Tuesday, March 12, 2024

Tù Biệt Kích

XVIII. CẢI TẠO

       Trong vòng mấy ngày đầu mới đến trại tù Phong Quang, tù biệt kích được cấp phát quần áo tù mới mầu xám, khác nhau ở các lằn sọc để phân biệt: đỏ và trắng cho tù chính trị, gián điệp, biệt kích, xanh trắng cho loại tù linh tinh, thường phạm.

       Thượng Sĩ Bội vào phòng giam cùng với một tù nhân chính trị. Trong khi ông ta đọc lớn số tù, một người tù khác sẽ đóng dấu con số lên bộ quần áo tù. Tù “cán bộ” (được tin cẩn giao trách nhiệm) có nhiệm vụ giao nhiệm vụ làm việc (đan giỏ tre) ngay tức khắc cho những người tù mới đến trại. Phải làm việc ngay tức khắc chưa ấn định số lượng. Cán bộ cai tù để ý quan sát đám tù nhân, họ đáp ứng thế nào với nếp sinh hoạt nơi nhà tù mới (Phong Quang). Các buổi học tập buổi tối, tuyên truyền chính trị, sau đó là phần tự kiểm thảo. Trong phần học tập đầu tiên này, các cán bộ sẽ đánh giá tinh thần, tình trạng sức khỏe, và biết tuân theo kỷ luật hay không?

        Rồi sau đó, giờ làm việc tăng lên, số lượng sản phẩn cũng từ từ tăng lên, cho đến khi người tù chỉ có đủ thời gian làm việc, ngủ và nhồi sọ “chính trị”. Trong vấn đề cải tạo, sản xuất, cần phải có tổ chức, việc đầu tiên cán bộ phải chọn (chỉ định) một người tù lên làm trưởng phòng. Nhiệm vụ của người này, điểm danh mỗi buổi sáng và buổi tối. Sau này, tù nhân được chia vào đội sản xuất (lao động) và một người sẽ được chỉ định làm đội trưởng… đó là chính sách để dễ kiểm soát tù nhân.

        Trại tù Phong Quang thuộc cấp hạng “quốc gia”, dành cho tù nhân “khổ sai” cải tạo lao động, dưới quyền cai quản bộ Nội Vụ. Mỗi người tù được hưởng chế độ 15 đồng một tháng cho vấn đề ăn uống và các vấn đề lặt vặt khác. Con số đã cao hơn nhà tù tạm thời Thanh Trì chỉ có 12 đồng, và các nhà tù ở cấp tỉnh.

        Lúa gạo, và các loại rau, củ do người tù trồng trọt chăm sóc, sản xuất hay mua từ các cửa hàng do chính quyền điều hành, quản lý. Gạo mua với giá 30 xu (0.3 đồng) một kilo, 4.5 đồng một tháng cho mỗi tù nhân, số tiền còn lại 10.5 đồng trang trải cho các thứ: rau củ, thịt, cá, hai bộ quần áo tù mỗi năm, dép (râu), tô ăn cơm, bàn chải, kem đánh răng, dầu thắp đèn, và thuốc lá.

        Thực phẩm cũng là một thứ vũ khí để kiểm soát tù nhân. Người nào hợp tác, chịu khó làm việc sẽ được hưởng số luợng thực phẩm nhiều hơn, tô ăn cơm to hơn, giá trị khoảng 18 đồng một tháng. Tuân theo lệnh của cai tù,cán bộ… sẽ được hưởng nhiều hơn những kẻ “cứng đầu”… Người tù nào không đáp ứng chương trình cải cạo, sẽ bị giảm bót phần ăn chỉ còn 12 đồng một tháng, phải ăn độn khoai.

        Người tù cứng đầu khó cải tạo có thể bị phạt cùm chân, theo lệnh của vị trưởng trại, Đại Úy Trịnh Văn Thích. Hình phạt này bắt đầu từ năm 1970, đúng vào dịp Tết cổ truyền của người Việt. Trong đêm Giao Thừa, tù biệt kích gom lại, ngồi uống trà, ăn bánh kẹo và nói chuyện. Đúng nửa đêm, họ giật mình nghe tiếng súng nổ bên ngoài trại tù, binh sĩ Quân Đội Nhân Dân đón mừng năm mới bằng những loạt súng tiểu liên AK-47, súng trường SKS bắn lên trời. Tiếp theo tù biệt kích trong phòng số 4 để ý tiếng súng thay pháo rồi hát bài Quốc Ca VNCH và bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống (Diệm). Trong vài phút sau nhiều toán quân an ninh võ trang cùng với cai tù chạy vào bên trong nhà tù trấn áp đám tù biệt kích.

