Thursday, July 28, 2022

THỦY QUÂN LỤC CHIẾN PHÒNG THỦ MỸ CHÁNH NHƯ THẾ NÀO ? (Hùynh văn Phú) - Bút ký chiến trường: NHỮNG NGÀY DÀI TRÊN QUÊ HƯƠNG

I. Giòng sông Mỹ Chánh

Điều mà ít ai ngờ đến đã biến thành sự thật, một sự thật tàn khốc trong cuộc chiến tranh diệt chủng hiện tại. Đó là việc Hà Nội công khai xua quân tràn qua con sông ngăn cách Bến Hải với hàng ngàn xe tăng, đại pháo 130 ly và hỏa tiễn xâm lăng miền Nam Việt Nam. Và nếu chiến cuộc không bùng nổ lớn như thế, cái tên Mỹ Chánh cũng như bao nhiêu địa danh xa xôi khác trên phần đất khốn khổ này đã không trở thành quen thuộc với mọi người như hiện tại.

Vào những ngày đầu tiên của tháng 4-72 khi trận chiến bùng lên dữ dội, các căn cứ hỏa lực của ta nằm dọc theo khu phi quân sự bị thất thủ, sự sinh hoạt ở Mỹ Chánh vẫn bình thường. Người ta vẫn tấp nập đi đi về về, và giòng nước vẫn lặng lờ xuôi chảy ra Phá Tam Giang. Và cũng không một ai có thể nghĩ rằng một tháng sau đó, con sông Mỹ Chánh đã đi vào huyền sử đấu tranh của dân tộc. Bây giờ thì bất cứ người lính TQLC nào cũng có quyền hãnh diện khi nhắc đến địa danh đó. Nơi đây, gót giày xâm lăng của quân Cộng sản miền Bắc đã chùn bước và đã bỏ lại dọc theo giòng sông đó hàng trăm chiếc xe tăng đủ loại, hàng ngàn xác chết của đồng bọn khi chúng mưu toan tiến sâu hơn về phía Nam. Trong bài viết này tôi sẽ ghi lại một cách tóm lược trong truờng hợp nào mà con sông Mỹ Chánh trở thành phòng-tuyến bảo vệ Cố đô Huế từ sau cuộc lui binh (…) của Sư Đoàn 3 BB ra khỏi tỉnh Quảng Trị ngày 1-5-72, cùng những diễn biển tổng quát và những người lính TQLC đã chiến đấu như thế nào để giữ vững phòng tuyến này.

Ngày 15-4 tôi từ giã Saigon ra đơn vị trong khi học “nửa chừng” khóa học “điều chỉnh” rất ư là “Cultivateur” tại trường Bộ Binh Thủ Đức, một quân trường mà buổi sáng ngủ dậy đã có gánh hàng rong bán bánh cuốn, bún riêu la ơi ới ở đầu giường, buổi trưa thì đậu hũ và chè cháo loạn xạ. Khoảng thời gian này, từ 10-4 đến 30 tháng 4-72 Lữ đoàn 369/TQLC với các Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9/TQLC đang hoạt động ở phía Tây và Tây Bắc Mỹ Chánh trong một khu vực rộng chừng 200 cây số vuông gồm các căn cứ Nancy, căn cứ Barbara và căn cứ Động Ông Đô nhằm ngăn chận sự xâm nhập của Cộng quân từ mặt Tây Nam Quảng Trị. Đơn vị tôi thì đóng tại căn cứ Nancy nằm bên trái quốc lộ l, cách cây cầu Mỹ Chánh chừng một cây số về phía Tây Bắc, sau đó di chuyển ra đóng ở một ngôi làng nhỏ, kín đáo sát bên cạnh đường rầy xe lửa. Gần một tháng trời chịu trách nhiệm khu vực trên, các đơn vị thuộc Lữ đoàn 369/TQLC đã chiến đấu trong những hoàn cảnh cực kỳ gian khổ. Hàng ngày chạm địch liên miên từ cấp Tiểu đoàn trở lên, đại pháo 130 ly của địch nã như mưa bấc, mọi công tác tải thương đều phải di chuyển bằng đường bộ, khiêng hoặc cáng đi trên một quãng đường dài gần 10 cây số đường núi vì trực thăng không có. (…)

Nhưng dù thế nào mặc lòng, các chiến sĩ TQLC cũng đã chiến đấu hăng say trong hoàn cảnh eo hẹp đó và mọi cố gắng của địch tiến quân ra vùng đồng bằng thuộc quận Hải Lăng đều bị chặn đứng hoàn toàn. Vì ai cũng hiểu rằng nếu để địch xâm nhập được thì tỉnh Quảng Trị bị cô lập ngay và quốc lộ 1 bị cắt đứt. Do đó địch quân cay cú, hằng ngày chúng gia tăng pháo kích các đơn vị của ta. Các pháo đội của Tiểu đoàn 1 PB/TQLC phải thay đổi vị trí đặt súng ngày một, nhưng di chuyển đi đâu cũng đều bị chúng pháo theo. Tiền sát viên của địch bám rất sát mọi sự xê dịch, di chuyển của ta. Lâu lâu quân ta bắt được một vài tên có máy móc vô tuyến đàng hoàng nhưng cường độ pháo kích của địch vẫn không hề suy giảm.

