Thursday, November 2, 2023

Chuyện Con Rệp - Đỗ Quân

Nếu dùng xe bus, xe điện hoặc subway của hệ thống TTC (Toronto, Canada) để di chuyển, thường xuyên hay thỉnh thoảng, bạn sẽ ngần ngại mỗi khi đặt bàn tọa lên một cái ghế. Vừa rồi, một TikToker vừa đưa lên mạng một video kinh dị. Video đó, được gần nửa triệu người theo dõi TikTok – và có thể hơn nữa vì đã có không ít người chuyển tới chuyển lui, có nội dung về một sinh vật bé chút xíu nhưng dễ sợ: Con Rệp. Nó bò trên tấm lót màu đỏ của ghế trên một toa tàu điện thuộc Line 1 (Yonge-Finch)
TikToker này đã có lời bàn: “Anh chàng này bay tuốt từ Paris sang đây.” Chàng này muốn nhắc đến cái tin làm rung chuyển Âu châu trong Paris Fashion Week — tuần lễ Thời Trang Ba lê, cũng về chuyện có rệp trên hệ thống vận chuyển công cộng của Thủ đô Ánh sáng. Những video, cái rõ, cái mờ, về hình ảnh của rệp bò trên ghế xe bus, ở phi cảng, trong rạp xi nê … đột nhiên xuất hiện đầy trên mạng.
Nhiều đến mức chính phủ Pháp phải lên tiếng. Sau khi quả quyết rằng sẽ làm tới nơi tới chốn để chống lại sự phát triển tràn lan của loại bọ hút máu này trong thành phố, bà phó Thị trưởng Paris thú nhận: “Không có ai an toàn cả. Bạn có thể dính chúng ở bất kỳ nơi nào rồi mang về nhà, và không phát giác ra chúng cho tới khi chúng sanh sản đùm đề và lan ra khắp nơi.” Phó thị trưởng Paris đang kêu gọi chính phủ Pháp giúp đỡ để đối phó với sự lây lan của rệp.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Pháp, ông Clément Beaune, cho biết trong những tuần gần đây đã có khoảng 10 trình báo của khách du lịch về rệp trên các toa xe của công ty giao thông công cộng Paris RATP và 37 báo cáo về rệp trên xe của công ty thiết lộ quốc gia SNCF.
Ông Bộ trưởng thông báo rằng sau hàng chục báo cáo về sự xâm nhập của rệp, chó đánh hơi đã chính quyền đã được sử dụng tìm rệp trên các đoàn xe lửa của Pháp và tàu điện ngầm Paris, nhưng cho đến nay vẫn…chưa tìm thấy một con rệp nào.
Về phía Toronto, Stuart Green, một phát ngôn viên của hệ thống TTC thừa nhận rằng trong khi các phương tiện của họ được dọn dẹp vệ sinh hàng đêm, thỉnh thoảng vẫn có rệp xâm nhập.
Stuart Green viết trong một email gửi giới thông tấn: “Mặc dù không phổ biến trên TTC, nhưng đây là điều mà các cơ quan vận tải công cộng trên toàn thế giới phải giải quyết”.
Theo Bộ Y tế Canada, rệp có thể sống từ vài tuần đến một năm rưỡi mà không cần hút máu người và động vật. Tuy nhiên, vì thứ bọ này không thể dễ dàng leo lên các bề mặt kim loại hoặc bóng loáng cũng như không thể bay hoặc nhảy nên chúng khó có thể cư ngụ lâu dài trên các toa xe của TTC.
Green nói: “Chúng tôi hy vọng rằng nếu người ta nhìn thấy [một con rệp], họ sẽ nhanh chóng báo cáo để chúng tôi có thể khử trùng phương tiện đúng cách”.
Mặc dù việc nhìn thấy rệp trên TTC có thể đáng báo động, nhưng sẽ ít ngạc nhiên hơn khi bạn cho rằng Toronto đã đứng đầu danh sách ‘thành phố có rệp’ tồi tệ nhất ở Canada của Orkin trong vài năm qua. Hồi tháng 3, công ty kiểm soát sinh vật gây hại (pest control) Orkin Canada đã công bố bảng xếp hạng 25 thành phố hàng đầu của Canada có tình trạng nhiễm rệp tồi tệ nhất. Toronto đã đứng đầu danh sách này năm thứ tư liên tiếp.
