Thursday, July 28, 2022

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG và TỔNG HỢP ở SÀIGÒN-CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH trước năm 1975 (65…75)

 65- Trường La San Mossard Thủ Đức

Đường Hoàng Diệu -Thủ Đức- Gia Định

Trường La San Mossard Thủ Đức là sản nghiệp của Hội truyền giáo La San.

Đây là một trường học tư thục chỉ thu nhận nam sinh, gồm có các lớp Tiểu học và Trung học, từ lớp 1 đến lớp 10, giảng dạy theo chương trình Pháp, đến niên khóa 1967- 1968 thì đổi qua chương trình Việt. Đa số là học sinh nội trú (khoảng 700) nên trường La San Mossard được coi là trường nội trú lớn nhất Đông Nam Á. Hiệu trưởng đầu tiên là sư huynh Divy-Joseph.

Theo tài liệu [1] : Nếu đi từ Xa lộ Sàigòn – Biên Hòa vào chợ Thủ Đức theo đường Hoàng Diệu, để ý phía tay mặt, người ta sẽ thấy nhà thờ họ Thủ Đức và đối diện với “Cô Nhi viện Quốc gia” có một dẫy nhà đồ sộ nằm trên một khu đất rộng gần 6 mẫu tây, hơi cao hơn mặt lộ và có nhiều cây lớn, đó chính là La San Mossard.

Theo tài liệu [2] : Trường La San Mossard tọa lạc trên một sườn đồi, giáp ranh với nhà thờ họ đạo, gần chợ Thủ Đức, ngay trên dốc đường Hoàng Diệu. Diện tích khoảng gần 3 mẫu tây (tài liệu [1] ghi 6 mẫu tây).

Khuôn viên nhà trường chiếm một ví trí vừa đẹp, vừa thơ mộng, vừa tiện lợi về mọi mặt:

– phía trước là đường Hoàng Diệu và đối diện là Cô Nhi Viện Thủ Đức,

– bên phải là nhà thờ họ đạo, và tiếp đến là chợ Thủ Đức,

– phía sau là khu vực Đình Làng,

– bên trái là căn cứ Thủy Quân Lục Chiến, tiếp đến là trường Notre Dame Des Missions.

Advertisements
REPORT THIS AD

Sau đây là lịch sử của trường theo tài liệu [1,2,3] :

Nguồn gốc :

Năm 1894, Đức Cha J.M. Dépierre nhường cho dòng sư huynh La San một khu đất một mẫu tây tại Thủ Đức để lập nhà Tập (Tập viện). Chính nhà Tập này đã đào tạo các sư huynh Việt Nam đầu tiên. Bên cạnh nhà Tập, các sư huynh hồi đó có mở một trường sơ học để dạy các trẻ em vùng lân cận.

Năm 1906, vì miền Nam là thuộc địa của Pháp, nên bị ảnh hưởng của luật khai trừ các dòng tu, sư huynh Ivarch-Louis, Giám tỉnh hồi đó, phải bán trường sơ học và nhà Tập cho ông Denis Lê Phát An rồi ra mở trường ở miềnTrung và ở miền Bắc.

(Phụ chú : Sư huynh Ivarch Louis là hiệu trưởng cuối cùng của trường Collège d’Adran và hiệu trưởng của trường Taberd từ năm 1890 đến 1898. Xem thêm chi tiết trong bài Collège d’Adran vàTrường La San Taberd của cùng tác giả.

Sau hơn ba mươi năm vắng bóng, ngày 11 tháng 10 năm 1939, các sư huynh được trở lại miền Nam và đã trở về Thủ Đức sau khi được ông Denis Lê Phát An ưng thuận nhường lại ngôi nhà Tập xưa cho dòng. Kể từ 16 tháng 10 năm 1939, nhà trường đón nhận 23 học sinh (đi học chớ không phải đi tu) và chia thành bốn lớp. Lúc thưở đầu, tên Trường này có thể là trường Thánh Denis bởi vì theo tài liệu [4] : Các sư huynh dòng La San mua lại đất Thủ Đức mở trường Thánh Denis ngày 15 tháng 10 năm 1939,sau đổi tên thành trường Mossard (La San Mossard). Tên trường Mossard được đặt theo tên của giám mục Tây Đàng Trong Lucien Emile Mossard (tức Đức Cha Mão) (Xem thêm chi tiết Tiểu sử của Giám mục Lucien Mossard trong Phụ đề 1).

