi gần chạm đất.  John lại hét với thằng Tàu:

-Cái đuôi tóc của mày bị cháy, mau tới nhúng đầu mày vô thùng nước cho ngựa...

Nhưng thằng bé Tàu làm như hoặc không hiểu tiếng Mỹ, hoặc không nghe lời John.  Vừa chạy ra, đã dừng bước rồi quay người lại, và trước sự ngạc nhiên của mọi người, nó lại xông vào nhà trở lại...

John cảm thấy thích thằng nhóc này.  Thằng nào gan lì, dám trở vào nhà, xông vào chỗ chết để cứu gia đình nó đây.  Thật là một gương can đảm.

Nhưng chỉ vài giây đồng hồ sau, nó lại dội ngược trở ra, ho sặc sụa vì khói và mặt mày lem luốt tơi tả.  Rõ ràng là nó muốn cứu người trong nhà nhưng không được.  Ngọn lửa ở cái đuôi tóc bây giờ lại cháy lên cao đã gần tới một nửa cái đuôi của nó, leo gần tới cổ.

John hét, tay chỉa họng súng rouleau về phía hai thằng thổ phỉ da trắng:

-ĐM tụi bay đốt nhà người ta, tụi bay phải trở vào trong mà kéo người ta ra.  Không thì tao giết hết.

Hai thằng thổ phỉ xửng người nhìn John.  Nhưng John không có thì giờ.  Nó nổ ngay một phát vào giữa ngực thằng đứng bên trái và hét lớn:

-ĐM tao không có thì giờ.  Mày không vào thì chết...

Thằng thổ phỉ bị đạn rú lên một tiếng, ngã ngữa ra sau...

John chỉa mũi súng về phía thằng còn lại.  Thằng này hú lên một tiếng lớn, quay đầu toan bỏ chạy, nhưng biết là chạy không thoát, đành xoay người phóng vào căn nhà đang bốc khói lên nghi ngút.

John phóng xuống ngựa, đút súng vào bao, nhào tới ôm thằng Tàu đang đứng khóc giữa sân, quẳng nó vào cái thùng nước dành cho ngựa uống ở trước tiệm.  Rồi nó phóng người vào trong nhà, quên mất rằng lửa đang bắt đầu phừng lên…

Thằng thổ phỉ kéo được một cái xác đàn ông ra, đã chết vì khói.  John bước thêm vài bước nữa vào bên trong nhưng bị dội ngược không phải vì lửa nhưng vì khói.  Khói phủ kín người nó, mặt mũi tóc tai đều dính khói và những tàn lửa nhỏ.

Đến một lúc nào đó, John biết mình phải bỏ ra ngoài nếu không muốn chết.  Đúng hơn, nó cảm thấy, mới đầu là ngạt thở, nhưng lần lần, đầu óc trở nên rối loạn rồi bị mất thăng bằng, và cuối cùng thì ngã sụm người xuống.

John cố vùng vẫy, cố quơ tay quơ chân, nhưng hình như tay chân không còn biết nghe lời nó nữa…

John biết ngay là mình sắp chết.  Lạ thực, mình giang hồ mấy chục năm, bắn chết không biết bao nhiêu thằng, không ai đụng được một sợi lông, chẳng ngờ lại chết vì muốn cứu những người Tàu xa lạ, không hề quen biết.

Đột nhiên, John cảm thấy như có một người nắm tay mình kéo ra.  Có lẽ người này rất yếu nên kéo rất chậm, vừa kéo vừa thở hồng hộc…

Một lúc sau, John được kéo ra tới cửa…

Nhờ có khí trời, John từ từ mở mắt, thoát khỏi cơn hôn mê và nhận ra người vừa kéo mình ra chính là thằng Tầu…

Nhưng thằng Tàu vừa kéo được John tới cửa thì một họng súng rouleau đen thùi lùi đã chỉa vào người nó.  John nhìn thấy người đang chỉa cây súng vào đầu thằng Tầu chẳng ai khác hơn là thằng thổ phỉ da trắng lúc nãy.

Như thế này là không được nữa rồi.  John thò tay vào bao súng nhưng quái lạ, cái bàn tay rút súng thần tốc sao bây giờ lại cứng đơ như thế này hở trời.  Lại thêm một chuyện không được nữa rồi.

Thằng thổ phỉ không phải chỉa súng để hăm dọa.  Nó kéo con cò mổ ra sau và chuẩn bị bóp cò thật…

Bắn thằng Tàu xong, nhất định phải tới phiên mình.  Trong khi bàn tay rút súng của mình vẫn còn nằm im bất động. 

Nhưng thật là bất ngờ, thằng Tàu đã xoay người thật nhanh rồi chụp họng cây rouleau chỉa lên trời.  Cái nòng súng dài quá mà.  Phải chi nó ngắn một chút thì đâu có sao.  Có tiếng súng nổ oành một phát, tóe lửa lên trời.

Thằng Tàu tiếp tục khom người xuống và húc vào bụng thằng da trắng một phát thật mạnh, đẩy nó văng tuốt ra sau, loạng choạng…

John lại rút súng và lần này thì bàn tay nó bắt đầu chịu nghe lời nó.  Mới đầu còn chậm nhưng chẳng bao lâu thì trở lại tốc độ cũ…

Thằng da trắng đã lấy lại được thăng bằng, bắt đầu chỉa họng súng vào người thằng Tàu thì John bóp cò, chỉ nhanh hơn thằng kia cỡ 1/10 giây đồng hồ.  Phát thứ nhất vào bàn tay đang cầm súng của nó, thổi bay mất 3 ngón tay cùng đẩy cây súng văng tuốt lên trời.  Phát thứ hai, tiếp theo, vào giữa sống mũi nó…

John chống tay đứng lên, tháo ổ đạn, đẩy vào 5 viên mới…

Lửa bây giờ bắt đầu bùng lên mạnh, sức nóng từ trong bốc ra.  John nhìn xuống cái xác người đàn ông.  Ông ta đã chết từ lâu, cặp mắt trợn trừng khiếp đãm, râu và tóc bị cháy xém.  Cái đuôi tóc dài phía sau cũng cháy mất tiêu.  John và thằng Tàu cùng cúi người kéo xác người đàn ông ra xa, tránh khỏi vùng có sức nóng đang bốc ra.

Hai người, một Tàu một da trắng, đứng nhìn sửng vào căn nhà đang bốc cháy.  Một chặp, sau khi lấy lại hồn xác, thằng Tàu quỳ gập người xuống ôm lấy xác người đàn ông, khóc lóc thảm thiết:

-Papa, papa…

Mãi cho đến lúc đó, John mới nhận ra thằng Tàu này không phải là một thằng bé mà là một thanh niên tuổi cỡ 20.  Nó nhỏ con cho nên ai cũng tưởng là thằng bé.  John để cho nó khóc chừng vài phút rồi cúi xuống vỗ vai nó, hỏi:

-Tên mày là gì?

-Fang.

-Mày biết nói tiếng Anh?

-Dĩ nhiên.  Tôi sinh ở đây mà.

-Tốt.  Tao tên John.  Cám ơn mày cứu mạng tao.

