Saturday, July 9, 2022

BẮT CHÚNG VỀ BẮC HÀN! - Khiết Nguyễn

Xin kính chào tất cả,
Cách nay 15 năm, chúng tôi có chuyển ngữ một bộ tài liệu sang tiếng Việt. Bộ tài liệu này nói về việc Bắc Hàn bắt cóc các công dân Nhật Bản về với nhiều mục đích khác nhau hoặc vì nhiều lý do khác nhau. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản lúc đó nhu nhược nên không dám làm mạnh, mãi cho đến khi Shinzo Abe được bầu lên làm thủ tướng. Nhân việc ông vừa bị ám sát, chúng tôi gửi lại các bạn bài này để bày tỏ lòng tôn kính và thương tiếc ông.
BẮT CHÚNG VỀ BẮC HÀN!
Vào năm 1987, Susan Richardson, một nữ tài tử điện ảnh khá nổi tiếng của Hoa Kỳ, bị các nhà làm phim bắt cóc và đem về Bắc Hàn. Thoát thân được nhờ vào một sự may mắn kỳ lạ, Susan thuật lại câu chuyện của mình nhưng không ai tin cho đến khi FBI can thiệp. Nếu Susan bị bắt cóc sớm hơn và FBI chú ý đến sự việc sớm hơn, rất có thể nhiều người khác cũng đã thoát nạn.
Một buổi chiều trung tuần tháng Chín 1977, Yutaka Kume, một người đàn ông 52 tuổi, bỗng nhiên mất tích tại Ishikawa, một tỉnh thuộc bán đảo Noto. Đúng hai tháng sau, một cô bé 13 tuổi tên Megumi Yokota tại Niigata, một thành phố biển khác cách Ishikawa không bao xa về hướng tây, đi bộ từ trường học về nhà như thường lệ và không bao giờ tới nhà. Trong lúc người ta đang nỗ lực tìm kiếm hai người này thì lại có những người khác mất tích và chính phủ Nhật hầu như không mấy quan tâm. Nhưng có một số người, kể cả những người ngoại quốc, rất chú tâm đến hai vụ mất tích này và chẳng cần tìm hiểu sâu xa, họ có thể đoán biết ai là thủ phạm.
Vào tháng Chạp 1969, một chiếc phi cơ bán phản lực YS-11 của hãng hàng không Đại Hàn vừa cất cánh khỏi phi trường Gangneung, một thành phố biển nằm ở miền trung Đại Hàn, thì bị hai tên gián điệp Bắc Hàn uy hiếp bắt phải đáp xuống phi trường Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Hàn. Chính phủ Bắc Hàn sau đó nhất định không chịu trao trả phi cơ, phi hành đoàn và hành khách cho Đại Hàn, lấy cớ rằng họ đào thoát khỏi chế độ Nam Hàn để tìm tự do tại thiên đường cộng sản Bắc Hàn. Hai tháng trước khi Yukata Kume mất tích, gián điệp Bắc Hàn âm mưu bắt cóc một nữ tài tử kiêm nhạc sĩ dương cầm Đại Hàn cùng ông chồng của bà này tại Nam Tư nhưng thất bại. Cùng thời gian này, có một số người Đại Hàn làm việc tại Libăng bỗng nhiên mất tích cùng một số âm mưu bắt cóc nhắm vào phụ nữ Đại Hàn làm việc tại đây nhưng không thành. Ngay tại Đại Hàn, một số học sinh trung học cũng bỗng dưng biến mất.
Trong khi có thêm những người Nhật bị mất tích thì lại có những người từ Bắc Hàn đào thoát vào miền nam tự do hoặc sang những quốc gia tự do khác. Qua lời khai của những người này, người ta có thể kết luận rằng các nạn nhân bị Bắc Hàn bắt cóc nằm trong ba trường hợp khác nhau. Những người lớn tuổi để cướp lấy lý lịch của họ và nạn nhân thường bị giết ngay sau đó. Thành phần thứ hai bị bắt cóc là vì họ tình cờ biết được sự hiện diện của gián điệp Bắc Hàn. Giống như thành phần thứ nhất, những người này thường bị giết chết sau khi tra tấn. Thành phần thứ ba là những người tương đối trẻ, bị Bắc Hàn bắt về để dạy cho các tên gián điệp của chế độ về ngôn ngữ, phong tục và những điều cần biết khác về địa phương và quốc gia của họ. Trong số những người thuộc thành phần thứ ba, có cả người Miến Điện và Thái Lan, hai quốc gia mà gián điệp Bắc Hàn hoạt động khá mạnh. Nhưng tìm ra bằng chứng thì không phải là chuyện dễ dàng, nhất là khi nó lại không phải là một việc mà chính phủ Nhật muốn làm.
Ngày 27 tháng Sáu 1929, có một bé trai chào đời tại Shizuka, một thành phố biển nằm ở phía đông trung bộ Nhật Bản giữa thủ đô Đông Kinh và Osaka trên đảo Honshu. Bé trai này có cha mẹ là người di dân Đại Hàn và được đặt tên là Sin Gwang-soo. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Sin trốn sang Bắc Hàn mà vào bối cảnh của một Đế Quốc Nhật lúc đó điêu tàn vì bại trận không một ai để ý. Năm 1973, Sin lén trở lại nước Nhật qua bán đảo Soto (nơi Yukata Kume bị mất tích bốn năm sau đó) là phần đất gần Bắc Hàn nhất của Nhật Bản. Việc đầu tiên của Sin tại đây là bắt cóc một đầu bếp tại địa phương và dùng danh tánh cũng như lý lịch của ông này để đi tới nhiều thành phố lớn của Nhật trong đó có Kyoto, Osaka và thủ đô Đông Kinh là những nơi mà Sin quá quen thuộc trước đó. Trong thời gian ở Nhật, việc công tác chính yếu của Sin là hoạt động gián điệp phá hoại Đại Hàn và bắt cóc công dân Nhật Bản. Hầu hết những vụ bắt cóc đều xảy ra tại những vùng bờ biển phía tây của Nhật Bản vì từ đây qua đường biển về thẳng Bắc Hàn rất gần mà lại không phải đi qua một vùng đất nào khác. Sin lẻn sang Đại Hàn hoạt động được một thời gian thì bị bắt vào năm 1986. Trong những lần thẩm vấn vào năm 1988, Sin thú nhận tất cả tội trạng và bị kết án tù chung thân. Tuy nhiên, năm 1999, chính phủ Đại Hàn ân xá cho một số tù nhân nhân dịp nhân loại bước sang thiên niên kỷ mới và Sin nằm trong danh sách những người được trao trả cho Bắc Hàn vào năm 2000. Bắc Hàn chào đón Sin trở về như một “anh hùng dân tộc”.