Năm 1943, Trường nhận một số học sinh nội trú và đồng thời nhận nuôi dạy một số cô nhi của Hội Bảo vệ Nhi đồng Pháp.

Thời kỳ phát triển :

Kể từ năm 1946, số học sinh mỗi ngày mỗi tăng, đến năm 1952 trường sở trở nên chật hẹp. Vì vậy, năm 1952, sư huynh Cyrille de Jésus (giám đốc nhà trường từ năm 1944) thấy cần phải lập một đồ án đại qui mô.

Tháng 4 năm 1952, sư huynh khởi công xây cất đợt đầu một dãy nhà 3 tầng đầu tiên (Tiểu học 2) .Vào niên khóa 1952-1953 trường đã thu nhận được 540 học sinh, trong đó có 270 nội trú.


Trường Lasan Mossard Thủ Đức-năm chưa xác định được

Trường Lasan Mossard-Cổng chính- năm chưa xác định được

Các sư huynh giáo sư dạy trường năm 1952

Ban giảng huấn và học sinh trường Lasan Mossard- năm chưa xác định được

Ngày 23 tháng 5 năm 1953, đợt hai của dự án được khởi công xây dựng.

Năm 1954, năm của Hiệp định Genève. Tháng 7, hơn một triệu đồng bào miền Bắc tỵ nạn cộng sản, bỏ nhà cửa quê cha đất tổ đi tìm tự do ,di cư vào Nam. Trường Mossard trong hơn một tháng trời đã là trung tâm định cư cho Tiểu chủng viện Phát Diệm,sau đó là các Đệ tử La San Hải-Phòng.

Vào ngày 20 tháng 8 năm 1957, các sư huynh thành lập Đệ Tử Viện ba tầng lầu phía bên kia sân cây dầu, trong khuôn viên trường Mossard, Thủ Đức. Đệ Tử Viện La San sau ba năm cư ngụ ở thượng tầng ngôi nhà Tập cũ đã tách rời ra ở riêng tại ngôi nhà đẹp đẽ này (Xem thêm chi tiết trong Phụ đề 2).

Năm 1960, các sư huynh cho tân trang ngôi nhà Tập cũ và nâng cao thêm 1 tầng (dẫy nhà tiểu học 1 và nhà ngủ các lớp 5).

Hai năm sau, cảnh chật chội lại tái diễn vì số học sinh gia tăng. Sư huynh Bernard Calixte liền vay tiền xây thêm một dãy nhà mới nằm về hướng Tây Bắc, đằng sau ngôi nhà cũ. Vào tháng 4, năm 1962, nhà trường lại khởi công xây thêm 1 dẫy nhà 3 tầng phiá sân banh, hai năm sau mới hoàn thành (đó là dẫy nhà Trung học, nhà ngũ 6-7 và khu nhà bếp).

Năm 1965, vị hiệu trưởng kế tiếp cho dỡ dẫy nhà chơi cũ và thay thế vào đó bằng 1 ngôi nhà cao lớn đó là nhà Khánh tiết và nhà ngủ các lớp 3-4.

Ban hợp ca Hội Trùng Dương của trường năm 1965

Ban hợp xướng qui tụ khoảng sáu mươi học sinh. Sư huynh Séverin cho tập dợt rất công phu và bài hợp xướng “Hội Trùng dương” đã gây được tiếng vang đáng kể ở trường La San Taberd Sàigòn (tài liệu [5]).

Trường Lasan Mossard Thủ Đức-năm 1968

Nhà thờ Thủ Đức cạnh trường Lasan Mossard năm 1965 (1968?)

Nhà thờ Thủ Đức- năm chưa xác định được

Vào khoảng năm 1970, trường Mossard qui tụ được hơn 1030 học sinh chia làm 19 lớp với 654 nội trú. Nhà trường trở thành một trung tâm giáo dục quan trọng, đặc biệt nhiều về đời sống ký túc xá (tài liệu [3]).

Năm 1972, dẫy nhà Trung học được sửa lại để làm thêm 3 lớp, 1 phòng thí nghiệm và nhà ngủ cho các lớp 8-9.