-Cũng cám ơn ông đã cứu tôi…

Nó đưa tay ra sau, kéo cái đuôi tóc bây giờ đã cháy gần hết cho John xem

-Không nhờ ông thì tôi đã là ma không đầu.

Không hiểu tại sao, John lại bật cười:

-Mày nên cắt mẹ nó luôn giống bọn da trắng chúng tao coi cho nó đẹp, lại khỏi bị kỳ thị.

-Tôi cũng đã nghĩ như thế…

Vừa lúc ấy, có tiếng ồn ào từ phía xa.  John liếc mắt thật nhanh và biết ngay rằng như thế này là không được rồi.  Một bọn thổ phỉ khác, cỡ chừng vài ba chục thằng, vừa đi bộ vừa cưỡi ngựa, súng ống tận răng, mặt mũi đầy sát khí, đang hùng hổ xông tới.  John biết đơn thân độc mã như mình, dù có bắn nhan đến đâu cũng không thể giết hết chúng được.  Chuyện … dọt lẹ là một giải pháp hay nhất.  Nó móc túi ra năm đô la, dúi vào tay thằng Fang:

-Mày lấy số tiền này mà lo ma chay.  Tao phải dọt.  Tao có cái tiệm mua bán vàng ở đường số 8, tên John Wells.  Ma chay xong, tới đó tìm tao, tao có việc cho mày làm.

Nói xong là John phóng tuốt lên ngựa, nói thêm một câu:

-Nhớ khóc cho thật to, chúng nó sẽ không làm gì mày đâu.

Thằng Fang gật đầu, chắp hai tay và quỳ xuống đất mà lạy người khách da trắng đã cứu mạng nó.  Nhưng chỉ nghe cạch cạch mấy tiếng, con ngựa đã quay lui và phóng nước đại, cùng John mất hút trong màn chiều vừa kéo tới…

Một tuần lễ sau, ma chay cho cha mẹ xong, Fang cắt luôn cái búi tóc phía sau, đi bộ về thành phố San Francisco, đến đường số 8 tìm John.  Hai người trở thành tâm đầu ý hiệp như nam châm và sắt.  John càng ngày càng thấy thích cái thằng này.  Thứ nhất, nó có một cái đầu rất khéo léo và nhanh nhẹn trong sự buôn bán.  Tiếng Mỹ không phải là ngôn ngử chính của nó mà nói chuyện rất là lôi cuốn, ai nghe cũng phải xiêu lòng.  Thứ hai, sự thật thà và trung thành của nó.  Và thứ ba, nó có cái tính gan dạ ngang tàng như các giang hồ hảo hán đời xưa.  Thứ tư là nó có nhiều tài vặt mà khi hửu sự John mới nhận ra.  Thứ năm, nó nấu ăn rất khéo.  Chỉ cần quẳng cho nó một con gà hay con gì cũng được, chỉ cần một tiếng đồng hồ thôi là nó sẽ nấu được một bữa ăn ngon lành…

Nhưng, đời xưa có nói, thằng nào có tài thì thằng đó có tật.  Thằng Fang cũng có một cái tật.  Cái tật này có thể xóa hết những cái hay của nó vừa kể trên.  Ngay cà một thằng tài giỏi và khôn lanh như John Wells cũng chẳng hề biết cái tật này của thằng Fang.  Mãi cho đến khi biết ra thì mới là mình đã bị tan gia bại sản, không cách gì cứu vãn được.  Nhưng đó là chuyện về sau…

Thời đó ở Hoa Kỳ, ai đã có của hoặc có công ăn việc làm vững chải thì không dại gì mà mò tới San Francisco để đào vàng.  Chỉ có bọn thất nghiệp, bọn giang hồ, bọn đá cá lăn dưa, bọn sống ngoài vòng pháp luật, bọn biếng nhác, ham ăn uống nhưng không ham làm, sống không nổi nơi mình ở mới đổ dồn về đây để mong làm giàu một cách dễ dàng.  Dĩ nhiên là giữa một bọn người tạp lục như thế thì đủ thứ mọi chuyện có thể xảy ra, từ ăn cắp ăn cướp cho đến giết người, hiếp dâm xảy ra hằng ngày.  Cảnh sát cũng do chúng nó bầu lên cho nên luật pháp chỉ là một trò chơi của những thằng có tiền, hoặc những thằng bắn hay, bắn nhanh và bắn chính xác như John.  Nó đã bắn chết tươi hai thằng thổ phỉ tính vào đây ăn cướp vàng ngay trong tiệm nó, máu vẫn còn thấy mờ mờ trên sàn nhà…

Cái tiệm mua vàng của John Wells thời đó chỉ là một trong hàng trăm cửa tiệm vàng nhỏ ở San Francisco dựng lên vội vàng để mua và bán vàng của thiên hạ.  Bất kỳ ai có chút vốn liếng, nghèo thì kê một cái bàn, để một cái cân nhỏ, bên cạnh đó là tấm bảng viết mấy chữ “Mua-Bán Vàng”, là trở thành một tiệm vàng.  Ai sang hơn một chút thì cất cái chòi.  Sang hơn nữa thì mướn một căn phòng nhỏ, treo biển phía ngoài đàng hoàng như John…

Cửa hàng của John, mở được vài năm, chẳng có gì đặc biệt hơn hàng trăm cừa hàng khác ở San Francisco thời đó.  Cũng một bảng hiệu, một căn phòng ẩm thấp tồi tàn, một bàn giấy, một cái cân, và một khuôn mặt lầm lì hãm tài, chính là John, ngồi bán hàng mà mặt mày lúc nào cũng hầm hầm như thể muốn đuổi khách ra ngoài.  Mới đầu, vì vàng nhiều và ít tiệm nên còn buôn bán được kha khá nhưng càng về sau, vàng càng ít đi trong khi tiệm lại mọc lên nhiều cho nên trở thành ế ẩm.  Có khi cả ngày chẳng có ma nào ghé vào.

Ngày đầu tiên vào giúp việc cho John, hai thầy trò chỉ ngồi ngáp dài, chẳng có khách, cũng chẳng có việc gì để làm.

Đến trưa, thằng Fang mới nói:

-Xếp ơi, như thế này là không được rồi.  Buôn bán cái kiểu này thì chỉ có chết.

John lắc đầu, chán nản nói:

-Tao cũng biết như thế này là không được rồi.  Nhưng mày có ý kiến gì không?

-Có chứ.

-Ý kiến gì?

-Tôi sẽ sửa sang lại cái tiệm này một chút và treo cái bảng quảng cáo mới, rất là hấp dẫn…

John búng điếu thuốc lá đã tàn xuống sàn nhà:

-Mày muốn làm gì thì làm.

