Sunday, July 21, 2024

70 Năm Di Cư (1954-2024) Bài 2: Nhắc lại Tom Dooley, ‘ân nhân của người Việt Nam’

 Bác Sĩ Tom Dooley (1927-1961) và một trẻ em ở Đông Dương, hình chụp năm 1954. (Hình: Hulton Archive/Getty Images)
 
Nói đến sự kiện di cư 1954, có nhiều nhân vật lịch sử, người Việt lẫn nước người, cần được nhắc, trong đó không thể không kể Tom Dooley, người được xem là ân nhân của người Việt vào thời điểm lịch sử hỗn loạn 1954.
Tom Dooley đã được nhắc trong quyển “Việt Nam 1954-1995” của Giáo Sư Lê Xuân Khoa và cả trong quyển “Khi đồng minh nhảy vào” của ông Nguyễn Tiến Hưng. Suốt từ giữa đến cuối thập niên 1950, Quân Y Sĩ Tom Dooley (tức Thomas Anthony Dooley III) là hình ảnh hiện thân lòng bác ái. Hỗ trợ y tế nhân đạo của ông ở các vùng nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đầu người Mỹ nhảy vào Đông Nam Á đã được ca ngợi hết lời. Tom Dooley đã được Tổng thống John F. Kennedy trao Huân Chương Vàng Quốc Hội (Congressional Gold Medal).
Trong “Việt Nam 1954-1995,” Giáo Sư Lê Xuân Khoa viết:
“Bác Sĩ Quân Y Thomas Dooley, một cứu tinh của dân tị nạn 1954, phục vụ trên chiếc tàu Montague của Hải Quân Hoa Kỳ, tham dự một chuyến cứu người vượt biển ở Vịnh Hạ Long trên một chiếc LSM của Pháp do Đại Úy Gerald Cauvin chỉ huy. Nhờ sự hướng dẫn của máy bay quan sát, chiếc tàu đã tiến đến vị trí của 14 chiếc thuyền buồm đang vật vã ở ngoài khơi. Đoàn thuyền này chở hơn 1,000 dân làng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, đã phấn đấu với sóng biển và đói khát trong năm ngày năm đêm mới tới được cửa biển Hải Phòng. Dân tị nạn kể cho Dooley biết rằng họ phải liều mạng ra đi vì không chịu được chính sách cải cách ruộng đất và những biện pháp cưỡng bách tinh thần và vật chất của Việt Minh. Họ đã phải bí mật chuẩn bị rất nhiều ngày trước khi đi trốn vào một đêm không có trăng…”
***
Tom Dooley sinh ngày 17 Tháng Giêng, 1927, tại St. Louis, trong gia đình có truyền thống Công Giáo La Mã nghiêm khắc. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học tại một trong những trường đại học Công Giáo nổi tiếng nhất nước Mỹ, Notre Dame ở South Bend, Indiana, nhưng bỏ học dang dở.
Năm 1944, khi Đệ Nhị Thế Chiến nổ ra, Dooley gia nhập Hải Quân. Sau chiến tranh, Dooley rời Hải Quân và trở lại Notre Dame vào năm 1946, nhưng một lần nữa cũng bỏ học. Sau đó Dooley vào Trường Y thuộc Đại Học St. Louis. Tốt nghiệp trường y năm 1953, ông tái nhập Hải Quân, trở thành quân y sĩ trên chiến hạm USS Montague, đến Việt Nam năm 1954, tham gia chương trình “Operation Passage to Freedom,” giúp đưa người tỵ nạn ở miền Bắc vào miền Nam.
Không chỉ là bác sĩ, Tom Dooley còn có tài viết lách. Nhờ công việc trên tàu USS Montague neo đóng tại Bắc Việt, Tom Dooley trở thành cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ khác nhau liên quan việc sơ tán đồng bào Bắc Việt.
Dooley được giới thiệu trên nhiều tờ báo, tạp chí, phim thời sự và đặc biệt các chương trình truyền hình, vốn bắt đầu trở thành nguồn tin tức ngày càng quan trọng đối với người Mỹ. Giữa những năm 1950, phần lớn gia đình ở Mỹ đều có tivi.
Bằng nhiều cách, Dooley trở thành gương mặt đại diện cho gần như toàn bộ hoạt động nhân đạo trong việc giải cứu đồng bào miền Bắc khỏi sự kìm kẹp của chủ nghĩa cộng sản. Đặc biệt, các ấn phẩm Công giáo có sức ảnh hưởng trở thành nơi đăng tải những câu chuyện mà Tom Dooley tường thuật từ Bắc Việt Nam, đến với hàng triệu người Công Giáo khắp nước Mỹ cũng như thế giới. Những bức thư Tom Dooley gửi về cho mẹ, bà Agnes, đã được hàng loạt tờ báo đăng lại, trong đó có tờ St. Louis Globe Democrat ở quê nhà của ông.