Năm 2006, Nhật có thủ tướng mới là Shinzo Abe, một người thuộc phe quốc gia. So với các vị thủ tướng tiền nhiệm, ông này là một người có chính sách cứng rắn hơn đối với Bắc Hàn và qua chỉ thị của ông, trong một cuộc hội thảo với đại sứ Bắc Hàn Song I-Ho tại Bắc Kinh, đại diện chính phủ Nhật Bản chính thức yêu cầu Bắc Hàn dẫn độ Sin về Nhật vì tên này sinh trưởng tại Nhật và có quốc tịch Nhật đồng thời cũng phạm tội ác trên đất Nhật. Song từ chối vì theo y, Sin là người Bắc Hàn và là anh hùng của Bắc Hàn. Thật ra thì trước khi Shinzo Abe lên làm thủ tướng, chính phủ Nhật, vốn bị đảng Xã Hội thiên cộng của Nhật thao túng, cũng không muốn làm lớn sự việc các công dân của họ bị Bắc Hàn bắt cóc và một số trong đó bị thủ tiêu, nếu gia đình của nạn nhân không lớn tiếng vận động lôi cuốn được sự chú ý của cả Liên Hiệp Quốc.
Sau khi cô bé có khuôn mặt u buồn Megumi Yokota bị mất tích vào ngày 15 tháng Mười Một 1977, người ta lần lượt ghi nhận được những nạn nhân khác như sau.
Năm 1978, Yasushi Chimura cùng vị hôn thê là Fukie Hamamoto cùng biến mất với nhau tại công viên Obama thuộc thành phố cảng Fukui. Cả hai đều 23 tuổi.
Tháng Sáu cùng năm, một phụ nữ 23 tuổi tên là Yaeko Taguchi bị mất tích ngay tại thủ đô Đông Kinh.
Cùng tháng, chàng thanh niên 28 tuổi Minoru Tanaka bị dụ ra ngoại quốc và cuối cùng bị đưa ta Bắc Hàn.
Đến ngày 12 tháng Tám, chàng thanh niên 24 tuổi Rumiko Masumoto và cô bạn gái cùng tuổi Shuichi Ichikawa bị mất tích tại thành phố cảng Fukiage thuộc tỉnh cực nam Kagoshima của đảo Kyushu.
Vài ngày sau, một phụ nữ 46 tuổi tên là Miyoshi Soga và cô con gái 19 tuổi Hitomi Soga bị mất tích tại đảo Sado thuộc Niigata là nơi Megumi Yokota bị mất tích.
Tháng Năm 1980, một thanh niên 23 tuổi tên là Toru Ishioka cùng người bạn 27 tuổi Kaoru Matsuki bị mất tích tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.
Tháng Sáu cùng năm, Tadaaki Hara, một người đàn ông 44 tuổi bị mất tích tại Miyazaki, một tỉnh cực nam khác của đảo Kyushu, nằm sát cạnh Fukiage về phía đông.
Tháng Sáu 1983, cô gái 23 tuổi Keiko Arimoto mất tích lúc đang ở thủ đô Luân Đôn của Anh. Cuộc điều tra sau đó cho thấy cô này được một người bạn học là Megumi Yao đưa đi giới thiệu việc làm tại một nơi nào đó.
Cùng thời gian này, Kauru Hasuike, 23 tuổi, mất tích cùng với cô bạn gái 24 tuổi Yukiko Okudo.
Sau khi thấy những lời kêu gọi của mình không được chính phủ Nhật Bản đáp ứng, gia đình các nạn nhân liền kết hợp với nhau thành một tổ chức có tên là Hiệp Hội Gia Đình Những Nạn Nhân Bị Bắc Hàn Bắc Cóc. Hiệp hội này nhanh chóng được sự hỗ trợ rất đáng quí về tinh thần của những người Đại Hàn lớn tuổi. Những người này mạnh dạn tố cáo việc Bắc Hàn áp dụng chính sách bắt cóc truyền thống của họ mà bằng chứng là trong cuộc chiến Cao Ly, bọn này đã bắt cóc một số khá đông thường dân Nam Hàn và một số Bắc Hàn để đưa ra làm dân công tải đạn tại chiến trường. Những người may mắn sống sót rồi cũng bị chúng thủ tiêu để bịt miệng. Số người thoát thân được rất ít. Lúc đầu, tuy hiệp hội này được sự ủng hộ rất đáng quí của khá đông đồng hương nhưng lại bị đám chính trị gia trong đảng Xã Hội thiên tả tìm mọi cách gây cản trở đồng thời giới truyền thông của Nhật cũng không mấy quan tâm mãi cho đến khi Sin Gwang-soo thú tội vào năm 1988. Cũng đúng vào thời gian này, một chuyện khác quan trọng không kém xảy ra.
Một buổi chiều nọ, người đưa thư gõ cửa nhà gia đình Ishioka và trao cho họ một lá thư gửi đến từ ngoại quốc. Ông bà Ishioka nhìn ngoài bì thư thì thấy dóng dấu của bưu điện Ba Lan. Bên trong bì thư là một lá thư mà căn cứ vào nếp gấp cũ còn hằn lại, ông bà Ishioka biết rằng nó đã được gấp lại rất nhiều lần cho nhỏ và có vẻ như, căn cứ theo màu giấy, đã được viết trước đó mấy năm. Kèm theo bức thư là một mảnh giấy nhỏ có mấy chữ ‘Xin vui lòng gửi lá thư này đi Nhật giùm chúng tôi. Địa chỉ có ghi trong thư’ và ba tấm hình trong đó một tấm là hình chụp Toru Ishioka, một là hình chụp Keiko Arimoto và một là hình chụp một em bé.
Trong lá thư, Toru Ishioka cho biết anh, Keiko Arimoto và Kaoru Matsuki hiện đang sống chung với nhau tại Bắc Hàn. Đọc thư xong, ông bà Ishioka biết ngay rằng con trai mình và các bạn bị bắt cóc đem về Bắc Hàn và bị canh giữ ngày đêm nhưng vì một lúc lơ đễnh nào đó của lính gác, đã nhờ được người chuyển lá thư này ra ngoài và sau một thời gian dài, lá thư vào được tay một du khách ngoại quốc hoặc có thể là một cố vấn của khối Cộng, căn cứ vào việc nó được gửi đi Nhật từ Ba Lan. Cho đến lúc đó, gia đình Keiko Arimoto và Kaoru Matsuki mới thực sự tin rằng con của mình còn sống và nằm trong tay Bắc Hàn.
--------------------------------------------
Vụ này được giới truyền thông toàn cầu chú ý đến bởi vì cả ba người Toru Ishioka, Kaoru Matsuki và Keiko Arimoto đều bị mất tích tại Âu Châu và chính quyền sở tại vẫn còn đang điều tra. Rất nhanh chóng, người ta tìm ra manh mối.