Tôi đã từng nghe những tiếng nổ, tiếng rít của các loại hỏa tiễn 122 ly, 240 nhưng lần này tiếng rít xé gió đi trong không khí cũng như tiếng nổ của loại đại bác 130 ly (bắn xa 27 cây số do Nga Sô chế tạo) nghe thật khiếp. Tiếng rít xé gió bay qua đầu, tôi có cảm tưởng như là tiếng phản lực bay trên trời. Rồi tiếp theo là một tiếng nổ thật lớn nhưng ấm, mảnh văng tung tóe rơi trên những mái nhà tôn như có ai lấy thật nhiều đá ném lên. Mảnh nào mảnh nấy to bằng cái chén và văng ra xa trong vòng bán kính 200th. Chẳng có ai biết chúng đặt súng ở đâu cả (Biết thì còn nói làm chi nữa) nhưng nghe được tiếng départ ở đâu trong dãy núi xa xa rồi sau đó khoảng chừng 5, 7 giây là đạn đã bay đến nổ ầm rồi.

Thường thì chúng cứ bắn hai quả một. Lính tráng hễ nghe hai tiếng départ ùng ùng thì la to : ” Một. cặp” đó các anh em ơi! Thế là mọi người chui lẹ vào hầm. Địch bớt pháo thì chui ra. Cứ chui ra chui vào như thế suốt ngày. Cái hoạt cảnh, lên hầm xuống hầm đó có lẽ tôi chẳng bao giờ quên được, nhất là khi một mảnh đạn văng rơi trên cái mũ sắt của tôi đánh cồng một tiếng như tiếng chuông chùa. Ôi ta thương cái mũ sắt biết chừng nào! Có hôm mấy trăm quả nã vào đơn vị của tôi, ôi thôi tơi bời hoa lá nhưng khi kiểm điểm lại thì chỉ có một chết và 3 bị thương vì đạn rớt trúng ngay hầm. Giữa lúc bị pháo kích, ai nấy ở trong hầm tinh thần căng thẳng nhưng khi nghe một quả bị lép không nổ thì một mọi người lại vỗ tay cười.

Tôi cũng không biết họ nghĩ sao mà lại cười như thế, có lẽ cười vì cái khôi hài của chiến tranh tự nhiên khi không bắn giết nhau. Riêng tôi thì tôi thương cái hầm của tôi hết sức, hôm nào đổi vị trí đóng quân, tôi không tiếc cái gì hết chỉ tiếc có cái hầm mà mấy thầy trò, anh em tôi đã đào đắp công phu. Nhiều khi nhìn nó, tôi nghĩ đến sự nhiệm mầu của đất. Đất nuôi sống con người, cứu vãn con người và khi người ta buông xuôi cũng trở về với 3 thước đất. Trên cõi đời ô trọc và buồn phiền này có cái gì tồn tại hơn là đất cát. Và đó có lẽ là cái ý nghĩa sau cùng của con người nhưng buồn thay không mấy ai để ý đến, chỉ lo đi tìm những cái ảo ảnh, danh vọng để lừa dối, phản bội và bắn giết nhau.

II.Hành lang máu

Khoảng thời gian đó, ngày cũng như đêm đối với tôi thật là dài. Ngày thì nóng, nóng tàn nhẫn. Trời không một cơn gió. Mồ hôi vã ra như tắm. Bên tai lúc nào cũng nghe tiếng súng, tiếng pháo của ta và tiếng pháo của địch xen lẫn những tiếng súng nhỏ của các đơn vị đang đụng độ. Ban đêm thì trời trong, sao giăng mắc. Chùm Đại Hùng Tinh với ngôi sao Bắc Đẩu in rõ trên nền trời, còn chùm sao Hiệp Sĩ nữa, cả hai đều chỉ về phương Bắc, nơi đó thành phố Quảng Trị đang cố đẩy lui các cuộc tấn công của Cộng quân. Hỏa châu thả sáng đầy trời, thỉnh thoảng ở phía Đông những lằn lửa xẹt lên ngang bầu trời rồi vụt tắt. Có lẽ đó là hải pháo đang bắn đi từ ngoài biển, đôi khi tôi cũng thấy những cụm lửa thật to của chiếc hỏa tiễn SAM của địch bắn lên các phi cơ.

Cho đến giờ phút đó, phòng tuyến ở phía Tây Mỹ Chánh do TQLC trấn giữ vẫn vững như bàn thạch. Và không một ai nghĩ rằng Quảng Tri sẽ bị thất thủ cả. Nhưng đùng một cái, trong các ngày 28, 29 và 30-4. Cộng quân pháo kích dữ dội vào thành phố Quảng Trị. Thế là dân chúng hoảng hốt, bồng bế nhau chạy đi về Huế lánh nạn. Không thể nào kể hết những thảm cảnh của đám dân chạy nạn đó. Trong hai ngày 29 và 30-4, trên quãng đường dài từ Quảng Trị đến Mỹ Chánh, người ta đi chen chúc nhau chật cả quốc lộ từ sáng đến chiều vẫn chưa dứt. Thôi thì đủ các loại xe lớn nhỏ nối đuôi nhau đi nườm nượp về Nam. Nhưng người đi bộ, gồng gánh vẫn nhiều hơn. Dưới mắt tôi, đó là một “con rắn người” khổng lồ ngoằn ngoèo dài đến hàng mấy chục cây số. Đây là một người thanh niên cõng một người mù vừa đi vừa thở, đàng kia là một người đàn bà gánh đôi thúng, trên đó một em bé chừng 4 tuổi đang vốc cơm ăn ngon lành.