Năm 1973, Trường có 22 lớp từ lớp 1 đến lớp 10, với hơn 600 nội trú.

Theo tài liệu [2] :’’ Mặc dù Đệ Tử Viện (tổng số đệ tử lớp 8 và 9 trong niên khoá 74-75 khoảng 100 em) có chương trình tổ chức độc lập , ban hiệu trưởng và giảng huấn riêng, chương trình học và huấn luyện riêng, thời khoá biểu và sinh hoạt riêng, v.v., nhưng học bạ và phiếu điểm theo cùng một hệ thống với trường La San Mossard, nên trong niên khoá 74-75, tổng số học sinh toàn trường La San Mossard lên đến trên 1,300 em’’.

Bên cạnh những công trình xây cất mở mang phát triển các cơ sở giáo dục để thêm lớp học, ký túc xá… các sư huynh còn xây các phòng, các sân thể dục , thể thao cho học sinh trường. Theo tài liệu [6] : Với quan niệm Thể dục là một phần chính yếu của giáo dục để đáp ứng với nhu cầu học sinh vẫn ngày một tăng gia, Trường đã xây cất xong 3 sân bóng rổ với nền đúc xi-măng, 2 sân bóng chuyền, 4 bàn bóng bàn, 1 sân bóng tròn trồng cỏ, 1 hồ bơi chiều dài hai mươi lăm mét và 1 sân chơi kiến trúc tân kỳ để dự phòng trong mùa mưa. Trong nhà có môn ping pong, ngoài trời có bóng tròn, bóng rổ, dưới nước có bơi lội.

Việc kiến trúc đã được nghiên cứu kỹ nhằm phù hợp với vẻ mỹ quan chung của cao ốc. Các cơ sở Thể thao đã được chú trọng đặc biệt về kích thước cũng như phẩm chất. Ba sân bóng rổ kiến trúc lẫn nhau, hướng bên phải thoai thoải từ thấp lên cao là một khán đài uy nghi được xây cất tựa vào bên phải của nhà thờ. Ở đầu các sân bóng rổ hơi chếch về bên phải là kỳ đài : tại đây mỗi sáng học sinh toàn trường nghiêm trang dưới quốc kỳ luôn luôn tươi thắm.

Hai đội bóng rổ của trường. Hình chụp tại bãi cỏ sát sân bóng rổ. Chú ý bên tay phải, phía xa có cây vú sữa. Kế bên cây vú sữa này là vị trí nhà tắm đầu tiên năm 1962. (Hình được trích từ tài liệu [5]).

Dãy lầu các lớp secondaire. Tầng trệt là préau (sân chơi). Cạnh cầu thang lộ thiên là quầy pâtisserie (bán bánh ngọt). Đây cũng là vị trí của gian nhà cổ dùng làm lớp học của primaire 1 (tiểu học) năm 1962.(Hình được trích từ tài liệu [5]).

Dãy lầu các lớp secondaire (trung học). Tầng trệt là sân chơi. Lầu một là lớp học. Lầu hai là nhà nguyện mới. Sân thượng ở cuối dãy là nơi chiếu phim. Bên trái là préau (sân chơi) cũ. (theo mũi tên) (Hình được trích từ tài liệu [5]).

Học trò bên bờ hồ bơi Mossard năm 1965

Sau biến cố 1975, theo chính sách ăn cướp của ngụy quyền cộng sản, trong năm 1975 và những năm tiếp theo, toàn bộ cơ sở trường học của Tỉnh Dòng La San Việt Nam phải giao cho nhà nước cộng sản.Tỉnh Dòng La San “được giải phóng” hoàn toàn.

Trường La San Mossard Thủ Đức bị tịch thu và đổi tên thành trường phổ thông cấp 2 & 3 Thủ Đức, sau đổi thànhTrường Bổ Túc Văn Hóa Công Nông Miền (trường Đại học Quốc Gia là Bổ túc Công Nông Thành). Ngày nay,trường này trở thành trường cao đẳng công nghệ Thủ Đức, trước đó là trường trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Thủ Đức (tài liệu [7]).