--------------------------------------------
Tháng Ba 1970, có bốn người Nhật tên Takahiro Konishi, Shiro Akagi, Moriaki Wakabayashi và Kimihiro Abe thuộc một nhóm cực tả xưng danh là Phần Tử Hồng Đạo Binh cướp một chiếc phi cơ phản lực Yodogo của hãng hàng không Nhật và buộc phi công hạ cánh xuống Bình Nhưỡng (Pyongyang), thủ đô của Bắc Hàn. Không biết gì về quốc gia cộng sản này, cả bốn tên dự định sẽ ở lại Bắc Hàn khoảng một năm rưỡi để được huấn luyện về quân sự với mục đích có đủ khả năng và kiến thức để làm một cuộc “cách mạng” cướp chính quyền tại quê nhà Nhật Bản.
Chủ tịch Bắc Hàn Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này. Y ra lệnh cho thuộc hạ ưu đãi bốn tên cách mạng trẻ con này và cung cấp nơi ăn chốn ở như những thượng khách. Sau đó, những tên cán bộ chính trị nham hiểm nhất của chế độ thay phiên nhau nhồi sọ bốn tên không tặc này và thành công nhanh chóng đến mức cả bốn tên đều tin rằng để báo đáp lại hồng ân của “Chủ tịch Kim vĩ đại đáng kính”, cả bốn tên chỉ có một cách duy nhất là thực hiện một cuộc cách mạng để biến quê hương Nhật Bản của chúng thành một “thiên đường Cộng Sản” như Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Sau mấy năm được “giáo dục”, bốn tên cựu không tặc được cho biết rằng để “cách mạng” nơi quê nhà có thể thành công, chúng cần tuyển mộ thêm người. Trước hết, bốn tên này đều được “Bác Kim” dàn xếp để kết hôn với những phụ nữ Nhật Bản mà bằng cách này hay cách khác đã bị dụ đến hay bắt cóc về Bắc Hàn. Sau đó, cả bọn lần lượt được cử sang Âu Châu với bề ngoài là những nhà kinh doanh nhưng với sứ mạng do thám và bắt cóc. Bốn tên cựu không tặc được phép đem vợ theo nhưng phải để con lại Bắc Hàn làm con tin. Việc những tên không tặc này xâm nhập vào Âu Châu đương nhiên bị phát giác và theo dõi đồng thời việc mất tích của Toru Ishioka cùng và Kaoru Matsuki tại Madrid và Keiko Arimoto mất tích tại Luân Đôn trong thời gian mấy tên cựu không tặc có mặt tại đây đủ cho nhà chức trách địa phương đặt vấn đề. Điều đáng thắc mắc ở đây là cả bốn tên không tặc đều có tên trong danh sách bị truy nã trên toàn thế giới kể từ khi chúng cướp phi cơ vào năm 1970 nhưng các chính phủ Anh và Tây Ban Nha lại không bắt chúng mà chỉ theo dõi.
Sau khi cặp Kaoru Hasuike-Yukiko Okudo, Yasushi Chimura-Fukie Hamamoto và Shuichi Ichikawa-Rumiko Masumoto lần lượt mất tích, cảnh sát Nhật không hề mở một cuộc điều tra nào cả mà chỉ tìm hiểu sự việc một cách hết sức lấy lệ. Gia đình của những người xấu số này được cảnh sát và nhà cầm quyền địa phương cho biết rằng những cặp này bỏ trốn vì có vấn đề gì đó với gia đình. Lối kết luận vô trách nhiệm này khiến cho gia đình các nạn nhân cực kỳ căm phẫn. Kaoru Hasuike đang viết đến phần cuối luận án của mình khi mất tích. Kaoru Hasuike thì nói với bạn đồng sự của mình là ngày hôm đó cô sẽ đi chơi với Kaoru. Yasushi Chimura và Fukie Hamamoto thì đã đính hôn không những với sự chấp thuận mà còn với sự hài lòng của cả hai họ. Rumiko Masumoto thì có dặn người em trai Teruaki rằng cô sẽ cùng Shuichi Ichikawa ngắm cảnh hoàng hôn và sẽ về trễ. Sau khi cặp này mất tích, người ta thấy chiếc xe hơi của Shuichi vẫn còn đậu tại bãi biển và chiếc máy chụp hình vẫn còn trong xe. Đem cuộn phim trong máy đi rửa, người ta thấy hình hai người tươi cười thắm thiết với nhau, không có vẻ gì để có thể nghi ngờ rằng họ sắp bỏ trốn. Đúng vào lúc đó, một sự việc khác xảy ra.
Một buổi tối tháng Tám 1978, một cặp vợ chồng trẻ bị mấy tên lạ mặt toan tính bắt cóc nhưng không thành. Khi chạy thoát thân, bọn này để lại nhiều vật dụng trong đó có những miếng cao-su bịt miệng và hai bao nylon đựng xác người. Trên những thứ này không ghi nơi sản xuất nhưng căn cứ vào phẩm chất quá tệ, người ta nhận ra ngay rằng chúng được chế tạo tại một quốc gia đang phát triển nào đó chứ không phải chế tạo tại Nhật. Điều này ăn khớp với việc bọn bắt cóc người nói tiếng Nhật rất dở. Sau một thời gian điều tra, ký giả Masami Abe viết một bài báo trên tờ Sankei Shimbun lưu ý chính quyền và dân chúng về việc ba vụ bắt cóc xảy ra trong cùng năm và tại cùng một bờ biển. Chính quyền Nhật hầu như không quan tâm đến bài báo này và mãi đến sau này họ mới quan tâm và chỉ thực sự khi đã quá trễ và khi họ không thể làm ngơ được. Nhưng chính phủ Nhật vẫn không muốn tin rằng Bắc Hàn có liên quan đến những vụ mất tích này bởi vì theo họ nghĩ, Bắc Hàn bắt cóc các công dân Nhật để làm gì.
Kim Hyun Hui chào đời ngày 27 tháng Giêng 1962 tại Kaesong, Bắc Hàn. So với đại đa số dân chúng Bắc Hàn thì Kim là một cô gái may mắn và càng may mắn hơn nữa khi có được trí thông minh và nhan sắc hơn người. Vì cha là một nhà ngoại giao nên Kim có dịp cùng gia đình sống tại Cuba và một số quốc gia khác và vì lý do đó, có đời sống vật chất đầy đủ hơn đồng bào của mình. Sau khi gia đình trở về Bắc Hàn, Kim lên đại học và tự ý chọn học Nhật ngữ và đây là một lựa chọn có tính cách định mạng: thấy Kim học tiếng Nhật rất mau và tỏ ra thích thú với ngoại ngữ này, tình báo Bắc Hàn tuyển chọn Kim vào làng gián điệp. Từ đây, Kim mang bí danh Ok Hwa.
Ngay sau khi gia nhập làng điệp báo, Kim được đưa về một trại kín nằm ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn. Tại đây, Kim học võ và học tiếng Nhật thêm ba năm nữa. Người dạy tiếng Nhật cho Kim là một thiếu phụ tuy xưng là người bổn xứ và có cái tên Đại Hàn là Eun Hae nhưng Kim có nhiều lý do để tin rằng đây là một người Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc.