Nói là làm, nó xăn tay áo, bắt đầu công việc ngay.  Trước hết, Fang làm vệ sinh sạch sẽ cái tiệm.  Nó chùi rửa cửa sổ, bàn ghế, sàn nhà, rửa sạch những dấu vết máu của hai thằng bị bắn chết trong tiệm.  Nó đóng một cái bàn giấy mới tinh, chùi rửa tất cả những vật dụng trong tiệm, từ cái cân cho tới cái đồng hồ, vân vân …

Bên trong coi như ổn, ngày hôm sau, nó đi mua sơn về vẽ một cái biển thật lớn, đề mấy chữ “ John Wells - Mua Vàng Giá Cao Nhất.”  Phía bên cạnh, nó vẽ hình một con nhỏ đít to vú bự, chỉ mặc trần xì cái quần sì líp và xú chiêng, một tay cẩm dúm vàng, tay kia cầm một mớ tiền đô la, miệng cười thật tươi và đang liếc mắt đưa tình với người nhìn.  Ở phía bên kia là hình mấy ly bia và chai rượu thật là to.  Nó vẽ rất khéo tay, coi cứ như người thật, rất là hấp dẫn…

John nhìn tấm biển và không khỏi bật cười:

-Sao mày lại nhét con nhỏ đó vào?  Tao chưa hề thấy một tấm biển bán vàng nào lạ lùng như thế?

Fang cắt nghĩa:

-Dân ở đây toàn là bọn… thiếu đàn bà.  Ông nghĩ xem, chúng nó bỏ vợ con qua đây tìm vàng, làm cực khổ suốt cả tháng trời, bây giờ nhìn thấy hình đàn bà, chúng nó phải nhào tới.  Bán bao nhiêu thì không biết nhưng quan trọng là chúng nó phải đặt chân vào tiệm mình cái đã.  Mọi chuyện rồi sẽ từ từ được giải quyết.

-Thế còn hình mấy chai rượu và bia?

-Ông quên rồi à, đàn bà luôn luôn đi kèm với rượu.  Chơi gái mà không say rượu thì chẳng thà… đừng chơi.

-Nhưng tiệm mình chỉ có 2 thằng đàn ông, làm gì có đàn bà và rượu?

Fang cười:

-Tôi đã nghĩ tới chuyện này rồi.

-Như thế nào?

-Ngày mai tôi sẽ ngăn cái phòng ra làm hai.  Phía trước để bán vàng, phía sau kê 2 cái giường và một tủ rượu.  Khách vào đây, sau bán vàng, nếu muốn quẹo vào trong để giải trí thì xin chi thêm một đô la.  Một ly rượu 10 cents.  Còn nếu muốn quẹo ra ngoài để đi về nhà thì xin cứ tự nhiên cho, không ai ép.

-Bia rượu thì dễ kiếm rồi, còn gái thì mày kiếm ở đâu.

-Gái Tàu đang thất nghiệp thiếu gì ở Chinatown, tôi đi một vòng thì đem về bao nhiêu chẳng có.

-Nhỡ tụi nó thích gái da trắng thì sao?

-Chuyện nhỏ.  Bọn gái Tàu này quen biết bọn da trắng nhiều lắm.  Cùng nghề với nhau mà.

John gật gù cái đầu, cảm thấy khoái chí.  Nhưng nó còn một thắc mắc:

-Chở bọn gái về đây, chỗ đâu cho chúng nó ở?

Fang lắc đầu:

-Đâu cần.  Sáng lên Chinatown chở chúng nó lên đây, chiều chở chúng nó về.  Nếu chúng nó không muốn về thì nằm ngủ ở đây cũng được.  Có mất mát gì đâu.

Quả đúng như sự suy nghĩ của thằng Fang.  Dân tìm vàng ở đây mà sau này nước Mỹ và cả thế giới gọi là bọn 49ers, tức Forty-niners, tức là bọn đến đây vào năm 1849 để tìm vàng là một tập họp của đủ thứ hạng người như đã nói ở trên.  Nhưng lâu lâu cũng lọt vào vài thằng trí thức như luật sư bác sĩ, và quan trọng hơn cả là vài ông mục sư.

Sau khi tấm biển “John Wells – Mua Vàng Giá Cao Nhất” được dựng lên với hình một em gái và mấy chai bia thì tình hình thay đổi hẳn.  Bọn thợ mò vàng, sau vài tuần hay vài tháng cực khổ làm lụng, ra phố bán vàng đi ngớ ngớ, chưa biết ghé chỗ nào để bán cho được giá, khi nhìn thấy hình một con nhỏ chỉ bận sỉ líp xú chiêng thì khoái quá, liền bước vào.  Mới bước vào thằng nào cũng chỉ tò mò một chút, nhưng chúng nó giật nẩy mình khi những thấy những em tóc đen tóc vàng ngồi lẩn quẩn đó đây, em nào em nấy mới nhìn qua thì ai cũng muốn chảy nước miếng…

Một thằng Tàu đứng phía sau quầy, ăn mặc lịch sự với cà vạt áo vét như người da trắng, miệng cười tươi rói với những lời mời mọc.  Nhìn cái bảng giá nó mua vàng để trên quầy thì chẳng cao chút nào như lời quảng cáo, nhưng đã bước vào đây, đã nhìn thấy mấy em thơm và tươi mát như thế thì ai nở lòng nào quay mặt bước đi được.  Kệ mẹ nó, có thể nó mua giá không cao lắm, nhưng cứ nhìn mấy em nhởn nhơ trong phòng thì thằng đàn ông nào lại chẳng muốn bắt chuyện làm quen, tán tỉnh vài câu.  Và biết đâu chừng, rủ được các em đi chơi phố một vòng thì còn sướng biết mấy nữa.  Chỉ có những thằng tinh mắt lắm và từng trãi giang hồ mới biết các em là điếm, còn ngoài ra đều lầm cả.  Lầm to…

Thằng Fang tươi cười:

-Đi đâu mà vội mà vàng hả quí vị?  Quí vị làm ăn cực khổ, bây giờ là lúc quí vị phải để những hột vàng mà mình chịu cực khổ vì nó, bắt chúng nó phải phục vụ mình…  Tôi nói như thế có đúng không nào?

Thằng Fang liếc nhanh sang các cô:

-Các em thấy tôi nói có đúng không?

Các em liền nhao nhao lên, mỗi người một câu:

-Đúng quá, đúng quá đi chớ.  Mấy anh cực khổ ngày đêm vì mấy … cục vàng, bây giờ phải … bán chúng nó đi, bắt chúng nó phải phục vụ các anh.  Như thế mới gọi là công bằng chứ…  Tụi em còn có bia có rượu nữa, có anh nào muốn uống một ly với em không …

Fang giả vờ nghiêm mặt:

-Các em nói thế không được.  Rượu bia chỉ để ảnh cho khách quý thôi, không phải ai vào đây muốn uống cũng có…  Nhưng đặc biệt cho mấy anh, thấy mấy anh hiền lành cho nên tôi phá lệ.  Ai bán trên một lượng vàng được mua một chai bia, hai lượng vàng được mua một chai rượu.  Rượu này rất ngon, nấu từ miền New Orleans của Pháp đem vể đây đấy nhá.  Bọn Pháp ở New Orleans nổi tiếng nấu rượu cổ nhắc ngon nhất thế giới…