Hậu quả này đã khiến hai cộng đoàn trong trường Mossard nhập thành một, “bám trụ giữ đất” vào ngày 27 tháng 11 năm 1975.

Các đoạn văn dưới đây trích từ tài liệu [8] cho thấy những điều kiện tinh thần, vật chất sinh sống và giảng dạy của các sư huynh trường Mossard Thủ Đức sau cái ngày quốc nạn này :

‘’Trong tuần học tập chính trị để khai giảng năm học 75-76 đã có vài huynh đệ trẻ tỏ ra chán nản, xuống tinh thần, và tâm sự nhỏ to với nhau : “Chắc mình… bỏ cuộc quá!” .

Quá căng thẳng tâm lý vì phải đương đầu hằng ngày với một loại “vũ khí vô hình” nào đó, các huynh đệ từ từ suy giảm sự vồn vã, sự thân tình, ngay cả đôi khi biểu lộ sự dè dặt trong cách đối xử với nhau. Kinh sáng và thánh lễ, cơm sáng cơm trưa, nhất là kinh chiều và cơm tối dần dần giảm số huynh đệ. Hôm nay người này vắng mặt, hôm khác người kia đi vắng… Ai cũng có lý do riêng tư chính đáng nếu được ân cần hỏi đến.

Huynh trưởng rất khổ tâm về việc đời sống cộng đoàn Huynh Đệ La San ngày càng rời rạt lỏng lẻo. Kinh sáng, kinh chiều và ngay cả cơm trưa cơm tối ngày càng vắng.

Sau khi “bàn giao” trường La San Thủ Đức, huynh đệ thuộc cộng đoàn La San Mossard Thủ Đức đồng hành với học sinh qua trường Phổ Thông Cấp 2 & 3 Thủ Đức, tiếp tục lý tưởng sống cho, sống vì, sống với giới trẻ, trong bất kỳ hoàn cảnh xã hội chính trị nào. Các em đệ tử vẫn cắp sách tập đến trường lớp liên hệ, tiếp tục việc học vấn. Kể từ khi chuyển qua trường Phổ Thông này, các linh mục và tu sĩ , dù là giáo viên dạy học ở các trường sở của xã hội chủ nghĩa, hoặc đang “thất nghiệp”, không được mặc áo dòng ngoài khu vực nhà thờ hoặc tu viện của mình.

Tuy Sở Giáo Dục ngụy quyền cộng sản không buộc học sinh phải mang đồng phục khi đi học, nhưng học sinh nam nữ phải mang bảng tên trường trên túi áo. Hiệu trưởng La Thế Dũng (cán bộ cộng sản được chỉ định vào chức hiệu trưởng thay thế sư huynh hiệu trưởng) nhận thấy học sinh không có bảng tên “Trường Phổ Thông Cấp 2 & 3 Thủ Đức” trên túi áo, thay vào đó đa số học sinh mang huy hiệu LASAN. Trong buổi họp ban giáo viên toàn trường, La Thế Dũng yêu cầu “tất cả các thầy cô, cách riêng thầy cô chủ nhiệm lớp và thầy giáo vụ mỗi cấp, có trách nhiệm làm thế nào để học sinh yêu mến trường xã hội chủ nghĩa HƠN hoặc ít nhất NHƯ yêu mến trường LASAN”.Trước 75, mỗi trường La San đều có huy hiệu LASAN với tên trường đặt làm từ Rôma, rất đẹp. Riêng cho tỉnh dòng thì chỉ có chữ LASAN.

Tiêu chuẩn lương thực hàng tháng nhà nước “tưởng thưởng” công nhân viên, giáo viên là phần “bồi dưỡng”, không liên quan đến tiêu chuẩn lương thực hàng tháng “được cung cấp” theo hộ khẩu do chính quyền địa phương đảm trách.