Ngoài việc học và huấn luyện, Kim cùng các bạn đồng khóa còn phải xem những cuốn phim tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, xuyên tạc về thế giới tự do và đương nhiên là cả những cuốn phim ca tụng thiên đường đỏ Bắc Hàn. Trước khi ra trường, Kim phải qua một thời kỳ thử thách rất gắt gao và cuối cùng, người ta đưa cô đến một cấu trúc tân kỳ và kiên cố có lính gác cẩn mật. Kim được cho biết nhiệm vụ của cô là đột nhập vào “toà đại sứ” này và đánh cắp một số tài liệu đựng trong tủ kín có lính gác ngày đêm. Kim hoàn thành “điệp vụ” này một cách tốt đẹp trong khi thượng cấp theo dõi từng động tác của cô qua hệ thống máy quay phim chằng chịt khắp nơi. Và thế là nữ điệp Ok Hwa của tình báo Bắc Hàn ra trường.
Trước khi được trao nhiệm vụ, Kim được gửi sang Trung Hoa Lục Địa để học Hoa ngữ một thời gian và sau đó du hành sang Âu châu cùng với một ông già 70 tuổi mà Kim chỉ biết qua cái tên Kim Sung Il. Được đi Âu châu là một “đặc ân” của đảng mà bất cứ một cán bộ nào của Bắc Hàn cũng mơ ước nhưng lúc đó Kim không mong muốn gì hơn là được về với gia đình. Đã hơn ba năm, Kim không được gặp mặt bất cứ thân nhân nào của mình và qua trung gian, Kim được tin người em trai của mình mới qua đời và sau đó người anh rể của mình cũng mất. Chưa bao giờ Kim muốn ở gần cha mẹ và anh chị em hơn lúc này.
Vào năm 1985, chính phủ Bắc Hàn yêu cầu Đại Hàn cho chúng cùng đứng ra tổ chức Thế Vận Hội 1988. Chính phủ Hán Thành từ chối. Năm sau, Bình Nhưỡng lập lại lời yêu cầu kèm theo lời đe dọa sẽ khủng bố và phá hoại triền miên nếu Hán Thành không đồng ý. Một lần nữa, Hán Thành thẳng thừng từ chối. Ngay sau đó, Bắc Hàn trao cho Kim Hyun Hui nhiệm vụ đầu tiên của đời điệp viên.
Kim và ông già Kim Sung Il sang Âu châu để thực hiện một sứ mạng mà người ta nói rằng do chính Chủ tịch Kim Chung Nhất (Kim Jong Il) ra lệnh và nó có tầm mức quan trọng trong việc thống nhất Bắc Hàn và Nam Hàn. Kim dùng thông hành giả với cái tên Nhật Mayumi Hachiya và ông già 70 tuổi Kim Sung Il đóng vai cha của cô. Hai người đến thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi để gặp một số điệp viên của Bắc Hàn đang chờ sẵn tại đây và bọn này trao cho “hai cha con” những thứ cần thiết.
Ngày 29 tháng Mười Một 1987, chiếc phi cơ Boeing 707-3B5C mang số trước tịch HL-7406 của hãng Hàng Không Đại Hàn cất cánh khỏi phi trường Baghdad của Iraq. Đó là phi vụ KAL 858 và theo phi trình, chiếc phi cơ này ghé qua phi trường Abu Dhabi của Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống Nhất (United Arab Emirates = UAE) rồi sau đó nó lại cất cánh để đến phi trường Don Mueang tại thủ đô Vọng Các (Bangkok) của Thái Lan trước khi về phi trường Gimpo tại thủ đô Hán Thành (Seoul). Sau khi cất cánh khỏi phi trường quốc tế Abu Dhabi, chiếc HL-7406 trực chỉ hướng đông. Khi vừa bay qua Tích Lan (Sri Lanka) và đang trên biển Andaman nằm giữa Ấn Độ và Thái Lan, chiếc cơ phát nổ. Tất cả 115 hành khách và phi hành đoàn không một ai sống sót.
Gần như ngay lập tức, tình báo Đại Hàn và UAE tìm ra nghi phạm. Đó là một ông già và một thiếu phụ dùng thông hành của Nhật đáp chuyến bay KAL 858 từ Baghdad đến Abu Dhabi và sau đó đáp chuyến bay khác đến Bharain. Khi thấy cảnh sát tại phi trường ập đến, Kim Sung Il cắn viên thuốc chứa cyanure giấu trong điếu thuốc lá và chết tại chỗ. Kim Hyun Hui cũng nhanh tay làm theo nhưng không chết. Người ta đem cô vào bệnh viện cấp cứu và sau đó bắt đầu thẩm vấn.
Lúc đầu, Kim khai tên là Pai Chui Hui, một cô gái mồ côi sinh trưởng tại một tỉnh miền bắc Trung Hoa Lục Địa và người đi cùng với mình trong chuyến bay là một ông già người Nhật mà cô gặp gỡ trong một dịp tình cờ. Đương nhiên là các nhân viên thẩm vấn đâu tin nổi một lời khai gian vụng về đến mức đó bởi vì Kim nói tiếng Trung Hoa rất dở. Một nhân viên thẩm vấn vặn hỏi Kim rằng một cô gái và một ông già “gặp nhau một cách tình cờ” mà lại gắn bó với nhau như vậy thì quả là chuyện lạ, trừ khi giữa hai người có gì với nhau. Nghe xong, Kim nổi giận tung mấy đòn Thái Cực Đạo khiến các nhân viên thẩm vấn té lăn quay. Nhanh tay, Kim chụp lấy khẩu súng của một lính canh đang cố gắng giữ mình lại và tính tự tử nhưng những người lính khác ập đến đè cô xuống và còng tay còng chân lại. Sau đó, người ta đem Kim về Đại Hàn.
Khi còn sống dưới chế độ cộng sản Bắc Hàn, Kim được đảng và nhà nước “giáo dục” rằng tại miền Nam, văn hoá đồi truỵ của lính Mỹ xâm lược đã hủy diệt văn hoá của người Cao Ly và rằng chỉ có một thiểu số những kẻ theo Mỹ là sống trong sự giàu sang vì chúng bóc lột người nghèo. Từ phòng giam kiên cố, Kim có thể nhìn thấy đời sống bên ngoài trái hẳn với những gì mà chế độ Bắc Hàn đã nhồi vào đầu cô. Kim không thấy một người lính Mỹ nào cả. Kim chỉ thấy những thiếu phụ Đại Hàn mặc quốc phục khiêm tốn đi bên chồng hoặc những cô gái trẻ trung ăn mặc đầy đủ cùng nhau đi mua sắm. Tóm lại, Kim thấy sự phồn thịnh của thủ đô Hán Thành của Đại Hàn không thua gì các thành phố lớn của các nước Âu Châu và đương nhiên là hơn hẳn Bình Nhưỡng. Từ đó, Kim biết mình đã bị chế độ Bắc Hàn đánh lừa, lợi dụng và cung khai tất cả với nhà cầm quyền Đại Hàn.
