Tuesday, June 13, 2023

Nhớ Quê - Giòng Sông Vu Gia

Lâu lắm rồi tôi chưa về lại nơi này. Cái làng quê nghèo của một quận lỵ hẻo lánh dựa lưng vào dãy Trường Sơn. Nước từ thượng nguồn sông Vu Gia miên man xuôi về đông, rồi hoà vào dòng Thu Bồn, rẻ nhánh sông Hoài chảy êm đềm trong lòng phố Hội. Những dòng sông ấy mấy lần tôi đã theo cha mẹ bỏ quê ra đi, rồi lại quay về, rồi lại ra đi mãi mãi…

Thuở còn thơ, mỗi khi chiều xuống tôi cùng mấy đứa bạn trầm mình suốt buổi nơi bến sông này. Sông cạn khô, ra giữa dòng mà chỉ ngang đầu gối, nước trong veo, nhìn thấu đáy thấy đá sỏi và vài chiếc vỏ ốc nhỏ li ti. Nhìn lên bờ giữa những căn nhà xỉn màu ấy có nhà của tôi. Tôi nhớ từ nhà chạy một chút xíu là tới bến sông, tới cầu. Cách nhà cũng chỉ vài chục bước chân, sau những mái tranh cũ kỹ là cái chợ, mẹ tôi có một sạp bán bánh kẹo nhỏ nơi ấy. Mỗi sáng cắp tập đi học ê a lớp vỡ lòng, tôi thường ghé để mẹ cho vài cây kẹo, hoặc dăm chiếc bánh ăn trên đường hay vào trường chia với bạn bè. Mẹ tôi không học hành nhiều, chỉ đến lớp Năm thời Việt Minh rồi nghỉ phụ bà ngoại buôn bán. Cả đời mẹ là những chuỗi ngày hết buôn thứ này đến bán thứ kia, lặng lẽ, ít nói, chắt chiu chăm chút lo cho chồng và nuôi con. Mẹ tôi là người đàn bà duy nhất trên cuộc đời này, dù lúc tôi trắc trở đắng cay, hay thất vọng chán chường cũng luôn phảng phất bên cạnh hình bóng của bà. Người mà chẳng bao giờ đòi hỏi ở tôi điều gì, chỉ âm thầm nhìn theo đời con, thấy nó gian nan mà giấu nỗi xót xa chảy nước mắt vào trong lòng.

Quê tôi không xa lắm, mà nhiều lần muốn về thăm rồi lại thôi. Cảnh cũ không biết có thay đổi nhiều không, nhưng người xưa thì chẳng còn ai. Cứ nghĩ về lại chốn cũ, mà bà con họ hàng thì đã ra đi hết rồi, lòng chùng xuống không muốn về, nhìn cảnh cũ nhớ người xưa chỉ buồn thêm thôi!

Ngang thôn 14, Lộc Bình có căn nhà Nội xưa, nhớ những đêm nằm bên bà, nghe tiếng kể chuyện đời thì thào suốt đêm cho đến khi tôi chìm vào giấc ngủ. Nhớ hình ảnh mỗi sáng bà dắt tôi xuống bến, gởi tôi cho ông lái đò chở tôi qua sông về Lộc Vĩnh thăm ngoại. Nhớ những buổi chiều chạy lúp súp theo ngoại ra chợ quê bán trái cây ông hái được trong vườn. Hôm nào ngoại cũng mua cho tôi miếng bánh đúc, gói trong lá chuối. Hai bờ sông Vu Gia với hàng tre, cối xoay nước đã nuôi nấng tôi trong vòng tay của hai người bà thân yêu, chừ đã xa lắm rồi.

Nhìn lên những đồi sim ngày xưa, mà vào mùa, sau những cơn mưa, hơi đất ấm lên làm sim chín rộ, đám con nít tụi tôi kéo nhau lên đồi hái. Sim tím cả đồi, tím cả môi và tím hết quần áo. Trên những ngọn đồi ấy bây giờ nghe nói sim chẳng còn bao nhiêu mà chỉ toàn là mộ, những người đã chết oan uổng trong trận đánh ác liệt năm xưa để “giải phóng”. Tàn chiến trận xác người la liệt khắp ruộng vườn, trong đó có cô Hai, cô Tư, sống cô độc nên rất thương tôi (chồng, con đã thoát ly vô bưng). Có bác Bảy mà mỗi mùa mưa bão, lặn lội lên nhà cõng tôi vượt qua sông với dòng nước chảy xiết ngang ngực, về Lộc Bình tránh lụt. Nhớ bao người thân bây giờ đã không còn. Nhớ những đứa bạn ngày xưa mỗi chiều cùng tắm sông, đã chết trong những năm tháng đó và trong trận chiến khốc liệt cuối cùng năm ấy. Theo bên này phe kia, anh em bạn bè cầm súng đạn của Tàu, Nga, Mỹ bỏ xác trên Trường Sơn, trong đồn, phơi thây vất vưởng dưới sông, bên bờ ruộng, chắc cũng đã là những nấm mộ im lìm trên đồi sim, hay lưu linh lạc địa nơi nào đó khắp bốn phương trời.

Một lần về ngang Tuý Loan tôi quay lại, một lần tới Ái Nghĩa cũng không chịu nỗi sự ray rức khó tả trong lòng đành quay lui. Ai đi xa về lại chốn xưa, thấy cảnh cũ mà những người một thời gần gũi với mình nay không còn nữa mới thấm hết tâm trạng của kẻ trở về cô đơn. Người đi để cho người ở lại những khoảng trống mang đầy hình bóng kỷ niệm, mà không gì có thể lấp đầy. Tôi sợ không chịu nỗi khi phải nhìn lại những khoảng trống ấy… nên quay đi.

Dừng chân ở Vĩnh Điện rồi vô Hội An. Thuở xa xưa đi lại khó khăn, không có phương tiện nào khác ngoài đi ghe, nên những người buộc phải bỏ quê ra phố Hội làm ăn sinh sống, mỗi lần muốn về là rất gian nan, nên họa hoằn lắm mới thu xếp về được. Không xa ở địa lý mà cách trở vì phương tiện, như ngày xưa chỉ đầu sông Tương với cuối sông Tương mà Lương Ý Nương và Lý Sinh phải khóc hết nước mắt cho cảnh xa cách chia lìa. Vì thế những người con xa quê, cùng uống nước dòng sông Thu Bồn nhưng cách xa, quê nhà đầu sông mà thân lưu lạc cuối sông nên lòng luôn khắc khoải nỗi nhớ mong, rồi đặt tên cho khúc sông chảy qua phố Hội là Hoài (hoài hương), và dòng sông chảy trên quê nhà là Vu Gia (về nhà). Tôi đã mấy lần theo cha mẹ, xuống bến sông Hoài gần chùa Cầu để về quê, và cũng đã mấy lần rời bến sông Vu Gia mà bỏ quê xuôi lại phố Hội.

Tình hoài hương luôn thấm đẫm trong lòng của những người con xa xứ. Nhớ nhiều lắm là quê hương thuở còn trẻ thơ ngây dại.

Phan Thanh Trà

1 comment:

  1. Nơi đây nhiều chiến hữu của tôi không về !!!!

    ReplyDelete