Dĩ nhiên là những thứ rượu mà nó giới thiệu ở New Orleans toàn là chuyện bố láo.  Ai có thì giờ rảnh mà đi băng sa mạc hoặc đi tàu thủy qua New Orleans để mua cổ nhắc đem về đây cho bọn tìm vàng nghèo khổ ngu dốt này uống.  Toàn là thứ rượu cho chính tay thằng Fang nấu lên cách đây vài tuần, theo công thức rượu đế của người Tàu mà gia đình nó truyền lại từ mấy mươi đời.  Dĩ nhiên, nó phải thêm chút thuốc màu, chút nho khô, chút táo cho nó thơm thơm giống rượu cổ nhắc.  Thứ rượu này gia đình nó pha nhưng chẳng ai trong gia đình nó dám uống lấy một ngụm.  Người uống không biết có ngon không nhưng say là cái chắc.  Và say xong thì ngày hôm sau khỏi có đi làm đi vì không ai dậy nổi…

Cực khổ mấy tháng trời trong những căn hầm tối tăm dơ bẩn hôi hám, trên những giòng sông nước chảy xiết đã cuốn trôi không biết bao nhiêu mạng người, trên những ngọn núi đá đầy ác thú, trong những thung lũng đầy rắn rết, bây giờ trong túi rủng rỉnh những hột bắp rang đầy ắp-- dân thời đó gọi vàng thô mới lọc được là bắp rang vì nó coi giống như mấy hột bắp rang, nhìn bên cạnh lại là những tiên nữ vú đít thật to lớn vĩ đại, nước hoa thơm phưng phức như mới vừa đi tắm ở động suối tiên ra, con người dù có khô khan đến đâu cũng khó mà không sa ngã.  Chỉ nhìn thấy mấy em là hồn vía đã thấy bủn rủn rồi, nói gì đến chuyện được cầm tay em hay… bóp vú bóp đít em, hay sướng hơn nữa, được đè em xuống phện một phát…

Thế là khách thò tay vào túi, lôi cái túi nhốt mấy hộp bắp rang ra, bỏ lên bàn cân tiểu ly.  Cái này 5 chỉ, cái kia 7 chỉ, đủ thứ bắp rang, cái to cái nhỏ, cái nào cũng vàng tươi óng ả, gom lại cũng hơn 3,4 lượng vàng. 

Mười ngón tay thằng Fang chạy liên tục trên cái bàn tính có những bánh xe màu đen nho nhỏ, xẹt qua xẹt lại như ngựa đổi chuồng, kêu ký ca ký cách như một điệu trống ma quái, miệng nó đếm liên tục, cái này một đô la, cái này đô rưỡi, tổng cộng hai đô rưỡi, vân vân…

Đếm đi đếm lại xong xuôi, thằng Fang đẩy cái bàn tính qua một bên, miệng cười cười:

-Dạ của ông anh là 85 đô la 35 xu…  Coi có tí xíu vàng mà sao lại lắm tiền thế nhỉ.  Ông anh quả là một con người tài giỏi.  Quá tài giỏi.  Phải nói là … vĩ đại mới đúng.

John ngồi trong góc phòng, nghe như thế thì xém bật cười lên nhưng nín được.  Thằng Tàu này quả có nhiều tài vặt, mồm trơn như thoa mỡ, mình không thể nào bằng nó được…

Thằng tìm vàng không hiểu tại sao mình đương nhiên bỗng trở thành… vĩ đại nhưng chuyện đó không có quan trọng.  Nó không nói gì, trợn tròng cặp mắt nhìn thằng Fang chờ đợi.  Fang biết thế nên rình rang kéo cái hộc tủ ra, vừa đủ cho khách nhìn thấy những đồng đô la mới tinh mà John vừa lãnh từ Ngân Khố Trung Ương Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ngày hôm qua.

Nó đếm đủ tiền, để lên quầy, không quên buông thêm một câu:

-Tiền vẫn còn mùi thơm của Ngân Khố Trung Ương Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đấy nhá…  Ối giời ơi, sao mà tiền mới nó thơm quá, ngồi ngửi cả ngày chắc khỏi cần ăn cơm cũng no.  Nhưng mà ông anh làm ăn giỏi như thế, … vĩ đại như thế thì phải thưởng cho mình một cái gì đi chứ.  Tôi đề nghị một ve cổ nhắc New Orleans, loại thế kỹ 17, Dăng dắc đờ la Rú Sô hay Dăng Dắc đờ la … con mẹ gì đó của bọn Tây tóc dài nhé.  Bọn Pháp này trời sinh chỉ biết nấu rượu là giỏi, ngoài ra, không làm được cái trò gì khác hơn…  Mà một con người vĩ đại như ông thì phải uống Cổ nhắc New Orleans, uống thứ khác là không được, nó làm mất giá trị của mình đi…

Thằng khách đếm đi đếm lại những đồng đô la mới tinh trong tay mình.  85 đô la là một số tiền khá lớn.  Kiếm được vài lần như thế này nữa thì có thể từ giả San Francisco mà về quê, mua một nông trại nhỏ, cày bừa làm ăn… Vừa đếm nó vừa nghĩ đến những ngày làm lụng cực khổ, đến những người thân ở quê nhà khi gạt nước mắt chia tay nhau, đến những lời hứa hẹn, và cuối cùng, đến tương lai… 

Nhưng sự suy nghĩ về tương lai chưa đi đến đâu thì đã có một em bé lù lù tiến tới từ phía sau, đẩy cặp vú vĩ đại vào lưng ông anh như muốn đâm thủng lớp áo mỏng đã gần rách tơm, ởm ờ nói:

-Một ly cổ nhắc New Orleans nhé anh…  Mua đi rồi em ngồi hầu rượu với anh…

Trời đất ơi, cặp vú đàn bà sao mà êm ái như thế này nhỉ?  Mà hình như con nhỏ không mặc xú chiêng cho nên nó mới êm ái và sướng như thế.  Thế là sự suy nghĩ cho tương lai liền tắt phụt đi trong đầu thằng khách.  Mẹ kiếp, nông trại to lớn hay rừng lúa mì trải dài tới tận chân trời chẳng có nghỉa lý gì cả.  Cái mà nó đang nghĩ tới bây giờ là cặp vú.  Ôi những cặp vú tuyệt vời của đàn bà con gái San Francisco…

Fang đứng bên trong quầy quan sát không thiếu một chi tiết.  Khi nhìn thấy mặt thằng khách hàng trở nên đờ đẩn như một thằng ngố, nó biết ngay là ít nhất một nửa số tiền vừa kiếm được bằng mồ hôi nước mắt của mấy tháng trời lao động cực khổ sẽ không cánh mà bay.  Hoặc giả, có khi nguyên cả số tiền đó cũng bay luôn.  Nghĩ thấy cũng tội thật, nhưng mà, đây là lựa chọn của bạn.  Đâu có ai kê súng vào đầu bạn mà ép bạn bước vào đây đâu.  Bạn tự ý đấy chứ.  Cái này người ta thường gọi là tiếng gọi của con… chim.

Thế là coi như xong một mạng, thằng Fang liền mở miệng, giọng nói không còn ngọt ngào như lúc nãy nữa:

-Cám ơn ông anh.  Tới phiên người kế…  Ha ha ha… chào ông anh, tiệm của em, mua vàng cao nhất San Francisco, trả toàn tiền mới, nổi tiếng nhất California…  Sao, hôm nay em có thể giúp gì được cho ông anh vĩ đại của em đây?