--------------------------
Trong một cuộc họp báo tại Hán Thành vào tháng Giêng 1988, Kim Hyun Hui khai rằng cô và ông già Kim Sung Il làm một trái bom với 350 grams chất nổ cực mạnh C-4 và giấu trong một chiếc máy thu thanh rồi để lại trong ngăn chứa hành lý trên đầu cùng với một chai rượu khai vị có chứa 750 mililitre chất nổ PLX khi rời phi cơ tại Abu Dhabi. Không cần đợi người ta hỏi, Kim khai tiếp rằng mình là một điệp viên ngoại hạng của Bắc Hàn chuyên về khủng bố phá hoại và đánh cắp tài liệu.
Khi được hỏi về tiếng Nhật của mình, Kim khai rằng ngoài việc học Nhật ngữ tại đại học, cô còn học thêm về ngôn ngữ và phong tục của Nhật tại trường gián điệp mà người dạy cô là một phụ nữ tuy xưng là người Đại Hàn và có tên Đại Hàn là Eun Hae nhưng Kim một mực tin rằng đó là một người Nhật bị bắt cóc. Khi Kim tả hình dáng, tuổi tác và dung mạo của thiếu phụ này theo lời yêu cầu của các ký giả thì người ta nhận ra ngay đó là Yaeko Taguchi, người đã biến mất ngay tại thủ đô Đông Kinh vào tháng Sáu 1978. Sau đó, Kim khóc lóc bày tỏ sự hối hận và xin gia đình các nạn nhân tha thứ cho mình. (1)
Những lời khai của Kim làm người Nhật rất chú ý nhưng đối với gia đình Taguchi thì nó đem đến một tai hoạ mới. Khi Yaeko biến mất trước đó gần 10 năm, họ rất đau khổ và bây giờ, khi nghe tin Yaeko mình còn sống, họ lại càng đau khổ hơn khi người ta cho biết rằng Yaeko bỏ lại hai đứa con thơ để theo quân khủng bố. Chính quyền Nhật lúc bấy giờ không tin rằng Yaeko Taguchi bị Bắc Hàn bắt cóc và suốt mấy năm trời sau đó, gia đình Taguchi chịu đựng biết bao đắng cay tủi nhục.
Trong khi gia đình của Taguchi biết chắc rằng Yaeko còn sống và đang ở Bắc Hàn thì gia đình Megumi Yokota phải đợi gần 10 năm sau mới được tin về cô bé bất hạnh này, dù rằng tin này không có gì là xác đáng.
Năm 1997, một nghị sĩ quốc hội Nhật tên là Tatsukichi Hyomoto đến thăm ông bà Yokota. Ông này cho ông bà Yokota biết rằng ông mới đọc một bài báo mà tác giả là Kenji Ishidak, một đạo diễn chương trình truyền hình của công ty Asahi Broadcasting. Trong bài báo này, Kenji thuật lại rằng ông đã phỏng vấn một điệp viên Bắc Hàn bị bắt tại Đại Hàn có tên là Ahn Myung Jin và y cho ông biết rằng trong số những người Nhật bị bắt cóc và đang bị cầm giữ tại Bắc Hàn, y có gặp mười người trong đó có một thiếu nữ rất nhỏ tuổi. Vì trong số những người Nhật bị mất tích chỉ có Megumi Yokota là nhỏ tuổi nên cả Tatsukichi Hyomoto lẫn gia đình Yokota đều tin thiếu nữ đó là Megumi. Ahn còn khai thêm rằng Bắc Hàn quyết định bắt cóc Yutaka Kume trước hết vì ông này không có thân nhân, không có tiền án và không mắc nợ một ai nên chúng bắt ông để sử dụng tên tuổi và lý lịch của ông này mà không sợ bị lộ diện. Tadaaki Hara thì bị dụ dỗ đi nhận một việc làm có thù lao rất hậu và cuối cùng bị bắt về Bắc Hàn. Chính Ahn đã sử dụng lý lịch của ông này khi xâm nhập vào miền Nam và rồi bị bắt. Một điều mà ai cũng thắc mắc là chính phủ Nhật không hề quan tâm đến bài báo của đạo diễn Kenji Ishidak và cũng không hề cho người đến gặp Ahn để tìm hiểu thêm sự việc. Sau khi Nghị sĩ Tatsukichi Hyomoto đến thăm ông bà Yokota thì một nghị sĩ khác đem vấn đề này ra trước quốc hội Nhật.
Với một sự chân thành và can đảm hiếm có, Nghị sĩ Shingo Nishimura lớn tiếng tố cáo những nghị sĩ và dân biểu thuộc đảng Xã Hội thiên cộng đã đến thăm Bắc Hàn cả trăm lần trong suốt 20 năm qua, kể từ ngày xảy ra vụ bắt cóc Yutaka Kume, nhưng không một kẻ nào dám mở miệng hỏi Bắc Hàn về những vụ bắt cóc công dân Nhật Bản chỉ vì sợ tổn hại đến “sự bang giao giữa hai quốc gia”. Chính phủ Nhật vốn tỏ ra khiếp nhược trước Bắc Hàn, lại có thêm áp lực từ bên đảng Xã Hội, sau đó vẫn chẳng có một hành động nào cụ thể để cứu vớt công dân của mình mà ngoài ra, còn tiếp tục gia tăng viện trợ cho Bắc Hàn. Ngoài ra, còn phải nói đến cái gọi là “Hội Tương Trợ Nhật – Bắc Hàn Chongryon” do cộng sản tạo dựng lên đã bòn rút của những người Nhật có lòng hảo tâm biết bao nhiêu tiền và chuyển lậu về Bắc Hàn qua chiếc tàu Man Gyong Bong. Chiếc tàu của Bắc Hàn này còn được biết đến nhiều qua việc chuyển lậu vào Nhật những lượng ma túy rất lớn do Bắc Hàn chế tạo nhưng chính phủ Nhật khiếp nhược đến mức vẫn cho phép nó cập bến để chở thực phẩm và thuốc men viện trợ về Bắc Hàn, mặc cho dân chúng Nhật biểu tình phản đối. Luận điệu cố hữu của chính phủ Nhật và đám nghị sĩ thiên tả là không có bằng chứng rõ ràng rằng chính phủ Bắc Hàn chủ mưu những vụ bắt cóc các công dân Nhật Bản. Chính luận điệu này sau đó đã tạo một một lối thoát cho Kim Chung Nhất đồng thời sẽ đem lại cho Bắc Hàn một món quà mà chúng không hề dám mơ tưởng. Bây giờ thì chúng ta nhìn lại xem những động lực nào đã khiến cho chính phủ Nhật dù rằng không muốn, cũng đã phải đem việc những công dân của họ bị mất tích ra bàn thảo với Bắc Hàn và chỉ miễn cưỡng làm điều đó năm năm sau khi Nghị sĩ Shingo Nishimura đem việc các công dân Nhật bị bắt cóc ra trước quốc hội.