Chỗ khác, hết cả một gia đình đang ra sức đẩy cái xe bò chất đủ thứ áo quần, bàn ghế và một con heo nằm co quắp ở phía trước. Một ông già, hình như là chủ gia đình đang kéo chiếc xe một cách mệt nhọc. Chiếc máy ảnh cầm trên tay, tôi đến trước mặt ông và bấm một “bô”. Ông cố nở một nụ cười đau khổ. Không biết ông cười vì được chụp ảnh hay cười vì cảnh đời dâu bể này ? Và trong ánh nắng hoàng hôn của ngày 29-4 một bà già có tật đang khập khểnh đi nhờ chiếc gậy trên tay, cái bóng đổ dài trên mặt đường. Bà ta đi chừng mười bựớc thì lại dừng. Xa hơn một chút, một ông già và hai cháu nhỏ đang ngồi thở dốc trên vệ đường.

Ngay trước vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 5/TQLC, các anh chiến sĩ đem mấy thùng nước ra để bên đường cho dân uống, có anh đem cả phần gạo sấy của mình chia cho những gia đình đang đói lả. Dù sao đây cũng là những người còn được ít nhiều may mắn vì đã vượt về đến Mỹ Chánh. Một số lớn dân chúng bị kẹt trong vùng giao tranh giữa ta và địch tại cây cầu Bến Đá, 6 cây số Bắc Mỹ Chánh. Đó là khoảng đường “hành lang máu” của hàng ngàn dân vô tội chết oan trong khi đi lánh nạn. Lợi dụng một lỗ hổng nhỏ do sự rút quân của Tiểu đoàn 7/TQLC để đi ra tăng cường mặt trận Quảng Trị, Cộng quân đã xâm nhập được cây cầu Bến Đá và từ đó chận đốt những đoàn xe chở dân chúng cũng như bắn giết dân chạy nạn không tiếc tay.

Dân chúng đang đi trên đường thì bị hàng loạt đại bác 130 ly ngã ra chết. Những cái chết vô lý bủa chụp xuống đời họ như những nỗi kinh hoàng. Họ có biết gì đâu. Có cả một chiếc xe bị bắn lật nhào xuống hố kéo theo 30 mạng người và cái hố đó là mồ chôn chính họ luôn. Trên khoảng đường này không có một gia đình nào nguyên vẹn, kẻ mất người còn và thất lạc tứ tung.

Đấy sự nghiệp giải phóng của đoàn quân miền Bắc là như thế đó. Giải phóng người sống về mau bên kia thế giới, giải phóng tất cả sự nghiệp của mọi người trở về hai bàn tay trắng. Những hình ảnh đó có lẽ suốt đời tôi không thể nào quên được. Mỗi ngày, tôi từ vị trí đóng quân ra ngồi trên con đường sắt, con đường mà ngày xưa xe lửa đã chạy ra đến Hà Nội, nhìn đám dân lũ lượt kéo nhau đi mà lòng nghe chua xót. Tôi cố tìm trong đám người đi đó xem có ai quen thuộc không nhưng không, không có ai cả. Tôi muốn chia xẻ những nỗi khổ đau với họ nhưng tôi đã hoàn toàn bất lực

III. Bên này sông, bên kia sông

Giữa toán người đi hỗn độn đó, Tiểu đoàn 5/TQLC tung quân lên cầu Đập Đá để giải vây áp lực địch, tại đây Tiểu đoàn 7/TQLC khi đi tăng cường cho mặt trận Bắc Quảng Trị vẫn còn bị kẹt lại hai đại đội ở khúc đường này. Hai đơn vị phối hợp nhau đánh bật địch quân về phía Tây, cuộc giao tranh kéo dài suốt ngày, các chiến sĩ TQLC đã thanh toán hết các phần tử địch vừa xâm nhập ở đây.

Cho đến giờ phút đó, mặt trận phía Tây Mỹ Chánh vẫn vững như vách núi Trường Sơn, nhưng việc gì đến đã xẩy đến. Ngày 1-5-72 các đơn vị tử thủ Quảng Trị rời bỏ thành phố di chuyển về Nam. Cuộc lui binh mà trước đó mấy ngày ít ai nghĩ đến đã thành sự thật. Và tình hình bây giờ đổi khác, Lữ đoàn 369/TQLC trở thành tuyến đầu ngăn chận địch tại Mỹ Chánh, không còn một đơn vị bạn nào khác nữa.

Bám sát các cánh quân của ta vừa di tản chiến thuật ra khỏi tỉnh Quảng Trị, Cộng quân lần lần tiến theo cho đến quận Hải Lăng. Tại đây các đơn vị thuộc Lữ đoàn 369/TQLC một mặt “tiếp rước” các đơn vị bạn từ Bắc xuống, mặt khác cố đánh bật địch dội ngược trở lên. Nội trong buổi sáng ngày 1-5 Tiểu đoàn 9/TQLC đã dùng súng M.72 hạ một lúc 9 xe Tăng T.54 của Cộng sản Bắc Việt chặn đứng hoàn toàn sức tiến của địch. Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 2/TQLC đã quần thảo với địch suốt trong ngày dài nhất đó với một mục đích duy nhất: Không cho chúng tiến thêm một tấc đất nào nữa kể từ khu vực này.

Sau đó cây cầu Mỹ Chánh được giật sập ngay trong đêm và các đơn vị TQLC thiết lập một phòng tuyến mới ở bên này con sông. Theo sát những diễn biến, tôi đã nghĩ rằng nếu ngày hôm ấy mà không có các Tiểu đoàn 2 và 9/TQLC kiên trì chận đứng được địch quân tại Mỹ Chánh giữa cơn ngặt nghèo đó thì không biết chiến trường trong những ngày kế tiếp sẽ diễn biến ra sao và đến đâu. Một Nguyễn Kim Để của Tiểu đoàn 9, một Nguyễn Xuân Phúc của Tiểu đoàn 2/TQLC tại mặt trận Mỹ Chánh ngày 1-5 cũng như một Đỗ Hữu Tùng của Tiểu đoàn 6/TQLC trong trận “xa chiến lớn” tại căn cứ Phượng Hoàng ngày 9-4 là những đơn vị trưởng đã góp công không nhỏ trên chiến trường Trị Thiên suốt 60 ngày chiến đấu đẩm máu.