Cứ thế và cứ thế, thằng Fang mua vàng không ngừng tay.  Các em điếm cũng bận rộn không kém.  Tiếng cười, tiếng nói chuyện, tiếng hun nhau chùn chụt ngay giữa tiệm vàng của John Wells biến nó thành một nơi ăn chơi vui nhộn.

Thằng Fang làm việc quên cả ăn, miệng cười toe toét, bàn tay chạy loạt soạt trên cái bàn tính không bao giờ ngưng nghỉ…

Ngài chủ tiệm John Wells có một công việc rất là nhàn nhã.  Mỗi ngày, nó chỉ ngồi hút thuốc lá âm thầm lặng lẽ sau một cái bàn nhỏ trong góc phòng, gần cửa ra vào để lo chuyện an ninh.  Lâu lâu cũng có một vài thằng thổ phỉ ghé vào quán tính kiếm chác, nhưng khi nhìn thấy John Wells ngôi hút thuốc lá lạnh lùng trong một góc thì lẳng lặng rút ra mau hơn bị ma đuổi.  Chuyện nó bắn chết mấy thằng thổ phỉ ngay trong tiệm đã được đồn đi khắp nơi ở San Francisco, ai mà chẳng biết.  Ra tới ngoài cửa, chúng nó mới lấy lại được hồn xác, thề từ này về sau chẳng dám bước vào tiệm nữa…

Chỉ sau vài tuần lễ, John nhận ra số tiền mình thâu vào bằng hơn cả số tiền mình làm cả năm nay.  Tiền mua vàng có lời, nhưng không lời bằng tiền gái và tiền bán rượu.

Một tối, hai thầy trò ngồi nói chuyện.  John đề nghị chia cho nó một phần mười số tiền kiếm được sau khi trừ hết chi phí.  Thằng Fang khẳng khái nói:

-Người Á châu chúng tôi rất mang nặng chuyện ân nghĩa.  Ông đã cứu tôi thoát chết, lại giúp tôi lo việc ma chay cho cha mẹ, tôi mang ơn cứu tử, tìm gặp ông, làm việc cho ông là để đền ơn, có bao giờ dám nghỉ đến chuyện chia chát.

John nhất định bắt nó phải nhận, nếu không thì chia tay.  Thằng Fang đành phải nhận lời, nhưng còn nói thêm:

-Sau này, nếu ông đổi ý, chỉ cần nói một tiếng, tôi sẽ trả lại hết số tiền tôi kiếm được cho ông.  Nên nhớ, tôi và ông như là hai anh em một nhà, tụi mình sống chết có nhau.

Xong chuyện chia chát, giờ đến chuyện khuếch trương.  John nói:

-Tao sẽ mua đứt cái building này, chia ra làm ba phòng.  Một là tiệm bán vàng, một là khách sạn, và một là văn phòng của tao.

Fang nói thêm:

-Văn phòng của ông phải có hai cửa.  một cửa ăn thông qua tiệm vàng, phòng khi có chuyện.  Một cửa chính để ông tiếp khách đàng hoàng. Và cái khách sạn phải xây một tầng lầu.

-Lớn như thế để làm gì?

-Tôi có mấy thằng bà con biết nấu ăn ngon lắm.  Tôi đề nghị mở thêm một cái tiệm ăn, tiệm rượu trong khách sạn.  Khách tới đây bán vàng, qua khách sạn ăn uống rồi nghỉ qua đêm, tiện cả trăm bề…

Chỉ vài tuần sau, John thương lượng và mua đứt cái building mình đang mướn.  Nó thuê người sửa sang lại, cất thêm cái lầu và nới rộng thêm, biến cái building thành một buidling với khách sạn, tiệm ăn, tiệm vàng và văn phòng riêng của nó…

Thế là, chỉ trong vòng chưa tới 6 tháng, cái tiệm bán vàng vô danh tiểu tốt của John Wells đã biến thành một căn phố nhỏ với đủ thứ vừa nói ở trên.  Lúc ấy John đã quen lớn rồi cho nên ngày khai trương, nó mời ông thị trưởng San Francisco, ông chánh án, ông cảnh sát trưởng, ông biện lý, hai thằng chủ nhà băng, mấy ông cố đạo Tin Lành tới khai trương.  Mấy cha này cũng chẳng phải là dân hiền lành dễ thương gì, khó mời lắm, nhưng nghe tới hai tiếng John Wells mời thì vui vẻ nhận lời…

Khỏi phải nói, tiệc vui hết biết.  Sâm banh khui nổ tưng bừng, đồ ăn thức uống toàn là những thứ cao lương mỹ vị, pháo bông đốt rợp trời.  Ngay cả thằng Fang ít khi uống rượu nhưng hôm đó vui quá, cũng làm mấy ly, xỉn mấy ngày sau mới tỉnh…

Tiệc xong, John tặng mỗi người, từ thị trưởng xuống tới biện lý cảnh sát trưởng, cho tới mấy ông cố đạo mỗi người một em thơm phức dắt lên giường.  Có điều lạ là, mấy ông thị trưởng, cảnh sát trưởng không ai từ chối món quà bất ngờ này thì cũng dễ hiểu đi, còn mấy cha cố đạo Tin Lành cũng chẳng từ chối mới là chuyện lạ...

Thế là coi như John nắm được hết cơ quan công quyền của thành phố.  Ai bảo thằng John Wells này chỉ biết bắn súng.  Có một thứ vũ khí khác nguy hiểm hơn súng đạn mà chẳng ai biết dùng tới.  Đó là tiền và gái đẹp.

Chỉ tội là tội cho những thằng chủ tiệm vàng cùng thời với John Wells.  Chỉ mới cách đây vài tháng, nó cũng ngồi trong tiệm hút thuốc lá vặt như mình, sao bây giờ bỗng dưng lại lên quá mau như thế?  Điều tra nghiên cứu, chúng nó thấy chỉ nhờ tấm biển quảng cáo có hình con nhỏ mặc sì líp xú chiêng mà bỗng trở nên đắc hàng quá cỡ thì liền bắt chước.  Chúng nó cũng thuê người vẽ biển với hình một con nhỏ vú và đít còn to hơn cả con nhỏ thằng Fang vẽ nữa.  Nhưng vẽ to quá thì đâm ra lố bịch và chẳng giống ai.  Rồi khi khách bước vào, lại chẳng thấy gái, bèn rút lui.  Bao nhiêu gái đẹp thằng Fang đã quơ hết, còn gái nào đâu để dành cho chúng nó kìa.

Khi tiệm của John Wells lên như diều gặp gió như thế thì ít nhất đã có vài chục tiệm vàng âm thầm đóng cửa.  Những thằng còn lại thì tìm đủ cách để tồn tại.  Tồn tại bằng mọi cách.