Như chúng ta đã biết qua phần đầu, Toru Ishioka cùng người bạn 27 tuổi Kaoru Matsuki bị mất tích tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vào tháng Năm 1980 và cô gái 23 tuổi Keiko Arimoto mất tích tại thủ đô Luân Đôn của Anh vào tháng Sáu 1983.
Kaoru Matsuki lúc đó đang theo học mấy khoá về ngôn ngữ còn Toru Ishioka thì đang nghiên cứu về cách chế biến một số thực phẩm làm từ sữa bò thì cả hai “tình cờ” quen biết một thiếu phụ người Nhật. Đang cô đơn trên đất khách quê người mà gặp được một phụ nữ đồng hương khả ái thì đương nhiên là hai thanh niên này mừng lắm nên khi thiếu phụ này đề nghị hai chàng cùng làm một chuyến du hành ngắn ngày sang các nước cộng sản Đông Âu thì hai chàng đồng ý ngay. Keiko Arimoto đang học Anh ngữ tại Luân Đôn thì được một bạn học cũng người Nhật tên là Megumi Yao đề nghị cùng cô thực hiện một cuộc nghiên cứu thị trường có người trả lương sau khi xong khoá học. Megumi nhận lời và mất tích. Thiếu phụ Nhật đã dụ Kaoru Matsuki và Toru Ishioka sang Đông Âu là vợ của một trong bốn tên không tặc chiếc phi cơ của hàng không Nhật Bản và đáp xuống Bắc Hàn vào năm 1970 mà chúng ta đã biết ở phần trước. Sang đến Đông Âu cộng sản, Kaoru và Toru được bọn không tặc này chờ sẵn và với sự đồng loã của chính quyền cộng sản anh em, bọn không tặc bắt cóc Kaoru và Toru đem về Bắc Hàn một cách êm thắm. Riêng Megumi Yao, người chủ mưu bắt cóc Keiko Arimoto, cũng là vợ của một trong bốn tên không tặc. Keiko bị Bắc Hàn bắt cóc để ép hôn với một trong những người đàn ông mà chúng đã bắt cóc trước đó. Cóc chết ba năm quay đầu vêà núi, tháng Ba 2002, Megumi Yao thoát được về Nhật và cung khai tất cả trước một toà án tại thủ đô Đông Kinh.
Megumi Yao không phải là một thành viên của Phần Tử Hồng Đạo Binh và cũng không hề quen biết bốn tên không tặc và cũng chẳng hề chú ý đến vụ này vì lẽ đơn giản là cô chỉ mới 14 tuổi khi Takahiro Konishi, Shiro Akagi, Moriaki Wakabayashi và Kimihiro Abe dùng gươm và bom tự chế cướp chiếc Yodogo bay ra Bắc Hàn. Vài năm sau đó, giữa lúc mà cô bé dậy thì này bỗng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết thì cô nghe nói đến một nhóm bạn trẻ được thành lập để cùng nhau tìm hiểu về thuyết “Tự Quản” mà cha đẻ là Kim Chung Nhất. Để có thể học hỏi về thuyết này một cách thực tế, Megumi Yao và một số bạn cùng nhóm sang Bắc Hàn và thế là lọt vào hang cọp. Cô bị ép buộc phải kết hôn với một trong bốn tên không tặc nói trên và sau đó cùng chồng và các đồng chí thực hiện các vụ bắt cóc đồng bào mình theo lệnh của Bắc Hàn.
Sau đó, vào ngày 17 tháng Bảy 2002, Megumi Yao được đưa ra trước đảng đối lập của Nhật lúc đó là Đảng Dân Chủ Nhật Bản để trình bày sự việc. Megumi, lúc này đã 46 tuổi, lập lại những gì đã trình bày trước toà án lúc đó. Megumi còn lưu ý rằng việc bốn tên không tặc đang xin trở về Nhật có thể nằm trong một âm mưu đen tối nào đó của Bắc Hàn. Cuối cùng, Megumi đề nghị rằng quốc hôäi và chính phủ Nhật nên có một đạo luật nào đó để bảo vệ các công dân của mình và lưu tâm hơn đến những công dân của mình đã bị Bắc Hàn bắt cóc.
Với những bằng chứng mới mẻ này, Đảng Dân Chủ Nhật Bản làm áp lực với chính phủ và đúng hai tháng sau, ngày 17 tháng Chín, Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi bay sang Bình Nhưỡng để gặp Kim Chung Nhất.
Khác hẳn với sự mong đợi của công chúng Nhật và nhất là gia đình các nạn nhân, Thủ tướng Koizumi tại cuộc hội nghị thượng đỉnh này không dám nói thẳng vấn đề với Kim Chung Nhất. Trước hết, Koizumi xác nhận với Kim rằng chính phủ Nhật vẫn tiếp tục viện trợ nhân đạo cho Bắc Hàn và sẽ có một chương trình viện trợ đặc biệt khác để đổi lại việc Bắc Hàn giúp Nhật tìm hiểu về số phận của một số công dân Nhật Bản bị mất tích mà vụ đầu tiên xảy ra đã hơn 25 năm. Với vẻ mặt không lộ một chút tình cảm nào như thường lệ, Kim xác nhận rằng có 13 người Nhật bị bắt cóc và hiện đang ở Bắc Hàn. Kim trơ tráo nói rằng những vụ bắt cóc này là do cá nhân của những công dân Bắc Hàn vừa có tư tưởng mạo hiểm vừa muốn chứng tỏ lòng yêu nước. Sau đó, Kim nói thẳng với Koizumi rằng đó không phải là lỗi của chính phủ Bình Nhưỡng và do đó, Koizumi đừng mong Kim xin lỗi. Khi Koizumi hỏi thăm về số phận của 13 người này thì Kim cho biết rằng tám người đã chết và trưng ra cho Nhật xem giấy khai tử của họ. Năm người còn lại sẽ được phép về Nhật với điều kiện họ phải trở lại Bắc Hàn với lý do mà Kim đưa ra là họ đã được chính phủ và nhân dân Bắc Hàn “giáo dục” lâu nay, trở thành những người tốt và do đó, phải ở lại với Bắc Hàn để phục vụ.