Một tháng kia, tôi nhận 1kg thịt heo “bồi dưỡng” đựng trong bao nylon treo lủng lẳng trên guidon xe đạp, hồ hởi phấn khởi đạp về nhà. Trên đường đi, bao nylon rớt xuống, ba (3) miếng thịt heo vung vãi trên đường: khúc xương một góc, khúc da một góc và khúc mỡ dính một ít thịt một góc. Tôi ngưng xe cúi xuống lượm lại, bỏ khúc xương. Một khách bộ hành đi ngang qua thấy, kêu tôi: “Frère An! Khúc xương quí lắm đó Frère! Không phải ai cũng được bồi dưỡng đâu! Tụi em mong mà không có đó! Frère đừng bỏ, uổng lắm!” Tôi lượm khúc xương, mặt đỏ bừng, mà lòng tái tê…

Đầu tháng 12 năm 76, hiệu trưởng La Thế Dũng (cán bộ cộng sản) triệu tập buổi họp toàn ban giáo viên các cấp và nhân viên hành chánh, công khai phổ biến thông tư của chính phủ ký vào giữa tháng 7 năm 76 về việc “linh mục hãy về nhà thờ, tu sĩ nam nữ hãy trở về tu viện, trả lại tất cả trường sở cho xã hội chủ nghĩa’’.

Ba năm sau, vào ngày 3 tháng 1 năm 1978, cộng đoàn La San Mossard bị ngụy quyền cộng sản khám xét và đưa các sư huynh trong cộng đoàn đi cải tạo.Toàn bộ cơ sở La San Mossard bị tịch thu.

Mấy chục năm sau (khoảng 1995-1998?) ,một cựu sư huynh của trường, đã trở lại làm một vòng chung quanh trường xưa ,quan sát và ghi lại những thay đổi bên ngoài của trường (tài liệu [9]) :’’ Khi xe bắt đầu lên dốc đến gần Nhà Thờ Thủ Đức : Mossard hiện ra trước mặt…Cổng chính cũ của Mossard không còn nhận ra được nữa, đã bị bít lại và thay vào đó, một ngôi nhà được dựng lên.Cổng chính bây giờ là cổng “tạm” (Cổng “tạm” được mở ra từ trước 75 để giải quyết vấn đề xe cộ mỗi khi phụ huynh đón con em học sinh sau giờ học). Ngay bên trái phía trong cổng, một căn nhà khác được xây lên làm văn phòng, khuôn viên trước văn phòng dùng làm “nơi giữ xe”, có treo bảng giá biểu đàng hoàng – lẽ tất nhiên là xe … 2 bánh ! Nghề “giữ xe” coi vậy mà phát triển cùng khắp các cơ sở công hay tư. Vào cổng trường, dãy lớp gần “hồ tắm” hầu như trống rỗng cách trơ trẻn, các cánh cửa xếp bể tung hoặc biến mất , chắc vào lò lữa, bàn ghế trong lớp ngổn ngang, cái còn cái mất, cái nằm xệp dưới sàn; tường thì khỏi nói, chắc là hơn 20 năm nay (1995-1998?) không một lớp sơn/vôi… tẩm bổ !

Đi vòng đến hồ tắm thì… hồ ơi hồ hỡi ! Hàng rào siêu vẹo, lăn lóc, cánh cửa sắt an toàn thì sụp đổ ngã nghiêng, và nhất là mặt hồ thì… còn tệ hơn một cái hồ nuôi cá tra ở miền Tây nữa !

Nói thật ra, hồ tắm này đã chịu cảnh … đổi đời ngay vài tháng sau 30/4/75, nhưng lúc đó “anh chị em… ta” còn dùng để tắm… đỡ ghiền được – nói rõ “anh chị em ta” là vì sau cảnh đổi đời, không ai trong đám huynh đệ và bần tăng dám xuống tắm nữa. Số là ngay sau khi trường Mossard bị biến thành trường “Bổ Túc Công Nông”, “chị em… ta” sung sướng cặp giõ áo quần xuống… giặt gịa ngon lành ! May mà sư huynh Hồng bắt gặp được ngay lần đầu tiên, nếu không, các huynh đệ cùng bần tăng chắc bị á khẩu ráo !!!

Hội trường vẫn còn ngạo nghễ oai phong mặc dù rong rêu đóng bám vào các cột, tường.

Dãy sân bóng rỗ vẫn còn đó, nhưng cột bảng/rỗ thì lốm đốm vết sứt mẽ móp méo, rỗ thì nghiêng nghiêng ngã ngã, lưới thì cái còn cái mất, nền xi-măng thì đầy ổ gà: dấu chứng của một sự bỏ bê, không ai chăm sóc tu bổ – “Bóng rỗ là môn thể thao của… đế quốc, hoàn toàn dành cho tài năng cá nhân và cho giới giàu sang…” đồng chí chính ủy đã tuyên bố thẳng thừng như vậy trong ngày khai giảng khoá hè bổ túc năm 75.