Tom Dooley thuật lại tất cả trải nghiệm, những gì tai nghe mắt thấy ở Bắc Việt, trong cuốn Deliver Us From Evil (Xin Cứu Chúng Con Cho Khỏi Sự Dữ), xuất bản vào Tháng Giêng 1956. Được đích thân Đô Đốc Hải Quân Arleigh Burke viết lời giới thiệu, cuốn sách lập tức gây chấn động nước Mỹ. Deliver Us From Evil kể lại chi tiết chiến dịch di tản “Passage to Freedom” của đồng bào miền Bắc và những tội ác kinh hoàng của Việt Minh.
Ông kể, những hành động tàn bạo của cộng sản “gần như luôn có ý nghĩa tôn giáo. Bây giờ tôi đã quen với việc cứu chữa những người đàn ông và phụ nữ chân yếu tay mềm có bộ ngực bị xén và thậm chí cả những đứa trẻ không có ngón hoặc bàn tay. Ngày qua ngày, tôi nhận ra rằng những hình phạt mà Cộng Sản gây ra là nhắm đến những người có đức tin vào Chúa”.
Trong một đoạn dài, Tom Dooley tả một linh mục bị treo chân và bị đánh đập tàn nhẫn vì tội dám cãi lệnh Việt Minh khi lén cử hành thánh lễ vào ban đêm. Khi Tom Dooley gặp, vị linh mục “nằm trên cáng tre, quằn quại trong đau đớn, môi mấp máy cầu nguyện. Khi tôi kéo tấm chăn bẩn ra, tôi thấy ông ấy chỉ còn là một khối thịt đen ngòm từ vai đến gối. Bụng cứng và căng, bìu sưng to như quả bóng. Tôi tiêm ông ấy một mũi morphine…”
Nguyệt san Reader’s Digest, tạp chí có lượng phát hành lớn nhất nước Mỹ vào thời điểm đó với 20 triệu độc giả, đã rút gọn Deliver Us From Evil còn 27 trang để mang câu chuyện lan xa hơn. Deliver Us From Evil xuất hiện trong danh sách sách bán chạy nhất và Tom Dooley trở thành nhân vật nổi tiếng toàn cầu. Nhiều câu-đoạn trong Deliver Us From Evil thậm chí được đưa vào các bài giảng tại một số nhà thờ. Cuốn sách được yêu cầu đọc ở một số trường Công Giáo. Hình ảnh Tom Dooley và những câu chuyện về cuộc đấu tranh chống Cộng của ông ở Đông Nam Á xuất hiện trên các tạp chí LIFE, Look và TIME. Thậm chí còn có một bài 10 trang về ông trên tuần san Maclean’s của Canada. Khi người Mỹ bật tivi vào năm 1959, Dooley dường như luôn có mặt.
Trước khi rời Việt Nam, Tom Dooley được tặng huân chương hai lần. Một lần ở Sài Gòn, được trao từ Tổng Thống Ngô Đình Diệm; và lần thứ hai từ Hải Quân Hoa Kỳ.
***
“Một đêm mùa Xuân năm ngoái, tôi nằm trằn trọc không ngủ trong không khí oi bức của Hải Phòng – một thành phố đang hấp hối ở Bắc Việt Nam, tự vấn một câu hỏi từng ám ảnh nhiều thanh niên Mỹ bị mắc kẹt ở những nơi xa xôi: “Tôi đang làm cái quái gì ở đây?”… Ngoài kia, trong trại tị nạn tạm bợ mà tôi dựng lên bằng những chiếc lều của quân đội Hoa Kỳ, có hơn 12,000 người Việt khốn khổ, bệnh tật và bị tàn phế thảm thương, hầu hết hoặc rất trẻ hoặc rất già. Họ đang chạy trốn Cộng Sản Bắc Việt, hy vọng đến được Sài Gòn, nơi mà sự an toàn mạng sống cũng là điều chưa ai dám chắc…”
“Tôi đang điều trị những căn bệnh mà hầu hết các bạn cùng lớp y khoa của tôi không bao giờ gặp trong đời; (tôi đang) thực hiện những ca phẫu thuật mà sách giáo khoa không bao giờ đề cập. Bạn làm gì với những đứa trẻ bị đũa đâm vào tai? Hay những bà cụ gãy xương đòn bởi bị đánh bằng báng súng? Hoặc những đứa trẻ có tai bị cắt bằng kìm?… Ở Notre Dame, các linh mục đã dạy tôi triết học. Nhưng ở đây, trong cái địa ngục Cộng Sản này, tôi đã học được nhiều sự thật đầy ấn tượng và thực tế hơn về bản chất thực sự của con người… Bây giờ tôi biết tại sao sự vô thần có tổ chức không bao giờ có thể tiêu hủy được ngọn lửa thiêng đang cháy rực ngay cả trong những con người khiêm hạ nhất.”