Cái vấn đề ở đây là mấy chữ tồn tại bằng mọi cách.  Cách này không được, chúng nó họp lại bắt đầu nghĩ ra cách khác.  Và không phải cách nào cũng lương thiện hợp pháp…

Thế mới có chuyện xảy ra…

Chuyện bất hợp pháp xảy ra rất từ từ, đi từ xa đến gần, có lớp lang, có thứ tự đàng hoàng.  Mới đầu đi nhẹ, sau đó, tùy theo hoàn cảnh, sẽ từ từ nặng thêm.  Nặng cho đến cỡ nào thì chưa ai biết rõ, nhưng mọi người đều biết chuyện này, nếu cần thì giải pháp cuối cùng là bắn chết tươi thằng khốn nạn, quẳng xác nó xuống vịnh San Francisco là yên chuyện…

Buổi họp đầu tiên, chúng nó đi rất nhẹ, rất dễ thương, là quyết định tới gặp ngài cảnh sát trưởng, xúi ngài đóng cửa cái khách sạn vì nó chứa đĩ bất hợp pháp.  Nhưng ngài cảnh sát trưởng, mới thưởng thức cách làm tình tuyệt vời của một em Tàu cách đây không lâu, và đầu óc vẫn còn đang vương vấn đến cách làm tình bí hiểm đến từ phương Đông mầu nhiệm, có một không hai của em, vừa nghe là đã lắc đầu, bán cái liền cho ngài thị trưởng:

-Chuyện này chỉ có ngài thị trưởng mới giải quyết được.  Nếu ngài thị trưởng ra lệnh, tôi sẽ đóng cửa cái khách sạn khốn nạn đó liền trong vòng một tiếng đồng hồ.  Tôi hứa danh dự như thế.  Tiên sư cha bọn khốn nạn, chúng nó làm ô uế cả cái thành phố San Francisco thanh lịch dễ thương này…

Ngài nói thế, nhưng ngay ngày hôm sau, ngài lại bí mật mò đến khách sạn John Wells, thông báo tin này cho John biết.  John cám ơn, hỏi ngài tối nay muốn ngủ với em nào, ngài cảnh sát trưởng nói ngay:

-Cái con Tàu hôm nọ đó.  Ôi trời ơi, nó tuyệt vời quá.  Tôi không nghĩ có người đàn bà da trắng nào biết làm tình kiểu đó.  Bọn người Á châu quả thật là tuyệt vời…

Nói tới đó, thằng cha cảnh sát trưởng hứng tình quá, quên tuốt luốt mình đang nói chuyện với một người lạ, buông luôn một câu:

-Từ hôm làm tình với con Tàu về, tôi quên luôn con vợ già của tôi, chẳng hề muốn đụng tới nó…  Quả là chán đời, làm tình cái kiểu gì mà cứ leo lên giường rồi nằm tô hô một đống như một khúc củi, thử hỏi, ai còn hứng thú gì nữa?  Mẹ kiếp, nói ra nghe thì thật là chán quá mà chẳng biết phải làm gì.

Nói tới đó, sực nhớ ra là mình đang nói chuyện với ai, thằng cảnh sát trưởng liền bụm miệng, hú nhỏ lên một tiếng:

-Ôi giời, chuyện vui kể cho ông nghe, xin đừng nói lại với ai nhé.

-Ngu gì mà nói.  Nhưng hôm nào ông muốn giải trí với em thì cứ tới đây, tiệm John Wells này sẽ lo đủ.  Còn bây giờ thì xin mời ngài lên giường với nhân viên của tôi.  Xin chúc ngài có một buổi tối tươi đẹp…

Ngày hôm sau, ngài thị trưởng San Francisco đón tiếp phái đoàn thợ vàng… sắp đóng cửa.  Giống như ngài cảnh sát trưởng, ngài thị trưởng nghe xong thì liền nhớ đến đĩa bí tết tôm hùm kèm ốc biển của vịnh San Francisco độc nhất vô nhị, cộng thêm em bé người Tàu làm tình độc đáo, liền gật gù cái đầu và nói:

-Tôi rất đồng ý với những đòi hỏi của anh em.  Thành phố này là một thành phố văn minh, không thể nào để những chuyện tồi bại dơ bẩn đó xảy ra trong thành phố yêu quí của chúng ta được…

Ngài thị trưởng ngừng một chút, nhìn bọn chủ tiệm vàng đang dương những cặp mắt hy vọng nhìn ngài, ngài tiếp:

-Nhưng, phải thành thật mà nói, thành phố này chưa có lệnh cấm mãi dâm.  Nhưng không phải là không có lệnh cấm mãi dâm mà mình cứ để cho ai muốn làm gì thì làm.  Mình phải tốp chúng nó lại.  Hay nhất, tôi đề nghị như thế này.  Quí vị đến gặp hội đồng mục sư thành phố San Francisco.  Trình bày cho biết những nguy hiểm của nghành mãi dâm, đề nghị hội đồng cử người tới nói chuyện với bọn khốn nạn đó.  Nếu chúng nó không chịu dẹp, tôi sẽ có biện pháp, tôi hứa với quí vị như thế…

Như thế là ngài thị trưởng lại bán cái qua cho mấy cha mục sư mà ngài chẳng còn chút nể nang gì cả.  Tại sao lại như thế?  Chẳng qua là cái hôm đi dự tiệc ở khách sạn John Wells, chúng nó dâng gái cho mấy ngài, mấy ngài chẳng thèm từ chối, dù là từ chối một hai lần cho có lệ.  Cha nào cha nấy nghe tới gái là mừng húm, mau mau chụp một em để lên lầu cho lẹ.  Toàn là một bọn thổ phỉ, giả hình, đội lốt nhà thờ để làm chuyện tồi bại.

Ngay tối hôm đó, cũng giống như thằng cảnh sát trưởng, ngài thị trưởng liền bí mật ghé qua khách sạn John Wells để thông báo mọi chuyện cho John biết.  John cũng cám ơn và thưởng cho ngài thị trưởng một em…

Thế là hội đồng của những người có tiệm vàng … sắp đóng cửa lại khăn gói quả mướp đến gặp ngài mục sư trưởng của giáo phái Lutheran, thành phố San Francisco.

Cũng giống như thằng cảnh sát trưởng và thằng thị trưởng, nghe nói tới chuyện đĩ điếm ở John Wells thì ngài cố đạo nhớ ngay đến cái buổi tối hôm nọ.  Một buổi tối thật là tuyệt trần…

Nhưng ngài cố đạo có cái kẹt hơn thằng cảnh sát trưởng và thằng thị trưởng.  Bọn đang ngồi trước mặt ngài là những thằng đi lễ mỗi chủ nhật.  Quan trọng hơn cả, lúc chúng nó đang còn ăn nên làm ra, chúng nó cho tiền nhà thờ rất bạo, rất đẹp.  Có thằng còn tặng cho ngài cả cái thánh giá bằng vàng, nặng đến độ khiêng không nổi.  Và chủ nhật nào cũng thế, ngài luôn luôn hô hào kêu gọi mọi người phải tránh xa mọi thói hư tật xấu, ăn năn hối cải để chờ đón ngày phán xét cuối cùng, làm y như là ngày mai sẽ là ngày tận thế vậy.  Bây giờ, chúng nó tới đây với một cái đề nghị như thế làm sao ngài bỏ qua được…

Rõ khổ.  Ai bảo nghề mục sư là nghề nói dóc ăn tiền thì phải coi gương cha đây.