Rệp - từ xưa đến nay
Chưa bao giờ thông tin lại lếu láo như lúc này. Trong số những nguồn tài liệu để kể chuyện rệp, đương nhiên ở trên mạng, người kể chuyện đã gặp một trang mạng của một công ty trừ diệt côn trùng trong nước. Trang này viết một cách rất …tự hào dân tộc rằng: “Rệp giường hay còn gọi là Bedbug là côn trùng ngoại lai.
– Chủ yếu từ khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam.
– Gần đây chúng đã xuất hiện tại các phòng ngủ khách sạn, nhà nghỉ, du thuyền, tầu du lịch..” (kiemsoatcontrungchaua.com/kiem-soat-rep-giuong-bed-bug)
Trời đất!
Đâu có gì để phải mắc cở khi nhận rằng rệp có ở Việt Nam, và đã có từ lâu lắm.
Những người từng cư trú dài ngắn ở những nơi người ta phải sống tập thể, trong những điều kiện vệ sinh không lấy gì làm cao cho lắm, đều biết tới nó.
Không rõ ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước 75 văn minh như thế nào (nghe nói chỉ có rận?), nhưng ở miền Nam, thời đó chuyện rệp rất bình thường. Những đấng mày râu từng là khách của các quân trường, trung tâm huấn luyện đều biết mặt, biết tên chúng. Như ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung chẳng hạn. Thời đó trung tâm này còn dùng các giường đôi bằng gỗ. Những tân khóa sinh vào những ngày cuối tuần không được đi phép đều mong cho trời nắng để khiêng vạt giường, thậm chí cả khung giường ra sân mà diệt rệp. Có khi chỉ cần gõ hai ba cái, cả một dòng họ rệp đã rớt đầy sân đại đội như thể người ta vừa đổ xuống sân một lon hạt mè.
Trong văn chương truyền khẩu và phiếm luận của người Việt cũng có rất nhiều giai thoại về “số con rệp”. Có vị còn nói rằng nó là con thứ 13 trong từ vi, đứng sau con Heo. Cái số phận ẩm hiu, xui xẻo phải chui rúc, ẩn núp trong bóng tối, chỉ dám chun ra để kiếm miếng ăn để rồi hốt hoảng khi ánh sát phựt lên hoặc dẹp lép khi bị đập một cái bép. Mục tử vi của các báo không dám đăng phần đoán số cho con giáp này vì sợ độc giả thấy toàn xui xẻo, đen tối không thèm đọc báo nữa.
Chuyện con Rệp
Con rệp đã “chung chăn gối” với loài người biết đến từ lâu lắm, nói cho đúng là từ khi có sử sách vì trước đó, trong các truyện thần thoại và huyền thoại không thấy nói tới chúng. Những nhà khảo cổ học đã tìm thấy xác rệp trong các ngôi mộ Ai Cập có niên đại hơn 3.500 năm. Nhưng chúng đến từ bao giờ, từ đâu? Các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về tổ tiên rệp sớm nhất, nhưng một trong những lý thuyết hàng đầu về sự xuất hiện của rệp thời hiện đại là chúng tiến hóa cùng với loài dơi. Theo Coby Schal, một nhà côn trùng học đô thị tại Đại học tiểu bang North Carolina thì “Khoảng 200.000 năm trước, khi con người sống chung trong hang động với dơi, một dòng rệp đã gắn liền với con người” và khi con người không còn sống trong hang nữa, dòng (rệp) đó cũng đi theo.”
Rệp thuộc họ côn trùng Cimicidae, họ này bao gồm khoảng 100 loài bọ ký sinh nhỏ ăn động vật máu nóng. Chỉ có ba loài trong số này thường cắn người, loài phổ biến nhất được gọi là Cimex lectularius. Loài Cimex hemipterus, thường thấy ở vùng nhiệt đới.
Rệp trưởng thành có màu nâu hồng, không có cánh và dài khoảng 7mm. Chúng thường bị nhầm lẫn với các loài hút máu khác, chẳng hạn như bọ chét. Tuy nhiên, có thể được phân biệt được qua thân hình, rệp dẹt phẳng trong khi bọ chét tròn trịa. Rệp chu du thiên hạ bằng cách bám vào quần áo, giày dép, hành lý để quá giang.