Họ là những sĩ quan có đầy đủ kích thước tài ba và mưu lược để chỉ huy những đơn vị cỡ trung cấp. Đại Tá Phạm Văn Chung, Lữ đoàn Trưởng LĐ369/TQLC, người chỉ huy trận đánh và đơn phương quyết định phải chặn địch ngay tức khắc tại phòng tuyến Mỹ Chánh cũng đã không tiếc lời ngợi khen hai đơn vị nói trên. (Bây giờ Đại Tá Chung về Bộ Tư Lệnh SĐTQLC làm Tham mưu trưởng hành quân, Trung Tá Nguyễn Thế Lương thay thế).

Buổi chiều, khi tôi rời Mỹ Chánh để về đóng quân tại Phong Điền, ánh nắng vàng vọt buồn bã ngả dài trên những dãy núi phía Tây lổ chổ những vệt xanh vệt trắng. Nhà cửa hai bên đường không một bóng người, quang cảnh thật thê lương. Đã nhiều lần tôi bắt gặp lòng mình lắng sâu trong lòng cảnh vật bởi tôi đã đi trên cái hoang vắng đó. Trên con đường nhựa duy nhất một ông già với chiếc bị da đã ngả mầu trên vai, đi âm thầm trong ánh nắng hoàng hôn sắp tắt.

Ông đã đi giữa buổi hoàng hôn của cuộc đời và hoàng hôn của đất trời. Nhưng ai biết được ông đi về đâu ? Tôi quay về phía sau, bóng những người lính TQLC in lên trên nền trời đang dần dần đổi sang màu đen của bóng đêm. Xa hơn, về phía Bắc những cụm khói đen khổng lồ bốc lên cao cùng những tiếng nổ ì ầm. Quảng Trị đã xa tầm tay với! Ít ra trong lúc này, niềm ước mơ có phút rỗi rảnh nào đó được “dọt” lẹ về thành phố này uống một chai bia, ăn một tô bún đã không thể thành tựu đựợc nữa.

Và cái truyện Bên Kia Giáo Đường của gôi cũng tan thành mây khói, không biết đến bao giờ mới xong vì nhân vật chính đã phiêu bạt ở phương nào rồi. Tôi cũng ước mong được trở lại căn nhà mà tôi đã trú đóng ở bên kia giòng sông Mỹ Chánh, không biết để làm gì, vì nơi đó không phải là quê hương của tôi nhưng tôi mong muốn như thế, sớm hơn. Niềm mong ước đó cũng giống như hàng vạn người dân Quảng Trị mong sớm được về nhìn giòng sông Thạch Hãn của bọ. Nhưng tôi tin chắc rằng niềm mong ước của họ lớn lao hơn, to tát hơn. Trong buổi chiều đó, khi đi ngang qua cây cầu, tôi đã “tức cảnh sinh tình”, và rất lẩn thẩn “mần” ra mấy câu “thi” thuộc loại siêu tự do, siêu khôi hài mà chỉ có những đại thi sĩ cỡ “khều mặt trời” mới mần ra nỗi. Bài thơ như sau :

Tôi ở bên này sông Mỹ Chánh,
Anh ở bên kia sông.
Đứng bên này sông,
Nhìn thấy bên kia.
Đứng ở bên kia,
Trông thấy bên nầy.
Lội ra giữa giòng sông,
Nhìn thấy cả hai bên.
Lặn xuống nước,
Chả trông thấy bên nào cả!

IV- Một quan niệm về phòng thủ tấn công

Đoàn xe chở chúng tôi rời Mỹ Chánh chừng 3 cây số về phía Nam thì thay vì chạy trên đường lại rẽ trái chạy trên khoảng đất song song với đường nhựa, có lẽ khúc đường này bị đặt mìn chưa xử dụng được. Đoàn xe chạy trên đường đất chừng 100 thước thì ầm ầm, những tiếng nổ vang dội ở trước đầu xe, bụi tung bay mù mịt không trông thấy gì cả. Ngay quả nổ đầu tiên, trong trí óc của tôi lúc bấy giờ, tôi tưởng rằng đoàn xe đã bị địch phục kích và trong phút giây, tôi cố chờ đợi những tiếng đại liên xổ ra như kinh nghiệm cho thấy những lần bị phục kích. Nhưng may quá, không có đại liên và súng nhỏ. Rồi những tiếng nổ ì ầm tiếp theo. Tôi nhận ra tiếng nổ ấm và rất quen thuộc của loại đạn M.79. Tôi chợt yên tâm hơn, phía trước 3 chiếc xe chạy đầu vẫn tiếp tục chạy, một chiếc xe Jeep đã bị nổ lốp nhưng vẫn cứ phom phom. Tôi giục tài xế:

-Tống hết ga chạy nhanh lên,

Chiếc xe chồm lên chạy giữa đám khói mịt mù cùng những tiếng nổ tiếp theo. Khổ quá! Vài người “anh em thù nghịch” mò ra ở khu rừng thấp bên phía Tây bắn M.79 vào đoàn xe của chúng tôi chơi cho vui giữa lúc bóng đêm sắp sửa xông lên từ lòng đất. Đến quận Phong Điền, kiểm điểm lại chỉ hai người bị thương nhẹ ở đùi mà thôi. Những chiếc xe chạy ở phía sau cũng đã đến an toàn. Buổi tối đó, tại chi khu Phong Điền, Thiếu Tá Bích, Quận Trưởng, một niên trưởng của tôi đã mời chúng tôi mấy chai bia, chưa bao giờ tôi thấy bia ngon như đêm hôm đó. Vài ngày sau tôi có dịp đi Huế để nhìn ngắm kết quả của cuộc lui binh ngày 1-5 ra khỏi Quảng Trị. Phố xá tiêu điều, hàng quán đóng kín cửa. Chợ Đông Ba bị đốt cháy nám đen. Huế lúc đó là một thành phố chết, không thể mua được một cái gì cả. Giòng sông Hương đã vắng bóng những con đò, “Đệ thất hạm độí” của “chị em ta” lừng danh một thuở cũng đã xuôi giòng ra cửa biển mất tăm! Huế của lãng mạn, của thơ mộng với những tà áo trắng phất phơ bay trong gió trên cầu Trường Tiền, chiếc nón bài thơ e ấp không còn nữa. Ít ra là ở trong giây phút đó.

Tuyến phòng thủ Mỹ Chánh đã đứng vững và được kéo dài thêm ra đến biển với hai Lữ đoàn 258/TQLC và Lữ đoàn 369/TQLC chịu trách rhiệm. Với một quan niệm là phòng thủ nhiều khi cũng phải tấn công để gây rối loạn hậu tuyến địch, phá vỡ việc địch tập trung để tấn công Huế và cho địch hiểu rằng ta muốn lấy lại những phần đất đã bị mất bất cứ lúc nào: ngày 13-5-72 Lữ đoàn 369/TQLC đã bất thần mở cuộc phản công vào quận Hải Lămg bằng cách trực thăng vận đổ Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 6/TQLC xuống trận địa. Trong khi đó thì Tiểu đoàn 9/TQLC lại vượt qua sông Mỹ Chánh tiến lên phía Bắc để giao tiếp với các đơn vị bạn.

Trước đó sự phối hợp yểm trợ hỏa lực phi pháo cũng như của B52 thật chặt chẽ . Trận đột kích đã gây náo loạn cho hàng ngũ Cộng quân, khi các trực thăng khổng lồ đổ những người lính TQLC xuống thì quân CSBV tan rã hàng ngũ bỏ chạy tán loạn ra các cánh đồng, trong khi đó thì dân chúng cũng bắt đầu chạy về hướng TQLC. Một sự kiện lạ là trong khi Cộng quân bỏ chạy trước các cánh quân của TĐ 3 và TB 6/TQLC ở phía Bắc, thì địch lại chịu chạm súng với Tiểu đoàn 9/TQLC lúc đơn vị này vừa bơi qua sông. Trung tá Nguyễn Kim Để, TĐT Tiểu đoàn 9/TQLC người hùng trong trận đánh chận đứng địch tại hành lang máu ngày 1-5 đã quyết định táo bạo khi cho các “con cái” của ông vượt sông lúc 5 giờ sáng thay vì 7 giờ như đã ấn định.

Chính quyết định này đã gây hoàn toàn bất ngờ đối với địch quân và giảm thiểu mức độ thiệt hại của bạn. Cuộc hành quân đã gây những yếu tố tâm lý quan trọng hiện tại và là một cuộc hành quân được phối hợp tuyệt vời nhất, kín đáo nhất. Hơn một ngàn ba trăm dân đã được giải thoát nhờ cuộc hành quân nàỵ.

V. Địch mưu toan chọc thủng phòng tuyến Mỹ Chánh

Cuộc hành quân kéo dài trong ngày và các đơn vị TQLC lại về phòng thủ tại tuyến Mỹ Chánh. Suốt trong một tuần lễ sau đó, lằn mức giao chiến giữa ta và địch tại con sông Mỹ Chánh cứ nhập nhằng, thỉnh thoảng địch cố mở vài mũi dùi dò la sức phản công của ta rồi im lặng. Cho đến ngày 22-5, trận chiến dữ dội mở màn ghi một điểm son trong pho quân sử của binh chủng TQLC. Trận đánh đã xảy ra 24 giờ đồng hồ trước khi những nút chai sâm banh được mở ra để đãi vị Tổng thống Hoa Kỳ R. Nixon trong một bữa tiệc lại thủ đô Nga Sô mà 23 xe tăng PT. 76 và T.54 của CSBV đã bốc cháy cùng 130 xác đồng bọn bỏ lại trên trận địa dọc theo phòng tuyến. Theo ước tính của tình báo, lẽ ra trận tấn công trên của địch diễn ra ngày 19-5-72 nhưng không biết vì trục trặc cái gì đó mà trễ mất 3 ngày.Và người ta nhận định rằng chỉ có khoảng thời gian đủ là thuận tiện cho việc tấn công vì ý đồ của Hà nội đã thấy rõ: Muốn biến cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Nga Mỹ thành một hội nghị Genève mới. Và nếu để sau ngày Nga du của TT. Nixon thì mọi việc kể như “xong” rồi (…)

Advertisements
REPORT THIS AD

Ngày 21-5, CSBV tung quân bộ chiến có xe yểm trợ tiến đánh một đơn vị ĐPQ tại 9 cây số Đông Bắc Mỹ Chánh. Lực lượng này không chịu nổi sức tấn cống của địch đã phải tháo lui về phía sau phòng tuyến 2 cây số. Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 3/TQLC đã tức tốc đem quân chận đứng địch, đồng thời trám lại một lỗ hổng nhỏ trên tuyến phòng thủ chính. Hậu quả của sự tháo lui của lực lượng ĐPQ nay là một vài toán chốt của địch đã xâm nhập được phía Nam sông Mỹ Chánh. Do đó con đường huyết mạch để tiếp tế cho các đơn vị TQLC đi từ quận Phong-Điền đến phía Đông-Bắc phòng tuyến bị gián đoạn trong 3 tiếng đồng hồ.