(1) Tháng Ba 1989, Kim Hyun Hui bị kết án tử hình nhưng sau đó được Tổng thống Đại Hàn Lộ Thái Ngu (Roh Tae-woo) ký sắc lệnh ân xá. Kim có viết cuốn tự truyện nhan đề “Những giọt nước mắt của Kim” và hiến tặng tất cả số tiền bán sách cho gia đình các nạn nhân trong phi vụ KAL 858. Kim đã phải thay đổi nơi cư trú nhiều lần và thoát được nhiều cuộc mưu sát của gián điệp Bắc Hàn.
__________
Hội nghị thượng đỉnh Bình Nhưỡng kết thúc, Koizumi trở về Nhật. Mấy ngày sau, một chiếc tàu chở đầy ắp quà viện trợ từ Nhật đến Bắc Hàn. Ngày 15 tháng Mười 2002, Hitomi Soga, Yasushi Chimura và vợ là Fukie, Kaoru Hasuike và vợ là Yukiko từ Bắc Hàn về đến Nhật.
Ngay lập tức, người ta nhận thấy có điều gì không ổn, hay nói đúng ra là có sự gian dối.
Trong khi Thủ tướng Koizumi cho Kim Chung Nhất biết có 15 người Nhật mất tích thì Kim xác nhận rằng chỉ có 13 người bị Bắc Hàn bắt cóc. Thế nhưng trong số năm người được trở về Nhật ngày 15 tháng Mười lại có Hitomi Soga là người không có tên trong danh sách mà Nhật đưa cho Bắc Hàn vì lý do đơn giản là hai mẹ con cô này không được chính quyền Nhật xếp vào danh sách những người mất tích. Nhận thấy có sự gian dối rõ ràng từ phía Bắc Hàn, dân chúng Nhật và nhất là giới truyền thông làm lớn chuyện khiến chính phủ Nhật phải thông báo với Bắc Hàn rằng cả năm người này không thể trở về Bắc Hàn như Kim Chung Nhất đã đòi hỏi trước đó. Kim nổi giận trả lời rằng sẽ không bao giờ nói chuyện với Nhật nữa vì Nhật đã bội tín. Tuy nhiên, điều làm người ta lo ngại là những người con của hai cặp vợ chồng được cho trở về Nhật vẫn còn bị Bắc Hàn giữ lại làm con tin. Giữa lúc mà dân chúng Nhật đang áp lực chính phủ phải thẳng tay với Bắc Hàn thì một khám phá khác khiến những người theo dõi sự việc và nhất là những người ủng hộ tinh thần gia đình các nạn nhân càng thêm nổi giận lôi kéo theo dự ủng hộ rất quan trọng của giới truyền thông Anh ngữ.
Theo lời của Kim Chung Nhất nói với Thủ tướng Nhật Koizumi tại cuộc hội nghị thượng đỉnh vào tháng Chín 2002 thì trong số những người bị bắt cóc có tám người đã qua đời vì tự tử hoặc tai nạn hoặc bệnh tật. Thế nhưng, theo lời khai của các gián điệp Bắc Hàn đào thoát hoặc bị bắt thì chính mắt họ còn nhìn thấy một số trong những người mà chính phủ Bắc Hàn nói rằng đã qua đời. Và thế là giới truyền thông trưng ra những bằng chứng về sự gian dối của Bình Nhưỡng và làm lớn chuyện để buộc chính phủ Nhật phải làm cho ra lẽ.
Có ít nhất bảy nhóm người đã mở một cuộc điều tra riêng rẽ và đi đến kết luận rằng con số người Nhật bị mất tích lên đến hàng trăm người. Cứ cho rằng gần một nửa trong số này bị gián điệp Bắc Hàn thủ tiêu vì họ đã vô tình chứng kiến sự hiện diện của chúng tại Nhật thì con số bị bắt đem về Bắc Hàn cũng phải từ 60 trở lên. Điều này giải thích việc nhân dạng của những người Nhật mà gián điệp Bắc Hàn cung khai rằng đã nhìn thấy tại Bình Nhưỡng không giống với nhân dạng của tám người mà Bắc Hàn nói rằng đã qua đời và trong số đó có một người được miêu tả nhân dạng rất giống với Noriko Furukawa, một phụ nữ mất tích vào năm 1973. Kế đến là việc Bắc Hàn giải thích về cái chết của tám người này một cách rất khó tin.
Tại cuộc hội nghị thượng đỉnh vào tháng Chín 2002 khi phái đoàn Nhật đòi bằng chứng về cái chết của tám người Nhật bị bắt cóc thì có một quan chức của phái đoàn Bắc Hàn đứng dậy rời phòng họp. Mấy tiếng đồng hồ sau, tên này trở lại với tám tờ giấy khai tử ký cùng một ngày và tại cùng một nhà thương trong khi tám nạn nhân, theo lời của chính Bắc Hàn, qua đời tại nhiều nơi và trong nhiều ngày khác nhau. Thế mà Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi chẳng hề thắc mắc mà cũng không trình bày trước quốc hội. Kế đến, Bắc Hàn nói rằng Kaoru Matsuki mất mạng trong một tai nạn xe hơi trong khi Bắc Hàn chẳng có bao nhiêu xe cộ. Shuichi Ichikawa, theo lời của các quan chức Bắc Hàn thì chết đuối vì bị cóng chân tay khi đang bơi dưới biển lạnh ngắt vào giữa tháng Chín. Cả gia đình và bạn bè đều biết rằng anh này rất ghét nước biển vì có chứa chất muối. Bắc Hàn nói rằng Rumiko Masumoto qua đời khi mới 27 tuổi vì bệnh tim trong khi các bác sĩ của gia đình Masumoto làm chứng rằng cô này rất khoẻ mạnh và dòng họ Masumoto chẳng có ai bị bệnh tim. Bắc Hàn cũng nói rằng Keiko Arimoto chết vì thán khí carbon monixide rỉ ra từ hệ thống sưởi nhưng theo lời nạn nhân sống sót Yukiko Hasuike thì những căn nhà mà những người Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc cư ngụ không có hệ thống sưởi ấm hoặc bất cứ lò nướng hay bếp lò nào dùng than. Khi phái đoàn Nhật hỏi về mộ chí của tám nạn nhân xấu số thì Bắc Hàn nói rằng chỉ còn lại có hai vì sáu ngôi mộ kia đã bị nước cuốn trôi sau mất cơn lũ lụt. Không hiểu tại sao phái đoàn Nhật lại có thể im lặng trước những điều kể trên.
Với sự khích động của giới truyền thông, dân chúng Nhật làm dữ và Thủ tướng Junichiro Koizumi lại phải đi Bình Nhưỡng một lần nữa. Sợ bị cúp viện trợ, Kim Chung Nhất phải ngồi xuống đối thoại và trong phiên họp thượng đỉnh ngày 22 tháng Năm 2004, xác nhận rằng cả tám giấy khai tử mà Bắc Hàn đưa cho Nhật trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 17 tháng Chín 2002 đều là ngụy tạo. Một thời gian sau đó, Bắc Hàn cho phép những người con của năm người đã về Nhật vào năm 2002, được về Nhật để đoàn tụ với cha mẹ.