Sân bóng… đá vẫn còn đó, nhưng cỏ mọc um tùm, và các đường biên được thay thế bằng những luống khoai gì gì đó, hoặc rau cải, rau muống… Hai khung thành biến đâu mất.

Sân cây dầu vẫn còn đó – hình như một số gốc dầu đã được thay thế bằng những cây tùng/thông nhỏ.

Tiến gần đến Đệ Tử Viện , tác giả tài liệu này loay hoay chụp hình ngôi nhà thân yêu. Đang mãi mê chỉnh máy chụp hình, bần tăng nghe tiếng la hét : – “êêêêêêêêê !!!!”.

Ngẩng đầu lên, thấy hai “chủ nhân ông” hằm hằm chỉ chỏ vào tác giả , miệng văng tục : “…cút đi, không được chụp hình !”

Phụ đề 1 : Tiểu sử của Giám mục Lucien Mossard

Theo tài liệu [10] :

Cha sanh ngày 24-10-1851 tại Besancon, France;

Từ năm 1876-1899 là linh mục của Hội Thừa Sai;

Năm 1877 cha đến Sàigòn;

Tháng 6 năm 1881 – tháng 4, 1882 là Cha Sở giáo xứ Tân Định và quản lý nhà in của giáo xứ;

Từ năm 1885, Cha làm Giáo xứ Chợ Đủi, xây cất nhà thờ Chợ Đủi;

Từ năm 1887 – 1890 (1893?): Hiệu trưởng Institution Taberd (sau này là La San Taberd);

Năm 1892: Giáo xứ Chợ Quán, hoàn thành nhà thờ Chợ Quán, xây cất nhà nguyện và nhà thương cho tu viện Amantes de la Croix (Dòng Mến Thánh Giá);

Năm 1898, trông coi Nhà thờ Chính tòa Sàigòn (Cathédrale de Saïgon);

Từ năm 1899 – 1920, Giám mục của Giáo phận Tây Đàng Trong (L’évêque de Cochinchine Occidentale / Bishop of Western Cochin/Cochinchina);

Năm 1904 cùng với Đức Cha Bouchut xuất bản quyển sách Directoire commun aux Vicariats de Saïgon et de Pnompenh (Quản trị giáo phận Sàigòn và Nam Vang);

Năm 1911, Cha lập trường St. Paul de Chartres tại Biên Hòa và vài năm sau Cha mất ngày 11-02-1920 tại Dijon (Côte-d’or), Pháp.

Theo tài liệu [11] , khoảng hai tháng sau, ngày 26 tháng 4, thành phố Sàigòn để tưởng nhớ Cha , đã đặt tên Cha cho một khúc đường nối dài với đường Tabert. Bản đồ Sàigòn 1928 đã có ghi Mossard.Sau vào thời Việt Nam Cộng Hòa cả hai khúc đường này trở thành đường Nguyễn Du.

Cũng theo tài liệu [11] : Giám mục Lucien Mossard là tác giả các tài liệu dưới đây :

  1. Grammaire française, année préparatoire par Larive et Fleury. Édition annamite préparée par les soins de Lucien Mossard, directeur de l’École Tabert, Paris, Colin, sans date;
  2. L’Annamite en vingt leçons et 20 fables, Saigon, Impr. Mission, 1900;
  3. Mémoire de S.G. Mgr. Mossard, sur les Écoles de la Mission de Cochinchine, Saigon, Impr. Mission, 1901.

Phụ đề 2 : Đệ Tử Viện – Thủ Đức

Theo tài liệu [12] :

Theo thông lệ hàng năm các trường La San thường tuyển chọn một số học sinh học giỏi và ngoan, vừa tốt nghiệp bằng Tiểu học để gửi vào Đệ Tử Viện.