BTL/SĐ/TQLC liền quyết định tung thêm Tiểu đoàn 30/BĐQ tăng cường cho Lữ đoàn 369/TQLC. Tiểu đoàn BĐQ này di chuyển bộ từ Phong-Điền đến tiếp giáp với Tiểu đoàn 8/TQLC đang trú đóng tại 3 cây số Nam phòng tuyến để phối hợp với đơn vị này càn quét và thanh toán chốt vừa xâm nhập đêm qua. Trong khi đó thì Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 9/TQLC vẫn giữ mặt Bắc không cho địch tràn xuống. Mục đích của địch là cho các toán chốt xâm nhập trước để quấy rối ta rồi sau đó các đơn vị hỏa lực với tăng và pháo yểm trợ chọc thủng phòng tuyến.

Trong ngày 21-5, quân ta đã thanh toán xong các toán chốt của địch lẩn quất trong vùng. Bây giờ lằn ranh giao tranh giữa hai bên vẫn là con sông Mỹ Chánh. Ngay trong buổi chiều hôm đó, Tiểu đoàn 3 TQLC tung thêm một đại đội xa hơn về phía Đông vượt qua con sông Ô Lâu; chi nhánh của Phá Tam Giang ăn thông với sông Mỹ Chnh nằm chặn địch tại đó. 23 giờ ngày 21-5, khoảng 30 xe tăng PT. 76, T.54 và PT.85 của CSBV với tùng thiết (Bộ binh tháp tùng xe tăng) chia làm hai mũi dùi từ Bắc và Đông Bắc Mỹ Chánh ào ạt tiến xuống. Trận chiến bắt đầu từ giây phút này.

Đêm ấy tôi hoàn toàn thức trắng ngồi tại T.O.C. theo dõi diễn tiến trận đánh. T/Tá Lê Bá Bình – Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 3/TQTC cho lệnh các đại đội của ông sẵn sàng M.72 và chờ cho chúng đến gần 100 thước mới khai hỏa. Ngay phút đầu tiên có bảy PT.76 bị hạ. Nhằm không cho các đơn vị của ta tiếp ứng lẫn nhau, Cộng quân đã pháo kích dữ dội vào vị trí của các đơn vị Tiểu đoàn 9/TQLC trong khi tiến đánh TĐ 3/TQLC. Sau 3 giờ giao tranh, một Đại dội của TĐ 3/TQLC đã phải lui về phía sau con sông Ô Lâu một cây số. Một phi cơ soi sáng từ Đà nẵng được gọi lên vùng, hai bên lại tiếp tục quần thảo nhau. Một mũi dùi khác thọc xuống phía Nam né tránh hoàn toàn giao tranh với Tiểu đoàn 39/BBQ.

Advertisements
REPORT THIS AD

Đến đây thì cái mấu chốt của sự thảm bại của CSBV bắt đầu.

VI. Gài địch vào vùng tập trung hỏa lực

Cánh quân thứ hai của địch tưởng rằng đã chọc thủng được phòng tuyến rồi nên chúng cố thọc sâu hơn về hướng Nam từ lúc 4 giờ sáng ngày 22-5. Vùng tập trung hỏa lực của LĐ 369/TQLC tại hơn 3 cây số về phía Nam phòng tuyến với Tiểu đoàn 8/TQLC, hai pháo đội của Tiểu đoàn 3 PB/TQLC và một số chiến xa. 5 giờ, phi cơ bắt đầu soi sáng vị trí của Tiểu đoàn 8/TQLC.

Khi trái sáng cuối cùng vừa dứt, tôi nhìn đồng hồ : 5 giờ 55 phút. Mặt trời chưa lên, đó là lúc “bình minh hàng hải” vừa để đủ trông thấy mọi vật một cách lờ mờ. Cánh quân của địch vừa thoát xuống chia làm hai mũi dùi tiến thẳng tới vị trí của Tiểu đoàn 8 và hai pháo đội của TĐ3 PB/TQLC. Lúc bấy giờ mọi người đã sẵn sàng. Xạ trường ở phía trước trống trải toàn là đồng ruộng, xa hơn chừng 5 trăm thước là những lùm cây thấp. Xe tăng địch lù lù tiến đến vừa tác xạ dữ đội với đủ mọi loại súng đặt trên xe cũng như của quân di chuyển bộ. Các chiến sĩ TĐ8/TQLC và TĐ3 PB/TQLC vẫn bình tĩnh chờ đợi; không một ai nao núng.

Xe tăng địch còn cách 500 thước, 400 thước, 300 thước, 200 thước rồi 150. Tất cả súng M.72 đồng loạt khai hỏa, các khẩu pháo binh 105 ly thì bắn trực xạ. Ngay trong phát đầu tiên, các pháo thủ của pháo đội K do Tr/úy Vũ Quang Vinh chỉ huy đã hạ được một chiếc PT. 76 bốc cháy. Rồi lần lượt các chiếc chiến xa khác của địch trên một trận tuyến dài 500 thước đều bị bắn cháy. Tiếng súng hai bên vẫn nổ ròn. Trước mắt tôi chừng 500 thước một chiếc PT. 76 bị bắn cháy nhưng vẫn còn chạy được trông không khác gì một con chuột bị nguời ta tẩm xăng đốt cháy. Chiếc hỏa tiễn TOW, loại vũ khí chống chiến xa mới nhất do Hoa Kỳ cung cấp, đặt từ trong tuyến phòng thủ phóng bồi theo một quả nữa, chiếc xe tăng của địch đang chạy bỗng khựng lại, ngọn lửa bùng cháy cao hơn. Lúc bấy giờ chung quanh tôi rào rào tiếng vỗ tay reo hò của lính.