Nhưng ngài cũng đã có chủ ý riêng rồi.

Nghe mọi người trình bày xong, ngài cố đạo liền lắc đầu nhăn mặt lại, hùng dũng nói:

-Lạy Chúa tôi, như thế là không được rồi.  Quỷ Sa Tăng đã kéo về vây phủ San Francisco rồi.  Lạy Chúa, như thế là không được.  Chúng ta phải có biện pháp đối phó…

Bàn tới bàn lui một lúc, ngài cố đạo quyết định:

-Bây giờ như thế này.  Để tôi sẽ đích thân tới nói chuyện với thằng John Wells.  Tôi biết nó mà.  Ngày xưa thỉnh thoảng nó cũng có đi nhà thờ, chúng tôi là bạn tốt dưới tình yêu của Thiên Chúa.  Tôi sẽ cố gắng thuyết phục nó đóng cửa khách sạn.  Nếu nó không chịu, tôi sẽ tổ chức biểu tình trước khách sạn của nó, và vì quyền lợi của dân thành phố San Francisco, tôi sẽ yêu cầu thị trưởng cho cảnh sát tới đóng cửa khách sạn…

Một thằng trong đám chủ tiệm vàng nói luôn:

-Yêu cầu ngài cho đóng luôn cái cửa tiệm vàng của nó, vì chúng nó có dây mơ rể má với nhau.

Theo pháp lý thì cái tiệm vàng chẳng có ăn nhậu gì tới cái khách sạn, nhưng ngài cố đạo cũng nói luôn:

-Đúng thế, phải đóng luôn cái tiệm vàng đầy tội lỗi kia luôn…

Trước khi đứng lên bế mạc buổi họp, ngài cố đạo nói:

-Anh em phải cho tôi một hai tuần lễ để tôi chuẩn bị.  Bây giờ tôi đang còn bận nhiều việc lắm.

Nói là “cho tôi hai tuần lễ,” nhưng tối hôm đó, ngài cố đạo lại bí mật mò tới khách sạn John Wells, nói chuyện với John và kết luận:

-Chúng nó muốn tôi, đúng hơn là ép buộc tôi, phải biểu tình ngoài khách sạn cho đến khi khách sạn đóng cửa, cộng thêm chuyện gởi thơ lên hội đồng thành phố, lên thị trưởng thành phố để phản đối.  Ông nghĩ sao?

John cười:

-Chúng nó muốn thế thì cứ làm như thế. 

Ngài cố đạo giật nẩy mình lên, tròn miệng lại:

-Lạy Chúa tôi, ông không đùa tôi đấy chứ. 

John liếm điếu thuốc lá, vấn lại, bỏ vào miệng, đưa qua đưa lại giữa cặp môi:

-No.

-Nhưng tôi nỡ nào mà làm như thế sau khi những gì ông đã làm cho tôi.  Nói thật, tôi đã tính bỏ San Francisco này mà lẳng lặng ra đi, tìm một mảnh đất hiền hơn, nghèo hơn, để rao giảng tin lành của Thiên Chúa.

-Oh, no.  Đừng làm như thế.  Chúng tôi cần ngài.  Bây giờ thì ngài cứ biểu tình, nhưng chỉ trong một số giờ cố định.

Ngài mục sư chồm tới trước, xém tí nữa thì làm đổ cả ly rượu ra bàn:

-Giờ như thế nào?

- Mỗi ngày, kể luôn cả thứ bảy chủ nhật, từ 8 giờ đến 4 giờ chiều, ngài cứ cho con chiên bổn đạo biểu tình líp ba ga, càng đông càng tốt, la ó và chửi bới càng nhiều càng tốt.  Nhưng sau 4 giờ là phải cuốn gói đi về.

Cha cố đạo tròn miệng lại:

-Xin lỗi, tôi không hiểu.

John cười:

-Ngài là đấng tu hành làm sao hiểu được chuyện thế nhân.  Chẳng có gì mà khó hiểu cả.  Bọn ăn chơi đàn điếm thì cỡ sau 4 giờ chiều chúng nó mới xuất hiện.  Tối hôm trước ăn nhậu chơi bời nên phải đi ngủ trễ, mà 3, 4 giờ sáng mới leo lên giường thì hôm sau làm sao dậy sớm được?  Còn ban ngày ban mặt là giờ thiên hạ còn phải lo đi làm ăn, ai có thì giờ để mò vào đây?  Chẳng những thế, biểu tình còn là một hình thức quảng cáo không tốn tiền cho tôi.  Ngài cứ đem cái tên John Wells ra mà chửi càng nhiều càng tốt.  Bọn con chiên của ngài sẽ biến tôi thành một anh hùng của cái thành phố San Francisco này, ha ha ha… 

Ông cố đạo đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.  Thằng John Wells này quả là một thằng lợi hại.  Ngài đưa tay, chụp ly rượu, làm một ngụm thật lớn để lấy lại hồn xác:

-Còn chuyện đơn từ gởi lên hội đồng thành phố, gởi lên thị trưởng thì sao?

-Ngài cứ tự nhiên mà gởi.  Mỗi ngày gởi một lá hay 10 là cũng được.  Nếu sợ tốn tiền tem thì đưa đơn đây cho tôi, tôi đưa thẳng cho mấy cha hội đồng thành phố luôn…

-Lạy Chúa tôi, sao lại như thế?

-Mấy cha nội đó mỗi tuần không ghé khách sạn John Wells vài lần thì không thể nào sống được…

Sau buổi gặp mặt hôm đó, John chờ mãi, nhưng đến mãi hai tuần lễ sau mới có biểu tình.  Sáng sớm, cỡ chừng vài chục con chiên, dẫn đầu bởi ngài cố đạo khả kính, mang nào biểu ngữ, nào băng rôn, viết những hàng chữ thật là ác liệt như, “Jesus Loves You”, “Hãy sám hối, ngày tận thế đã tới”, “Chúa chịu chết vì tội lỗi của các người,” vân vân

John và thằng Fang đang ngồi trên lầu hai khách sạn ngó xuống.  John phán:

-Đù mẹ chờ mãi đến bây giờ mấy cha mới chịu ló mặt…

Ngài mục sư, vốn được Chúa cho cái giọng oang oang như lệnh vỡ, cầm cây thánh giá đưa cao lên và hô to:

-Jesus Loves You…

Đám con chiên hùa theo, la to lên:

-Jesus Loves you…

-Các người hãy lo sám hối đi…

-Các người hãy lo sám hối đi…

-Chúng ta phải chống lại ác quỷ Sa Tăng

- Chúng ta phải chống lại ác quỷ Sa Tăng…

-Đả đảo John Wells.

-Đả đảo John Wells…

-Đĩ điếm là chuyện tồi bại…

-Đĩ điếm là chuyện tồi bại…

Cứ thế và cứ thế, đám người đi vòng vòng trước khách sạn John Wells, hết đường, quẹo lui, rồi lại đi tiếp và la tiếp…

Thằng Fang ngắm nhìn nhóm người biểu tình một chặp rồi bỗng dưng nảy ra một kế độc.  Nó cười hì hì, nói:

-Xếp để cho tôi xuống dưới đó tham gia tụi biểu tình cho vui…

Khỏi cần hỏi, John cũng biết thằng đệ tử của mình vừa nảy ra một kế hay, gật đầu, không nói gì.