Khi đến Đệ Tử Viện các học sinh được cho vào lớp 7ème spéciale. (Các lớp tiểu học 11è, 10è, 9è, 8è, 7è tương đương các lớp 1, 2, 3, 4, 5 (Lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp nhì , lớp nhứt) bên chương trình Việt. Vậy thì lớp 7ème spéciale có thể coi là lớp Tiếp Liên ?. Các lớp trung học đệ nhất cấp 6è, 5è, 4è, 3è tương đương các lớp 6, 7, 8, 9 (Đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ). Lớp trung học đệ nhị cấp gồm 2nd, 1ère, Terminale, tương đương các lớp 10, 11, 12 (Đệ tam, đệ nhị, đệ nhất).

Nhà nguyện chánh

Vào năm 1960, Đệ Tử Viện Mossard Thủ Đức chỉ có 2 lầu mà thôi. Đầu nhà chúng tôi (tác giả tài liệu [12]) có nhà nguyện, sau đó là lớp 7ème Spéciale cùng nhà ăn.

Tầng trên là nhà ngủ của các đệ tử và phần ở cuối là phòng của các sư huynh giáo sư và các sư huynh làm việc cho Bề Trên Cyprien Gẫm. Vào thời này Đệ Tử Viện ăn cơm do trường nội trú Mossard nấu. Bề Trên Bernard Calyste làm hiệu trưởng và sư huynh Jules Ký (Hòa) làm phó hiệu trưởng. Bề Trên Sébastien Huyến làm Bề Trên Đệ Tử Viện kiêm Quản Lý (Procureur) cho trường La San Mossard.

Trong kỳ nghỉ hè 1960, nhà Đệ Tử Viện được nâng lên thêm một tầng lầu ba nữa vì nhu cầu chỗ ở của các đệ tử quá đông.

Vào năm 1960-1961, Đệ Tử Viện có khoảng 120 em gồm từ lớp 7ème tới 5ème. Trong ba tháng Hè này, nhà chúng tôi được nâng lên thêm một tầng nữa. Sau khi hoàn tất ngôi nhà trở nên rất tươm tất và được sắp xếp như sau: Tầng trên hết làm nhà ngủ cho các đệ tử và một phần còn lại làm phân ngủ cho các sư huynh giáo sư Đệ Tử Viện.

Tầng dưới làm Nhà Nguyện và cộng đoàn nhà Giám Tỉnh cùng các sư huynh lớn tuổi về hưu như các sư huynh Joachim Hộ, Aymard, Louis, Gilles, Domini …

Khi nhà mới gần hoàn tất, cũng là lúc chúng tôi nhập học sau 3 tháng hè, mà điện chưa được chạy đường dây, cho nên nhà ngủ vẫn còn thiếu ánh sáng. Tôi còn nhớ rõ có 2 sư huynh trẻ (ốm sương sương) nghe nói từ Communauté de Taberd đến để giúp chạy điện cho Đệ Tử Viện.Đó là sư huynh Donatien Nguyễn Xuân Nhựt và sư huynh Denis Hồng. Sau khoảng một tuần thì đèn được thấp sáng mọi nơi. Hoan hô hai sư huynh và chắc chi tiết này ít ai nhớ!

Tài liệu tham khảo :

  1. Lasanmossard.org-Tìm Lại Vết Xưa (trích TIẾN 73) .
  2. Hồi Ký Lasan sau 1975 – Frère Valéry Nguyễn Văn An.
  3. Mạc cùng đường (3e)-(trích TIẾN Hè 70)-Dĩ Vãng.
  4. Niên Biểu Tỉnh Dòng Lasan Việt Nam-29/10/2014.
  5. Hồi ký Lasan Mossard 62-70- Sàigòn Xưa.
  6. Phóng sự của Phạm Hà-Đại Hội Thể Thao- (trích trong “THAO TRƯỜNG” số 304, ngày 16.04.70).
  7. Facebook-Sàigòn Xưa 24 juillet 2019.
  8. Cộng Đoàn Lasan Mossard Thủ Đức.
  9. Mossard & Đệ Tử Viện Thủ Đức.
  10. Lasanmossard.org-Tìm hiểu về tên trường Mossard.
  11. André Baudrit-Guide historique des rues de Saigon-1re édition-S. I. L. I. Saigon.
  12. Cựu Lasan- Đệ Tử Viện – Thủ Đức, 1960-1964-20/04/2015.

No comments:

Post a Comment