        Một cai tù nhanh chóng mở cửa phòng số 4, bước vào bên trong phòng tối, la hét hỏi “Ai làm chuyện đó? Ai làm? Người nào? Ai ca hát… làm ồn ào? Ai là người chủ xướng?” Tiếp theo, cai tù quay mũi súng tiêu liên AK-47 xung quang căn phòng.

        Phạm Ngọc Ninh lên tiếng “Đó là Tiếp. Xem thử coi. Ông sẽ thấy, Tiếp là người chủ xướng.” Trần Văn Tiếp một biệt kích trong toán Hector, đang nằm trên sàn cho tù ngủ, ngồi dậy nghĩ thầm “tới đâu thì tới”. Anh hùng biệt kích Tiếp nhẩy xuống, bước ra giữa phòng.

        “Chính tôi.” rồi nói tiếp theo “Tôi là người chủ xướng.”

        Cai tù ra dấu cho Tiếp bước ra khỏi phòng rồi khóa cửa lại. Những người tù còn lại nghe ngóng biết cai tù dẫn Tiếp đi ra xa… Năm phút sau, họ nghe ba tiếng súng AK, đám tù biệt kích như đông cứng lại (nghĩ rằng họ đã bắn người bạn tù Trần Văn Tiếp), rồi tiếp theo tiếng Tiếp la hét vì bị đánh đập… như vậy anh ta vẫn còn sống. Anh hùng biệt kích Tiếp bị biệt giam cùm 45 ngày, vết sẹo nơi cổ chân vĩnh viễn ở lại với anh ta.

        Người bị cùm biệt giam kế tiếp là Trần Văn Tư. Không phải anh ta “quậy” chỉ vì đến không đúng chỗ, không đúng lúc (oan ơi ông Điạ!). Anh Tư là biệt kích trong toán (ngắn hạn) Strata 114, bị bắt ngày 28 tháng Sáu năm 1968 trong tỉnh Quảng Bình (Bắc Việt). Tù biệt kích Strata 114 được đưa đến trại tù Phong Quang trước toán biệt kích (dài hạn 34A) Hadley ít lâu.

        Vài ngày trước Tết Nguyên Đán, ông Thượng Sĩ coi tù Bội tươi cười nói với đám tù biệt kích, họ sẽ được chơi ping pong sau khi xong Tết Nguyên Đán. Được chơi đánh ping pong làm cho người tù phấn khởi, chờ đợi nhưng không có tin tức gì hơn. Họ không biết đó cũng là một phần trong chương trình cải tạo. Chưa một người tù biệt kích nào lên tiếng đặt câu hỏi, cho đến buổi sáng ngày mùng hai Tết, khi Thượng Sĩ Bội bước vào phòng giam tù binh, ông ta gặp Trần Văn Tư.

        “Thưa cán bộ” người tù biệt kích Tư lên tiếng “Hôm nay đã qua ngày mùng hai Tết, vẫn chưa thấy ai chơi đánh ping pong.”

        Ông Bội không trả lời Tư, tiếp tục bước đi quanh phòng rồi bước ra ngoài. Ông ta trở về bộ chỉ huy trại tù, làm phiếu phạt trình lên Thượng Úy Trực. Thay mặt Bộ Chỉ Huy trại, ông Trực ký thuận rồi chuyển lên trại trưởng Đại Úy Thích. Với chữ ký của cấp chỉ huy, Thượng Sĩ  Bội lại căn chòi lá của người tù hình sự được ở ngoài làm việc, gọi người tù hình sự tên Đại đi theo ông ta.

        Ông Bội cùng với Đại và mấy người tù nữa vào phòng chứa tù biệt kích Strata 114 Trần Văn Tự. Ông ta đọc to lệnh của bộ chỉ huy trại tù phạt Trần Văn Tư, ba mươi ngày (cùm trong khu kỷ luật). Hình phạt cùm một chân. Lý do phạt Trần Văn Tư, đương sự chỉ trích nhà nước (chính quyền) và lười biếng.

        Biệt kích Trần Văn Tư bị phạt chỉ vì “dám” hỏi ông Bội chuyện chơi Ping Pong? Anh Tư học được một điều trong trại tù miền Bắc Việt Nam… Đừng bao giờ “đòi hỏi”. Đọc xong lệnh phạt, ông Bội nghênh ngang nhìn Đại cùng đám tù hình sự lôi tù biệt kích Strata Tư vào khu vực biệt giam.

        Đến ngày thứ 30, ông Bội đến trước phòng giam người tù biệt kích hỏi.

        “Anh Tư, Anh có nhận tội của anh không?”