Con vật khốn khổ này bị hàm oan, chúng không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Chúng chỉ làm cho người ta khó chịu – và mắc cở, nhưng chúng không không phải là trung gian truyền bệnh gì ngoài việc gây ngứa ngáy khó chịu, và dị ứng, nhiễm trùng – do lỗi của khổ chủ gãi quá tay,
Một nỗi oan ức khác – nhưng oan cho người bị dính rệp, là “ở dơ nên có rệp”. Không phải do ở dơ, rệp lây lan ở những nơi có mật độ dân số cao.
Rệp sống ở những nơi tối tăm, kín khuất như đường nối của nệm hoặc vết nứt trên tường. Chúng hoạt động mạnh vào khoảng từ 1 giờ đến 5 giờ sáng, giờ người ta ngủ say nhất. Chúng bị hấp dẫn bởi nhiệt tỏa ra và carbon dioxide (CO2) từ ký chủ – tức là bạn. Khi rệp tìm thấy mục tiêu, tức là một sinh vật máu nóng như bạn chẳng hạn, chúng đâm một ống giống như kim gắn trên đầu vào da để hút máu ấm. Nó cũng tiêm một loạt protein vào vị trí vết cắn, những thứ này gây tê và chống đông máu. Thời gian “ăn sáng” của rệp kéo dài từ 3 đến 20 phút, sau khi no nê, chiều dài và trọng lượng của con rệp có thể tăng từ 50% đến 200%. Mặc dù rệp không được biết là mang mầm bệnh nhưng nước bọt của chúng có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người, dẫn đến nổi mụn lớn và ngứa. Nhưng có những người mà da của họ không có phản ứng gì cả, thế nên họ có thể sống chung với rệp mà hoàn toàn không biết. Một con rệp đã no đủ có thể sống trong một năm cho đến bữa ăn tiếp theo của nó, do đó, những nơi, thứ bị nhiễm rệp mặc dù không được sử dụng cả năm trời có thể vẫn còn là một ổ chứa rệp.
Cuộc chiến chống rệp:
Người thua
Trở lại với chuyện rệp ở Paris, Zachary DeVries, một chuyên viên về côn trùng tại đô thị ở trường Đại học Kentucky, cho biết: “Tôi đoán là họ đã gặp vấn đề về rệp trong một thời gian rất dài”. Ông giải thích thêm rằng mấy con rệp ở Paris “không chỉ xuất hiện trong Tuần lễ thời trang” mà vào dịp đó có người đã tình cờ nhìn thấy nó và thu hút sự chú ý đến nó… Đúng nơi, đúng lúc—hoặc trong trường hợp của họ, có thể sai nơi, sai lúc.”
Trên thế giới không nơi nào là không có rệp. Lấy thí dụ ở Bắc Mỹ, nếu rảnh, bạn thử tìm trên internet mà xem, hầu như mọi thành phố ở Canada và Hoa Kỳ nơi nào cũng có các tài liệu của Sở Y tế Công cộng hướng dẫn về rệp (còn được cẩn thận dịch ra nhiều thứ tiếng). Trước thập niên 1950, khoảng 30% ngôi nhà ở Hoa Kỳ có rệp.
Trong suốt lịch sử, con người đã thực hiện vô số nỗ lực để kiểm soát sự bùng phát của rệp. Một trong những nỗ lực thành công nhất là trong Thế chiến II, khi thuốc trừ sâu DDT (hiện đã bị cấm) được dùng rộng rãi để diệt côn trùng. Hóa chất này ban đầu có tác dụng đặc biệt trong việc ngăn chặn sự bùng phát của rệp. Việc phát minh ra máy hút bụi và thiết kế đồ đạc trong nhà giản dị hơn cũng có thể góp phần. Nhưng đến thập niên 1990, rệp lại tái xuất với một một quần thể rệp mới miễn nhiễm với DDT bắt đầu lan rộng.
Theo Giáo sư DeVries thì đây là vấn đề của thuốc trừ sâu, khi người ta diệt không sạch côn trùng, những con còn sót lại sẽ phát triển khả năng kháng thuốc. Điều này tương tự như các vi khuẩn phát triển khả năng kháng thuốc kháng sinh trong thế giới y tế.