Tháng Mười Một 2004, Bắc Hàn trao cho Nhật Bản những thứ mà Bắc Hàn nói là hài cốt của Megumi Yokota và Kaoru Matsuki, hai người Nhật bị bắt cóc đã qua đời mà Bắc Hàn nói là mộ phần không bị nước lụt cuốn trôi đi. Một thời gian sau, các khoa học gia thử nghiệm “hài cốt của Kaoru Matsuki” thì cũng thấy có điều gian dối. Theo lời Bắc Hàn thì Kaoru Matsuki qua đời lúc 43 tuổi nhưng các khoa học gia cho biết rằng cuộc thử nghiệm đã cho thấy hài cốt đó là của một cụ bà đã gần chín mươi. Theo lời Bắc Hàn thì Kaoru bị xe hơi đụng chết vào ngày mà theo gia đình Matsuki thì khoảng một tháng sau khi họ nhận được lá thư của anh này. Như vậy, họ đoán, Kaoru đã bị Bắc Hàn hành quyết vì lén gửi lá thư đó.
Trường hợp của cô bé bất hạnh Megumi Yokota cũng rất đáng nói.
Vì lý do gì không rõ, chính phủ Nhật trao “hài cốt của Megumi Yokota” cho viện đại học Teikyo để thử nhiệm DNA. Ngày 3 tháng Năm 2005, tạp chí khoa học Nature của Anh có một bài chỉ trích lối mà việc vô trách nhiệm của chính phủ Nhật và của Teikyo University. Theo tạp chí này thì việc thử nghiệm DNA đã được trao cho một giảng viên y khoa tập sự tên là Yoshii Tomio, một người không hề có một chút kinh nghiệm nào về thử nghiệm DNA và tử thi và khi thực hành việc thử nghiệm, anh này cũng chẳng hề được một nhà chuyên môn nào hướng dẫn hay giám sát và không những thế, cả ban phụ trách về tử thi và hài cốt của đại học này lúc đó chưa có lấy một giáo sư hay phó giáo sư. Yoshii Tomio sau đó nói rằng người ta đưa cho anh năm mảnh vụn mà mảnh lớn nhất chỉ nặng hơn một gram. Anh này tả lại rằng nó giống như một thứ bọt biển thật cứng và dễ thấm nước như bất cứ vật xốp nào khác. Tomio kết luận rằng phân tích năm mảnh vụn này xong, anh cũng chẳng biết nó là cái gì. Một điều đáng chú ý khác là Yoshii Tomio đã dùng hết cả năm mảnh vụn nói trên nên sau đó nếu có một chuyên viên về DNA nào muốn thử nghiệm lại cũng không còn gì để thử. Về ngày tháng cô bé bất hạnh này qua đời (nếu thật sự đã qua đời) thì Bắc Hàn lúc đầu nói rằng Megumi chết vào năm 1993 nhưng sau đó lại nói rằng cô bé tự tử chết ngày 13 tháng Ba 1994. Chính những điều trên đã khiến dư luận công phẫn và riêng gia đình Yokota một mực tin rằng cô bé này còn sống.
Được sự giúp đỡ của giới truyền thông, gia đình Yokota và một số gia đình của các nạn nhân khác mở rộng chiến dịch vận động của họ để yêu cầu chính phủ Nhật phải làm cho đến nơi đến chốn. Đến ngày 27 tháng Tư 2005, sau nhiều cuộc điều tra và căn cứ vào lời khai của những điệp viên Bắc Hàn đào thoát hay bị bắt, cảnh sát Nhật đủ bằng chứng để kết luận rằng Minoru Tanaka bị mất tích từ tháng Sáu 1978 cũng đã bị Bắc Hàn bắt cóc. Chính phủ Bình Nhưỡng khăng khăng quả quyết rằng họ không biết gì về nhân vật này đồng thời tuyên bố rằng việc các công dân Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc đã được hai chính phủ giải quyết xong từ lâu nên họ không muốn bàn thảo thêm nữa. Điều này khiến nhiều người lại thêm vững tin rằng chính phủ Nhật cố tình giấu giếm công chúng một số chi tiết nào đó về việc thương thảo giữa hai bên.
Ngay sau đó, một đạo diễn người Úc gốc Đại Hàn là Melissa Kyu-Jung Lee cùng các bạn đứng ra thực hiện một cuốn phim tài liệu có tựa đề Kidnapped và ngay lập tức gây xôn xao dư luận trên thế giới đồng thời tạo nên một cơn bão chính trị. Cuốn phim này được giải thưởng cao quí Silver Wolf tại Đại hội Điện Ảnh Tài Liệu Quốc Tế tổ chức tại Amsterdam, Hoà Lan cùng năm. Phim này cũng đã được đài truyền hình SBS trình chiếu vào đầu năm nay.
Sang đến năm 2006, một ký giả người Gia Nã Đại là Chris Sheridan đã cùng với Patty Kim thực hiện một cuốn phim tài liệu khác mang tên Abduction: The Megumi Yokota Story. Cuốn phim này được trình chiếu cùng một lúc tại 37 rạp hát tại thủ đô Đông Kinh và sau đó trên toàn cõi Nhật Bản, đoạt giải thưởng dành cho phim hay nhất nói về Á Châu tại Đại Hội Điện Ảnh Cựu Kim Sơn đồng thời được khán giả bầu chọn là phim hay nhất tại đại hội điện ảnh Slamdance tổ chức tại tiểu bang Utah, Hoa Kỳ.
Trong khi đó thì tại Nhật, Shinzo Abe được bầu lên làm thủ tướng và với khuynh hướng quốc gia rõ rệt, ông này đã nhiều lần làm áp lực để Bắc Hàn phải tỏ thiện chí. Tuy rằng những nỗ lực đáng khen của Thủ tướng Shinzo Abe cho đến nay vẫn chưa đem lại một thành quả cụ thể nào nhưng ít ra cũng được Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Đại Hàn và một số quốc gia khác hậu thuẫn đồng thời liệt Bắc Hàn vào danh sách những quốc gia khủng bố và đáng bị cấm vận. Việc này cũng đưa đến một sự kiện đáng chú ý: từ đó cho đến nay, không có thêm một công dân Nhật Bản nào bị Bắc Hàn bắt cóc và các ngư phủ Nhật có thể tiếp tục ra khơi đánh cá ngay tại những vùng biển hoang vắng nhất.
Hình đính kèm: Thủ Tướng Shinzo Abe và Hitomi Soga, một công dân Nhật Bản bị Bắc Hàn bắt năm 1978 và mãi đến năm 2002 mới được chúng trao trả. Hình này chụp sau một cuộc họp báo. Nhật Bản mà không có một thủ tướng như Shinzo Abe thì các công dân của vương quốc này còn bị bắt cóc dài dài.

 

No comments:

Post a Comment