“Tất cả người dân Việt Nam đều mơ ước và đấu tranh cho tự do. Từ những người lao động vất vả trên đồng lúa, bán mặt cho đất bán lưng cho trời; những đứa trẻ trần truồng chơi nghịch trong gió mùa; những đứa bé bán trái cây trong những con lạch ngoài chợ quê; đến những người nghèo bị cụt chân tay… Tất cả đều có cùng một ước mơ: Tự do.”
(Trích từ Deliver Us From Evil – Xin Cứu Chúng Con Cho Khỏi Sự Dữ)
***
Năm 1959, một cuộc thăm dò của Viện Gallup xếp Tom Dooley ở vị trí thứ bảy trong danh sách những nhân vật được dân Mỹ ngưỡng mộ nhất, đứng trước cả tướng Douglas MacArthur. Cùng năm đó, Dooley phát hiện mình mắc ung thư. Khi Tom Dooley được nhắc đến như một niềm cảm hứng của nước Mỹ, trong bài phát biểu ngày 2 Tháng Mười Một, 1960 mà Tổng thống John F. Kennedy đọc khi đề xuất thành lập Peace Corps, vị trí Tom Dooley trong danh sách Gallup liệt kê những nhân vật được ngưỡng mộ vọt lên thứ ba, chỉ sau Dwight D. Eisenhower và Đức Thánh Cha Gioan XXIII (Đức Giáo Hoàng John XXIII).
Tom Dooley không sống lâu hơn để tận hưởng vinh quang. Ông qua đời ngày 18 Tháng Giêng, 1961, một ngày sau khi bước sang tuổi 34. Trong lễ tang Tom Dooley ở St. Louis, giữa trời tuyết trắng xóa, hàng ngàn người đã đến dự. Ngày 27 Tháng Năm, 1961, một nghị quyết Quốc Hội “ủy quyền cho tổng thống Hoa Kỳ truy tặng huân chương cho bác sĩ Thomas Anthony Dooley III” được thông qua. Ngày 7 Tháng Sáu, 1962, Huy Chương Vàng Quốc Hội (Congressional Gold Medal) dành cho Tom Dooley được Tổng thống J. F. Kennedy trao cho mẹ của ông, bà Agnes Wise Dooley.
Sau khi Tom Dooley chết, nhiều bài báo và nghiên cứu đưa ra cái nhìn khác về Tom Dooley, rằng ông đã dựng ra nhiều chuyện không có thực trong Deliver Us From Evil, ông chỉ là công cụ của CIA; và ông là người đồng tính… Bất luận thế nào, có không ít điều về Tom Dooley mà không ai có thể phủ nhận.
Ông là một chiến sĩ chống Cộng quyết liệt. Và những gì ông kể về Cộng Sản Bắc Việt có thể “phóng đại” như những người chỉ trích ông cáo buộc nhưng chắc chắn rằng, tội ác cộng sản cùng với những hành vi man rợ ngoài sức tưởng tượng thì không phải là điều không quen thuộc với những người Việt đọc sử giai đoạn Cải Cách Ruộng Đất (rồi sau đó là Nhân Văn Giai Phẩm sau 1954). Trong thực tế, những chuyện “bịa đặt” trong Deliver Us From Evil hoàn toàn không khác với thực tế lịch sử. Những chuyện rùng rợn khó tin mà cộng sản gây ra thời đấu tố Cải cách ruộng đất, từ chôn sống đến chặt đầu nạn nhân, hoàn toàn không phải là chuyện hư cấu.
Quan trọng hơn, những gì Tom Dooley viết đã cho thế giới phương Tây thấy diện mạo rõ hơn của cộng sản, ở thời nhiễu nhương khi mà cộng sản vẫn dễ dàng lừa bịp được không ít người, bởi lá bài kháng chiến cứu quốc của họ. Chính những gì Tom Dooley viết đã giúp dân Mỹ nói chung và giới chính trị gia Mỹ nói riêng ủng hộ nhiều hơn cho chiến dịch di tản người dân Bắc Việt chạy trốn ách cộng sản. Hẳn đó là lý do mà Giáo Sư Lê Xuân Khoa lẫn ông Nguyễn Tiến Hưng gọi Tom Dooley là ân nhân của người Việt.
 LTS: Nhật báo Người Việt mở mục “70 Năm Di Cư (1954-2024)” nhằm kỷ niệm biến cố sau khi Hiệp Định Genève có hiệu lực (21 Tháng Bảy, 1954) hàng triệu người từ miền Bắc di cư vào miền Nam theo tiếng gọi của Tự Do.

 Mạnh Kim

Xem Tiếp Phần 3

No comments:

Post a Comment