        Tư không trả lời hay không đủ khả năng trả lời… Ông Bội đóng sầm sánh cửa lại, khóa bên ngoài rồi đi thẳng lên bộ chỉ huy trại tù. Ông Thượng Sĩ Quân Đội Nhân Dân lại viết giấy xin gia tăng thêm 15 ngày vì tội “cứng đầu”. Đại úy Thích không hỏi lý do, nhanh chóng ký tên…

        Đến ngày thứ 45, cánh cửa phòng kỷ luật biệt kích Trần Văn Tư lại mở ra, người tù được lệnh trở về phòng giam cũ. Vết thương bị cùm chân chưa lành (đa số người bị cùm có vết sẹo … kỷ niệm), anh Tư đứng không vững, phải bò lết về buồng giam cũ và được các bạn tù biệt kích đỡ lên phần “giường” của anh ta. Mấy người bạn tù lau vết thương cổ chân anh Tư, bị cùm sắt cứa chẩy máu, vết thương làm độc có cả giòi bọ.

        Ngày 14 tháng Mười năm 1970, Lê Văn Ngung trưởng toán biệt kích Hadley bị phạt theo lệnh phạt “truyền thống” của trại tù. Ngung bị dẫn độ vào khu trừng phạt của trại tù cùm chân. Anh ta đã đoán biết trước… cũng đến phiên mình, lúc đó mới hiểu người tù bất khuất Mai Văn Tuấn bị trừng phạt như thế nào. Trong buồng nhỏ cùm chân kỷ luật người tù, Lê Văn Ngung đọc tên người tù mới nhất bị giam trước mình, bò lết trên vũng máu, viết bằng máu của mình “Mai Văn Tuấn, ngày 2 tháng Tám 1970” Đó là tất cả những gì còn lại của Mai Văn Tuần, người tù chết trong cùm sắt ngục tù cộng sản.

        Lê Văn Ngung bị cùm 30 ngày. Như những người bị cùm trước đó, đến ngày thứ 30, Trung Sĩ Thông đến khu kỷ luật, mở cùm, ra dấu cho anh Ngung bước ra, hỏi nguời tù có nhận tội không? Anh Ngung trả lời, không làm điểu gì sai quấy, phạm kỷ luật, và tên Thông lại báo cáo cùm Lê Văn Ngung thêm 15 ngày như người tù Trần Văn Tư. Lê Văn Ngung sống sót, nhưng Mai Văn Tuấn không may.

        Mai Văn Tuấn tình nguyện “biệt kích Mỹ” lúc còn dân sự, đơn vị Dân Sự Chiến Đấu (CIDG), canh phòng căn cứ huấn luyện Long Thành. Trong năm 1967, Tuấn quyết định gia nhập đơn vị biệt kích Strata, bị bắt lúc làm trưởng toán biệt kích, dò thám đường xâm nhập của quân đội Bắc Việt nơi hướng bắc khu vực phi quân sự trong tháng Năm 1968.

        Mới đầu, anh Tuấn cùng các toán viên Strata bị giam trong nhà tù Thanh Trì ngoại ô Hà Nội. Trong thời gian ở Thanh Trì, tù biệt kích đàm tiếu, Tuấn có vấn đề trong đầu (điên khùng, không được bình thường). Không ai biết tình trạng tâm lý của Tuấn thế nào, thực sự điên khùng hay giả bộ, tuy nhiên làm đám cai tù Thanh Trì gai mắt.

        Khi đám tù Strata (toán biệt kích của Tuấn) được đưa vào nhà tù Phong Quang cuối tháng Năm 1970, Tuấn bị cô lập ra khỏi toán tù binh Strata, cho vào khu kỷ luật cùm chân ngay tức khắc. Khắc nghiệt hơn, Mai Văn Tuấn bị cùm cả hai chân, bắt chéo nhau. Tù hình sự kể lại những ngày cuối cùng của Mai Văn Tuấn.

        Sau khi bị cùm hai tháng, Tuấn tuyệt thực phản đối. Một cai tù cảm thấy có điều gì không đúng, mở cửa buồng giam, tuyết phục Tuấn ăn uống để giữ sức khỏe, nhưng Tuấn từ chối. Mấy ngày sau, Đại Úy Thích cùng cán bộ cải tạo đến buồng giam khuyến khích anh Tuấn ăn uống, nhưng Tuấn vẫn từ chối. Ông Thích ra lệnh cho nhà bếp, nấu cơm có cả thịt, đem vào phòng giam Tuấn có mặt ông ta, đưa cho người tù Tuấn. Anh Tuấn cầm tô cơm tạt vào mặt Đại Úy Thích. Cánh đửa đóng sầm lại, khóa kỹ.

        Một, hai ngày sau, cai tù đến để biết người tù Mai Văn Tuấn cởi hêt quần áo (thường buổng giam kín, rất nóng bức), nằm trên đống phân nước tiểu của mình… Tuấn lặng lẽ ra đi, giã từ đồng đội, kiếp đọa đầy đêm ngày 2 tháng Tám năm 1970.

 

No comments:

Post a Comment