Một chiếc T.51 khác thì thê thảm hơn : Bị bắn cháy lật nằm nghiêng, ngọn lửa bùng lên từng chập như có ai đổ dầu thêm. Trong vòng 15 phút đồng hồ, tất cả xe tăng của địch đều bị hạ. Mọi người ai cũng thấy phấn khởi và lên tinh thần. Hai chiếc xe tăng khác hoảng sợ không dám tiến vào nữa mà ẩn núp sau lùm cây thấp và bị phát giác nhờ ống nhắm của chiếc hỏa tiễn TOW khi thấy hai cái ăng-ten của hai chiếc xe ló lên. Lập tức, hai chiếc phản lực cơ được gọi đến hạ ngay tại chỗ. Lúc này thì trời đã sáng, ánh sáng tạm đủ nhìn thấy cảnh vật qua lớp sương mờ mờ. Vài chiếc xe tăng không bị trúng đạn cố gắng tháo chạy về phía Bắc cũng bị phi cơ đuổi theo oanh kích cháy nốt.

Trải dài trước mắt tôi, dọc theo tuyến phòng thủ thành một hình vòng cung là 9 xác xe tăng của địch vừa PT.76 vừa T.54 nằm la liệt, lửa từ trong các xe bốc lên hừng hực. Trận chiến xảy ra như một cảnh trong cinéma. Tôi nghĩ rằng chỉ trong ciné mới có thể có được những cảnh đó nhưng sự thật đã diễn ra trước mắt tôi và đã có lúc tôi tưởng rằng đó là cơn mê. Một giờ sau, Tr/Tá Nguyễn Thế Lương, Lữ Đoàn Trưởng Lữ đoàn 369/TQLC cho lệnh Tiểu đoàn 8/TQLC tung quân truy kích địch. Cuộc chạm súng lẻ tẻ trong vòng bán kính 800 thước lại xảy ra. Các chiến sĩ TĐ 8/TQLC của Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán như say men chiến thắng ào ạt tiến lên tiêu diệt nốt những tên còn sót lại.

Thiệt hại về phía TQLC chỉ có 3 chết và 5 bị thương, một số tổn thất coi như không đáng kể. Tôi không nhớ rõ là các chiến sĩ TĐ 8/TQLC đã tịch thu được bao nhiêu súng cộng đồng và cá nhân nhưng chỉ biết là khá nhiều. Tôi cũng như bao nhiêu người khác lúc đó chỉ khoái chú ý đến những chiếc xe tăng của địch còn bốc khói nghi ngút. Đặc biệt trong số này có một chiếc xe tăng loại PT. 85. Thứ này na ná như loại M.113 của ta nhưng “đẹp” hơn nhiều. Chiếc xe đó đang được kéo về triển lãm ở Huế.

Tôi cũng không thể hiểu được Cộng quận điều binh theo cái lối nào mà kỳ quặc đến thế : cho xe tăng dàn hàng ngang trước một tuyến hoàn toàn trống trải để đưa lưng mà nhận lãnh đạn. Điều đáng ghi nhận trong trận đánh này là sự bình tĩnh vô cùng của các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến. Một chi tiết đáng ghi nhận khác là khi chiếc xe tăng đầu tiên của địch bị hạ, không một quân nhân nào của TĐ 8/TQLC còn núp ở trong hầm, tất cả đều đứng thẳng lên, M.72 trên vai ngắm xe tăng mà bóp còn. Có anh bỏ vị trí chạy ra bờ ruộng để bắn gần cho chắc ăn.

Vài giờ đồng hồ sau đó, Chuẩn Tướng Tư Lệnh SĐ/TQLC đã có mặt tại trận địa bên cạnh những chiếc xe tăng của địch còn cháy nghi ngút để khen thưởng các chiến sĩ thuộc LĐ 369/TQLC và đồng thời quyết định những kế hoạch kế tiếp.

Với chiếc máy ảnh trên tay, tôi mò ra chỗ những chiếc xẹ tăng bị hạ. Xác chết của địch nằm la liệt. Chung quanh những chiếc xe tăng, chỗ này 30 xác chết, chỗ khác 11 xác. Rất ít xác còn được nguyên vẹn. Có xác bị cháy đen thân thể co quắp lại như một đứa con nít. Nhìn họ, bỗng tôi nhớ đến buổi nói chuyện với một tù binh Cộng sản, Thượng sĩ Viên giữ chức vụ Đại đội phó thuộc Tiểu đoàn K.2 Trung đoàn 3 CSBV.

Anh nói với tôi :

– Tôi cũng biết rằng vào đây không có đánh Mỹ nữa vì Mỹ đã rút quân dân ra khỏi miền Nam rồi, nhưng lệnh bảo đi thì đi. Thế thôi, muốn cưỡng lại cũng không được. Rốt cuộc chỉ chúng ta là những người Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc bị chết trong chiến cuộc nầy.