Vấn đề còn phức tạp hơn, du lịch toàn cầu đã phát triển trong những thập niên gần đây, khiến rệp có thể lây lan khắp thế giới và tìm vật chủ mới mỗi ngày. Kết quả là quần thể rệp đã tăng mạnh trong thời gian này và nhiều loài côn trùng hiện có khả năng kháng lại nhiều loại thuốc trừ sâu trên thị trường rất cao. Biện pháp diệt hữu hiệu mà không dùng hóa chất là nhiệt vì rệp sẽ chết nếu chúng tiếp xúc với nhiệt độ trên khoảng 45 độ C trong 90 phút trở lên.
U.S. National Pest Management Association (Hiệp hội Quản lý Dịch hại Quốc gia Hoa Kỳ) báo cáo số lượng cuộc gọi trừ rệp đã tăng 71% từ năm 2000 đến năm 2005. Số lượng sự vụ được báo cáo chỉ riêng ở thành phố New York đã tăng từ 500 vụ năm 2004 lên 10.000 vụ năm 2009. Năm 2013, Chicago được xếp vào danh sách thành phố có nhiều ổ rệp nhất ở Hoa Kỳ. Hội đồng thành phố Chicago đã phải thông qua một sắc lệnh kiểm soát rệp để hạn chế lây lan. Ngoài ra, rệp còn di chuyển đến những nơi mà chúng chưa từng lập nghiệp trước đây, chẳng hạn như miền nam Nam Mỹ.
Sự gia tăng lây nhiễm rất khó theo dõi vì sự lây nhiễm của rệp không phải là một vấn đề dễ nhận biết và mọi người cũng không nói về nó. Hầu hết các báo cáo về rệp được ghi nhận đến từ các công ty pest control, chính quyền địa phương và chuỗi khách sạn. Vấn đề có thể nghiêm trọng hơn vì có những trường hợp – ở tư gia, vì một lý do nào đó không được báo cáo.
Trong những năm gần đây, rệp bùng phát ở hầu hết các thành phố lớn, bao gồm cả Thành phố New York và Hồng Kông.
Đẻ như rệp!
Một con rệp thường chỉ sống được vài tháng, hoặc trong một số trường hợp có thể lên đến một năm. Nhưng theo DeVries, đó là khoảng thời gian đủ để “rệp số” bùng nổ. Rệp có tiếng về khả năng sinh sản nhanh chóng, với con cái đẻ từ 200 đến 500 quả trứng trong suốt cuộc đời, có thể kéo dài từ bốn tháng đến gần một năm của nó.
Cách giao phối của rệp được coi là dã man. Trong khi rệp cái có bộ phận sinh dục đầy đủ chức năng, nhưng rệp đực không xài đến con đường đó. Nó đâm dương vật hình liềm của nó vào bụng con cái và tiêm tinh trùng trực tiếp vào cơ thể con cái. Tinh trùng đi qua hệ thống tuần hoàn mở của con cái vào buồng trứng, nơi trứng được thụ tinh.
Sau cuộc giao cấu đầy bạo lực này, con cái thường đẻ từ một đến bảy quả trứng mỗi ngày, trứng nở thành nhộng. Nhộng sẽ phải trải qua năm giai đoạn lột xác và tăng trưởng khác nhau trước khi đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, chúng phải ăn một bữa máu trước khi hoàn thành mỗi lần lột xác.
Giải quyết thế nào khi phát giác rệp?
Danh sách hàng năm của công ty trừ côn trùng gây hại (pest control) Orkin Canada về các thành phố có nhiều rệp nhất trong năm qua – dựa trên số lượng các job mà họ đã lãnh, cho thấy 15 trong số 25 thành phố đó là ở Ontario.
Kurtis Brown, một nhà côn trùng học của công ty Orkin Canada cho biết các thành phố lớn nhất thường có nhiều vấn đề về rệp nhất vì có nhiều vật chủ ở gần hơn để côn trùng di chuyển đến. Bởi vậy, không có có gì đáng ngạc nhiên khi Toronto và Vancouver đứng đầu danh sách này.