Thằng Fang lui vào nhà bếp lấy ra một chai rượu loại ngon nhất, đổ vào hai cái ve dẹp và nhỏ bỏ vào hai túi.  Chẳng bao lâu, nó đã trà trộn vào đám con chiên đang biểu tình ở ngoài.  Chỉ chừng 5 phút sau, nó đã là người đi sát với ngài mục sư, lúc ấy, một tay cầm ống loa bằng giấy, một tay cầm thánh giá, vừa đi vừa la hét loạn xạ…

Đến một lúc nào đó, nó húc nhẹ vào hông ngài mục sư một phát khá mạnh:

-Ngài la… hay quá, to quá…  Thật là tốt.

Ngài mục sư quay sang nhìn và chưng hửng khi nhìn thấy thằng Fang.  Ngài chẳng lạ gì cái thằng đầu bếp và quản lý số một của khách sạn John Wells.  Ngài rất thích nó bởi lúc nào miệng nó cũng cười cười, và quan trọng hơn cả, nó luôn luôn tiếp đãi ngài rất hậu.  Vì ngài không muốn thiên hạ thấy mặt mình ở khách sạn nên thằng Fang luôn luôn dành cho ngài một phòng ăn riêng, rất kín đáo.  Và dĩ nhiên, phải một cầu thang kín đáo đi thằng vào nhà bếp, tránh xa mọi cặp mắt dòm ngó của thiên hạ.

-Mày làm gì ở đây?

-Dạ con tham gia biểu tình với ngài.

Ngàu mục sư ngạc nhiên:

-Mày mà cũng … cũng… chống đỉ điếm à?  Ông John Wells có cho phép mày không đấy?

-Dĩ nhiên là phải cho.  Nhưng có cái này…

Vừa nói Fang vừa móc ra một ve rượu, rất kín đáo dúi vào tay ngài và lấy luôn cái loa bằng giấy trong tay ngài:

-Sáng giờ la hét nhiều quá, giọng của ngài thấy khàn rồi đấy.  Ngài làm một ngụm để lấy lại giọng.

Ngàu mục sư đang cầm cái loa, bỗng dưng thấy nó biến thành chai rượu trong tay mình thì vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ.  Lạy Chúa, sáng giở la hét nhiều quá rồi, đang khát nước, giờ được cái chai nước thánh này thì còn quí hơn là nước nữa.

Thằng Fang buông thêm một câu:

-Làm một hớp đi ngài, để tôi nói phụ cho…

Nói xong, chẳng cần chờ ngài cho phép, nó kề miệng vào cái loa giấy bây giờ đã mềm èo vì nước miếng văng tùm lum trong đó, la lên thật to:

-Jesus Loves you…

Mọi người đều nhao nhao, chẳng ai để ý cái giọng phát trong loa là giọng của người khác:

-Jesus Loves You…

Nghe thằng Fang la như thế thì ngài mục sư liền thấy yên tâm, và bỗng thấy thèm một ngụm rượu.  Ngài đưa chai rượu liên, tu liền một hớp.  Lạy Chúa, sao rượu hôm nay thấy ngon như thế này?

Thằng Fang lại tiếp, to hơn một chút:

-Đả đảo John Wells

-Đả đảo John Wells…

-John Wells là quỷ Sa Tăng

-John Wells là quỷ Sa Tăng…

-Đĩ điếm là không có tốt.

-Đĩ điếm là không có tốt…

Sau một vài lần như thế, nó lại hô to:

-Đĩ điếm là không có … John Wells.

Mọi người hò theo:

-Đĩ điếm là không có … John Wells…

Ngay chính ngài mục sư cũng lớn miệng hô theo câu đó.  Hô xong ngài mới biết mình lỡ lời, nhưng không biết phải làm gì.

Fang lại chửi:

-Đả đảo John Wells

-Đả đảo John Wells…

Rồi lại sửa:

-Đĩ điếm là không có … John Wells

-Đĩ điếm là không có … John Wells…

Ngài mục sư lúc đó đã làm hai hớp rượu, nên đầu óc có phần bối rối, thúc cùi chỏ nó:

-Tại sao lại nói đĩ điếm … không có John Wells?

Fang vỗ vào ngực mình:

-Tôi là chủ cái nhà Thổ ấy chứ có phải ông John Wells đâu?

-Lạy Chúa tôi, thật thế sao?

-Chứ sao nữa, nhưng đã lỡ đả đảo ông John Wells rồi, bây giờ phải phục hổi danh dự cho ông ấy?

-Như thế nào?

Thằng Fang không trả lời mà lại đưa mồm vào loa hét to lên:

-Hãy mua và bán vàng cho John Wells…

Mọi người, kể cả ngài mục sư, liền đồng thanh hét to lên:

-Hãy mua và bán vàng cho John Wells…

Không phải một lần mà ba bốn lần như thế…

John Wells đứng trên lầu hai khách sạn, nhìn xuống và không thể nào nhịn cười được.  Thằng Chệt này quả có nhiều tài vặt…

Phía dưới, ngài mục sư lại trợn mắt la toáng lên sau khi đã lỡ mồm kêu gọi mọi người mua và bán vàng cho John Wells:

-Tại sao lại có chuyện mua bán vàng vào đây, mục đích cuộc biểu tình là chống đĩ điếm mà…

-Dĩ nhiên, chúng ta vừa chống đĩ điếm vừa… mua bán vàng của John Wells cùng một lượt…

Hô hào thêm một chặp nữa, coi bộ chừng cảm thấy như thế cũng đủ rồi, thằng Fang đưa ve rượu thứ hai cho ngài mục sư:

-Còn chai này để làm gì, ngài giữ lấy mà uống cho có sức…

Nói xong, nó giao cái loa giấy lại cho ngài mục sư và biến mất…

 Xin coi tiếp phần 2…

Ghi chú:  Tôi viết bài này trước Tết năm nay, khi trời Cali bỗng dưng đổ mưa cả tuần lễ.  Viết tới đây thì... hết mưa, lại có bạn bè rủ đi nhậu nên tôi để dành lại, rồi ... quên mẹ nó luôn.  Hôm kia, coi một phim Cao Bồi, nhớ lại, bèn mở ra coi lại, sửa đổi chút đỉnh rồi gởi cho anh chị em đọc cho vui.  Mục đích tôi viết là để giải trí, cũng mong chia sẽ với anh chị em một mục giải trí ... không giống ai của tôi.  Nhưng tôi phải viết cho hết câu truyện này.  Tôi hứa với lòng mình như thế, và sẽ làm như thế.  Cám ơn anh chị em đã bỏ thì giờ nghe và đọc...  

Thân mến... 

Trường Sơn Lê Xuân Nhị 

Xem tiếp phần 2

 https://sinhhoatnkt.blogspot.com/2024/07/ban-cham-thi-chet-phan-2-truong-son-le.html