Cũng trong trận đánh trên, TQLC tịch thu được hai khẩu súng SA. 7 (còn có tên là STRELLA) đó là loại hỏa tiễn giật tay “dò tìm hơi nóng” để bắn phi cơ. Đây là lần đầu tiên, QLVNCH tịch thu được loại vũ khí đó trên chiến trường. Thảm bại của CSBV lần này còn nặng nề hơn ngày 09-04-1972 mà TĐ 6/TQLC đã dùng súng M.72 hạ hàng loạt chiến xa địch mở đầu cho chiến dịch thi đua diệt xe tăng Cộng Sản Bắc Việt.

Những ngày kế tiếp, suốt dãy tuyến phòng thủ dọc theo Mỹ Chánh từ quốc lộ 1 ra đến biển, ngày nào cũng có xe tăng địch bị hạ, khi thì 2 chiếc khi thì 3 chiếc. Nếu không bị các đơn vị của Lữ đoàn 258/TQLC quất sụm thì cững bị LĐ.369 TQLC đốn ngã hay do phi cơ oanh kích cháy.

Ngày 25-05-1962 LĐ.147/TQLC lại mở một cuộc tấn công khác sâu hơn vào hậu tuyến địch vừa bằng trực thăng vừa đổ bộ bằng tàu của Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ, tung các TĐ.6, TĐ.7 và TĐ.4/ TQLC vào khu vực 15 cây số Đông Quảng Trị. Trước đó vài giờ, toàn bộ ban chỉ huy của Trung Đoàn 66 CSBV bị B.52 cày nát. Mặc dù vẫn có giao tranh ác liệt giữa các đơn vị TQLC với Cộng quân khi tiến sâu về phía Bắc nhưng điểm chính yếu ghi nhận được là phần lớn địch đã cố tình né tránh các cuộc tấn công của ta và đã rời bỏ vị trí tháo chạy.

Cuộc hành quân trên đã đạt được một kết quả đáng kể : hơn 5.000 dân chúng đã theo các đơn vị TQLC về quận Hương Điền an toàn. Điều đó, một lần nữa chứng tỏ rằng dân chúng không thể nào sống trong vùng do Cộng sản kiểm soát.

Đến nay thì sau những lần mưu toan chọc thủng phòng tuyến Mỹ Chánh để tiến về Huế của địch đã thất bại, thêm vào đó là Cộng quân nơm nớp lo sợ không biết ta tung quân tấn công lúc nào nên khi tôi viết những giòng này, chiến trường ở phía Đông Bắc Mỹ Chánh đã bớt sôi nổi. Mặc dù vậy, địch cũng đang cố hướng mũi dùi về phía Tây, nơi đó LĐ. 258/TQLC đang ngày đêm chận đánh kẻ thù và mọi cố gắng xâm nhập của địch đều hoàn toàn bị chặn đứng tại đây.

VII. Ngày mai trời sẽ sáng

Khác với mọi lời tiên đoán bi quan lúc đầu khi thành phố Quảng Tri bị thất thủ là cố đô Huế bị đe dọa nặng nề và không biết sẽ mất lúc nào, tình hình chung bây giờ đã sáng sủa. Những cố gắng của địch đều bị phá vỡ. Phòng tuyến Mỹ Chánh đã đứng vững. Sự sinh hoạt ở Huế đã trở lại bình thường. Nếu bỏ qua một phần những giải pháp chính trị cho chiến cuộc Việt Nam (…) theo đó sự tái chiếm Quảng Trị chưa cần thiết thì trên bình diện quân sự, việc tái chiếm Quảng Trị và những phần đất đã bị mất chỉ là vấn đề thời gian. Việc tiếp liệu về lâu về dài cho các đơn vị CSBV trên chiến trường miền Nam đã là một vấn đề nan giải trong cường độ oanh tạc miền Bắc của không lực Hoa kỳ hiện tại. Mặt khác, theo một nguồn tin tình báo Hoa kỳ thì Cộng quân sẽ đánh mạnh để chiếm Huế trong khoảng thời gian từ 03-06-1972 đến 10-06-1972. Tuy nhiên, dưới con mắt nhìn của các giới quan sát quân sự thì việc đó đối với Cộng quân khó có thể xảy ra trong thắng lợi được vì sự thiệt hại của địch quá lớn lao sau gần 2 tháng xâm lăng. Tinh thần cán binh thấp xuống đến mức e ngại mà theo tin tức thì các vị Tư lệnh chiến trường của CSBV đã khuyến cáo Hà nội cũng nên tìm một giải pháp nào cho chiến cuộc này khác hơn là ở trên chiến trường. Thế nhưng chiến trường nào cũng có thể có những diễn biến bất ngờ và sự bất ngờ đó đối với Hà nội chỉ có trong trường hợp Tướng Võ nguyên Giáp có được chiếc đũa thần.

Để kết thúc, tôi xin ghi lại ở đây nội dung cuộc phỏng vấn Chuẩn tướng Bùi thế Lân, Tư lệnh SĐ/TQLG của phái viên “đầu bạc” Nguyễn Tú của nhật báo Chỉnh luận ngày 27-5-1972, theo đó vị Tướng Tư lệnh SĐ/TQLC cho rằng : “Vấn đề chống địch, phản công địch, diệt địch, không khó. Điều quan trọng là nắm vững tình hình địch, điều quân mau lẹ như chính ông (phái viên CL) đã thấy tại trận địa và nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị bạn. Điển hình là hành quân Sóng Thần 6-72 tấn công Hảỉ Lăng ngày 25-5-72 đã được thiết kế và quyết định trong 24 tiếng đồng hồ”.

– Còn tương lai ?

– Ông không thấy trời rất đẹp sao ?

Hùynh văn Phú

No comments:

Post a Comment