Vì rệp thường hút máu con người nên chúng thường được tìm thấy ở bất cứ nơi nào chúng ta tụ tập.
Nếu lỡ xui nhà bạn có rệp, phải làm gì đây? Hãy bình tĩnh, đừng đi tìm thủ phạm mang rệp về nhà để lên án. Người ta có thể dính chúng ở mọi nơi có đông người tụ tập và sinh hoạt, từ các chúng cư, các toa xe lửa, tàu điện ngầm, xe bus, máy bay, rạp chiếu phim đến các văn phòng. Chẳng lẽ chỗ nào cũng phải đứng?
Nếu có đủ khả năng – tức là tiền, hãy gọi cho một công ty pest control.
Khi đến, việc đầu tiên nhân viên của họ làm là đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Đôi khi, họ phải dùng loại đến chó, loại đã được huấn luyện để đánh hơi tìm rệp.
Sau đó, các chuyên viên sẽ sử dụng các công cụ như máy hút bụi có bộ lọc HEPA, thuốc trừ sâu và các dụng cụ phát nhiệt để tiêu diệt rệp trong mọi giai đoạn phát triển.
Dĩ nhiên là hóa đơn của họ không rẻ. Người không đủ sức chi có thể tự mình thử sức. Đầu tiên hãy dọn dẹp khu vực ngủ để tìm rệp. Mắt thường có thể nhìn thấy những con bọ có kích thước bằng bọ rùa hoặc hạt táo này, nhưng phải săm soi thật kỹ.
Các căn cứ địa của rệp bao gồm nệm, phía sau ván chân tường, trong các đường nối hoặc giữa đệm của ghế sofa và ghế, tủ đầu giường, bên dưới khung tranh ảnh và trong nếp gấp của rèm cửa.
Bạn có thể dùng các công cụ đơn giản như máy hút bụi để hút chúng khỏi những nơi trú ẩn này. Nếu muốn dùng thuốc trừ sâu, hạy đọc kỹ nhãn sản phẩm.
Nhưng ông Brown cảnh cáo rằng một số phương pháp trị rệp tại nhà, nếu thực hiện không đúng cách, có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bằng cách xua lũ rệp đến một khu vực khác trong nhà.
Nếu rệp đang trong giai đoạn bùng phát, bạn có thể làm một số việc để giảm bớt tình trạng này: gom các tấm trải giường, rèm cửa và quần áo giặt bằng nước nóng và sấy khô ở độ nóng cao nhất của máy sấy.
Nhà côn trùng học Zachary DeVries nói: “Cách tốt nhất để không có rệp là mua một cái cabin trong rừng và trốn ở đó luôn…” Nhưng ông nói thêm “nhưng sau đó bạn sẽ bỏ lỡ mọi lạc thú của cuộc đời. Đừng mang theo sự hoang tưởng bên mình. Nó sẽ không giúp ích gì cho bạn và suy cho cùng, chúng chỉ là mấy con bọ và chúng ta có thể kiểm soát và giải quyết chúng vào thời điểm này.”
Đỗ Quân
 

1 comment:

  1. trích =>Nhà côn trùng học Zachary DeVries nói: “Cách tốt nhất để không có rệp là mua một cái cabin trong rừng và trốn ở đó luôn…” Nhưng ông nói thêm “nhưng sau đó bạn sẽ bỏ lỡ mọi lạc thú của cuộc đời. Đừng mang theo sự hoang tưởng bên mình. Nó sẽ không giúp ích gì cho bạn và suy cho cùng, chúng chỉ là mấy con bọ và chúng ta có thể kiểm soát và giải quyết chúng vào thời điểm này.”
    Đỗ Quân
    --------------------------------------
    STD_SOG
    Điều này rất đúng cho những ai....từng ở tù CS! Chỉ những khi cán bộ quản jáo ra lệnh đám tù, đem hết đồ đạc ra ngoài đất trống để kiễm soát coi có zấu vật zụng bị cấm theo nội wy, thì đám rệp bị động và bị nắng nên mới bò đi
    {có khi hơn nữa ngày mới khám xét xong}.Nhưng sau đó trứng rệp lại fát triển mau lẹ thành con.....cứ thế và cứ thế....!!!

    ReplyDelete